Covid : Sau ba năm, bí mật vẫn bao trùm lên virus ở Vũ Hán
Đúng ba năm sau khi Bắc Kinh loan báo bệnh nhân đầu tiên chết vì chứng "viêm phổi đặc thù Vũ Hán" - chữ dùng trước khi gây áp lực lên WHO để thay bằng "Covid-19" - về mặt chính thức Hoa lục chỉ có 5.267 người chết vì đại dịch. Nhưng thực tế cho thấy đang là thảm họa ! Thói quen dối trá của chế độ Cộng sản Trung Quốc khiến nhân loại có thể chẳng bao giờ biết được xuất xứ của con virus giết người.
Nhân viên an ninh Trung Quốc ngăn chận một nhà báo dùng thang để cố chụp hình chợ Hoa Nam từ xa, trong chuyến thăm Vũ Hán của đoàn thanh tra Tổ chức Y tế Thế giới ngày 31/01/2021. AP - Ng Han Guan
Les Echos phân tích : "Ba năm sau, năm vấn đề hãy còn bỏ ngỏ". Đúng ba năm trước, không ai chú ý đến cái chết của một ông già 87 tuổi ở Trung Quốc. Đó là nạn nhân đầu tiên của một bệnh dịch mới sau đó đã gieo kinh hoàng trên Trái đất : Covid-19. Nay những nấm mồ đã chồng chất, và SARS-CoV-2 được biết đến nhiều hơn. Các vac-xin được chế tạo trong thời gian kỷ lục giúp giảm nhẹ tác động của đại dịch, nhưng những hiểu biết về căn bệnh này vẫn còn rất ít.
Năm câu hỏi chưa có lời đáp thỏa đáng
Trước hết, con virus sinh ra từ đâu ? Có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết được. Một nghiên cứu của Mỹ đăng trên Science tháng 7/2022 cho rằng chợ Hoa Nam ở Vũ Hán là trung tâm đại dịch. Virus corona xuất hiện ở phía tây nam ngôi chợ, nơi bán động vật hữu nhũ. Nhưng virus tìm thấy nơi con tê tê hay dơi lại không phù hợp với mã di truyền của SARS-CoV-2, nên vật trung gian truyền bệnh có lẽ là một loài khác vẫn chưa biết được. Mắt xích còn thiếu này dẫn đến giả thiết virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Câu hỏi thứ hai là tại sao một số người không bao giờ khỏi bệnh ? Đối với đa số, các triệu chứng Covid biến mất sau hai, ba tuần lễ ; nhưng có những người bị "Covid kéo dài" : mệt mỏi, hay quên...Theo cơ quan Y tế Công cộng của Pháp (SPF), chủ yếu là phụ nữ, người lao động, người từng nằm viện (tỉ lệ lần lượt là 32,8%, 32,3% et 38%). Có nhiều lý giải : virus vẫn còn lẩn quất khiến cơ thể sinh ra cơ chế phản ứng, hay đã bị tiêu diệt nhưng cơ thể vẫn trong tình trạng cảnh báo, hoặc là sự hình thành những cục máu đông li ti.
Vấn đề thứ ba : Covid có tạo ra hậu quả lâu dài sau khi khỏi bệnh ? Các nghiên cứu của Anh, Mỹ cho thấy một số người bị nhiễm có nguy cơ bị Alzheimer vài năm sau, hay các bệnh tim mạch.
Câu hỏi thứ tư : Tại sao Covid không "bình đẳng" với mọi người ? Người ta cho rằng đặc tính di truyền, hệ thống miễn dịch, may mắn, cách sống khác nhau... khiến người thì tử vong vì con virus, người thì nhiễm mà không hay biết. Chỉ có một điều chắc chắn là một số yếu tố làm trầm trọng thêm căn bệnh như tình trạng sức khỏe, có bệnh nền, tuổi tác, giới tính.
Cuối cùng, chúng ta đang ở đâu trong việc chữa trị Covid ? Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các loại vac-xin đang lưu hành ở Châu Âu tuy không ngăn được lây nhiễm, nhưng giúp không biến thành thể nặng. Chưa có thuốc nào chữa trị Covid cho tất cả mọi người như si-rô chống ho hay kháng sinh chống nhiễm trùng. Tuy vậy, có những loại thuốc dựa trên kháng thể, hiện chỉ dùng cho các bệnh nhân có nguy cơ cao. Một loại khác đang được sử dụng tại Pháp là Paxlovid do Pfizer sản xuất, rất hiệu quả với những biến thể chính của virus corona, cũng chỉ dành cho bệnh nhân có thể chuyển biến thành dạng nặng.
Thiếu đến 3/4 dữ liệu về virus ở Vũ Hán, làm thế nào điều tra ?
Le Figaro nói về "Ba năm điều tra và những tranh cãi về nguồn gốc đại dịch". Đúng ba năm sau khi Bắc Kinh loan báo bệnh nhân đầu tiên chết vì chứng "viêm phổi đặc thù Vũ Hán" kỳ lạ - chữ dùng trước khi gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thay "Vũ Hán" bằng "Covid-19", về mặt chính thức Trung Quốc chỉ có 5.267 người chết vì đại dịch. Nhưng chỉ riêng số người nổi tiếng thi nhau qua đời, những hình ảnh bệnh nhân nằm la liệt… cho thấy thực tế là thảm họa. Sự dối trá này nhắc nhở rằng tấm màn bí mật về nguồn gốc con virus cho đến nay vẫn chưa được vén lên.
Chủ đề nhạy cảm này có thể tóm gọn trong một câu hỏi : Virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay lây nhiễm thông qua một vật chủ ? Đi tìm câu trả lời chẳng khác nào ráp một puzzle (bảng xếp hình) mà thiếu mất 3/4 số mảnh ráp, do Trung Quốc khóa chặt thông tin. Le Figaro không quên nhắc nhở, ở Vũ Hán không chỉ có chợ bán thú hoang mà cả một Viện Virus học với phòng thí nghiệm P4 hiện đại do Pháp tài trợ và đào tạo, nhưng khi hoàn tất Bắc Kinh không cho các chuyên gia Pháp vào ! Từ đầu năm 2020 Trung Quốc luôn từ chối mở kho dữ liệu cho các nhà khoa học ngoại quốc, và các nhà nghiên cứu ở Hoa lục không công bố bất cứ điều gì về chủ đề này.
Tại Hoa Kỳ, các email được giải mật chứng tỏ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về dị ứng và bệnh nhiễm đã can thiệp để chặn một bài viết trên Nature Medicine tháng 3/2020, yêu cầu không được nêu ra giả thiết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Vài tháng sau, một nhóm nghiên cứu độc lập tiết lộ, tổ chức EcoHealth Alliance do Peter Daszak đứng đầu từ năm 2018 đã xin tài trợ cho Viện Virus Vũ Hán để thí nghiệm "gia tăng chức năng" - làm biến đổi virus trên loài vật để có thể truyền sang người, bị cấm ở Mỹ. Theo tờ báo, dù virus corona xuất hiện một cách tự nhiên đi nữa, trách nhiệm của con người vẫn quan trọng. Cần phải biết được nguồn gốc để phòng tránh, nhưng với thói quen giấu diếm của cộng sản Trung Quốc, có lẽ nhân loại vẫn sẽ mù mờ, và đại dịch vẫn có cơ tái diễn.
Trả đũa những nước kiểm soát Covid : Bắc Kinh coi mặt đặt tên
Vẫn trên lãnh vực dịch tễ, Le Monde chú ý đến việc Bắc Kinh ngưng cấp visa cho công dân Hàn Quốc và Nhật Bản để trả đũa. Tờ báo dẫn lời thông tín viên nhật báo JoongAng : "Ai có thể tin được thống kê của Trung Quốc ? Các khoa hồi sức và cơ sở hỏa táng đều quá tải, nhưng con số tử vong chính thức hôm 04/01 là zéro, và 08/01 là 3 người".
Hàn Quốc và Nhật Bản là điểm đến ưa thích của du khách từ Hoa lục trước đại dịch, và cũng là những nước đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề của Covid ngay từ đầu năm 2020. Thế nên Seoul và Tokyo đều lo ngại khách Trung Quốc mang virus sẽ tràn vào trong dịp Tết âm lịch từ 21 đến 27/01. Từ 03-05/01, có 23% hành khách từ Hoa lục vào Hàn Quốc bị phát hiện dương tính. Con số này đã giảm xuống, nhưng chính quyền vẫn thận trọng vì một người Trung Quốc đến Seoul bị xét nghiệm dương tính đã bỏ trốn để tránh cách ly. Sau hai ngày truy lùng, đã tìm được và người này có nguy cơ lãnh án đến 1 năm tù, 10 triệu won (7.500 euro) tiền phạt.
Cho dù hầu như đóng cửa biên giới từ 27/03/2020 đến 08/01/2023, áp đặt 3 đến 4 tuần cách ly cho những người khách nhập cảnh hiếm hoi, Bắc Kinh vẫn tố cáo các nước buộc khách Trung Quốc nhập cảnh phải xét nghiệm. Đại sứ tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Shaye) nói rằng tốt nhất nên cảnh giác với Hoa Kỳ thay vì Trung Quốc.
Bên cạnh đó Le Monde cũng nhận thấy một trong những động thái đầu tiên của tân ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) là loại Triệu Lập Quân (Zhao Lijian), phát ngôn viên hung hăng nhất đối với phương Tây. Bắc Kinh dường như ngần ngại không dám gây thù chuốc oán với toàn thể cộng đồng quốc tế, và đối xử theo kiểu "nhìn mặt đặt tên". Cho dù Morocco loan báo biện pháp triệt để là cấm hẳn khách từ Trung Quốc nhập cảnh, Bắc Kinh cho đến nay vẫn không phê phán hay trả đũa.
NATO : Thổ Nhĩ Kỳ bắt bí Thụy Điển
Nhìn sang Châu Âu, Le Figaro nói về "Săng-ta của Erdogan với Thụy Điển" trong việc gia nhập NATO. Khi quyết định từ bỏ thái độ trung tâm để tham gia Liên minh Bắc Đại Tây Dương, sau khi Nga kéo quân sang xâm lược Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan ngỡ rằng chỉ là vấn đề thủ tục, vì các thành viên khác đều mở rộng vòng tay chào đón. Tổng thư ký NATO Jens Stontenberg còn nói rằng việc gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu sẽ nhanh nhất trong lịch sử Liên minh. Tuy nhiên vẫn còn hai trở ngại là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tám tháng sau, Victor Orban, đồng minh chủ yếu tại Châu Âu của Vladimir Putin chừng như sẽ không còn ngáng chân, nhưng chính Thổ Nhĩ Kỳ, cột trụ của NATO ở sườn phía đông lại giở trò bắt chẹt. Stockholm và Helsinki đã nhượng bộ rất nhiều, nhất là bỏ cấm vận vũ khí với Ankara, cam đoan đẩy nhanh thủ tục dẫn độ những người bị cáo buộc tội phạm chính trị… Nhưng danh sách những đòi hỏi của Erdogan cứ kéo dài ra như chiếc mũi của Pinocchio. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một loạt tên "những kẻ khủng bố" đòi dẫn độ, đòi một bộ trưởng đã tham dự một lễ hội của những người ủng hộ đảng PKK cách đây 10 năm phải từ chức !
Nguồn thu dầu khí của Nga giảm hẳn vì cấm vận
Cũng tại Châu Âu, Les Echos nhận thấy "Thu nhập của Nga về dầu khí đang rơi tự do". Các biện pháp gần đây của Châu Âu và G7 khiến Moskva chỉ thu được 640 triệu euro một ngày, so với trước đây là 1 tỉ. Lệnh cấm vận dầu lửa Nga có hiệu lực từ ngày 05/12 và việc đặt mức trần giá cả đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của Moskva. Ngày càng khó tìm được khách hàng, thị trường Châu Á không bù đắp nổi những thiệt hại ở Châu Âu. Và ngày 05/02 tới đến lượt cấm vận sản phẩm hóa dầu bắt đầu được thực hiện, sẽ đánh mạnh vào kinh tế Nga. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng (CREA) ước tính Moskva sẽ mất thêm 120 triệu euro một ngày.
Phương Tây vẫn có thể đi xa hơn nữa để cắt bớt nguồn tiền mà Nga đang rất cần để tiếp tục cuộc chiến. Nếu đưa mức trần xuống còn 25-35 đô la/thùng thay vì 60 đô la như hiện nay, Nga sẽ thiệt hại thêm nhiều. G7 và Liên Hiệp Châu Âu đã cấm các công ty bảo hiểm và hàng hải trong khu vực làm dịch vụ cho những tàu Nga bán giá cao hơn mức trần. Hiện Nga tiếp tục thông qua các nhà bảo hiểm Anh để bán dầu cho Trung Quốc. Phương Tây có thể trừng phạt các trung gian, hạn chế bán những tàu dầu, cấm sang mạn trên lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế… Moskva sẽ khốn đốn.
Viện trợ xe bọc thép cho Ukraine : Bước ngoặt mới
Liên quan đến Ukraine, xã luận của Le Monde kêu gọi "Giúp đỡ Kiev để bảo đảm hòa bình". Trong cuộc chiến tranh do Vladimir Putin áp đặt đang đe dọa sự tồn vong của đất nước, người Ukraine cần có sự ủng hộ không gì lay chuyển của phương Tây. Quyết định của Pháp hôm 04/01 và tiếp theo của Hoa Kỳ, Đức, giao các xe bọc thép loại nhẹ cho Kiev đánh dấu một giai đoạn mới. Không chỉ những vũ khí để phòng thủ nữa, mà là các phương tiện để hỗ trợ tấn công. AMX-10 RC của Pháp, Bradley của Mỹ và Marder của Đức là những loại xe bọc thép trang bị đại bác để có thể tiến ra tuyến đầu.
Đây không phải là ý định leo thang, mà nhằm thích ứng với diễn biến của cuộc chiến. Quốc gia bị xâm lược không thể chỉ chống đỡ và đạt đến đàm phán trong tư thế thuận lợi, mà còn tìm lại sự toàn vẹn lãnh thổ qua việc đẩy lùi quân Nga, đưa các tội phạm chiến tranh ra trước tòa án quốc tế. Quân Nga phải lùi bước tại nhiều nơi từ mùa hè 2022 cho thấy chiến lược này là đúng đắn, cũng như viễn cảnh đáng ngại về một cuộc tấn công lớn sau khi Moskva động viên ồ ạt.
Các chiến tuyến đang đứng yên, chừng như đôi bên đều lo chạy đua trang bị và huấn luyện. Giai đoạn ngưng bắn giả tạo do Putin loan báo vào dịp Noel Chính thống giáo càng củng cố thêm ý định của phương Tây trao cho Ukraine tất cả những phương tiện cần thiết để chống lại một cuộc tấn công mới.
Nếu thông báo gần như đồng loạt của Pháp, Mỹ, Đức về viện trợ xe bọc thép phản ánh một sự cam kết chung vào thời điểm quan trọng, vẫn phải đặt ra nguy cơ cuộc chiến ủy nhiệm trở thành đối đầu trực tiếp giữa phương Tây và Nga. Le Monde cho rằng không còn cách nào khác ngoài việc ngăn cản Moskva giành chiến thắng, chấm dứt những đau thương của người dân Ukraine.
Bạo chúa nào sẽ bị lật đổ trong năm nay ?
Libération đăng bài viết của nghị sĩ Châu Âu Bernard Guetta thuộc nhóm Renew Europe trong "Bốn bạo chúa gặp nguy hiểm trong năm 2023" đặt câu hỏi Erdogan, Tập, Khamenei hay Putin sẽ mất ghế trong năm nay ?
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bầu tổng thống và Quốc hội vào tháng 6, trong khi lạm phát đã vượt quá 120%, bất bình đối với ông Erdogan ngày càng tăng. Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình không phải lo bầu cử, nhưng uy tín sụt giảm do những cuộc biểu tình, tử vong hàng loạt sau khi bất ngờ dỡ bỏ phong tỏa và khủng hoảng địa ốc kéo dài. Giáo chủ Ali Khamenei ở Iran có rất ít lá bài trong tay ngoài các cột treo cổ.
Tình thế của Vladimir Putin có vẻ nguy ngập hơn ba người kia, vì từ ngày 24/02 đến nay toàn phải chịu đựng những thất bại nhục nhã. Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng Putin không thể sụp đổ vì "không có đối lập", vì ông ta đã đàn áp trong một thời gian dài. Theo tác giả, lợi thế duy nhất của Vladimir Putin là số người có thể lên thay ông ta quá đông, nên không ai có thể tiến lên mà không bị những ứng cử viên khác cản trở.
