Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/06/2021

Mất hết quyền lực, Nguyễn Chí Vịnh giải bày tâm sự

Ngọc Thảo, Trần Khát Chân, Tô Lan Hương

Hạt giống đỏ Nguyễn Chí Vịnh bị loại đau đớn, đâu là nguyên nhân ?

Ngọc Thảo, Thoibao.de, 09/06/2021

Nguyễn Chí Vịnh là con trai ông Nguyễn Chí Thanh, một công thần của chế độ. Thời ông Nguyễn Chí Thanh còn sống, ông này kèn cựa với Võ Nguyên Giáp chứ không phải dạng vừa.

vinh01

Con trai của đại công thần chế độ Nguyễn Chí Vịnh được biết đến như là một hạt giống đỏ bất khả xâm phạm ở quân đội, tuy nhiên ngày 31/5 vừa qua đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của ông tướng nhiều tai tiếng hơn danh tiếng này.

Cũng vì là con trai của Nguyễn Chí Thanh nên Nguyễn Chí Vịnh đi vào đời binh nghiệp và tiến thân. Vấn đề là ông Vịnh nhận được nhiều sự nâng đỡ từ những người trước đây vốn là lính của Bố ông.

Là con nhà tướng nên ông Vịnh được đưa vào Học Viện kỹ thuật quân sự, để đào tạo làm sĩ quan và là dạng sĩ quan được cơ cấu lên cao. Những hạt giống đỏ như ông Vịnh dù là trong thời chiến cũng khó mà có cơ hội ra chiến trường. Chiến trường là nơi dành cho những người không có thân thế. Họ muốn liều mình để đổi lấy thành tích nhưng ông Vịnh thì không cần như vậy, cứ học hành như là một cậu ấm rồi sau đó được cơ cấu lên cao chứ không cần phải phấn đấu nhiều.

Tướng Lê Đức Anh, Đặng Vũ Chính là người dưới quyền Nguyễn Chí Thanh. Khi Nguyễn Chí Vịnh vào quân đội, ông được hai người này nâng đỡ. Được biết, Lê Đức Anh là một người có thực quyền, cho đến ngày ông ngồi vào ghế chủ tịch nước thì thực quyền của ông cũng rất lớn. Ngay cả khi về hưu tiếng nói của Lê Đức Anh cũng rất có trọng lượng. Sở dĩ ông Lê Đức Anh có quyền lực như vậy cũng bởi ông nắm trong tay tổng cục tình báo quân đội, còn gọi là Tổng cục 2.

Sau khi ra trường một thời gian ông Vịnh lên được thượng úy thì sau đó được Lê Đức Anh và Đặng Vũ Chính đưa về Cục-2, tiền thân của Tổng cục 2. Trong 10 năm ông Vịnh lên làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội.

vinh02

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Nguyễn Chí Vịnh một thời làm mưa làm gió

Tổng cục 2 là đơn vị tình báo quân đội, vấn đề là tổng cục này thường hay theo dõi các mối quan hệ bí mật của các lãnh đạo. Chính cách làm này mà Tổng cục 2 giúp Lê Đức Anh nắm được quá nhiều chuyện bí mật của đối thủ chính trị, đó chính là vũ khí tạo nên sức mạnh cho Lê Đức Anh. Và tất nhiên nó cũng tạo nên sức mạnh cho chính Nguyễn Chí Vịnh.

Ai nắm giữ nhiều bí mật nhất thì kẻ đó mạnh nhất, và kẻ mạnh nhất thì luôn muốn giành phần ngon nhất. Có nguồn tin cho rằng, các chương trình mua sắm vũ khí, trang thiết bị cho Bộ Quốc phòng đều qua tay của ông Vịnh khi ông còn là Tổng cục trưởng Tổng cục 2. Đây là con đường làm giàu có thể nói là rất dễ dàng.

Trên cương vị lãnh đạo Tổng cục 2, ông Vịnh có quyền thế, phương tiện, điều kiện tiếp cận để mua chuộc hoặc khuynh đảo các cán bộ cao cấp của Quân đội và Nhà nước. Đấy thực sự là thời hoàn kim của ông Vịnh. Thời nắm Tổng cục 2, Nguyễn Chí Vịnh được xem như là ông vua không ngai không những trong Bộ Quốc phòng mà trong cả Trung ương đảng.

Có nguồn tin cho rằng, số con ông cháu cha và bạn bè, thân hữu được Vịnh tuyển vào Tổng cục 2 vào những năm 93, 94, 95 và 96 đa số không qua một ngày làm lính, không được học tập bản chất truyền thống oai hùng của quân đội mà được đặc cách đeo quân hàm thiếu tá, trung tá, và có trường hợp là thượng tá. Ông Nguyễn Chí vịnh đã tạo ra một Tổng cục 2 theo cách như thế, trong tổng cục này hầu hết đều nằm dưới quyền kiểm soát của ông Vịnh.

Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15 tháng 5 năm 1957 tại Hà Nội, nguyên quán ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là con trai của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Là con trai của ông Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Chí Vịnh mồ côi cha khi mới 10 tuổi. Ông Nguyễn Chí Thanh vốn tên thật là Nguyễn Vịnh, vì vậy về sau ông lấy tên khai sinh của mình đặt tên cho con trai là Nguyễn Chí Vịnh. Mẹ ông Vịnh cũng là sĩ quan, bà tên là Nguyễn Thị Cúc, thiếu tá, công tác ở Bệnh viện 108, mất năm 1979. Chị gái ông là Nguyễn Thanh Hà, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, từ 2007 đến nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị – Công ty Cổ phần Hàng không VietJet Air.

vinh03

Lê Đức Anh, người nâng đỡ Nguyễn Chí Vịnh

Nguyễn Chí Vịnh bị nhiều lãnh đạo liệt vào mối nguy

Vì là người trong ngành tình báo mà lại dùng ngành tình báo để phục vụ cho mưu đồ cá nhân. Đây là mối nguy mà rất nhiều nhân vật trong Bộ Chính trị thời đó ắt hẳn nhận ra. Công cụ này rất lợi hại đến nỗi ông Lê Đức Anh ngồi ở ghế Chủ tịch nước tưởng như hữu danh vô thực nhưng ông ta lại có thực quyền rất lớn, mà đặc biệt là với Bộ Chính trị.

