Phương Tây không thể thay đổi toan tính của Putin – họ chỉ có thể chờ ông ra đi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thành viên nội các của ông tại một cuộc diễu hành quân sự ở Saint Petersburg, tháng 7/2024 - Vyacheslav Prokofyev / Sputnik / Reuters
Hai năm rưỡi sau khi Nga xâm lược Ukraine, người Mỹ vẫn giữ nguyên chiến lược chấm dứt chiến tranh : đặt ra cái giá đủ lớn cho Nga để tổng thống nước này, Vladimir Putin, phải quyết định rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dừng xung đột. Trong một nỗ lực thay đổi phép tính chi phí-lợi ích của Putin, Washington đã cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa việc ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga với giảm thiểu rủi ro leo thang. Dù cách tiếp cận này có vẻ hợp lý, nhưng nó dựa trên một giả định sai lầm : rằng suy nghĩ của Putin có thể thay đổi.
Các bằng chứng đều cho thấy : đối với vấn đề Ukraine, Putin đơn giản là không thể thuyết phục được ; ông đã đặt cược tất cả. Đối với ông, việc ngăn chặn Ukraine trở thành một pháo đài mà phương Tây có thể sử dụng để đe dọa Nga là một điều cần thiết về mặt chiến lược. Ông xem việc đạt được kết quả đó là trách nhiệm cá nhân và sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để đạt được nó. Cố gắng thuyết phục ông từ bỏ là một việc làm vô ích và sẽ chỉ lãng phí sinh mạng và nguồn lực.
Chỉ có một lựa chọn khả thi để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine theo các điều khoản mà phương Tây và Kyiv có thể chấp nhận : chờ đợi Putin ra đi. Theo cách tiếp cận này, Mỹ sẽ giữ vững lập trường ở Ukraine và duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga, trong khi giảm thiểu mức độ giao tranh và nguồn lực chi tiêu cho đến khi Putin qua đời hoặc rời nhiệm sở. Chỉ khi đó, người ta mới có cơ hội cho một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine.
Putin – Kẻ cơ hội ?
Khi Putin ra lệnh xâm lược, đó là một cuộc chiến do lựa chọn, bởi không có mối đe dọa an ninh cấp bách nào đối với Nga để đòi hỏi phải xâm lược nước láng giềng trên diện rộng. Và đó rõ ràng là sự lựa chọn của Putin. Cả William Burns, Giám đốc CIA, và Eric Green, Giám đốc phụ trách Nga của Hội đồng An ninh Quốc gia vào thời điểm đó, đều chỉ ra rằng các quan chức Nga khác dường như không biết gì về quyết định của Putin. Ngay cả trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp giữa Putin và các quan chức an ninh cấp cao của ông vào đêm trước cuộc xâm lược, vốn chỉ là một cuộc họp được dàn dựng, một số người tham gia dường như vẫn không biết chính xác phải nói gì. Giới tinh hoa Nga sau cùng cũng ủng hộ tổng thống, nhưng trước tháng 2/2022, rất ít người kêu gọi tiến hành một cuộc đối đầu sẽ khiến Nga phải trả giá đắt và phá vỡ quan hệ với phương Tây.
Bởi vì đây là một cuộc chiến do lựa chọn, Putin có quyền dừng nó. Sau khi nhận ra rằng nước cờ này khó hơn dự đoán, ông có thể tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Cuộc chiến này không phải là một cuộc chiến sinh tử đối với Nga, ngay cả khi Putin gọi nó là vậy. Việc rút quân Nga khỏi Ukraine sẽ không đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga, thậm chí có thể sẽ không đe dọa đến sự cai trị của chính ông. Putin đã đảm bảo rằng không có người kế nhiệm tiềm năng nào xuất hiện trong tương lai gần. Hai người thách thức ông gần đây nhất – lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny và kẻ nổi loạn Yevgeny Prigozhin – đều đã chết. Điện Kremlin sở hữu hàng thập kỷ kinh nghiệm trong việc định hình các quan điểm trong nước để củng cố quyền lực cho Putin. Ông có thể dễ dàng tuyên bố chiến thắng ở Ukraine và phát động một chiến dịch tuyên truyền đi kèm để biện minh cho sự thay đổi thái độ của mình.
Đúng là Putin có quyền dừng cuộc chiến, nhưng liệu ông có bao giờ sẵn sàng làm vậy không ? Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phần lớn đã trả lời câu hỏi đó theo hướng khẳng định, rằng với đủ áp lực, ông sẽ buộc phải rút quân khỏi Ukraine, hoặc chí ít là chịu đàm phán ngừng bắn. Để thay đổi tính toán của Putin, Washington và các đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện đối với Nga, cung cấp cho Ukraine thiết bị quân sự và hỗ trợ tình báo, đồng thời cô lập Moscow trên trường quốc tế.
Đằng sau chính sách này là niềm tin rằng Putin về cơ bản là một kẻ cơ hội. Ông sẽ thăm dò, và khi phát hiện ra điểm yếu, ông sẽ tiến lên, nhưng khi phải đối đầu sức mạnh, ông sẽ rút lui. Theo quan điểm này, cuộc tấn công của Putin vào Ukraine xuất phát từ cả tham vọng đế quốc và nhận thức của ông về những điểm yếu ở phương Tây và ở Ukraine. Theo lời Tổng thống Joe Biden, Putin có "lòng tham đất đai và quyền lực" và luôn mong đợi rằng sau khi lực lượng Nga xâm lược Ukraine, "NATO sẽ tan rã và chia rẽ". Nếu chẩn đoán là vậy, thì đơn thuốc sẽ là thể hiện sức mạnh và sự bền bỉ. Đẩy cái giá của cuộc chiến lên đủ cao, và cuối cùng ông ta sẽ kết luận rằng chủ nghĩa cơ hội của mình không có hiệu quả.
Cảm giác bất an
Tuy nhiên, Putin không phải là kẻ cơ hội, chí ít là trong trường hợp Ukraine. Những động thái quốc tế nổi bật nhất của ông không phải là những thủ đoạn cơ hội để giành lợi thế, mà là những nỗ lực phòng ngừa để ngăn chặn những điều ông cho là tổn thất, hoặc trả đũa những điều ông cho là hành động khiêu khích. Chiến dịch quân sự của Nga ở Georgia (Gruzia) năm 2008 vừa là phản ứng trước cuộc tấn công của Georgia vào khu vực ly khai Nam Ossetia, vừa là nỗ lực để tránh mất quyền kiểm soát một lãnh thổ mà Nga xem là đòn bẩy có thể ngăn cản Georgia hội nhập với phương Tây. Khi Putin chiếm Crimea năm 2014, ông lo mình sẽ mất căn cứ hải quân của Nga tại đó. Khi ông can thiệp vào Syria năm 2015, ông lo rằng Bashar al-Assad, một nhà lãnh đạo thân Nga, sẽ bị lật đổ. Và khi ông can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông đang đáp trả những gì ông xem là nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu vị thế của ông tại Nga – cụ thể là, lời chỉ trích công khai của Mỹ đối với cuộc bầu cử Nga năm 2011-2012 và việc Hồ sơ Panama vạch trần các giao dịch tài chính bí mật của những người thân cận với Putin vào mùa xuân năm 2016.
