Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/05/2021

Năm yếu tố giải thích thất bại lịch sử của NATO ở Afghanistan

Thu Hằng

Mỹ đẩy nhanh hạn chót rút hết lực lượng khỏi Afghanistan lên thành ngày 04/07/2021 thay vì 11/09. NATO và các đồng minh sát cánh với Mỹ cũng xác nhận rút quân. Phát biểu ngày 14/04, tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đã hoàn thành mục đích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, chủ mưu các vụ khủng bố thảm khốc vào Hoa Kỳ ngày 11/09/2001, nên "lý do ở lại Afghanistan ngày càng thiếu rõ ràng".

afghanistan1

Quốc kỳ Mỹ được hạ xuống trong lễ bàn giao cho Quân đội Quốc gia Afghanistan, tại căn cứ Anthonic, tỉnh Helmand, Afghanistan, ngày 02/05/2021.  © AP - Afghan Ministry of Defense Press Office

Theo phân tích "Cost of War" của Viện Watson thuộc đại học Brown (Rhode Island, Mỹ), hai thập niên chiến tranh Afghanistan đã tiêu tốn hơn 2.260 tỉ đô la, 2.442 quân Mỹ và 1.444 quân đồng minh bị thiệt mạng. Phía Afghanistan có hơn 47.000 thường dân và gần 70.000 người thuộc quân đội và cảnh sát bị sát hại.

Quyết định rút quân thực ra đánh dấu thất bại lịch sử của liên minh quân sự NATO, theo hai nhà nghiên cứu Pháp Adam Baczko, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS), CERISE Sciences-Po và Gilles Dorronsoro, giáo sư khoa học chính trị đại học Paris I-Panthéon-Sorbonne.

Không một mục tiêu nào được ấn định cách đây 20 năm được hoàn thành : vài trăm quân al-Qaeda hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan, tổ chức Nhà nước Hồi giáo cắm rễ tại quốc gia này từ năm 2014, các cuộc bầu cử ngày càng mất uy tín vì gian lận hàng loạt, giới lãnh đạo Afghanistan tham nhũng ở mức không tả xiết, nguồn thu nhập chính của nền kinh tế là ma túy… Một số tiến bộ hiếm hoi, như quyền của phụ nữ, tự do truyền thông, bị đe dọa từ nhiều năm nay, sẽ nhanh chóng biến mất ngay khi lực lượng phương Tây rút khỏi Afghanistan.

Có thể nói Afghanistan trở thành "nghĩa địa của các đế chế" mà thất bại bắt nguồn từ một chiến lược sai lầm, một thế giới quan thiên lệch và các cơ chế can thiệp không hiệu quả. Trên nhật báo Le Monde ngày 02/05/2021, hai nhà nghiên cứu Pháp phân tích 5 yếu tố chính dẫn đến thất bại này.

Định kiến về Afghanistan

Thứ nhất, liên minh quân sự có định kiến về Afghanistan như một nước bộ tộc, cát cứ bảo vệ lợi ích riêng, về cơ bản là phi chính trị và dị ứng với mô hình Nhà nước.

Trên thực tế, Afghanistan đã trải qua nhiều trào lưu cách mạng, quá trình biến đổi xã hội, đô thị hóa hiện diễn ra nhanh chóng, xuất hiện tầng lớp trung lưu thành thị… Thế nhưng, phương Tây vẫn chỉ giữ lại hình ảnh một Afghanistan "truyền thống" và chống lại mọi quyền lực nhà nước, nên đã không coi nhu cầu có một Nhà nước ở Afghanistan, đặc biệt là ngành tư pháp và cảnh sát, là một ưu tiên.

Đánh giá thấp phong trào nổi dậy

Thứ hai, liên minh chưa bao giờ bỏ công sức tìm hiểu về phong trào nổi dậy. Những nhận định của giới chuyên gia và các nhà quân sự về phong trào này như "bộ tộc", "sắc tộc", "lạc hậu", "thời trung cổ" cho thấy sự thiếu hiểu biết thê thảm về thực tế của phong trào nổi dậy.

Lẽ ra ngay từ năm 2003, các quan chức quân sự và chính trị phương Tây đã phải dự đoán được về khả năng xảy ra một cuộc nổi dậy thông qua nhiều sự kiện như tổ chức một hệ thống tư pháp thay thế, luân chuyển cán bộ giữa các vùng, hiệu quả của tuyên truyền nhắm vào người dân Afghanistan. Năm 2003 cũng là thời điểm Mỹ bắt đầu dồn tập trung vào Iraq, đẩy vấn đề Afghanistan xuống thứ yếu.