Việc Bộ Chính trị tìm cách loại bỏ Nguyễn Chí Vịnh ra khỏi Tổng cục tình báo quân đội chỉ là vấn đề thời gian. Có thể nói rằng, không một quan chức cộng sản nào mà không dính phốt (faute), vấn đề là họ có bị khui ra hay không mà thôi. Với một Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo quân đội như Nguyễn Chí Vịnh thì không biết bao nhiêu ủy viên Bộ Chính trị, bao nhiêu ủy viên Trung ương đảng ăn không ngon ngủ không yên.

Loại Nguyễn Chí Vịnh là rất khó, tuy nhiên nếu Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân ủy trung ương đồng lòng thì việc này hoàn toàn có thể.

Để đánh cho đối thủ không còn đường đỡ thì trước tiên phải đánh vào kinh tế. Chính vì vậy mà Bộ Chính trị vài quân ủy trung ương hông cho phép tình báo quân đội Tổng cục 2 được làm kinh tế, được thành lập doanh nghiệp "Vỏ Bọc" hoặc "Bình Phong” để hoạt động nghiệp vụ tình báo, không được lạm dụng cài cắm người vào các tổ chức, các công ty dân sự một cách tràn lan, không cần thiết làm tốn kém ngân sách Nhà Nước. Tuy muộn nhưng nó cũng làm cho thế lực Nguyễn Chí Vịnh yếu đi trông thấy.

Tình báo là cơ quân được phép làm các hoạt động bí mật, vì thế có thể hiểu Tổng cục 2 là một tổ chức đứng trên luật pháp. Nếu nó được các nhân thao túng vì mục đích cá nhân thì tổ chức này hoàn toàn có thể, đứng trên mọi cơ quan quyền lực quốc gia để lũng đoạn đất nước nhằm phục vụ thiểu số cá nhân vụ lợi.

Năm 2002, khi mới 45 tuổi, ông Nguyễn Chí Vịnh đã nắm chức Tổng cục trưởng Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng. Thời kỳ làm Tổng cục 2, Nguyễn Chí Vịnh thu thập tin tức cung cấp cho Lê Đức Anh dù năm 2001 ông Lê Đức Anh đã không còn dính dáng gì đến quyền lực nhà nước. Năm 2001 Đảng cộng sản bãi bỏ chức cố vấn ban chấp hành Trung ương đảng xem như quyền lực nổi của Lê Đức Anh lúc đó cũng hết. Tuy nhiên còn có quyền lực chìm. Quyền lực chìm của ông do đâu ? Chính là các tin tức từ Tổng cục 2 cung cấp cho ông. Người nắm nhiều bí mật của kẻ khác nhất là người có quyền lực nhất.

Tháng 12/2004 khi chỉ mới 47 tuổi, Nguyễn Chí Vịnh ông được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vì bị nhiều người ghét mà quyền lực đi xuống

Cha của ông Nguyễn Chí Vịnh là một tượng đài trong quân đội, đỡ đầu ông Vịnh là một thế lực bất khả xâm phạm, còn Nguyễn Chí Vịnh thì nắm gọn ngành tình báo, vị thế như vậy tưởng như vững chắc nhưng cuộc đời không như ý. Để qua mặt Lê Đức Anh, năm 2009 Bộ Chính trị đã chìa ra chức vụ thứ trưởng Bộ Quốc phòng để điều chuyển sang đó. Mục đích của các lãnh đạo trong Bộ Chính trị là điều ông Nguyễn Chí Vịnh ra khỏi Tổng cục 2. Mà để điều được ông Vịnh đi mà không có mồi thơm thì ông không đi, đó là lí do tại sao Bộ Chính trị chìa ra chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lời hứa cơ cấu vào chức bộ trưởng để đổi lấy chức tổng cục trưởng. Có mồi thơm, Nguyễn Chí Vịnh cắn câu và chỉ

chiếc ghế thứ trưởng không hề cơ cấu lên chức bộ trưởng. Với con người nguy hiểm như ông Vịnh thì đưa lên nắm Bộ Quốc phòng thì Bộ Chính trị còn gặp nguy hiểm hơn.

Ông Nguyễn Chí Vịnh ngồi ở ghế thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2021 thì bị loại hoàn toàn khỏi Bộ Quốc phòng. Thay ông Nguyễn Chí vịnh là ông Hoàng Xuân Chiến. Thế là kết thúc cuộc đời binh nghiệp của ông tướng đầy tai tiếng Nguyễn Chí Vịnh. Trò chơi vương quyền là thế, tỏ ra nguy hiểm khi còn ở chức vụ chưa cao là một cái dại, sẽ không ai để Nguyễn Chí Vịnh lên cao hơn nữa vì họ cảm thấy bị đe dọa.

Ngọc Thảo (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 09/06/2021

********************

Tướng Vịnh đánh bóng cá nhân để chạy tội

Trần Khát Chân, RFA, 07/06/2021

Chẳng ai yêu cầu một ông tướng tình báo phải đưa "cả ổ bánh mì" lên "bàn" truyền thông. Nhưng kiểu "đánh bóng cá nhân" cũng như cách "chạy tội" cùng với các quan thầy Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu cho thấy, thượng tướng Vịnh hơi xem thường công luận.

"Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật". Câu ngạn ngữ này "trúng phóc" cho loạt bài trả lời phỏng vấn của tướng 3 sao Nguyễn Chí Vịnh. Bài thứ nhất xuất hiện hôm 31/05/2021 [1], bài thứ hai hôm 01/06/2021, cùng trên VnExpress [2]. Cả hai đều được khá nhiều trang mạng khác đăng lại. Những người dàn dựng "sô diễn" này còn bố trí để phía dưới mỗi bài, nhung nhúc hàng loạt các dư luận viên từ "lữ đoàn 47" tung hô nội dung cũng như cá nhân người trả lời phỏng vấn lên tận mây xanh.

vinh04

Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại hội nghị Shangri-la ở Singapore hôm 5/6/2016 - Reuters

Tại sao lại hai bài liên tiếp ?

