Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/06/2021

Chống Covid-19 : Việt Nam lưỡng lự trước Sinopharm và Sputnik

Nguyên Anh - Giang Nguyễn

Mua vắc-xin Trung Quốc : cứu cánh biện minh cho sự bế tắc và xem thường tính mạng người dân

Nguyên Anh, quyenduocbiet, 05/06/2021

Thông tin từ trong nước hôm nay cho hay Việt Nam đã đặt mua vắc xin chống virus Covid 19 từ hãng Sinopharm – Trung Quốc, điều này không nằm ngoài dự đoán trước đây của tôi trong bài viết 'Covid Việt Nam : Những ngày đen tối sắp đến'.

vaccine0

Việt Nam đã đặt mua vắc xin chống virus Covid 19 từ hãng Sinopharm – Trung Quốc

Mua vắc xin của Trung Quốc những người có trách nhiệm trong ngành Y tế Việt Nam sẽ cảm thấy bớt lo âu khi quốc gia của mình cũng có quỹ thuốc dự phòng cho người dân nhưng nếu bình tâm suy nghĩ lại thì tất cả mọi người đều nhận ra có quá nhiều vấn đề khi sử dụng loại vắc xin này :

- Thứ nhất đây là một chế phẩm chưa được thế giới công nhận về tính hữu hiệu chế ngự virus Corona, ngoài việc tổ chức y tế Liên Hiệp Quốc WHO công nhận vội vã ra thì chưa có một báo cáo khoa học nào ngoài Trung Quốc công nhận tính khả thi của loại vắc xin này và việc chích ngừa cho toàn dân là một hành vi vô cùng nguy hiểm từ sự tắc trách của những kẻ cai trị.

- Thứ hai Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia cựu thù truyền kiếp, việc Trung Quốc chứng minh tính hiệu quả vắc xin của họ với WHO là một chuyện, nhưng những lô hàng xuất qua Việt Nam có chất lượng như thế nào ? Không loại trừ một giả thuyết loại vắc xin này có công hiệu nhất thời chế ngự virus nhưng trong đó có một loại hóa chất hủy diệt cơ thể con người phát tác sau nhiều năm. Một kế hoạch thủ tiêu một dân tộc cứng đầu chống đối Trung Quốc xưa nay là điều mà Trung Quốc luôn nhắm tới, tất nhiên đây chỉ là giả thuyết, tuy nhiên với những gì đã từng xảy ra trong giòng lịch sử cho thấy đây là một giả thuyết có cơ sở (dù không đủ mạnh), nhưng đó là điều người Việt Nam phải dè chừng.

Hãy nhớ lại trước đây không lâu khi Việt Nam nhập khẩu vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 để chích ngừa cho trẻ sơ sinh, đây là loại thuốc do Hàn Quốc sản xuất nhưng lại gây nên cái chết cho nhiều trẻ thơ do không chịu nổi 5 tác dụng trong một mũi tiêm, trước làn sóng dư luận ồn ào đòi Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức thì y thị đã thản nhiên phát ngôn rằng không thể từ chức vì không có ai có thể làm tốt hơn mụ ta, và kịch bản Quinvaxem hoàn toàn có thể trở lại với loại vắc xin Sinnopharm của Trung Quốc sản xuất hôm nay…

Những loại vắc xin có thể chế ngự được Covid-19 có Pfizer (Mỹ - Đức), Moderna, Johnson&Johnson (Mỹ), Sputnik V (Nga) và Sinopharm của Trung Quốc, về hiệu quả cho thấy chỉ có Pfizer, Moderna là có công dụng thực tế rõ ràng, ngoài ra vắc xin của Nga cho thấy không công hiệu còn của Trung Quốc thì chỉ có họ mới biết tính hiệu quả của chế phẩm này, do đó việc Việt Nam đặt mua của Trung Quốc cho thấy vấn đề đảng cộng sản muốn là nhanh, rẻ và lấy tiếng là có lo cho người dân, còn hiệu quả thiết thực thì chưa ai biết.

Cũng theo truyền thông trong nước, hôm nay Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã đàm phán cùng hãng J&J Mỹ để đặt mua vắc xin thế nhưng đáp lại, đại diện của hãng này cho biết sẽ triển khai đến cuối năm 2021 200 triệu liều qua chương trình COVAX, đây là một chương trình chia sẻ toàn cầu cho nên sẽ được phân bổ đồng đều đến mọi quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Điều này cho thấy sự bế tắc vắc xin của Việt Nam vẫn không lối thoát và sẽ góp phần thúc đẩy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mua vắc xin của Trung Quốc để phòng bị, dù cho đó là sự chuẩn bị cho một kế hoạch không biết trước được hiệu quả cũng như hậu quả !

