Tào lao hơn cả ‘tào lao’ !
Trân Văn, VOA, 13/05/2021
Trước nay, diện mạo và sắc thái của dân chủ ở Việt Nam vốn luôn rất khác với thiên hạ. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vẫn lý giải, nguyên do nằm ở chỗ dân chủ ở Việt Nam là dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói : "nếu dân chủ tào lao, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn".
Chưa rõ tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc, tân Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam miệt thị diện mạo, sắc thái dân chủ không phảidân chủ xã hội chủ nghĩalà dân chủ tào lao nhưng ông và đảng của ông vẫn đeo đuổi, tận tình tán tỉnh lũ "tào lao" ấy ?
***
Ở Hội nghị tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 10 của Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm hai huyện Hóc Môn và Củ Chi), trong vai Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử này, ông Phúc tuyên bố :Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu "dân chủ tào lao", không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn (1).
Dẫu ông Phúc – Thủ tướng và ông Phúc – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vẫn là một người nhưng nhận thức và hành vi lại rất khác, thậm chí mâu thuẫn nhau hết sức gay gắt.
Singapore không có dân chủ xã hội chủ nghĩa và theo quan điểm của ông Phúc – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có thể suy ra Singapore cũng thuộc nhómdân chủ tào lao ! Vậy thì tại sao thuở còn làm Thủ tướng, ông Phúc lại hâm mộ quốc giadân chủ tào laoấy một cách đặc biệt ? Năm 2016, ông Phúc – Thủ tướng từng yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Ninh phải thử nghiệm những mô hình tăng trưởng mới, phải xây dựng Đặc khu Vân Đồn không thua kém Singapore (2). Năm sau (2017), ông Phúc - Thủ tướng đòi Đà Nẵng phải trở thành thành phố nổi trội hơn những thành phố khác ở Việt Nam để có thể cạnh tranh với Singapore (3). Đến 2019, ông Phúc – Thủ tướng tiếp tục yêu cầu chính quyền Hải Phòng phải cố gắng để Hải Phòng phát triển như Singapore (4). Vì sao miệt thịdân chủ tào lao nhưng lại lấy"tào lao" làm mẫu mực để phấn đấu ?
Không phải chỉ có ông Phúc tỏ ra mâu thuẫn như thế. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng mâu thuẫn y hệt như vậy. Rất khó lý giải tại sao các cá nhân lãnh đạo những hệ thống này vừa vỗ ngực tự hào vì dân chủ ở Việt Nam cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản (5), lại vừa tha thiết bày tỏ khát vọnglàm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai(6) ?
Năm 2018, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông Phúc – Thủ tướng khoe với cộng đồng quốc tế rằng Việt Namđang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng, bảo vệ tốt môi trường cũng như đảm bảo quyền cho mọi người dân. Giờ, ông Phúc công khai bày tỏ với dân chúng Việt Nam sự khinh bỉ dân chủ tư sản, dân chủ phi xã hội chủ nghĩa là dân chủ tào lao. Ông Phúc đã thay đổi, từ khi nào ?
Nếu đối chiếu với sự tự hào vốn hết sức nhất quán về chuyện dân chủ của "ta" gấp vạn lần dân chủ tư sản thì sự miệt thị đó chính là nhận thức chung của lãnh đạo đảng"ta", quốc hội"ta", nhà nước"ta", chính phủ"ta" chứ không chỉ riêng ông Phúc.
Lấn cấn duy nhất là "ta" vừa khinh bỉ nhận thức, nỗ lực bảo vệ, thực thi dân chủ của thiên hạ, xem đó là "tào lao", vừa cam kết với thiên hạ sẽ tự chuyển hóa để dân chủ ở "ta" thăng tiến theo tiêu chuẩn"tào lao" ấy !
Tháng trước nhiều cơ quan truyền thông chính thức của"ta", chỉ trích kịch liệt những nơi, những người cho rằng Việt Nam không xứng đáng tham dự Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 (8).
