Sáu Phong và Tư Sang ai quyền lực hơn ? Ai đã giúp Hai Nhật lộng hành Sài Gòn ?
Bích Ngọc, Thoibao.de, 29/04/2021
Sáu Phong là biệt danh của cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông Triết năm nay 79 tuổi, quê ở tại xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Năm 1957, ông lên Sài Gòn, theo học tại trường Trung học Petrus Ký (tức trường Lê Hồng Phong ngày nay), ông thuộc dạng học sinh giỏi.
Ông Nguyễn Minh Triết – Sáu Phong
Sau khi tốt nghiệp Tú tài năm 1960, ông theo học khoa Toán trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Ông là một Cộng Sản nằm vùng ở Sài Gòn. Tháng 11 năm 1963, ông thoát ly ra chiến khu, công tác ở Khu Sài Gòn – Gia Định. Sau đó ông công tác văn thư kế toán, cán bộ nghiên cứu tại Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng (Ban thanh vận Trung ương Cục miền Nam). Ngày 30 tháng 3 năm 1965, ông được kết nạp vào Đảng với bí danh Trần Phong, còn gọi là Sáu Phong. Và biệt danh Sáu Phong có từ đó.
Tháng 1 năm 1988 đến tháng 9 năm 1989, làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy tỉnh Sông Bé. Tháng 10 năm 1989 đến tháng 12 năm 1991, ông được cử làm Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Sông Bé sau này là tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Đáng nói là Tỉnh Bình Dương cùng với TP.Hồ Chí Minh vươn lên thành tỉnh giàu, và ông Sáu Phong có uy từ đó. Đó chính là điểm cộng để Bộ Chính Trị chọn ông về lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 6 năm 1991, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng. Tại đại hội này, ông chính thức dùng lại tên cũ Nguyễn Minh Triết. Tháng 12 năm 1991, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sông Bé và giữ chức vụ này cho đến tháng 12 năm 1996.
Tiến về Sài Gòn
Tháng 1 năm 1997, ông Nguyễn Minh Triết được điều động vào chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, Bí thư Thành ủy là ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị. Đến tháng 12 cùng năm, tại Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII, ông cùng với các ông Nguyễn Phú Trọng, Phan Diễn, Phạm Thanh Ngân được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Ông được phân công trách nhiệm là Trưởng ban dân vận Trung ương.
Tháng 1 năm 2000, ông được điều động vào chức vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đảng lần IX, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị (tháng 4 năm 2001). Tháng 5 năm 2002, ông một lần nữa được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa XI, tuy nhiên với tư cách đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4 năm 2006, ông tái đắc cử chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị khóa X.
Nếu nói ông Trương Tấn Sang bị dính phốt để Trương Văn Cam mua chuộc cả bộ máy nhà nước chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thì chính ông Sáu Phong – Nguyễn Minh Triết là người đã nâng đỡ ông Lê Thanh Hải (biệt danh là Hai Nhật) nắm thành phố và từ đó tập đoàn Lê – Trương của Hai Nhật đã làm tan nát không biết bao nhiêu gia đình của bà con Thủ Thiêm.
Có thể nói ông Sáu Phong đã tạo danh tiếng với vai trò quyết định tạo ra diện mạo tỉnh Bình Dương. Thì ông ta đã gây ra bấy nhiêu sai lầm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Để đưa Lê Thanh Hải lên ghế chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, ông Nguyễn Minh Triết đã ép đương kim chủ tịch thành phố lúc đó – Võ Viết Thanh ra đi khi chưa đến tuổi 60 và đưa Hai Nhật – Lê Thanh Hải – lên làm Chủ tịch TP Hồ Chí Minh, mở đường cho Hai Nhật vào Bộ chính trị, phá nát Sài Gòn.
Nếu so sánh giữa Lê Thanh Hải và Trương Văn Cam thì rõ ràng, Lê Thanh Hải gây phẫn uất cho dân lành nhiều hơn. Trương Văn Cam là trùm xã hội đen, ông ta chỉ lộng hành trong giới tội phạm chứ ông ta không gây oan khuất cho người dân hiền từ như Lê Thanh Hải. Như vậy vết nhơ của Tư Sang để lại cho thành phố không nghiêm trọng bằng vết nhơ do Sáu Phong để lại cho thành phố.
Đối với Trương Văn Cam, chính quyền đã triệt phá một cách đơn giản, nhưng đối với Lê Thanh Hải thì cho đến nay cả Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Văn Nên đều không thể làm gì được ông ta. Nỗi oan bà con Thủ Thiêm còn đó và chính quyền đã không làm gì để giải quyết nỗi oan ức cho họ.