Cũng trong cuộc đàm phán này Nguyễn Thanh Long, người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam, có một gợi ý rất con nít khi đề nghị hãng J&J chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid 19 sang Việt Nam để "cùng hợp tác" !

Không hiểu khi Nguyễn Thanh Long nói như thế y có cảm thấy ngượng mồm không ? Và cũng không biết rằng người đại diện của J&J có khinh bỉ một quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam hay không ? Nhưng chắc chắc rằng ít nhiều gì họ cũng sẽ cười thầm trong bụng, khinh bỉ một lũ người không có đóng góp gì cho thế giới, chỉ biết lợi dụng những phát minh khoa học của thiên hạ và bấu vào đó để có lợi cho mình.

Để phát minh ra một loại thuốc đề kháng lại virus tấn công con người như virus Corona các nhà khoa học phải tìm ra chuỗi hình thành và phát triển của nó, từ đó mới nghiên cứu ra loại công thức hóa chất thích hợp khống chế và tiêu diệt, với những phòng thí nghiệm tối tân cùng các nhà khoa học hàng đầu, nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần mới đưa ra sử dụng với sự cho phép cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA mới được lưu hành. Biết bao nhiêu công đoạn phải vượt qua để hình thành lên tên tuổi một dược phẩm phục vụ con người, thế nhưng Việt Nam lại muốn đem công thức đó cho không thì đó không phải là suy nghĩ của con nít thì phải gọi là gì ?

Đảng cộng sản Việt Nam hãy nhìn lại quốc gia của mình đi, một đất nước chỉ chuyên nói phét, nói điêu, một quốc gia tự hào rằng mình có hàng chục ngàn tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, thế nhưng tìm không ra một nhà khoa học đích thực, một phòng Lab hiện đại theo tiêu chuẩn của thế giới thì làm sao mà có thể nghiên cứu, tìm tòi ra những công trình khoa học phục vụ loài người ? Đảng chỉ có tầng lớp trí thức ăn theo nói leo, loại tiến sĩ, giáo sư nói phét, loại tốt nghiệp hệ chính trị, chứ còn lĩnh vực khoa học kỹ thuật thì hoàn toàn không có.

Cuối cùng hãng dược Johnson&Johnson Mỹ cũng sẽ chuyển giao công thức bào chế vắc xin Covid-19 cho Việt Nam, nhưng có lẽ là khi dân số toàn thế giới đã được chích ngừa gần hết, khi đó thì Việt Nam cứ việc thoải mái sản xuất ra để mà bán, bởi vì lúc đó con virus Corona hôm nay đã là dĩ vãng...

Lúc này thì đảng đã thấm mùi về cái kế hoạch "hồng hơn chuyên" hằng mấy thế kỷ của mình hay vẫn còn tiếp tục ‘ngu lâu dốt bền’.

Nguyên Anh

Nguồn : quyenduocbiet, 05/06/2021

Tham khảo :

https://www.quyenduocbiet.com/a10115/covid-viet-nam-nhung-ngay-den-toi-sap-den

https://nld.com.vn/suc-khoe/de-xuat-johnson-johnson-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-vac-xin-covid-19-cho-viet-nam-20210604122757348.htm

**********************

Covid-19 : Dân Việt Nam rất nghi ngại vac-xin Trung Quốc

Thanh Phương, RFI, 05/06/2021

Hôm 04/06/2021, bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt "có điều kiện" vac-xin của tập đoàn Trung Quốc Sinopharm. Đây là loại vac-xin thứ 3 được phê duyệt ở Việt Nam, nhưng theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chính phủ sẽ phải nỗ lực thuyết phục người dân chấp nhận cho chích loại vac-xin này, do tâm lý bài Trung Quốc trong công luận Việt Nam. 

chich1

Dân Việt Nam rất nghi ngại vac-xin Trung Quốc. Ảnh minh họa.  © flickr

Hiện giờ, Việt Nam chích ngừa Covid-19 với hai loại vac-xin là AstraZeneca và Sputnik của Nga, nhưng trên tổng dân số hơn 97 triệu dân chỉ mới có khoảng hơn 1 triệu được tiêm phòng. Để có thể đẩy nhanh việc tiêm phòng, chính phủ đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vac-xin Pfizer/BioNTech, sẽ được giao cuối năm nay và đang thương lượng với Moderna để được cung cấp đủ thuốc tiêm ngừa cho 70% dân số.

