Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/05/2021

Dư âm từ một kỳ nghỉ dài

Lập Quyền Dân - Hoàng Long

Thật nghịch lý nhưng đúng là phải cảm ơn đại dịch Vũ Hán (Trung Quốc). Hội hè rình rang và ầm ĩ bị cấm trong kỳ nghỉ. Nhờ đó, 30/4 năm nay bớt nhức óc và trầm cảm. Hai trạng thái tinh thần này không đồng nguyên, hẳn nhiên ! Thế giới ít có nước nào mà ngày "Tưởng niệm quốc gia" lại có triệu người vui nhưng cũng kèm theo cả triệu người buồn.

duam1

Diễu hành với cờ của Mặt trận giải phóng hôm 30/4/2015 ở thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam - AFP

"Mẹ Âu Cơ" khô hết nước mắt

"Tưởng niệm quốc gia ?". Lão phu cứ phán ra như thế, chứ lũ con cháu Vua Hùng "vừa khùng vừa điên" này chắc còn lâu… còn rất lâu mới đồng thuận được với nhau tên gọi cho cái ngày 30/4 oan nghiệt ấy. Cánh "Giải phóng" và cánh "Quốc hận" vẫn sẽ còn say sưa trên "sới vật" của Dân tộc chừng nào mà Trung Cộng chưa biến xứ Đông Lào này thành một quận huyện của Trung Hoa.

Thì đấy, câu chuyện từ năm 1974 chắc chẳng ai quên. Tại hòa đàm Paris, đại diện Việt Nam Cộng Hòa đã chủ động đề nghị với phái đoàn Bắc Việt tạm "gác" Hội nghị bốn bên trong một khoảnh khắc để cùng ra một "Tuyên bố chung" từ những đứa con của "Mẹ Âu Cơ", phản đối giặc Tàu cướp quần đảo Hoàng Sa.

Nhưng lập trường giai cấp như cái bẫy chuột, mà miếng mồi "ý thức hệ" hồi bấy giờ vẫn còn thơm ngậy, khiến cho các đồng chí Bắc Việt không thể "xực" được sáng kiến có thể đi vào lịch sử ấy. Biển đảo mất dần… mất dần từ ngày hai anh em tỷ thí để cho kẻ thù rảnh tay cướp một cách có hệ thống từng mảng "rừng vàng biển bạc" do tiền nhân để lại.

Cho đến tận hôm nay sau 46 năm, ngày "Thống nhất" – định danh này cũng chỉ là sự xuống thang nhất thời của chính quyền – "bên thắng cuộc" vẫn chưa diễn xong màn tranh công. Ai có mặt đầu tiên tại Dinh Độc lập ? Ai thảo tuyên bố đầu hàng cho Big Minh ? Xe tăng nào húc đổ cổng chính ? Chiếc tăng húc đổ cổng chính trên thực tế không được công nhận (vì do Trung Quốc sản xuất), cấp trên quyết định phải coi xe tăng vào sau (do Liên Xô chế tạo) mới là chiếc đi đầu.

Câu chuyện trên đây có thể chỉ là "thuyết âm mưu", dân Việt chẳng mấy ai quan tâm, xe nào do nước nào sản xuất. Nhờ tuyên bố của Lê Duẩn mà dân chúng được biết : "Ta đánh là đánh cho cả Trung Quốc lẫn Liên Xô". Và trong cuộc "nồi da nấu thịt" ấy, Trịnh Công Sơn đã khô hết nước mắt với biết bao "đoạn trường tân thanh" nhưng được mấy ai chia sẻ. Thậm chí cách mạng nhiều lần còn cưỡng bức ông xoá ngay hai từ "nội chiến" ra khỏi các ca khúc.

Đến nhà thơ Nguyễn Duy, một chân lý giản dị mới được khái quát : "Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh, phe nào thắng thì nhân dân đều bại". Khi ngộ ra điều này, chắc chắn thi sĩ đã nhớ về mẹ Thứ ở Quảng Nam, từng 14 lần tiễn chồng-con-cháu ra chiến trường thì 12 người không bao giờ trở về. Bao dịp ngồi thắp hương bên cạnh các mâm cơm, chờ 9 con trai dứt ruột đẻ ra nhưng không bao giờ được trở lại trên con đường làng năm xưa khi mẹ lần lượt tiễn từng đứa ra trận.

duam2

Áp phích cổ động ngày 30/4 ở Hà Nội hôm 29/4/2020 ở Hà Nội. AFP

Giờ thì Mẹ chẳng cần đến bất cứ một danh hiệu nào. Trái tim già nua quá khô héo để nhận những lời an ủi từ người đời. Nhưng người mẹ ấy – Bà Mẹ Việt Nam – vẫn là đề tài bất tận để nghệ thuật khai thác tiếp hình tượng người phụ nữ quanh năm "gửi lưng cho trời, gửi mặt cho đất". Đành mượn lời nhà thơ để giải bày nỗi buồn nhân thế :

"Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru".

