Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2021

Mỹ có thể cùng lúc tăng cường quan hệ với Việt Nam & thúc đẩy nhân quyền

Bích T. Trần

Mỹ có thể cùng lúc tăng cường quan hệ với Việt Nam & thúc đẩy nhân quyền

Khác với người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Joe Biden đặt dân chủ và nhân quyền ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cùng lúc, chính phủ của ông đang hợp tác với một nước Việt Nam độc tài chuyên chế nhằm đương đầu với những vấn đề chiến lược lớn do một đất nước Trung Quốc theo chủ nghĩa xét lại mang đến.

myvn1

Một số người dân biểu tình tại Hà Nội trong thời gia diễn ra phiên tòa xét xử Luật sư Nguyễn Văn Đài và 5 người khác với tội danh "lật đổ Nhà nước" – Ảnh chụp ngày 5/4/2018 - Ảnh : AFP

Để tăng cường hơn nữa quan hệ với chính phủ Hà Nội mà không phải thỏa hiệp hay giảm bớt những cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy nhân quyền, Chính quyền Biden cần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Mỹ bằng cách phân biệt các chế độ cộng sản với các quốc gia mang tính xét lại đồng thời tận dụng các cơ chế đa phương để khuyến khích Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Biden đã cam kết dành ưu tiên cho "đấu tranh chống tham nhũng, chống chủ nghĩa độc tài chuyên chế và thúc đẩy nhân quyền" ở nước ngoài.

Ông lập luận rằng "dân chủ không chỉ là nền tảng của xã hội Mỹ" mà còn là gốc rễ của sức mạnh Mỹ. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã tái khẳng định các cam kết bảo vệ nhân quyền, tôn vinh những người đấu tranh cho nhân quyền và buộc những đối tượng lạm dụng nhân quyền phải chịu trách nhiệm.

Tổng thống Biden đã từng nhấn mạnh vấn đề nhân quyền trong các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo thế giới và chính phủ của ông nhiều khả năng cũng sẽ nêu vấn đề này với các nhà lãnh đạo Hà Nội.

myvn2

Các nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bị đưa ra xét xử tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/1/2021 với tội danh chống Nhà nước. Ảnh AFP

Ví dụ khi nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp Tết Nguyên đán, ông đã nêu những quan ngại lớn về vấn đề lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương. Trong một buổi họp báo với Tổng tống Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Biden cho biết Nhật Bản và Mỹ quyết tâm bảo vệ và thúc đẩy các giá trị mà hai nước chùng chia sẻ, trong đó có nhân quyền và pháp quyền.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống Biden đã nêu rõ rằng cách hiệu quả nhất để "đương đầu với những hành vi mang tính lạm dụng của Trung Quốc" là xây dựng một mặt trận thống nhất của những đồng minh và đối tác của Mỹ.

Ông đã hứa sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đối tác để thúc đẩy các giá trị chung trong khu vực và đưa ngoại giao lên thành là công cụ hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đối với ông, câu trả lời cho mối đe dọa từ Trung Quốc là "có thêm nhiều quan hệ hữu nghị, hợp tác và liên minh".

Mặc dù có nhiều sự khác biệt về tư tưởng và hệ thống chính trị, Việt Nam đã và đang được đánh giá ngày càng cao trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2017Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ 2018 và Báo cáo Chiến lược khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương 2019 đều nhìn nhận Việt Nam như một đối tác kinh tế và an ninh mới nổi.

Tài liệu Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2021 được công bố gần đây chỉ ra rằng Mỹ sẽ gia tăng nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác với Việt Nam và các nước Châu Á khác.

Mặc dù quan hệ Mỹ - Việt đã có những cải thiện đáng kể kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác vào năm 2013, nhân quyền vẫn là vấn đề cản trở những nỗ lực đưa quan hệ an ninh và ngoại giao hơn giữa hai nước trở nên gần gũi hơn. Kể từ năm 2017, Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu bàn về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện nhưng cho tới nay hai nước vẫn chưa đưa được quan hệ song phương lên tầm chiến lược.

Hà Nội có những nghi ngại về cái được coi là "diễn biến hòa bình", rằng việc Mỹ ủng hộ các đối tượng bất đồng chính kiến, ủng hộ dân chủ và thúc đẩy các tiêu chuẩn nhân quyền cao hơn là nhằm mục đích lật đổ Đảng cộng sản Việt Nam.

Báo cáo chính trị năm 1991 của Đảng cộng sản Việt Nam mô tả diễn biến hòa bình là một quá trình trong đó các lực lượng thù địch kích động việc hiện thực hóa chủ nghĩa đa nguyên chính trị tại Việt Nam nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, tuyên truyền văn hóa và tư tưởng độc hại, đưa gián điệp và biệt kích để phá hoại chính phủ Việt Nam và cấu kết với các thành phần phản động, cơ hội và chống đối trong nước để tăng cường các hoạt động lật đổ chế độ. Theo báo cáo chính trị năm 1996, những lực lượng này, thường sử dụng chiêu bài "dân chủ" và "nhân quyền" để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Kể từ đó, khái niệm diễn biến hòa bình đã được đưa ra bàn luận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng.

Trong bối cảnh có sự khác biệt sâu sắc về vấn đề nhân quyền, lý do chính khiến Hà Nội và Washington có thể thiết lập được quan hệ đối tác toàn diện là việc Chính quyền Obama đảm bảo rằng sẽ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam.