Cũng nhằm "phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch tại Việt Nam", bộ Y tế hôm qua đã phê duyệt thuốc tiêm ngừa của Sinopharm, nhưng theo South China Morning Post, một nhà nhập khẩu thiết bị y tế ở Sài Gòn cho biết ông đã "ngay lập tức" nói "không" với vac-xin Trung Quốc. Ông khẳng định đây cũng là quan điểm phổ biến ở Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm cung cấp thiết bị y tế ngoại quốc cho các bệnh viện ở miền nam.

Nhật báo Hồng Kông trích lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, có hai mối quan ngại về việc mua vac-xin Trung Quốc. Thứ nhất là vấn đề minh bạch, vì một số nước như Nepal khi ký hợp đồng mua vac-xin Trung Quốc đã buộc phải ký thỏa thuận về "bảo mật thông tin", cụ thể là không được tiết lộ những thông tin như giá vac-xin. Thứ hai, Trung Quốc có thể dùng vac-xin để gây áp lực với Việt Nam trên những vấn đề khác, ví dụ như vấn đề Biển Đông.

South China Morning Post nhắc lại là ngay cả trước khi được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt, hàng trăm triệu liều vac-xin của Trung Quốc đã được bán hoặc được tặng cho các nước đang phát triển trong nỗ lực của Bắc Kinh thi hành chính sách "ngoại giao vac-xin".

Cũng theo nhật báo Hồng Kông, một sinh viên ở Sài Gòn cho biết anh muốn chờ được chích vac-xin Pfizer/BioNTech. Trên báo mạng vnExpress, một người sử dụng Internet cũng nói : "Nếu không có AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik, tôi sẽ chờ được chích NanoCovax". NanoCovax là loại vac-xin tiến xa nhất trong 3 vac-xin đang được phát triển ở Việt Nam, theo dự kiến có thể được đưa ra sử dụng trong quý 4 năm nay.

Tuy vậy, cũng có những người chấp nhận cho tiêm ngừa với bất cứ vac-xin nào, cho dù là vac-xin Trung Quốc, nếu được bảo đảm về độ an toàn, như ý kiến của một nhân viên công ty thiết bị nước ở Hà Nội được South China Morning Post trích dẫn.

Nhật sẽ tặng vac-xin cho Việt Nam

Theo hãng tin Kyodo News hôm nay, 05/06, trích lời một dân biểu Đảng Tự Do Dân Chủ LDP đang cầm quyền ở Nhật, Tokyo chuẩn bị tặng cho Việt Nam các liều vac-xin AstraZeneca mà Nhật đã mua về nhưng chưa đưa vào chương trình tiêm chủng ở nước này, do đã xảy một số ca đông máu ở các nước khác.

Thanh Phương

*******************

Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 04/06/2021

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin chính thức tại Việt Nam cho biết, hôm 04/06/2021, bộ Y tế Việt Nam đã chính thức phê duyệt vac-xin ngừa Covid do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất, trong bối cảnh chính quyền vừa lo chống đợt địch dịch mới, đồng thời gấp rút tìm nguồn cung ứng vac-xin.

chich2

Ảnh minh họa : Vac-xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất  © Reuters - Dado Ruvic

Đây là vac-xin phòng Covid thứ ba được chính quyền Việt Nam phê chuẩn, sau vac-xin AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Việt Nam đang phải đối phó với đợt dịch Covid-19 thứ tư, bùng lên từ hồi cuối tháng 4 vừa qua với mức độ lây nhiễm lớn và phức tạp hơn tất cả các đợt trước. Cũng từ đợt dịch thứ tư này, Việt Nam mới bắt đầu đẩy mạnh chương trình mua vac-xin .

Ngày 02/06, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang cố gắng tìm nguồn cung ứng để trong năm nay có được 150 triệu liều vac-xin đủ tiêm chủng cho 75% của 98 triệu dân để hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm tới. Lãnh đạo Y tế Việt Nam cũng thông báo sẽ được cung ứng 20 triệu liều vac-xin Sputnik V của Nga trong năm nay.

