Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/06/2021

Lý giải xu hướng thiên tả của cử tri học vấn cao ở phương Tây

The Economist

Báo cáo nghiên cứu vừa xuất bản gần đây của Thomas Piketty mang đến cho chúng ta một ấn tượng rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy hữu khuynh là điều tất yếu của lịch sử.

AFP_FK50G

Chiến thắng của Donald Trump năm 2016 không phải là sự chuyển hướng đột ngột so với trước, nó là hệ quả của một xu hướng quốc tế đã có tuổi đời 60 năm. Ảnh minh họa

Số lượng đầu sách viết về chủ nghĩa dân túy hữu khuynh đủ để cho bạn có thể lấp đầy một thư viện nhỏ. Theo một số tác giả, những phong trào như thế này nổi lên chính là để phản ứng lại với các sự kiện xảy ra tương đối gần đây, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 hay sự ra đời của các loại hình mạng xã hội. Những người khác có quan điểm nghiên về các xu hướng dài hạn hơn ở cấp khu vực như là tiến trình hội nhập ở Châu Âu hay nền chính trị nhuốm màu chủng tộc ở Hoa Kỳ.

Nhà kinh tế học Thomas Piketty đã trở nên nổi tiếng qua công trình phân tích dữ liệu về tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ở hàng loạt các quốc gia trong vòng 200 năm. Tháng này, ông cùng với Amory Gethin và Clara Martínez-Toledano vừa xuất bản một báo cáo nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhân khẩu học và hệ tư tưởng với cách tiếp cận tương tự. Kết quả nghiên cứu ngụ ý rằng chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay của chiến dịch vận động Brexit vào năm 2016 không phải là sự chuyển hướng đột ngột so với trước, thay vào đó nó là hệ quả của một xu hướng quốc tế đã có tuổi đời 60 năm.

lygiai2

Biểu đồ so sánh sự ủng hộ khuynh hướng trung tả năm 1970 và 2010

Năm 1970 : Khuynh hướng trung tả nhận được nhiều sự ủng hộ từ cả hai nhóm cử tri có trình độ học vấn và mức thu nhập đều không cao ; Khuynh hướng trung hữu nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ cả hai nhóm cử tri có trình độ học vấn và mức thu nhập đều cao nhất.

Năm 2010 : Khuynh hướng trung tả nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ nhóm cử tri có trình độ học vấn cao nhất và nhóm cử tri có mức thu nhập không cao. Khuynh hướng trung hữu nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ nhóm cử tri có mức thu nhập cao nhất và nhóm cử tri có trình độ học vấn không cao. Số liệu lấy từ các nền dân chủ phương Tây được chọn để nghiên cứu, đơn vị : điểm phần trăm.

Trong một bài viết năm 2018, ông Piketty chỉ ra rằng giới tinh hoa ở Anh, Pháp và Mỹ bị chia rẽ giữa một bên là những người trí thức ủng hộ các đảng trung tả, ông gọi họ là "Brahmin left – Bà-la-môn tả khuynh", và bên còn lại là các doanh nhân thường ưa thích những đảng cánh hữu hơn, được gọi là "merchant right – thương nhân hữu khuynh". Công trình mới của ông là sự mở rộng nghiên cứu này từ 3 lên 21 nền dân chủ phương Tây. Nó kết hợp dữ liệu thu được từ quan điểm chính sách của các đảng phái với những cuộc khảo sát để thấy được phiếu bầu thay đổi ra sao giữa các nhóm nhân khẩu học.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng thu nhập và trình độ học vấn từ lâu đã là chỉ dấu cho sự phân hóa về ý thức hệ. Vào năm 1955, các cử tri thuộc nhóm giàu nhất và trình độ học vấn cao nhất đều có xu hướng ủng hộ những đảng theo đường lối bảo thủ, giữ gìn truyền thống. Ngược lại, những cử tri có mức thu nhập và trình độ học vấn thấp hơn đều chọn theo đảng lao động hoặc dân chủ xã hội.