Tại vì thượng tướng – cựu Tổng cục trưởng bắt đầu thấy sợ. Ông sợ cái gì ? Không hẳn là sợ về hưu ! Điều đó, chính quyền đã công bố cách đây mấy ngày. Vả lại, từ sau Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam, ông biết con đường quan lộ của ông đi vào ngõ cụt. Điều ông sợ nhất là sau hàng chục năm trời "cá ăn kiến", giờ rất có thể sẽ chuyển sang giai đoạn "kiến ăn cá". Tướng Vịnh khá thành công sau khi xây dựng Tổng cục Tình báo Bộ quốc phòng (Tổng cục 2) thành một vương quốc riêng. "Con hổ" Tổng cục 2 gần như làm "chúa sơn lâm" một thời, nhờ cái pháp lệnh năm 1996 của "Mạnh mượt" và cái Nghị định ông Sáu Dân bị ép ký năm 1997.

Cả hai văn bản pháp quy nói trên cho phép tướng Vịnh tha hồ tác oai tác quái. Vừa là tình báo, vừa là an ninh, Tổng cục 2 trở thành "con ngáo ộp" siêu quyền lực, thọc sâu vào mọi nơi mọi lúc, khiến cho cả Bộ Chính trị lẫn Ban Bí thứ nhiều lúc cũng "nghẹt thở". Trải qua bao hiểm nguy thời cưỡi hổ, nay ông đang lo làm thế nào bảo toàn sinh mệnh khi rời "con hổ" hoang dã do chính bố vợ ông (tướng Vũ Chính khét tiếng), cá nhân ông và đồng bọn nuôi dưỡng bao lâu nay. Ông quyết định phải "trui rèn" mấy cái lưới sắt bảo hiểm. Một trong những cái lưới sắt ấy là phải ra một số tuyên bố mang "màu sắc chính sách" của Đảng và Nhà nước này. Có như thế, những con kiến lăm le "ăn cá" mới không giở trò.

Ông Vịnh thừa biết, thanh minh là thú tội ! Cả hai bài trả lời phỏng vấn của ông, vì vậy, được chuẩn bị theo kiểu nói nước đôi, "vòng vo Tam Quốc". Tuy nhiên, tựu chung lại có thể gom thành hai chủ đề chính là mua sắm vũ khí quốc phòng và thái độ đối với các mối quan hệ Việt – Trung từ chục năm trở lại đây. Thật ra, tướng Vịnh biết, những chủ đề này sẽ còn đeo bám ông, kể cả sau khi về đến thế giới bên kia. Nếu như đời này, kiếp này ông vẫn chưa có cách nào trả được "những món nợ thế kỷ này" cho dân tộc Việt Nam.

Đi vào một số câu chuyện cụ thể, ông Vịnh vừa "đánh bóng" cá nhân, vừa "chạy tội" cùng với các quan thầy Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu. Ông nhắc đến lần tháp tùng Lê Khả Phiêu nhân "một chuyến đi đầy khó khăn nhưng đặc biệt thành công" (trong việc cắt nhượng đất cho "bạn vàng"). Cũng vì lẽ đó, ông đành lờ tịt cáo buộc ghi trong chương 20, sách "Bên thắng cuộc" do nhà báo Huy Đức tố : "Là một vị tướng quân đội mới bắt đầu làm chính trị, ông Lê Khả Phiêu đã không tránh khỏi những ứng xử thiếu kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo cơ mưu của Bắc Kinh. Những quyết định đưa ra trong nhiệm kỳ của ông đã từng bị chỉ trích cả trong nội bộ và trên dư luận, nhất là đối với những quyết định gay go để kết thúc đàm phán Hiệp định Biên giới Việt Nam – Trung Quốc" [3].

vinh05

 Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và Đại tướng Lê Đức Anh. AFP

Còn tướng Lê Đức Anh là kẻ từng ra lệnh cho 64 chiến sỹ Gạc Ma không được nổ súng khi Trung Quốc tràn lên chiếm đảo vào năm 1988. Dư luận ở Việt Nam, kể cả trong giới cựu chiến binh, nhiều năm cho rằng đã có lệnh từ cấp cao, mà nhiều người cho đó là từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Nhiều ý kiến nói thẳng thừng, lệnh ấy là từ đại tướng Lê Đức Anh, không cho phép các chiến sỹ được nổ súng kháng cự. Ấy vậy nhưng tướng Vịnh lại lã chã : "Trước lúc đại tướng Lê Đức Anh mất, di nguyện của ông là phải đưa bằng được họ (64 chiến sỹ Gạc Ma) về quê nhà" và đó cũng là "điều mà tôi (tức ông Vịnh) day dứt vì chưa làm được". Thật là thầy nào thì trò ấy khi cùng "diễn" những giọt nước mắt cá sấu !

Trở lại với vấn đề mua sắm vũ khí và luyện quân trong thời bình, dường như tướng Nguyễn Chí Vịnh đã hiểu sai (nếu như không muốn nói là cố tình xuyên tạc) câu ngạn ngữ La-tinh đầy chất minh triết : "Nếu bạn thật sự muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh" (si vis bellum para pacem). Câu của ông Vịnh trong bài trả lời phỏng vấn thì ngược lại : "Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn".

Nói ông hiểu sai hay cố tình xuyên tạc là ở chỗ : Ngạn ngữ La-tinh là một câu kinh điển, mạnh mẽ và dứt khoát. Đó là một mệnh đề phức hợp có điều kiện. Còn câu trả lời của tướng Vịnh phản ánh một thứ chủ nghĩa chiết trung, đầy nguỵ biện. Nó không quả quyết và cũng chẳng dứt khoát. Chỉ được trưng ra như một giả định, với hai mệnh đề song song, dùng chủ nghĩa chiết trung và thuật nguỵ biện để ru ngủ quân đội lơ là phòng thủ. Làm cho quân đội mất cảnh giác bằng cách nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa đầu hàng vô lối là một cách tiếp tay cho bành trướng Bắc Kinh.