Nếu chủ nghĩa cơ hội quả thật đang thúc đẩy Putin ở Ukraine – nếu ván cược này là sản phẩm của lòng tham đế quốc nhằm giúp Nga giành quyền kiểm soát lãnh thổ bất cứ khi nào có cơ hội – thì cách tiếp cận rõ ràng là không theo chủ nghĩa cơ hội của ông đối với Ukraine từ năm 2014 đến năm 2021 cần phải được giải thích. Sau khi Nga chiếm Crimea vào tháng 3 và tháng 4 năm 2014, chính phủ Ukraine đã rơi vào hỗn loạn. Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng hành động để chiếm thêm lãnh thổ, Putin đã chọn cách phát động một cuộc nổi loạn cấp thấp ở miền đông Ukraine, vùng đất có thể được sử dụng như một quân bài mặc cả để hạn chế các lựa chọn chính sách đối ngoại của Kyiv. Sang tháng 9/2014, sau khi lực lượng Nga giáng một đòn thảm khốc vào lực lượng Ukraine tại thành phố Ilovaisk, Moscow có thể đã tiến xa hơn dọc theo Biển Azov, tạo ra một hành lang trên bộ từ Crimea đến Nga. Nhưng thay vào đó, Putin đã chọn một giải pháp chính trị, đồng ý với giao thức Minsk.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi rõ ràng là Washington không muốn giúp Kyiv, Putin vẫn kiềm chế không phát động một cuộc tấn công quân sự rộng hơn hoặc thực hiện bất kỳ nỗ lực nào khác để mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Ukraine. Những cơ hội bị bỏ lỡ như vậy rõ ràng không phù hợp với quan điểm xem Putin là một kẻ cơ hội bậc thầy.
Thay vì là một cuộc chiến xâm lược cơ hội, cuộc tấn công vào Ukraine nên được hiểu là một cuộc chiến phòng ngừa bất công, được phát động để ngăn chặn những gì Putin xem là mối đe dọa an ninh trong tương lai đối với Nga. Theo quan điểm của Putin, Ukraine đang trở thành một quốc gia chống Nga, một quốc gia nếu không bị ngăn chặn sẽ có thể bị phương Tây sử dụng để phá hoại sự gắn kết trong nước của Nga và trở thành căn cứ cho các lực lượng NATO có thể đe dọa chính nước Nga. Trong chừng mực nào đó, các quan chức Mỹ dường như hiểu được điều này. Như Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia, đã nói, "Ông ấy cho rằng Ukraine đang không thể tránh khỏi việc tiến về phía phương Tây và NATO và xa rời Nga".
Dù cuộc xâm lược không phải là tội ác của một kẻ cơ hội, nhưng đó là một động thái mạo hiểm đáng ngạc nhiên đối với Putin. Thật ra, ông có xu hướng tránh rủi ro trên trường quốc tế, chỉ thực hiện các động thái được tính toán và giảm thiểu cam kết của các nguồn lực của Nga. Việc triển khai vài nghìn lính Nga tới Syria là một đợt triển khai tương đối nhỏ và chủ yếu dựa vào lực lượng không quân. Khi người đồng cấp độc tài của ông là Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro dường như đang bên bờ vực bị lật đổ vào năm 2019, Putin cũng chỉ cử vài trăm quân để giúp ông ta giữ ghế. Ngược lại, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga mất hơn 100.000 binh sĩ và gây ra thiệt hại không thể kể xiết cho nền kinh tế và vị thế quốc tế của nước này.
Việc cuộc chiến này không giống với tính toán rủi ro thông thường của Putin cho thấy ông đã đưa ra một quyết định chiến lược về Ukraine mà ông sẽ không sẵn sàng lùi bước. Quyết định gửi phần lớn quân đội Nga đến Ukraine vào năm 2022, rồi huy động thêm lực lượng khi đợt tấn công ban đầu thất bại, đã chứng tỏ rằng ông xem cuộc chiến này là quá quan trọng để thất bại. Bất chấp cái giá của quyết định xâm lược, Putin có thể nghĩ rằng cái giá của việc không hành động sẽ còn cao hơn – cụ thể là Nga sẽ không thể ngăn chặn sự xuất hiện của một Ukraine liên kết với phương Tây có thể trở thành bàn đạp cho một cuộc "cách mạng màu" chống lại chính nước Nga. Putin nghĩ rằng nếu ông không thành công ngay bây giờ, Nga sẽ phải gánh chịu những cái giá tương tự. Xét đến việc Putin có lẽ đã cân nhắc các kịch bản trước mắt theo cách này, áp lực của phương Tây khó có thể tiến đến gần mức buộc ông phải thay đổi quyết định và chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có thể chấp nhận được đối với Kyiv và Washington.
Đây là cách mọi chuyện kết thúc
Nếu Putin không muốn dừng cuộc tấn công vào Ukraine, thì cuộc chiến chỉ có thể kết thúc theo một trong hai cách : hoặc vì Nga đã mất khả năng tiếp tục chiến dịch, hoặc vì Putin không còn nắm quyền nữa.
Việc đạt được kết quả đầu tiên, nghĩa là làm suy yếu năng lực của Nga, là không thực tế. Với việc Putin cam kết tham chiến và liên tục đưa thêm nhân lực và vật lực vào cuộc chiến, quân đội Nga khó có thể sụp đổ. Đánh bại Putin trên bộ ở Ukraine sẽ đòi hỏi tăng đáng kể lượng đạn dược, nhưng phải đến năm 2025, Mỹ mới bắt đầu tăng sản lượng đạn pháo cần thiết, và ngay cả mức tăng đó cũng không đủ để đáp ứng các yêu cầu trên chiến trường của Ukraine – chưa nói đến hệ thống phòng không mà Ukraine có thể sử dụng. Ukraine cũng cần tiếp tục đưa quân vào chiến đấu, và dù phương Tây có thể giúp huấn luyện nhóm tân binh này, các nước phương Tây sẽ không muốn gửi quân của riêng mình. Tệ hơn, như quãng thời gian hai năm chiến tranh đã chỉ ra, các cuộc tấn công lớn thường gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với các biện pháp phòng thủ kỹ lưỡng, đặc biệt là khi máy bay không người lái và các công nghệ giám sát khác đã làm giảm yếu tố bất ngờ cho cả hai bên.
Vì thế, chỉ còn con đường thứ hai để chấm dứt chiến tranh : Putin rời khỏi Điện Kremlin. Việc đẩy nhanh quá trình này nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng lại là một ý tưởng không thực tế. Suốt hàng chục năm qua, Washington đã cho thấy mình không có khả năng thao túng chính trị Nga thành công ; cố gắng làm như vậy bây giờ sẽ đại diện cho chiến thắng của hy vọng trước kinh nghiệm. Hơn nữa, dù Putin có thể đã nghĩ rằng Mỹ đang quyết tâm lật đổ ông, nhưng nếu chúng ta thực sự bắt đầu thực hiện các bước để làm vậy, rất có thể ông sẽ nhận ra sự thay đổi và xem đó là một bước leo thang. Để đáp trả, ông có thể tăng cường các nỗ lực của Nga nhằm gieo rắc hỗn loạn trong xã hội Mỹ.
Với những rủi ro đó, cách tiếp cận tốt nhất đối với Washington là chơi đường dài và chờ Putin ra đi. Vẫn có khả năng ông sẽ tự nguyện từ chức hoặc bị lật đổ, nhưng điều chắc chắn là, đến một lúc nào đó, ông sẽ chết. Chỉ khi Putin không còn nắm quyền nữa thì công việc thực sự để giải quyết vĩnh viễn cuộc chiến ở Ukraine mới có thể bắt đầu.
