Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/01/2023

Điểm báo Pháp - Bí mật vẫn bao trùm virus Vũ Hán

RFI tiếng Việt

Covid : Sau ba năm, bí mật vẫn bao trùm lên virus ở Vũ Hán

Đúng ba năm sau khi Bắc Kinh loan báo bệnh nhân đầu tiên chết vì chứng "viêm phổi đặc thù Vũ Hán" - chữ dùng trước khi gây áp lực lên WHO để thay bằng "Covid-19" - về mặt chính thức Hoa lục chỉ có 5.267 người chết vì đại dịch. Nhưng thực tế cho thấy đang là thảm họa ! Thói quen dối trá của chế độ Cộng sản Trung Quốc khiến nhân loại có thể chẳng bao giờ biết được xuất xứ của con virus giết người.

vuhan1

Nhân viên an ninh Trung Quốc ngăn chận một nhà báo dùng thang để cố chụp hình chợ Hoa Nam từ xa, trong chuyến thăm Vũ Hán của đoàn thanh tra Tổ chức Y tế Thế giới ngày 31/01/2021. AP - Ng Han Guan

Les Echos phân tích : "Ba năm sau, năm vấn đề hãy còn bỏ ngỏ". Đúng ba năm trước, không ai chú ý đến cái chết của một ông già 87 tuổi ở Trung Quốc. Đó là nạn nhân đầu tiên của một bệnh dịch mới sau đó đã gieo kinh hoàng trên Trái đất : Covid-19. Nay những nấm mồ đã chồng chất, và SARS-CoV-2 được biết đến nhiều hơn. Các vac-xin được chế tạo trong thời gian kỷ lục giúp giảm nhẹ tác động của đại dịch, nhưng những hiểu biết về căn bệnh này vẫn còn rất ít.

Năm câu hỏi chưa có lời đáp thỏa đáng

Trước hết, con virus sinh ra từ đâu ? Có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết được. Một nghiên cứu của Mỹ đăng trên Science tháng 7/2022 cho rằng chợ Hoa Nam ở Vũ Hán là trung tâm đại dịch. Virus corona xuất hiện ở phía tây nam ngôi chợ, nơi bán động vật hữu nhũ. Nhưng virus tìm thấy nơi con tê tê hay dơi lại không phù hợp với mã di truyền của SARS-CoV-2, nên vật trung gian truyền bệnh có lẽ là một loài khác vẫn chưa biết được. Mắt xích còn thiếu này dẫn đến giả thiết virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm. 

Câu hỏi thứ hai là tại sao một số người không bao giờ khỏi bệnh ? Đối với đa số, các triệu chứng Covid biến mất sau hai, ba tuần lễ ; nhưng có những người bị "Covid kéo dài" : mệt mỏi, hay quên...Theo cơ quan Y tế Công cộng của Pháp (SPF), chủ yếu là phụ nữ, người lao động, người từng nằm viện (tỉ lệ lần lượt là 32,8%, 32,3% et 38%). Có nhiều lý giải : virus vẫn còn lẩn quất khiến cơ thể sinh ra cơ chế phản ứng, hay đã bị tiêu diệt nhưng cơ thể vẫn trong tình trạng cảnh báo, hoặc là sự hình thành những cục máu đông li ti.

Vấn đề thứ ba : Covid có tạo ra hậu quả lâu dài sau khi khỏi bệnh ? Các nghiên cứu của Anh, Mỹ cho thấy một số người bị nhiễm có nguy cơ bị Alzheimer vài năm sau, hay các bệnh tim mạch.

Câu hỏi thứ tư : Tại sao Covid không "bình đẳng" với mọi người ? Người ta cho rằng đặc tính di truyền, hệ thống miễn dịch, may mắn, cách sống khác nhau... khiến người thì tử vong vì con virus, người thì nhiễm mà không hay biết. Chỉ có một điều chắc chắn là một số yếu tố làm trầm trọng thêm căn bệnh như tình trạng sức khỏe, có bệnh nền, tuổi tác, giới tính.