Nếu đặt những chỉ trích này bên cạnh sự miệt thịdân chủ tào lao của ông Phúc, chẳng riêng thiên hạ mà đa số nhân dân ta đều hoang mang. Đã xem là "tào lao" thì vận động ứng cử, kiếm cho bằng được một ghế trong những định chế"tào lao" ấy làm gì ? Đó chẳng phải là làm chuyệntào lao hơn cả"tào lao" sao ? Khi nhận thức và hành động về tào lao lộn xộn như vậy thì ai, thứ nào mới đích thực là tào lao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/052021
Chú thích
(3) https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=25600&_c=3,33
(5) https://vi.wikiquote.org/wiki/Nguyễn_Thị_Doan
*********************
"Dân chủ tào lao" : Từ lời của Chủ tịch Phúc, tìm hiểu thêm về dân chủ "dởm"
Võ Văn Quản, Luật Khoa, 12/05/2021
"Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu "dân chủ tào lao", không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn".
(Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – 9/5/2021)
Dân chủ có muôn hình vạn trạng, trong đó không thiếu những nền dân chủ… "tào lao".
"Dân chủ tào lao" trở thành thuật ngữ mới nhất và lạ nhất mà ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim Chủ tịch nước, sử dụng trong buổi gặp gỡ cử tri tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/5/2021.
Giải thích rõ hơn, ông cho rằng nhà nước ta rất dân chủ, nhưng dân chủ đến cỡ nào thì cũng phải có "kỷ cương, phép nước". Như vậy, trong cách tiếp cận của ông Phúc, chí ít hai khái niệm này có hàm chứa nội dung trái ngược nhau ?
Về mặt ngôn ngữ, "tào lao" trong hầu hết các từ điển tiếng Việt hiện hành là một tính từ để chỉ một sự vật, hiện tượng không có nội dung đứng đắn, cụ thể. Một số từ điển còn ghi nhận "tào lao" đồng nghĩa với không có ích lợi, phù phiếm.
Không phải là dịch nghĩa hoàn hảo, "tào lao" trong cách hiểu này rất gần với cách hiểu của từ "small talk" trong tiếng Anh, thường dùng để chỉ những cuộc đối thoại không đầu không đuôi, không thực hiện bất kỳ chức năng giao dịch hay đạt đến mục tiêu nào cụ thể. Hoặc trực diện hơn, từ "nonsense" có thể là một lựa chọn hoàn hảo.
Nhưng nếu một nền dân chủ vô nghĩa lý, chỉ có vỏ không có ruột, thì làm gì đã ảnh hưởng đến kỷ cương hay phép nước ?
Sự… tùm lum trong cách hiểu về dân chủ và cách sử dụng từ ngữ sáng tạo của chủ tịch nước khiến người viết mong muốn giới thiệu đến bạn đọc một cách nhìn tổng quan hơn về dân chủ, cái tốt, cái xấu, cũng như thế nào là một nền dân chủ "tào lao".
Bản đồ Chỉ số Dân chủ Toàn cầu năm 2020 của tạp chí The Economist.
Dân chủ với muôn hình vạn trạng
Dân chủ cũng có dân chủ này, dân chủ kia. Điều này hoàn toàn đúng.
Về mặt bản chất, hầu hết các nhà nghiên cứu đồng ý với một định nghĩa tối giản của dân chủ sẽ bao gồm các yếu tố như sau :
- Bầu cử phổ quát (universal suffrage) ;
- Các cuộc bầu cử diễn ra định kỳ, cạnh tranh và công bằng ;
- Nhiều hơn một chính đảng ;
- Nhiều hơn một nguồn thông tin.
Ngoài ra, các yếu tố khác như xã hội dân sự, các cơ chế bảo vệ nền dân chủ, các quyền chính trị hiện hữu cũng như quá trình đưa ra quyết định chính sách… cũng là các chỉ dẫn phụ đáng xem xét.
