Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/04/2021

Việt Nam tăng cường lực lượng dân quân biển

Mỹ Hằng

Biển Đông : Việt Nam tăng cường lực lượng dân quân biển để tự vệ hay 'thách thức' Trung Quốc ?

Tạp chí quân sự Trung Quốc Naval and Merchant Ships số ra mới đây có bài viết về lực lượng dân quân biển 'hùng hậu' của Việt Nam với kỹ thuật 'đấu tranh du kích' thành thạo.

danquan0

Đội tàu gỗ đánh cá Việt Nam - Ảnh minh họa

Một số tờ báo quốc tế, trong đó có SCMP, sau đó đã dẫn trích lại bài viết này, nhấn mạnh rằng Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân biển hùng hậu ở Biển Đông "nhằm thách thức những nỗ lực của Trung Quốc và thống trị vùng biển đang tranh chấp".

Bài viết được báo này đăng tải sau sự kiện Trung Quốc đưa hàng trăm tàu cá tới khu vực Đá Ba Đầu, khiến Việt Nam, Philippines và các tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối kịch liệt.

Về vấn đề này, thạc sỹ Hoàng Việt, giảng viên luật, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại TP Hồ Chí Minh nói với BBC News Tiếng Việt :

"Lực lượng dân quân biển của Việt Nam được xây dựng với mục đích chủ yếu là tự vệ, và chỉ hoạt động ở vùng biển nước mình chứ không đi sang vùng biển các nước khác như lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

"Đây chỉ là một trong các chiêu trò của truyền thông Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng dư luận sau vụ nước này đưa tàu dân quân biển tới Đá Ba Đầu, đồng thời nhằm làm chia rẽ các nước ASEAN".

Bài báo của Trung Quốc nói gì ?

danquan1

Khu trục hạm 016 Quang Trung của Việt Nam trên Biển Đông

Naval and Merchant Ships viết rằng cả Việt Nam và Trung Quốc đều có truyền thống lâu đời sử dụng lực lượng dân quân biển để bảo vệ các yêu sách của mình trên Biển Đông. Và rằng Việt Nam đã cho lực lượng dân quân biển hoạt động tại vùng biển gần Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, "đe dọa việc thực thi pháp luật trên biển và an ninh quốc phòng của Trung Quốc ".

"Trong khi Liên minh Châu Âu ước tính rằng khoảng 8.000 tàu đánh cá và 46.000 ngư dân là một phần của lực lượng dân quân hàng hải của Việt Nam, con số thực có thể là hơn 70.000 dân quân".

"Khi không đánh bắt cá, những dân quân được huấn luyện này tham gia một loạt các nhiệm vụ, đôi khi hợp tác với hải quân Việt Nam", bài báo trên Naval and Merchant Ships viết.

Tạp chí này cho biết thêm, nhiệm vụ của lực lượng dân quân biển Việt Nam gồm "do thám các cơ sở quân sự và tàu của Trung Quốc, và đôi khi cố tình đụng độ với các tàu tuần duyên của Trung Quốc để thu hút sự chú ý của giới truyền thông phương Tây".

"Các chiến thuật chiến tranh du kích có thể bù đắp cho Việt Nam khi so sánh với lợi thế về kích thước và công nghệ của các tàu Trung Quốc... [và] nếu chúng bị bắt, chi phí về kinh tế có hạn nhưng lợi ích ngoại giao và chính trị có thể rất lớn, vì vậy họ không mấy sợ hãi", tạp chí của Trung Quốc viết.

Bài báo này kết luận : "Vấn đề phải được xem xét một cách nghiêm túc và xử lý kịp thời ".

Đồng thời viết rằng Trung Quốc nên tăng cường luật pháp đối với tàu thuyền nước ngoài, gây áp lực buộc chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp kiềm chế thông qua các kênh ngoại giao, và tăng cường khả năng tuần duyên để ngăn chặn lực lượng dân quân.

'Kích động, đe dọa'

danquan2

Ảnh chụp từ trên không của đá Ba Đầu, Quần đảo Trường Sa, Biển Đông ngày 19/3/2021

Ngay sau khi một số báo quốc tế đăng lại thông tin từ Naval and Merchant Ships, báo Thanh Niên có bài viết phản bác, nói Trung Quốc 'vu vạ' và 'kích động gây rối' ở Biển Đông.

"Trong khi đó, ngược lại chính lực lượng tàu dân binh của Trung Quốc đã góp phần vào hàng loạt hành động gây rối ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế phải quan ngại, dù Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 đã đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra đối với Biển Đông. Gần đây, các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc… liên tục lên án các hành vi gây rối của Trung Quốc tại Biển Đông. Điển hình, từ tháng 3 - 4 vừa qua, hàng trăm tàu dân binh của Trung Quốc đã gây nhiều quan ngại khi hoạt động thường xuyên gần bãi Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam", bài báo trên tờ Thanh Niên viết.