Cuối cùng, chúng ta đang ở đâu trong việc chữa trị Covid ? Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các loại vac-xin đang lưu hành ở Châu Âu tuy không ngăn được lây nhiễm, nhưng giúp không biến thành thể nặng. Chưa có thuốc nào chữa trị Covid cho tất cả mọi người như si-rô chống ho hay kháng sinh chống nhiễm trùng. Tuy vậy, có những loại thuốc dựa trên kháng thể, hiện chỉ dùng cho các bệnh nhân có nguy cơ cao. Một loại khác đang được sử dụng tại Pháp là Paxlovid do Pfizer sản xuất, rất hiệu quả với những biến thể chính của virus corona, cũng chỉ dành cho bệnh nhân có thể chuyển biến thành dạng nặng.

Thiếu đến 3/4 dữ liệu về virus ở Vũ Hán, làm thế nào điều tra ?

Le Figaro nói về "Ba năm điều tra và những tranh cãi về nguồn gốc đại dịch". Đúng ba năm sau khi Bắc Kinh loan báo bệnh nhân đầu tiên chết vì chứng "viêm phổi đặc thù Vũ Hán" kỳ lạ - chữ dùng trước khi gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thay "Vũ Hán" bằng "Covid-19", về mặt chính thức Trung Quốc chỉ có 5.267 người chết vì đại dịch. Nhưng chỉ riêng số người nổi tiếng thi nhau qua đời, những hình ảnh bệnh nhân nằm la liệt… cho thấy thực tế là thảm họa. Sự dối trá này nhắc nhở rằng tấm màn bí mật về nguồn gốc con virus cho đến nay vẫn chưa được vén lên.

Chủ đề nhạy cảm này có thể tóm gọn trong một câu hỏi : Virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay lây nhiễm thông qua một vật chủ ? Đi tìm câu trả lời chẳng khác nào ráp một puzzle (bảng xếp hình) mà thiếu mất 3/4 số mảnh ráp, do Trung Quốc khóa chặt thông tin. Le Figaro không quên nhắc nhở, ở Vũ Hán không chỉ có chợ bán thú hoang mà cả một Viện Virus học với phòng thí nghiệm P4 hiện đại do Pháp tài trợ và đào tạo, nhưng khi hoàn tất Bắc Kinh không cho các chuyên gia Pháp vào ! Từ đầu năm 2020 Trung Quốc luôn từ chối mở kho dữ liệu cho các nhà khoa học ngoại quốc, và các nhà nghiên cứu ở Hoa lục không công bố bất cứ điều gì về chủ đề này.

Tại Hoa Kỳ, các email được giải mật chứng tỏ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về dị ứng và bệnh nhiễm đã can thiệp để chặn một bài viết trên Nature Medicine tháng 3/2020, yêu cầu không được nêu ra giả thiết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Vài tháng sau, một nhóm nghiên cứu độc lập tiết lộ, tổ chức EcoHealth Alliance do Peter Daszak đứng đầu từ năm 2018 đã xin tài trợ cho Viện Virus Vũ Hán để thí nghiệm "gia tăng chức năng" - làm biến đổi virus trên loài vật để có thể truyền sang người, bị cấm ở Mỹ. Theo tờ báo, dù virus corona xuất hiện một cách tự nhiên đi nữa, trách nhiệm của con người vẫn quan trọng. Cần phải biết được nguồn gốc để phòng tránh, nhưng với thói quen giấu diếm của cộng sản Trung Quốc, có lẽ nhân loại vẫn sẽ mù mờ, và đại dịch vẫn có cơ tái diễn.

Trả đũa những nước kiểm soát Covid : Bắc Kinh coi mặt đặt tên

Vẫn trên lãnh vực dịch tễ, Le Monde chú ý đến việc Bắc Kinh ngưng cấp visa cho công dân Hàn Quốc và Nhật Bản để trả đũa. Tờ báo dẫn lời thông tín viên nhật báo JoongAng : "Ai có thể tin được thống kê của Trung Quốc ? Các khoa hồi sức và cơ sở hỏa táng đều quá tải, nhưng con số tử vong chính thức hôm 04/01 là zéro, và 08/01 là 3 người".

Hàn Quốc và Nhật Bản là điểm đến ưa thích của du khách từ Hoa lục trước đại dịch, và cũng là những nước đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề của Covid ngay từ đầu năm 2020. Thế nên Seoul và Tokyo đều lo ngại khách Trung Quốc mang virus sẽ tràn vào trong dịp Tết âm lịch từ 21 đến 27/01. Từ 03-05/01, có 23% hành khách từ Hoa lục vào Hàn Quốc bị phát hiện dương tính. Con số này đã giảm xuống, nhưng chính quyền vẫn thận trọng vì một người Trung Quốc đến Seoul bị xét nghiệm dương tính đã bỏ trốn để tránh cách ly. Sau hai ngày truy lùng, đã tìm được và người này có nguy cơ lãnh án đến 1 năm tù, 10 triệu won (7.500 euro) tiền phạt.