Thụy My
Các cơ quan tình báo Mỹ nói có thể họ sẽ không bao giờ xác định được xuất xứ của Covid-19, nhưng đã kết luận virus này không được tạo ra để làm vũ khí sinh học.
Covid-19 được phát hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán hồi 2019
Trong một báo cáo cập nhật về nơi virus bắt đầu, Văn phòng của Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (ODNI) nói việc virus lây lan từ động vật sang người hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm đều là những giả thuyết hợp lý.
Trung Quốc đã chỉ trích báo cáo này.
Các kết quả điều tra được viết trong một báo cáo mới, cập nhật cuộc điều tra kéo dài 90 ngày mà chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố kết quả hồi tháng Tám.
Báo cáo nói cộng đồng tình báo có quan điểm chia rẽ về nguồn gốc của virus. Bốn cơ quan tình báo đánh giá với "độ tin tưởng thấp" rằng nó bắt nguồn từ một động vật bị nhiễm hay từ một virus có liên quan.
Nhưng một cơ quan tình báo nói họ có "độ tin tưởng vừa phải" rằng ca nhiễm Covid ở người gần như chắc chắn là kết quả của một sự cố phòng thí nghiệm, có lẽ liên quan tới một thử nghiệm hay một động vật mà Viện Vi trùng Vũ Hán xử lý.
Báo cáo cũng nói các quan chức Trung Quốc không biết có sự tồn tại của virus trước khi dịch bùng phát lần đầu ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. Nhưng theo báo cáo, Trung Quốc đã tiếp tục cản trở điều tra quốc tế và từ chối chia sẻ thông tin.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng có mối liên hệ giữa những ca Covid-19 ban đầu với một chợ hải sản ở Vũ Hán, khiến các nhà khoa học theo giả thuyết virus lây lan từ người sang động vật.
Nhưng đầu năm nay, truyền thông Mỹ đưa tin ngày càng có nhiều bằng chứng virus có thể bắt nguồn từ một phòng lab Vũ Hán, có thể qua rò rỉ vô ý.
Hồi tháng Năm, Tổng thống Biden yêu cầu các nhân viên tình báo điều tra xuất xứ của Covid-19, trong đó có cả giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, một giả thuyết mà Trung Quốc phủ nhận.
Phản hồi về báo cáo tình báo này, sứ quán Trung Quốc ở Washington nói trong một thông cáo với hãng tin Reuters : "Động thái tìm xuất xứ của Covid-19 dựa vào hệ thống tình báo thay vì các nhà khoa học của Mỹ hoàn toàn là một trò hề chính trị.
"Chúng tôi đã và đang hỗ trợ các nỗ lực dựa trên khoa học để tìm kiếm xuất xứ virus, và sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào quá trình này. Tuy nhiên, chúng tôi phản đối mạnh mẽ các nỗ lực để chính trị hóa vấn đề này".
Trên thế giới, đã có khoảng 240 triệu ca nhiễm Covid-19 và trên 4,9 triệu ca tử vong.
Nguồn : BBC, 30/10/2021
Vũ Hán : Khả năng ‘virus rò rỉ phòng thí nghiệm’ lại được thế giới quan tâm
BBC, 30/05/2021
Gần một năm rưỡi kể từ khi dịch Covid-19 được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, câu hỏi làm thế nào mà loại virus này xuất hiện vẫn còn bí ẩn.
Tổng thống Joe Biden yêu cầu tình báo xem lại giả thuyết về virus ở Vũ Hán
Nhưng trong những tuần gần đây, tuyên bố tranh cãi rằng virus có thể đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc - từng bị nhiều người bác bỏ là một thuyết âm mưu vớ vẩn - đã được quan tâm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một cuộc điều tra khẩn cấp sẽ xem xét nguồn gốc có thể của căn bệnh này.
Vậy chúng ta biết gì cho tới nay ?
Người ta nghi ngờ rằng virus corona có thể đã rò rỉ, vô tình hoặc theo cách khác, từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi loại virus này được phát hiện lần đầu tiên.
Những người ủng hộ giả thiết đã chỉ ra sự hiện diện của một cơ sở nghiên cứu sinh học lớn trong thành phố. Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã nghiên cứu virus corona ở dơi trong hơn một thập niên.
Phòng thí nghiệm nằm cách một khu chợ chỉ vài cây số, nơi xuất hiện bệnh nhiễm trùng đầu tiên ở Vũ Hán.
Những người ủng hộ lý thuyết nói rằng nó có thể đã bị rò rỉ từ cơ sở này và lan ra chợ.
Lý thuyết gây tranh cãi lần đầu tiên xuất hiện từ rất sớm trong trận đại dịch, và được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump tin tưởng. Một số người thậm chí còn cho rằng virus có thể do Trung Quốc làm như một vũ khí sinh học.
Tuy nhiều phương tiện truyền thông quốc tế khi đó coi thường, bác bỏ là thuyết âm mưu, nhưng ý tưởng này lại nổi lên trong những tuần gần đây.
Tại sao giả thiết này giờ lại xuất hiện ?
Bởi vì báo chí Hoa Kỳ đã làm dấy lên những lo ngại mới về giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Và một số nhà khoa học từng hoài nghi về ý tưởng này giờ lại nói họ nghĩ khác rồi.
Một báo cáo của tình báo Hoa Kỳ cho rằng ba nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã được điều trị tại bệnh viện vào tháng 11/2019, ngay trước khi virus bắt đầu lây nhiễm sang người trong thành phố.
"Khả năng đó chắc chắn tồn tại và tôi hoàn toàn ủng hộ một cuộc điều tra đầy đủ về việc liệu điều đó có thể xảy ra hay không", Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, nói với ủy ban thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 11/5.
Tổng thống Biden cho biết ông đã yêu cầu báo cáo về nguồn gốc của Covid-19, "bao gồm cả khả năng virus xuất hiện do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay do tai nạn trong phòng thí nghiệm".
Vấn đề này vẫn đang được tranh luận gay gắt.
Một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cho là sẽ đi đến tận cùng nhưng rốt cuộc nhiều chuyên gia tin rằng nó chỉ gây ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.
Một nhóm các nhà khoa học do WHO chỉ định đã bay đến Vũ Hán vào đầu năm nay với nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của đại dịch. Sau 12 ngày ở đó, bao gồm cả chuyến thăm phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Nhưng nhiều người đã nghi ngờ những phát hiện của họ.
Một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng đã chỉ trích báo cáo của WHO vì đã không coi trọng lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm - họ chỉ viết vài trang về nó trong báo cáo dài hàng trăm trang.
Các nhà khoa học viết trên tạp chí Science : "Chúng ta phải xem xét các giả thuyết về sự lan tỏa trong tự nhiên và trong phòng thí nghiệm một cách nghiêm túc cho đến khi chúng ta có đủ dữ liệu".
Và ngày càng có nhiều sự đồng thuận giữa các chuyên gia rằng khả năng rò rỉ phòng thí nghiệm cần được xem xét kỹ hơn.
Ngay cả tổng giám đốc của WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã kêu gọi một cuộc điều tra mới, nói rằng : "Tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm".
Tiến sĩ Fauci từ Mỹ nói rằng ông "không tin" virus có nguồn gốc tự nhiên. Đây là thay đổi quan điểm chóng mặt từ ông.
Trung Quốc đã bác bỏ mọi nghi ngờ và nói virus có thể đã xâm nhập vào nước này trong các chuyến hàng thực phẩm từ ngoại quốc.
Chính phủ Trung Quốc chỉ ra nghiên cứu mới do một trong những nhà virus học hàng đầu của nước này công bố, theo đó, có các mẫu thu thập từ dơi trong một khu mỏ bỏ hoang hẻo lánh.
Giáo sư Shi Zhengli - thường được gọi là "Người dơi của Trung Quốc" - một nhà nghiên cứu tại Viện Vũ Hán, đã công bố một báo cáo vào tuần trước tiết lộ rằng nhóm của bà đã xác định được 8 chủng virus corona tìm thấy trên dơi trong mỏ ở Trung Quốc vào năm 2015.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc chính phủ Mỹ và truyền thông phương Tây tung tin đồn thất thiệt.
Một bài xã luận trên tờ Global Times nói : "Dư luận ở Mỹ đã trở nên cực kỳ hoang tưởng khi nhắc đến nguồn gốc của đại dịch".
Trung Quốc đã đưa ra một giả thuyết khác rằng virus đã đến Vũ Hán do thịt đông lạnh đi từ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á.
Có giả thuyết nào khác không ?
Có. Đó là lý thuyết "nguồn gốc tự nhiên".
Lý thuyết này nói virus lây lan tự nhiên từ động vật mà không có sự tham gia của bất kỳ nhà khoa học hay phòng thí nghiệm nào.
Những người ủng hộ giả thuyết nguồn gốc tự nhiên cho rằng Covid-19 xuất hiện trong cơ thể dơi và sau đó nhảy sang người, rất có thể thông qua một động vật khác, hoặc "vật chủ trung gian".
Ý tưởng đó được báo cáo của WHO ủng hộ, trong đó nói rằng "rất có thể" Covid-19 xảy ra vì một vật chủ trung gian.
Giả thuyết này đã được quốc tế chấp nhận khi bắt đầu đại dịch, nhưng thời gian trôi qua, các nhà khoa học không tìm thấy một loại virus nào ở dơi hay động vật lại phù hợp với cấu tạo di truyền của Covid-19, khiến người ta nghi ngờ giả thuyết này.
Nếu lý thuyết "động vật hoang dã" được chứng minh là đúng, nó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động như nuôi trồng và khai thác động vật hoang dã. Ở Đan Mạch, lo ngại về sự lây lan của virus thông qua việc nuôi chồn hương đã dẫn đến việc hàng triệu con chồn bị tiêu hủy.
Nhưng cũng có những tác động lớn đối với nghiên cứu khoa học và thương mại quốc tế nếu các lý thuyết liên quan đến rò rỉ trong phòng thí nghiệm hoặc chuỗi thực phẩm đông lạnh được xác nhận.
Vụ rò rỉ virus, nếu đúng, có thể ảnh hưởng đến cách nhìn của thế giới về Trung Quốc, vốn đã bị cáo buộc che giấu thông tin ban đầu quan trọng về đại dịch.
Jamie Metzl, người đã ủng hộ lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm, nói với BBC : "Từ ngày đầu tiên, Trung Quốc đã che đậy kinh khiếp".
"Khi bằng chứng cho giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm ngày càng tăng, chúng ta cần yêu cầu điều tra đầy đủ tất cả các giả thuyết".
Nhưng những người khác thì nói không nên chê Trung Quốc quá nhanh.
"Chúng ta cần phải kiên nhẫn một chút nhưng cũng cần phải ngoại giao. Chúng ta không thể làm việc này nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc", Giáo sư Dale Fisher, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, nói. đài BBC.
Nguồn : BBC, 30/05/2021
*********************
Mỹ kêu gọi WHO điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc virus corona
Thu Hằng, RFI, 28/05/2021
Một ngày sau khi tổng thống Joe Biden cho các cơ quan tình báo Mỹ 90 ngày để báo cáo lại về nguồn gốc virus corona, ngày 27/05/2021, Washington cũng kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO tiến hành điều tra giai đoạn hai về vấn đề này. Cuộc điều tra phải được giao cho những chuyên gia độc lập và họ phải được truy cập vào toàn bộ dữ liệu gốc và mẫu thu thập ở Trung Quốc.
Ông Peter Ben Embarek (giữa) cùng các chuyên gia y tế khác sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết thúc cuộc điều tra nguồn gốc virus corona tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 10/02/2021. AFP – Hector Retamal
Theo phía Mỹ, nghiên cứu và kết luận của đoàn chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới được đưa ra sau chuyến công tác ở Vũ Hán vào tháng 01 và 02/2021 là "không đầy đủ và thiếu thuyết phục". Vì vậy, trong thông cáo ngày 27/05, phái bộ Mỹ tại WHO kêu gọi mở môt cuộc điều tra thứ hai "đúng thời điểm, minh bạch và dựa trên bằng chứng, kể cả tại Trung Quốc" để "hiểu rõ về nguồn gốc của virus và những chặng đầu của đại dịch".
Phía Bắc Kinh, thông qua một đại diện của sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, tỏ ra ủng hộ "một nghiên cứu chuyên sâu" nhưng "về tất cả những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên toàn cầu", cũng như "một cuộc điều tra sâu rộng về một số căn cứ bí mật và phòng thí nghiệm trên thế giới".
Trước đó, trong buổi họp với các bộ trưởng Y tế ngày 26/05, chuyên gia Mike Ryan của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết "đã tham vấn phi chính thức với nhiều quốc gia thành viên để xem việc cần làm trong giai đoạn tiếp theo. Các bên sẽ tiếp tục thảo luận trong những tuần tới".
Nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc virus corona của tổng thống Mỹ Joe Biden được thủ tướng Canada ủng hộ. Trả lời báo giới ngày 27/05, ông Justin Trudeau cho rằng cần phải hiểu được toàn bộ chuyện gì đã xảy ra để "chắc chắn sẽ không bao giờ tái diễn trong tương lai".
Thu Hằng
*******************
Anh Vũ, RFI, 27/05/2021
Ngày 26/05/2021, tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ phải "nỗ lực gấp bội" để tìm ra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán (Trung Quốc), dù đã bị phần lớn các chuyên gia gạt sang một bên, những tuần qua đã trở lại trong các tranh luận tại Mỹ. Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng tố cáo Washington phổ biến "thuyết âm mưu" về nguồn gốc đại dịch.
Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, được bảo vệ trong chuyến công tác tìm hiểu nguồn gốc virus corona của phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 03/02/2021. Reuters – Thomas Peter
Thông tín viên RFI, Eric de Salve tại San Francisco cho biết thêm thông tin :
"Nhiều tuần qua, ông Joe Biden đã yêu cầu tình báo Mỹ trả lời câu hỏi đang đặt ra cho toàn thế giới : Đâu là nguồn gốc của virus corona ? Covid-19 có phải đã được truyền từ động vật sang người hay nó bắt nguồn từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm tại Trung Quốc ?
Trong báo cáo đầu tiên, các cơ quan tình báo Mỹ đã không thể kết luận được vấn đề. Không thỏa mãn, ông Joe Biden kêu gọi tình báo Mỹ "cố gắng gấp bội" và cho họ thời hạn 90 ngày phải cung cấp cho ông bản báo cáo thứ 2. Nhiệm vụ chính thức là để "chúng ta tiếp cận kết luận cuối cùng" về hai kịch bản trên, được Nhà Trắng đánh giá là có khả năng xảy ra.
Động thái này khẳng định sự thay đổi cách tiếp cận của chính quyền Biden. Nhà Trắng từ giờ coi thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là khả tín, giống như quan điểm của chính quyền Donald Trump trước đây.
Trong một thông cáo, tổng thống Biden còn chỉ trực tiếp Bắc Kinh : Hoa Kỳ tiếp tục làm việc với các đối tác trên thế giới gây sức ép với Trung Quốc để nước này tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế, đầy đủ, minh bạch và dựa trên cơ sở các bằng chứng…".
Vài giờ trước khi phát đi thông cáo của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã lên tiếng tố cáo Washington phổ biến thuyến âm mưu về nguồn gốc đại dịch.
Trung Quốc vẫn luôn phản bác kịch liệt thuyết cho rằng virus corona đã bị thoát ra từ các phòng thí nghiệm của họ. Chính quyền Donald Trump đã chỉ đích danh là Viện virus học Vũ Hán. Tuần này, một bài viết trên nhật báo Wall Street Journal đã khuấy lại những tranh luận ở Mỹ về nguồn gốc đại dịch.
Sau 4 tuần làm việc tại Vũ Hán hồi đầu năm 2021, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc hồi tháng 3 đã đưa ra một nghiên cứu chung đánh giá khả năng tai nạn phòng thí nghiệm có "xác suất cực thấp".
Anh Vũ
**********************
Nguyên Sa, Kinh Tế Đô Thị, 25/05/2021
Trong những ngày vừa qua, câu chuyện về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19 lại trở nên thời sự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh : AP
Đỉnh điểm mới của nó là quyết định của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, yêu cầu các cơ quan tình báo và an ninh ở Mỹ tiến hành điều tra về nguồn gốc loại virus này và đưa ra kết luận cuối cùng sau 90 ngày.