Theo báo chí trong nước, chính phủ Việt Nam quyết định cấp phép "có điều kiện" đối với vac-xin của hãng Sinopharm Trung Quốc. Trong khi chờ đưa ra sử dụng, viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, phối hợp với cục Khoa học Công nghệ (bộ Y tế) tổ chức đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vac-xin. Nguồn tin riêng của báo Tuổi Trẻ cho biết, hiện Việt Nam chưa đặt mua vac-xin này, "nhưng Việt Nam được phía Trung Quốc tặng vac-xin, số lượng tặng chưa được thông báo". 

Đến giờ Việt Nam mới nhận được gần 2,9 triệu liều vac-xin ngừa Covid AstraZenzeca và đã triển khai tiêm được 1 triệu liều. 

Tổng số ca nhiễm ghi nhận từ đầu dịch tại Việt Nam đến ngày hôm qua là 8.115 ca, trong đó gần 60% là của đợt dịch lần này. Việt Nam cũng ghi nhận có tổng cộng 49 người tử vong.

WHO không công nhận "biến thể lai" Anh - Ấn Độ tại Việt Nam

Liên quan đến thông tin về sự xuất hiện "biến thể lai" giữa hai chủng Anh và Ấn Độ, theo thông báo của bộ trưởng Y tế Việt Nam hôm 29/05, trả lời báo Nhật Nikkei Asia, hôm 02/06, ông Kidong Park đại diện của WHO tại Việt Nam khẳng định : "biến thể được phát hiện (theo thông báo của bộ Y tế Việt Nam) thuộc biến thể Delta (tức chủng Ấn Độ theo tên gọi chính thức mới của WHO), với một số đột biến gien bổ sung" và "vào thời điểm hiện tại, không tồn tại một biến thể lai mới tại Việt Nam, theo định nghĩa của WHO".

Đại diện của WHO tại Việt Nam nhấn mạnh là bản thân biến thể Delta (tức chủng Ấn Độ) đã là "nguy hiểm", bởi virus này có mức độ lây nhiễm rất cao, và biến thể mà bộ Y tế Việt Nam mới công bố, cho dù có một số thay đổi, nhưng vẫn thuộc chủng Delta đã phát hiện. Hiện WHO không đưa ra báo động nào về biến thể này. Theo đại diện của WHO tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiếp tục theo dõi biến đổi của chủng Delta tại Việt Nam trong những tuần tới.

Anh Vũ

*******************

Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vắc xin Trung Quốc, người dân có muốn tiêm ?

Giang Nguyễn, RFA, 04/06/2021

Bộ Y tế Việt Nam vào hôm thứ năm ngày 3 tháng 6 đã phê duyệt vắc xin của hãng Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng ngừa Covid-19 trong nước.

vaccine1

Một phụ nữ được tiêm vắc-xin AstraZeneca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương, tỉnh Hải Dương hôm 8/3/2021.- Reuters

Sinopharm là vắc xin thứ ba được khẩn cấp phê duyệt tại Việt Nam sau AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, việc phê duyệt vắc xin của Trung Quốc được nói "có điều kiện". Theo Tuổi Trẻ Online hôm 4 tháng 6, vắc xin được đảm bảo về an toàn, nhưng thông tin về tỷ lệ miễn dịch, cũng như số lượng do Trung Quốc trao tặng cho Việt Nam chưa rõ và phía Hà Nội cũng chưa đặt mua vắc xin này.

Việt Nam đang phải nỗ lực rất lớn vì số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thuộc đợt bùng phát mới nhất từ ngày 27/4 đến nay khá nhiều. Cụ thể, số liệu do Bộ Y tế công bố vào tối ngày 4/6 cho thấy, trong đợt bùng phát thứ tư có 5.174 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, trên tổng số 6.744 tính từ đầu mùa dịch, tức từ tháng 1/2020 đến nay.

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Đức Long đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh trong việc phê duyệt vắc xin Sinopharm :

"Tôi cũng mới được nghe thông tin sáng nay đọc thì nghe nói là Bộ Y tế đã có liên hệ và sẽ mua vắc xin của Trung Quốc nhưng thông báo là mua để tiêm chủng nếu có điều kiện. Tức là ít nhất về mặt pháp lý thì chuyện mua này không như đối với các loại vắc xin khác. Khác ở câu là ‘có điều kiện’. Mà điều kiện gì thì mình chưa nghiên cứu. Nên tôi không biết rõ ràng là có sự khác biệt gì. Đó là điều thứ nhất. Thứ hai, vắc xin Trung Quốc này đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép, nghĩa là thế giới đã công nhận. Tổ chức Y tế Thế giới là cao nhất rồi và cũng đã được dùng ở nhiều nước. Nhưng tất nhiên kết quả thì không được như của Mỹ của Anh".