Thuật nguỵ biện ở đây là : ông Vịnh, tuy có chú ý tới những mối liên hệ khác nhau của sự vật, nhưng lại đưa cái không cơ bản thành cái cơ bản, cái không bản chất thành cái bản chất. "Luyện quân" mà không trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thì luyện để làm gì ? "Mua vũ khí hiện đại" mà không chuẩn bị tinh thần để trút lên đầu kẻ thù thì chỉ để ngắm vũ khí chăng ?

"Khỏi vòng" nhưng không thể "cong đuôi"

Từ nay là giai đoạn tướng Vịnh lo bị đàn hặc. Mới đây, có 3 sĩ quan cao cấp, gồm 1 trung tướng, 1 thiếu tướng và 1 đại tá lại có thư tố cáo Nguyễn Chí Vinh với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (vì lý do an toàn cho các cá nhân tố giác tội phạm, xin phép không nêu danh tính các vị này, nhưng trong nội bộ, tất cả các cơ quan có trách nhiệm biết khá rõ sự vụ). Việc tướng Vịnh bị điều tra vì tham nhũng, trong quân trường đã tường tận, chỉ có người ngoài cuộc thì không hiểu tại sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại không giao cho Quân uỷ trung ương hay cơ quan Nội chính điều tra, mà lại giao cho bên Tổng cục 2. Xử lý như vậy khác nào để cho cầu thủ phạm lỗi trên sân bóng cầm còi làm trọng tài. Tiếng còi, hẳn nhiên sẽ không bao giờ được cất lên, vụ việc phải chìm xuồng cũng là tất yếu [4].

Tuy nhiên, ai muốn tìm hiểu các góc khuất của những tội ác và các hành tung mờ ám của tướng Vịnh và đồng bọn thì có thể tham gia vào cuộc "trò chuyện cùng đồng chí Vũ Minh Trí", được đăng tải trên trang Boxitvn cách đây chục năm có lẻ. Chỉ cần đọc qua nội dung bài viết, chúng ta hiểu ngay được nỗi lo sợ của tướng Vịnh bắt nguồn từ đâu. Chính là từ các vụ "lại quả" khi mua vũ khí cho đến đấu đá nội bộ khốc liệt, đâu đâu cũng có bàn tay của Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo [5].

Trong cả hai bài trả lời phỏng vấn, ông Vịnh phần lớn đều nói theo kiểu "mười voi không được bát nước xáo". Cũng có lúc ông "mon men" gần đến sự thật, khi ông lăn tăn : "Nếu để mất Biển Đông thì quân đội Việt Nam, các nhà lãnh đạo sẽ có tội với đất nước và cũng sẽ không yên với dân được". Đúng vậy ! Nhưng thưa vị thượng tướng đang lo chạy tội, điều này thì chính bọn cầm quyền Bắc Kinh còn biết rõ và biết sớm hơn ông.

Hàng chục năm nay, mỗi lần xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, kể cả khi lấn sâu vào thềm lục địa (CS) và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cuối cùng Trung Quốc vẫn phải rút lui. Chủ yếu là vì, Trung Quốc đo lường được mức độ phẫn uất của con dân nước Việt, chứ không phải nhờ bộ phận quân đội do ông Vịnh quản lý "từ trên xuống dưới, đều coi Biển Đông là sống còn, chủ quyền lãnh thổ là điều tuyệt đối không bao giờ buông tay" như ông "tự sướng".

Ông Vịnh khoe các ông bảo vệ chủ quyền ? Vậy tại sao các ông lại đàn áp dã man các cuộc biểu tình hoà bình chống Trung Quốc xâm lược. Các ông bỏ tù những người mặc áo có đề chữ "No-U" phản đối đường 9 đoàn của Trung Quốc, các ông đàn áp khốc liệt xã hội dân sự. Cũng may mà mấy cái đầu nóng ở Trung Nam Hải có lúc còn biết sợ. Chúng sợ con dân nước Việt "tức nước vỡ bờ", sẽ vùng lên lật nhào cái chế độ "hèn với giặc, ác với dân" của các ông, thì chính chúng cũng sẽ trắng tay. Chúng hoàn toàn không hề sợ chút nào cái chủ trương các ông để "hải quân bám bờ", còn đẩy "ngư dân ra bám biển".

"Lưới trời lồng lộng" chờ đấy !

Có thể nói một cách khách quan, tướng Vịnh là người chịu trách nhiệm lớn nhất về các sai phạm của Tổng cục 2. Ngoài ra, tướng Nguyễn Chí Vịnh còn lợi dụng chức quyền và tính chất đặc thù của hoạt động tình báo để nhập nhèm trong chi tiêu ngân sách. Tướng Vịnh và gia tộc đã kịp tích lũy được nhiều những tài sản kếch sù. Một mình ông Vịnh chiếm dụng tới 7 ngôi nhà (đã bán 2) còn 5 : Biệt thự Cống Chèm, nhà 27 Nam Tràng – Trúc Bạch, nhà 25 Nguyễn Khắc Hiếu – Trúc Bạch, Nhà 1AC16 Mỹ Đình I, căn hộ The Garden Hà Nội, 300m2 đất hồ sen Nhật Lân, 2ha đất Làng Hòa Lạc, 7000m2 đất ở Viên Chăn Lào (mua 2,1 triệu USD bán 3,7 triệu, 3000m2 đất Viên Chăn (mua 500.000 USD bán 1,5 triệu).

Nhưng tướng Vịnh và những người trong cuộc biết rất rõ, các tài sản "nổi" nói trên chẳng thấm tháp vào đâu so với phần cổ đông "chìm" của ông và em gái là bà Nguyễn Thanh Hà, một trong những thành viên sáng lập và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn VietJet từ năm 2007. Từ một "mama tổng quản" phụ trách các cô gái tiếp viên hàng không, nhờ vào "tài bao sân" của em trai (tức tướng Nguyễn Chí Vịnh) và đức lang quân vốn là Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, cổ đông của chị em Thanh Hà – Chí Vịnh còn lớn hơn cả cổ đông của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Câu chuyện cách đây hơn 10 năm của 38 sĩ quan cao cấp và cán bộ lão thành đã ký chung một tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam, phản đối việc tước quân hàm sĩ quan của trung tá Vũ Minh Trí và khai trừ ông khỏi hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam hóa ra vẫn không cũ. Trung tá Vũ Minh Trí, từng là người đã tố cáo những sai phạm của Nguyễn Chí Vịnh, hồi bấy giờ mới chỉ là trung tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng với đồng bọn, trong nhiều năm đã làm mưa làm gió tại Tổng cục 2. Những việc làm sai trái của Vịnh cũng bị chính đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh tố cáo từ lâu [6].

