Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/05/2021

Biden muốn làm rõ vụ rò rỉ virus Vũ Hán gây đại họa cho thế giới

Nhiều nguồn tin

Vũ Hán : Khả năng ‘virus rò rỉ phòng thí nghiệm’ lại được thế giới quan tâm

BBC, 30/05/2021

Gần một năm rưỡi kể từ khi dịch Covid-19 được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, câu hỏi làm thế nào mà loại virus này xuất hiện vẫn còn bí ẩn.

biden1

Tổng thống Joe Biden yêu cầu tình báo xem lại giả thuyết về virus ở Vũ Hán

Nhưng trong những tuần gần đây, tuyên bố tranh cãi rằng virus có thể đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc - từng bị nhiều người bác bỏ là một thuyết âm mưu vớ vẩn - đã được quan tâm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một cuộc điều tra khẩn cấp sẽ xem xét nguồn gốc có thể của căn bệnh này.

Vậy chúng ta biết gì cho tới nay ?

Người ta nghi ngờ rằng virus corona có thể đã rò rỉ, vô tình hoặc theo cách khác, từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi loại virus này được phát hiện lần đầu tiên.

Những người ủng hộ giả thiết đã chỉ ra sự hiện diện của một cơ sở nghiên cứu sinh học lớn trong thành phố. Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã nghiên cứu virus corona ở dơi trong hơn một thập niên.

Phòng thí nghiệm nằm cách một khu chợ chỉ vài cây số, nơi xuất hiện bệnh nhiễm trùng đầu tiên ở Vũ Hán.

Những người ủng hộ lý thuyết nói rằng nó có thể đã bị rò rỉ từ cơ sở này và lan ra chợ.

Lý thuyết gây tranh cãi lần đầu tiên xuất hiện từ rất sớm trong trận đại dịch, và được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump tin tưởng. Một số người thậm chí còn cho rằng virus có thể do Trung Quốc làm như một vũ khí sinh học.

Tuy nhiều phương tiện truyền thông quốc tế khi đó coi thường, bác bỏ là thuyết âm mưu, nhưng ý tưởng này lại nổi lên trong những tuần gần đây.

Tại sao giả thiết này giờ lại xuất hiện ?

Bởi vì báo chí Hoa Kỳ đã làm dấy lên những lo ngại mới về giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Và một số nhà khoa học từng hoài nghi về ý tưởng này giờ lại nói họ nghĩ khác rồi.

Một báo cáo của tình báo Hoa Kỳ cho rằng ba nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã được điều trị tại bệnh viện vào tháng 11/2019, ngay trước khi virus bắt đầu lây nhiễm sang người trong thành phố.

"Khả năng đó chắc chắn tồn tại và tôi hoàn toàn ủng hộ một cuộc điều tra đầy đủ về việc liệu điều đó có thể xảy ra hay không", Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, nói với ủy ban thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 11/5.

Tổng thống Biden cho biết ông đã yêu cầu báo cáo về nguồn gốc của Covid-19, "bao gồm cả khả năng virus xuất hiện do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay do tai nạn trong phòng thí nghiệm".

Vấn đề này vẫn đang được tranh luận gay gắt.

Một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cho là sẽ đi đến tận cùng nhưng rốt cuộc nhiều chuyên gia tin rằng nó chỉ gây ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Một nhóm các nhà khoa học do WHO chỉ định đã bay đến Vũ Hán vào đầu năm nay với nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của đại dịch. Sau 12 ngày ở đó, bao gồm cả chuyến thăm phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Nhưng nhiều người đã nghi ngờ những phát hiện của họ.

Một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng đã chỉ trích báo cáo của WHO vì đã không coi trọng lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm - họ chỉ viết vài trang về nó trong báo cáo dài hàng trăm trang.

Các nhà khoa học viết trên tạp chí Science : "Chúng ta phải xem xét các giả thuyết về sự lan tỏa trong tự nhiên và trong phòng thí nghiệm một cách nghiêm túc cho đến khi chúng ta có đủ dữ liệu".

Và ngày càng có nhiều sự đồng thuận giữa các chuyên gia rằng khả năng rò rỉ phòng thí nghiệm cần được xem xét kỹ hơn.

Ngay cả tổng giám đốc của WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã kêu gọi một cuộc điều tra mới, nói rằng : "Tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm".

Tiến sĩ Fauci từ Mỹ nói rằng ông "không tin" virus có nguồn gốc tự nhiên. Đây là thay đổi quan điểm chóng mặt từ ông.