Dựa trên nhóm tiêu chuẩn này, chúng ta có hàng loạt các tên gọi khác nhau dành cho các nền dân chủ.
Các tác giả có tiếng như Wolfgang Merkel và Hans-Jürgen Puhle sáng tạo ra khái niệm "defective democracy", hay "dân chủ hụt".
Nhóm này được cho là sẽ bao hàm kiểu dân chủ độc quyền, với các quyền dân sự chính trị chỉ dành cho một bộ phận nhỏ trong toàn bộ dân cư (exclusive democracy). Có thể nghĩ đến nền dân trị Hoa Kỳ thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một nền dân chủ dù lừng danh nhưng chỉ dành cho người nam, da trắng, như là một ví dụ điển hình của "exclusive democracy".
Ngoài ra, dân chủ thống trị – hay "dominated democracy" – cũng thuộc nhóm các nền dân chủ hụt. "Dominated democracy" dùng để chỉ các nền dân chủ nơi mà một hay nhiều nhóm quyền năng bên ngoài có khả năng giới hạn, tác động đến việc hoạch định chính sách của những chức danh dân cử.
Myanmar trong giai đoạn giữa thập niên 2010 cho đến thời điểm trước đảo chính có thể được xem là ứng cử viên sáng giá để mô tả "dominated democracy". Trong đó, dù chính phủ và các chức danh hoàn toàn do dân bầu, chính quyền hoàn toàn chính danh này không thể kiểm soát các tướng lĩnh quân đội. Họ tiếp tục chịu sự chi phối của quân đội trên nhiều phương diện. Từ việc xử lý các cáo buộc diệt chủng đối với người Rohingya đến kết cục cuối cùng là cuộc đảo chính vào đầu năm 2021, quân đội Myanmar luôn là người cầm trịch so với chính phủ dân cử.
Đến đây, chúng ta phải nhắc đến "illiberal democracy", tức các nền dân chủ phi tự do, trong nhóm dân chủ hụt. "Illiberal democracy" có thể được mô tả ngắn gọn là mô hình dân chủ chỉ bảo đảm một số ít các quyền chính trị, dân sự. Rõ ràng hơn, dân chủ phi tự do là nơi mà người dân vẫn có quyền đi bầu và chọn ra chính phủ của mình. Tuy nhiên, ở các nước này, không gian dân sự và các quyền thảo luận, kiểm tra, giám sát nhà nước hoặc không tồn tại, hoặc không hiệu quả. Báo chí bị kiểm soát, các nhà chính trị đối lập bị trả đũa, pháp luật kiểm soát quyền lực nhà nước bị chính quyền đương nhiệm thay đổi, hay các cơ chế phòng vệ nền dân chủ như nhiệm kỳ, luật bầu cử bị chỉnh sửa theo hướng có lợi cho chính đảng cầm quyền… là một số trong các dấu hiệu để nhận biết liệu một nền dân chủ đã đến mức "illiberal" hay chưa.
Một góc phố ở Venezuela năm 2016. Ảnh : Alvaro Ybarra Zavala / Getty Images Reportage for Time.
Venezuela trong thời kỳ đầu giai đoạn cầm quyền của Hugo Chavez vào thập niên 1990 hoàn toàn hội đủ các tiêu chuẩn của một nền dân chủ phi tự do. Kiểm soát báo đài, mua chuộc cử tri, và dần dà dùng các kỹ thuật chính trị để loại bỏ nhiệm kỳ… đều là những đặc sản biến nền dân chủ non trẻ của Venezuela thành sản phẩm của ngày nay.
Nhưng chỉ những nhóm trên chưa đủ thỏa mãn cơn khát thuật ngữ của các học giả chính trị học.