Ngày nay, những người giàu vẫn nghiêng về phe cánh hữu. Trái lại, mối quan hệ giữa trình độ học vấn và hệ tư tưởng bắt đầu đảo ngược ngay từ thập niên 1960. Hàng năm, 10% cử tri gồm những người có số năm theo đuổi học vấn nhiều nhất lại nghiênh về các đảng cánh tả, trong khi 90% số cử tri còn lại đi theo khuynh hướng ngược lại. Đến năm 2000, điều này đã diễn ra quá lâu đến nỗi, với tư cách là một nhóm, các cử tri có trình độ học vấn cao nhất đều đã trở nên tả khuynh còn hơn cả nhóm cử tri có trình độ học vấn thấp hơn. Từ thời điểm đó, cách biệt lại ngày càng gia tăng.

Điểm đặc biệt là xu hướng này diễn ra rất nhất quán. Trong thế kỷ 21, tốc độ phát triển của nó không thua kém gì hồi thế kỷ 20, và hiện diện trong hầu hết các nền dân chủ phương Tây được nghiên cứu. Điều này đúng ở cả các nước có hệ thống chính trị lưỡng đảng cũng như hệ thống đại diện theo tỷ lệ, theo đó các đảng xanh hiện thu hút những cử tri có học vấn cao, còn các đảng theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại lại thu hút được những thành phần có trình độ học vấn thấp hơn. Sự mở rộng đều đặn của xu hướng này khiến sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân túy hữu khuynh như ông Trump hay của những nhà kỹ trị trung tả như Emmanuel Macron và Justin Trudeau trông giống như một điều tất yếu của lịch sử.

lygiai3

Đồ thị bên trái thể hiện sự chênh lệch về tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ các đảng trung tả trong giai đoạn 1955-2015 giữa nhóm 10% cử tri có trình độ học vấn cao nhất với 90% còn lại (đường đậm), và giữa nhóm 10% cử tri có mức thu nhập cao nhất với 90% còn lại (đường nhạt). Tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ các đảng trung tả trong giai đoạn 1955-2015 trong nhóm cử tri có trình độ học vấn cao nhất và nhóm cử tri có mức thu nhập cao nhất đều tăng lên. Đồ thị bên phải thể hiện tỷ lệ phiếu bầu trung bình ủng hộ các xu hướng chính trị giai đoạn 1950-2010 (Từ trên xuống lần lượt là Bảo thủ/Dân chủ Thiên Chúa giáo ; Bản địa bài ngoại ; Khác ; Xanh ; Cộng sản ; Tự do ; Xã hội chủ nghĩa/Dân chủ xã hội.) Số liệu lấy từ các nền dân chủ phương Tây được chọn để nghiên cứu, đơn vị : phần trăm.

Mặc dù nguyên nhân đằng sau xu hướng không được các tác giả chỉ ra, nhưng lời giải thích đơn giản nhất là nó bắt nguồn từ trình độ học vấn ngày càng tăng của người dân. Năm 1950, chưa đến 10% trong số những người đủ tư cách cư tri ở Mỹ và Châu Âu có bằng đại học. Bất kỳ đảng phái nào dựa vào sự ủng hộ từ nhóm này cũng có rất ít hy vọng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Trái lại, hơn một phần ba số người trưởng thành ở phương Tây ngày nay có bằng cấp, con số đủ để nhóm này có thể giữ vai trò chi phối trong một liên minh thắng cử. Và một khi các ứng cử viên và đảng phái bắt đầu đi theo theo hướng làm thỏa mãn những cử tri có học thức, là thành phần xem trọng cuộc sống trong một xã hội tự do hơn việc giảm thuế, thì các chính trị gia đối thủ có thể bắt đầu thắng cử bằng cách ủng hộ quan điểm ngược lại.

The Economist

Nguyên tác : "Educated voters’ leftward shift is surprisingly old and international", The Economist, 29/05/2021.

Nguyễn Thanh Hải biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/06/2021

Tham khảo :

Amory Gethin, Clara Martínez-Toledano và Thomas Piketty, "Brahmin Left versus Merchant Right", World Inequality Lab, 05/2021.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist, Nguyễn Thanh Hải
Read 489 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)