Nguyễn Minh Triết – Trương Tấn Sang một thế lực thách thức cả Nông Đức Mạnh
Sau Đại hội IX năm 2001, Nông Đức Mạnh thể hiện vai trò mờ nhạt trong vị trí tổng bí thư. Lúc đó thế lực miền nam gồm Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết đang rất có uy tín vì thành tích kinh tế, tuy nhiên ông Trương Tấn Sang dính phốt lớn và được đưa về ban bí thư làm chức trưởng ban kinh tế trung ương, chiếc ghế thấp hơn ghế bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, lúc đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ông Nguyễn Minh Triết tên tuổi nổi như cồn, lúc đó vụ Thủ Thiêm đang được ém một cách kín đáo, và Lê Thanh Hải thì vẫn đang rộng dường quan lộ. Chính vì thế mà Nguyễn Minh Triết suýt chút nữa đã giành chiến thắng trước Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, người bị dính vào vụ bê bối PMU18.
TRong nhiệm kỳ khoá X (2006-2011), phe Nguyễn Minh Triết – Trương Tấn Sang đã có một thời gian thực sự giành ưu thế trên chính trường. Đó là giai đoạn kể từ giữa năm 2008 cho đến cuối năm 2009. Sự kiện đánh dấu sự yếu thế của ông Nông Đức Mạnh nói riêng và phe bảo thủ nói chung là việc ông ta phải chấp nhận cho Ban Bí thư kỷ luật chiến hữu của mình là Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Việt Tiến vào ngày 12/8/2008, mặc dù, ngày 28/3/2008, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chính thức công bố Quyết định số 13/VKSNDTC-V1A đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Việt Tiến.
Ưu thế của phe cấp tiến do bộ đôi Nguyễn Minh Triết – Trương Tấn Sang kéo dài không được bao lâu. Vì thế lực Nguyễn Tấn Dũng nổi lên thách thức thế lực Nông Đức Mạnh – Nguyễn Phú Trọng. Nói chung thế lực Trương Tấn Sang – Nguyễn Minh Triết bị Nguyễn Tấn Dũng gạt ra rìa. Đây là một vết đau mà ông Trương Tấn Sang nuốt không trôi, tuy nhiên ông Nguyễn Minh Triết có vẻ như không để bụng vấn đề này.
Lẽ ra ông Nguyễn Minh Triết có thể thay thế ông Nông Đức Mạnh năm 2006, tuy nhiên phe ông Mạnh còn có một con người đa mưu túc kế hỗ trợ, đó là Nguyễn Phú Trọng nên Nguyễn Minh Triết không thể nào lấy được ghế tổng bí thư nên đành dạt sang ghế chủ tịch nước hữu danh vô thực.
Ông Trương Tấn Sang
Sau khi ông Nguyễn Minh Triết bị thất thế, phe bảo thủ lại nổi lên chiếm ưu thế với thủ lĩnh mới là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Hệ quả là Dự thảo Văn kiện Đại hội X thụt lùi so với Đại hội IX. Và Đại hội X đã cho ra đời một ban lãnh đạo mới mà phần lớn là những gương mặt bảo thủ. Thủ lĩnh phái cấp tiến lúc này là Trương Tấn Sang dường như bị chìm khuất giữa những khuôn mặt bảo thủ với số lượng áp đảo.
Nguyễn Minh Triết im lặng khi đệ tử Hai Nhật bị đưa vào tầm ngắm
Như đã nói, ông Sáu Phong – Nguyễn Minh Triết sau khi thua cuộc trước Nông Đức Mạnh, gần như ông ta xem mình đã là người về vườn. Ở vị trí chủ tịch nước 5 năm ông đi đây đó chỉ giỏi diễn hài. Không biết sức khỏe tinh thần của ông có tốt hay không khi mà từ một bí thư tỉnh Sông Bé có năng lực đến bí thư thành phố lớn nhất nước đều được đánh giá là khá thành công. Tuy nhiên khi ngồi vào ghế không có việc gì để làm ông lại nói năng như không được kiểm soát vậy.
Nguyễn Minh Triết làm chủ tịch nước từ 2006-2011 xem ra rất mờ nhạt, khác với người kế nhiệm Trương Tấn Sang thì không ngừng tả xung hữu đột, liên minh liên kết với Nguyễn Phú Trọng để chiến với phe Nguyễn Tấn Dũng.
Ngày 7/5/2011, ông Trương Tấn Sang bất ngờ công kích phe nhóm bảo thủ khi phát biểu hùng hồn về "một bầy sâu" trong cuộc tiếp xúc với cử tri ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo, ngày 10/5/2011 tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức cuộc tọa đàm khoa học "Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị". Tuy nhiên sau đó ông Sang lại liên kết với Nguyễn Phú Trọng hạ bệ ông Nguyễn Tấn Dũng. Cuối cùng dù nỗ lực thế nào ông Trương Tấn Sang cũng chỉ ngồi ghế chủ tịch nước một nhiệm kỳ và về vườn chẳng khá gì hơn Nguyễn Minh Triết.