Trung Quốc đã bác bỏ mọi nghi ngờ và nói virus có thể đã xâm nhập vào nước này trong các chuyến hàng thực phẩm từ ngoại quốc.

Chính phủ Trung Quốc chỉ ra nghiên cứu mới do một trong những nhà virus học hàng đầu của nước này công bố, theo đó, có các mẫu thu thập từ dơi trong một khu mỏ bỏ hoang hẻo lánh.

Giáo sư Shi Zhengli - thường được gọi là "Người dơi của Trung Quốc" - một nhà nghiên cứu tại Viện Vũ Hán, đã công bố một báo cáo vào tuần trước tiết lộ rằng nhóm của bà đã xác định được 8 chủng virus corona tìm thấy trên dơi trong mỏ ở Trung Quốc vào năm 2015.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc chính phủ Mỹ và truyền thông phương Tây tung tin đồn thất thiệt.

Một bài xã luận trên tờ Global Times nói : "Dư luận ở Mỹ đã trở nên cực kỳ hoang tưởng khi nhắc đến nguồn gốc của đại dịch".

Trung Quốc đã đưa ra một giả thuyết khác rằng virus đã đến Vũ Hán do thịt đông lạnh đi từ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á.

Có giả thuyết nào khác không ?

Có. Đó là lý thuyết "nguồn gốc tự nhiên".

Lý thuyết này nói virus lây lan tự nhiên từ động vật mà không có sự tham gia của bất kỳ nhà khoa học hay phòng thí nghiệm nào.

Những người ủng hộ giả thuyết nguồn gốc tự nhiên cho rằng Covid-19 xuất hiện trong cơ thể dơi và sau đó nhảy sang người, rất có thể thông qua một động vật khác, hoặc "vật chủ trung gian".

Ý tưởng đó được báo cáo của WHO ủng hộ, trong đó nói rằng "rất có thể" Covid-19 xảy ra vì một vật chủ trung gian.

Giả thuyết này đã được quốc tế chấp nhận khi bắt đầu đại dịch, nhưng thời gian trôi qua, các nhà khoa học không tìm thấy một loại virus nào ở dơi hay động vật lại phù hợp với cấu tạo di truyền của Covid-19, khiến người ta nghi ngờ giả thuyết này.

Nếu lý thuyết "động vật hoang dã" được chứng minh là đúng, nó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động như nuôi trồng và khai thác động vật hoang dã. Ở Đan Mạch, lo ngại về sự lây lan của virus thông qua việc nuôi chồn hương đã dẫn đến việc hàng triệu con chồn bị tiêu hủy.

Nhưng cũng có những tác động lớn đối với nghiên cứu khoa học và thương mại quốc tế nếu các lý thuyết liên quan đến rò rỉ trong phòng thí nghiệm hoặc chuỗi thực phẩm đông lạnh được xác nhận.

Vụ rò rỉ virus, nếu đúng, có thể ảnh hưởng đến cách nhìn của thế giới về Trung Quốc, vốn đã bị cáo buộc che giấu thông tin ban đầu quan trọng về đại dịch.

Jamie Metzl, người đã ủng hộ lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm, nói với BBC : "Từ ngày đầu tiên, Trung Quốc đã che đậy kinh khiếp".

"Khi bằng chứng cho giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm ngày càng tăng, chúng ta cần yêu cầu điều tra đầy đủ tất cả các giả thuyết".

Nhưng những người khác thì nói không nên chê Trung Quốc quá nhanh.

"Chúng ta cần phải kiên nhẫn một chút nhưng cũng cần phải ngoại giao. Chúng ta không thể làm việc này nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc", Giáo sư Dale Fisher, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, nói. đài BBC.

Nguồn : BBC, 30/05/2021

*********************

Mỹ kêu gọi WHO điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc virus corona

Thu Hằng, RFI, 28/05/2021

Một ngày sau khi tổng thống Joe Biden cho các cơ quan tình báo Mỹ 90 ngày để báo cáo lại về nguồn gốc virus corona, ngày 27/05/2021, Washington cũng kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO tiến hành điều tra giai đoạn hai về vấn đề này. Cuộc điều tra phải được giao cho những chuyên gia độc lập và họ phải được truy cập vào toàn bộ dữ liệu gốc và mẫu thu thập ở Trung Quốc.

