Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/05/2023

Điểm báo Pháp - Putin : Khai thác quá khứ vệ quốc

RFI tiếng Việt

Putin : Khai thác quá khứ vệ quốc để đánh đồng với xâm lược Ukraine

Cuộc chiến Ukraine đã bước vào giai đoạn quyết liệt, không thấy lối ra. Le Monde nhắc lại, cuộc duyệt binh đầu tiên kỷ niệm dịp Đức quốc xã đầu hàng chỉ mới bắt đầu từ năm 1965, vào thời kỳ Liên Xô bị trì trệ - khi các nhà lãnh đạo hiểu ra rằng cần phải nói với nhân dân về một quá khứ huy hoàng, thay vì một tương lai tươi sáng.

putin1

Một xe tải Nga chở chiếc T-34 thời xô-viết đến chuẩn bị tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm 78 năm chiến thắng phát-xít Đức tổ chức ngày 09/05/2023 tại Moskva, Nga. Reuters – Yevgenia Novozhenia

Putin ca ngợi, Prigozhin tố cáo "quân đội anh hùng" tháo chạy khỏi Bakhmut

Các báo đều có những bài phóng sự và bình luận về cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ Moskva hôm qua. Le Monde ghi nhận "Putin tố cáo "cuộc chiến tranh được tung ra" chống lại Nga", La Croix nhận thấy "Vladimir Putin kêu đòi "chiến thắng" trên một Quảng trường Đỏ không có công chúng". "Một ngày kỷ niệm 9 tháng Năm 1945 trong tình trạng căng thẳng" -theo Les Echos. Le Figaro ví von "Ngày 9 tháng Năm cung mi thứ cho Putin". Khác với những năm trước, cuộc duyệt binh không có những vũ khí hạng nặng, trừ một chiếc T-34 thuộc loại hiện vật bảo tàng đi đầu. Theo sau là 52 xe quân sự và khẩu pháo thay vì 125 như loan báo.

Libération so sánh "9 tháng Năm : Giữa Putin và Prigozhin, hai loạt phát biểu với hai tâm trạng khác nhau". Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu bài diễn văn thường niên bằng câu "Nền văn minh lại có bước ngoặt mới, một cuộc chiến đã khởi động chống lại tổ quốc chúng ta". Hướng đến những quân nhân tập họp trước mặt, ông nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ Nhà nước và nhân dân, cứ như là hồi năm 1942, Liên Xô là nạn nhân bị xâm lăng. Lần này theo Putin kẻ thù là "giới tinh hoa phương Tây toàn cầu hóa", đã thao túng "nhân dân Ukraine, khiến họ trở thành con tin của một cuộc đảo chánh", nhằm "khiến cho dân tộc này chống lại dân tộc khác, chia rẽ các xã hội, gây ra những cuộc xung đột đẫm máu". Mục tiêu không thay đổi : làm nước Nga "sụp đổ và bị hủy diệt".

Trong khi lãnh tụ tối cao cảm ơn quân đội Nga trên khán đài ở Quảng trường Đỏ, một thủ lãnh quân sự khác tuôn ra những lời thóa mạ trên mạng xã hội. Yevgeny Prigozhin từ Bakhmut tố cáo quân đội Nga đào ngũ. Ông ta nói : "Hôm nay, một trong những đơn vị của bộ quốc phòng đã bỏ chạy khỏi vị trí. Tất cả đều trốn mất, để hở sườn một mặt trận dài 2 kilomet và sâu 500 mét". Không nói rõ mặt trận nào, nhưng Prigozhin chỉ ra đó là lữ đoàn 72, và vụ đào ngũ này khiến 500 lính đánh thuê của ông ta thiệt mạng.

Viết lại lịch sử để đánh đồng cuộc chiến vệ quốc với xâm lăng Ukraine

Thông tín viên Le Monde ở Moskva nhận thấy "Tại Nga, phía sau việc thần thánh hóa chiến thắng năm 1945 là chiến tranh liên miên không bao giờ kết thúc". Việc kỷ niệm cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại bị Vladimir Putin lợi dụng để người dân Nga chấp nhận cuộc xâm lăng Ukraine. Đã hai năm liên tiếp, lễ mừng chiến thắng phát-xít Đức biến thành công cụ tuyên truyền phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine. Chân dung những người lính tử trận trên đất Ukraine được trộn lẫn với những tử sĩ thời Đệ nhị Thế chiến, những áp-phích kêu gọi nhập ngũ "vì Stalingrad !". 