Câu giờ
Cho đến lúc đó, Washington nên tập trung vào việc giúp Ukraine giữ vững phòng tuyến và ngăn chặn những bước tiến quân sự tiếp theo của Nga. Họ nên tiếp tục áp đặt cái giá kinh tế và ngoại giao lên Moscow, nhưng đừng mong đợi chúng có nhiều tác dụng. Mục đích chính của những cái giá này là gửi đúng thông điệp đến các đồng minh của Mỹ và đảm bảo một đòn bẩy đàm phán trước nước Nga hậu Putin, cũng như để tránh vấp phải chỉ trích trong nước. Đồng thời, Washington nên tiết kiệm nguồn lực của mình, chi tiêu chúng một cách hiệu quả nhất có thể, và thuyết phục Kyiv tránh các cuộc tấn công lớn và lãng phí. Ngay cả các chiến dịch thành công của Kyiv cho đến nay – bao gồm cả cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga vào tháng trước – cũng không có nhiều tác động đến tiến trình chung của cuộc xung đột. Đây vẫn là một cuộc chiến tiêu hao mà không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ có bước đột phá trong thời gian tới.
Khi cuộc tấn công Kursk rơi vào bế tắc, và Kyiv phải chật vật ngăn chặn bước tiến của Nga tại Donetsk, Washington cũng nên ủng hộ một lệnh ngừng bắn để chấm dứt giao tranh. Dù Putin tất nhiên có thể phá vỡ bất kỳ thỏa thuận nào, nhưng lợi ích của lệnh ngừng bắn vẫn lớn hơn rủi ro. Một lệnh ngừng bắn sẽ cho phép Ukraine củng cố khả năng phòng thủ và huấn luyện thêm binh lính, đồng thời phương Tây có thể phòng bị bằng cách tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Quan trọng nhất, một lệnh ngừng bắn sẽ ngăn binh lính và thường dân mất mạng trong một cuộc chiến không có hồi kết thực tế cho đến khi Putin ra đi.
Tuy nhiên, khi Putin thực sự rời đi, Washington cần phải sẵn sàng với một kế hoạch – một kế hoạch không chỉ giải quyết cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, mà còn tạo ra một khuôn khổ tích cực cho an ninh Châu Âu, giúp giảm căng thẳng quân sự, giảm nguy cơ xung đột, và đề xuất một tầm nhìn mà các nhà lãnh đạo Nga mới ở Moscow có thể chấp nhận. Điều đó sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo táo bạo, ngoại giao quyết đoán, và sẵn sàng thỏa hiệp – ở Moscow, Kyiv, Brussels, và Washington.
Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, chiến lược của Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine đã được đặc trưng bởi suy nghĩ viển vông. Chỉ cần Washington có thể áp đặt cái giá đủ lớn lên Putin, họ có thể thuyết phục ông dừng cuộc chiến ở Ukraine. Chỉ cần có thể gửi đủ vũ khí đến Ukraine, Kyiv có thể đánh bật lực lượng Nga. Sau hai năm rưỡi, rõ ràng là hai kết quả này đều nằm ngoài tầm với. Cách tiếp cận tốt nhất là chơi trò câu giờ – giữ vững phòng tuyến ở Ukraine, giảm thiểu chi phí cho Mỹ, và chuẩn bị cho ngày Putin cuối cùng rời đi. Đây là một cách tiếp cận được thừa nhận là không thỏa đáng và không dễ chấp nhận về mặt chính trị. Nhưng đó là lựa chọn thực tế duy nhất.
Peter Schroeder
Nguyên tác : "Putin Will Never Give Up in Ukraine", Foreign Affairs, 03/09/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/09/2024
Peter Schroeder là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới. Ông là nhà phân tích và thành viên của Đơn vị Phân tích Cấp cao tại Cơ quan Tình báo Trung ương và từ năm 2018 đến năm 2022 giữ chức Phó Giám đốc Tình báo Quốc gia phụ trách Nga và Âu-Á tại Hội đồng Tình báo Quốc gia.
Putin : Khai thác quá khứ vệ quốc để đánh đồng với xâm lược Ukraine
Cuộc chiến Ukraine đã bước vào giai đoạn quyết liệt, không thấy lối ra. Le Monde nhắc lại, cuộc duyệt binh đầu tiên kỷ niệm dịp Đức quốc xã đầu hàng chỉ mới bắt đầu từ năm 1965, vào thời kỳ Liên Xô bị trì trệ - khi các nhà lãnh đạo hiểu ra rằng cần phải nói với nhân dân về một quá khứ huy hoàng, thay vì một tương lai tươi sáng.
Một xe tải Nga chở chiếc T-34 thời xô-viết đến chuẩn bị tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm 78 năm chiến thắng phát-xít Đức tổ chức ngày 09/05/2023 tại Moskva, Nga. Reuters – Yevgenia Novozhenia
Putin ca ngợi, Prigozhin tố cáo "quân đội anh hùng" tháo chạy khỏi Bakhmut
Các báo đều có những bài phóng sự và bình luận về cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ Moskva hôm qua. Le Monde ghi nhận "Putin tố cáo "cuộc chiến tranh được tung ra" chống lại Nga", La Croix nhận thấy "Vladimir Putin kêu đòi "chiến thắng" trên một Quảng trường Đỏ không có công chúng". "Một ngày kỷ niệm 9 tháng Năm 1945 trong tình trạng căng thẳng" -theo Les Echos. Le Figaro ví von "Ngày 9 tháng Năm cung mi thứ cho Putin". Khác với những năm trước, cuộc duyệt binh không có những vũ khí hạng nặng, trừ một chiếc T-34 thuộc loại hiện vật bảo tàng đi đầu. Theo sau là 52 xe quân sự và khẩu pháo thay vì 125 như loan báo.
Libération so sánh "9 tháng Năm : Giữa Putin và Prigozhin, hai loạt phát biểu với hai tâm trạng khác nhau". Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu bài diễn văn thường niên bằng câu "Nền văn minh lại có bước ngoặt mới, một cuộc chiến đã khởi động chống lại tổ quốc chúng ta". Hướng đến những quân nhân tập họp trước mặt, ông nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ Nhà nước và nhân dân, cứ như là hồi năm 1942, Liên Xô là nạn nhân bị xâm lăng. Lần này theo Putin kẻ thù là "giới tinh hoa phương Tây toàn cầu hóa", đã thao túng "nhân dân Ukraine, khiến họ trở thành con tin của một cuộc đảo chánh", nhằm "khiến cho dân tộc này chống lại dân tộc khác, chia rẽ các xã hội, gây ra những cuộc xung đột đẫm máu". Mục tiêu không thay đổi : làm nước Nga "sụp đổ và bị hủy diệt".
Trong khi lãnh tụ tối cao cảm ơn quân đội Nga trên khán đài ở Quảng trường Đỏ, một thủ lãnh quân sự khác tuôn ra những lời thóa mạ trên mạng xã hội. Yevgeny Prigozhin từ Bakhmut tố cáo quân đội Nga đào ngũ. Ông ta nói : "Hôm nay, một trong những đơn vị của bộ quốc phòng đã bỏ chạy khỏi vị trí. Tất cả đều trốn mất, để hở sườn một mặt trận dài 2 kilomet và sâu 500 mét". Không nói rõ mặt trận nào, nhưng Prigozhin chỉ ra đó là lữ đoàn 72, và vụ đào ngũ này khiến 500 lính đánh thuê của ông ta thiệt mạng.
