Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2021

Gia tăng sức ép với Ukraine, Vladimir Putin tìm kiếm điều gì ?

Thùy Dương

Cuộc khủng hoảng gần đây ở Donbass, Ukraine, minh họa cho "lằn ranh đỏ" mà tổng thống Nga Vladimir Putin đã vạch ra quanh các khu vực ảnh hưởng của Moskva. Trên đây là nhận định của nhà báo Alain Barluet trong bài phân tích "Vladimir Putin đang tìm kiếm điều gì khi gia tăng sức ép với Ukraine ?". Bài viết được đăng trên báo Le Figaro ngày 03/05/2021.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Moskva ngày 31/03/2021.  AP - Alexei Druzhinin

Sau khi căng thẳng quân sự gia tăng mạnh trong tháng 04/2021 ở biên giới với Ukraine, nơi Nga đã điều quân ồ ạt, ông Vladimir Putin từ chối đề nghị của đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky về việc đàm phán song phương để tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Donbass. Theo tổng thống Nga, Volodymyr Zelensky phải trực tiếp thương lượng với phe ly khai, điều mà Kiev đã từ chối.

Vậy tình hình Donbass đã lắng dịu trở lại ?

Không, chắc chắn là không lâu dài. Ngày 23/04, Nga đã thông báo rút đội quân được tăng cường về "vị trí thường đóng". Về mặt chính thức, Moskva gọi việc điều quân ồ ạt đến biên giới với Ukraine là "các cuộc tập trận" trước "các hoạt động đe dọa của NATO". Thông báo rút quân của Nga được phương Tây đón nhận với "sự cảnh giác và thận trọng". Theo lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell, đây là "đợt điều quân quy mô lớn nhất mà chúng tôi từng thấy" : tổng cộng, có 100.000, thậm chí là 150.000 quân Nga đã được điều đến biên giới Ukraine. Đồng thời, các cuộc tập trận với sự tham gia của khoảng 50 tàu Nga, đã được triển khai ở Biển Đen. Tất cả những động thái đó bị Washington tố cáo là "sự leo thang" và khiến Châu Âu lo ngại.

Tình hình căng thẳng đã giảm một bậc, nhưng không có nghĩa là cuộc xung đột, vốn đã cướp đi sinh mạng của 13.000 người kể từ năm 2014, đã dịu xuống. Quân độ Ukraine vẫn phải đối phó với các quân ly khai (28.000 binh sĩ và 2.000 "huấn luyện viên và cố vấn" của Nga, theo đánh giá của Kiev).

Tại sao tổng thống Nga điều quân rồi lại rút quân ?

Có một số yếu tố được cho là đã thúc đẩy Putin hành động. Theo giải thích của nhà nghiên cứu Maxim Samorukov, thuộc trung tâm Carnegie ở Moskva, các cuộc đàm phán về thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt khủng hoảng ở miền đông Ukraine lâu nay không có tiến triển và thỏa thuận này đã không được thực hiện. Trong khi đó, Mỹ lại có chính quyền mới bài Nga mạnh mẽ và tổng thống Ukraine, chỉ trong vài tháng, đã theo khuynh hướng dân tộc.

Đối với nhà nghiên cứu Maxim Samorukov, những yếu tố này "khiến Moskva lo ngại là giới lãnh đạo Ukraine cho rằng Joe Biden khuyến khích giải quyết xung đột Donbass bằng các biện pháp quân sự… Đó chỉ là cái cớ của Nga hay đúng là ý định của Ukraine ? Arnaud Dubien, giám đốc Đài quan sát Pháp - Nga, nhắc lại : "Dù đúng hay sai, giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga đều tin rằng Kiev đang đợi những sơ hở nhỏ nhất (của Nga) để thực hiện một chiến dịch chớp nhoáng theo mô hình chiến dịch mà Croatia phát động hồi tháng 8/1995 ở Krajina", còn Kiev cáo buộc Moskva lên kế hoạch xâm lược Ukraine khi tìm cách gây chiến ở miền đông nước này.

Tuy nhiên, đa phần giới quan sát đều lưu ý việc Nga triển khai quân không phải là bước khởi đầu của chiến dịch can thiệp quân sự. Moskva trên hết muốn cảnh cáo chống lại mọi hành động phá vỡ nguyên trạng quân sự ở Donbass, đồng thời gửi thông điệp tới các nước phương Tây ủng hộ Zelensky là hãy gây áp lực với ông ta (để không làm thay đổi nguyên trạng). Vào ngày 21/04, phát biểu trước Quốc hội, Vladimir Putin cảnh cáo phương Tây không được "vượt lằn ranh đỏ", lằn ranh do chính Moskva vạch ra, nếu không Nga sẽ có "một phản ứng bất đối xứng, nhanh chóng và cứng rắn".

Theo chuyên gia Maxim Samorukov, "lằn ranh đỏ mà Putin đề cập đến trước hết là về viện trợ quân sự cho Ukraine, điều mà Nga coi là không thể chấp nhận được". Tín hiệu đã được bắn đi, và sau khi gây "sốc điện", Moskva có thể làm mọi chuyện dịu xuống. Đó là một phương thức cổ điển, nhất là sau ngày 13/04, trong một cuộc điện đàm với Vladimir Putin, tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị một cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nguyên thủ. Cuộc gặp có thể sẽ diễn ra vào tháng 6/2021 ở một nước Châu Âu trung lập.

Chính quyền mới của Hoa Kỳ có thể đóng vai trò gì ?