Vắc xin Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp từ ngày 7/5/2021. Việt Nam đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 với 150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo số liệu của hãng tin Reuters, cho đến ngày 4 tháng 6 Việt Nam đã tiêm 1.156.056 liều. Nếu mỗi người phải có hai mũi tiêm thì con số này tương đương với 0,6% dân số.

Bác sĩ Đinh Đức Long cho biết, ông đã được tiêm một mũi AstraZeneca. Nhưng ông nhận định, trong bối cảnh hiện nay, có được vắc xin từ Trung Quốc là điều đáng mừng và cần thiết :

"Hiện nay, thứ nhất là đại dịch đang lan tràn. Thế thì tôi nghĩ là trong hoàn cảnh cụ thể này thì nếu có được cái gì trước mắt, lúc đói này thì có cái gì ăn còn hơn là nhịn đói. Thứ hai là người Trung Quốc họ đang vẫn dùng. 

Hơn nữa là về mặt ngoại giao, bao giờ Việt Nam làm điều gì cũng có yếu tố chính trị. Người ta thì không thể lường được, người ta sẽ đặt ra rằng vì sao anh chỉ mua vắc xin của Mỹ và của phương Tây mà không quan tâm vắc xin Trung Quốc ? Thì đấy cũng là một sự cân bằng về ngoại giao".

Nhà báo Lương Nguyễn An Điền bình luận trên tờ Nikkei Asia hôm 27/5/2021 rằng, Hà Nội đã liên tục phải đánh đu giữa việc xoa dịu định kiến của người dân Việt ngày càng chống Trung Quốc và nhu cầu duy trì quan hệ song phương lâu dài với Bắc Kinh. Dữ liệu công khai về vắc xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc khiến nhiều người, đặc biệt tại Việt Nam, còn e ngại về sự an toàn của nó. Ông nói, có lẽ chính quyền Hà Nội không muốn đánh mất niềm tin của người dân sau khi đã thành công phòng chống dịch trong những đợt trước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vắc xin Sinopharm sau hai liều có hiệu quả 79% chống Covid-19.

vaccine2

Bộ Y tế Việt Nam hôm 3/6/2021 phê duyệt khẩn cấp vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc. Ảnh : Reuters

Hà Nội trong những ngày qua đã tập trung tìm kiếm nguồn cung cấp vắc xin từ các quốc gia trên thế giới, mới nhất là được Nga đồng ý cung ứng 20 triệu liều vắc xin Sputnik V trong năm nay.

Nhà hoạt động Trần Bang nói, Nga hay Trung Quốc cũng đều là xã hội chủ nghĩa, không mấy tạo niềm tin ở nơi người dân :

"Người dân Việt Nam từ trước đây đã không thích dùng hàng của xã hội chủ nghĩa, đặc biệt của Trung Quốc và của Nga cũng vậy. Câu chuyện dùng thuốc của xã hội chủ nghĩa với thuốc phương Tây làm tôi lại nhớ câu chuyện khi tôi đi bộ đội về được phân công vào miền Nam công tác hồi năm 1986. Họ đồn là mang thuốc của Nga, của Bulgaria vào Việt Nam tiêu thụ tốt lắm. Mình cũng nghĩ là mang vào để sống qua ngày. Tôi mang vào, người ta cười, họ nói người Sài Gòn không có dùng thuốc của Nga không có dùng thuốc Bulgaria, không có dùng thuốc xã hội chủ nghĩa. Phải là thuốc gửi từ Mỹ, từ Canada, từ Pháp gửi về. Ông mang thuốc vào đây chỉ có vứt đi thôi. Bây giờ thì cũng vậy thôi. 

Đi chữa bệnh thì người ta đi Mỹ, đi Singapore. Hỏi ông Nguyễn Bá Thanh ông ấy đi chữa ở đâu ? Ông Trần Đại Quang đi chữa ở đâu ? Chữa ở Nhật, ở Pháp chứ không có ai đi chữa ở Nga, ở Trung Quốc". 

Một số quốc gia đã sử dụng vắc xin Sinovac và Sinopharm phòng Covid-19 của Trung Quốc, và cho đến ngày 2 tháng 6, Bắc Kinh đã tiêm 704 triệu liều cho người dân Hoa Lục. Tuy vậy ông Trần Bang vẫn không tin tưởng vào vắc xin của Trung Quốc :

"Cũng giống như người Việt Nam, họ dùng cho họ hoặc dùng cho cán bộ cao cấp của họ thì có thể họ làm cẩn thận. Nhưng mà khi họ bán đại trà, nhất là bán qua các nước có tham nhũng hay phải lót tay mới bán được hàng hóa thì chất lượng nó không ra gì".