Viết lại lịch sử để đánh đồng cuộc chiến vệ quốc với xâm lăng Ukraine
Thông tín viên Le Monde ở Moskva nhận thấy "Tại Nga, phía sau việc thần thánh hóa chiến thắng năm 1945 là chiến tranh liên miên không bao giờ kết thúc". Việc kỷ niệm cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại bị Vladimir Putin lợi dụng để người dân Nga chấp nhận cuộc xâm lăng Ukraine. Đã hai năm liên tiếp, lễ mừng chiến thắng phát-xít Đức biến thành công cụ tuyên truyền phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine. Chân dung những người lính tử trận trên đất Ukraine được trộn lẫn với những tử sĩ thời Đệ nhị Thế chiến, những áp-phích kêu gọi nhập ngũ "vì Stalingrad !".
Và nay đã dấn thêm một bước : hôm 02/05, khi khai mạc từ xa lễ khởi công một đường tramway ở Mariupol (thêm 10 kilomet vào 100 kilomet hiện hữu), Vladimir Putin đã so sánh số phận thành phố này với Leningrad trong thời gian bị quân Đức phong tỏa (1941-1944). Những cựu chiến binh Liên Xô thời đó được đưa từ Saint-Petersburg đến Mariupol dự lễ. Cả một sự mỉa mai, vì Mariupol bị biến thành bình địa sau nhiều tháng oanh tạc dữ dội và phong tỏa... bởi quân đội Nga. Nhưng chỉ nêu lên sự thật đơn giản này cũng đủ để người Nga phải vào tù.
Kể từ khi Putin quay lại Kremlin năm 2012, lịch sử được viết lại. Nước Nga luôn là nạn nhân của những kẻ xâm lăng - chỉ có thể là bọn phát-xít. Khẩu hiệu "Không bao giờ như thế nữa" sau Đệ nhị Thế chiến được thay bằng "Chúng ta có thể bắt đầu lại". Trên xe hơi, xe đẩy em bé được giả làm xe tăng bằng carton, hàng ngàn người Nga ghi "Đến Berlin", "Đến Washington"… Chiến thắng 1945 thời xô-viết trở thành tâm lý tôn sùng chiến tranh. Putin nói rằng "nhân dân Liên Xô đơn độc" trước họa phát-xít, sổ toẹt những đóng góp to lớn của đồng minh.
Nói về quá khứ huy hoàng thay vì một tương lai tươi sáng
Sau khi cố gắng biến cuộc xâm lăng Ukraine thành vô hình phía sau cụm từ "chiến dịch quân sự đặc biệt", chính quyền Nga nay chuẩn bị dư luận cho một cuộc chiến không có hồi kết. Đó là do mặt trận bị sa lầy, tính chất lâu dài trong cuộc đối đầu với phương Tây, và Putin bất lực không thể giải thích với người dân về một "chiến thắng". Ông ta chỉ còn cách tăng cường quân đội trong thập niên tới.
Vladimir Putin tuyên bố : "Chúng ta sẽ lên thiên đàng, những kẻ khác toi đời". Trong cuộc gặp những phụ nữ đóng vai mẹ liệt sĩ, ông ca ngợi những cái chết "anh hùng" so với "30.000 người chết mỗi năm vì tai nạn và nghiện rượu". Thống đốc Khantys-Mansis ở phía đông Ural, bà Natalia Komarova nói với học sinh "Chiến tranh là tình yêu, là một người bạn và còn là tương lai".
Nhà xã hội học Grigory Yudin khẳng định Putin và những người xung quanh ông ta vẫn coi chiến tranh là điều bình thường. Sự thay đổi ở đây là cuộc chiến Ukraine đã bước vào giai đoạn quyết liệt, và không có lối ra, những phát biểu như trên nhằm khơi dậy lòng thù hận nơi người Nga. Le Monde nhắc lại, cuộc duyệt binh đầu tiên kỷ niệm dịp Đức quốc xã đầu hàng chỉ mới bắt đầu từ năm 1965, vào thời kỳ Liên Xô bị trì trệ, khi các nhà lãnh đạo hiểu ra rằng cần phải nói với nhân dân về một quá khứ huy hoàng, thay vì một tương lai tươi sáng.
Ukraine : Hàng loạt trẻ em Kherson bị bắt sang Nga trong thời kỳ chiếm đóng
Đặc phái viên Le Monde có bài phóng sự "Tại Kherson, thành phố của những trẻ em được che giấu". Những lính Nga đội chiếc nón trùm đầu bỗng xuất hiện trong hầm của nhà thờ, tại căng-tin một nhà nuôi trẻ hoặc bệnh viện nhi với cùng một câu hỏi : "Trẻ em đâu rồi ?". Đó là cảnh thường thấy ở vùng đất bị Nga chiếm ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng. Suốt 9 tháng, nhân viên của nhiều cơ sở khác nhau đã làm mọi cách để giúp trẻ em không bị cưỡng bức đưa sang Nga.
Tại mái ấm Stepanivka ở ngoại ô Kherson, nơi nuôi dưỡng 52 trẻ em gia đình khó khăn từ 3 đến 17 tuổi, suốt hai tháng trời giám đốc hy vọng sẽ sơ tán được cơ sở nhưng quân Nga từ chối mở hành lang nhân đạo. Cuối tháng 4/2022, những tình nguyện viên giao thực phẩm và thuốc men bị đàn áp, có người bị bắt và tra tấn. Giám đốc Volodymyr Sagaydak là người duy nhất liều mạng đi chợ, nhiều khi phải vượt đến 60 trạm kiểm soát.
Đến tháng Năm, bắt đầu có những chuyến thăm phân phát bánh kẹo, báo chí Nga đi theo tuyên truyền là chính quyền Ukraine đã sụp đổ và bỏ rơi các trẻ nhỏ, "chúng ta đến để cứu các em". Sagaydak đọc được trên mạng xã hội là đã có những vụ cưỡng bức đưa trẻ em sang Nga, ông bèn ra sức tìm kiếm những người bà con xa của những trẻ ở mái ấm nhận nuôi để phân tán, chỉ còn lại 5 em cố trốn trong hầm.
Tại bệnh viện nhi đồng thành phố, có những phụ nữ từ Moskva đến thăm, được lính Nga vũ trang đi kèm. Hôm sau ba chiếc nôi trở nên trống rỗng, các em bé mất tích. Ở viện mồ côi Maliuka, trẻ em bị đưa đi trên bốn xe cấp cứu và hai xe ca, các nhân viên chỉ biết khóc. Một người sau đó nhận ra một số trẻ của cơ sở được chụp hình bên cạnh cây thông Noel do Kremlin tổ chức tại một trung tâm nhận con nuôi ở đâu đó trên lãnh thổ Nga.
Bán dầu cho Ấn Độ, Moskva ôm nhiều tỉ đồng rupi chẳng biết làm gì
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde cho biết "Bùng nổ thương mại giữa Nga và Ấn Độ phải đối mặt với vấn đề gai góc là thanh toán bằng đồng rupi". Từ tháng 7/2022, Nga thu về nhiều tỉ rupi mà chẳng biết để làm gì. Do chênh lệch quá lớn trong cán cân thương mại, Moskva lo ngại mỗi năm sẽ bị chồng chất số tiền tương đương 40 tỉ đô la. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga đã sụt giảm 11% trong gần một năm qua, chỉ có 2,8 tỉ đô la ; nhưng nhập khẩu tăng gấp 5 lần, đạt 41,5 đô la. Nga trở thành nhà cung cấp dầu lửa lớn nhất cho Ấn Độ, trong khi trước chiến tranh chỉ chiếm có 1%. Về vũ khí, số tiền Ấn Độ phải trả trong năm qua hơn 2 tỉ đô la vẫn chưa thanh toán được. Moskva từ chối nhận đồng rupi còn New Delhi không thể trả bằng đô la vì sợ trừng phạt. Trong khi chưa tìm được giải pháp, Nga không giao phụ tùng thay thế để gây áp lực.