Trước thời gian ấy, ngày 10/06/2009, trong thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đại tướng cũng chỉ rõ : "Qua thư của đồng chí Vũ Minh Trí, tôi thấy đây là sự tố cáo của một cán bộ, một đảng viên có trình độ và có trách nhiệm cao, dũng cảm, dám tố cáo những hành động mà mình cho là sai trái đang gây nguy hại đến Đảng, đến Quân đội. Đây là sự tố cáo theo đúng điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước của một cán bộ, đảng viên đương chức, của người trong cuộc, không phải là một thư nặc danh, thư của người ngoài cuộc. Nếu đúng như đơn tố cáo thì đây là một tình hình cực kỳ nghiêm trọng" [7].

*

Kể cả muốn đánh bóng một đôi giày, thì ít ra, đôi giày ấy phải được đóng từ da tốt, đánh bằng xi tốt. Một đôi giày da tồi, xi rởm thì đánh mấy cũng thế thôi ! Tướng Nguyễn Chí Vịnh có thể xây cả lăng tẩm lẫn viện bảo tàng cho cá nhân hay gia tộc, nếu muốn. (Nghe đồn ông đang thuê người quản lý trông coi tốn hàng mấy chục triệu một tháng). Nhưng ông chớ nên quên câu đồng giao khắp chốn cùng quê hiện nay :

"Thương dân, dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương".

Trong lịch sử, triều đại nào càng nhiều lăng tẩm càng chóng lụi tàn. Đấy là bàn về chế độ, còn gia tộc ông chỉ là "muỗi" so với quốc gia – dân tộc này, thưa thượng tướng !

Trần Khát Chân

Nguồn : RFA, 07/06/2021

*********************

'Mua vũ khí hiện đại để không phải bắn'

Nguyễn Chí Vịnh, Tô Lan Hương, VnExpress, 31/05/2021

 "Nhiều người nghĩ quân đội mà chăm chăm hoạt động phi quân sự là thiếu dũng cảm. Nhưng thế giới bây giờ luyện quân để không phải đánh, mua vũ khí để không phải bắn", 

Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn VnExpress.

Tô Lan Hương : Ông vừa bàn giao nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng cho người kế nhiệm. 12 năm đảm nhiệm cương vị này, điều gì là đáng nhớ nhất đối với ông ?

vinh0

"Tôi chưa dám nhận mình là Tướng, mà chỉ là người được mang quân hàm Tướng. Để xứng đáng với nó, tôi phải không ngừng cống hiến cho đất nước và quân đội, dù ở bất kỳ vị trí nào". Ảnh : Giang Huy.

Nguyễn Chí Vịnh : Trước khi đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng phụ trách đối ngoại quốc phòng vào 12 năm trước, tôi làm tình báo. Và cũng vì thế, tôi được chứng kiến giai đoạn trăn trở, tìm tòi để đổi mới tư duy về bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới cuối những năm 1990, chúng ta tuyên bố với thế giới "Việt Nam mong muốn là bạn của tất cả các nước, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế". Nhưng suốt nhiều năm, chúng ta quan niệm rằng một quốc gia là bạn khi họ hoàn toàn đứng về phía mình, ngược lại tức là thù. Tư duy này vào năm 2000 cơ bản đã lỗi thời, lý do quan trọng nhất là bức màn sắt đã bị gỡ bỏ, thế cục hai phe trên thế giới không còn nữa.

Việc định nghĩa lại khái niệm bạn - thù là nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị Trung ương 8 (Khóa IX). Khi đó, Tổng cục 2 chúng tôi có nhiệm vụ đóng góp ý kiến, phục vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo cấp trên. Dù đã có chính kiến, nhưng tôi rất phân vân, không thể tự đánh giá được. Tôi tìm đến người mà tôi tin cậy nhất cả về mặt tình cảm, trí tuệ lẫn tầm nhìn chiến lược là Đại tướng Lê Đức Anh. Thời điểm đó, các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đều không còn làm cố vấn, nhưng họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và là những người thầy lớn của tôi.

Khi đặt câu hỏi với ông Lê Đức Anh : "Thưa chú, bức màn sắt đã rơi xuống rồi, không còn hai phe nữa, thì xác định bạn - thù thế nào đây ?", tôi đã chuẩn bị sẽ nghe ông la rầy, rằng tôi đã đánh mất quan điểm, mà với người làm tình báo, mất quan điểm là hỏng hết. Trái với lo ngại của tôi, ông trả lời rất mạnh mẽ : "Chuyện nào có lợi cho đất nước thì mình làm, sự hợp tác nào đem lại lợi ích cho đất nước thì mình bắt tay, còn cái gì có khả năng xâm hại đến quốc gia, dân tộc thì mình phải chống, phải hóa giải". Rồi ông giải thích cặn kẽ từng điểm, chúng ta cần làm gì để "làm bạn với bốn phương, nhưng không đánh mất mình". Ông Sáu khuyên tôi gặp ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt. Ông Đỗ Mười nói : "Đúng quá rồi còn gì. Nhưng phải xác định rõ thế nào là có lợi, thế nào là không có lợi cho đất nước mình". Tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, đem chuyện này hỏi ông Võ Văn Kiệt, ông trả lời không chút do dự : "Bây giờ mới đặt vấn đề này là chậm rồi".

Cả ba "Ông già lớn" đều cho rằng vấn đề trên là cấp bách. Sự ủng hộ này tiếp thêm động lực để chúng tôi có chính kiến mạnh mẽ báo cáo cấp trên. Tôi nhắc lại câu chuyện với sự biết ơn ba ông cố vấn, và cũng để thấy tầm nhìn xa, sự nhạy bén và thái độ quyết tâm đổi mới của các ông. Dĩ nhiên tham gia vào việc này còn nhiều cơ quan khác và nhiều người khác, nhưng theo những gì tôi biết, đó là những người đầu tiên ủng hộ cách tiếp cận mới về kế sách Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tô Lan Hương : Còn những ý kiến phản đối thì sao ?