Và nay đã dấn thêm một bước : hôm 02/05, khi khai mạc từ xa lễ khởi công một đường tramway ở Mariupol (thêm 10 kilomet vào 100 kilomet hiện hữu), Vladimir Putin đã so sánh số phận thành phố này với Leningrad trong thời gian bị quân Đức phong tỏa (1941-1944). Những cựu chiến binh Liên Xô thời đó được đưa từ Saint-Petersburg đến Mariupol dự lễ. Cả một sự mỉa mai, vì Mariupol bị biến thành bình địa sau nhiều tháng oanh tạc dữ dội và phong tỏa... bởi quân đội Nga. Nhưng chỉ nêu lên sự thật đơn giản này cũng đủ để người Nga phải vào tù.

Kể từ khi Putin quay lại Kremlin năm 2012, lịch sử được viết lại. Nước Nga luôn là nạn nhân của những kẻ xâm lăng - chỉ có thể là bọn phát-xít. Khẩu hiệu "Không bao giờ như thế nữa" sau Đệ nhị Thế chiến được thay bằng "Chúng ta có thể bắt đầu lại". Trên xe hơi, xe đẩy em bé được giả làm xe tăng bằng carton, hàng ngàn người Nga ghi "Đến Berlin", "Đến Washington"… Chiến thắng 1945 thời xô-viết trở thành tâm lý tôn sùng chiến tranh. Putin nói rằng "nhân dân Liên Xô đơn độc" trước họa phát-xít, sổ toẹt những đóng góp to lớn của đồng minh.

Nói về quá khứ huy hoàng thay vì một tương lai tươi sáng

Sau khi cố gắng biến cuộc xâm lăng Ukraine thành vô hình phía sau cụm từ "chiến dịch quân sự đặc biệt", chính quyền Nga nay chuẩn bị dư luận cho một cuộc chiến không có hồi kết. Đó là do mặt trận bị sa lầy, tính chất lâu dài trong cuộc đối đầu với phương Tây, và Putin bất lực không thể giải thích với người dân về một "chiến thắng". Ông ta chỉ còn cách tăng cường quân đội trong thập niên tới.

Vladimir Putin tuyên bố : "Chúng ta sẽ lên thiên đàng, những kẻ khác toi đời". Trong cuộc gặp những phụ nữ đóng vai mẹ liệt sĩ, ông ca ngợi những cái chết "anh hùng" so với "30.000 người chết mỗi năm vì tai nạn và nghiện rượu". Thống đốc Khantys-Mansis ở phía đông Ural, bà Natalia Komarova nói với học sinh "Chiến tranh là tình yêu, là một người bạn và còn là tương lai". 

Nhà xã hội học Grigory Yudin khẳng định Putin và những người xung quanh ông ta vẫn coi chiến tranh là điều bình thường. Sự thay đổi ở đây là cuộc chiến Ukraine đã bước vào giai đoạn quyết liệt, và không có lối ra, những phát biểu như trên nhằm khơi dậy lòng thù hận nơi người Nga. Le Monde nhắc lại, cuộc duyệt binh đầu tiên kỷ niệm dịp Đức quốc xã đầu hàng chỉ mới bắt đầu từ năm 1965, vào thời kỳ Liên Xô bị trì trệ, khi các nhà lãnh đạo hiểu ra rằng cần phải nói với nhân dân về một quá khứ huy hoàng, thay vì một tương lai tươi sáng.

Ukraine : Hàng loạt trẻ em Kherson bị bắt sang Nga trong thời kỳ chiếm đóng

Đặc phái viên Le Monde có bài phóng sự "Tại Kherson, thành phố của những trẻ em được che giấu". Những lính Nga đội chiếc nón trùm đầu bỗng xuất hiện trong hầm của nhà thờ, tại căng-tin một nhà nuôi trẻ hoặc bệnh viện nhi với cùng một câu hỏi : "Trẻ em đâu rồi ?". Đó là cảnh thường thấy ở vùng đất bị Nga chiếm ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng. Suốt 9 tháng, nhân viên của nhiều cơ sở khác nhau đã làm mọi cách để giúp trẻ em không bị cưỡng bức đưa sang Nga.