Hoa Kỳ : Chính trường của người cao tuổi
Nhìn sang nước Mỹ, Les Echos nhận thấy "Hoa Kỳ dấn sâu vào chính trị của những người cao tuổi". Trong một năm rưỡi nữa, người Mỹ rất có thể phải chọn lựa giữa một tổng thống mãn nhiệm 82 tuổi và một cựu tổng thống 78 tuổi. Tình trạng này chủ yếu do hệ thống bầu cử ở Hoa Kỳ.
Không chỉ có chức tổng thống, mà chính trường Mỹ đều "nhuộm màu muối tiêu". Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện suốt nhiều năm, đợi đến lúc 82 tuổi mới nhường cho người trẻ hơn. Tuổi trung bình của các đồng nghiệp bà và các thượng nghị sĩ không ngừng tăng lên, từ 58 đến 65 tuổi. Vấn đề bình đẳng giữa các thế hệ được đặt ra, khi nợ công chồng chất hôm nay sẽ do thế hệ tương lai trả, và tác động của biến đổi khí hậu ngày mai tùy thuộc vào lượng carbonic thải ra từ nay cho đến lúc đó. Nhưng tại sao cử tri lại bầu ra những người đại diện lớn tuổi như vậy ?
Cơ chế lưỡng đảng và các mạnh thường quân
Ở Châu Âu, nhiều đảng cùng tranh cử và tương quan lực lượng thường xuyên thay đổi, nên Quốc hội cũng đổi khác rất nhiều. Chẳng hạn tại Pháp năm 2017, chiến thắng của đảng Tiến bước ! đã đưa vào nghị trường rất nhiều khuôn mặt trẻ trung. Còn tại Hoa Kỳ, hệ thống lưỡng đảng khiến hầu hết dân biểu có thể tại vị lâu dài ở những khu vực bầu cử ủng hộ đảng mình, được liên tục bầu lại, kể cả ở những quận "chao đảo" vì có cả tên tuổi lẫn phương tiện. Do không có cạnh tranh thực sự, họ chỉ rời ghế khi đã quá già.
Nhưng cơ chế này chưa đủ để giải thích về tuổi tác của các ứng cử viên tổng thống. Còn có một yếu tố khác, là trọng lượng của các mạnh thường quân. Do chi tiêu cho chiến dịch tranh cử không bị giới hạn, chiến thắng thường nhờ quỹ tài trợ khổng lồ. Năm 2020, ông Biden gây quỹ được 1,01 tỉ đô la, gấp 40 lần mức trần quy định trong vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. Trong khi đó những nhà tài trợ lớn thường có tuổi, và họ thích ủng hộ các chính khách cùng lứa tuổi hơn, khiến các ứng cử viên trẻ thiệt thòi.
Vài năm gần đây với đóng góp của nhiều nhà tài trợ nhỏ trẻ tuổi hơn, chính trường hy vọng được trẻ hóa, và Hoa Kỳ cũng có thể ấn định mức trần hạn tuổi. Mức sàn thì đã có : 30 và 35 tuổi để thành dân biểu và tổng thống. Trong lúc chờ đợi, người Pháp có thể hài lòng về các quy định bầu cử của mình.
Canada và Trung Quốc lại căng thẳng
La Croix chú ý đến "Các vụ trục xuất và căng thẳng trở lại giữa Trung Quốc với Canada". Bắc Kinh tuyên bố "persona non grata" đối với lãnh sự Canada ở Thượng Hải, sau khi Ottawa trục xuất một nhà ngoại giao Trung Quốc bị cáo buộc can thiệp vào chính sự Canada.Vài giờ sau, thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố sẽ không để yên, và không thể chấp nhận "sự can thiệp của nước ngoài". Ông Triệu Nguy (Zhao Wei) bị trục xuất vì gây áp lực lên dân biểu Trang Văn Hạo (Michael Chong), liên quan đến việc Quốc hội thông qua một kiến nghị coi chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ là "diệt chủng".
The Globe and Mail tiết lộ, Bắc Kinh mưu toan thao túng các cuộc bầu cử năm 2019 và 2021, tài trợ cho các chiến dịch tranh cử và ứng cử viên để giúp đảng Tự Do của ông Trudeau chiến thắng đảng bảo thủ của Michael Chong, vốn cứng rắn với Trung Quốc. Giáo sư Geneviève Tellier của đại học Ottawa phân tích, do bị đối lập chỉ trích, thủ tướng Justin Trudeau quyết định mạnh mẽ ra tay. Tuy quan hệ với Bắc Kinh đã hạ nhiệt phần nào sau vụ Mạnh Vãn Châu, Canada vẫn theo chân Mỹ, cấm Huawei và ZTE tham gia mạng 5G.
Chống trốn thuế, nhà ở, đầu tư : Tựa chính báo Pháp
Trang nhất các nhật báo Paris hôm nay được dành cho thời sự trong nước. Cùng nói về chủ trương chống trốn thuế, Le Monde cho biết "Chính phủ nhắm vào giới siêu giàu", còn Le Figaro cho rằng đó là "Một kế hoạch để lật sang trang khác sau cải cách hưu trí". Libération băn khoăn "Làm thế nào cấm những cuộc biểu tình của phe phát-xít". La Croix chạy tựa "Nhà ở, một mô hình cần xây dựng lại", Les Echos nhấn mạnh "Thu hút đầu tư : Nước Pháp ghi điểm".
Thụy My
Sự tàn bạo dã man của Vladimir Putin trong cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine đã khiến cho nhiều người cho rằng lương tâm nhân loại đã thức tỉnh. Thức tỉnh trước những hành động man rợ của tên đồ tể này đã đành, mà quan trọng hơn chính là thức tỉnh trước sự dối trá trắng trợn của hắn. Không gì bỉ ổi cho bằng biện minh cho tội ác bằng những lời dối trá và lật lọng mà không một người nào còn có chút lương tri có thể chấp nhận được.
Putin tuyên bố Ukraine muốn gia nhập NATO, đây là một đe dọa với sự ổn định của nước Nga nên... ĐÁNH.
Có người đã tóm tắt một cách rất chính xác những lời dối trá trâng tráo của Putin :
"Putin tuyên bố Ukraine muốn gia nhập NATO, đây là một đe dọa với sự ổn định của nước Nga nên... ĐÁNH.
Putin nói Ukraine có vũ khí nguyên tử nên... ĐÁNH.
Putin giải thích muốn ủng hộ đám ly khai ở Donbass và XYZ nên... ĐÁNH.
Putin lại nói rằng muốn diệt đám quốc xã ở Ukraine nên... ĐÁNH.
Và vừa rồi hắn nói : Trước sau gì rồi cũng phải ĐÁNH Ukraine.
Dường như Putin và Trump có cùng dòng họ, hoặc ít nhất là sở hữu một gen đột biến giống nhau - gen nói láo. Nói láo không biết xấu hổ, nói dối không cần một bằng chứng giả tạo.
Thật là trơ trẽn. Trước đây tôi chưa bao giờ có ác cảm gì với người Nga, tôi thấy họ hiền lành, bình thường, không tự cao tự đại. Tôi cũng chưa bao giờ nghe thấy chuyện phân biệt đối xử với người Nga ở Châu Âu. Thế nhưng, bây giờ tôi mới biết là không chỉ bị phân biệt đối xử, mà người Nga còn sắp bị tiêu diệt như người Do Thái !
