Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/05/2021

Giáo dục Việt Nam quá yếu kém : phải trở về cái thật

RFA, Mai Lan, Thanh Bình

Hô hào ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ khi không thể nói thật ?

RFA, 12/05/2021

Ngành giáo dục phải thực hiện các nhiệm vụ ‘học thật, thi thật và nhân tài thật’... Tân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu vừa nêu khi làm việc với Bộ Giáo dục Đào tạo mới đây.

giaoduc2

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo. Courtesy chinhphu.vn

Theo ông Chính, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm của cả nước do đó cần thiết phải ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’.

Điều vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu lên không phải là mới khi bệnh thành tích vẫn đeo bám ngành giáo dục nhiều chục năm nay. Vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục nào khi lên đảm nhận chức vụ cũng kêu gọi ‘nói không với bệnh thành tích’ nhưng sau đó bệnh lại nặng thêm.

Liệu làm thế nào để 'học thật, thi thật, có nhân tài thật' như lời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khi những người dám nêu lên sự thật có thể bị trù dập, đuổi việc, thậm chí có người còn có thể phải vướng vòng lao lý ?

Trao đổi với RFA từ Nha Trang hôm 12/5, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết :

"Khi thấy truyền thông đăng tin Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến cáo ngành giáo dục ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ thì không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người trên cộng đồng mạng cũng rất ngạc nhiên. Làm tôi nhớ câu nói của một ông gộc nhất phong trào cộng sản quốc tế đó là Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư cuối cùng Đảng cộng sản Liên Xô. Ổng nói cả đời phấn đấu cho cộng sản và cuối đời nhận ra cộng sản chỉ biết tuyên truyền, dối trá. Tôi gần 70 tuổi, sống rất lâu với cộng sản, tôi thấy thấm thía câu đó".

Tức là, theo nhà báo Võ Văn Tạo, các nước cộng sản hay tuyên truyền không đúng sự thật, chuyện đấy là có. Ông cho biết giáo dục cũng thế, bản thân ông cũng từng là nạn nhân của bệnh thành tích. Ông Tạo khi ở quê nhà Nam Hà, vì phong trào hai tốt ‘dạy tốt, học tốt’ mà ông lại giỏi văn, nên đã bị đi tập trung mấy tháng trời chỉ để học môn văn làm ‘gà nòi’ thi quốc gia, còn các môn khác thì bỏ. Ông nói tiếp :

"Bệnh thành tích trong giáo dục Việt Nam chắc phải nửa thế kỷ và ngày càng nặng, đến nỗi học sinh lớp 6 mà chưa đọc viết rành được, đó là học không thật. Còn thi cử thì ném bài, đề bài mẫu, đủ trò hết. Thậm chí Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Thường Tín - Hà Nội đã khốn khổ vì chuyện này, thầy muốn phản ánh chuyện thi gian lận, muốn có kỳ thi thật. Ông Nguyễn Thiện Nhân hứa gỡ rắc rối cho Thầy Khoa nhưng có làm được đâu, trong khi ông Nhân hồi đó cũng nêu là ‘học thật’. Ngành giáo dục cũng đã từng cố làm, nhưng kết quả mà xuống thì lại sợ".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nếu làm như vậy thì không thể nào chống bệnh thành tích trong giáo dục. Và từ học không thật thì làm sao có nhân tài thật :

"Ở một chế độ mà người ta lấy nói dối thành tích làm cơ bản, thì tôi nghĩ không thể nào yêu cầu ngành giáo dục làm việc đó được. Tôi từng viết trên Facebook ‘Liệu có thể học thật, thi thật khi cứ thù ghét và bỏ tù người nói thật’. Đó là thực tế tại Việt Nam, bạn tôi rất nhiều trí thức lên tiếng nói thật thì bị ghép tội tuyên truyền cống nhà nước thế nọ thế kia. Cái đó là rất dở, làm như thế thì đất nước sẽ mãi bị kìm hãm".

Không chỉ Thầy Đỗ Việt Khoa gặp rắc rối khi tố cáo tiêu cực. Trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên khi tố cáo sai phạm của hiệu trưởng cũng bị trù dập, cho nghỉ việc. Mới nhất là trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, vào tháng 5 năm 2020 đã phải gởi thư kêu cứu khắp nơi về việc cô bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc. Nguyên nhân vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý Khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi. Tuy nhiên cho đến nay, cô T vẫn chưa được giải quyết vụ việc.