Bà Ngọc Vũ, một người dân Sài Gòn nói cho dù bà lo ngại về sự lây lan của dịch trong cộng đồng nhưng bà nhất quyết sẽ không tiêm vắc xin của Trung Quốc, cho dù có được ngay :

"Với chị thì chị sẽ nói ‘Không’.

Ví dụ như chị là hàng hóa, quần áo, giày dép mà không liên quan trực tiếp đến sức khỏe thì có thể người ta còn dùng. Bạn thân nhà chị vẫn dùng... Còn thuốc thì hoàn toàn là 100% với chị, với gia đình chị là không sử dụng thuốc của Trung Quốc và không sử dụng bất kỳ một cái loại thực phẩm chức năng nào của Trung Quốc, chứ đừng nói đến vắc xin. Tại sao ? Bây giờ Việt Nam mình mới nhập về và chưa có thử vào ai. Chưa có thử vào người dân, chưa có một cái gọi là một giấy chứng nhận an toàn cho người dân. Đối với cá nhân chị thì chị sẽ nói không".

Trong cuộc thăm dò ý kiến của Đài Á Châu Tự Do trên Fanpage từ ngày 2 tháng 6 thì chỉ có 44 người đồng ý tiêm vắc xin của Trung Quốc trên tổng số hơn 4.000 người tham gia khảo sát. Trong đó có 3.600 người phản đối việc tiêm vắc xin của nước láng giềng phương Bắc.

Bà Ngọc Vũ nói thêm, bà cũng sẽ thận trọng đối với những loại vắc xin khác :

"Chị dám chắc chắn trả lời với em là chị sẽ không phải là người tiên phong. Chị và gia đình chị sẽ không phải là những người đầu tiên để trích những cái mũi đó. Chị sẽ chờ đợi trong thời gian nhất định xem người ta chích như thế nào. Chị xem là người dân Việt Nam, người Châu Á có hợp với vắc xin của Mỹ hay là của Anh không. Chị sẽ theo dõi. Còn so sánh giữa vắc xin của Mỹ hay Trung Quốc, thì chắc chắn chị sẽ chọn Mỹ".

Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ phải phấn đấu để đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin, hoặc là qua chương trình tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19 gọi tắt là COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu, hoặc là qua đàm phán với các nơi cung ứng như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, đồng thời sẽ phải đương đầu với sự do dự tiêm chủng nơi người dân.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 04/06/2021

*******************

Chính phủ nói không thiếu tiền sao phải huy động tiền dân mua vaccine ?

RFA, 04/06/2021

"Chính phủ không thiếu tiền cho việc bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và đời sống của nhân dân". Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vào chiều ngày 2/6/2021.

vaccine3

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vào chiều ngày 2/6/2021 và những tin nhắn cơ quan chức năng kêu gọi dân góp tiền mua vaccine - RFA Edited

Trong khi ông Thành nói không thiếu tiền bảo vệ dân, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, gần 60.000 doanh nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể chỉ trong năm tháng đầu năm 2021 vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trong mấy ngày qua, các phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam liên tục kêu gọi dân đóng góp tiền cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ Việt Nam. Quỹ được lập nhằm giúp Chính phủ Việt Nam mua, nhập khẩu và nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Trao đổi với RFA tối 4/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :

"Chuyện Chính phủ không thiếu tiền tôi tin, theo tính toán của một anh bạn tôi, số tiền cần để tiêm vaccine là 450 triệu đô la. Số tiền đó đối với quốc gia không phải quá lớn, vì có dự trữ 100 tỷ đô. Đó là chưa kể hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí cá nhân, một là góp tiền cho nhà nước chống dịch, hai là họ tự mua vaccine đễ tiêm cho người của họ. Do đó câu chuyện tiền bạc ông Thành nói là có cơ sở để tin tưởng".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, việc giúp cho người dân sao cho vượt qua dịch này, đặc biệt là tầng lớp bị ảnh hưởng ‘nặng nhất’ theo nghĩa tương đối... là thử thách đối với Nhà nước. Bởi một người giàu có thể bị ảnh hưởng nặng, mất nhiều tiền... nhưng trong mối tương quan... chưa chắc thê thảm bằng người dân nghèo. Vì người dân nghèo sống trông vào thu nhập hàng ngày, dịch bệnh như vầy sẽ có người đói thật sự. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nói tiếp :

