Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/04/2021

Đâu là sức mạnh của ASEAN khi đối phó với Trung Quốc ?

Ngô Nguyễn Tường Duyên

Mối đe dọa mang tên Trung Quốc

Với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng, Trung Quốc đã trở thành kẻ bắt nạt hoặc bá chủ trong khu vực, đặc biệt ở khu vực Biển Đông. Trung Quốc tự ý tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích biển Đông và một phần nhỏ biển Bắc Natuna của Indonesia dựa trên bản đồ "đường 9 đoạn" gây tranh cãi. Điều này đi ngược lại luật biển quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

asean1

Hình minh hoạ. Dương Khiết Trì - Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại sự Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc phát biểu tại lễ khai mạc ASEAN Trung Quốc Expo ở Nam Ninh hôm 27/11/2020 - AFP

Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei là các bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển Đông với Trung Quốc. Indonesia không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở khu vực này, song Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với một phần vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia tại biển Bắc Natuna.

Đã có những thời điểm đen tối trong lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhiều quốc gia Đông Nam Á không hoàn toàn tin tưởng vào Trung Quốc. Bắc Kinh đã can thiệp vào các cuộc chiến tranh Đông Dương và giúp đỡ các phong trào cộng sản ở Đông Nam Á trong những năm 1960-1970.

Do đó, Indonesia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong giai đoạn 1967-1990. Philippines chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1975. Trước đó, Manila coi Bắc Kinh là mối đe dọa an ninh. Tương tự, Malaysia và Thái Lan cũng lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1974 và 1975. Brunei chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1991, do có các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa cộng sản và người gốc Hoa.

Trung Quốc là nước đầu tiên sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nhằm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 2012, Trung Quốc cũng chiếm đóng trái phép bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố thuộc quyền chủ quyền của họ. Các tàu chấp pháp của Trung Quốc thường xuyên quấy rối ngư dân Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Bắc Kinh cũng đe dọa và ngăn cản các hoạt động thăm dò năng lượng và đánh bắt cá bên trong vùng đặc quyền kinh tế của của Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất ở biển Đông, xây dựng trái phép một số đảo nhân tạo ở vùng biển này và biến một vài đảo trong số đó thành các cơ sở quân sự. Các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh đang gây ra mối đe dọa lớn đối với tự do hàng hải và hàng không quốc tế tại biển Đông. Với các hành vi cưỡng ép và bắt nạt của mình ở vùng biển này, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa lớn đối với hòa bình, sự ổn định và đoàn kết của ASEAN. Cho đến nay, Trung Quốc không khác gì "cáo già đội lốt thỏ non". 

Lợi dụng và chèn ép ASEAN

Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3.110 tỷ USD và dân số 673 triệu người, khu vực ASEAN đang phát triển nhanh chóng và là thị trường béo bở đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã và đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình dưới hình thức thương mại, đầu tư, viện trợ, cho vay và nguồn khách du lịch để tác động đến các nước như Campuchia, Lào và Myanmar. Trung Quốc vẫn đang tìm cách chia rẽ ASEAN thông qua ba quốc gia này trong một số trường hợp. Song câu hỏi thực sự là ASEAN phụ thuộc vào Trung Quốc hay Trung Quốc phụ thuộc vào ASEAN ?

Trung Quốc là quốc gia duy nhất đã khai thác tất cả các điểm yếu của ASEAN kể từ khi bắt đầu thiết lập quan hệ với khối này vào năm 1991 trong vai trò đối tác đối thoại. Trung Quốc thường xuyên ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược của mình với ASEAN, song mục tiêu thực sự của họ là sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để cưỡng ép một số nước thành viên của khối.

Năm 2021, Trung Quốc và ASEAN sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác. Trong một bài phát biểu năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh : "Mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã phát triển thành mô hình hợp tác thành công và sôi động nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là hình mẫu trong nỗ lực xây dựng cộng đồng nhân loại chung vận mệnh".

Trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã nổi lên thành một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN, từ đối tác đối thoại toàn diện vào năm 1996 đến đối tác chiến lược của ASEAN vào năm 2008. Trung Quốc và ASEAN đã ký thỏa thuận thương mại tự do vào năm 2002 để thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực vào năm 2010. Trong 12 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng phát triển và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân với ASEAN đã có những bước phát triển vượt bậc.