Trước đó, cũng từng xảy ra vụ việc tương tự kéo dài nhiều năm ở tỉnh Phú Yên. Đó là trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, giảng dạy môn hóa học tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Cô Đệ phát hiện nhiều sai phạm ở trường, đã viết đơn tố cáo chống tiêu cực gửi đến ông Nguyễn Văn Tá - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Yên, yêu cầu giải quyết và xử lý tiêu cực. Nhưng cô không được giải quyết, mà ngược lại, ông Tá còn chỉ đạo lãnh đạo trường xử lý kỷ luật cô Đệ với nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng là đuổi cô Đệ ra khỏi trường không cho dạy học.

Thầy Đỗ Việt Khoa ở huyện Thường Tín, Hà Nội, nhận định với RFA hôm 12/5 :

"Theo tôi thì mong muốn học thật thi thật của Thủ tướng thì ai cũng muốn thế, chứng tỏ Thủ tướng cũng quan tâm đến giáo dục. Thế nhưng thật sự mà nói thì một mình Thủ tướng không thể làm được. Bời vì ngành giáo dục xưa nay vốn là một hệ thống quản lý phức tạp qua nhiều tầng, từ Trung học cơ sở trở xuống do huyện quản lý, Trung học phổ thông và Cao đẳng thì do tỉnh quản lý, Bộ giáo dục chỉ quản lý vài trường đại học, còn một loạt đại học khác thuộc các bộ khác. Nó rất phức tạp nên cái lề lối gian lận vẫn cứ còn, dù không ném bài nhưng họ vẫn có cách khác như nâng điểm, cứ đậu đại học thì sẽ tốt nghiệp không thanh lọc ở đại học như một số nước khác".

Vì vậy, theo Thầy Khoa, muốn làm được phải có sự đồng bộ từ trên xuống dưới, phải có người Bộ trưởng cứng rắn, lãnh đạo các tỉnh cũng phải nghiêm khắc, thầy cô trên cả nước cũng phải đồng lòng, phụ huynh phải chấp nhận... Thế thì theo thầy Khoa, nó phụ thuộc quá nhiều nguồn, cho nên nó phụ thuộc toàn xã hội có làm quyết liệt hay không ?

Không chỉ ngành giáo dục, những ngành khác cũng xảy ra tương tự. Như trường hợp ông Lương Xuân Bình từng là Phó ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội - MRB. Vào năm 2017, ông Bình khi còn đương chức đã tố cáo có nhiều sai phạm xảy ra tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội.

Vụ việc sau đó được đưa lên Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo để làm rõ. Đến cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra số 2234 cho biết nhiều tố cáo của ông Bình là có cơ sở. Thay vì được phục chức, bố trí lại vị trí công tác phù hợp theo đề nghị từ Thanh tra Chính phủ, ông Bình lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA hôm 12/5 nhận định :

"Những điều mà ông Chính nêu lên về học thật, bằng thật, nhân tài thật là có lý. Tôi ủng hộ ý đấy, nhưng phải làm gì với ý đấy chứ không phải nói suông. Để mà yêu cầu như vậy, ông Chính cũng phải đi tới những sự thật xung quanh ông ấy, để có một cái thoát xác... trên cơ sở đấy để mà có những chủ trương thích hợp với những gì mình nói. Chứ chỉ nói ra là không đủ. Trọng cũng nói nhiều, Phúc, Dũng cũng vậy. Nhưng nếu bây giờ muốn như ông Chính từng nói chính phủ này là chính phủ hành động, thì trước hết phải đổi mới mình. Có như vậy mới có hành động đúng và tốt".

Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết, thầy chưa bao giờ thấy những vị lãnh đạo trả thù, vùi dập người tố cáo mà bị xử lý thích đáng. Theo Thầy Khoa các cấp chính quyền bao che bưng bít cho nhau, và ông cũng nhận thấy hiếm khi nào người đứng đầu quốc gia lên tiếng trừng phạt những người chuyên quyền đã vùi dập người đấu tranh tố cáo.

Nguồn : RFA, 12/05/2021

**********************

Để học thật thì cần phải… dạy thật

Mai Lan, VNTB, 13/05/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

giaoduc1

Để có thể "học thật, thi thật, nhân tài thật", thì cũng cần đến "dạy thật".

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Nhấn mạnh yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện, kết quả thành tựu, mặt chưa được để rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp.