"Deficient democracy" (dân chủ khiếm khuyết) là một thuật ngữ phổ biến dùng để chỉ hầu hết các nền dân chủ đương đại trên thế giới. Từ Hoa Kỳ đến các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản và các nền dân chủ mới nổi thuộc Châu Mỹ Latin… đều có thể được xem là những nền dân chủ không hoàn hảo, có khuyết điểm. Cụ thể, các loại khuyết điểm trải dài từ cơ chế bảo hiến, quyền tham gia của người dân, tính rõ ràng của các thủ tục hành chính và dân quyền hay thậm chí là tính phân biệt chủng tộc có thể có trong bộ máy dân chủ.
Tiêu chí nào để đánh giá nền dân chủ
Muốn đánh giá chất lượng của một nền dân chủ, chúng ta trước tiên cần xác định thế nào là một sản phẩm có chất lượng. Người viết vay mượn cách hiểu của quản lý chất lượng trong quản trị học nói chung để nghiên cứu, đơn giản vì cách tiếp cận này dễ hiểu và dễ truyền đạt hơn các tiêu chuẩn triết học hay khoa học chính trị – pháp lý khác.
Yếu tố đầu tiên, một sản phẩm có chất lượng thì trước tiên phải dựa vào quy trình sản xuất có chuẩn mực. Việc tạo ra sản phẩm phải đúng thời điểm (timely), có kiểm soát chất lượng (controlled), sở hữu cơ chế phòng ngừa sai sót và rủi ro (risk-managed), và dễ đoán định (predictable).
Khác với lầm tưởng của nhiều người, các chính phủ dân chủ phương Tây không tự nhiên tốt, hay tự nhiên giỏi, chính cơ chế và quy trình xây dựng dân chủ mới là bước đầu tiên gầy dựng nền tảng của một nhà nước tốt.
Nền dân chủ, tương tự như một sản phẩm tiêu dùng, sẽ không thể là một nền dân chủ có chất lượng nếu quá trình tạo nên chính thể đại diện không có một quy chuẩn thời gian cụ thể. Chính quyền mới có thể được tạo ra quá sớm (hoặc quá trễ) so với luật định vì nhiều nguyên do và ngoại lệ. Điều này tạo nên những bất thường về mặt chính sách, sự thiếu chủ động của chính người dân và tạo ra nhiều kẽ hở không đáng có.
Hay một chính quyền được tạo ra là một kết quả không dễ đoán định, từ việc ai trở thành lãnh đạo hay chính sách mà người đó theo đuổi, cũng là một dấu hiệu tiêu cực cho một nhà nước lành mạnh.
Nhân viên bầu cử (ngồi) hướng dẫn cử tri đi bầu ở Philadelphia năm 2020. Ảnh : Reuters.
Lấy hai nhà nước điển hình nhất hiện nay để so sánh : Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ở Hoa Kỳ, việc ai lên làm tổng thống chắc chắn được lựa chọn thông qua cuộc bầu cử tổng thống mỗi bốn năm một lần, với phương thức bầu chọn ai cũng biết là mô hình phổ thông đầu phiếu tại từng tiểu bang, kết hợp với phương án đại cử tri cho toàn liên bang. Việc ông Trump hay ông Biden theo đuổi chính sách gì, lời hứa ra sao cũng được ghi nhận không thể rõ ràng hơn thông qua các cuộc tranh luận hay tiếp xúc cử tri.
Ở Trung Quốc, ngược lại, người dân khó có thể biết điều gì xảy ra bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến khi Tập Cận Bình thật sự chiếm lĩnh hoàn toàn ánh hào quang trên chính trường. Và họ cũng khó ngờ rằng Trung Quốc thời Tập là một quốc gia đầy tham vọng với những "Vành đai – Con đường" và quá trình quân sự hóa tại biển Đông, thay vì tập trung phát triển kinh tế như trước đó.
Toàn bộ những yếu tố nói trên hợp thành chiều quy trình (procedural dimension), hoặc các yếu tố đầu vào (input), để đánh giá một nền dân chủ.