biden2

Ông Peter Ben Embarek (giữa) cùng các chuyên gia y tế khác sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết thúc cuộc điều tra nguồn gốc virus corona tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 10/02/2021.  AFP – Hector Retamal

Theo phía Mỹ, nghiên cứu và kết luận của đoàn chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới được đưa ra sau chuyến công tác ở Vũ Hán vào tháng 01 và 02/2021 là "không đầy đủ và thiếu thuyết phục". Vì vậy, trong thông cáo ngày 27/05, phái bộ Mỹ tại WHO kêu gọi mở môt cuộc điều tra thứ hai "đúng thời điểm, minh bạch và dựa trên bằng chứng, kể cả tại Trung Quốc" để "hiểu rõ về nguồn gốc của virus và những chặng đầu của đại dịch".

Phía Bắc Kinh, thông qua một đại diện của sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, tỏ ra ủng hộ "một nghiên cứu chuyên sâu" nhưng "về tất cả những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên toàn cầu", cũng như "một cuộc điều tra sâu rộng về một số căn cứ bí mật và phòng thí nghiệm trên thế giới".

Trước đó, trong buổi họp với các bộ trưởng Y tế ngày 26/05, chuyên gia Mike Ryan của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết "đã tham vấn phi chính thức với nhiều quốc gia thành viên để xem việc cần làm trong giai đoạn tiếp theo. Các bên sẽ tiếp tục thảo luận trong những tuần tới".

Nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc virus corona của tổng thống Mỹ Joe Biden được thủ tướng Canada ủng hộ. Trả lời báo giới ngày 27/05, ông Justin Trudeau cho rằng cần phải hiểu được toàn bộ chuyện gì đã xảy ra để "chắc chắn sẽ không bao giờ tái diễn trong tương lai".

Thu Hằng

*******************

Mỹ : Tổng thống Joe Biden cho tình báo 90 ngày để báo cáo lại về nguồn gốc virus corona

Anh Vũ, RFI, 27/05/2021

Ngày 26/05/2021, tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ phải "nỗ lực gấp bội" để tìm ra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán (Trung Quốc), dù đã bị phần lớn các chuyên gia gạt sang một bên, những tuần qua đã trở lại trong các tranh luận tại Mỹ. Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng tố cáo Washington phổ biến "thuyết âm mưu" về nguồn gốc đại dịch.

biden3

Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, được bảo vệ trong chuyến công tác tìm hiểu nguồn gốc virus corona của phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 03/02/2021.  Reuters – Thomas Peter

Thông tín viên RFI, Eric de Salve tại San Francisco cho biết thêm thông tin :

"Nhiều tuần qua, ông Joe Biden đã yêu cầu tình báo Mỹ trả lời câu hỏi đang đặt ra cho toàn thế giới : Đâu là nguồn gốc của virus corona ? Covid-19 có phải đã được truyền từ động vật sang người hay nó bắt nguồn từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm tại Trung Quốc ?

Trong báo cáo đầu tiên, các cơ quan tình báo Mỹ đã không thể kết luận được vấn đề. Không thỏa mãn, ông Joe Biden kêu gọi tình báo Mỹ "cố gắng gấp bội" và cho họ thời hạn 90 ngày phải cung cấp cho ông bản báo cáo thứ 2. Nhiệm vụ chính thức là để "chúng ta tiếp cận kết luận cuối cùng" về hai kịch bản trên, được Nhà Trắng đánh giá là có khả năng xảy ra.

Động thái này khẳng định sự thay đổi cách tiếp cận của chính quyền Biden. Nhà Trắng từ giờ coi thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là khả tín, giống như quan điểm của chính quyền Donald Trump trước đây.

Trong một thông cáo, tổng thống Biden còn chỉ trực tiếp Bắc Kinh : Hoa Kỳ tiếp tục làm việc với các đối tác trên thế giới gây sức ép với Trung Quốc để nước này tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế, đầy đủ, minh bạch và dựa trên cơ sở các bằng chứng…".

Bắc Kinh tố Mỹ phổ biến thuyết âm mưu

Vài giờ trước khi phát đi thông cáo của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã lên tiếng tố cáo Washington phổ biến thuyến âm mưu về nguồn gốc đại dịch.

Trung Quốc vẫn luôn phản bác kịch liệt thuyết cho rằng virus corona đã bị thoát ra từ các phòng thí nghiệm của họ. Chính quyền Donald Trump đã chỉ đích danh là Viện virus học Vũ Hán. Tuần này, một bài viết trên nhật báo Wall Street Journal đã khuấy lại những tranh luận ở Mỹ về nguồn gốc đại dịch.