Theo tường thuật của báo chí, về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề, đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo, bám sát các nghị quyết , Luật giáo dục. Tự lực, tự cường vươn lên từ nội lực, không trông chờ ai làm thay. Làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn.

Cách đây 25 năm giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phạm Việt Hưng đã có những bài báo phân tích lối dạy toán và học toán của thời đó là một sự nguy hại đánh mất tư duy của học sinh ; biến học sinh thành những thợ giải toán chứ không phải học toán để có óc suy luận, phân tích. Nhưng sau 25 năm cách dạy ấy có vẻ như chưa thay đổi nhiều.

Đó phải chăng là cách dạy ‘không thật’, bởi dạy không nhằm đến việc ‘học để biết ứng dụng’, mà là chỉ nhằm để giải toán cho điểm số thật cao ở các kỳ thi cử.

Người thầy khó thể ‘dạy thật’ cho học trò phổ thông, vì chính những người thầy này lúc còn ở giảng đường đại học, chính họ cũng không được tiếp nhận những kiến thức của sự tự do học thuật, nên với ‘kiến thức đóng khung’, đến lượt mình, họ cũng chỉ được quyền truyền đạt lại cho các thế hệ học trò những nội dung được ‘phê duyệt’ của chương trình hàng năm.

Một thầy giáo dạy văn cấp 3 xuất thân từ khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp, chứ không phải từ trường sư phạm, nói rằng hồi ông được giáo sư Hoàng Như Mai bình giảng về thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan và cả thơ Tố Hữu, ông rất thấm thía việc giáo sư Hoàng Như Mai chia sẻ, rằng người lính cầm súng không mấy ai luôn có Đảng, có Bác Hồ trong trái tim như Tố Hữu – mà người lính chiến đấu với mong mỏi mau hết chiến tranh để họ có thể trở về nhà, nơi mà họ cứ "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" như Quang Dũng, hay Hữu Loan tức tưởi với "Màu tím hoa sim" để khóc người vợ hiền Lê Đỗ Thị Ninh bé bỏng chiều quê, Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương…

"Tôi muốn chia sẻ những bi thương ấy của chiến tranh ở thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan trong tiết văn học sử cách mạng lắm chứ. Tôi muốn nói với học trò của mình, rằng "Màu tím hoa sim" mang một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc Việt về chiến tranh, về những bi kịch trong ý thức hệ… Điều đó lý giải vì sao bài "Màu tím hoa sim" ngay từ khi đất nước còn bị chia cắt, đã được độc giả cả hai miền Bắc-Nam cùng yêu thích…

Tôi rất muốn nói với học trò mình rằng nếu mai này các em yêu thương ai đó, các em hãy yêu bằng trọn vẹn trái tim, đừng bắt chước Tố Hữu nịnh nọt trơ trẽn, Trái tim anh đó/ Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ :/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ, và phần để em yêu…

Thế nhưng tôi biết mình không được cái quyền ấy, vì thơ văn cách mạng luôn mặc định như Tố Hữu tụng ca kiểu "Chào Xuân 67", Cám ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn nghìn năm chan chứa ân tình…" – ông thầy giáo tự sự chuyện mấy mươi năm qua ông đã không được quyền ‘dạy thật’ về văn chương.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 13/05/2021

*********************

Đã dạy gian dối, thì sao lại buộc học trò ‘học thật’ ?

Thanh Bình, VNTB, 12/05/2021

Quan điểm nổi tiếng trong nhiều thập niên "Sách giáo khoa là pháp lệnh " đã biến giáo viên thành người tuyên truyền cho những cuốn sách giáo khoa do người khác viết, để bắt học sinh học thuộc lòng những trang sách vô hồn.

giaoduc3

Tôi biết mình đang huyễn hoặc học trò và cả chính mình : Làm sao mà ‘anh Lê Văn Tám’ bị lửa đốt cháy mà anh không bị phỏng rát để có thể chạy một mạch từ ngoài cổng kho đạn Thị Nghè vào bên trong để đốt như… ‘má dạy’ ?

Những ai từng là giáo viên của những năm 80, 90 thế kỷ 20 chắc hẳn không quên được câu nói "Sách giáo khoa là pháp lệnh ".