Cuộc khủng hoảng Ukraine là tâm điểm của những căng thẳng hiện tại giữa Moskva và Washington, trong bối cảnh quan hệ đôi bên đã xấu đi do nhiều hồ sơ : vụ Moskva cho bắt giam nhà đối lập Alexei Navalny, Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga, hai bên trục xuất các nhà ngoại giao theo kiểu đáp trả lẫn nhau, các cáo buộc gián điệp, can thiệp bầu cử và tấn công mạng. Chuyên gia Maxim Samorukov của trung tâm Carnegie nhận định : "Hiện giờ, chính quyền Biden đã thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev nhưng vẫn lưu ý sao cho không vượt qua lằn ranh đỏ. (…) Sự giảm leo thang căng thẳng có được là nhờ vào cuộc điện đàm của tổng thống Mỹ Biden và đề xuất của ông ấy về cuộc gặp gỡ với Putin".

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, ít có khả năng hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ thúc đẩy mọi việc tiến triển bởi vì các vấn đề cơ bản giữa hai nước quá khác biệt sâu sắc và không thể giải quyết được một cách đơn giản như vậy. Còn giám đốc Arnaud Dubien của Đài quan sát Pháp-Nga ở Moskva nhận định, đối với Washington, Ukraine là một lá bài có tầm quan trọng bậc nhất mà Mỹ không thể bỏ qua. Giờ đây các nhà quan sát chỉ có thể hy vọng hai bên kiểm soát được sự đối đầu, Nga và Ukraine không mắc sai lầm trên thực địa, sao cho tình hình không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Thỏa thuận Minsk đã chết ?

Chuyên gia Maxim Samorukov nghĩ rằng đúng như vậy nhưng không ai có thể công khai nói điều đó. Đối với ông, cái lợi chính của các thỏa thuận này là không để xảy ra chiến tranh trong khi các bên đang thảo luận. Các cuộc thương lượng hiện giờ đang bế tắc. Nhà báo Vladimir Soloviev của báo Nga Kommersant thì nhấn mạnh : "Vấn đề là mỗi bên nhìn nhận cuộc xung đột theo cách khác nhau. Nếu Nga coi đây là chuyện nội bộ của Ukraine và tự xem mình có vai trò hòa giải, thì Ukraine nói về một cuộc chiến tranh với Nga. Và ngay cả khi các bên cố gắng đạt được một thỏa thuận về các vấn đề cụ thể, thì tất cả đều tan vỡ do mỗi bên đều ngần ngại xa rời, từ bỏ những quan điểm cốt lõi của họ".

Thỏa thuận Minsk được ký kết sau hồi tháng 02/2015 và theo hướng có lợi cho phe ly khai. Kể từ đó, Kiev luôn tìm cách thay đổi các điều khoản mở đường cho "các thực thể ly khai Donetsk và Lugansk" có một "quy chế đặc biệt". Kiev cũng tìm cách giành quyền kiểm soát biên giới Nga-Ukraine. Đó là lý do vì sao Zelensky không quan tâm đến việc thực thi thỏa thuận Minsk.

Lần này cũng vậy, những căng thẳng trên thực địa cũng gắn với sự bế tắc của các cuộc thảo luận. Khi đưa ra cảnh báo, Nga muốn nói với Ukraine rằng Moskva sẽ không chấp nhận việc Kiev không thực thi thỏa thuận Minsk. Chuyên gia Maxim Samorukov lưu ý thông điệp từ Moskva là Kiev "chớ hy vọng vào một giải pháp quân sự, mọi nỗ lực tấn công của Ukraine sẽ bị đáp trả và Nga sẽ không từ bỏ các nước cộng hòa ly khai". Thế nhưng, "để các thỏa thuận đi đến kết quả thì cần có những sự thay đổi triệt để cả từ Nga và Ukraine". Khoảng 500.000 hộ chiếu Nga đã được cấp cho người dân ở Donbass, nơi có dân số chưa đến 3 triệu người cho dù khác với Crimea, "Donbass không có tầm quan trọng đối với Nga, ngoại trừ nó gây ra vấn đề cho Ukraine".

Có giải pháp nào khác hay không ?

Theo nhà nghiên cứu Alexander Baunov của trung tâm Carnegie, hiện giờ không thể có giải pháp nào khác. Nếu xảy ra xung đột quân sự, Ukraine sẽ thua nhưng Nga cũng sẽ phải trả giá đắt vì bị trừng phạt, căng thẳng sẽ gia tăng. Chuyên gia này cho biết thêm : "Những giai đoạn leo thang như vậy sẽ lặp đi lặp lại thường xuyên bởi đó là một công cụ của chính trị quốc tế". Còn nhà nghiên cứu Maxim Samorukov nhận định Ukraine chưa sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận Minsk, Kiev coi làm như vậy là nhượng bộ Nga và là phần thưởng cho sự "gây hấn" của Moskva. Trong khi đó, Nga lại không sẵn sàng từ bỏ các thỏa thuận mà họ đã nỗ lực rất nhiều mới đạt được. Nói tóm lại, cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng từ bỏ quan điểm của họ.

Kể từ khi đắc cử tổng thống Ukraine hồi tháng 04/2019, Volodymyr Zelensky đã chuyển từ lập trường cởi mở với Moskva sang thái độ cứng rắn theo khuynh hướng dân tộc. Nga không có khuynh hướng tỏ ra mềm dẻo, chính quyền mới của Biden cũng vậy. Những nỗ lực ngoại giao của Châu Âu cũng chỉ thu được những kết quả rất khiêm tốn. Đức và Pháp đều đang chuẩn bị cho các kỳ bầu cử, nên cuộc khủng hoảng Ukraine có thể không còn là tâm điểm chương trình nghị sự của Berlin và Paris. Chuyên gia Maxim Samorukov kết luận hầu như không thấy khả năng các bên đạt được một thỏa hiệp. Điều duy nhất mà người ta có thể hy vọng là sẽ không xảy ra chiến tranh.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 10/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 422 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)