Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/01/2023

Điểm báo Pháp – Covid và Trung Quốc : Trạng chết Chúa cũng băng hà

RFI tiếng Việt

Covid : Bất thần mở toang cửa, Trung Quốc muốn "trạng chết chúa cũng băng hà" ?

Vì sao Bắc Kinh lại vội vã mở cửa sau một thời gian dài biến Hoa lục thành ốc đảo cô lập giữa hành tinh, bất chấp nguy cơ cả triệu người chết vì Covid ? Trên báo Le Figaro, chuyên gia Thierry Wolton cho rằng sinh mạng con người chưa bao giờ là mối quan tâm của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Cũng không loại trừ khả năng Tập Cận Bình lại gieo rắc virus để kéo lùi các nước, buộc cả thế giới phải chờ đợi Trung Quốc khắc phục được khủng hoảng.

mocua1

Hành khách từ Trung Quốc chờ đợi trước khu vực xét nghiệm Covid của phi trường Roissy Charles de Gaulle, phía bắc Paris ngày 01/01/2023. AP - Aurelien Morissard

Iran đàn áp người biểu tình, Trung Quốc mở cửa trong lúc đại dịch đang lan tràn, cải cách chế độ hưu ở Pháp là những chủ đề được đề cập nhiều nhất hôm nay.

Chính quyền Iran, kẻ thù của nhân dân

Iran đã cho treo cổ hai người biểu tình hôm thứ Bảy, và ngày 09/01/2023 thêm ba người nữa vì bị coi là "kẻ thù của Thượng đế". Trong bài xã luận "Kẻ thù của nhân dân", Le Figaro dẫn lời người mẹ của ca sĩ nhạc rap, tử tội Saman Yasin : "Ở đất nước nào mà người ta có thể tước đoạt mạng sống của một người chỉ vì đốt một thùng rác ?". Tờ The New Republic phẫn nộ : "Để chứng tỏ họ không giết Mahsa Amini (chết trong tay cảnh sát đạo đức ở tuổi 22 chỉ vì không đeo khăn quàng Hồi giáo đúng cách), chế độ đã sát hại ít nhất 500 người khác".

Thông tín viên của Le Figaro cho biết các bác sĩ, y tá Iran đã lập ra một mạng lưới bí mật để cứu chữa những người biểu tình bị thương, hầu hết là người trẻ và phụ nữ, vì nếu vào bệnh viện họ sẽ bị sa vào tay an ninh. Có trường hợp một cô gái bị dính đến 280 mảnh đạn chì trên khắp người, cho thấy mức độ dữ dội của đàn áp.

Theo tờ báo, những kẻ quy chụp cho các nạn nhân là "kẻ thù của Thượng đế" với những lời "thú tội" nhờ tra tấn, mới chính là những kẻ thù tệ hại nhất của nhân dân họ. Những người này bám chặt vào quyền lực tuyệt đối, tham nhũng, không thể nào cải cách nổi. Không chỉ đàn áp tàn bạo khát vọng tự do của người dân, chế độ thần quyền đang bóp nghẹt xã hội bằng những biện pháp kinh tế và đổ tội cho biểu tình. Trong một đất nước đã trở thành nhà tù lớn, không thể tống giam tất cả mọi người (đã có gần 20.000 người biểu tình bị bắt nhốt), nên họ ra sức làm cho công dân kiệt lực.

Không có một nước nào cung cấp drone ồ ạt cho Nga để khủng bố thường dân Ukraine như Iran. Cũng như Moskva, Tehran chơi trò bắt con tin để làm áp lực (hiện đã có 7 công dân Pháp bị giam giữ). Và chừng như không có gì ngăn được cuộc chạy đua chế tạo bom nguyên tử… "Ăn thịt" chính nhân dân mình, thảm sát những người trẻ, Iran của các giáo sĩ còn là mối đe dọa cho thế giới.

Trung Quốc : Nhiều người nổi tiếng chết vì Covid ?

Ở Châu Á, Le Figaro cho biết "Tại Trung Quốc, cái chết của nhiều nhân vật nổi tiếng càng làm tăng thêm nghi ngờ về số nạn nhân thực sự của Covid". Những tuần lễ gần đây Hoa lục đã mất đi một số diễn viên, ca sĩ, cầu thủ...với lý do tử vong luôn mơ hồ.