"Cái thử thách đấy càng lớn bởi vì ta biết rằng xã hội, thể chế Việt Nam nó không thể khiến người tham nhũng họ đủ sợ hãi để họ không làm. Hay nói cách khác, với nền tư pháp Việt Nam, thì còn lâu lắm mới giải quyết được chuyện tham nhũng. Trong xã hội như vậy, thì từ cái tiền của nhà nước đế người dân đáng lẽ được thụ hưởng nó có hao hụt đi, thì tôi nghĩ không có một người dân nào ở Việt Nam mà không nghĩ tới. Đây là một thử thách rất lớn đối với nhà nước, đối với toàn bộ thể chế".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nếu như mà việc cứu trợ không làm đến nơi đến chốn, nếu đồng tiền từ ngân sách Nhà nước đến người dân bị hao hụt quá lớn, thì đây là một đòn nặng đối với uy tín của nhà nước. Còn ngược lại, nếu Nhà nước làm sao để chuyện hao hụt ở ngưỡng thấp, thì uy tín của Chính phủ mới sẽ được tăng lên.

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh hay người lao động ở thành thị gặp khó khăn cần cứu trợ. Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam phải chịu nhiều tác động tiêu cực đa chiều từ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Các loại nông sản của Việt Nam đa phần có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch... nhưng năm nay, người trồng trọt còn phải đối mặt với dịch Covid-19 khi nhiều vùng trồng trọt không có thương lái đến mua vì bị cô lập chống dịch. Chưa kể nhiều vùng không bị cách ly thì khách mua cũng ít do tình hình kinh tế khó khăn.

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng công bố nhiều gói cứu trợ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng để giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên theo lời ông Hai Lúa ở Cần Thơ nói với RFA, từ năm 2020 đến nay, ông không hề nhận được một đồng cứu trợ nào.

vaccine4

Bộ Y tế Việt Nam hôm 3/6/2021 đồng ý phê duyệt có điều kiện vaccine Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Reuters.

Anh Quang, một người dân miền Trung, khi trao đổi với RFA hôm 4/6, cho biết ý kiến của mình về phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vào chiều ngày 2/6/2021 đã khẳng định là ‘Chính phủ không thiếu tiền để bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và đời sống nhân dân !’ :

"Theo tôi, phát biểu này chẳng qua đó là cách trấn an người dân tỉnh Bắc Ninh, nhưng nói Bắc Ninh không chỉ là Bắc Ninh mà cũng là trấn an nhân dân cả nước thông qua báo chí, chứ thực ra thì chính phủ đã hết tiền. Vấn đề này tôi dựa vào các căn cứ sau :

-Vào khoảng quý IV năm ngoái, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thì Kim Ngân từng phát biểu ‘ngân sách Nhà nước như dòng sông đã cạn’ ! Một trong ‘tứ trụ’ của nhà nước mà phát biểu như vậy thì không thể sai hay nói chơi được ;

-Chính phủ không có tiền nên mới thành lập ‘Quỹ vaccine phòng Covid’ và kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, mọi người dân đóng góp vào Quỹ này để có kinh phí mua vaccine, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước ;

Theo Anh Quang, có thể khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu ‘Chính phủ không thiếu tiền...’ cũng đã dựa vào khả năng Quỹ này sẽ được huy động đầy đủ đáp ứng theo dự trù là 25 ngàn tỷ VND. Anh Quang nói tiếp :

"Đặc biệt là có nhiều tập đoàn kinh tế của tư nhân vừa qua đã đóng góp với kinh phí khá lớn, thậm chí có một doanh nghiệp đã đóng góp vào quỹ này với số tiền trên 1.400 tỷ VND. Nhưng qua việc nhiều doanh nghiệp đóng góp với số tiền như vừa nói trên, thì cũng có thể hiểu là không có gì doanh nghiệp cho không, mà họ đều có thỏa thuận ngầm ‘Ông bỏ chân giò thì bà thò chai rượu’, ‘Bánh ít trao đi thì bánh quy trao lại’, có nghĩa là Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này trong kinh doanh, đặc biệt là liên quan đến đất đai !"

Tính đến chiều ngày 3/6, theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ Việt Nam đã huy động được gần 104 tỷ đồng (chưa kể tiền đô la và euro) từ người dân trong và ngoài nước. Việt Nam đặt ra mục tiêu mua được 150 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 75 triệu dân trong năm 2021.