Hồi đó, mấy lãnh đạo về thanh tra nhà trường, kiểm tra, dự giờ giáo viên hoặc chỉ đạo chuyên môn thường hay có mấy câu chỉ đạo cửa miệng luôn được nhắc đi nhắc lại : Sách giáo khoa là pháp lệnh ; Phải bám sát sách giáo khoa khi lên lớp (mỗi lần nghe câu này, ắt hẳn nhiều thầy cô giáo trẻ khi ấy lại liên tưởng đến hình ảnh con thằn lằn bám vào vách tường) ; Phải thực hiện đủ 5 bước lên lớp, không được thiếu bước nào (chắc là bước thiếu một bước hụt chân té lăn quay) ; Giáo án không có ngày soạn là không đảm bảo tính chuyên môn (Ủa… giáo án người ta soạn lúc nào chả được, miễn là trước khi lên lớp là ‘Ok’ rồi, không lẽ phải chọn ngày tốt mới được soạn hay sao ?)…

Một cô bạn là giáo viên môn sử kể rằng ‘anh xã’ của cô (cả hai đều là bạn cùng khóa đại học với người viết) dạy vật lý. Lần nọ đứa con của hai vợ chồng nhà giáo này thắc mắc, làm sao mà ‘anh Lê Văn Tám’ bị lửa đốt cháy mà anh không bị phỏng rát để có thể chạy một mạch từ ngoài cổng kho đạn Thị Nghè vào bên trong để đốt như… ‘má dạy’ ?

Lập tức, anh chồng là thầy giáo dạy vật lý, ‘méo mó’ nghề nghiệp giảng cho cậu con trai về nhiệt độ cháy của xăng dầu, những phản xạ tự nhiên của cơ thể người khi gặp nguồn nhiệt đột ngột, cả về khả năng chạy với tốc độ ra sao trong trường hợp này của một thiếu niên bán đậu phộng rang…, để rồi ông thầy giáo vật lý phán một câu xanh dờn : "Con đừng có tin, đó là chuyện trong cổ tích của những người cách mạng, một dã sử để tuyên truyền mà thôi !".

Dĩ nhiên là cô bạn của tôi ‘đứng hình’, vì quả tình đúng như vậy, nhưng "sách giáo khoa là pháp lệnh", làm sao cô dám giảng khác.

Trà dư tửu hậu quanh chuyện "dạy thật", cô giáo môn sử bạn của tôi nói rằng cô cũng xấu hổ lắm chứ, khi vẫn phải viết trong giáo án là "chủ nghĩa tư bản đang giãy chết", và đồng nghiệp vẫn thường đùa rằng "giãy hoài không chết".

"Hồi được cử đi thao giảng, trước cả ban bệ hội đồng với đầy đủ cấp ủy, tôi đành ‘đánh lận con đen’, kiểu chủ nghĩa tư bản cũng không nhất thiết bị triệt tiêu bằng bạo lực cách mạng, hoặc cũng không hẳn thực hiện bằng một sự công bố nào đó, mà đôi khi đó là sự chuyển biến lâu dài, từng chút một.

Một số quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy với chính sách phúc lợi dồi dào, hệ thống an sinh xã hội cao, y tế, giáo dục đều miễn phí giống như hình thức chính sách của các quốc gia xã hội chủ nghĩa là bằng chứng cho thấy "thiên đường xã hội" là có thể đạt được dựa trên 2 yếu tố tích lũy của cải xã hội trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và một nền văn hóa đạo đức cao…" – cô giáo kể.

Góp chuyện, một thầy giáo dạy môn giáo dục công dân, nói rằng cũng liên quan "chủ nghĩa tư bản giãy chết", ông đành giảng nước đôi cho học trò là từ thời đại của Marx cho đến nay, các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn xảy ra những cuộc khủng hoảng với quy mô lớn lan rộng trên toàn thế giới không theo một chu kỳ nào, đời sống xã hội thiếu ổn định từ đó nảy sinh ra sự đối kháng ngay trong lòng tư bản chủ nghĩa. Đó chính là những dấu hiệu về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản như nhận định của Marx.

"Tôi biết mình đang huyễn hoặc học trò và cả chính mình. Nhưng biết sao bây giờ, vì nếu dạy thật, không lẽ nói có em nào thử thắc mắc vì sao biết là ‘tư bản giãy chết’ nhưng mai này du học, các em toàn chọn xứ ‘giãy chết’ ?" – ông thầy giáo chua chát kể.

Thanh Bình

Nguồn : VNTB, 12/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Mai Lan, Thanh Bình
Read 427 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)