Vai trò của ASEAN đang nổi lên

Sau 30 năm duy trì quan hệ với Trung Quốc, ASEAN đã trở thành thị trường và đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đồng thời, ASEAN cũng đã có ảnh hưởng kinh tế đối với Trung Quốc. Điều này diễn ra vào một thời điểm khó khăn. Một mặt, cả thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, dẫn đến cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế trên toàn cầu. Mặt khác, Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến thương mại do Mỹ – thị trường lớn nhất của Trung Quốc – phát động. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã trở thành đối tác khó nhằn đối với Trung Quốc.

asean2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trên màn hình tại lễ khai mạc ASEAN Trung Quốc Expo ở Nam Ninh hôm 27/11/2020. AFP

Trung Quốc đã tìm thấy ở ASEAN một thị trường quan trọng và có tính chiến lược để thay thế thị trường Mỹ và EU. Bắc Kinh đã có những nỗ lực phi thường để thâm nhập thị trường ASEAN và đã có được thành công. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng từ 641,46 tỷ USD vào năm 2019 lên mức kỷ lục 731 tỷ USD vào năm 2020 – tương đương mức tăng ấn tượng là 7%.

Với GDP 14.120 tỷ USD và dân số 1,44 tỷ người, Trung Quốc có thể được xem là thị trường hấp dẫn đối với tất cả các nước khác, bao gồm cả các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy ASEAN không thể hưởng lợi nhiều từ Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cho vay hoặc nguồn khách du lịch.

Chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ mọi thứ để mang lại nhiều lợi ích nhất cho chính mình, chứ không phải cho ASEAN. Các nước ASEAN được hưởng lợi từ thị trường khổng lồ của Trung Quốc nhưng lại không có đủ năng lực và sản phẩm để thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã được hưởng thặng dư thương mại khổng lồ với một số nước ASEAN. Từ năm 2010, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường ASEAN nhờ ACFTA. Cũng từ năm đó, hầu như tất cả các nước ASEAN đều phải chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Ví dụ, năm 2019, Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại 77,58 tỷ USD với ASEAN.

Điều đáng ngạc nhiên là ASEAN là nhà đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc nếu xét về tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Ví dụ, năm 2019, tổng vốn FDI của các nước ASEAN đổ vào Trung Quốc đạt 124,61 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với mức đầu tư 112,3 tỷ USD của Trung Quốc đổ vào ASEAN trong cùng năm. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổng vốn FDI vào ASEAN đã sụt giảm 31% xuống còn 107 tỷ USD vào năm 2020.

Giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, đang phát triển nhanh chóng. Năm 2019, 169 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài, trong khi lượng khách quốc tế đến thăm Trung Quốc cũng lên đến 145,31 triệu người. Điều thú vị là lượng khách du lịch ASEAN tới thăm Trung Quốc cao hơn lượng khách du lịch Trung Quốc đến thăm các nước ASEAN. Ví dụ, năm 2019, 32,28 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến thăm các nước ASEAN, trong khi lượng khách du lịch ASEAN đến thăm Trung Quốc là 32,72 triệu người. Đây là điều bất lợi đối với ASEAN trong bối cảnh khối này phải đối phó với Trung Quốc trong các vấn đề phi kinh tế.

ASEAN cần phải làm gì ?

Các quốc gia ASEAN luôn e ngại sức mạnh từ Trung Quốc, chính vì thế Trung Quốc đã luôn hành xử theo cách "khoe cơ bắp" đối với các quốc gia khu vực này. Năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó là Dương Khiết Trì đã "ngạo nghễ" tuyên bố "Trung Quốc là một nước lớn, lớn hơn tất cả các nước Đông Nam Á cộng lại, và đó là một thực tế".

Trong tình hình hiện nay, Mỹ, EU, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đang thách thức ảnh hưởng và các hành vi ép buộc của Trung Quốc ở biển Đông. Điều không may là các nước ASEAN lại không nhận ra rằng thực chất Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào khối này. Kể từ năm 2020, ASEAN đã trở thành thị trường lớn nhất của Trung Quốc. Đầu tư của ASEAN vào Trung Quốc lớn hơn nhiều so với đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN. Số khách du lịch ASEAN đến thăm Trung Quốc nhiều hơn số du khách Trung Quốc đến thăm ASEAN. Đã đến lúc ASEAN cần sử dụng đòn bẩy kinh tế mới này để chế ngự một Trung Quốc đang tỏ ra hung hăng. ASEAN không được để Trung Quốc ra lệnh cho mình.

Cho đến nay, Trung Quốc đã và đang thu được những lợi ích to lớn từ ASEAN. Vì vậy, các nước ASEAN cần phải suy nghĩ về cách thức cân bằng thương mại với Trung Quốc và cùng nhau tìm kiếm các lợi ích chung trên cơ sở bình đẳng. ASEAN phải tạo dựng quan hệ đối tác mới với các nước khác trên toàn cầu nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Một khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mới được ký kết có hiệu lực, ASEAN sẽ trở thành "thái ấp" của Trung Quốc. RCEP dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc hơn là cho ASEAN. Hy vọng rằng mọi hành động của ASEAN lúc này chưa phải là quá muộn.

Ngô Nguyễn Tường Duyên

Nguồn : RFA, 29/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Nguyễn Tường Duyên
Read 670 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)