Trong năm 2010, nhân kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phát biểu rằng Mỹ sẵn sàng đưa quan hệ song phương lên một mức độ phát triển kế tiếp. Cùng lúc, nước này tiếp tục hối thúc Việt Nam tăng cường các cam kết về nhân quyền.

myvn3

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam thành quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Ảnh : AFP

Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh việc tôn trọng hệ thống chính trị của nhau là một trong các nguyên tắc của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ. Kể từ đó, Tổng thống Obama đã có những thảo luận thẳng thắn với các nhà lãnh đạo Việt Nam về các vấn đề nhân quyền trong các năm 20132015, và 2016.

Tuy nhiên, niềm tin này đã bị mai một do chính quyền của Tổng thống Trump đã nhiều lần gắn chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa đơn phương và thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo đã từng đi khá xa khi tuyên bố rằng "hầu hết những người công sản luôn nói dối".

Ông ta đã không nhớ rằng, Việt nam, một quốc gia mà Chính phủ của ông đang muốn tăng cường quan hệ cũng là một quốc gia cộng sản và được dẫn dắt bởi một đảng cộng sản. Điều này đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng Việt Nam và Mỹ có những khác biệt cơ bản và điều này, đến lượt nó đã khiến cho việc xây dựng nhiềm tin và việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm chiến lược là cực kỳ khó khăn.

Để cải thiện niềm tin của Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phân biệt các quốc gia xét lại như Trung Quốc với các chế độ còn hiện trạng cộng sản như Việt Nam. Quốc gia xét lại thường tìm cách làm suy yếu trật tự quốc tế đã được thiết lập vì mục đích gia tăng quyền lực của mình trong hệ thống. Vì vậy, khái niệm này liên quan tới những ứng xử của một quốc gia trong các vấn đề quốc tế.

Trong khi đó một chế độ cộng sản là một vấn đề chính trị nội bộ. Các tuyên bố chủ quyền và cải tạo quá mức của Trung Quốc và việc nước này quân sự hóa các thực thể còn tranh chấp trong khu vực Biển Đông, bắt nạt các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác trong đó có Việt Nam cũng như tham gia và các thực hành kinh tế tham lam, không công bằng là những biểu hiện của một quốc gia xét lại.

Những biểu hiện này không nhất thiết là những đặc tính của một chế độ cộng sản. Sự phân biệt này sẽ giúp định nghĩa và phát triển mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Hơn nữa, chính quyền Biden cũng nên tái khẳng định sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị Việt Nam.

Khi niềm tin đã được nâng cao, Mỹ có thể xem xét những cách tốt nhất để thuyết phục Việt Nam cải thiện thực hành nhân quyền. Một trong những cách đó là sử dụng chủ nghĩa đa phương hóa, ví dụ như trường hợp Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) yêu cầu các thành viên phải áp dụng các luật lệ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền lao động.

myvn4

Các tín đồ đạo Thiên chúa giáo mang nến và biểu ngữ yêu cầu trả tự do cho nhà hoạt động Lê Quốc Quân trong một buổi cầu nguyện tập thể ngày 16/2/2014 tại nhà thờ Thái Hà – Hà Nội. Ảnh : Reuters

Một số điều khoản chủ yếu trong đó bao gồm việc cho phép người lao động thành lập công đoàn, cấm sử dụng lao động cưỡng ép hoặc lao động trẻ em và xóa bỏ phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Để đảm bảo khả năng thực thi các điều khoản này, Mỹ và Việt Nam đã ký một thỏa thuận riêng biệt mang đến một khung khổ rõ ràng về việc Việt Nam cần phải cải cách các luật lệ và thực hành của mình như thế nào.

Thật đáng tiếc, chính quyền của Tổng thống Trump đã quyết định rút lui ra khỏi Hiệp định TPP, do đó các cam kết về quyền lao động của Việt Nam bị hoãn hủy. Tuy nhiên, các đàm phán liên quan tới TPP cũng đã mang đến một số tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam.

Từ đó đến nay Hà Nội đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống Tra tấn, trả tự do một số tù nhân chính trị và hứa thay đổi luật lệ để đảm bảo thống nhất với các nghĩa vụ quốc tế của mình.

Tóm lại, Tổng thống Biden cùng lúc có thể làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Việt Nam và thúc đẩy vấn đề quyền con người. Để làm được như vậy, chính quyền của ông cần cải thiện sự tin cậy lẫn nhau bằng việc tái đảm bảo sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị Việt Nam và phân biệt rõ các quốc gia xét lại như Trung Quốc với các chế độ cộng sản như Việt Nam.

Chỉ khi niềm tin đủ lớn Mỹ mới có thể thuyết phục Việt Nam cải thiện vấn đề nhân quyền vì lợi ích của chính họ. Washington cần tận dụng các cơ chế đa phương để khuyến khích Hà Nội thay đổi. Về mặt song phương, việc nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt thành quan hệ đối tác chiến lược sẽ báo hiệu mức độ tin cậy cao hơn và mang đến một khung khổ tốt hơn để có sự đồng thuận về thực hành nhân quyền.

Bích T. Trần

Nguyên tác : No Trade-Off: Biden Can Both Deepen U.S.-Vietnam Ties and Promote Human Rights, CSIS, 03/06/2021

Nguồn : RFA, 04/06/2021

Bích T. Trần là Trợ lý học giả (không thường trú) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bích T. Trần
Read 941 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)