Sau khi đã nói đến quy trình thì chắc hẳn phải nói đến bản chất và đặc trưng cấu trúc của thành phẩm (structural characteristic), từ thiết kế, chất liệu đến các chức năng mà sản phẩm đó có thể thực hiện. Như vậy, chúng ta có thể đồng ý gọi yếu tố thứ hai là dùng sản phẩm đầu ra (output), để đánh giá một nền dân chủ.
Một số cho rằng kiểu chính quyền nào tạo ra việc làm, cơm ăn áo mặc cho người dân, đạt đến cảnh giới "quốc thái dân an" thì là chính quyền tốt. Nhưng rõ ràng đấy là một tiêu chuẩn lỗi thời.
Một nhà nước phong kiến sử dụng nhục hình và bạo lực tư pháp, chuyên quyền, phân biệt đối xử và phân biệt giai cấp vẫn có thể tạo nên một bức tranh quốc thái dân an.
Một chính quyền phân biệt chủng tộc cực đoan như chính quyền apartheid tại Nam Phi cũng không gặp bất kỳ trở ngại nào để đạt danh hiệu đầu tàu kinh tế toàn Châu Phi.
Chức năng của một nhà nước đương đại không chỉ đơn giản là tạo ra các cơ hội kinh tế và nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân. Nó còn phải tôn trọng và chủ động bảo vệ sự bình đẳng giữa các chủ thể trong xã hội, hạn chế quyền lực của các chức danh công quyền thông qua cơ chế pháp quyền (rule of law), và đẩy mạnh trách nhiệm lẫn giải trình từ phía cơ quan nhà nước (accountability).
Khác với cách nhiều người lầm tưởng, đánh giá đầu ra của một quá trình dân chủ (mà hiện thân là bộ máy chính trị quốc gia) không khó như ta tưởng tượng. Theo hai tác giả Heinz Eulau và Paul D. Karps , tính tương tác và phản ứng (responsiveness) là tiêu chuẩn đơn giản nhất để đánh giá tính đại diện của một chính quyền đối với cử tri, và từ đó suy luận ra chất lượng của nền dân chủ.
Họ kể đến những biểu hiện hoàn toàn có thể quan sát được như chính sách nhắm đến phục vụ lợi ích công cộng, các dịch vụ công được cung cấp một cách bình đẳng và không vụ lợi cho mọi cá thể trong xã hội, hay lợi ích vật chất thông qua các chương trình an sinh xã hội được phân phối minh bạch với các công cụ kiểm tra – giám sát hiệu quả, v.v.
Những phân tích dông dài nhưng cần thiết nói trên cho thấy rằng một nền dân chủ đúng nghĩa, vận hành tốt không chỉ mang lại các lợi ích về kinh tế – xã hội, mà còn thiết lập một trật tự xã hội có quy chuẩn, có đạo đức. Nơi đó, những tranh chấp về quyền công dân, về chính trị, về lợi ích an sinh xã hội là những tranh chấp được giải quyết một cách có bài bản, có quy trình, nhưng đồng thời cũng trao quyền cho người dân và phản ánh đúng nguyện vọng, quyền lợi của không chỉ số đông mà còn của các nhóm yếu thế.
Trở lại với góc nhìn phổ biến tại Việt Nam rằng dân chủ là chỗ ai muốn nói gì thì nói, ai muốn làm gì thì làm rồi gây náo loạn, gây ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước… là kiểu tư duy rất tiểu học, thiếu thông tin và thiếu tri thức về khoa học chính trị lẫn khoa học pháp lý.
Mặt khác, nếu dùng từ "tào lao" để mô tả dân chủ như chúng ta đã phân tích ở trên, dân chủ trở thành một thứ vô thưởng vô phạt, hình thức, có cũng được không có cũng không sao. Nếu nói về một vài nước mà nền dân chủ nó tào lao như thế, thì Việt Nam cũng có phần. Nhưng chuyện đó có lẽ sẽ phải để lại cho một dịp thảo luận khác.
Võ Văn Quản
Nguồn : Luật Khoa, 12/05/2021
*********************
Thế nào là ‘dân chủ tào lao' như lời Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc ?