Nguyễn Chí Vịnh : Khi đó, vấn đề xác định bạn - thù đã tạo ra những ý kiến khác nhau trong nội bộ, Quân đội cũng không ngoại lệ. Có những tướng lĩnh lão thành phản ứng với sự thay đổi, phần vì tín điều quá nặng, phần vì chưa đủ thông tin. Cũng có những người băn khoăn vì chưa thực sự tin tưởng thế hệ tiếp theo sẽ có quyết sách chính xác và vững vàng. Nhưng việc ông Sáu Dân (tên gọi thân mật của ông Võ Văn Kiệt), người đã mất bạn đời và hai con trong một ngày vì bom Mỹ mà còn thấy cần phải thay đổi, thì nhiều người buộc phải hiểu rằng sự thay đổi là tất yếu.

Cuối cùng thì Nghị quyết Trung ương 8, Khóa IX được thông qua. Đó có thể coi là dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khi lần đầu tiên chúng ta hình thành khái niệm mới : thay "phân chia bạn - thù" bằng "Không có kẻ thù, chỉ có đối tượng và đối tác". Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là vừa phải hợp tác, vừa phải đấu tranh với mọi quốc gia có quan hệ với Việt Nam.

Bây giờ nhìn lại mới thấy, nhận định đó vô cùng đúng đắn, sáng suốt và đặc biệt kịp thời. Nhờ đó mà gần 20 năm qua, thế giới có bao nhiêu biến động, khiến nhiều quốc gia chao đảo, nhưng đất nước ta vẫn đứng vững, ổn định và phát triển. Nếu gọi Nghị quyết 15 khóa III là Nghị quyết của chiến thắng, của chiến tranh giải phóng dân tộc, thì tôi cho rằng có thể coi Nghị quyết 8 khóa IX là Nghị quyết của hòa bình, ổn định và của kỷ nguyên phát triển đất nước.

Tình báo thời chiến tìm địch, thời bình tìm bạn

Tô Lan Hương : Điều gì đã thôi thúc ông đưa ra câu hỏi về khái niệm bạn-thù trong một thế giới mới, khi mà ông biết đó có thể là cấm kỵ với người làm tình báo ?

Nguyễn Chí Vịnh : Năm 2000, tôi được bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tình báo vào thời điểm đất nước và quân đội có những bước chuyển mạnh mẽ về tư duy bảo vệ Tổ quốc. Năm đó, Tổng cục Tình báo tổ chức lễ trao quyết định nghỉ hưu cho ba "cây át chủ bài" của tình báo quốc phòng là các Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Hai Trung, Hai Nhạ, Ba Quốc. Buổi lễ ấy có rất nhiều chuyện để kể, nhưng ở đây tôi chỉ nhắc lại câu nói của đồng chí Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn) : "Tình báo giờ phải mở mạnh ra ngoại quốc, phải coi thế giới họ thay đổi như thế nào. Đương nhiên tình báo phải đi tìm địch, nhưng thời đại hiện nay tình báo cũng phải tìm bạn mà chơi, thậm chí phải chơi được cả với kẻ thù, để không cho nó đánh mình". Tôi nhớ mãi câu nói ấy của nhà tình báo lỗi lạc, và đến giờ vẫn chính xác với những gì đang diễn ra.

Cũng trong năm 2000, có lần tôi tháp tùng Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đi công tác nước ngoài, một chuyến đi đầy khó khăn nhưng đặc biệt thành công. Trong bữa tiệc chiêu đãi trước khi về nước, lãnh đạo nước bạn đi chúc rượu, đột nhiên dừng lại bên tôi và hỏi : "Đồng chí là cán bộ tình báo, sao lại phục vụ đồng chí Tổng bí thư trong công tác đối ngoại ?". Tôi đáp : "Thưa đồng chí, trong thời chiến thì tình báo tìm địch để đánh thắng, còn trong thời bình tình báo tìm bạn để có hòa bình và hữu nghị". Hai đồng chí lãnh đạo cùng cười vui vẻ.

Ba tôi (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) từng nói với mẹ tôi khi từ chiến trường miền Nam ra : "Trước mỗi chiến dịch, Thanh (ông thường xưng hô với mẹ tôi như thế) không nghĩ đến việc mình có thể hy sinh, không nghĩ đến khó khăn phải đối mặt, mà cái khó nhất là biết được anh em mình có thể sẽ không tránh khỏi hy sinh mà vẫn phải đánh". Đưa người chiến sĩ ra chiến trường, đối mặt với hòn tên mũi đạn nhưng không thể không hạ lệnh : "Đánh !" là điều thế hệ ba tôi đã làm, vì khi đó chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác. Nhưng khi đã có hòa bình mà phải làm như thế thì là điều muôn vàn cẩn trọng và phải cố gắng cao nhất để nó không xảy ra.

Thế hệ chúng tôi sau này trưởng thành trong hòa bình và hội nhập, không có được những kinh nghiệm dày dặn và quá khứ hào hùng trong chiến tranh, nhưng lại có khát khao bảo vệ Tổ quốc bình yên, đất nước giàu mạnh. Đó là những người đã chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, chứng kiến ranh giới hòa bình - chiến tranh sụp đổ chỉ trong chớp mắt. Nên sự thay đổi nhận thức là tất yếu. Mấy chục năm trời, hình ảnh của Quân đội Việt Nam luôn gắn liền với chiến tranh. Nhưng trong bối cảnh thế giới thay đổi mạnh mẽ thì quân đội cũng phải thay đổi, phải hội nhập, phải hợp tác, phải tham gia vào các công việc quốc tế và khu vực, đó là xu thế, là yêu cầu bắt buộc.

Tô Lan Hương : Những bước đi đầu tiên của đối ngoại quốc phòng diễn ra như thế nào ?