Bộ Tài chính Việt Nam ước tính, Quỹ cần hơn 25 ngàn tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí khoảng 16 ngàn tỷ đồng. Số còn lại là hơn chín ngàn tỷ đồng sẽ được chi bởi ngân sách địa phương và huy động từ dân.

Trở lại với khẳng định ‘Chính phủ không thiếu tiền...’ của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành hôm 2/6, ông Trần Bang - Một người bất đồng chính kiến, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 4/6, cho biết ý kiến của nình :

"Các ổng từ trước đến nay vẫn nói thế, Đảng Cộng sản là bách chiến bách thắng mà, cái gì cũng làm được hết. Các ổng nói như vậy nhưng thực sự ra thì tiền ở túi dân, dân lo cho ổng thì đúng hơn. Dù các ổng có lấy ngân sách ra mua vaccine cho dân thì cũng là tài sản của dân, tài sản của đất nước tích lũy ngàn năm nay mới giữ được đất nước. Dù có là vàng hay dầu khí thì gọi là của Nhà nước chứ thật sự là của nhân dân. Nhưng tiền đó được chi xài có đúng mục đích không la chuyện khác, còn lúc nào họ cũng nói lo cho dân. Nhưng dân nghèo, dân oan rồng rắn cả 20 năm nay ngoài Hà Nội thì có bao giờ các ổng gặp gỡ và giải quyết chưa ? Hay những người già 70 - 80, mỗi tháng được 380 ngàn, nghe nói sẽ tăng lên 500 ngàn, thì có đủ sống không ? Thế thì lo chỗ nào ? Các ổng chỉ nói mồm..".

Theo ông Trần Bang, đây là cách tuyên truyền của Đảng Cộng sản từ trước đến nay... nói thì cứ nói... nhưng dân phải tự lo lấy thôi. Còn lãnh đạo nhà nước nếu chi ngân sách đúng thì giữ được ghế, nếu không họ sẽ giữ ghế bằng cách khác... giữ bằng bạo lực và tuyên truyền bằng dối trá.

Nguồn : RFA, 04/06/2021

**********************

Chính phủ Việt Nam huy động được gần 104 tỷ đồng từ dân cho quỹ vaccine ngừa Covid-19

RFA, 04/06/2021

Tính đến chiều ngày 3/6, Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ Việt Nam đã huy động được gần 104 tỷ đồng (chưa kể tiền đô la và euro) từ người dân trong và ngoài nước. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 3/6.

vaccine5

Một người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Hà Nội hôm 17/5/2021 - AFP

Quỹ được lập nhằm giúp Chính phủ Việt Nam mua, nhập khẩu và nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Việt Nam đặt ra mục tiêu mua được 150 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 75 triệu dân trong năm 2021.

Bộ Tài chính Việt Nam ước tính, Quỹ cần hơn 25 ngàn tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí khoảng 16 ngàn tỷ đồng. Số còn lại là hơn chín ngàn tỷ đồng sẽ được chi bởi ngân sách địa phương và huy động từ dân.

Cho đến lúc này, Việt Nam mới chỉ nhận được khoảng 2,6 triệu liều vaccine, chủ yếu là qua chương trình COVAX toàn cầu của WHO. Chỉ khoảng 1% dân số Việt Nam được tiêm vaccine ngừa Covid, chủ yếu là những người làm việc trên tuyến đầu phòng chống dịch.

Bộ Y tế Việt Nam mới đây cho biết Bộ này đã đàm phán mua 170 triệu liều vaccine cho năm 2021 nhưng các nhà sản xuất không đảm bảo tiến độ giao hàng.

Vào sáng ngày 4/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc trực tuyến với hãng sản xuất vaccine của Mỹ là Johnson & Johnson để đề nghị mua vaccine từ hãng và đề nghị hãng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Theo truyền thông Nhà nước, tại cuộc họp, hãng Johnson & Johnson cho biết hãng đã tham gia cơ chế COVAX với cam kết cung ứng 200 triệu liều từ nay cho đến cuối năm 2021. Đại diện hãng cũng hứa sẽ thúc đẩy quá trình cung cấp vaccine qua cơ chế COVAX để Việt Nam có thể sớm nhận được vaccine. Hãng cũng cho biết đã nộp hồ sơ đăng ký vaccine tại Việt Nam.

Đại diện Johnson&Johnson cho biết, hãng sẽ nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyên Anh, Giang Nguyễn, RFA tiếng Việt
Read 633 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)