RFA, 10/05/2021
‘Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân, nhưng dân chủ tào lao đất nước sẽ loạn !’ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 15 phát biểu như vừa nêu khi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/5/2021.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 15, phát biểu khi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/5/2021. Courtesy TP
Ông Phúc còn cho rằng, Việt Nam là một nhà nước pháp quyền luôn đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, nhưng nếu không giữ vững ‘kỷ cương, phép nước’ thì sẽ không đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 10/5, nhận định :
"Tôi nghĩ người ta kêu ổng là ông Phúc nổ thì không có sai gì cả. Là bởi vì ổng nói mà ổng không biết ổng nói cái gì ? Thật sự nếu ổng là một ông nông dân mà nói bỗ bã như thế thì nó có thể rất là hay. Nhưng một ông Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một trong bốn nhà chính trị đứng đầu Việt Nam mà ăn nói những câu gọi là hết sức thô lỗ như thế thì tôi nghĩ không có cái gì để có thể bình luận về một chính trị gia như vậy được".
Trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 10/5, Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù chính trị, cho rằng định nghĩa về dân chủ thì tất các nước trên thế giới đều định nghĩa giống nhau, đó là quyền làm chủ của người dân, đó quyền tự do ngôn luận mà một trong những điểm chính là quyền được tự do bày tỏ, phát biểu chính kiến của mình về mọi vấn đề của đất nước từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Luật sư Đài nói tiếp :
"Thế thì dân chủ là như vậy và ông Chủ tịch nước lại phát biểu dân chủ tào lao thì không biết ổng hiểu như thế nào là dân chủ. Chắc chắn là ổng hiểu sai về dân chủ rồi, bởi vì nếu ổng hiểu đúng về dân chủ thì không bao giờ ổng nói như vậy. Bởi vì dân chủ chỉ có một, chứ không có thứ dân chủ tào lao hay dân chủ xã hội chủ nghĩa, hay dân chủ nào khác…".
Theo Tự điển Bách khoa Toàn thư, Dân chủ là một phương pháp ra quyết định tập thể trong đó mọi thành viên đều có quyền ngang nhau khi tham gia ra quyết định. Dân chủ cũng để chỉ một hình thức nhà nước, trong đó mọi thành viên đều tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề của mình, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong quốc hội hoặc thể chế tương tự.
Liên Hiệp Quốc xem dân chủ là một trong những nền tảng và giá trị cốt lõi của mình vì dân chủ cung cấp môi trường để bảo vệ và nhận thức tốt quyền con người. Những giá trị này được thể hiện trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Những quyền chính trị và dân sự này là nền tảng của nền dân chủ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng là tù nhân chính trị tại Việt Nam, cho biết công việc đấu tranh dân chủ mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gọi là ‘dân chủ tào lao’ là một công việc rất nặng nhọc, khó khăn và nguy hiểm của tất cả những người Việt Nam ở trong nước khi mà muốn dân chủ hóa Việt Nam. Ông Đài cho biết thêm :
"Như chúng ta đều biết, ít nhất là 76 năm kể từ 1945, dưới sự cai trị của chế độ độc đảng toàn trị ở Việt Nam, rồi từ 30/4/1975 họ áp đặt cai trị trên toàn quốc thì rất nhiều thế hệ người Việt Nam khác nhau đã nỗ lực đứng lên để đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ cho người dân. Nhưng cho đến thời điểm này, không những chưa thành công mà những người này còn bị đàn áp rất khốc liệt, một số phải đi tị nạn nước ngoại, phần lớn thì còn ở trong các nhà tù của Việt Nam. Đó không chỉ là nỗi buồn của các gia đình đấu tranh, mà còn là nỗi buồn chung của dân tộc Việt Nam, đã mất nhiều thập kỷ khi hầu hết các quốc gia đề có nền dân chủ thì Việt Nam vẫn chưa có được điều đó".