Sau 4 tuần làm việc tại Vũ Hán hồi đầu năm 2021, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc hồi tháng 3 đã đưa ra một nghiên cứu chung đánh giá khả năng tai nạn phòng thí nghiệm có "xác suất cực thấp".

Anh Vũ

**********************

Covid-19 : Biden ra lệnh phải có báo cáo tình báo về nguồn gốc của virus

BBC, 27/05/2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh cho giới tình báo điều tra sự xuất hiện của Covid-19, trong bối cảnh ngày càng có nhiều tranh cãi về nguồn gốc của virus này.

Trong một văn bản, ông Biden yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ "tăng gấp đôi nỗ lực" cho việc này và báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày.

biden4

Chợ bán hải sản Huanan ở Vũ Hán có liên quan đến các ca nhiễm Covid đầu tiên

Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Hơn 168 triệu ca nhiễm được xác nhận trên toàn thế giới và ít nhất 3,5 triệu tử vong được báo cáo.

Các nhà chức trách ghi nhận các ca nhiễm Covid đầu tiên liên quan đến với một chợ hải sản ở Vũ Hán, và các khoa học gia tin rằng virus này lần đầu tiên truyền sang người từ động vật.

Nhưng truyền thông Mỹ gần đây đưa tin là chứng cứ cho thấy virus này có thể xuất hiện từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc ngày càng nhiều.

Bắc Kinh lên án những tường thuật này phản pháo rằng virus có thể đến từ một phòng thí nghiệm của Mỹ.

Thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm đi vào dòng chính

Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ

Trong những gì được tạm coi là sự minh bạch tương đối trong chính phủ Hoa Kỳ, chính quyền Biden thừa nhận cộng đồng tình báo Mỹ có ý kiến khác nhau về nguồn gốc của Covid-19 - virus có thể đến từ phòng thí nghiệm hoặc bị truyền từ động vật qua người - và không ai chắc chắn điều gì cả.

Điều đó đánh dấu một thay đổi lớn so với thái độ chế nhạo thuyết virus đến từ phòng thí nghiệm của nhiều người trong giới truyền thông và các chính trị gia vào năm ngoái, khi Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Thượng nghị sĩ Tom Cotton và những người khác đưa ra ý tưởng này.

Tuy nhiên, ông Trump và ông Pompeo không giúp được gì cho tình hình vì họ không giải thích lý do khiến họ đưa ra nghi vấn đó. Và thuyết phòng thí nghiệm của họ trôi nổi cùng với những giả thuyết xa vời hơn, chẳng hạn như virus này được chế tạo trong một phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Thuyết này dường như vẫn khó xảy ra.

Công chúng có thể không bao giờ biết sự thật đầy đủ về nguồn gốc của virus, đặc biệt nếu Trung Quốc tiếp tục bất hợp tác. Tuy nhiên, ông Biden cam kết sẽ điều tra cặn kẽ và nếu Mỹ tìm thấy bằng chứng thuyết phục về một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm, thì điều này có nghĩa là không chỉ một số nhân vật nổi tiếng phải đánh giá lại sự tin tưởng của họ vào những "kết luận" có thẩm quyền. Nó cũng có thể gây căng thẳng thực sự cho quan hệ Mỹ-Trung trong nhiều năm tới.

Tại sao Tổng thống Biden làm thế trong lúc này ?

Trích Statement by President Joe Biden on the Investigation into the Origins of Covid-19, 26/05/2021

Trong một văn bản được Nhà Trắng công bố hôm thứ Tư, Tổng thống Biden cho biết sau khi nhậm chức ông đã yêu cầu được báo cáo về nguồn gốc của Covid-19, "gồm cả việc virus xuất hiện vì con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, hay từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm".

Khi nhận được báo cáo trong tháng này, ông Biden đã yêu cầu được "báo cáo thêm".

Ông nói : "Cho đến hôm nay, Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ xoay quanh hai kịch bản có thể xảy ra nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận dứt khoát về câu hỏi này".

"Đây là vị trí hiện tại của họ : 'Trong khi hai bộ phận trong giới tình báo nghiêng về kịch bản trước và một bộ phận nghiêng về kịch bản sau - mỗi cơ quan có độ tin cậy thấp hoặc trung bình về quan điểm của mình - thì đa số các cơ quan không tin là họ có đủ thông tin để nghiêng hẳn về giả thuyết nào'.