Tại mái ấm Stepanivka ở ngoại ô Kherson, nơi nuôi dưỡng 52 trẻ em gia đình khó khăn từ 3 đến 17 tuổi, suốt hai tháng trời giám đốc hy vọng sẽ sơ tán được cơ sở nhưng quân Nga từ chối mở hành lang nhân đạo. Cuối tháng 4/2022, những tình nguyện viên giao thực phẩm và thuốc men bị đàn áp, có người bị bắt và tra tấn. Giám đốc Volodymyr Sagaydak là người duy nhất liều mạng đi chợ, nhiều khi phải vượt đến 60 trạm kiểm soát.

Đến tháng Năm, bắt đầu có những chuyến thăm phân phát bánh kẹo, báo chí Nga đi theo tuyên truyền là chính quyền Ukraine đã sụp đổ và bỏ rơi các trẻ nhỏ, "chúng ta đến để cứu các em". Sagaydak đọc được trên mạng xã hội là đã có những vụ cưỡng bức đưa trẻ em sang Nga, ông bèn ra sức tìm kiếm những người bà con xa của những trẻ ở mái ấm nhận nuôi để phân tán, chỉ còn lại 5 em cố trốn trong hầm.

Tại bệnh viện nhi đồng thành phố, có những phụ nữ từ Moskva đến thăm, được lính Nga vũ trang đi kèm. Hôm sau ba chiếc nôi trở nên trống rỗng, các em bé mất tích. Ở viện mồ côi Maliuka, trẻ em bị đưa đi trên bốn xe cấp cứu và hai xe ca, các nhân viên chỉ biết khóc. Một người sau đó nhận ra một số trẻ của cơ sở được chụp hình bên cạnh cây thông Noel do Kremlin tổ chức tại một trung tâm nhận con nuôi ở đâu đó trên lãnh thổ Nga. 

Bán dầu cho Ấn Độ, Moskva ôm nhiều tỉ đồng rupi chẳng biết làm gì

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde cho biết "Bùng nổ thương mại giữa Nga và Ấn Độ phải đối mặt với vấn đề gai góc là thanh toán bằng đồng rupi". Từ tháng 7/2022, Nga thu về nhiều tỉ rupi mà chẳng biết để làm gì. Do chênh lệch quá lớn trong cán cân thương mại, Moskva lo ngại mỗi năm sẽ bị chồng chất số tiền tương đương 40 tỉ đô la. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga đã sụt giảm 11% trong gần một năm qua, chỉ có 2,8 tỉ đô la ; nhưng nhập khẩu tăng gấp 5 lần, đạt 41,5 đô la. Nga trở thành nhà cung cấp dầu lửa lớn nhất cho Ấn Độ, trong khi trước chiến tranh chỉ chiếm có 1%. Về vũ khí, số tiền Ấn Độ phải trả trong năm qua hơn 2 tỉ đô la vẫn chưa thanh toán được. Moskva từ chối nhận đồng rupi còn New Delhi không thể trả bằng đô la vì sợ trừng phạt. Trong khi chưa tìm được giải pháp, Nga không giao phụ tùng thay thế để gây áp lực. 

Hoa Kỳ : Chính trường của người cao tuổi

Nhìn sang nước Mỹ, Les Echos nhận thấy "Hoa Kỳ dấn sâu vào chính trị của những người cao tuổi". Trong một năm rưỡi nữa, người Mỹ rất có thể phải chọn lựa giữa một tổng thống mãn nhiệm 82 tuổi và một cựu tổng thống 78 tuổi. Tình trạng này chủ yếu do hệ thống bầu cử ở Hoa Kỳ.

Không chỉ có chức tổng thống, mà chính trường Mỹ đều "nhuộm màu muối tiêu". Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện suốt nhiều năm, đợi đến lúc 82 tuổi mới nhường cho người trẻ hơn. Tuổi trung bình của các đồng nghiệp bà và các thượng nghị sĩ không ngừng tăng lên, từ 58 đến 65 tuổi. Vấn đề bình đẳng giữa các thế hệ được đặt ra, khi nợ công chồng chất hôm nay sẽ do thế hệ tương lai trả, và tác động của biến đổi khí hậu ngày mai tùy thuộc vào lượng carbonic thải ra từ nay cho đến lúc đó. Nhưng tại sao cử tri lại bầu ra những người đại diện lớn tuổi như vậy ?