Ông Biden cho biết hồi tháng 3 vừa qua đã lệnh cho các cơ quan liên quan trong chính quyền Mỹ tiến hành điều tra, nhưng 18 cơ quan này không thống nhất đánh giá kết luận với nhau nên công việc điều tra lại phải tiến hành một lần nữa. Cho tới thời điểm hiện tại, câu trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc virus gây dịch bệnh bao hàm hai khả năng khác nhau : Một là dịch bệnh đã lây nhiễm từ động vật sang con người ; và hai là virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Câu trả lời và sự thật dù là khả năng đầu tiên hay khả năng thứ hai đều đưa lại hệ lụy rất sâu sắc và to lớn cho chính trị thế giới, quan hệ quốc tế và dư luận chung trên thế giới. Người tiền nhiệm của ông Biden ở Nhà Trắng, ông Donald Trump, tuy không quả quyết virus dịch bệnh này thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng luôn ngầm ám chỉ nhìn nhận như thế khi gọi virus ấy là Virus Vũ Hán hay Virus Trung Quốc.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành điều tra ở Vũ Hán và đi đến kết luận rằng không có đủ cơ sở để xác nhận virus gây dịch bệnh thoát ra từ phòng thí nghiệm ở ngoại ô thành phố này. Nhưng WHO đồng thời cũng phàn nàn rằng đã không nhận được sự phối hợp ở mức độ mong muốn và cần thiết từ phía chính quyền Trung Quốc trong quá trình điều tra. Còn chính phủ Trung Quốc thì kiên quyết bác bỏ giả thiết về virus dịch bệnh được bào chế trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và từ đó thoát ra ngoài. Cũng chính vì quan điểm này mà phía Trung Quốc phản đối việc ông Biden cho tiến hành điều tra lại. Câu trả lời cho câu hỏi nói trên ảnh hưởng trực tiếp đến uy danh của phía Trung Quốc, WHO và Mỹ.
Ông Biden biện luận cho quyết định lại tiếp tục điều tra về nguồn gốc của virus gây dịch bệnh, với lý do 15 trong tổng số 18 cơ quan nói trên kết luận rằng cả hai khả năng đều có thể xảy ra, có 2 tin rằng dịch bệnh đã lây lan từ động vật hoang dã sang con người và 1 kết luận nguồn gốc của dịch bệnh là phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trong thực chất, kết quả điều tra có như thế nào thì cũng vẫn đều rất có lợi cho ông Biden.
Trước hết, bằng quyết định này, ông Biden muốn thể hiện trước dân Mỹ và thế giới quyết tâm tìm kiếm cho ra sự thật về nguồn gốc của dịch bệnh. Câu trả lời cho câu hỏi này có tác động rất mạnh mẽ về đối nội ở Mỹ, ảnh hưởng rất sâu rộng tới tâm lý của người dân trên thế giới, và chi phối diễn biến tâm lý này theo hướng chỉ có lợi cho Mỹ có thể lại bất lợi cho Trung Quốc, kể cả khi sau 90 ngày nữa công cuộc điều tra không đưa lại kết luận trắng đen rõ ràng giữa hai khả năng nói trên.
Nếu kết luận là dịch bệnh đã lây lan từ động vật hoang dã sang người thì cái lợi đối với ông Biden là sai lầm trong nhận thức của người tiền nhiệm về nguồn gốc dịch bệnh, là hiệu ứng của nhờ ông Biden mà giải toả được tâm lý của người dân ở cả trong lẫn ngoài nước Mỹ và dùng việc giải thoát Trung Quốc ra khỏi mọi nghi vấn để chứng tỏ đối phó Trung Quốc một cách đàng hoàng, minh bạch và trên ưu thế chứ không sử dụng những gì có thể bị coi là "mưu hèn kế bẩn". Như thế, ông Biden sẽ dễ thành công hơn trong việc tập hợp lực lượng thành liên quân cùng đối phó Trung Quốc.
Nếu kết luận là dịch bệnh đã thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thì ông Biden chẳng khác nào đã có được danh chính ngôn thuận để gia tăng áp lực đối với Trung Quốc, càng thêm dễ dàng và thuận lợi trong việc thuyết phục đồng minh và đối tác trên thế giới cùng hội cùng thuyền với Mỹ để đối phó Trung Quốc. Đặc biệt càng dễ dàng gây dựng được sự đồng thuận quan điểm trên chính trường và trong nội bộ xã hội ở Mỹ cho chính sách đối với Trung Quốc.
Nguyên Sa
Nguồn : Kinh tế Đô thị, 27/05/2021
Nguồn gốc đại dịch Covid đang được xới lên trở lại, khả năng con virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán không còn bị coi là thuyết âm mưu, là chủ đề được các tuần báo Pháp rất chú ý.
Bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh tư liệu chụp ngày 23/02/2017. AP
Le Pointđề cập đến "Điểm mới về xuất xứ SARS-CoV-2". The Economistquan tâm tới việc "Joe Biden ra lệnh cho tình báo điều tra về nguyên nhân Covid-19". Giả thiết con virus rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm là rất có thể, nhưng còn xa mới chứng minh được. Một nhà nghiên cứu Pháp khi trả lờiL’Expresscho rằng "Khả năng biết được sự thật nằm trong tay người Trung Quốc".
Le Point cho biết hai nhà nghiên cứu Pháp Étienne Decroly và Bruno Canard ở Marseille từ mùa xuân 2020 ban đầu cũng cho rằng chỉ là tin đồn, nhưng càng xem xét kỹ càng đặt ra nhiều nghi vấn. Cuối 2020, cả hai cùng với các chuyên gia quốc tế khác lập ra "nhóm Paris", nghiên cứu những dữ liệu hiếm hoi có được. Họ đánh động công luận, đăng ba lá thư ngỏ trên Wall Street Journal và Le Monde.
The Economist nhắc lại, từ đầu năm 2000 khả năng virus thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán hay một phòng thí nghiệm gần đó đã được nêu ra, nhưng bị bác ngay. Thậm chí tháng 2/2020 một số nhà khoa học còn dùng trang báo của The Lancet lên án ý tưởng này, và đa số báo chí đều nghe theo, cho rằng đó là thuyết âm mưu. Tuy nhiên những tháng gần đây tranh luận lại nổi lên trong giới chính trị và các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như các blog nhiều ảnh hưởng của những nhà báo chuyên về khoa học.
Vì sao giả thiết tai nạn phòng thí nghiệm được đặt lại lúc này ? Ông Bruno Canard nhận định trước hết về phương diện chính trị : những người ghét Donald Trump trước đây không chịu công nhận vì không muốn tạo uy tín cho tổng thống Mỹ.
The Economist cũng cho rằng hướng này được thúc đẩy, một phần là do sự ra đi của tổng thống Donald Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo, những người hăng hái bảo vệ giả thiết tai nạn thí nghiệm nhất.
L’Expressdẫn nguồn từNew York Times cho biết tình báo Mỹ đang phải phân tích "một lượng rất lớn" dữ liệu tin học, dựa trên cơ sở các liên lạc viễn thông ở Trung Quốc, sự dịch chuyển của nhân viên phòng thí nghiệm và tiến triển địa lý của đại dịch ở Vũ Hán. Chính quyền Biden cũng thúc đẩy tình báo các nước đồng minh chú ý giả thiết này và chia sẻ thông tin. Trong khi chờ đợi, cựu tổng thống Donald Trump nói rằng : "Đối với tôi, chuyện này đã rõ ràng ngay từ đầu, nhưng họ đả kích tôi kịch liệt, như thường lệ".
Nhưng đặc biệt là lá thư của 18 nhà khoa học lừng lẫy đăng trên Science hôm 13/05, từ chối bác bỏ giả thiết tai nạn thí nghiệm và kêu gọi điều tra sâu hơn. Le Point nhấn mạnh, một số nhà khoa học ký tên trong lá thư trên Science là những ngôi sao quốc tế về virus corona. Chẳng hạn ông Ralph Baric còn là thầy của "Batwoman" Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), chuyên gia về virus corona của Viện Virus Vũ Hán, nơi lưu giữ bộ sưu tập virus corona lớn nhất thế giới.
Về giả thiết virus từ một hang động gần Vũ Hán lây cho một vật chủ và con vật này lây sang người, đã xem xét đến 80.000 mẫu vật của nhiều loài vật khác nhau nhưng vẫn không tìm được vật trung gian ! Phái đoàn điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Trung Quốc không khám phá được gì, đặc biệt vì có xung đột lợi ích. Có nhiều câu hỏi mà Bắc Kinh có thể trả lời nhưng họ không hỏi. Sự thật đang trong tay Trung Quốc. Có thể một ngày nào đó các tài liệu liên quan sẽ được một người có lương tâm tiết lộ, nhưng điều này không chắc.
L’Obs và The Economist nhắc lại, những vụ mầm bệnh thoát ra từ các cơ quan nghiên cứu vẫn thường xảy ra. Hồi năm 1967, một virus thuộc loại Ebola thoát ra ở Marburg làm 7 người chết. Vụ tử vong cuối cùng vì virus đậu mùa là do con virus này rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Anh năm 1978. SARS-CoV-1, virus gây dịch SARS 4 lần thoát ra khỏi phòng thí nghiệm và lây lan ra các nước : năm 2003 ở Singapore và Đài Loan, năm 2004 thoát khỏi một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh đến hai lần.
Tháng 12/2019, trên 100 sinh viên và thành viên của hai trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở Lan Châu (Lanzhou) bị nhiễm bệnh sốt cấp tính Brucellosis thường chỉ có ở động vật. Đáng báo động hơn cả là virus cúm H1N1 lan tràn trên thế giới từ năm 1977, nay được biết xuất xứ từ một phòng thí nghiệm Đông Bắc Á, có thể là ở Trung Quốc hay Nga.
Nay các luận án của các sinh viên Trung Quốc bị tiết lộ chỉ khẳng định điều mà người ta đã biết, đó là Trung Quốc đã đùa với lửa từ lâu. Họ dùng một con virus, biến đổi nó để xem có lây nhiễm cho tế bào người hay không. Việc "nhào nặn" các gien là phương pháp nguy hiểm không nên làm, chỉ nên thực hiện khi tìm thấy một virus gần giống với một mầm bệnh có khả năng gây dịch bệnh.
Các nhà ngoại giao Mỹ khi thăm Viện Virus Vũ Hán năm 2018 đã cảnh báo về an toàn sinh học tại đây, nêu nguy cơ virus corona có thể gây ra đại dịch. Bà Thạch Chính Lệ đầu năm 2020 nói rằng một trong những nỗi lo đầu tiên của bà là con virus có thể thoát ra được.
Nhóm của Thạch Chính Lệ nhiều năm trời nghiên cứu khả năng lây nhiễm cao hơn của virus corona đối với con người. Trong báo cáo năm 2015, họ cho biết đã lai tạo một virus corona trên loài dơi và loài chuột, có thể tự sinh sản trong các tế bào hô hấp của người. Một số người cho rằng có thể con virus còn bị cho là lai tạo giữa con corona trên dơi và tê tê.
Đúng vào ngày lời kêu gọi của 18 nhà khoa học nổi tiếng được đăng, những người ẩn danh như "The Seeker" trên Twitter tiết lộ ba luận án tiến sĩ và thạc sĩ thực hiện dưới sự chỉ đạo của Thạch Chính Lệ, từ 2014 đến 2019, cho thấy Viện Virus Vũ Hán đã lai tạo virus nhiều hơn là giới khoa học vẫn nghĩ.
Bắc Kinh bị chạm nọc : hôm 21/05 trong thượng đỉnh về y tế do EU và G20 tổ chức, Tập Cận Bình cổ vũ các nhà lãnh đạo thế giới "kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan chính trị hóa" đại dịch Covid. Đến 25/05, đại diện Trung Quốc tại World Health Assembly, thiết chế quan trọng của WHO, tuyên bố điều tra về nguyên nhân Covid tại Trung Quốc đã kết thúc, nay phải chuyển hướng điều tra sang các nước khác.
Chính quyền Trung Quốc từ chối cung cấp các dữ liệu dịch tễ chủ yếu về 174 ca Covid đầu tiên ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, trong khi những tài liệu này hết sức quan trọng để có thể dập dịch sau này. Đặc biệt là vụ ba nhà nghiên cứu của Viện Vũ Hán bị nhiễm bệnh vào tháng 11/2019, trước khi dịch Covid được chính thức công bố.
Courrier Internationaldịch một bài viết củaWall Street Journal đặt vấn đề, phải chăng hầm mỏ được canh gác cẩn mật nhất Trung Quốc chứa đựng các thông tin về Covid ? Tại mỏ đồng Mặc Giang (Mojiang) ở Vân Nam, có liên quan đến Viện Virus học Vũ Hán, tháng 4/2012 có sáu thợ mỏ nhiễm một căn bệnh kỳ lạ sau khi vào dọn dẹp phân dơi, và ba người đã tử vong.
Chính quyền Trung Quốc phong tỏa lối vào mỏ này, nói rằng có voi rừng. Nhưng một nhà báo mới đây lọt vào được, sau đó bị thẩm vấn suốt 5 tiếng đồng hồ và xóa hết các hình ảnh chụp được, cho biết cư dân được lệnh không trả lời báo chí nước ngoài. Le Point nêu thêm một nghi vấn khác : tất cả các nước có trại nuôi chồn để lấy lông đều phát hiện được các ca SARS-CoV-2, còn Trung Quốc, nhà sản xuất lông chồn lớn nhất thế giới không khai báo ca nào.
Về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nguyệt san Le Monde Diplomatiquelưu ý trongJournal du Dimande đầu tháng Năm, các đại sứ Úc và Ấn Độ tại Pháp hoan nghênh tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho tập trận chung với Bộ Tứ. Tuy nhiên khái niệm về liên minh này vẫn mơ hồ, mạnh ai nấy theo đuổi mục tiêu riêng của mình.
Theo đại tá hải quân Jean-Mathieu Rey, chỉ huy lực lượng Pháp tại Châu Á-Thái Bình Dương, Pháp hiện có 7.000 quân, 15 chiến hạm và 38 phi cơ hiện diện thường xuyên. Chưa kể từ cuối tháng Ba cho đến tháng Sáu, hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, tàu ngầm nguyên tử tấn công Emeraude, nhiều phi cơ (trong đó có 4 chiếc Rafale và 1 A330 tiếp liệu), nhóm tàu đổ bộ Jeanne d’Arc với tàu chở trực thăng Tonnerre, chiến hạm tàng hình Surcouf… Tất cả đều tham gia một loạt cuộc tập trận với Úc, Ấn, Nhật, Mỹ.
Năm 2019 một chiến hạm Pháp đã đi qua eo biển Đài Loan, khiến Bắc Kinh bực tức, nhưng đây là lần đầu tiên Pháp tham gia với quy mô lớn. Nhất là tổng thống Emmanuel Macron chủ trương triển khai quân sự "trong trục Ấn Độ-Thái Bình Dương" với đich nhắm là Trung Quốc. Trong chuyến thăm Úc năm 2018, ông Macron tuyên bố : "Trung Quốc đang dần thiết lập sự thống trị (…). Nếu chúng ta không hành động, sắp tới tự do và các cơ hội của chúng ta sẽ giảm đi".
L’Obs trong bài xã luận "Trung Quốc trên con đường một cuộc chiến tranh thế giới" đặt vấn đề, phải chăng chúng ta đang trong "thời điểm Sputnik" - cú sốc của Mỹ do Liên Xô phóng vệ tinh vào vũ trụ lần đầu - khi Bắc Kinh đưa được robot Chúc Dung (Zhurong) lên Hỏa tinh hôm 15/05 ? Trước đó ngày 14/05, Mỹ, Nhật, Úc, Pháp tập trận chung tại Biển Hoa Đông với mục tiêu không giấu giếm là bảo vệ Đài Loan. CIA và quân đội Mỹ tin rằng đại chiến thế giới lần thứ ba sẽ diễn ra tại Biển Đông, khởi sự từ việc Trung Quốc tấn công Đài Loan, và sẽ đẫm máu hơn hai trận đại chiến trước đó.
Mối quan ngại này được Châu Âu chia sẻ. Nhưng còn một nỗi lo khác : Bắc Kinh đã số hóa dữ liệu y tế và giải mã trình tự ADN của hàng trăm triệu công dân Trung Quốc, và Hoa Vi (Huawei) đặt mục tiêu bổ sung thêm hồ sơ của nửa tỉ người bên ngoài Hoa lục trong 10 năm tới. Như vậy, liệu Đệ tam Thế chiến đã bắt đầu mà không phải bắn một phát súng nào ?
Riêng về Biển Đông, The Economist nhận định Philipppines đang điều chỉnh lại mối quan hệ với Mỹ, vì việc ngả sang Trung Quốc chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.
Tuy Philipppines thắng kiện tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, nhưng Rodrigo Duterte khi lên nắm quyền năm 2016 lại từ bỏ lợi thế này cho quan hệ với Trung Quốc. Khi sang gặp Tập Cận Bình, Duterte tuyên bố đã đến lúc phải chia tay với Hoa Kỳ. Ông ca ngợi những lợi ích của chủ trương thân Bắc Kinh : sẽ được đầu tư lớn với Con đường tơ lụa mới (BRI), ngư dân được quay lại bãi cạn Scarborough, và viễn cảnh Trung Quốc giúp khai thác dầu khí trên biển.