Ca sĩ opera Trữ Lan Lan (Chu Lanlan) qua đời vào tháng 12 ở tuổi 40, nhưng gia đình không cho biết tại sao, khiến cư dân mạng thực sự lo ngại. Vài ngày trước đó cựu cầu thủ Vương Nhược Ký (Wang Jingguang) chết khi mới 37 tuổi. Tài tử loạt phim truyền hình nổi tiếng Cung Cẩm Đường (Gong Jintang), 84 tuổi ra đi đúng ngày đầu năm dương lịch, được cho là nạn nhân đợt tử vong của người già vì Covid. Danh sách không dừng lại ở đây. Theo France Inter còn phải kể đến nhà biên kịch Tô Đồng (Ni Zhen, tác giả kịch bản phim "Đèn lồng đỏ treo cao"), giáo sư đại học Hồ Phúc Minh (Hu Fuming), khoa học gia Đàm Vệ Quốc (Tang Weiguo) …

Dân Trung Quốc, nhất là ở các đại đô thị, thấy mối đe dọa đang đến gần khi nghe tin những người quen biết lần lượt nhiễm bệnh rồi qua đời. Chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận xét, bên cạnh sự quá tải thấy rõ của các bệnh viện và cơ sở hỏa táng, còn có những dấu hiệu về tỉ lệ tử vong cao một cách bất thường. Chẳng hạn Học viện Kỹ thuật Trung Quốc có đến 20 thành viên qua đời trong vòng chưa đầy một tháng.

Dịch bệnh lan tràn, Bắc Kinh khuyến khích cư dân xuất ngoại

Người dân thừa biết là chính quyền nói dối, con số chính thức thấp một cách buồn cười, như thứ Tư 04/01 cả nước Trung Quốc chỉ có 15 trường hợp tử vong vì Covid. Theo ông Bondaz, Bắc Kinh không muốn gây hoảng loạn. Trong khi đó đại họa chỉ mới bắt đầu. Phó giám đốc một trong những bệnh viện lớn ở Thượng Hải ước tính 70% cư dân đại đô thị này đã bị lây nhiễm. Sắp tới sẽ đến lượt các thành phố trung bình và nông thôn, dân chúng ít được chích ngừa hơn và bệnh viện thiếu thốn hơn.

Đối với các nước, Libération đặt vấn đề "Covid : Tại Trung Quốc, sự giải phóng và những câu hỏi". Luồng du khách từ Hoa lục cộng với sự thiếu minh bạch của đảng cộng sản Trung Quốc về tình hình dịch bệnh gây lo lắng. Mạng xã hội ở Hoa lục tràn ngập hình ảnh bệnh nhân nằm la liệt ở vỉa hè hay ngoài sảnh bệnh viện, người sống bên cạnh người chết, những quan tài để trên nóc xe hơi chở đi vì nhà đòn quá tải. Trong khi đó báo chí nhà nước đăng các video cổ vũ người dân Trung Quốc đi Na Uy chèo thuyền, đến Paris chụp hình…, loan báo sẽ cấp lại hộ chiếu như trước dịch. Cho đến nay, xin cấp hộ chiếu hết sức khó khăn, nếu không có lý do bất khả kháng.

Lý do khiến Trung Quốc vội vã từ bỏ zero Covid 

Nhà sử học Thierry Wolton giải thích trên Le Figaro "Những lý do thực sự của việc từ bỏ chính sách zero Covid ở Trung Quốc". Bắc Kinh muốn gì, vì sao lại vội vàng mở cửa sau một thời gian dài đóng kín Hoa lục với toàn thế giới ?

Phải chăng do những cuộc biểu tình chống phong tỏa vào đầu tháng 12 ? Có lẽ không, vì số lượng người biểu tình còn ít ỏi, và chế độ có thể bóp nghẹt qua đàn áp của công an, với những phương tiện giám sát bằng công nghệ. Hay là một sự bất đồng giữa Tập Cận Bình và các ủy viên thường trực Bộ Chính trị vì thiệt hại quá lớn, như Mao Trạch Đông đã phải trả giá sau Đại nhảy vọt làm 30 đến 50 triệu người chết ? Nhưng hiện ông Tập vẫn nắm quyền tuyệt đối, nạn tôn sùng lãnh tụ vẫn tiếp diễn. Nhà nghiên cứu cho rằng tình hình kinh tế suy sụp là giả thiết khả tín nhất.