Tổng thống Biden hiện yêu cầu các cơ quan "tăng gấp đôi nỗ lực thu thập và phân tích thông tin có thể đưa chúng ta đến gần hơn một kết luận cuối cùng" và báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày. Ông yêu cầu Quốc hội được "cập nhật đầy đủ" về tiến độ công việc.

Ông Biden kết luận bằng cách nói rằng Mỹ sẽ "tiếp tục làm việc với các đối tác cùng chí hướng trên toàn thế giới để thúc ép Trung Quốc tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế cặn kẽ, minh bạch, dựa trên bằng chứng, và cung cấp quyền truy cập vào tất cả các dữ liệu và bằng chứng liên quan".

Nhưng một bài báo của Washington Post hôm thứ Tư cáo buộc chính quyền Biden cản trở các cuộc điều tra của Quốc hội về nguồn gốc của Covid-19, trong khi chuyển trách nhiệm cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuyên bố của ông Biden cũng được đưa ra khi CNN báo cáo rằng chính quyền của tổng thống vào mùa xuân này đã dẹp một cuộc điều tra của bộ ngoại giao về việc liệu virus có thể đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, cho rằng cuộc thăm dò này sử dụng tài nguyên không hiệu quả.

Covid đến từ một phòng thí nghiệm ?

Tháng 3 năm nay, WHO công bố một báo cáo viết chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc của Covid-19, nói rằng khả năng virus đến từ một phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra". WHO cũng thừa nhận rằng cần phải nghiên cứu thêm.

Nhưng câu hỏi về nguồn gốc của virus vẫn chưa được trả lời và báo cáo gần đây từ các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết ba thành viên của Viện Virus học Vũ Hán đã nhập viện vào tháng 11 năm 2019, vài tuần trước khi Trung Quốc thừa nhận ca nhiễm đầu tiên của căn bệnh mới này trong cộng đồng.

Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, từng khẳng định rằng ông tin virus truyền từ động vật sang người, mặc dù tháng này ông thừa nhận không còn tin là Covid-19 đã phát triển một cách tự nhiên.

Tuyên bố của ông Biden được đưa ra một ngày sau khi Xavier Becerra, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, thúc giục WHO phải đảm bảo một cuộc điều tra "minh bạch" về nguồn gốc của virus.

"Đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi của chúng ta một năm trời mà còn cướp đi sinh mạng của hàng triệu người", ông Becerra nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Y tế Thế giới, một hội nghị do WHO tổ chức.

"Giai đoạn 2 của nghiên cứu nguồn gốc Covid phải được đưa ra với các điều khoản tham chiếu minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và cung cấp cho các chuyên gia quốc tế sự độc lập để đánh giá đầy đủ nguồn gốc của virus và những ngày đầu đại dịch bùng phát".

Các cáo buộc virus là do rò rỉ trong phòng thí nghiệm bị bác bỏ rộng rãi năm ngoái, được cho là một thuyết âm mưu ngoài lề, sau khi Tổng thống Donald Trump vào thời điểm đó nói rằng Covid-19 có nguồn gốc từ Viện Virology Vũ Hán. Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ lúc đó mô tả những tuyên bố như vậy là ngụy tạo hoặc sai sự thật.

Hôm thứ Ba, ông Trump đã tìm cách ghi nhận công lao trong một tuyên bố gửi qua email cho New York Post. "Đối với tôi, điều đó hiển nhiên ngay từ đầu nhưng tôi đã bị chỉ trích thậm tệ, như thường lệ", ông nói. "Bây giờ tất cả họ đang nói : Ông ấy đúng".

Nguồn : BBC, 27/05/2021

*********************

Điều tra nguồn gốc Covid-19 : Kết quả nào cũng lợi cho ông Biden

Nguyên Sa, Kinh Tế Đô Thị, 25/05/2021

Trong những ngày vừa qua, câu chuyện về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19 lại trở nên thời sự.

biden5

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh : AP

Đỉnh điểm mới của nó là quyết định của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, yêu cầu các cơ quan tình báo và an ninh ở Mỹ tiến hành điều tra về nguồn gốc loại virus này và đưa ra kết luận cuối cùng sau 90 ngày.