Sự mù quáng, thiếu suy xét này giải thích phần nào cho những quyết định chiến lược thảm hại, trong đó có việc không lường được đà mở rộng của Taliban bên ngoài các vùng đất của người Pashtuns phía nam và đông Afghanistan, cũng như là việc lực lượng này tuyển mộ người Uzbek và người Tajik. Trong khi đó, những tranh luận về các chia rẽ trong nội bộ phe Taliban chưa bao giờ tỏ ra thiết thực cho các chiến dịch trên thực địa, ngoài việc "nuôi dưỡng" hoạt động của các văn phòng, công ty tư vấn.

afghanistan2

Tướng Joseph Dunford, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tại căn cứ Hoa Kỳ ở Bagram, phía bắc Kabul, ngày 24 tháng 12 năm 2017. RAHMAT GUL / AP

Thiếu chiến lược xuyên suốt

Thứ ba, Hoa Kỳ không có khả năng lập ra một chiến lược liên kết chặt chẽ. Ngay khi Mỹ can thiệp, chính trị Pakistan là mấu chốt của vấn đề Afghanistan. Khi phong trào Taliban nổi lên năm 1994, Pakistan ủng hộ, đặc biệt là vì nước này có mối quan hệ thù địch với Ấn Độ.

Cho dù các chiến dịch của liên quân ở Afghanistan, thậm chí gây rối loạn lực lượng Taliban nhưng ban lãnh đạo của phong trào này vẫn thoát khỏi các cuộc oanh kích của Mỹ. Tất cả các chiến dịch chống nổi dậy bị thất bại do sự "lưu thông" giữa Afghanistan và Pakistan. Thế nhưng, nhiều đời chính quyền Mỹ liên tiếp, cùng với bộ Quốc Phòng, chưa bao giờ gây sức ép cần thiết với Islamabad.

Bắt giữ tùy tiện

Thứ tư, các chiến dịch của đặc nhiệm vượt ra ngoài mọi khuôn khổ pháp lý là một yếu tố quan trọng khiến người dân Afghanistan thay đổi thái độ.

Các vụ hạ sát theo những danh sách được lập ra một cách thiếu minh bạch, bắt giữ tùy tiện, tra tấn, đào tạo cho dân quân các biện pháp tàn bạo (ví dụ cách đào tạo của CIA ở miền đông Afghanistan), các liên minh mạo hiểm với những nhóm bộ tộc đã dẫn đến tình trạng bác bỏ ngày càng mạnh mẽ sự hiện diện của các lực lượng phương Tây.

Theo tổng kết 20 năm chiến tranh Afghanistan của báo Le Monde (01/05), chỉ trong vòng bốn tháng đầu năm 2008, có khoảng 200 thường dân Afghanistan bị lực lượng quốc tế sát hại, phần lớn là do các cuộc không kích, và khoảng 300 người khác chết trong các cuộc tấn công phe Taliban.

Thay vì giúp củng cố chính quyền công bằng và bảo đảm cho pháp luật, lực lượng phương Tây lại can thiệp vào các cuộc đấu đá tranh giành ở địa phương, dẫn đến việc những kẻ bại trận gia nhập cuộc nổi dậy.

Nhà thầu phương Tây hưởng lợi từ chính sách "Xây dựng Nhà nước"

Thứ năm, các chính sách "xây dựng Nhà nước", được thúc đẩy từ nhãn quan tân tự do, lại giúp các các công ty lớn của phương Tây, chủ yếu là Mỹ, thu các nguồn viện trợ. Cách thức tổ chức nhiều tầng lớp nhà thầu phụ, không có cạnh tranh thực sự để giành được hợp đồng và không có kiểm soát nghiêm túc các chương trình được tiến hành, giải thích vì sao kết quả thu được lại thấp kém so với số tiền đầu tư.

Ngoài ra, hai yếu tố khác cũng giải thích phần nào cho thất bại lịch sử này : những khó khăn trong nội bộ của tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự thất bại gần như hoàn toàn của công tác đánh giá phân tích bên trong các bộ hay của các tổ chức tư vấn.

Hai nhà nghiên cứu Pháp cho rằng thất bại của NATO tại Afghanistan sẽ còn có những hệ quả trong nhiều tháng, nhiều năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khó có thể hình dung ra việc tổng kết phê phán, cho dù việc tự chất vấn, rút kinh nghiệm về cuộc chiến tranh đầu tiên - và cũng là thất bại đầu tiên - của NATO là có lợi cho chúng ta. Khả năng tranh luận công khai lại còn có ít cơ hội hơn vì thất bại này không thu hút sự quan tâm của công luận.

Thu Hằng tóm lược

Nguồn : RFI, 07/05/2021

Nguyên tác : Adam Baczko & Gilles Dorronsoro, "La défaite de l’OTAN en Afghanistan est le résultat d’une stratégie erronée et d’une vision du monde biaisée", Le Monde, 30/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Adam Baczko, Gilles Dorronsoro, Thu Hằng
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)