Cũng tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến vấn đề dân chủ khẳng định quan điểm của Đảng, nhà nước và cá nhân ông là phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân ; lắng nghe ý kiến nhân dân
Ông Phúc nói : "Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu ‘dân chủ tào lao’, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn" (!?).
Hình ảnh một số nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Courtesy The Project 88.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời RFA hôm 10/5, nhận định về câu nói của ông Phúc :
"Câu ấy vừa nghe qua thì thấy đúng và hay, lừa được những người nhe dạ cả tin, nhưng ngẫm nghĩ kỹ mới phát hiện ra một số điều bất hợp lý được giấu kín.
Thứ nhất là "Ý kiến của nhân dân". Nhân dân Việt Nam hiện có ba tầng lớp với những ý kiến rất khác nhau. Một là tầng lớp trên, được chế độ ưu đãi, họ luôn luôn ủng hộ và bảo vệ chế độ. Hai là tầng lớp bình dân, họ có nhu cầu cơ bản là được yên ổn để sinh sống và làm ăn, họ chủ yếu nghe theo chính quyền, sợ chính quyền, không dám nói khác ý chính quyền (trừ khi họ bị áp bức, bị oan ức không thể chịu nổi). Ba là tầng lớp trung lưu, trong đó có những người trí thức, họ có nhu cầu cao về tự do dân chủ, một số người trong họ là những nhà phản biện".
Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, phải chăng Đảng chỉ xem trọng ý kiến của tầng lớp trên và tầng lớp bình dân còn phớt lờ phần lớn ý kiến của tầng lớp trung lưu và ai có ý kiến phản biện thì bị cho là thế lực thù địch, bị bắt bớ, tra tấn, tù tội. Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói tiếp :
"Thế là dân chủ có lựa chọn. Ngay như số cử tri đến tiếp xúc với ông Phúc cũng được lựa chọn khá kỹ chứ có phải ai cần hoặc muốn đến gặp mà được đâu. Như vậy câu "Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân" mới chỉ là một phần của sự thật. Mà một phần của sự thật thì nhiều khi chưa phải là sự thật.
Thứ hai là "Dân chủ tào lao đất nước sẽ loạn". Đây là ngụy biện kiểu đánh tráo khái niệm. Thế nào là dân chủ tào lao. Thí dụ trong buổi họp có người nói : Thưa chủ tịch, ngài nói sai rồi. Người ấy có nói tào lao không".
Ý kiến mà chính quyền, lãnh đạo cần xem trọng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống chính là những ý kiến phản biện được phát biểu thông qua tự do ngôn luận, tự do báo chí chứ không chỉ ở trong các hội nghị mà người tham dự được chọn lựa kỹ càng. Ông dẫn chứng :
"Dân oan bị cướp đất, họ tổ chức phản đối, thế có phải dân chủ tào lao không ? Trung quốc có mưu đồ xấu, dân biểu tình phản đối có phải việc tào lao không. Đưa ra khái niệm dân chủ tào lao để hù dọa dân, để cho những người có chức quyền lợi dụng đàn áp dân, phải chăng đó là một mánh khóe.
Thứ ba là "Đảng luôn xem trọng". Ông Phúc đang ở vai trò ứng viên tiếp xúc cử tri. Ông đem Đảng ra để làm gì. Phải chăng Đảng của ông là thần, là thánh. Phải chăng ông không đủ tự tin để nói với cử tri mà phải viện dẫn đến Đảng của ông để làm bình phong".
Theo trang The Project 88, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam, tính đến ngày 10/5/2021 chính quyền Việt Nam đang giam giữ 235 người từng công khai lên tiếng đòi hỏi dân chủ một cách ôn hòa.
Nguồn : RFA, 10/05/2021
**************************
Chủ tịch Việt Nam cảnh báo ‘dân chủ tào lao’, lo đất nước ‘loạn’
VOA, 11/05/2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam là một "nhà nước pháp quyền" và lên tiếng cảnh báo về cái mà ông gọi là "dân chủ tào lao" khi cho rằng đất nước sẽ "loạn" nếu không giữ được "kỷ cương phép nước."