Nguyễn Minh Triết nói chung để lại ấn tượng tốt cho nhiều người, ngoài việc cất nhắc Lê Thanh Hải. Đây là vết nhơ lớn nhất của đời ông, có lẽ vết nhơ này còn lớn hơn vết nhơ ông Trương Tấn Sang đã để cho tập đoàn tội phạm Trương Văn Cam lộng hành.
Bích Ngọc (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 29/04/2021
**********************
Ông Lê Thanh Hải đang được ‘mời cà phê’ ?
Nguyễn Nam, VNTB, 27/04/2021
Liệu có phải là một dạng thức của ‘tại ngoại hầu tra’ ?
Một chính khách được cho là từng ‘nâng đỡ’ ông Hai Nhựt – tên thường gọi của Lê Thanh Hải, là ông Sáu Phong – tức Nguyễn Minh Triết, cũng được cho là có những dích dắc trong một số dấu hiệu sai phạm liên quan. Thậm chí cả người từng là cấp phó của ông Hai Nhựt là ông Nguyễn Thiện Nhân giai đoạn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đôi chút liên quan.
Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải đang phải giải trình với cơ quan điều tra…
Tại phiên khai mạc Đại hội Đại Biểu Mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, diễn ra vào sáng 27/6/2019, khi được hỏi về kết luận thanh tra dự án khu đô thị Thủ Thiêm, ông Lê Thanh Hải đã từ chối trả lời và cho rằng : "Giờ tôi nghỉ hưu rồi, có làm được gì mà trả lời".
Câu chuyện được cho là liên quan tới ông Sáu Phong, đó là vào tháng 5/2001, ông Lê Thanh Hải được bầu làm Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ họp bất thường sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh xin từ nhiệm và đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận.
Từ 2001 đến tháng 7/2006, ông Lê Thanh Hải giữ các chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy, Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Khóa VI, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Thanh Hải giữ chức vụ Chủ tịch UBND TPHồ Chí Minh đến tháng 6/2006 thì được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (sau khi được bầu vào Bộ Chính trị). Ông Hai Nhựt làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh liên tục hai nhiệm kỳ 2005 – 2010 và 2010 – 2015. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII, Đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 7, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Sáng 15/5/201, Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018) và trao tặng huy hiệu Đảng đợt ngày 19/5.
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong một phát biểu mang tính lễ nghi, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận xét : "Đồng chí Lê Thanh Hải đã trải qua nhiều vị trí công tác và luôn nỗ lực phấn đấu, học hỏi, rèn luyện và trưởng thành. Sự phát triển của thành phố hôm nay có phần đóng góp công sức rất lớn của đồng chí Lê Thanh Hải".
Trong phát biểu đáp tạ, ông Lê Thanh Hải nói (trích) : "Đây là hành trang vô giá trong suốt cuộc đời mà tôi luôn tạc ghi, không ngừng phấn đấu trong công tác, thường xuyên tu dưỡng bản thân và luôn nhắc nhở gia đình phấn đấu học tập, noi theo. Tôi xin hứa suốt đời phấn đấu để luôn xứng đáng là một đảng viên của Đảng bộ thành phố".
Không ít ý kiến thắc mắc về cụm từ khen tặng mà ông Nguyễn Thiện Nhân đã dành cho vị tiền nhiệm, "phần đóng góp công sức rất lớn của đồng chí Lê Thanh Hải".
Cũng không ít ý kiến cho rằng ông Hai Nhựt đã quá cao ngạo khi phát biểu, "thường xuyên tu dưỡng bản thân và luôn nhắc nhở gia đình phấn đấu học tập, noi theo". Bởi chỉ sau một năm ngày ông Hai Nhựt nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Bộ Công an đã bắt ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ông Lê Tấn Hùng là em trai của cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. Ông Lê Tấn Hùng bị cáo buộc đã sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng bất động sản, khu dân cư, khu công nghiệp quy mô lớn.
Thật ra những sai phạm về bất động sản của ông Lê Tấn Hùng vẫn thua kém xa người anh trai Hai Nhựt.
Trong 15 năm làm Chủ tịch UBND rồi là Bí thư Thành ủy, ông Lê Thanh Hải có hàng loạt chỉ đạo làm Khu đô thị mới Thủ Thiêm ‘biến dạng’.
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ cho rằng, các sai phạm của ông Lê Thanh Hải đã phá vỡ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt. Đây là nguyên nhân khiến cuộc sống nhiều người dân bị ảnh hưởng, khiếu nại kéo dài, việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ.
Người dân đã yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự của ông Lê Thanh Hải, chứ không nên dừng lại quá lâu ở mức kỷ luật Đảng.