Nguyễn Chí Vịnh : Công tác đối ngoại quốc phòng được xúc tiến ngay khi quân đội mới thành lập, đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhưng trong các giai đoạn ấy, chúng ta chủ yếu chỉ tập trung vào quan hệ với Lào - Campuchia và các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Với các nước bạn láng giềng, thì chủ yếu là "ta giúp bạn", còn với các nước phe xã hội chủ nghĩa thì ngược lại, chủ yếu là "bạn giúp ta". Bên cạnh đó, quân đội đã tham gia rất tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao với Pháp, Mỹ... để góp phần đem lại hòa bình cho đất nước sau chiến tranh.

Sau những năm 1990, tình hình đã thay đổi căn bản, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, nên "bạn" chỉ còn những người anh em láng giềng và Cu Ba xa xôi. Chính những bước đi đầu tiên đánh dấu bằng những chuyến thăm cấp cao quốc phòng đến với các nước, đặc biệt là nước lớn đã hình thành nền móng cho những mối quan hệ song phương đa dạng và thực chất như hiện nay, với hơn 80 quốc gia có quan hệ quốc phòng với Việt Nam.

Tôi nhớ khi đó anh Ba Kiên (Thượng tướng Phan Trung Kiên, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) là Thứ trưởng quốc phòng tham gia Đoàn của Bộ trưởng Phạm Văn Trà thăm Mỹ. Khi qua cổng từ kiểm tra an ninh, máy kêu, anh Ba Kiên quay lại bỏ hết đồ trong túi ra, máy vẫn kêu. Hải quan Mỹ hỏi : "Trong người ông có kim loại không?". Anh Ba Kiên thản nhiên đáp: "Có! Nhiều lắm. Đều là mảnh bom đạn của Mỹ", nói xong anh ngẩng đầu đi thẳng trước sự sững sờ của người Mỹ. Các tướng thắng trận của chúng ta thể hiện tâm thế hiên ngang như thế, để khẳng định một thông điệp là Việt Nam mong muốn hợp tác và chung sống trong hòa bình, nhưng cũng sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc bằng mọi biện pháp, dù có phải chiến đấu một lần nữa.

Đối ngoại thành công là "hai bên cùng thắng"

Tô Lan Hương : Những quyết sách nào, theo ông, đã mang lại sự thay da đổi thịt thực chất cho đối ngoại quốc phòng ?

Nguyễn Chí Vịnh : Tôi nhớ lại mùa thu năm 2009 tại Bangkok, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố : "Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức ADMM+ đầu tiên vào mùa thu năm 2010". Đấy là một tuyên bố rất mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng cũng đầy thách thức. Vì lúc đấy ta vẫn tay trắng, nội dung, thành phần, thể thức còn chưa có gì cả. Cần biết rằng ADMM+ là ước mong của nhiều nước trong ASEAN, việc này đã được nêu ra từ mấy năm trước, nhưng chưa nước nào đủ tự tin, và Việt Nam là nước đầu tiên làm được. Tổ chức một Hội nghị có sự tham gia của 18 bộ trưởng quốc phòng (10 nước ASEAN và 8 cường quốc lớn) là không hề đơn giản, nhưng chúng ta đã thành công khi tìm ra được điểm chung chiến lược của chừng đó nước, đồng thời phù hợp lợi ích nước mình. Bài học rút ra là nếu chỉ nghĩ đến lợi ích của mình thì sẽ thất bại, nhưng nếu ta không bảo vệ lợi ích của mình thì sẽ có hại cho đất nước. Công thức đối ngoại thành công nhất là khi cả hai bên cùng thắng.

Sau sự kiện này, đối ngoại quốc phòng vốn từ hoạt động mang tính hình thức chuyển sang thực chất. Từ đây, số người không ủng hộ hoạt động đối ngoại, nghi ngờ tính phi quân sự của quốc phòng... đã thay đổi thái độ. Nhiều người vẫn mang tâm lý, quân đội súng ống đầy người mà chăm chăm vào hoạt động phi quân sự là thiếu dũng cảm, là "hòa bình chủ nghĩa". Nhưng thế giới bây giờ, người ta nói : "Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn". Nếu thiếu dũng cảm để đem lợi ích cho đất nước, thì người lính như tôi sẵn sàng mang cái tiếng xấu ấy.

Sau đó một thời gian chúng ta bắt đầu đưa quân tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Hơn mười năm chuẩn bị, nhiều vấn đề vẫn chưa ngã ngũ, như : Làm việc này lợi ích gì cho đất nước ? Chúng ta có làm được không ? Cấp trên giao tôi dẫn đầu một đoàn cán bộ đi nghiên cứu thực tiễn ở Châu Phi và Liên Hợp Quốc. Và câu trả lời của đoàn công tác là : cần phải làm nếu chúng ta muốn thật sự là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và chúng ta có thể làm được.

Thực tế đã chứng minh, chúng ta đã chọn đúng thời điểm, đúng nội dung, đúng cách thức để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với mục tiêu đem lại lợi ích cho đất nước, tôn thêm hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Việc đó đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tô Lan Hương : Thế hệ của cha ông (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), chọn chiến tranh để giải phóng đất nước. Nhưng đến đời ông, ông lại lựa chọn bảo vệ đất nước bằng con đường hòa bình, chọn đối thoại để giải quyết xung đột. Hai con đường đó có mâu thuẫn với nhau?

Nguyễn Chí Vịnh : Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, cũng như chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, thế hệ trước như cha tôi và đồng chí của ông không có lựa chọn nào khác là phải đánh. Khi đó chúng ta bị xâm lược, không thể có một sự lựa chọn khác ngoài việc dùng một cuộc chiến chính nghĩa để chống lại chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Dù là khi ấy hay bây giờ, không thể có tiếng nói khác, vì như thế là hèn nhát và phản bội.

Nhưng cần nhớ rằng, thế hệ cha anh chúng ta đánh giặc thì mục đích cao nhất luôn là "Đánh để có độc lập tự do", "Vì hòa bình mà đánh". Trong tuyên bố chiến thắng ngày 1/5/1975, được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Duẩn, Đảng và Nhà nước ta đã gửi lời chào đến nhân dân Mỹ, bày tỏ mong muốn có quan hệ hữu nghị với nước Mỹ và kêu gọi hãy cùng bước ra khỏi đau thương của chiến tranh để tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp trong hòa bình.

