(Hay vấn đề xã hội và nhân cách con người)
[Khi tôi viết về "nông dân" với tinh thần phê phán, nhiều người cứ nói hoài rằng, con người xấu đi vì thể chế chính trị, đừng đổ lỗi cho người dân, như thế vừa nhẫn tâm vừa là bất công. Cái chuyện con gà - quả trứng cứ luẩn quẩn mãi. Tôi đã nhiều lần nói cái quan điểm của mình, ví như bài này. Từ tháng 7/2020, đăng lại]
Sự xuống cấp nhân cách của mỗi người khi họ sống trong một xã hội nhất định - Ảnh minh họa nữ sinh Bãi Cháy đánh nhau
1. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước sự xuống cấp nhân cách của mỗi người khi họ sống trong một xã hội nhất định ? Giữa rất nhiều sự nhập nhèm và thiếu một cái nhìn có tính hệ thống ở nhiều người trong cộng đồng, tôi muốn minh định vài điều cho quan niệm cá nhân, cũng đồng thời để xác lập thế giới quan và sự quán xuyến trong hoạt động tinh thần mà có lẽ là luôn cần thiết đối với những người cầm bút.
Câu chuyện mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là không mới, nếu không muốn nói là đã quá cũ. Dân gian ta cũng đã đúc kết "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" hay "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Ngay cả trong học thuyết Marxit cũng khẳng định sự ảnh hưởng có tính quyết định của môi trường đối với cá thể khi nó khẳng định "con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội". Trở ngược về lịch sử xa hơn, trong Tiến hóa luận, Darwin đã chứng minh hùng hồn sự tác động trực tiếp, mãnh liệt của môi trường sống đối với cá thể là nguyên nhân dẫn tới những bước tiến hóa lớn trong lịch sử của thế giới sinh vật. Thậm chí, theo thuyết này con khỉ vì chịu tác động của hoàn cảnh mà đã tiến hóa thành con người chúng ta. Lý thuyết này hiện đang được dạy trong nhà trường như 1 chân lý của khoa học ( ?).
2. Sự ảnh hưởng của môi trường sống đến sự phát triển của cá thể là điều không cần bàn cãi. Nhưng câu hỏi đặt ra là, mức độ ảnh hưởng của nó tới đâu, có quyết định không ? Và con người tự chủ được ở mức độ nào trước hoàn cảnh của mình ; anh ta phải chịu trách nhiệm tới đâu cho sự "biến đổi" của chính mình trong hoàn cảnh ?
Trước tiên cần phải làm rõ khái niệm "xã hội" là gì. Một hệ tư tưởng thì vô hình, nhưng khi nó trở thành chính thống, nghĩa là nó sẽ biến thành thiết chế nhà nước, biến thành các quy tắc vận hành và quản trị đời sống con người thì nó đã hữu hình. Nó là chính trị. Chính trị là yếu tố đầu não của tất cả các thiết chế còn lại như kinh tế, văn hóa, giáo dục, gia đình, các mối quan hệ giữa người và người, thậm chí cả tôn giáo ; nó chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng bao giờ cũng chi phối. Nó là linh hồn của 1 cộng đồng. Chính trị và các thiết chế khác bên dưới nó chính là cái mà chúng ta gọi là xã hội. Xã hội, như thế, không phải là một tập hợp người như một đống gạch gồm có nhiều viên gạch ; mà là mối quan hệ giữa các viên gạch ấy được cấu trúc trong một bản thiết kế xây dựng chặt chẽ, logic và thống nhất.