Cho dù hầu như đóng cửa biên giới từ 27/03/2020 đến 08/01/2023, áp đặt 3 đến 4 tuần cách ly cho những người khách nhập cảnh hiếm hoi, Bắc Kinh vẫn tố cáo các nước buộc khách Trung Quốc nhập cảnh phải xét nghiệm. Đại sứ tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Shaye) nói rằng tốt nhất nên cảnh giác với Hoa Kỳ thay vì Trung Quốc.

Bên cạnh đó Le Monde cũng nhận thấy một trong những động thái đầu tiên của tân ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) là loại Triệu Lập Quân (Zhao Lijian), phát ngôn viên hung hăng nhất đối với phương Tây. Bắc Kinh dường như ngần ngại không dám gây thù chuốc oán với toàn thể cộng đồng quốc tế, và đối xử theo kiểu "nhìn mặt đặt tên". Cho dù Morocco loan báo biện pháp triệt để là cấm hẳn khách từ Trung Quốc nhập cảnh, Bắc Kinh cho đến nay vẫn không phê phán hay trả đũa.

NATO : Thổ Nhĩ Kỳ bắt bí Thụy Điển

Nhìn sang Châu Âu, Le Figaro nói về "Săng-ta của Erdogan với Thụy Điển" trong việc gia nhập NATO. Khi quyết định từ bỏ thái độ trung tâm để tham gia Liên minh Bắc Đại Tây Dương, sau khi Nga kéo quân sang xâm lược Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan ngỡ rằng chỉ là vấn đề thủ tục, vì các thành viên khác đều mở rộng vòng tay chào đón. Tổng thư ký NATO Jens Stontenberg còn nói rằng việc gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu sẽ nhanh nhất trong lịch sử Liên minh. Tuy nhiên vẫn còn hai trở ngại là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tám tháng sau, Victor Orban, đồng minh chủ yếu tại Châu Âu của Vladimir Putin chừng như sẽ không còn ngáng chân, nhưng chính Thổ Nhĩ Kỳ, cột trụ của NATO ở sườn phía đông lại giở trò bắt chẹt. Stockholm và Helsinki đã nhượng bộ rất nhiều, nhất là bỏ cấm vận vũ khí với Ankara, cam đoan đẩy nhanh thủ tục dẫn độ những người bị cáo buộc tội phạm chính trị… Nhưng danh sách những đòi hỏi của Erdogan cứ kéo dài ra như chiếc mũi của Pinocchio. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một loạt tên "những kẻ khủng bố" đòi dẫn độ, đòi một bộ trưởng đã tham dự một lễ hội của những người ủng hộ đảng PKK cách đây 10 năm phải từ chức !

Nguồn thu dầu khí của Nga giảm hẳn vì cấm vận

Cũng tại Châu Âu, Les Echos nhận thấy "Thu nhập của Nga về dầu khí đang rơi tự do". Các biện pháp gần đây của Châu Âu và G7 khiến Moskva chỉ thu được 640 triệu euro một ngày, so với trước đây là 1 tỉ. Lệnh cấm vận dầu lửa Nga có hiệu lực từ ngày 05/12 và việc đặt mức trần giá cả đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của Moskva. Ngày càng khó tìm được khách hàng, thị trường Châu Á không bù đắp nổi những thiệt hại ở Châu Âu. Và ngày 05/02 tới đến lượt cấm vận sản phẩm hóa dầu bắt đầu được thực hiện, sẽ đánh mạnh vào kinh tế Nga. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng (CREA) ước tính Moskva sẽ mất thêm 120 triệu euro một ngày.