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/5.
Ông Phúc, người từng có nhiều phát ngôn khiến cộng đồng mạng bàn cãi trong thời gian làm thủ tướng Việt Nam, phát biểu như vậy trong một buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi ở Thành phố Hồ Chí Minh theoTiền Phong.
Theo vị chủ tịch nước, Việt Nam là một "nhà nước pháp quyền" và "luôn đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân." Ông Phúc cho rằng Việt Nam "quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật" và cảnh báo nếu không giữ vững "kỷ cương, phép nước" thì sẽ không đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Đề cập đến vấn đề dân chủ, Chủ tịch Phúc được Tiền Phong trích lời khẳng định rằng quan điểm của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông là "phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân và giải quyết thấu tình đạt lý." Ông Phúc kêu gọi đề cao "dân chủ" và cho rằng nếu "dân chủ tào lao" thì "đất nước sẽ loạn."
Phát ngôn của ông Phúc với các cử tri khiến nhiều người dùng mạng xã hội thắc mắc về ý nghĩa của "dân chủ tào lao" khi họ không hiểu là gì và đề nghị vị chủ tịch nước giải thích cho người dân.
"Dân chủ tào lao là gì ? Có ai biết không ?," một người dùng mạng xã hội có tên Đinh Văn Hảithắc mắc trong đăng tải khi chia sẻ bài báo của Tiền Phong về tuyên bố "Dân chủ tào lao thì đất nước sẽ loạn" của ông Phúc.
Luật sư Nguyễn Duy Bình, trong mộtđăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 9/5, đề nghị vị chủ tịch nước giải thích thế nào là "dân chủ tào lao" để dân chúng hiểu. Vị luật sư này cho rằng ông Phúc là người thường đưa ra "những ngôn từ sáo rỗng, bay bướm, thiếu chính xác và nổ khắp nơi."
Theo nhận định của Tiến sĩ Lê Vĩnh Triển của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trên tờ The Diplomat, "dân chủ hóa" là một thuật ngữ nhạy cảm về mặt chính trị ở Việt Nam vì các lãnh đạo Đảng Cộng sản cho rằng (và lo sợ) rằng nó sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị cũng như đe dọa sự ổn định của hệ thống độc Đảng của Việt Nam. Theo vị tiến sĩ của Khoa Quản lý Nhà nước, Chính phủ tin tưởng chắc chắn rằng thể chế thống nhất chính trị (rõ ràng) hiện nay là ưu việt và không thể thay đổi.
Phát ngôn của ông Phúc được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội khoá 15, dự kiến diễn ra vào ngày 23/5.
Trong những tháng gần đây, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập khi cáo buộc họ "tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước" và "thông tin xuyên tạc, gây hoang mang dư luận."
Báo cáo nhân quyền của Mỹ được công bố gần đây cho rằng Việt Nam là một quốc gia do Đảng Cộng sản toàn trị và người dânkhông có tự do để bầu chọn ra chính phủ mà họ mong muốn cũng như bị hạn chế tham gia chính trị, trong số nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng khác. Tổ chức Freedom House trongbáo cáo gần đây nhất cũng gọi Việt Nam là quốc gia độc Đảng, thiếu dân chủ và không có tự do về ngôn luận, tôn giáo, hoạt động xã hội cũng như tăng cường đàn áp đối với người dân bất đồng chính kiến.
Nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước đã bị bắt giữ trong những tháng gần đây trong đợt "trấn áp" mà các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là nhằm dập tắt các tiếng nói bất đồng đối với chính phủ Hà Nội quanh Đại hội 13 của Đảng Cộng sản và kỳ bầu cử khoá 15 của Quốc hội Việt Nam.
Nguồn : VOA, 11/05/2021