Ba năm phong tỏa toàn bộ đã cô lập Trung Quốc với thế giới, hậu quả là trao đổi thương mại lao dốc, sản xuất sụt giảm. Thống kê chính thức dự báo tỉ lệ tăng trưởng năm nay khoảng 3%, có nghĩa là thất nghiệp sẽ tăng vọt. Chưa kể số nợ khổng lồ của lãnh vực địa ốc (trên 300 tỉ đô la) sẽ không thể giải quyết được nếu bộ máy kinh tế trục trặc. Đảng có nguy cơ mất đi tính chính danh, nhất là đối với giai cấp trung lưu ngày càng đông đảo (25% dân số), vốn được hưởng lợi từ sự cất cánh kinh tế trong 40 năm qua. Chính giai cấp này đã xuống đường hồi tháng 12, vì họ mất đi nhiều quyền lợi như việc xuất ngoại.

Tập Cận Bình muốn người già chết bớt, hay câu giờ cho "Trung Hoa mộng" ?

Đảng cộng sản phải khẩn cấp thay đổi chính sách, bất chấp đất nước có thể bị nhấn chìm trong khủng hoảng dịch tễ. Việc dỡ bỏ tất cả những biện pháp phong tỏa, dù biết rằng con virus sẽ hoành hành trong dân số ít được chích ngừa, đặc biệt những người lớn tuổi, là vô cùng độc ác. Trong suy nghĩ phương Tây chuyện này không thể tưởng tượng được, nhưng trong đầu một nhà lãnh đạo cộng sản, kiểu tính toán ấy không có gì lạ.

Theo chuyên gia Thierry Wolton, lão hóa dân số là vấn đề nhức đầu cho chế độ Bắc Kinh, vì phải tài trợ cho những người về hưu ngày càng nhiều (trên 300 triệu vào năm 2030). Sinh mạng con người chưa bao giờ là mối quan tâm của chính quyền cộng sản, ý tưởng hy sinh hàng trăm ngàn người già với việc đột ngột bỏ phong tỏa không làm Tập Cận Bình và các đồng chí của ông ta lo lắng. Trong tình hình đó, những lời kêu gọi quan tâm lẫn nhau của ông Tập chỉ là đạo đức giả.

Nhà sử học Thierry Wolton cũng không loại trừ một giả thiết khác còn cay độc hơn. Chính sách zero Covid làm giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình trở nên xa vời, trong khi các nước dân chủ đã vượt qua cú sốc. Dỡ bỏ phong tỏa, mặc cho nguy cơ con virus biến đổi trong dân số khổng lồ của Trung Quốc, và mở toang biên giới để gây ra một cuộc khủng hoảng dịch tễ mới trên hành tinh, do vac-xin không chận nổi những biến thể, Bắc Kinh có thể "vặn lại đồng hồ", kéo phần còn lại của thế giới thụt lùi lại ba năm, khi "Trung Hoa mộng" chừng như sắp đạt được.

Không thể nào tin được chăng ? Ở phương Tây người ta không hiểu được tâm lý thù hận của cộng sản Trung Quốc, thông qua tuyên truyền quy mọi cái xấu cho tư bản. Chế độ cố gắng thoát khỏi ngõ cụt zero Covid do chính mình tạo ra, bằng cách nhấn chìm tất cả vào một cuộc khủng hoảng mới. Do không tái thúc đẩy được tăng trưởng trong nước vì đại dịch lan tràn trên toàn quốc, chính quyền cộng sản hy vọng làm chậm lại bước tiến của thế giới. Thế nên Bắc Kinh đe dọa trả đũa tất cả những nước nào có biện pháp kiểm soát công dân Trung Quốc nhập cảnh. Nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muốn gây ra một đại dịch mới sau Vũ Hán, thì đó là cách tốt nhất.