Tuy nhiên Jay Batongbacal của đại học Philipppines nhận định, tất cả hầu như là số không. Các dự án BRI hoặc nhỏ bé (chỉ vài cây cầu ở Manila), hoặc gây tranh cãi (đập thủy điện tại khu bảo tồn thiên nhiên). Ngư dân Philipppines sợ hãi không dám quay lại Scarborough vì từng bị tàu Trung Quốc tông vào. Căng thẳng trên biển khiến không thể khai thác dầu khí, dẫn đến việc phải tiêu thụ than đá quá nhiều ; người Hoa đổ xô vào gây ra nhiều vấn đề xã hội.
Tổng thống Philipppines phải nhìn nhận rằng ông ta đã thất bại, và kết quả là lại quay về phía Mỹ. Cách đây một năm, Duterte loan báo hủy hiệp ước song phương về thăm viếng quân sự (VFA), nhưng đã gia hạn hai lần, và Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Ngoại giao đều muốn duy trì vĩnh viễn. Duterte cũng bắt đầu bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Và trên thực tế, quan hệ an ninh với Mỹ luôn chặt chẽ, Washington nhiều lần tập trận chung và tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Philipppines nếu bị tấn công kể cả từ phía dân quân biển Trung Quốc. The Economist kết luận, Bắc Kinh có thể giành được Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) nhưng đã mất đi Philipppines.
Tại Châu Âu, Courrier Internationaltrích dịch bài viết của tờVremexuất bản tại Belgrade, nói về "Montenegro, đất nước đã tự gán nợ". Việc xây dựng một đoạn xa lộ dài 42km do Trung Quốc tài trợ, chưa bao giờ hoàn tất và không mang lại lợi ích kinh tế, đã khiến chủ quyền của quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này đang bị đe dọa.
Montenegro, đất nước có 620.000 dân nằm trên tuyến đường chiến lược của Trung Quốc tại Châu Âu, trong khuôn khổ cơ chế hợp tác "16+1" tập hợp các nước Trung Âu và Đông Âu. Cuối tháng 2/2014, chính phủ Montenegro do ông Milo Djukanovic lãnh đạo đã ký hợp đồng với Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) xây đoạn xa lộ trên tuyến đường nối với Serbia, tuy không có nghiên cứu tiền khả thi. Đến tháng 10/2014, Exim Bank Trung Quốc ký thỏa thuận cho vay 942 triệu đô la - trong khi Montenegro dùng đồng euro, một rủi ro về tỉ lệ hối đoái - trong 20 năm với 6 năm ân hạn. Công trình phải do các công ty Trung Quốc thực hiện 70%. Những bất đồng sẽ do Bắc Kinh giải quyết chứ không phải những định chế quốc tế, và nếu không trả được nợ, Trung Quốc sẽ tịch thu các tài nguyên chiến lược.
Thế nhưng xa lộ này không hề hiệu quả. Để trả nợ vay bằng tiền thu phí, cứ mỗi 3 giây đồng hồ phải có xe chạy qua, 24 giờ trên 24, cả bảy ngày trong tuần trong suốt 14 năm. Món nợ này chiếm 30% GDP của Montenegro. Dấu hiệu tham nhũng : số liệu kế toán của CRBC cho thấy đã chi lương 86,3 triệu euro cho 1.436 công dân Trung Quốc trong năm 2018, tức mỗi lao động Trung Quốc lãnh đến 5.000 euro một tháng ! Nhưng người ta không biết gì hơn vì nhiều tài liệu đươc xếp loại mật. Dự án lên đến 1 tỉ euro nhưng không được gọi thầu công khai. Hơn nữa, xa lộ này hủy hoại một phần khu bảo tồn thiên nhiên thượng nguồn sông Tara, mà trong những năm gần đây UNESCO, Nghị Viện Châu Âu, Ủy Ban Châu Âu không ngớt cảnh báo. Chưa xây dựng xong đã đến kỳ hạn trả nợ đợt đầu 30 triệu euro vào tháng Sáu.
Còn tại Hungary, tờ Heti Vilaggazdasag phê phán thủ tướng Viktor Orban vay nợ Trung Quốc đến 1,5 tỉ euro để lập một chi nhánh của đại học Phục Đán ở Budapest từ nay đến 2024. Bằng cấp do trường này cấp cho con cái giới tinh hoa ở Hoa lục và các nước đồng minh Bắc Kinh, nhờ được Hungary công nhận, sẽ có giá trị trên toàn Liên Hiệp Châu Âu. Theo tờ báo, sẽ có nhiều sinh viên Châu Á, Châu Phi theo học, và đây là nguồn cung cấp nhân viên tình báo vì Phục Đán xưa nay vẫn hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo Trung Quốc.
L’Obstuần này đăng ảnh chủ tịch đảng cực hữu Pháp, một đảng đã được "bình thường hóa cực độ", đặt vấn đề "Marine Le Pen đã tiến gần đến quyền lực như thế nào".
Chiếm trọn trang nhấtL’Expresslà hình vẽ một con mắt, với hàng tựa "Camera, nhận diện khuôn mặt, điện thoại thông minh : giám sát tất cả, rồi thì sao ?". Chủ đề củaLe Pointdành cho câu hỏi "Làm thế nào trở thành người bảo vệ sinh thái thực sự ?". Courrier Internationaltập trung cho cuộc xung đột Israel-Palestine ở Trung Đông với các bài viết về thánh địa "Jerusalem, trái tim của mọi sự xâu xé", cònThe Economistđặt vấn đề "Hai Nhà nước hay một ?".
Thụy My
IPDForum, 21/12/2020
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tiếp tục tung ra các giả thuyết không có cơ sở về nguồn gốc của đại dịch gây chết người được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngay trong thời gian một nhóm các chuyên gia y tế quốc tế điều tra về nguồn gốc của vi-rút corona.
Các trường hợp mắc Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12/2019 trước khi biến thành đại dịch toàn cầu. Ảnh : NDTV
Các tuyên bố của Trung Quốc — thổi phồng đến mức khơi gợi rằng Covid-19 đã xuất hiện ở các quốc gia khác và được đưa đến Trung Quốc bởi binh lính của quân đội nước ngoài hoặc qua nhập khẩu hải sản đông lạnh — đã bị nhiều nhà khoa học bóc trần. Trong một trường hợp, các hãng truyền thông dưới sự kiểm soát của nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn từ các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc mà cũng do nhà nước quản lý. Mặc dù các phát hiện của họ vẫn chưa được xác minh thông qua quy trình thẩm định đồng cấp (peer review) nghiêm ngặt. Nghiên cứu này sau đó đã không được xuất bản.
"Đơn giản là tôi không thấy những báo cáo đó đáng tin cậy theo bất cứ cách nào, và tôi không nghĩ có ai cảm thấy thế", nhà nghiên cứu vi rút Edward Holmes của Đại học Sydney nói về những lời quả quyết rằng vi-rút này đã xuất hiện từ bên ngoài Trung Quốc. "Những tuyên bố khác biệt thì cần bằng chứng khác biệt", ông Holmes nói với Đài Phát thanh Truyền hình Úc (Australian Broadcasting Corp, ABC) vào tháng 11 năm 2020.
Ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách công tác ứng phó khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu cũng trong tháng đó : "Tôi nghĩ nếu chúng ta nói rằng căn bệnh không xuất phát từ Trung Quốc thì nhận định đó có tính giả định rất cao".
Hai nhà khoa học của WHO đã đến Trung Quốc vào tháng 7 năm 2020 để xem xét dữ liệu cùng với các quan chức và nghiên cứu viên của Trung Quốc, và ông Ryan cho biết các điều tra viên của WHO dự định sẽ đến thăm chợ bán thực phẩm ở Vũ Hán, trong ảnh, nơi mà vi-rút này được xác định lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019. Theo The Straits Times, một tờ báo tiếng Anh ở Singapore, ông này nói : "Rõ ràng từ góc độ y tế công cộng là bạn phải bắt đầu các cuộc điều tra tại nơi các ca nhiễm ở người xuất hiện đầu tiên".
Các nhà nghiên cứu phải đối mặt với những trở ngại lớn, về mặt khoa học và chính trị, trong việc lần theo dấu vết nguồn gốc của loại vi-rút đã gây bệnh cho 67 triệu người và làm hơn 1,5 triệu người tử vong trên toàn thế giới tính đến đầu tháng 12 năm 2020. Mặc dù nhiều nhà khoa học tin rằng vi-rút Sars-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi, nhưng không rõ nó lây lan sang con người như thế nào, theo tạp chí khoa học quốc tế Nature báo cáo vào tháng 11 năm 2020.
"Tìm một con vật bị nhiễm Sars-CoV-2 giống như mò kim đáy bể", bà Angela Rasmussen, một nhà vi-rút học tại Đại học Columbia ở thành phố New York, nói với Nature. "Có thể người ta sẽ không bao giờ tìm thấy một ‘con dơi phát tán dịch bệnh.’"
Theo ông Linfa Wang, giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm mới của Đại học Y thuộc Duke-Đại học Quốc gia Singapore (Duke-National University of Singapore Medical School), cho biết, cơ chế đá trách nhiệm của Trung Quốc "đang cố gắng làm mọi cách để chứng minh rằng đó không phải là vi-rút Trung Quốc" càng làm thách thức này phức tạp hơn. Ông Wang là một thành viên trong nhóm nghiên cứu WHO đã điều tra nguyên nhân gây bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng ở Trung Quốc vào năm 2003. Ông nói với Nature rằng hoạt động nghiên cứu quan trọng về Covid-19 đã bị che giấu vì các chiến thuật nghi binh của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc đè nén sự minh bạch ăn khớp với một lối hành xử quen thuộc trong năm qua, từ những công bố ban đầu đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán đến việc che đậy những dữ liệu về tính an toàn và mức độ hiệu quả của các loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất hiện sắp đến giai đoạn phân phối rộng rãi.
Các tài liệu nội bộ bị rò rỉ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc (Hubei Provincial Center for Disease Control and Prevention), bao gồm Vũ Hán, cho thấy trong những tháng đầu của đợt bùng phát số lượng ca nhiễm bệnh được xác nhận nhiều hơn đáng kể so với con số mà các quan chức Trung Quốc công bố công khai, theo CNN đưa tin vào tháng 12 năm 2020. Các chuyên gia cho rằng những công bố thiếu nhất quán của Trung Quốc đã cản trở các nỗ lực trên toàn cầu nhằm ngăn chặn vi-rút và phát triển vắc-xin để cứu mạng người.
Ông Yanzhong Huang, một nghiên cứu viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), nói với CNN : "Rõ ràng là họ đã phạm sai lầm — và không chỉ những sai lầm xảy ra khi bạn đang đối phó với một loại vi-rút mới — mà còn là những sai lầm gây ra bởi sự quan liêu và động cơ chính trị trong cách họ xử lý nó". "Những điều này đã gây ra hậu quả trên phạm vi toàn cầu".
Những sự kiện trong quá khứ của Trung Quốc không báo hiệu điềm lành cho những điều tra viên của WHO.
Bà Raina MacIntyre, một nhà dịch tễ học tại Đại học New South Wales ở Sydney, nói với ABC vào tháng 12 năm 2020 : "Tôi nghĩ khả năng để nhóm này đưa ra bất kỳ phát hiện đột phá nào có lẽ bị hạn chế". "Sẽ có nhiều loại áp lực khác nhau dồn đến, vì vậy tôi đoán rằng nhóm đó sẽ đề cập đến các khía cạnh ít gây tranh cãi hơn của cuộc điều tra".
IPDForum
Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp lại gây tranh cãi với một bức biếm họa chống Mỹ (RFI, 27/05/2020)
Trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris ngày 24/05/2020, đã xuất hiện một bức biếm họa xúc phạm Hoa Kỳ. Bài đăng đã lập tức gây ra nhiều phản ứng dữ dội. Trước làn sóng phẫn nộ, cơ quan đại diện của Bắc Kinh đã phải lên tiếng biện minh rằng tài khoản Twitter của họ đã bị tin tặc thâm nhập để đăng lên bức biếm họa gây tranh cãi, điều được cho là khó tin.
Lu Shaye, đại sứ Trung Quốc tại Paris - Ảnh chụp ngày 26/08/2019 - AFP
Trong một tin nhắn Twitter đề ngày 25/05, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp khẳng định là "một người nào đó" đã thâm nhập vào tài khoản Twitter của họ để công bố môt bài đăng "giả mạo" bao gồm một bức biếm họa mang tựa đề : "Ai là là người kế tiếp ? – Qui est le prochain ?".
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ngay sau khi bức biếm họa được công bố trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, nhiều phản ứng dữ dội đã xuất hiện trên mạng xã hội, và ít lâu sau, bức tranh đã bị xóa đi.
Bức biếm họa gây tranh cãi vẽ hình một thần chết, người quấn một lá cờ Mỹ, gõ cửa một căn phòng bên trên ghi chữ Hồng Kông bằng tiếng Anh và tiếng Hoa. Trước Hồng Kông là một loạt căn phòng khác đã mở cửa với máu chảy ra lênh láng, bên trên ghi : Iraq, Libya, Syria, Ukraine và Venezuela. Trên lưỡi hái của thần chết có một cái vết trông giống như ngôi sao của David, biểu tượng của người Do Thái.
Bài đăng trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc đã bị nhiều cư dân mạng coi là một thông điệp bài Do Thái, lấy lại một thuyết âm mưu về một liên minh Mỹ-Do Thái để gây bất ổn định tại Hồng Kông.
Trong tin nhắn đính chính, sau khi nói là tài khoản của mình bị tin tặc tấn công, cơ quan đại diện Trung Quốc tại Pháp đã lên án vụ việc và khẳng định rằng Bắc Kinh "luôn luôn gắn bó với nguyên tắc trung thực, khách quan và hợp lý của thông tin".
Không ai tin vào lời cải chính của Đại sứ quán Trung Quốc
Theo AFP, ông Antoine Bondaz, giảng viên trường khoa học chính trị Sciences Po Paris, đã không ngần ngại nhận định rằng đó là một hành động "đê hèn và bài Do Thái". Nhiều cư dân mạng khác đã đòi sứ quán Trung Quốc phải xin lỗi.
Tuy nhiên, một số người sau đó đã nhấn mạnh rằng bức biếm họa đã mô phỏng một bức tranh đầu tiên vẽ hình thần chết quấn cờ Trung Quốc, và đi gõ những cánh cửa bên trên có ghi Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, Đài Loan…
Lời đính chính của phía Trung Quốc không thuyết phục được ai. Trong một tin nhắn Twitter ngày 25/05, chuyên gia Bondaz nhận xét : "Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định rằng tài khoản của họ đã bị tin tặc tấn công và như vậy không phải là chính họ đã công bố bức biếm họa bẩn thỉu. Đây quả là một lập luận kỳ lạ, nhất là khi bức vẽ được chính Đại sứ quán Trung Quốc đánh dấu "like" rồi kèm theo một lời bình luận".
Theo AFP, ông Bondaz đã cho rằng : "Đại sứ quán Trung Quốc đã rất chật vật trong việc thừa nhận sai lầm của mình và xin lỗi".
Liên tục tung ra tin nhắn "khiêu khích"
Theo hãng tin Pháp, trong những tuần lễ qua, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã liên tục tung ra trên mạng Twitter nhiều tin nhắn khiêu khích, hoàn toàn không có một chút tính chất ngoại giao.
Trong những ngày gần đây, họ đã làm cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ phẫn nộ khi gởi đi lời chúc truyền thống của người Hồi giáo nhân lễ Aïd el-Fitr, kết thúc mùa chay ramadan. Điều này đã làm dấy lên phản ứng giận dữ như "Hãy cảm thấy xấu hổ !", "Mặt dầy !"…, trong bối cảnh các chuyên gia và tổ chức bảo vệ nhân quyền đã tố cáo Bắc Kinh giam giữ ít ra là 1 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ.
Nhà xã hội học người Pháp gốc Duy Ngô Nhĩ Dilnur Reyhan rất phẫn nộ trước thông điệp chúc mừng của Đại sứ quán Trung Quốc, nói : "Các người đã giam cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, thậm chí cấm dùng những từ ngữ như "Bismillah", "Elhemdulila" hay "Allah'qa amanet", đốt sách của chúng tôi, buộc người Hồi giáo ăn thịt heo của các người, tổ chức các lễ hội rươu bia trong mùa Ramadan, và giờ đây các người lại dám làm thế".