Ngày 3/4/2022, ở Berlin và nhiều thành phố khác trên nước Đức đã diễn ra một cuộc biểu tình bằng xe hơi của người Nga. Trên kính sau của một chiếc xe có biểu ngữ "No Fascism" (Nói không với chủ nghĩa phát xít) với biểu tượng NATO bị gạch chéo.
Theo tôi, nếu Putin và người Nga làm những chuyện này nhiều lần trước cuộc chiến Ukraine thì có lẽ hợp lý hơn. Nhưng cuộc biểu tình diễn ra vào ngày thứ 38, sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Và tôi đươc biết thêm (qua một bài báo) : Ở Nga việc sử dụng Holocaust (cuộc tàn sát người Do Thái do Hitler chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiến) làm công cuộc cho chính trị đã mang tính truyền thống. Họ đang biến thủ phạm thành nạn nhân và ngược lại !" (1).
"Biến thủ phạm thành nạn nhân và ngược lại" cho nên những tên đồ tể cũng thường đảo ngược bậc thang các giá trị đạo đức. Họ trang điểm khuôn mặt của mình bằng một lớp phấn đạo đức giả.
Tôi không ngạc nhiên chút nào khi nhìn thấy Putin trong nhà thờ chính tòa Đấng Cứu Thế của Chính Thống Giáo ở Thủ đô Mạc Tư Khoa trong ngày Lễ Phục Sinh 24 tháng Tư vừa qua. Nhưng không gì bỉ ổi bằng vừa tàn sát người dân vô tội ở Ukraine lại vừa gởi đi một thông điệp Phục Sinh để đề cao "những lý tưởng và giá trị đạo đức cũng như niềm tin vào sự sống, lòng thiện hảo và công lý". Riêng trong lời chúc mừng Phục Sinh dành cho Thượng phụ giáo chủ Chính Thống Nga Kirill, Putin viết : "Trong những ngày nghỉ lễ Phục Sinh, tâm hồn các tín hữu tràn ngập một niềm vui đặc biệt, một nỗi khao khát làm điều thiện và giúp đỡ những người túng thiếu". "Làm điều thiện" như Putin đang hiểu và thực thi chính là giết người và giết người vô tội vạ !
"Làm điều thiện" như Putin đang hiểu và thực thi chính là giết người và giết người vô tội vạ !
Dường như Thượng phụ Kirill, người lúc nào cũng sát cánh bên Putin cũng hiểu như thế về "lòng thiện hảo và công lý" cũng như thế nào là "làm điều thiện". Ông đã chúc lành cho các binh sĩ Nga trước khi họ lên đường xâm lăng Ukraine. Trong sứ điệp Phục Sinh năm nay, ông cũng chỉ lập lại những công thức sáo ngữ chứ không hề lên án hành động xâm lăng ngang ngược và tàn bạo của Putin tại Ukraine.
Tựu trung, Putin đã dối trá và Kirill, lẽ ra là tiếng nói của sự thật và lẽ phải rốt cục cũng phụ họa theo. Chỉ tội nghiệp cho người dân Nga. Họ cũng chỉ biết hòa nhịp với dàn đồng ca ấy mà thôi. Trong những ngày đầu khi Putin cho tiến quân xâm lăng Ukraine, đã có hàng chục ngàn người xuống đường phản đối chiến tranh. Nhưng trong những tuần lễ gần đây, những cuộc biểu tình như thế ngày càng trở nên hiếm hoi. Dĩ nhiên, dân chúng Nga có lý để sợ, bởi vì Putin đã ra lệnh giam tù 15 năm những ai dám lên tiếng phản đối cuộc xâm lăng Ukraine của hắn. Nhưng sự sợ hãi chỉ là một phần của câu chuyện. Thực tế cho thấy rất đông người Nga đang đứng đàng sau lãnh tụ đồ tể của họ. Trước cuộc xâm lăng, mức ủng hộ dành cho Putin chỉ có gần 70 phần trăm. Một tháng sau điều được gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, tỷ lệ ủng hộ dành cho hắn lên đến 83 phần trăm. Cuộc chiến không chỉ diễn ra ở Ukraine, mà cũng xâu xé người Nga không ít. Không thiếu người Nga hiện đang kết án và tố cáo bạn hữu, láng giềng, đồng nghiệp và ngay cả người thân của mình nếu họ không ủng hộ cuộc chiếm xâm lược của Putin. Trong một bài diễn văn, chính Putin đã khuyến khích và nuôi dưỡng cuộc "nội chiến" ấy khi ca ngợi những người biết phân biệt ai là "những người yêu nước thực sự và ai là những kẻ phản quốc".
Dĩ nhiên, trong một chế độ độc tài khát máu như Nga hiện nay, tỷ lệ ủng hộ 83 phần trăm dành cho Putin có thể chỉ nói lên một nửa sự thật. Khi sự sợ hãi bao trùm cả nước thì những con số cũng phải rụt rè ít nói. Ai ủng hộ, ai phản đối cuộc xâm lược, khó mà nhận diện một cách chính xác. Chỉ có một điều chắc chắn mà người ta có thể khẳng định về tâm trạng hiện nay của người dân Nga là : rất đông người Nga, nếu không muốn nói là đa số, hiện đang tỏ ra dửng dưng và vô cảm trước những tội ác mà Putin đã và đang thực hiện tại Ukraine. Nói tóm lại, như ký giả Shadi Hamid đã nhận định trong một bài viết được đăng trên báo The Atlantic, "các chế độ độc tài vặn vẹo tâm hồn con người và bóp méo các định chế luân lý tự nhiên. Làm như thế, họ khiến cho người công dân, hay chính xác hơn những người dưới quyền họ, ít phải chịu trách nhiệm hơn về mặt đạo đức. Để hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt đạo đức, con người phải được tự do để chọn lựa giữa đúng và sai. Nhưng một sự chọn lựa như thế sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều trong một chế độ độc tài. Không phải ai cũng có thể can đảm và hy sinh mạng sống và cuộc sống của mình để làm điều đúng "(2).
Những nhận định trên đây của ký giả Shadi Hamid về thế đứng của người dân Nga trước cuộc chiến xâm lược của Putin tại Ukraine không thể không đưa tôi trở về với quê hương Việt Nam, nhứt là trong những ngày cuối tháng Tư hằng năm. Cuộc chiến tranh giữa Miền Nam tự do và Miền Bắc cộng sản thiết yếu là cuộc chiến giữa Sự Thật và Dối Trá. Giữa thập niên 1950, vừa bước vào tuổi khôn, không cần phải được tuyên truyền, thực tế của những vụ ám sát đã mang đến cho một đứa trẻ như tôi niềm xác tín sâu xa rằng cộng sản là những người "nói dối như Vẹm". Rồi khi cộng quân đã công khai xuất đầu lộ diện tại Miền Nam, tôi lại càng thấy rõ hơn bộ mặt dối trá của người cộng sản. Cuộc chiến mà các lãnh tụ cộng sản gọi là "thần thánh" dưới chiêu bài "giải phóng" Miền Nam mà thực chất là một cuộc xâm lược. Bao nhiêu người dân Miền Bắc đã bị lừa vì hai chữ "giải phóng". Một "bộ đội" Dương Thu Hương đã ngồi bệt xuống vệ đường giữa Sài Gòn trong ngày "giải phóng" để ôm mặt khóc khi biết mình bị lừa. Chính ngày Miền Nam được "giải phóng", một nghệ sĩ Ái Vân đã hăm hở mang theo 2 cân gạo để tặng cho bà con ở Sài Gòn, vì người dân Miền Nam phải đói khổ trong hàng bao nhiêu năm trời dưới sự đô hộ của Mỹ.