Cơ chế lưỡng đảng và các mạnh thường quân

Ở Châu Âu, nhiều đảng cùng tranh cử và tương quan lực lượng thường xuyên thay đổi, nên Quốc hội cũng đổi khác rất nhiều. Chẳng hạn tại Pháp năm 2017, chiến thắng của đảng Tiến bước ! đã đưa vào nghị trường rất nhiều khuôn mặt trẻ trung. Còn tại Hoa Kỳ, hệ thống lưỡng đảng khiến hầu hết dân biểu có thể tại vị lâu dài ở những khu vực bầu cử ủng hộ đảng mình, được liên tục bầu lại, kể cả ở những quận "chao đảo" vì có cả tên tuổi lẫn phương tiện. Do không có cạnh tranh thực sự, họ chỉ rời ghế khi đã quá già.

Nhưng cơ chế này chưa đủ để giải thích về tuổi tác của các ứng cử viên tổng thống. Còn có một yếu tố khác, là trọng lượng của các mạnh thường quân. Do chi tiêu cho chiến dịch tranh cử không bị giới hạn, chiến thắng thường nhờ quỹ tài trợ khổng lồ. Năm 2020, ông Biden gây quỹ được 1,01 tỉ đô la, gấp 40 lần mức trần quy định trong vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. Trong khi đó những nhà tài trợ lớn thường có tuổi, và họ thích ủng hộ các chính khách cùng lứa tuổi hơn, khiến các ứng cử viên trẻ thiệt thòi.

Vài năm gần đây với đóng góp của nhiều nhà tài trợ nhỏ trẻ tuổi hơn, chính trường hy vọng được trẻ hóa, và Hoa Kỳ cũng có thể ấn định mức trần hạn tuổi. Mức sàn thì đã có : 30 và 35 tuổi để thành dân biểu và tổng thống. Trong lúc chờ đợi, người Pháp có thể hài lòng về các quy định bầu cử của mình.

Canada và Trung Quốc lại căng thẳng

La Croix chú ý đến "Các vụ trục xuất và căng thẳng trở lại giữa Trung Quốc với Canada". Bắc Kinh tuyên bố "persona non grata" đối với lãnh sự Canada ở Thượng Hải, sau khi Ottawa trục xuất một nhà ngoại giao Trung Quốc bị cáo buộc can thiệp vào chính sự Canada.Vài giờ sau, thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố sẽ không để yên, và không thể chấp nhận "sự can thiệp của nước ngoài". Ông Triệu Nguy (Zhao Wei) bị trục xuất vì gây áp lực lên dân biểu Trang Văn Hạo (Michael Chong), liên quan đến việc Quốc hội thông qua một kiến nghị coi chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ là "diệt chủng". 

The Globe and Mail tiết lộ, Bắc Kinh mưu toan thao túng các cuộc bầu cử năm 2019 và 2021, tài trợ cho các chiến dịch tranh cử và ứng cử viên để giúp đảng Tự Do của ông Trudeau chiến thắng đảng bảo thủ của Michael Chong, vốn cứng rắn với Trung Quốc. Giáo sư Geneviève Tellier của đại học Ottawa phân tích, do bị đối lập chỉ trích, thủ tướng Justin Trudeau quyết định mạnh mẽ ra tay. Tuy quan hệ với Bắc Kinh đã hạ nhiệt phần nào sau vụ Mạnh Vãn Châu, Canada vẫn theo chân Mỹ, cấm Huawei và ZTE tham gia mạng 5G.

Chống trốn thuế, nhà ở, đầu tư : Tựa chính báo Pháp

Trang nhất các nhật báo Paris hôm nay được dành cho thời sự trong nước. Cùng nói về chủ trương chống trốn thuế, Le Monde cho biết "Chính phủ nhắm vào giới siêu giàu", còn Le Figaro cho rằng đó là "Một kế hoạch để lật sang trang khác sau cải cách hưu trí". Libération băn khoăn "Làm thế nào cấm những cuộc biểu tình của phe phát-xít". La Croix chạy tựa "Nhà ở, một mô hình cần xây dựng lại", Les Echos nhấn mạnh "Thu hút đầu tư : Nước Pháp ghi điểm".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 224 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)