Mai Vân
********************
Hồng Kông : Bắc Kinh cảnh báo trả đũa Mỹ, lãnh đạo đặc khu trấn an giới đầu tư (RFI, 26/05/2020)
Hôm 25/05/2020, chính quyền Trung Quốc lên tiếng cảnh báo trả đũa các đe dọa trừng phạt của Mỹ. Washington báo trước sẽ tước bỏ quy chế đặc biệt với Hồng Kông, nếu Bắc Kinh thông qua dự luật về an ninh quốc gia, bị lên án xâm phạm đến nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Dự luật đang được Quốc hội Trung Quốc thảo luận. Lãnh đạo Hồng Kông hôm nay, 26/05, trấn an giới đầu tư nước ngoài.
Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật an ninh, ngày 24/05/2020. Reuters - Tyrone Siu
Trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố Hoa Kỳ "không có quyền phê phán cũng như không có quyền can thiệp" vào hồ sơ này. Theo quan chức này, luật pháp được thực thi tại Hồng Kông "hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc" và nhấn mạnh : "Nếu Hoa Kỳ quyết định gây tổn hại cho các lợi ích của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ có các biện pháp cần thiết để trả đũa". AFP cho hay, ông Triệu Lập Kiên nói thêm là Bắc Kinh đã gửi một công hàm phản đối mạnh mẽ đến Washington.
Áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh Quốc hội Trung Quốc có kế hoạch thông qua dự luật về an ninh quốc gia ngày thứ Năm tới 28/05, cho phép Bắc Kinh đàn áp các hoạt động được coi là "ly khai", "lật đổ", "các tổ chức khủng bố", hay "các can thiệp nước ngoài" tại Hồng Kông. Luật có thể có hiệu lực ngay từ mùa hè này. Theo AFP, hiện tại nội dung của dự luật chưa được công khai toàn bộ. Một trong các điểm gây lo ngại lớn là luật cho phép công an Trung Quốc trực tiếp có mặt tại Hồng Kông.
Theo giới quan sát, đông đảo người Hồng Kông lo ngại dự luật nói trên sẽ xâm phạm ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", theo đó Bắc Kinh cam kết để Hồng Kông được hưởng các quyền tự do hoàn toàn không có những nơi khác tại Hoa lục, cho đến năm 2047. Nhiều quốc gia phương Tây và các nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ nỗi lo ngại này. Hôm thứ Sáu vừa qua, chứng khoán Hồng Kông sụt giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Luật an ninh mới chỉ nhắm vào "các phần tử lưu manh"
Để trấn an giới đẩu tư, hôm nay, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lên tiếng bác bỏ các lo ngại "hoàn toàn không có cơ sở", về khả năng các quyền tự do tại Hồng Kông bị bóp nghẹt. Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông cam đoan là "các quyền tự do tại Hồng Kông sẽ được bảo tồn, sự năng động của đặc khu, các giá trị căn bản về phương diện Nhà nước pháp quyền, độc lập của tư pháp và các quyền tự do căn vẫn sẽ tiếp tục được duy trì".
Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, dự luật về an ninh quốc gia sẽ "chỉ nhắm vào một thiểu số nhỏ các phần tử lưu manh, bảo vệ tuyệt đại đa số người dân tôn trọng luật pháp và yêu hòa bình".
Cùng lúc với việc lãnh đạo đặc khu lên tiếng trấn an, theo Reuters, tư lệnh các đơn vị quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông, tướng Trần Đạo Tường (Chen Daoxiang), hôm nay khẳng định lực lượng vũ trang Trung Quốc đóng tại Hồng Kông "quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự thịnh vượng lâu dài của đặc khu Hồng Kông", và "sẵn sàng thực thi luật mới về an ninh quốc gia" mà Quốc hội sẽ thông qua. Theo giới quan sát, chỉ huy quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông rất hiếm khi lên tiếng trước công luận về các vấn đề của đặc khu.
Trọng Thành
*******************
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc lợi dụng đại dịch để bành trướng ở Biển Đông (RFI, 25/05/2020)
Trước các lời tố cáo ngày càng nhiều cho rằng Bắc Kinh lợi dụng dịch Covid-19 để tăng cường bành trướng trên Biển Đông, hôm qua, 24/05/2020, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng bác bỏ, coi những cáo buộc trên là "phi lý".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp báo trực tuyến ngày 24/05/2020 tại Bắc Kinh, bên lề khóa họp Quốc hội Trung Quốc. China Daily via Reuters - China Daily
Theo hãng tin Mỹ AP, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, ông Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực chống dịch Covid-19 với các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh.
Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và các nước ASEAN vẫn hỗ trợ, đồng thời tăng cường lòng tin lẫn nhau trong cuộc chiến chống đại dịch virus corona.
Trái lại, ông Vương Nghị tuyên bố là có nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ và các đồng minh, đã gây ra tình hình mất ổn định trong khu vực Biển Đông bằng những chuyến bay quân sự và các cuộc tuần tra trên biển. Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng những hành động có dụng ý xấu nhằm gieo rắc thêm bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ASEAN phá hoại ổn định trong vùng.
Theo AP, một ưu tiên khác được ngoại trưởng Trung Quốc nhắc tới trong cuộc họp báo là vấn đề Đài Loan với đe dọa rằng Trung Quốc có quyền kiểm soát lãnh thổ của mình bằng sức mạnh quân sự nếu thấy cần thiết.
Trung Quốc cho biết sẽ tăng 6,6% ngân sách quốc phòng trong năm 2020 mặc dù đang gặp khó khăn kinh tế do dịch Covid-19. Đây là mức tăng thấp nhất từ nhiều năm qua, nhưng vẫn cần thiết để phục vụ cho các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Bắc Kinh. Hiện ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 180 tỷ euros.
AP cho biết một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các nước Đông Nam Á phải cắt giảm chi tiêu quân sự vì khủng hoảng kinh tế do dịch virus corona. Như vậy, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng hơn nữa việc đòi hỏi chủ quyền trong khu vực.
Anh Vũ
Nước Mỹ đang thất bại nặng nề trong việc đối phó với dịch bệnh chết người, xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Bất kể số người nhiễm bệnh, số người chết không ngừng gia tăng, là tổng thống, Trump vẫn luôn tự chấm điểm cho mình là "tuyệt vời", tự tặng cho mình "huân chương vinh dự" !
Donald Trump đã thể hiện việc chống dịch rất nghiệp dư trên cương vị Tổng thống, bởi tính cách bốc đồng, phô diễn, đánh bóng cá nhân, gây chia rẽ, hơn là tạo sự đoàn kết quốc gia để đối phó với đại dịch, một vấn đề hết sức nghiêm trọng, đã giết chết gần 100 ngàn người Mỹ và hủy hoại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Bắc Mỹ bệnh phu"
Nước Mỹ hiện có gần 1,6 triệu người nhiễm bệnh, trong đó có gần 94 ngàn người chết do dịch virus corona, tính đến 23g30’ tối, giờ Việt Nam, theo thống kê của Worldometers.
Số người nhiễm bệnh ở Mỹ hiện cao hơn số ca nhiễm của sáu nước tiếp theo cộng lại là : Nga, Tây Ban Nha, Brazil, Anh, Ý, Pháp. Tỷ lệ người nhiễm Covid-19 ở Mỹ chiếm hơn 31% các ca nhiễm trên toàn cầu. Số người chết ở Mỹ chiếm gần 29% so với tổng số 215 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại sao một quốc gia đứng đầu thế giới về kinh tế, dẫn đầu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, dự báo, một chính quyền mạnh nhất thế giới… lại tan hoang trước con virus nhỏ bé ?
Cho dù Hillary Clinton, Mitt Romney, hay bất kỳ nhân vật nào khác vào Nhà Trắng hơn ba năm trước, thì dịch bệnh này cũng xâm nhập vào xứ cờ hoa. Tuy nhiên, có lẽ dân Mỹ sẽ không bị nhiễm bệnh nhiều và chết chóc tang thương như dưới thời "Nước Mỹ vĩ đại" của Donald Trump.
Kẻ chọn cách đổ thừa
Ông Trump không đặt sức khỏe, sinh mạng người dân Mỹ lên ưu tiên hàng đầu. Xuất thân từ một con buôn, nên những điều thường trực trong đầu và trước mắt Trump chỉ đơn giản là tiền, là màu xanh đỏ của chứng khoán, là những con số tăng ở phố Wall Street, mà trước đây ông ta thường xuyên viết lên Twitter để tự ca tụng "thành tích" của mình.
Từ khi dịch bệnh tràn lan ở Mỹ, Trump đổ lỗi cho tất cả mọi người, tất cả mọi thứ, nhưng với mình, Trump tuyên bố hùng hồn : "Tôi không chịu trách nhiệm gì cả".
Khi dịch bệnh còn ở xa nước Mỹ, Trump tự tin tuyên bố kiểu như, bẫy đã giăng, trang thiết bị đầy kho, virus Vũ Hán vào sẽ bị bắt nhốt, tiêu diệt ngay. Nước Mỹ trong tay Trump đang "vĩ đại", mọi thứ sẵn sàng, ba năm dưới sự lãnh đạo của ông rồi, lo gì!
Đến khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện, Trump lên dây cót theo kiểu trông chờ vào tự nhiên, rằng loại virus này sẽ tự biến mất vào tháng Tư, khi nhiệt độ nóng lên.
Khi số người nhiễm mỗi ngày một nhiều hơn, ông Trump đổ thừa cho đảng Dân chủ thổi phồng dịch bệnh, sang cáo buộc truyền thông độc lập là "Fake news" – đưa tin không đúng sự thật về virus corona. Nhưng con virus nhỏ bé kia chẳng nể mặt Trump, khi người nhiễm cứ tăng chóng mặt, từ vài ngàn tới vài chục ngàn người, vài trăm ngàn rồi tới hàng triệu ca nhiễm, nên Trump phải kiếm đứa nào đó chịu trách nhiệm.
A, có đây rồi ! Ông Tedros Adhanom đã không làm tròn trách nhiệm, kiêng nể Trung Quốc. Trump ra lệnh cho đám bộ hạ ngừng cấp tiền cho tổ chức sức khỏe hàng đầu thế giới, nhưng con virus vẫn không chịu ngừng lây lan ở Mỹ. Rồi Trump tấn công cựu Tổng thống Obama để thiếu dụng cụ xét nghiệm, làm dịch bệnh lây lan, dù hơn ba năm qua, Trump là ông chủ Nhà Trắng !
Từ khi dịch bệnh tràn lan ở Mỹ, Trump đổ lỗi cho tất cả mọi người, tất cả mọi thứ, nhưng với mình, Trump tuyên bố hùng hồn : "Tôi không chịu trách nhiệm gì cả". Trump nói, cấm có cãi nha!
Donald Trump thích gây kích động những hoài nghi về virus hơn dành thời gian cho công việc điều hành quốc gia, tìm cách giải quyết tình hình dịch bệnh.
Một tổng thống thích gây chia rẽ hơn đoàn kết
Thật "Tuyệt vời", tất cả mọi thứ đều tuyệt vời ! "Chưa ai từng làm được bất kỳ điều gì chúng tôi đã làm" ! Bất chấp liêm sỉ, Trump tự khen mình như một người đứng ngoài cuộc. Bất kể số người nhiễm bệnh, số người chết không ngừng gia tăng, là tổng thống, Trump vẫn luôn tự chấm điểm cho mình là "tuyệt vời", tự tặng cho mình "huân chương vinh dự" !
Với Trump, dịch bệnh chẳng là cái đinh gì, bởi ông ta có dư thời gian để tweet, từ vài chục cho tới hơn trăm lần tweet mỗi ngày, để giải tỏa hơn thua trong con người ông ta. Từ các nhà khoa học, đến các viên chức chính quyền, từ những người hoạt động xã hội cho tới giới truyền thông… nếu không theo ý ông ta, họ đều trở thành mục tiêu tấn công trên Twitter, theo kiểu hàng tôm hàng cá của ông.
Những lời phát biểu của Donald Trump thích hợp cho vai diễn hơn là cương vị Tổng thống cường quốc hàng đầu thế giới. Trump đề xuất dùng chất tẩy rửa bơm vào người để con virus hết chỗ sống. Mới đây, hôm 18/5, Trump cho biết mình tự uống thuốc hydroxychloroquine khi đang khỏe mạnh, trong khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ cho phép những bệnh nhân trong bệnh viện, bị nhiễm virus rất nặng, mới phải dùng đến.
Bất kỳ lãnh đạo quốc gia nào cũng phải có nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, đặc biệt trong lúc đất nước lâm nguy, đối phó với đại dịch như hiện nay. Ngược lại, Trump chỉ thích gây chia rẽ để đối phó.
Giãn cách xã hội, các hoạt động quốc gia phải duy trì ở mức tối thiểu đã được chứng minh trên toàn thế giới là cách hiệu quả nhất, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi các tiểu bang ở Mỹ đang áp dụng, Trump lại khuyến khích người dân mang súng ra đường đòi trở lại cuộc sống bình thường. Trump gọi những kẻ quá khích đó là "những con người đề cao tự do, đáng yêu, thân thiện" !
***
Sự khác biệt thời nào cũng có. Nhưng Tổng thống Abraham Lincoln đã hòa giải sự khác biệt nam – bắc, quyền lợi cá nhân, chủ – tớ, để giữ người dân và chính quyền địa phương gắn bó chặt chẽ với chính quyền liên bang. Tổng thống Franklin D. Roosevelt, đã đưa nước Mỹ trở nên mạnh mẽ sau đại khủng hoảng năm 1929 – 1933, để Mỹ trở thành trái tim, khối óc của thế giới tự do, lương tri thời đại, chống lại chủ nghĩa phát xít. Ngược lại, từ một nước Mỹ đang trên đà phát triển, Trump tạo ra một nước Mỹ đầy chia rẽ, kỳ thị, có thêm xúc tác để thể hiện, bùng phát.
Tính lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ là một trong những yếu tố làm cho nước Mỹ dẫn đầu, giúp chính quyền hoạt động hiệu quả hơn. Thế nhưng, Trump đã làm cho đảng viên hai đảng tại hai viện Quốc hội Mỹ đối đầu nhau, xem nhau như kẻ thù, để không còn thì giờ giám sát chính phủ. Trump chẳng ngại ngần tung ra những lời mạt sát đảng viên Dân chủ, lẫn Cộng hòa nếu không theo ý ông. Thống đốc, viên chức chính quyền liên bang, tiểu bang cũng trở thành mục tiêu tấn công của Trump.
Nước Mỹ ba năm kể từ ngày Trump vào Nhà Trắng đã trở nên nhỏ nhen, ích kỷ với thế giới, với chủ trương "America First" của Trump. Còn khẩu hiệu "Make America Great Again" thì suốt ba năm Trump làm chủ Nhà Trắng, "nước Mỹ vĩ đại" không tự lo nỗi cho chính mình.
Trump mong các nhà khoa học ở Mỹ tìm ra thuốc đặc trị Covid-19 trước nhất, có được vắc xin ngừa bệnh này đầu tiên để ghi ‘bàn thắng danh dự’ trước sự thất bại của quốc gia, cũng như giúp ông ta thắng cử trong nhiệm kỳ tới.
Nước Mỹ đang thất bại một cách chưa từng có trong lịch sử, bởi một tổng thống chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Cho dù người nào lên làm tổng thống Mỹ kế tiếp, cũng sẽ phải vất vả dọn đống rác mà Trump để lại.
Võ Ngọc Ánh
(23/05/2020)
"Cuồng phong Covid-19" : Bão đổi chiều nhắm vào Bắc Kinh
Tính đến hôm 05/05/2020, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để chống đỡ đại dịch Covid-19 chỉ còn được 5 quốc gia áp dụng, trong đó có Pháp. Paris đang dò dẫm chuẩn bị khởi sự giai đoạn ra khỏi phong tỏa đầy gian nan, bắt đầu từ tuần tới. Đây cũng là chủ đề thu hút hầu hết các báo.
Ngày 12/1/2020, Tổ Dịch vụ vệ sinh thành phố Vũ Hán rời khỏi khu chợ bán thú rừng, nơi đã bị đóng cửa bởi các quan chức y tế và cũng là nơi bệnh nhân đầu tiên đã chết vì siêu virus Covid-19 của Trung Quốc. Noel Celis / AFP - Ảnh minh họa
Trước hết xin giới thiệu một số bài về quan hệ thế giới với Trung Quốc. Đặc biệt có bài nhận định của Le Figaro "Trong trận cuồng phong Covid-19, bão đang đổi chiều nhắm vào Bắc Kinh".
"Bão đang đổi chiều, và bắt đầu thổi mạnh về hướng Trung Quốc. Khắp nơi trên hành tinh, càng ngày càng có nhiều tiếng nói đòi mở điều tra quốc tế để xác định nguồn gốc đại dịch Covid-19. Các sức ép ngày càng gia tăng chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc, do Bắc Kinh từ chối cung cấp các kết quả điều tra dịch tễ học và mở cửa cho các chuyên gia quốc tế… nghiên cứu về các nguồn gốc của virus được giới khoa học và giới chính trị xem như là một nhiệm vụ cấp thiết để ngăn ngừa một đại dịch mới".