Cùng với ý thức hệ cộng sản mà "bên thắng cuộc" đã áp đặt lên Miền Nam, mặc dù chính họ cũng chẳng hiểu và cũng chẳng tin, họ cũng bao trùm lên cả nước sự dối trá. Những kẻ thống trị dối trá. Người bị trị cũng phải dối trá. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người sau khi ra tù đã viết quyển tiểu thuyết tự thuật nổi tiếng "Chuyện kể năm 2000", đã lột tả triết lý sống rất sinh động của người Việt Nam trong chế độ cộng sản hiện nay : "muốn tồn tại và vinh thăng trong cái xã hội ấy thì phải biết vờ, vờ nói, vờ nghe, nghĩa là khi nói, biết mình nói dối nhưng vẫn phải vờ nói dối một cách thành thật, khi nghe, biết mình không muốn nghe những vẫn phải vờ nghe một cách thành khẩn" (3).
Tôi chỉ sống trong chế độ dối trá ấy hơn 5 năm. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần để sống trong chế độ ấy, tâm hồn tôi cũng đã bị vặn vẹo, nhân cách của tôi cũng bị thui chột. Tôi cũng đã chạy theo "dòng chảy" người ta sao tôi vậy, nghĩa là cũng "vờ" để sống. Thoát khỏi chế độ dối trá ấy là để sống tự do. Và tự do luôn đi với trách nhiệm. Trách nhiệm mà tôi cho là quan trọng và ý nghĩa nhứt đối với một người tỵ nạn như tôi là phải cố gắng thật. Người ta có thể thoát khỏi một chế độ độc tài dối trá mà vẫn mang theo sự dối trá như một thứ "bửu bối". Tôi nghĩ đến không ít những người đồng bào ruột thịt của tôi, những người đã trốn khỏi chế độ cộng sản dối trá, nhưng lại sùng bái những lãnh tụ dối trá.
Thú vật cũng biết dùng đủ mọi "thủ đoạn" để thu hút "bạn tình" hay đánh lừa kẻ thù.
Dối trá là một bản năng tự nhiên của mọi sinh vật. Các chuyên gia tâm lý và các nhà sinh vật học theo thuyết tiến hóa cho rằng lừa dối đã được khắc ghi trong bản chất của mọi sinh vật. Để sinh tồn, cây cỏ biến dạng để trông giống côn trùng và côn trùng cũng biết biến dạng để trông giống cây cỏ. Thú vật cũng biết dùng đủ mọi "thủ đoạn" để thu hút "bạn tình" hay đánh lừa kẻ thù. Dù có tiến hóa đến đâu, con người vẫn còn duy trì cái bản năng dối trá ấy. Nếu chúng ta không nói dối liên tục thì chắc chắn chúng ta cũng thường xuyên nói dối. Một cuộc nghiên cứu cho biết : cứ trong một cuộc trò chuyện kéo dài 10 phút, chúng ta nói dối 3 lần và ngay cả nhiều hơn nữa khi chúng ta sử dụng email hay gởi lời nhắn qua các phương tiện truyền thông hiện đại (4). Kinh Thánh của Do Thái và Kitô giáo đã khẳng định : "Mọi người đều dối trá" (Thánh Vịnh 116, 11). Nhưng cũng chỉ có con người mới ý thức được bản năng dối trá của mình và biết rằng họ chỉ có thể trưởng thành nhờ cố gắng sống thật. Sống lúc nào cũng là một cuộc chiến đấu giữa sự thật và dối trá. Cũng như cậu bé người gỗ Pinocchio của nhà văn Ý Carlo Collodi (1826-1890), con người sẽ không bao giờ là một con người có nhân cách nếu lấy dối trá làm lẽ sống.
Chu Văn
29/04/2022
1. Lê Thanh Nhàn, "Thủ phạm và nạn nhân, sự lật lọng", Tiếng Dân, 17/4/2022
2. Shadi Hamid, "Why the Russian people go along with Putin’s war", The Atlantic, 23/ 04/2022
3. Nguyễn Giụ Hùng, Vờ, Việt Báo 25/04/2022
4. Dallas G. Denery II, "The Devil Wins", Princeton University Press, 2015, trg 4.
Cuộc khủng hoảng gần đây ở Donbass, Ukraine, minh họa cho "lằn ranh đỏ" mà tổng thống Nga Vladimir Putin đã vạch ra quanh các khu vực ảnh hưởng của Moskva. Trên đây là nhận định của nhà báo Alain Barluet trong bài phân tích "Vladimir Putin đang tìm kiếm điều gì khi gia tăng sức ép với Ukraine ?". Bài viết được đăng trên báo Le Figaro ngày 03/05/2021.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Moskva ngày 31/03/2021. AP - Alexei Druzhinin
Sau khi căng thẳng quân sự gia tăng mạnh trong tháng 04/2021 ở biên giới với Ukraine, nơi Nga đã điều quân ồ ạt, ông Vladimir Putin từ chối đề nghị của đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky về việc đàm phán song phương để tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Donbass. Theo tổng thống Nga, Volodymyr Zelensky phải trực tiếp thương lượng với phe ly khai, điều mà Kiev đã từ chối.
Không, chắc chắn là không lâu dài. Ngày 23/04, Nga đã thông báo rút đội quân được tăng cường về "vị trí thường đóng". Về mặt chính thức, Moskva gọi việc điều quân ồ ạt đến biên giới với Ukraine là "các cuộc tập trận" trước "các hoạt động đe dọa của NATO". Thông báo rút quân của Nga được phương Tây đón nhận với "sự cảnh giác và thận trọng". Theo lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell, đây là "đợt điều quân quy mô lớn nhất mà chúng tôi từng thấy" : tổng cộng, có 100.000, thậm chí là 150.000 quân Nga đã được điều đến biên giới Ukraine. Đồng thời, các cuộc tập trận với sự tham gia của khoảng 50 tàu Nga, đã được triển khai ở Biển Đen. Tất cả những động thái đó bị Washington tố cáo là "sự leo thang" và khiến Châu Âu lo ngại.
Tình hình căng thẳng đã giảm một bậc, nhưng không có nghĩa là cuộc xung đột, vốn đã cướp đi sinh mạng của 13.000 người kể từ năm 2014, đã dịu xuống. Quân độ Ukraine vẫn phải đối phó với các quân ly khai (28.000 binh sĩ và 2.000 "huấn luyện viên và cố vấn" của Nga, theo đánh giá của Kiev).
Có một số yếu tố được cho là đã thúc đẩy Putin hành động. Theo giải thích của nhà nghiên cứu Maxim Samorukov, thuộc trung tâm Carnegie ở Moskva, các cuộc đàm phán về thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt khủng hoảng ở miền đông Ukraine lâu nay không có tiến triển và thỏa thuận này đã không được thực hiện. Trong khi đó, Mỹ lại có chính quyền mới bài Nga mạnh mẽ và tổng thống Ukraine, chỉ trong vài tháng, đã theo khuynh hướng dân tộc.
Đối với nhà nghiên cứu Maxim Samorukov, những yếu tố này "khiến Moskva lo ngại là giới lãnh đạo Ukraine cho rằng Joe Biden khuyến khích giải quyết xung đột Donbass bằng các biện pháp quân sự… Đó chỉ là cái cớ của Nga hay đúng là ý định của Ukraine ? Arnaud Dubien, giám đốc Đài quan sát Pháp - Nga, nhắc lại : "Dù đúng hay sai, giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga đều tin rằng Kiev đang đợi những sơ hở nhỏ nhất (của Nga) để thực hiện một chiến dịch chớp nhoáng theo mô hình chiến dịch mà Croatia phát động hồi tháng 8/1995 ở Krajina", còn Kiev cáo buộc Moskva lên kế hoạch xâm lược Ukraine khi tìm cách gây chiến ở miền đông nước này.