Ông Biden cho biết hồi tháng 3 vừa qua đã lệnh cho các cơ quan liên quan trong chính quyền Mỹ tiến hành điều tra, nhưng 18 cơ quan này không thống nhất đánh giá kết luận với nhau nên công việc điều tra lại phải tiến hành một lần nữa. Cho tới thời điểm hiện tại, câu trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc virus gây dịch bệnh bao hàm hai khả năng khác nhau : Một là dịch bệnh đã lây nhiễm từ động vật sang con người ; và hai là virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Câu trả lời và sự thật dù là khả năng đầu tiên hay khả năng thứ hai đều đưa lại hệ lụy rất sâu sắc và to lớn cho chính trị thế giới, quan hệ quốc tế và dư luận chung trên thế giới. Người tiền nhiệm của ông Biden ở Nhà Trắng, ông Donald Trump, tuy không quả quyết virus dịch bệnh này thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng luôn ngầm ám chỉ nhìn nhận như thế khi gọi virus ấy là Virus Vũ Hán hay Virus Trung Quốc.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành điều tra ở Vũ Hán và đi đến kết luận rằng không có đủ cơ sở để xác nhận virus gây dịch bệnh thoát ra từ phòng thí nghiệm ở ngoại ô thành phố này. Nhưng WHO đồng thời cũng phàn nàn rằng đã không nhận được sự phối hợp ở mức độ mong muốn và cần thiết từ phía chính quyền Trung Quốc trong quá trình điều tra. Còn chính phủ Trung Quốc thì kiên quyết bác bỏ giả thiết về virus dịch bệnh được bào chế trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và từ đó thoát ra ngoài. Cũng chính vì quan điểm này mà phía Trung Quốc phản đối việc ông Biden cho tiến hành điều tra lại. Câu trả lời cho câu hỏi nói trên ảnh hưởng trực tiếp đến uy danh của phía Trung Quốc, WHO và Mỹ.

Ông Biden biện luận cho quyết định lại tiếp tục điều tra về nguồn gốc của virus gây dịch bệnh, với lý do 15 trong tổng số 18 cơ quan nói trên kết luận rằng cả hai khả năng đều có thể xảy ra, có 2 tin rằng dịch bệnh đã lây lan từ động vật hoang dã sang con người và 1 kết luận nguồn gốc của dịch bệnh là phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trong thực chất, kết quả điều tra có như thế nào thì cũng vẫn đều rất có lợi cho ông Biden.

Trước hết, bằng quyết định này, ông Biden muốn thể hiện trước dân Mỹ và thế giới quyết tâm tìm kiếm cho ra sự thật về nguồn gốc của dịch bệnh. Câu trả lời cho câu hỏi này có tác động rất mạnh mẽ về đối nội ở Mỹ, ảnh hưởng rất sâu rộng tới tâm lý của người dân trên thế giới, và chi phối diễn biến tâm lý này theo hướng chỉ có lợi cho Mỹ có thể lại bất lợi cho Trung Quốc, kể cả khi sau 90 ngày nữa công cuộc điều tra không đưa lại kết luận trắng đen rõ ràng giữa hai khả năng nói trên.

Nếu kết luận là dịch bệnh đã lây lan từ động vật hoang dã sang người thì cái lợi đối với ông Biden là sai lầm trong nhận thức của người tiền nhiệm về nguồn gốc dịch bệnh, là hiệu ứng của nhờ ông Biden mà giải toả được tâm lý của người dân ở cả trong lẫn ngoài nước Mỹ và dùng việc giải thoát Trung Quốc ra khỏi mọi nghi vấn để chứng tỏ đối phó Trung Quốc một cách đàng hoàng, minh bạch và trên ưu thế chứ không sử dụng những gì có thể bị coi là "mưu hèn kế bẩn". Như thế, ông Biden sẽ dễ thành công hơn trong việc tập hợp lực lượng thành liên quân cùng đối phó Trung Quốc.

Nếu kết luận là dịch bệnh đã thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thì ông Biden chẳng khác nào đã có được danh chính ngôn thuận để gia tăng áp lực đối với Trung Quốc, càng thêm dễ dàng và thuận lợi trong việc thuyết phục đồng minh và đối tác trên thế giới cùng hội cùng thuyền với Mỹ để đối phó Trung Quốc. Đặc biệt càng dễ dàng gây dựng được sự đồng thuận quan điểm trên chính trường và trong nội bộ xã hội ở Mỹ cho chính sách đối với Trung Quốc.

Nguyên Sa

Nguồn : Kinh tế Đô thị, 27/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, Thu Hằng, Anh Vũ, Nguyên Sa
Read 852 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)