Cộng đồng quốc tế giờ đây muốn biết rõ hơn về bệnh dịch, bùng lên từ Vũ Hán, khiến 3,5 triệu người lây nhiễm và ít nhất 230.000 người chết, theo các số liệu chính thức, buộc một nửa nhân loại sống trong phong tỏa, khiến kinh tế toàn cầu suy sụp.
Tấn công Bắc Kinh dữ dội nhất là Mỹ : nguyên thủ Hoa Kỳ tin rằng Covid-19 đến từ phòng thí nghiệp P4 tại Vũ Hán. Vào năm bầu cử tổng thống, "vấn đề Trung Quốc" đã trở thành một chủ đề lớn của đời sống chính trị Mỹ. Donald Trump đòi Bắc Kinh phải trả giá, trước hết với đe dọa tăng thuế trừng phạt.
Chính quyền Úc, vốn khá kín tiếng trên đấu trường ngoại giao quốc tế, cũng hứa hẹn sẽ gây áp lực với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm mở một cuộc điều tra về nguồn gốc virus. Bắc Kinh dọa trả đũa, với việc tẩy chay hàng hóa và đại học Úc.
Liên Hiệp Châu Âu cũng bắt đầu cao giọng với Trung Quốc, cho dù với sự dè dặt, vì Liên Âu hiện có nhiều hợp đồng kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Trước đó, Bruxelles đã phải chỉnh sửa một tuyên bố lên án việc Bắc Kinh bóp méo thông tin, với những lời lẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, giờ đây Liên Âu tỏ ra kiên quyết hơn.
Bruxelles đang chuẩn bị một dự thảo nghị quyết cho một hội nghị toàn thể của WHO. Trong một cuộc trả lời báo Pháp, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ông Joseph Borrell, nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của việc làm sáng tỏ các bối cảnh cụ thể khiến đại dịch bùng phát", đòi hỏi một cuộc điều tra "độc lập" về những gì đã diễn ra. Cho dù coi Bắc Kinh là "một đối tác chiến lược", Liên Âu cần tìm ra được một "thế cân bằng về lợi ích".
Tổ chức Y tế Thế giới, mà từ đầu đến nay bị chỉ trích mạnh về thái độ thiên vị Trung Quốc, cũng bắt đầu thay đổi, với việc đề nghị Bắc Kinh cho tham gia điều tra nguồn gốc virus. Le Figaro đặc biệt chú ý đến "áp lực từ phía nhiều cơ quan tình báo" phương Tây. Một tài liệu điều tra của các cơ quan tình báo thuộc liên minh Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) cáo buộc Bắc Kinh "phá hủy bằng chứng" về nguồn gốc virus, với nhận định thái độ của Trung Quốc là "một sự lăng nhục đối với đòi hỏi minh bạch quốc tế".
Nhật báo Pháp ghi nhận phản ứng bất hợp tác của Trung Quốc, coi "các đòi hỏi điều tra độc lập là xuất phát từ các động cơ chính trị".
Bắc Kinh tìm mọi cách để tránh đối diện với sự thật
"Covid-19 kể từ giờ nằm ở tâm điểm cuộc chiến ngoại giao hiện nay giữa Bắc Kinh với các cường quốc phương Tây", với "cuộc đối đầu dữ dội giữa hai mô hình trái ngược, mô hình dân chủ đòi hỏi sự minh bạch và mô hình của các chế độ siêu độc tài và cộng sản, tìm mọi các che giấu thông tin, bóp méo thông tin". Câu hỏi mà Le Figaro đặt ra là : Ai sẽ thắng ai ?
Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng ý thức được sự căm phẫn của thế giới đối với chế độ Bắc Kinh. Theo Reuters, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc hồi tháng trước đã cung cấp cho các lãnh đạo nước này một báo cáo nội bộ, cho thấy giờ đây chế độ cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng đối kháng chưa từng thấy từ quốc tế, kể từ sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989.
Vào thời điểm đó, phương Tây đã từng áp đặt các trừng phạt. Còn giờ đây cho dù Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều, cục diện thế giới cũng có thể nghiêng về phía bất lợi cho Bắc Kinh, với đại dịch bùng lên từ Vũ Hán.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc - Cicir, thân cận với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, tâm lý bài Trung có thể khiến dự án "Con Đường Tơ Lụa Mới" bị giảm tốc. Cũng có khả năng quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng, và đụng độ vũ trang giữa hai nước có thể xảy ra.
Le Figaro khép lại bài "Cơn bão đang đổi chiều…" với nhận định, dù sao ưu tiên của Trung Quốc hiện nay vẫn "dường như là tìm mọi cách, bất luận cực đoan thế nào, để không phải đối mặt với sự thật về nguồn gốc virus".
Trung Quốc : ngoại trưởng Mỹ là "kẻ thù nhân loại"
Hồ sơ virus corona của Le Monde hôm nay có ba bài về Trung Quốc. Le Monde cho biết Bắc Kinh đang tung ra chiến dịch tấn công ngoại trưởng Mỹ trên truyền thông, lên án ông Mike Pompeo là "kẻ thù của nhân loại".
Chiến dịch tấn công lãnh đạo ngoại giao Mỹ trên truyền thông nhà nước Trung Quốc diễn ra liên tục từ ngày 27 đến 30/04. Pompeo là "kẻ dối trá", "kẻ vu khống"… Báo chí Trung Quốc coi Mike Pompeo là ngoại trưởng Mỹ tồi tệ nhất trong lịch sử.
"Bốn tội lỗi" của ngoại trưởng Mỹ mà truyền thông Trung Quốc bêu ra là cắt tài trợ cho WHO, che giấu thất bại của nước Mỹ trong việc phòng chống dịch Covid-19, đổ hết trách nhiệm cho Trung Quốc, và khiến thảm họa nhân đạo trên thế giới gia tăng, do các đàn áp quá mức nhắm vào một số quốc gia như Cuba hay Iran.
Tóm lại, ngoại trưởng Mike Pompeo là "kẻ gần như không còn nhân tính" và là "sự hổ thẹn cho nền ngoại giao Mỹ". Trên thực tế, truyền thông Trung Quốc tránh đả kích công khai tổng thống Mỹ, mũi nhọn chỉ trích nhắm vào Hoa Kỳ được dồn sang viên ngoại trưởng.
Trump : đàm phán thương mại với Bắc Kinh là "thứ yếu"
Theo các nhà quan sát, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh chưa bao giờ căng thẳng đến như vậy, kể từ khi hai nước nối lại quan hệ năm 1972. Theo Le Monde, truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong ngắn hạn, vẫn có thể tiếp tục dàn đồng ca về thành tích chống dịch hiệu quả hơn nhiều so với các nền dân chủ phương Tây, nhưng Bắc Kinh cũng không hề ảo tưởng, khi hiểu rằng bối cảnh thế giới hiện nay là "khó khăn và phức tạp hơn nhiều" với chế độ cộng sản.
Một làn sóng đòi khởi kiện Trung Quốc đang dấy lên, trong đó có vụ kiện do bang Missouri ở Mỹ khởi xướng, với đối tượng là Chính phủ và Đảng cộng sản cầm quyền. Nếu như Trung Quốc khó lòng bị kết án, nhưng cũng "khó có ai dám khẳng định các vụ kiện như vậy sẽ không để lại hệ quả gì".
Trong một bài viết khác, Le Monde ghi nhận tổng thống Mỹ đã quyết định có "một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc". Sau một thời gian thậm chí ca ngợi Bắc Kinh trong việc đối phó với dịch, Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn giọng điệu, với phát biểu gần như là cáo buộc đại dịch do virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc ở Vũ Hán.
Nếu như trước đó tổng thống Mỹ còn dè dặt do chờ đợi các tiến bộ trong đàm phán hưu chiến thương mại với Trung Quốc, vốn được coi là lá bài chính trong cuộc chạy đua tái cử vào Nhà Trắng, thì giờ đây với ông Trump, với đại dịch Covid-19, vấn đề này chỉ còn là "thứ yếu".
Lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc của tổng thống Mỹ ngay lập tức đi kèm với hàng loạt biện pháp. Kể từ ngày 1/5, nhân danh an ninh quốc gia, nguyên thủ Mỹ ra lệnh cấm mua "các thiết bị điện tử" của các cơ sở nằm dưới sự kiểm soát của "các đối thủ nước ngoài". Không nói trực tiếp, nhưng ai cũng rõ đó là Trung Quốc.
Hạ Viện Mỹ, với sự đồng thuận của lưỡng đảng, đã thông qua luật ủng hộ ngoại giao đối với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là vùng đất thuộc Trung Quốc. Các thượng nghị sĩ Mỹ, với sự ủng hộ của tổng thống, cũng đang tìm cách ngăn cản Quỹ hưu trí của các viên chức liên bang đầu tư vào Trung Quốc…
Nhìn chung, theo Le Monde, thái độ đối kháng với Trung Quốc của tổng thống Trump chưa bao giờ rõ ràng như hiện nay. Trước đó, khác với phó tổng thống Mike Pence, ông Trump chưa bao giờ trực diện lên án "bản chất của chế độ cộng sản Trung Quốc", như trong đại dịch hiện nay.
"5 quốc gia cuối cùng" chưa ra khỏi phong tỏa
Trở lại với tình hình đại dịch Covid-19, nhật báo Les Echos có bài đặt Châu Âu trong bối cảnh bệnh dịch toàn cầu, với nhận định là việc phong tỏa nghiêm ngặt hiện nay chỉ còn liên quan đến 5 quốc gia, trong đó có bốn nước Châu Âu, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Romania (nước thứ năm là Morocco). Les Echos nhắc lại cách nay 6 tuần, đã có đến một nửa nhân loại sống trong phong tỏa.
Kể từ một hai tuần này, hàng loạt quốc gia bắt đầu ra khỏi phong tỏa. Tuy nhiên, ba quốc gia Châu Âu Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha quyết định chỉ bắt đầu ra khỏi phong tỏa kể từ ngày 11/05. Les Echos lưu ý là cho dù ra khỏi phong tỏa, nhưng nhiều nước vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế tiếp xúc.
Đa số các nước cho biết nhiều biện pháp có thể được duy trì vô thời hạn, nếu như số lượng người nhiễm virus tiếp tục gia tăng mạnh trở lại. Và ngay cả các quốc gia không áp dụng phong tỏa cũng tiếp tục tiến hành nhiều biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm, thậm chí mang khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng.
Pháp : Tuần căng thẳng trước dỡ bỏ phong tỏa
Riêng về tình hình nước Pháp, việc ra khỏi phong tỏa cụ thể như thế nào hiện vẫn là bài toán khó với chính quyền trung ương, chính quyền cơ sở, cũng như các đối tác xã hội. Trang nhất Le Monde chạy tựa lớn "Giải phong tỏa : Những tiếng kêu báo động từ cơ sở". Trước ngày ra khỏi phong tỏa theo dự kiến, hàng loạt tiếng nói từ địa phương chỉ trích chính quyền.
Tại vùng Paris, 332 thị trưởng trong đó có thị trưởng Paris phê phán chính phủ "thúc ép ra khỏi phong tỏa" trong lúc các điều kiện chưa hội đủ, và yêu cầu dời lại thời hạn mở lại trường học. Các công ty vận tải công cộng RATP và SNCF cho biết không đủ khả năng bảo đảm giao thông vận hành bình thường, nếu phải tuân thủ các điều kiện như chính phủ đề ra…
Trang nhất Le Figaro chạy tựa "Trở lại trường học, bài toán không có lời giải", ghi nhận "giãn cách xã hội, quyền không đến trường của giáo viên, thiếu nước tẩy trùng, thiếu khẩu trang, vấn đề căng-tin. Một tuần trước thời điểm giải phong tỏa, còn rất nhiều điều không rõ ràng…".
Trang nhất Libération cũng than thở về việc "Trở lại trường học : Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Xã luận Libération, với tựa đề "Phức tạp", nhận xét : với các quy định hết sức chặt chẽ như hiện nay, việc trở lại học đường tuần tới trên thực tế sẽ chỉ "mang tính biểu tượng".
Tựa trang nhất của Les Echos : "Giải phong tỏa : Căng thẳng gia tăng". Mệnh lệnh của thủ tướng là phải nhanh chóng khởi động lại nền kinh tế, trong lúc các điều kiện chưa được bảo đảm. Đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải, với rất nhiều bất đồng giữa chính phủ và các lãnh đạo công ty, dự kiến vào tuần tới sẽ chỉ có 15% số tàu cao tốc TGV hoạt động.
Riêng nhật báo La Croix dường như muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn vượt thoát khỏi tình hình trăm bề phức tạp tại Pháp một tuần trước khi ra khỏi phong tỏa theo dự kiến, với hình ảnh Trái địa cầu đeo khẩu trang, cùng hàng tựa : "Con virus làm đảo lộn môn địa lý". Hồ sơ chính của La Croix cố gắng phục dựng lại lịch sử đại dịch Covid-19, với những gì đã rõ và những điều còn là ẩn số.
Covid- 19 : Vì sao xứ nóng, nước đang phát triển ít tổn thất hơn ?
Nhật báo công giáo nêu bật câu hỏi lớn ám ảnh các nhà địa lý học về y tế, các nhà dịch tễ học : Vì sao dịch bệnh lại diễn biến khác nhau theo một quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ ? Các tác nhân nào là chủ đạo ? Đa số các nước thiệt hại nặng nề là các nước xứ lạnh, các quốc gia phát triển. La Croix cũng chú ý đến tình trạng bệnh dịch lan rộng khắp hành tinh, chỉ trừ "các quốc gia tí hon, các nhà nước độc tài, bậc thầy về che giấu thông tin" (hay các nước không có đủ phương tiện chẩn đoán).
Tại sao có sự khác biệt rất lớn giữa nhiều nước xứ lạnh, nước phát triển với các nước đang phát triển, các nước phía nam, các quốc gia xứ nóng ?
Vấn đề các biện pháp phòng chống dịch khác nhau của chính quyền các nước chắc chắn là có những tác dụng nhất định. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều bí ẩn mà La Croix dẫn ra, như khả năng ảnh hưởng của nhiệt độ cao hạn chế tác hại của virus corona mới, cũng như cơ chế di truyền miễn dịch bẩm sinh, do phải sống trong môi trường mà hệ miễn dịch thường xuyên bị kích thích, do phải tiếp xúc không ngừng với các siêu vi.…
Đây có thể là điều khiến cho khu vực phía nam sa mạc Sahara dường như ít bị virus tấn công hơn hẳn. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, được La Croix dẫn lời, tất cả những nhận xét nêu trên mới chỉ là giả thiết cần được kiểm chứng.
Bài tổng hợp về đại dịch của La Croix lật ngược lại nhiều quan niệm vẫn từng được coi là không cần đặt câu hỏi. Rất đáng quan tâm với những ai muốn thoát khỏi lối mòn đánh giá "thành tích chống dịch" của một số quốc gia, chỉ dựa trên các số liệu chính quyền đưa ra. Từ con số đến thực tế nhiều khi là một trời, một vực.
Trọng Thành
Virus Vũ Hán : Hàng nghìn đơn kiện Trung Quốc – Tập Cận Bình "tránh mặt"
Hải Yến, Thoibao.de, 19/04/2020
Người Mỹ gốc Việt đang cùng "hàng nghìn nguyên đơn" tham gia kiện chính phủ Trung Quốc vì để virus Cúm Vũ Hán lây lan và "đòi bồi thường hàng tỷ đôla" cho các thiệt hại về thể xác cũng như tài chính.
Ảnh : Văn phòng Công ty Berman Law Group ở bang Florida
Theo hồ sơ do Công ty Luật Berman đệ trình lên tòa án ở tiểu bang Florida, vụ kiện đầu tiên nhắm vào Trung Quốc và nhiều cơ quan chính quyền của quốc gia đông dân nhất thế giới này vì "vai trò trong thất bại ngăn chặn Cúm Vũ Hán".
Đơn kiện này cho rằng "thay vì cung cấp thông tin chính xác cho các nước khác trên thế giới, Trung Quốc tích cực che giấu mối nguy hiểm, bóp méo thông tin quan trọng và bịt miệng các y bác sĩ lên tiếng về sự nghiêm trọng của virus này" và "vì thế, virus đã gây ra sự tàn phá ở phần còn lại của thế giới".
Công ty Luật Berman còn nộp đơn kiện thứ hai "thay mặt cho tất cả các nhân viên chăm sóc y tế đang ở tuyến đầu chống đại dịch Cúm Vũ Hán".