Tuy nhiên, đa phần giới quan sát đều lưu ý việc Nga triển khai quân không phải là bước khởi đầu của chiến dịch can thiệp quân sự. Moskva trên hết muốn cảnh cáo chống lại mọi hành động phá vỡ nguyên trạng quân sự ở Donbass, đồng thời gửi thông điệp tới các nước phương Tây ủng hộ Zelensky là hãy gây áp lực với ông ta (để không làm thay đổi nguyên trạng). Vào ngày 21/04, phát biểu trước Quốc hội, Vladimir Putin cảnh cáo phương Tây không được "vượt lằn ranh đỏ", lằn ranh do chính Moskva vạch ra, nếu không Nga sẽ có "một phản ứng bất đối xứng, nhanh chóng và cứng rắn".
Theo chuyên gia Maxim Samorukov, "lằn ranh đỏ mà Putin đề cập đến trước hết là về viện trợ quân sự cho Ukraine, điều mà Nga coi là không thể chấp nhận được". Tín hiệu đã được bắn đi, và sau khi gây "sốc điện", Moskva có thể làm mọi chuyện dịu xuống. Đó là một phương thức cổ điển, nhất là sau ngày 13/04, trong một cuộc điện đàm với Vladimir Putin, tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị một cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nguyên thủ. Cuộc gặp có thể sẽ diễn ra vào tháng 6/2021 ở một nước Châu Âu trung lập.
Cuộc khủng hoảng Ukraine là tâm điểm của những căng thẳng hiện tại giữa Moskva và Washington, trong bối cảnh quan hệ đôi bên đã xấu đi do nhiều hồ sơ : vụ Moskva cho bắt giam nhà đối lập Alexei Navalny, Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga, hai bên trục xuất các nhà ngoại giao theo kiểu đáp trả lẫn nhau, các cáo buộc gián điệp, can thiệp bầu cử và tấn công mạng. Chuyên gia Maxim Samorukov của trung tâm Carnegie nhận định : "Hiện giờ, chính quyền Biden đã thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev nhưng vẫn lưu ý sao cho không vượt qua lằn ranh đỏ. (…) Sự giảm leo thang căng thẳng có được là nhờ vào cuộc điện đàm của tổng thống Mỹ Biden và đề xuất của ông ấy về cuộc gặp gỡ với Putin".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, ít có khả năng hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ thúc đẩy mọi việc tiến triển bởi vì các vấn đề cơ bản giữa hai nước quá khác biệt sâu sắc và không thể giải quyết được một cách đơn giản như vậy. Còn giám đốc Arnaud Dubien của Đài quan sát Pháp-Nga ở Moskva nhận định, đối với Washington, Ukraine là một lá bài có tầm quan trọng bậc nhất mà Mỹ không thể bỏ qua. Giờ đây các nhà quan sát chỉ có thể hy vọng hai bên kiểm soát được sự đối đầu, Nga và Ukraine không mắc sai lầm trên thực địa, sao cho tình hình không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Chuyên gia Maxim Samorukov nghĩ rằng đúng như vậy nhưng không ai có thể công khai nói điều đó. Đối với ông, cái lợi chính của các thỏa thuận này là không để xảy ra chiến tranh trong khi các bên đang thảo luận. Các cuộc thương lượng hiện giờ đang bế tắc. Nhà báo Vladimir Soloviev của báo Nga Kommersant thì nhấn mạnh : "Vấn đề là mỗi bên nhìn nhận cuộc xung đột theo cách khác nhau. Nếu Nga coi đây là chuyện nội bộ của Ukraine và tự xem mình có vai trò hòa giải, thì Ukraine nói về một cuộc chiến tranh với Nga. Và ngay cả khi các bên cố gắng đạt được một thỏa thuận về các vấn đề cụ thể, thì tất cả đều tan vỡ do mỗi bên đều ngần ngại xa rời, từ bỏ những quan điểm cốt lõi của họ".
Thỏa thuận Minsk được ký kết sau hồi tháng 02/2015 và theo hướng có lợi cho phe ly khai. Kể từ đó, Kiev luôn tìm cách thay đổi các điều khoản mở đường cho "các thực thể ly khai Donetsk và Lugansk" có một "quy chế đặc biệt". Kiev cũng tìm cách giành quyền kiểm soát biên giới Nga-Ukraine. Đó là lý do vì sao Zelensky không quan tâm đến việc thực thi thỏa thuận Minsk.
Lần này cũng vậy, những căng thẳng trên thực địa cũng gắn với sự bế tắc của các cuộc thảo luận. Khi đưa ra cảnh báo, Nga muốn nói với Ukraine rằng Moskva sẽ không chấp nhận việc Kiev không thực thi thỏa thuận Minsk. Chuyên gia Maxim Samorukov lưu ý thông điệp từ Moskva là Kiev "chớ hy vọng vào một giải pháp quân sự, mọi nỗ lực tấn công của Ukraine sẽ bị đáp trả và Nga sẽ không từ bỏ các nước cộng hòa ly khai". Thế nhưng, "để các thỏa thuận đi đến kết quả thì cần có những sự thay đổi triệt để cả từ Nga và Ukraine". Khoảng 500.000 hộ chiếu Nga đã được cấp cho người dân ở Donbass, nơi có dân số chưa đến 3 triệu người cho dù khác với Crimea, "Donbass không có tầm quan trọng đối với Nga, ngoại trừ nó gây ra vấn đề cho Ukraine".
Theo nhà nghiên cứu Alexander Baunov của trung tâm Carnegie, hiện giờ không thể có giải pháp nào khác. Nếu xảy ra xung đột quân sự, Ukraine sẽ thua nhưng Nga cũng sẽ phải trả giá đắt vì bị trừng phạt, căng thẳng sẽ gia tăng. Chuyên gia này cho biết thêm : "Những giai đoạn leo thang như vậy sẽ lặp đi lặp lại thường xuyên bởi đó là một công cụ của chính trị quốc tế". Còn nhà nghiên cứu Maxim Samorukov nhận định Ukraine chưa sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận Minsk, Kiev coi làm như vậy là nhượng bộ Nga và là phần thưởng cho sự "gây hấn" của Moskva. Trong khi đó, Nga lại không sẵn sàng từ bỏ các thỏa thuận mà họ đã nỗ lực rất nhiều mới đạt được. Nói tóm lại, cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng từ bỏ quan điểm của họ.
Kể từ khi đắc cử tổng thống Ukraine hồi tháng 04/2019, Volodymyr Zelensky đã chuyển từ lập trường cởi mở với Moskva sang thái độ cứng rắn theo khuynh hướng dân tộc. Nga không có khuynh hướng tỏ ra mềm dẻo, chính quyền mới của Biden cũng vậy. Những nỗ lực ngoại giao của Châu Âu cũng chỉ thu được những kết quả rất khiêm tốn. Đức và Pháp đều đang chuẩn bị cho các kỳ bầu cử, nên cuộc khủng hoảng Ukraine có thể không còn là tâm điểm chương trình nghị sự của Berlin và Paris. Chuyên gia Maxim Samorukov kết luận hầu như không thấy khả năng các bên đạt được một thỏa hiệp. Điều duy nhất mà người ta có thể hy vọng là sẽ không xảy ra chiến tranh.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 10/05/2021