Trong công trình "Giáo trình ngôn ngữ học đại cương" (1916), F. de Saussure đã phát minh ra một chân lý mà sau này người ta đã từ đó xây dựng nên Chủ nghĩa cấu trúc, một tư tưởng triết học có sức ảnh hưởng lớn bậc nhất trong thế kỉ 20. Ở đó, F. de Saussure đã nói cho ta biết rằng, giá trị của một đơn vị không phải là cái gì đó tự thân mà ngược lại, giá trị ấy chỉ được xác lập trong mối quan hệ với các đơn vị khác trong hệ thống. Ví dụ nôm na cho đễ hiểu là "lạc nước hai xe đành bỏ phí/ gặp thời một tốt cũng thành công". Chính cái "nước cờ", hay mối tương quan đặc biệt giữa các quân cờ trên bàn cờ, đã mang lại sức mạnh (hoặc yếu) cho từng quân cờ ấy, chứ không phải chỉ là giá trị riêng có của nó. Một giò lan nếu treo bên chuồng heo thì sẽ không đẹp bằng treo dưới một mái hiên chùa cổ kính, và lại sẽ không đẹp bằng khi nó mọc trên một vách đá sừng sững bên bờ vực… dù vẫn là gìò lan ấy !
Không thể tìm thấy giá trị của một "đơn vị" khi tách nó ra khỏi hệ thống ; cũng như thế, giá trị của một con người luôn luôn được xác lập trong mối quan hệ với cộng đồng.
Trong kinh Tăng nhất A hàm, Phật cũng khẳng định rằng "phải thân cận thiện tri thức", nôm na là "chọn bạn tốt mà chơi", và hãy tránh xa "ác tri thức". Vì sao 1 tư tưởng lấy tự tu tự ngộ như Phật giáo làm cốt mà cũng lại có những lời dạy "thiếu tích cực" như vây ? Vì ông Phật biết rằng, môi trường sống sẽ nâng cao hoặc hủy hoại con người !
Trong cuốn "Thế giới như tôi thấy", A. Einstein cũng khẳng định "Hầu hết những hoạt động và mong muốn của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác [tr22], "Một cá thể bị bỏ rơi một mình từ khi sinh ra sẽ có suy nghĩ và cảm nhận hoang dã như động vật, đến mức chúng ta khó mà tưởng được" [tr23].
Tất cả những phân tích trên đây phải dẫn chúng ta đến một kết luận về tính QUYẾT ĐỊNH của môi trường xã hội đối với nhân cách của một con người. Trong một môi trường trộm cắp, cướp giật tràn lan, dù chúng ta vẫn giữ được mình để không trở thành kẻ cắp, nhưng khi tất cả những con vật nuôi cho đến đồ đạc của ta đều luôn bị lấy mất sau mỗi lần gây dựng lại thì tất yếu chúng ta sẽ trở thành người nghi ngại, bực tức, nóng nảy ; từ một người hiền lành chúng ta hoàn toàn có thể trở nên sân hận và có thể hung bạo với người khác, thậm chí ta sẽ giết người khi sự trộm cắp đã trở nên một sự khiêu khích. Chúng ta sẽ xấu đi theo những cách nào đó như thế ! Không thể đòi hỏi một học sinh phải có đầu óc tư duy phản biện trong một hệ thống giáo dục nhồi sọ từ mẫu giáo với hệ giáo trình và giáo viên rặt giáo điều cùng với cách thi cử theo kiểu học gạo. Những cá nhân vượt trội chỉ là một sự may mắn tình cờ và bao giờ cũng rất hiếm hoi trong một hệ thống như thế.
Giá trị của một con người luôn luôn được xác lập trong mối quan hệ với cộng đồng.
Một câu hỏi hóc búa đặt ra là : giữa cảnh sát giao thông và người hối lộ, ai nặng tội hơn ? Cảnh sát là người thực thi pháp luật, tức bảo vệ pháp luật để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong xã hội. Anh ta là hóa thân của 1 lý tưởng nhà nước (tức đại diện cho ý chí tốt đẹp có tính trừu tượng cho cả 1 cộng đồng), anh ta đại diện cho những chuẩn mực. Sứ mệnh của anh ta không những thuộc về thực tại mà còn thuộc về tương lai, hiểu như người đóng vai trò kiến tạo những giá trị CẦN có cho 1 cộng đồng. Có nghĩa rằng, người dân có thể sai (và tất nhiên sẽ bị phạt) nhưng cảnh sát với vị trí và vai trò như trên, thì không thể chà đạp lên những nguyên tắc. Khi người tham gia giao thông hối lộ thì cảnh sát không những phải khước từ mà còn phải "lập biên bản" cả tội hối lộ ấy nữa. Nếu nói rằng, vì người dân hối lộ nên cảnh sát gt mới hư hỏng thì đó là lý sự cùn. Pháp luật nghiêm minh thì tự nhiên nạn hối lộ sẽ hết ; người công dân cũng từ đó mà hình thành văn hóa thượng tôn pháp luật. Một yêu cầu ngược lại (người dân đừng hối lộ nữa thì cảnh sát giao thông sẽ không còn hư hỏng) là điều không những nực cười mà còn không thể tưởng tượng được. Cơ chế sinh ra con người. Và cơ chế cũng sẽ nghiền nát con người.