Mã Vân, tỉ phú huyền thoại bị thất sủng

Cũng liên quan đến kinh tế, Les Echos chú ý đến "Ant, một "con kiến" đã trở thành quá mạnh mẽ đối với Bắc Kinh", Le Figaro nói về "Mã Vân, sự thất sủng của một tỉ phú huyền thoại". "Con cá sấu sông Dương Tử" đã bị Bắc Kinh rọ mõm. Mã Vân (Jack Ma), nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, người đóng góp vào việc chuyển đổi kinh tế Trung Quốc, đã mất đi mọi quyền lực trong tập đoàn mình. Hôm thứ Bảy, ông đã phải từ bỏ viên ngọc cuối cùng của đế quốc công nghệ, không còn kiểm soát Ant Group, nhánh tài chánh của Alibaba. Thành lập năm 2014, Ant Group với hệ thống Alipay có trên 730 triệu người sử dụng, vừa giúp trả tiền cho hàng hóa mua trên mạng, vừa cho vay tiêu dùng và bán bảo hiểm, đe dọa hoạt động của các ngân hàng luôn tuân phục chính quyền.

Nhân một diễn đàn ở Thượng Hải năm 2020, một ngày trước khi Ant Group lên sàn chứng khoán, nhà tỉ phú được nhiều người ngưỡng mộ đã tố cáo các quy định cản trở sáng tạo. Ông không biết rằng đã tự kết thúc tư cách tài phiệt công nghệ. Được loan báo rình rang, chuẩn bị huy động con số kỷ lục 35 tỉ đô la, việc niêm yết Ant Group bỗng dưng bị chặn ; còn ông chủ mất tích trong gần ba tháng.

Mã Vân tái xuất hiện vào tháng Giêng 2021 trong một video ca ngợi thành quả của chế độ cộng sản về xóa đói giảm nghèo - kế hoạch quan trọng của Tập Cận Bình. Alibaba bị phạt 2,3 tỉ euro vì lạm dụng thế độc quyền. Người giàu nhất Trung Quốc vẫn giàu nhưng đã "biết lễ độ" hơn, không còn những tuyên bố công khai, sống chủ yếu ở nước ngoài. Những ngày gần đây người ta thấy ông ở Bangkok, và trước đó ở Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Trần Cương (Chen Gang) ở Singapore nhận xét : "Giờ đây Mã Vân không còn quan trọng nữa".

Putin thất bại : Đài Loan tạm thanh bình, dân Nga hưởng lợi về sau

Liên quan đến Ukraine, Les Echos nói về khía cạnh "tích cực" mà cuộc chiến tranh đã gián tiếp mang lại. Trong những cuộc chiến bất đối xứng, khái niệm "thiệt hại liên đới" thường được dùng đến, như thường dân bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công. Tác giả bài viết muốn nêu ra một khái niệm ngược lại, "lợi ích liên đới". Trong số đó có "thành tích" của Putin, đoàn kết các nước dân chủ thịnh vượng phía sau Ukraine.

Putin muốn "Phần Lan hóa" - nếu không phải là xâm chiếm Ukraine, rốt cuộc ông ta đã thành công trong việc "NATO hóa" Phần Lan và Thụy Điển, thúc đẩy Đức và Nhật Bản xem xét lại căn bản chính sách an ninh của mình. Và bản thân NATO ra khỏi tình trạng "chết não" để tìm được nguồn năng lượng mới. Cuộc chiến cũng giúp cho người Ukraine, trong máu và nước mắt, củng cố bản sắc thông qua những chiến thắng về tâm lý và trên chiến địa, từ bắc chí nam. Thất bại của quân đội Nga còn mang lại những lợi ích liên đới một cách gián tiếp cho diễn tiến trên thế giới. Đó là lời cảnh báo có thể tóm gọn trong một câu : cần phải suy nghĩ kỹ trước khi khởi chiến.

Người Đài Loan ở Đông Nam Á hay người Kosovo ở vùng Balkan có được bao nhiêu năm thư thả nữa nhờ Putin ? Trung Quốc cũng như Serbia đều không quá vội vàng theo chân Nga như ở Ukraine. Tấm gương tày liếp của Putin giúp thêm sức mạnh cho phe quan niệm rằng cần phải chờ đợi trước khi lao vào chiến tranh. Người ta biết làm cách nào khởi đầu một cuộc chiến, nhưng chẳng bao giờ biết được khi nào mới kết thúc và trong tình trạng ra sao. Les Echos cho rằng có thể lạc quan nghĩ là về lâu về dài, người hưởng lợi chính là dân tộc Nga. Một dân tộc rốt cuộc cũng được tự do chọn lựa những người lãnh đạo của mình.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 377 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)