Nội dung đơn kiện cho rằng "khi các người hùng này gấp rút tới tuyến đầu để cứu người thì Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc trực tiếp làm tổn hại tới sức khỏe và sự an toàn của họ bằng cách tích trữ và cố tình chèn ép thị trường đồ bảo hộ" và "trực tiếp cấm các nhà máy ở Trung Quốc, kể cả các nhà máy do các tập đoàn Mỹ sở hữu, xuất khẩu đồ bảo hộ sang Hoa Kỳ".
Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, tới ngày 16/4, Trung Quốc chưa có bất kỳ phản ứng nào đối với hai vụ kiện được Công ty Luật Berman công bố lần lượt vào ngày 12/3 và 8/4.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo hôm 15/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng "với thái độ cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm, Trung Quốc đã cập nhật cho Tổ chức Y tế Thế giới, các nước và khu vực liên quan về sự bùng phát dịch bệnh".
"Những ai cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch là không công bằng và là sự sỉ nhục đối với những hy sinh to lớn của nhân dân Trung Quốc", ông Triệu nói thêm, theo nội dung buổi họp báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Vinh Vương, phát ngôn viên về hai vụ kiện của Công ty Luật Berman, "xác nhận" với VOA Việt Ngữ rằng cũng có người Mỹ gốc Việt tham gia vào bước đi pháp lý chống Trung Quốc này, nói thêm rằng "vụ kiện đầu tiên đã có hơn 5 nghìn nguyên đơn, trong khi vụ thứ hai đã có hàng trăm y tá và bác sĩ tham gia".
Phóng viên VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập con số "hơn 5 nghìn nguyên đơn" mà ông Vinh nêu lên.
Ông Vinh nói rằng hai vụ kiện trên nhắm mục tiêu buộc chính quyền cộng sản Trung Quốc phải "công bố hơn 20 tài liệu và dữ liệu quan trọng họ đang giữ lại, mà chính phủ các nước và lãnh đạo y tế đang cần để hiểu rõ hơn về virus Cúm Vũ Hán" cũng như phải "bồi thường cho các hành động sai trái của họ cho các nạn nhân ở Mỹ".
Ảnh : Các Luật sư của Công ty Berman Law Group ở bang Florida
Theo hồ sơ vụ kiện, Công ty Luật Berman sử dụng Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài (FSIA), vốn cho phép các tòa án Hoa Kỳ thụ lý và xét xử ở Mỹ các vụ kiện chính phủ nước ngoài, làm căn cứ pháp lý để đâm đơn kiện chính quyền Trung Quốc.
Trả lời VOA tiếng Anh, Giáo sư Chimene Keitner từ Trường Luật Hastings thuộc Đại học California ở San Francisco nói rằng từ các vụ đã xử liên quan tới thương tật cá nhân theo FSIA, "hành xử của một quan chức Trung Quốc cần phải xảy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ" thì mới "áp dụng" được đạo luật này. Bà nói thêm rằng "ta không thể kiện các nước khác vì các quyết sách của họ".
Một nhóm ở Mỹ mới đây đã đệ đơn kiện chính quyền Trung Quốc số tiền lên tới 20 nghìn tỷ USD liên quan đến sự bùng phát của virus Cúm Vũ Hán. Họ cáo buộc đây là một loại vũ khí sinh học.
Cụ thể, luật sư người Mỹ Larry Klayman và nhóm các luật sư biện hộ có tên Freedom Watch cùng với công ty Buzz Photos (ở Texas, Mỹ) đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc, quân đội Trung Quốc, Viện Virus học Vũ Hán, Viện trưởng Thạch Chính Lệ và Thiếu tướng Trần Vi thuộc quân đội Trung Quốc.
Các nguyên đơn đã yêu cầu bồi thường khoản tiền 20 nghìn tỷ USD, lớn hơn GDP của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố virus corona là kết quả của một loại vũ khí sinh học được chuẩn bị bởi chính quyền Trung Quốc.
Nhóm đã cáo buộc Trung Quốc giúp đỡ và tiếp tay dẫn đến sự chết chóc, cung cấp vật chất hỗ trợ cho những kẻ khủng bố, âm mưu gây thương tích và tử vong cho công dân Mỹ, thái độ thờ ơ vô trách nhiệm, gây tử vong bất đáng, tấn công và bạo hành.
Nhóm cho rằng virus đã được phát tán từ Viện Virus học Vũ Hán. Các nguyên đơn tuyên bố virus Cúm Vũ Hán được Trung Quốc "tạo ra" nhằm hủy diệt con người trên diện rộng. Vũ khí sinh học đã bị cấm vào năm 1925 và do đó đây là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến khủng bố, theo nội dung đơn kiện.
Nhóm người Mỹ đã trích dẫn nhiều báo cáo phương tiện truyền thông cho biết rằng chỉ có một phòng thí nghiệm vi sinh ở Trung Quốc xử lý các loại siêu virus kiểu như virus Cúm Vũ Hán ở Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc đã viện cớ vấn đề an ninh quốc gia để che đậy sự thật trong các tuyên bố về virus Cúm Vũ Hán.
Klayman và các nguyên đơn cũng cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã "bịt miệng" các bác sĩ và nhà nghiên cứu của quốc gia này – những người đã lên tiếng về virus Cúm Vũ Hán và "gióng lên hồi chuông cảnh báo ra thế giới bên ngoài". Nhóm còn nói thêm rằng trong sự tuyệt vọng để cứu lấy mình, Thiếu tướng Trần Vi đã tự tiêm và đồng thời tiêm cho 6 thành viên trong nhóm của mình bằng một loại vắc-xin tiềm năng chưa được thử nghiệm.
Họ cũng cáo buộc rằng tất cả các bị cáo đang làm việc cùng nhau để duy trì hoạt động "khủng bố quốc tế".
Theo đơn kiện, trong khi virus Cúm Vũ Hán hoạt động và lây lan chậm, khó có thể sử dụng chống lại quân đội của một quốc gia, nhưng "nó được tạo ra nhắm vào người dân của một hoặc nhiều quốc gia mà Trung Quốc coi là kẻ thù, ví dụ như Mỹ".
Các nguyên đơn người Mỹ cũng yêu cầu việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn đối với các bị cáo Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Tom Cotton khẳng định giới lãnh đạo Trung Quốc "phải trả giá" nếu thế giới xác minh được virus corona có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói rằng các quan chức Mỹ ngày càng tin rằng virus Cúm Vũ Hán đến từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Mặc dù nó không phải vũ khí sinh học nhưng là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Mỹ.
"Từ tháng 1, tôi đã nói rằng có sự trùng hợp đáng ngạc nhiên khi địa điểm bùng phát dịch corona chỉ cách phòng thí nghiệm Vũ Hán vài km, nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nghiên cứu về virus corona," ông Cotton nói.
Ông Tom Cotton đang là thành viên của Ủy ban Quân sự và Tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ. Ngay từ tháng 1/2020, ông Cotton đã nhận định rằng, Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) có thể là nguồn xuất phát của loại virus nguy hiểm này.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 15/4, ông Tom Cotton tiếp tục bình luận : "Bài báo trên Fox News hôm nay cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho từng người tử vong, cho từng việc làm bị mất vì dịch Cúm Vũ Hán. Tập Cận Bình và các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc phải trả giá, nếu virus đó đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán".
Fox News đưa tin hôm 15/6 rằng, virus Cúm Vũ Hán có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán và "bệnh nhân số 0" là một nhân viên phòng thí nghiệm đã bị nhiễm bệnh trước khi lan truyền virus trong cộng đồng.
Theo Fox News, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nghiên cứu về virus corona "không phải như một vũ khí sinh học, mà là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để chứng minh rằng năng lực của họ trong việc xác định và chiến đấu với virus là ngang bằng hoặc tốt hơn khả năng của Hoa Kỳ". Vì vậy, việc lây lan virus ra bên ngoài là một tai nạn đến từ phòng thí nghiệm.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói ông muốn mở các phiên tòa cho các công dân Mỹ kiện giới lãnh đạo Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ cũng dự đoán rằng các công ty Mỹ sẽ "ồ ạt rút" các nhà máy của họ khỏi Trung Quốc, và điều đó sẽ là "thảm họa đối với kinh tế Trung Quốc".
"Hãy tưởng tượng, không chỉ Mỹ mà cả thế giới sẽ cùng yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Tập phải chịu trách nhiệm về hậu quả của dịch bệnh nếu đại dịch này xảy ra do sự bất cẩn và sự che đậy của họ".
Bài báo của Fox News cũng cho rằng Trung Quốc "100%" đã đàn áp và thay đổi dữ liệu về virus thông qua việc tiêu phá các mẫu bệnh phẩm, cọ rửa các khu vực bị ô nhiễm và siết chặt kiểm duyệt các bài báo học thuật liên quan đến nguồn gốc virus Cúm Vũ Hán. Có những bác sĩ và nhà báo, những người cảnh báo về khả năng lây truyền virus từ người sang người – đã "biến mất".
Viện Virus học Vũ Hán nằm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc là nơi chuyên nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất, đây là nơi lưu giữ hơn 1.500 chủng virus chết người.
Hôm đầu tháng 4, một tổ chức nghiên cứu thuộc phái hữu ở Anh, The Henry Jackson Society, tung ra sáng kiến kiện Trung Quốc "vi phạm các nguyên tắc y tế quốc tế" trong cách xử lý dịch Cúm Vũ Hán.
Chiến dịch của tổ chức này được một số báo Anh và báo thiên hữu trên thế giới giới thiệu, nói về chuyện kiện Trung Quốc để đòi bồi thường 4 nghìn tỷ USD (3,2 nghìn tỷ bảng Anh).
Chỉ trong số tiền này thì Anh Quốc "phải được bồi thường thiệt hại" 449 tỷ USD, theo trang henryjacksonsociety.org.
Tuy thế, một số ý kiến trong giới luật gia Phương Tây cho rằng việc kiện chính phủ Trung Quốc là bất khả thi vì các chính quyền hợp pháp được quyền miễn tố theo luật quốc tế.
Trước khi ở Anh có "chiến dịch vận động kiện Trung Quốc" nói trên, đã có không ít tiếng nói khác nhau ở Phương Tây đòi kiện hoặc trừng phạt Trung Quốc bằng cách nào đó.
Stephen Carter viết trong mục Ý kiến trên trang Bloomberg ở Hoa Kỳ hôm 24/03/2020 rằng không thể nào kiện đích danh chính phủ Trung Quốc được, nhưng nếu các công ty Trung Quốc bị chứng minh là "không phải bộ phận của chính phủ, để hưởng chủ quyền miễn tố" thì họ có thể là đối tượng của các vụ kiện tập thể theo luật Hoa Kỳ.
Trong bài "Có thể kiện Trung quốc vì virus Cúm Vũ Hán hay không ?" tác giả này viết :
"Chính quyền Trung Quốc trên thực tế đang đặt cược rằng họ sẽ không chịu nhận trừng phạt gì hết, vì chính trị sẽ là lá chắn bảo vệ họ. Nhưng người ta có thể đặt câu hỏi điều đó sẽ còn đúng hay không. Cả thế giới đang thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la vì chế độ Trung Quốc liều ẩu. Va chạm kinh tế với Trung Quốc sẽ còn kéo dài, rất dài. Có thể các lãnh đạo quốc tế sẽ phải có hành động nào đó".
Đầu tháng 4, các báo ở Trung Đông đưa tin luật sư Mohamed Talaat ở Cairo nói ông kiện chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, đòi bồi thường 10 tỷ USD cho Ai Cập vì Trung Quốc "chế tạo và phát tán virus Cúm Vũ Hán".
Tuần này, một nhà vận động nhân quyền và tự do tôn giáo ở Ý, ông Massimo Introvigne, có bài "Đảng Cộng sản Trung Quốc hãy dè chừng, các luật sư sắp gọi".
Ông Introvigne, cựu chủ tịch Observatory of Religious Liberty, Cơ quan giám sát tự do tôn giáo thế giới do Bộ Ngoại giao Ý bảo trợ, nói cần phải kiện Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc vì "vi phạm nhân quyền" và vi phạm "quy định dịch tễ quốc tế" qua dịch Cúm Vũ Hán.
Trong một bài viết cuối tháng 3, ông Massimo Introvigne đưa tin đã có luật sư Mỹ kiện chính phủ trung ương Trung Quốc và chính quyền tỉnh Hồ Bắc ra tòa án ở Nam Florida, Hoa Kỳ.
Đứng trước tình hình các vụ kiện trên thế giới ngày càng tăng cao nhằm vào Trung Quốc – nơi khởi nguồn viêm phổi Vũ Hán, đã giết chết gần 150.000 người và làm trên 2 triệu người mắc phải chứng bệnh nguy hiểm này, thì Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng nên xem xét khả năng khiếu kiện lên tòa án quốc tế, yêu cầu bồi thường các thiệt hại mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã gây ra cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.
Gần đây, qua các hành động đơn phương đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đã cho thấy Trung Quốc ngày càng hung bạo, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, quyền lợi về kinh tế, xã hội, con người tại đất nước với trên 90 triệu dân càng cần phải vận dụng luật pháp quốc tế.
Nhưng điều quan trọng, là nhà cầm quyền tại Hà Nội có đủ bản lĩnh để đối diện với Bắc Kinh hay ? chúng ta sẽ tiếp tục quan sát và đón xem phản ứng của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Hải Yến (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 18/04/2020
****************
Tập Cận Bình gây nguy hiểm cho thế giới
Ông muốn tăng cường sức mạnh Trung Quốc bằng dịch bệnh lây lan từ Trung Quốc. Tôi không tin rằng ông thành công. Tôi tin rằng chẳng chóng thị chầy virus corona sẽ làm ông thân bại danh liệt.
Hôm thứ Năm ngày 16/4/2020 Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đã công bố một bức thư ngỏ bác bỏ một bài báo trên tờ nhật báo BILD cho rằng Trung Quốc nợ "nợ" nước Đức vì đại dịch Covid-19.
Bức thư ngỏ của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết bài báo của nhật báo BILD đã "bỏ qua" một số sự thật quan trọng là Trung Quốc "chưa bao giờ đàn áp thông tin quan trọng về Covid-19" và "Trung Quốc đã thực hiện nghĩa vụ đưa thông tin đến cho Tổ chức Y tế Thế giới".
Trong thư nêu rõ : "Nhiều quốc gia hiện đang chiến đấu với Covid-19 đã có thời gian chuẩn bị cho sự lây lan của virut sang nước khác sau khi Trung Quốc báo cáo dịch bệnh theo hướng dẫn về Quy định sức khỏe quốc tế".
"Một số nhà khoa học quốc tế nổi tiếng cũng xác nhận rằng hành động nhanh chóng và quyết đoán của Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch này và đã giúp thế giới có được ít nhất một tháng [để chuẩn bị phản ứng]. Thật không may, chúng tôi không tìm thấy những thông tin như vậy trong bài báo".
"Một vài chính trị gia, chuyên gia hoặc đại diện truyền thông muốn đổ lỗi lẫn nhau để đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại và điểm yếu của chính họ (trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan)".
Bức thư nói rằng tờ báo "lá cải" này cổ súy "chủ nghĩa dân tộc, định kiến và bài ngoại" và "không có lợi cho tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Đức và Trung Quốc" (2).
Đáp lại lá thư trên tổng biên tập Julian Reichelt đã gởi một lá thư tới Tập Cận Bình ngày 16/4 (1).
-----------------------
Kính gửi Chủ tịch Tập Cận Bình,
Đại sứ quán của ông ở Berlin đã gởi tôi một bức thư ngỏ vì tờ báo BILD của chúng tôi đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại kinh tế khủng khiếp trên toàn thế giới do virus Corona gây ra hay không ?.
Đại sứ quán Trung Quốc cho điều này là "bỉ ổi" và công kích tôi khi bảo rằng, đã "xách động chủ nghĩa dân tộc" !
Tôi xin phép được trả lời như sau :
1. Ông lãnh đạo Trung Quốc bằng việc theo dõi. Nếu không có theo dõi vậy thì ông đã không thể làm chủ tịch nước. Ông có thể theo dõi mọi thứ, mọi công dân trong nước ; nhưng ông lại lơ là kiểm soát chợ thịt rừng có thể gây nguy cơ dịch bệnh rất lớn.
Ông cho đóng cửa tất cả báo hay trang mạng nào phê phán chỉ trích, nhưng ông không dẹp những hàng quán bán canh dơi. Ông không chỉ theo dõi dân chúng mà còn khiến cho họ gặp nguy hiểm và rồi gây nguy hiểm cho toàn thế giới.