3. Vậy thì cá nhân phải chịu trách nhiệm gì ? Khi ý thức cá nhân và sự độc lập cá nhân đi xuống thì xã hội sẽ đi xuống. Lịch sử xã hội loài người, kì lạ thay, ban đầu bao giờ cũng lại được làm ra bởi cá nhân, từ những phát minh trong khoa học đến việc lập thuyết trong triết học và các cuộc đấu tranh cách mạng xã hội... Mỗi cộng đồng chỉ có thể trở nên lành mạnh khi con người cá nhân "trưởng thành". Không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp bằng những cá nhân hèn nhát, ích kỉ, bệnh tật, què quặt. "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân" - Fukuzawa Yukichi, không có con đường nào khả dĩ hơn.
Ý thức được vai trò của cá nhân là to lớn như thế đối với xã hội, tức cũng chính là đối với tương lai của chính mình, nên mỗi người cần tự nỗ lực để vươn lên chính mình, và vươn lên khỏi hoàn cảnh. Mỗi chúng ta không thể sống đơn độc, và cũng không thể giữ được lương thiện trong một môi trường vô luân cho nên cải tạo xã hội cũng chính là đang cải tạo chính mình vậy.
Sẽ không thể có hi vọng vực dậy cá tính, "bản thiện", và năng lực vô tận đang bị vùi lấp trong mỗi người dân nếu không có 1 lớp trí thức tiên phong để gánh lấy sứ mệnh khai dân trí, nuôi dưỡng dần những hạt giống và nhân lên theo thời gian những con người "khỏe mạnh" từ trong 1 cộng đồng ốm yếu. Mỗi trí thức khước từ vai trò khai sáng của mình thì cũng là đang khước từ tương lai của chính mình, của con cháu mình. Nói tóm lại là đang cùng nhau đi vào bóng tối mênh mông không có ngày mai.
Vài cá nhân đơn độc xông pha sẽ bị nhấn chìm trong một môi trường phi nhân khổng lồ. Nếu những người có học còn đứng làm khán giả như hiện tại trong cuộc "khai hoang" này thì đồng nghĩa với việc họ đang gián tiếp đẩy những người dấn thân ít ỏi kia vào chỗ tuyệt vọng, và tất yếu biến mất. Lịch sử sẽ chỉ chứng kiến những ánh sáng lâu lâu bùng lên như lửa từ những trang giấy tự đốt cháy trong chốc lát giữa đêm đen mịt mùng. Những trang giấy không thể nhen lên 1 đám cháy giữa mênh mông cánh đồng rơm rạ ướt sũng sự vô cảm và vô trách nhiệm của đồng loại. Mỗi cá nhân góp 1 tiếng nói là đang cùng nhau xây dựng một tương lai để chúng ta cùng biến mặt đất này thành nơi để sống chứ không phải nơi để chạy trốn và thở than.
Dân chủ là gì ? Là người dân làm chủ. Nhưng người ta chỉ có thể làm ông chủ khi đã trưởng thành và có đủ năng lực. Tự khai sáng và khai sáng cho đồng bào mình là con đường dường như duy nhất đúng để thực hiện lý tưởng dân chủ và xây dựng một xã hội lành mạnh, an định, phúc lạc.
Thái Hạo
Nguồn : Luong Tu Tuan, 13/05/2021
https://www.facebook.com/profile.php?id=100023975920044