Phương Tây vẫn có thể đi xa hơn nữa để cắt bớt nguồn tiền mà Nga đang rất cần để tiếp tục cuộc chiến. Nếu đưa mức trần xuống còn 25-35 đô la/thùng thay vì 60 đô la như hiện nay, Nga sẽ thiệt hại thêm nhiều. G7 và Liên Hiệp Châu Âu đã cấm các công ty bảo hiểm và hàng hải trong khu vực làm dịch vụ cho những tàu Nga bán giá cao hơn mức trần. Hiện Nga tiếp tục thông qua các nhà bảo hiểm Anh để bán dầu cho Trung Quốc. Phương Tây có thể trừng phạt các trung gian, hạn chế bán những tàu dầu, cấm sang mạn trên lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế… Moskva sẽ khốn đốn.

Viện trợ xe bọc thép cho Ukraine : Bước ngoặt mới

Liên quan đến Ukraine, xã luận của Le Monde kêu gọi "Giúp đỡ Kiev để bảo đảm hòa bình". Trong cuộc chiến tranh do Vladimir Putin áp đặt đang đe dọa sự tồn vong của đất nước, người Ukraine cần có sự ủng hộ không gì lay chuyển của phương Tây. Quyết định của Pháp hôm 04/01 và tiếp theo của Hoa Kỳ, Đức, giao các xe bọc thép loại nhẹ cho Kiev đánh dấu một giai đoạn mới. Không chỉ những vũ khí để phòng thủ nữa, mà là các phương tiện để hỗ trợ tấn công. AMX-10 RC của Pháp, Bradley của Mỹ và Marder của Đức là những loại xe bọc thép trang bị đại bác để có thể tiến ra tuyến đầu.

Đây không phải là ý định leo thang, mà nhằm thích ứng với diễn biến của cuộc chiến. Quốc gia bị xâm lược không thể chỉ chống đỡ và đạt đến đàm phán trong tư thế thuận lợi, mà còn tìm lại sự toàn vẹn lãnh thổ qua việc đẩy lùi quân Nga, đưa các tội phạm chiến tranh ra trước tòa án quốc tế. Quân Nga phải lùi bước tại nhiều nơi từ mùa hè 2022 cho thấy chiến lược này là đúng đắn, cũng như viễn cảnh đáng ngại về một cuộc tấn công lớn sau khi Moskva động viên ồ ạt.

Các chiến tuyến đang đứng yên, chừng như đôi bên đều lo chạy đua trang bị và huấn luyện. Giai đoạn ngưng bắn giả tạo do Putin loan báo vào dịp Noel Chính thống giáo càng củng cố thêm ý định của phương Tây trao cho Ukraine tất cả những phương tiện cần thiết để chống lại một cuộc tấn công mới.

Nếu thông báo gần như đồng loạt của Pháp, Mỹ, Đức về viện trợ xe bọc thép phản ánh một sự cam kết chung vào thời điểm quan trọng, vẫn phải đặt ra nguy cơ cuộc chiến ủy nhiệm trở thành đối đầu trực tiếp giữa phương Tây và Nga. Le Monde cho rằng không còn cách nào khác ngoài việc ngăn cản Moskva giành chiến thắng, chấm dứt những đau thương của người dân Ukraine.

Bạo chúa nào sẽ bị lật đổ trong năm nay ?

Libération đăng bài viết của nghị sĩ Châu Âu Bernard Guetta thuộc nhóm Renew Europe trong "Bốn bạo chúa gặp nguy hiểm trong năm 2023" đặt câu hỏi Erdogan, Tập, Khamenei hay Putin sẽ mất ghế trong năm nay ?

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bầu tổng thống và Quốc hội vào tháng 6, trong khi lạm phát đã vượt quá 120%, bất bình đối với ông Erdogan ngày càng tăng. Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình không phải lo bầu cử, nhưng uy tín sụt giảm do những cuộc biểu tình, tử vong hàng loạt sau khi bất ngờ dỡ bỏ phong tỏa và khủng hoảng địa ốc kéo dài. Giáo chủ Ali Khamenei ở Iran có rất ít lá bài trong tay ngoài các cột treo cổ.

Tình thế của Vladimir Putin có vẻ nguy ngập hơn ba người kia, vì từ ngày 24/02 đến nay toàn phải chịu đựng những thất bại nhục nhã. Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng Putin không thể sụp đổ vì "không có đối lập", vì ông ta đã đàn áp trong một thời gian dài. Theo tác giả, lợi thế duy nhất của Vladimir Putin là số người có thể lên thay ông ta quá đông, nên không ai có thể tiến lên mà không bị những ứng cử viên khác cản trở.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 411 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)