Theo dõi kiểm soát khiến cho con người mất tự do. Những người mất tự do thì không thể sáng tạo. Người không có sáng tạo thì không thể phát minh ra bất cứ cái gì. Đó là lý do tại sao ông đã biến Trung Quốc trở thành quốc gia vô địch thế giới về trộm cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc tự làm giàu bằng những phát minh của người khác thay vì tự phát minh. Nguyên do của việc này là vì ông không cho phép những người Trung Quốc trẻ tuổi được tự do suy nghĩ. Món hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là virus corona, thứ không ai muốn nhưng đã lan ra khắp thế giới.
3. Khi ông, chính phủ và các nhà khoa học của ông đã biết từ lâu rằng virus corona có thể truyền từ người sang người, nhưng ông bưng bít thông tin này. Các chuyên gia hàng đầu của ông đã không trả lời điện thoại, không trả lời e-mail khi các nhà nghiên cứu phương Tây muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Vũ Hán. Vì lòng tự tôn dân tộc quá lớn mà ông không dám nói ra sự thật, vì cảm thấy rằng sự thật đó là nỗi nhục quốc gia.
4. Báo Washington Post tường trình rằng các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã nghiên cứu virus corona ở dơi mà không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt nhất. Tại sao phòng thí nghiệm độc hại lại không bảo đảm được an toàn như trại tù chính trị ? Ông có thể giải thích điều đó với những thân nhân đau khổ của các nạn nhân Corona trên khắp thế giới ?
5. Người ta đang bàn tán về ông ở Trung Quốc. Quyền lực của ông đang dần sụp đổ. Ông đã tạo ra một Trung Quốc không minh bạch. Một Trung Quốc từng là một nhà nước theo dõi và kiểm soát vô nhân đạo và giờ lại là nhà nước làm lây lan dịch bệnh chết người. Đấy di sản chính trị của ông đấy.
Đại sứ của ông viết rằng có lẽ tôi không xứng đáng với "tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc". Tôi cho rằng ông nghĩ viêc gởi khẩu trang đi khắp thế giới là "tình hữu nghị" vĩ đại. Tôi không cho đó là tình hữu nghị, mà là chủ nghĩa đế quốc trá hình – là con ngựa thành Troy.
Ông muốn tăng cường sưc mạnh Trung Quốc bằng dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc. Tôi không tin rằng ông sẽ thành công. Tôi tin rằng chẳng chóng thị chầy virus corona sẽ làm ông thân bại danh liệt.
Nguyên tác : "You are endangering the world", Bild, 17/04/2020
Ngân Bình dịch
Nguồn : VNTB, 18/04/2020
Chú thích :
(1) https://www.bild.de/politik/international/bild-international/bild-chief-editor-responds-to-the-chinese-president-70098436.bild.html
(2) http://www.chinatoday.com.cn/ctenglish/2018/zdtj/202004/t20200417_800201239.html
************************
Vòng vây xiết chặt Tập Cận Bình
Từ Thức, 17/04/2020
Vòng vây nghi kỵ về đại dịch càng ngày càng xiết chặt chung quanh Tập Cận Bình. Sau Hoa kỳ, nhiều nước trên thế giới, từ Anh Quốc tới Liên Hiệp Châu Âu, đã công khai hoài nghi về những con số thống kê của Bắc Kinh, trong khi người ta có bằng chứng là Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm trong 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khiến virus đã lây lan khắp thế giới. Mặt khác, Hoa Kỳ chính thức điều tra về nghi vấn virus đã "xổng chuồng" từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Covid-19 : Vòng vây xiết chặt Tập Cận Bình
Câu hỏi hóc búa
Donald Trump đã nhiều lần tố cáo Bắc kinh che giấu mức độ nghiêm trọng từ những ngày đầu, khiến Covid-19 trở thành đại họa cho cả thế giới.
Boris Johnson nói "Trung Quốc phải trả lời những câu hỏi hóc búa về nguồn gốc virus, và lý do tại sao không ngăn chặn từ khi khởi dịch". Thủ tướng Anh không ngần ngại tố cáo Trung Quốc, mờ ám, mặc dù sau Brexit, một trong những mục tiêu của Anh là thắt chặt giao thương với Tàu để thay thế thị trường Châu Âu
Emmanuel Macron, vốn dè dặt, cũng vừa công khai lên tiếng. Tổng thống Pháp nói, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Financial Times : "có những vùng bóng tối trong việc xử lý đại dịch. Đừng ngây thơ nghĩ (nước Tàu) giỏi nhất trong việc quản trị virus. Chắc chắn đã có nhiều chuyện mà chúng ta không biết".
Đây là lần đầu tiên người ta thấy trong ngôn ngữ ngoại giao, nhất là đối với một cường quốc, những lời đả kích gay gắt, không úp mở như vậy.
Các đảng viên, nhất là những người đã đưa hoàng đế lên ngôi, một cách nhiệt thành hay miễn cưỡng, khám phá ra Tập không còn được thế giới kính nể nữa.
6 ngày sinh tử
Trong khi đó, một cuộc điều tra của AP, chạy trang nhất các media thế giới, cho thấy Bắc Kinh đã giấu nhẹm chuyện virus 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khi đã có hàng ngàn người lây nhiễm, khi hàng trăm triệu người di chuyển nhân dịp Tết, mang virus đi khắp nước Tàu, khắp thế giới.
AP đã tìm được một tài liệu, trong đó giới chức có thâm quyền, ngày 14/01 ra lệnh cho các địa phương chuẩn bị đương đầu với đại dịch. Nghĩa là họ đã biết, đã chuẩn bị từ ngày 14, nhưng không nói gì với dân Tàu cũng như viớ thế giới, cho tới ngày thông báo chính thức 20/1.
Marie Holman, chuyên viên về Trung Hoa nói với đài truyền hình Pháp France 5 : hai ngày trước khi Tập Cận Bình thông báo chính thức về đại dịch, Đảng Cộng Sản Tàu đã tổ chức một đại tiệc hàng năm tại Vũ Hán cho 40.000 gia đình đảng viên, với trên dưới 100.000 người tham dự.
AP nhấn mạnh tới 6 ngày nguy kịch nhất, nhưng ký giả Pháp Nicolas Clemanceau cho hay việc giấu giếm đã kéo dài 3 tuần lễ, từ ngày một bác sĩ Vũ Hán báo cáo về một trường hợp lây nhiểm, ngày 30/12/2019 tới 20 tháng 1/2020.
Mặt khác, ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho hay Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra về nguồn tin coronavirus đã "xổng chuồng" từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Pompeo nói Washington coi giả thuyết này có tính cách nghiêm chỉnh, cần một cuộc điều tra để biết nguồn gốc của đại dịch đã khiến gần 140.000 người chết.
Cách đây hai năm, đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã báo cáo Washington về tình trạng thiếu an toàn của các phòng nghiên cứu về virus, gốc từ loài dơi, ở Vũ Hán.
Hầu như để trấn an dư luận về chuyện bưng bít thông tin, Bắc Kinh hôm qua đã chính thức nâng số tử vong ở Vũ Hán thêm… 50% (!), từ 2.579 tới 3.832 nạn nhân (với tổng số 4.632 trên toàn quốc).
Bắc Kinh giải thích sở dĩ có sai lầm, vì nhiều báo cáo địa phương chưa về tới trung ương, và nhiều nhà thương chưa quen xử dụng phương tiện thống kê qua Internet (ở một xứ kỹ thuật hiện đại đã được tận dụng khại thác để kiểm soát mỗi người dân !).
Việc thanh đổi, thêm bớt nhưng con số thống kê, thay vì nâng cao uy tín, càng chứng tỏ sự lúng túng của Bắc Kinh, khiến người ta nghi ngờ hơn nữa.
Kinh tế suy sụp
Trong khi Tập bị chỉ trích từ bốn phía, kinh tế Tàu đang chìm vào khủng hoảng. Bắc Kinh nhìn nhận PIB Trung Quốc suy giảm nặng, - 6,8 %, con số xấu nhất kể từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa cách đây 40 năm đã làm nước Tàu kiệt quệ.
Sau dịch SARS (SRAS) những năm 2002-04, nước Tàu đã phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng, nhưng lần này, kịch bản khác hẳn.
Thứ nhất : Covid-19 trầm trọng hơn, đe dọa kinh tế toàn cầu.
Thứ 2 : Trước đây, kinh tế Tàu phát triển nhanh chóng nhờ xuất cảng, ngày nay các quốc gia lâm nạn đã rút tỉa bài học, sẽ tự sản xuất những sản phẩm nhu yếu.
Thứ 3 : ngày nay, Trung Hoa bị các nước đang phát triển cạnh tranh, vì lương bổng Tàu đã lên cao.
Thứ 4, quan trọng nhất : từ 3 năm nay, Trung Quốc, để đối phó với những khó khăn trong việc xuất cảng, đã đặt trọng tâm vào phát triển khả năng tiêu thụ nội địa, nhưng với virus vẫn còn đe doạ, ít người Tàu nghĩ dến việc tiêu thụ, ở một xứ không có an sinh xã hội, tương lai bấp bênh.
PIB suy giảm - 6,8% là một gánh nặng đối với những nước phương Tây, nhưng là một đại họa với một quốc gia muốn ổn định, nhất là muốn dóng vai leader thế giới, phải có mức tăng trưởng ít nhất 6%.
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 17/04/2020
- AP : 6 ngày sinh tử
Virus Vũ Hán có thể đã tấn công California – Mỹ hồi năm ngoái 2019 mà không bị phát hiện ?
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford – Mỹ đang xem xét khả năng coronavirus có thể đã tấn công California lần đầu tiên hồi năm ngoái 2019 (sớm hơn nhiều so với người ta nghĩ) mà không bị phát hiện vì nó xảy ra trùng vào thời điểm cúm mùa đặc biệt dữ dội.
Tại sao California nơi có đông người Việt nhất nước Mỹ hiện nay ít bị dịch bệnh corona ? Hiện có hơn nửa triệu người Việt cư ngụ tại tiểu bang California, chiếm 40% trong tổng số 1,3 triệu người Việt tại Hoa Kỳ.
Bài tường thuật của đài American Broadcasting Company (ABC)
Hôm thứ năm 9/4, một thành viên của Viện Hoover tại Đại học Stanford- Mỹ đã công bố một phỏng đoán rằng, những gì được coi là cúm mùa ở California hồi năm ngoái thực sự là Covid-19 lây lan trên khắp cộng đồng mà không bị phát hiện.
Đó là một câu chuyện đang gây chú ý trên khắp nước Mỹ. Sự việc bắt đầu bằng một sự khác biệt kỳ lạ :
New York có dân số chỉ bằng một nửa (1/2) dân số California, nhưng con số tử vong do coronavirus lại cao gấp 14 lần.
Nếu tính tỷ lệ theo dân số, New York có tỷ lệ nhiễm cao gấp 16 lần và tỷ lệ tử vong cao gấp 26 lần California.
Các chuyên gia đang xem xét một số khả năng tại sao California không bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nặng nề.
Sự khác biệt quá lớn này đặc biệt đáng ngạc nhiên, các chuyên gia nói, do tiểu bang này có một số lượng lớn người nghèo và vô gia cư, và đã có một số lượng đáng kể du lịch đến và đi từ Trung Quốc hồi năm ngoái.
"Khi nhìn vào các tiểu bang khác, hoàn toàn không thể giải thích được tại sao California lại may mắn hơn, đặc biệt là đáng lẽ ra nó kém may mắn nhất", ông Victor Davis Hanson, thành viên cao cấp của Viện Hoover tại Đại học Stanford, nói.
Tiểu bang California đã có một lượng đáng kể du lịch đến và đi từ Trung Quốc vào năm ngoái – hằng ngày có khoảng 8.000 du khách Trung Quốc tại các sân bay của California. Vũ Hán – Trung Quốc được coi là điểm xuất phát của coronavirus. Dịch bệnh ở đó lần đầu tiên được biết đến công khai vào tháng 12 năm 2019, nhưng các nhà nghiên cứu đang xem xét liệu nó có xuất hiện sớm hơn nhiều không.
"Một cái gì đó diễn ra mà chúng ta chưa tìm ra", ông Hanson nói. "Khi rõ ràng là cũng có những người trên các chuyến bay trực tiếp, từ sân bay San Francisco và Los Angeles đến Vũ Hán, ổ bùng phát dịch bệnh, thì quả thật là ngây thơ nếu bạn tin rằng dân chúng California không bị dịch bệnh hoành hành nặng nề".
Để có thể giài thích, các nhà nghiên cứu đưa ra một phỏng đoán xoay quanh ý tưởng về khả năng miễn dịch cộng đồng – đó là trạng thái một tỷ lệ lớn dân số trong cộng đồng đã mắc bệnh, sau khi khỏi bệnh trong người họ phát sinh kháng thể chống lại sự nhiễm bệnh, tức là họ trở nên miễn dịch ; nhờ vào miễn dịch cộng đồng tốc độ lây lan bệnh bị chậm lại trong cộng đồng và sẽ chấm dứt hẳn.
Viện Hoover tại Đại học Stanford – Mỹ
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford đang xem xét khả năng coronavirus có thể đã tấn công California lần đầu tiên hồi năm ngoái 2019 (sớm hơn nhiều so với người ta nghĩ) mà không bị phát hiện vì nó xảy ra trùng vào thời điểm cúm mùa đặc biệt dữ dội.
Bởi vậy, có phỏng đoán rằng hồi đó nhiều người dân California đã bị nhiễm coronavirus mà họ không hề biết và sau đó trong cơ thể đã phát triển khả năng miễn dịch với virus này.
Để biết thật hư về phỏng đoán trên, các nhà nghiên cứu đang tiến hành xét nghiệm kháng thể . Xét nghiệm này nhằm tìm ra kháng thể trong máu chống lại virus SARS-CoV-2, tức là nhằm phát hiện những người đã từng bị nhiễm virus mà không hề biết vì không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng rất nhẹ.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford xét nghiệm kháng thể 3.200 tình nguyện viên tại ba địa điểm xét nghiệm ở Vùng Vịnh. Họ dự kiến sẽ công bố kết quả nghiên cứu trong vài tuần nữa.
Ngoài nghiên cứu của Đại học Stanford, Đại học Nam California USC và Sở Y tế Công cộng ở Los Angeles cũng đang bắt đầu một nghiên cứu thí điểm : xét nghiệm tìm kháng thể chống coronavirus trong dân cư ở Los Angeles.
Xét nghiệm kháng thể 1.000 người sẽ diễn ra tại sáu địa điểm trong toàn vùng Los Angeles.
Mục tiêu của xét nghiệm kháng thể là xác định có bao nhiêu người đã từng nhiễm virus trong quá khứ mà họ không hề biết, để có được một bức tranh đầy đủ và chính xác hơn về mức độ lan truyền của virus, vì xét nghiệm Covid-19 chỉ phát hiện ra những người hiện tại đang bị nhiễm bệnh.
Những người tham gia xét nghiệm đã được chọn và các xét nghiệm đầu tiên bắt đầu từ thứ Sáu và thứ Bảy này (ngày 10 và 11/4).
Ngoài các nghiên cứu, một xét nghiệm huyết thanh tương tự (trích máu từ đầu ngón tay) cũng được thực hiện tại những địa điểm y tế, thí dụ như tại Hollywood Urgent Care. Chỉ trong vài phút nó có thể cho biết kết quả là trong cơ thể đã có kháng thể chống coronavirus hay không. Đây là một loại xét nghiệm tương tự như xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra xem một người có miễn dịch với bệnh thủy đậu hay sởi hay không.
Bác sĩ Anthony Fauci của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết ngay cả với miễn dịch cộng đồng, "cuối cùng, câu trả lời sẽ là vắc-xin chủng ngừa".
Bác sĩ Fauci nói rằng hàng chục nhà sản xuất vắc-xin đang trong cuộc đua.
Trong số đó có hãng Inovio với trụ sở tại San Diego. Công ty đang tìm kiếm 40 tình nguyện viên để thử nghiệm một loại vắc-xin tiềm năng. Nếu nó an toàn, họ hy vọng sẽ thử nghiệm vắc-xin trên 1 triệu người vào cuối năm nay.
"Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ cảm thấy một áp lực như hiện tại chúng tôi đang chịu đựng", ông Kate Broderick, Phó chủ tịch nghiên cứu và phát triển của công ty cho biết.
Có rất nhiều chuyện đang diễn ra.
Mô hình toán học dựa trên sự bùng phát dịch bệnh của Trung Quốc cho thấy nếu biện pháp phong tỏa trên toàn cầu được gỡ bỏ hoàn toàn, một làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể tràn vào Trung Quốc, trừ khi tìm được vắc-xin.
Doctor Alok Pate
Hiếu Bá Linh biên dịch
Nguồn : Thoibao.de, 11/04/2020