Những đứa con bất hạnh

Được biết khi Tổng bí thư Lê Duẩn đáp máy bay vào Sài Gòn, ông đi nhiều nơi, nhận thấy việc tiếp quản Sài Gòn và các thành phố gần như nguyên vẹn, đời sống ổn định, khu công nghiệp Biên Hòa hiện đại, nền kinh tế thị trường nhộn nhịp. Đáng ra, nếu Tổng Bí thư quyết định Sài Gòn vẫn giữ nguyên mô hình quản lý, các quan hệ trong nước và quốc tế đã tạo lập, các thành phần kinh tế – như nhiều người đề nghị – để từ đó thúc đẩy cả nước đi lên thì tình hình đã khác.

Từ thời điểm ấy, có nhiều chuyện "đáng ra" lắm… Nhưng tại Hội nghị trù bị lần thứ 24 (tháng 8 năm 1975), đa số lãnh đạo chóp bu của Đảng cộng sản đã lập tức đề nghị áp dụng ngay mô hình XHCN (xuống hố cả nút) từ miền Bắc lên cả nước. Kết quả là một nghị quyết chính thức được ban hành, chủ trương cải tạo và xóa bỏ nền kinh tế đa thành phần ở miền Nam.

Để thực hiện chủ trương trên, việc "cần làm ngay" là tập trung giam giữ và cải tạo những con người trong bộ máy chính quyền vừa sụp đổ. Từ đấy, một hướng đi đã đưa nhân dân miền Nam và cả dân tộc vào chặng đường đói nghèo và khủng hoảng trầm trọng. Cơ hội hòa giải, hòa hợp dân tộc đã bị gạt bỏ ngay từ những tháng đầu tiên sau ngày "Giải phóng".

Cách đối xử của chính quyền mới hoàn toàn mất nhân tính và trái với Công ước Genève quy định về đối xử không phân biệt với tù binh chiến tranh ở bất cứ phía nào. Nhiều người bị cải tạo trên 10 năm và cũng không ít người bị cải tạo trên 20 năm. Những trường hợp chết, kể cả bị tra tấn trong thời gian giam giữ cải tạo đều bị liệt vào mất tích, gia đình không được hồi báo rõ ràng, càng không thể tìm thấy hài cốt.

Những người sống sót hết hạn về địa phương trong tình trạng quản chế tại gia vẫn tiếp tục bị theo dõi. Hàng trăm ngàn người bị tước đoạt quyền được sống cả cuộc đời hay phần lớn cuộc đời. Theo sau họ, nạn bị phân biệt lý lịch dẫn đến gia đình, nhất là thế hệ con cái bị đối xử một cách bất bình đẳng về mặt xã hội. Liên quan đến cuộc "tắm máu mềm mại" ấy, một luật sư đã nhận định : "Không có thời đại nào có cuộc trả thù khủng khiếp như thời kỳ cộng sản thống nhất đất nước".

duam33

Một lớp học tập cải tạo quân nhân Việt Nam Cộng Hòa do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tổ chức tại Vĩnh Long ngày 01/06/1975 Ảnh minh họa - hinhanhlichsu) 

Nhưng ngay cả anh em bên "Giải phóng" cũng bất hạnh đâu có kém. Những ai cất công xem trọn bộ 10 tập phim về các lực lượng biệt động Sài Gòn chắc không khỏi rơi nước mắt trước những kiếp người đã có thời khắc được tôn vinh với sứ mệnh "nút bấm lịch sử", nhưng sau đó lại âm thầm sống tiếp những tháng ngày còn lại với những bi kịch của riêng mình.

Nữ đạo diễn Phong Lan thật đáng được vinh danh khi chị đã chọn cách dẫn dắt khá hấp dẫn trong một mạch truyện đầy những xúc cảm bi tráng, được kìm nén trong những thước phim tư liệu khách quan từ cả hai bên chiến tuyến. Ðặc biệt, tập cuối (tập 10) với tên gọi "Hòa bình và Người ở lại" có rất nhiều ưu tư và nhiều đau đớn, cùng với hàng loạt những câu hỏi chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng.

Dòng người tỵ nạn trong thời bình

Tưởng niệm ngày chấm dứt cuộc chiến huynh đệ ấy, nhiều người vẫn còn trăn trở với câu hỏi : Tại sao đất nước đã "rũ bùn" đứng dậy "sáng loà" mà cho đến hôm nay sau hơn 46 năm, vẫn xuất hiện dòng người tỵ nạn qua Mỹ và thế giới phương Tây ? Trong "vườn địa đàng" của người Việt di tản sau 1975 (Washington D.C. Eden Center), được biết có thêm một làng Việt Cộng ngay trong lòng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Trước một xã hội Việt Nam thời mạt pháp như hiện nay, người Việt vẫn còn đó nỗi lo sâu thẳm trong bản năng. Nhiều người vì thế, đã từ bỏ quê hương tươi đẹp mà dứt áo ra đi. Sau "bên thắng cuộc" của Huy Đức, những người từ "bên thắng cuộc" ấy đã kiếm chác được cả đống của nả, trong đó không ít người chụp giật một cách bất lương, giờ đây đã trở thành những người "ngoài cuộc", thậm chí họ tình nguyện phất cao ngọn cờ "bên bỏ cuộc".

Lập Quyền Dân

Nguồn : RFA, 06/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lập Quyền Dân
Read 503 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)