Còn thạc sĩ Hoàng Việt thì lý giải với BBC :

"Lý thuyết chiến tranh của Trung Quốc và Việt Nam đều nhấn mạnh tới vai trò của nhân dân, cho nên nhiều người dễ lầm tưởng là hoàn toàn giống nhau trong khi chúng khác nhau trên thực tế".

"Mục tiêu quan trọng nhất của chiến tranh nhân dân trên biển của Việt Nam là nhằm tự vệ, do đó lực lượng dân quân biển Việt Nam tên gọi đầy đủ là lực lượng dân quân tự vệ biển, và chỉ hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khác với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc hoạt động trên vùng biển của nước khác".

Ông Hoàng Việt nói bài báo của Trung Quốc đưa thông tin sai sự thật, khi cho rằng Việt Nam 'tăng cường lực lượng dân quân biển.'

"Trong khi trên thực tế, lực lượng này chỉ chiếm 0,08% tổng số lượng dân quân toàn quốc, và 1,12% tổng số lao động trên biển tính tới năm 2016. Gần 8.000 tàu thuyền có tổ chức dân quân tự vệ, chiếm 1,07% số tàu thuyền hoạt động trên biển".

"Năm 2020, và chính phủ Việt Nam thậm chí còn đang đặt mục tiêu giảm số lượng tàu cá toàn quốc xuống còn 110.000 tàu, do đó dẫn tới việc số lượng dân quân tự vệ biển sẽ còn giảm hơn nữa. Mục tiêu là để tập trung tăng cường các lực lượng chính quy như cảnh sát biển, tuần duyên biển".

"Thời gian gần đây, dư luận quốc tế liên tục lên án các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có hoạt động của lực lượng tàu cá và dân quân biển Trung Quốc ở bãi Ba Đầu, quần đảo Trường Sa. Nhận thấy sự bất lợi trên mặt trận thông tin, cùng với truyền thông dòng chính, các trung tâm nghiên cứu về Biển Đông như Sáng kiến minh bạch tình hình chiến lược Biển Đông - SCSPI, Đại học Bắc Kinh liên tục đưa ra các báo cáo xuyên tạc về hoạt động của ngư dân Việt Nam ở Biển Đông".

"Trung Quốc thổi phồng về mối nguy và lo ngại đối với hoạt động của tàu cá cũng như dân quân biển Việt Nam nhằm phân tán sự chú ý cũng như đánh đồng hoạt động của dân quân biển Trung Quốc và Việt Nam, gây hiểu nhầm cho cộng đồng quốc tế, đồng thời tạo ra sự nghi ngờ trong các nước ASEAN về chủ trương, chính sách của nhà nước Việt Nam đối với ngư dân, từ đó gây chia rẽ nội khối ASEAN".

Vài trò thực tế của lực lượng dân quân biển Việt Nam

danquan3

Diễn tập của cảnh sát biển Nhật Bản và Philippines năm 2016

Cũng theo ông Hoàng Việt, trong thời bình, dân quân biển tiến hành các hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản để làm kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn cho các ngư dân khác trong lúc ra khơi. Họ cũng tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ yếu là các hoạt động trinh sát, phối hợp với các lực lượng chấp pháp và hải quân để nắm tình hình thực địa.

Trong thời chiến, lực lượng này sẽ có vai trò phòng thủ, tham gia vào chiến tranh du kích, hỗ trợ hậu cần cũng như trinh sát.

"Trên thực tế, trong các sự kiện đụng độ với Trung Quốc những năm gần đây như sự kiện Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương-981 tới vùng biển của Việt Nam năm 2014, sự kiện bãi Tư Chính năm 2019, lực lượng dân quân biển đã tham gia hỗ trợ rất tích cực cho lực lượng chấp pháp, hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo".

Nhấn mạnh chiến thuật 'chiến tranh du kích,' ông Hoàng Việt nói lực lượng dân quân biển sẽ phát huy sức sáng tạo này nếu có xung đột trên Biển Đông, bởi thực tiễn chiến tranh chứng tỏ năng lực này của người Việt. Tuy nhiên tới nay Việt Nam chưa phải vận dụng tới chiến thuật này.

"Hơn nữa, việc thực hiện chiến thuật du kích đòi hỏi phải được trang bị vũ khí, tức là vũ trang hóa dân quân, mà chủ trương của VN là không vũ trang hóa dân quân biển, nên có thể thấy hiện tại Việt Nam không có ý định tiến hành chiến thuật du kích trên Biển Đông", ông Hoàng Việt nói.

"Hiện Việt Nam đang tập trung phá triển lực lượng bảo vệ biển chính quy, được trang bị và đào tạo bài bản. Thực tế cho thấy những năm qua VN đã có bước tiến lớn trong việc phát triển sức mạnh hải quân, cũng như trang bị hiện đại cho các lực lượng chấp pháp trên biển. Tuy nhiên do điều kiện đất nước còn khó khăn, nên chính phủ vẫn phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó vai trò của dân quân biển trong bảo vệ chủ quyền biển đảo là rất quan trọng và không hề suy giảm", ông Hoàng Việt nhận định.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 29/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mỹ Hằng
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)