Sự nghiệp mà tôi theo đuổi những năm qua, chính là tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước, bảo vệ những gì họ đã đem lại cho đất nước. Đó là độc lập tự do, là toàn vẹn lãnh thổ, là lợi ích quốc gia dân tộc, là hòa bình. Họ đã đánh thắng rồi, nhân dân ta đã hy sinh xương máu rồi, bây giờ làm sao để đừng phải đánh nữa mà vẫn giữ được thành quả của cha ông, để công sức họ không đổ xuống sông, xuống biển. Vì vậy, thế hệ cha tôi không thể không chọn chiến tranh, nhưng chúng tôi thì không thể không bảo vệ nền hòa bình của đất nước trong độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ.

"Tôi tự hào với quân hàm 'Binh bét'"

Tô Lan Hương : Cha ông làm Tướng quân đội thời chiến, ông làm Tướng quân đội thời bình, ông nghĩ Tướng thời nào khó hơn?

Nguyễn Chí Vịnh : Lứa tuổi chúng tôi bố mẹ đều ở chiến trường, hầu như gia đình nào cũng có người trong quân ngũ, nên danh từ "Ông Tướng" luôn là niềm ngưỡng mộ của mọi người, từ trẻ đến già. Cả triệu quân, chỉ có vài mươi tướng, thế mà vẫn đánh thắng hết cường quốc này đến cường quốc khác. Vì vậy, "Tướng" của những năm tháng chiến tranh can trường, tài giỏi, cao đẹp, vĩ đại vô cùng... Nói đến "Tướng" là phải cầm quân và đánh thắng. Sự khốc liệt của chiến tranh sẽ không dung thứ sự hèn nhát, không cho phép thất bại, không được sai lầm. Nếu chỉ huy kém thì hoặc là hy sinh, hoặc là phải rời vị trí. Thế nên cha tôi mới nói, làm Tướng là cái nghiệp xả thân.

Làm Tướng thời bình có cái khó của Tướng thời bình, nhưng cuối cùng vẫn là hoàn thành nhiệm vụ. Với riêng tôi, tôi chưa dám nhận mình là Tướng, mà chỉ là người được mang quân hàm Tướng. Để xứng đáng với nó, tôi phải không ngừng cống hiến cho đất nước và quân đội, dù ở bất kỳ vị trí nào.

Từ khi 4 tuổi, tôi đã được cha mình thêu trên ve áo hai miếng dạ màu đỏ không sao, không gạch, gọi tôi là "Binh bét" và bảo rằng sau này con đường của tôi là trở thành bộ đội. Giờ sắp nghỉ hưu rồi, tôi chỉ có thể đứng trước bàn thờ cha mình mà nói rằng, với tư cách là một người lính, tôi đã làm tốt từng nhiệm vụ được giao. Chỉ như vậy thôi. Tôi biết ơn Đảng, Chính phủ, Quân đội với quân hàm Thượng tướng mà tôi được trao, nhưng niềm tự hào theo suốt đời tôi là quân hàm "Binh bét" mà cha trao tặng.

Tô Lan Hương : Điều ông trăn trở nhất suốt đời bình nghiệp là...

Nguyễn Chí Vịnh : Là còn nhiều lắm những hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh, kể cả trên đất mẹ cũng như đất khách, là hài cốt các liệt sĩ ở Gạc Ma chưa đưa về được. Trước lúc Đại tướng Lê Đức Anh mất, di nguyện của ông là phải đưa bằng được họ về quê nhà. Đó cũng là điều mà tôi day dứt vì chưa làm được...

Tô Lan Hương thực hiện

(VnExpress, 31/05/2021)

********************

'Nếu mất Biển Đông là có tội'

Nguyễn Chí Vịnh, Tô Lan Hương, VnExpress, 01/06/2021

"Không lãnh đạo Việt Nam nào có ý định nhượng bộ Trung Quốc về chủ quyền. Nếu để mất Biển Đông, tất cả chiến sĩ quân đội, lãnh đạo đều có tội với dân", Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định trong cuộc phỏng vấn với VnExpress.

mat1

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh : "Trong quan hệ với Trung Quốc, chưa bao giờ ta né tránh nói về cuộc chiến tranh biên giới, hay những điểm đen trong lịch sử quan hệ hai nước". Ảnh : Giang Huy.

Tô Lan Hương : Phụ trách đối ngoại quốc phòng hơn 10 năm, ông đối diện và ứng xử thế nào với định kiến về sự lép vế của một nước nhỏ với các nước lớn ?

Nguyễn Chí Vịnh : Với tôi, trong quan hệ quốc tế cần khiêm tốn, nhưng quan trọng hơn là tự tin. Điều gì có thể nhịn thì nhịn, nhưng nếu động vào điểm mấu chốt : độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì không bao giờ tôi nhịn. Khi tiếp xúc với bạn bè thế giới, chưa bao giờ tôi có cảm giác tự ti Việt Nam là một nước nhỏ, chưa bao giờ tôi nghĩ chúng ta phải ngước lên nhìn ai cả. Và trong thực tế tôi cũng cảm nhận được sự tôn trọng của quốc tế với đất nước ta.

Có nhiều lý do để tự hào, tự tin về đất nước mình, nhưng lý do quan trọng nhất là dân tộc ta có lịch sử hào hùng, phải trả bằng bao nhiêu xương máu của các thế hệ đi trước. Cơ đồ hôm nay được xây đắp trên quá khứ hào hùng ấy. Đừng bao giờ nghĩ rằng ngồi với người Mỹ thì không nên nhắc tới chiến tranh Việt Nam, không nhắc tới chiến thắng của dân tộc ta. Mỗi khi gặp mặt, tôi hay kể cho các tướng lĩnh Mỹ nghe về chiến tranh Việt Nam, về những người lãnh đạo, tướng lĩnh của Việt Nam, về những hy sinh của nhân dân, bộ đội Việt Nam. Họ yên lặng lắng nghe và nhiều lần đề nghị : "Ông hãy nói tiếp nữa đi - về những gì các ông đã trải qua, và nhờ những gì mà các ông thắng chúng tôi ;". Trong tiếp xúc đối ngoại, những vấn đề của hôm nay luôn phải gắn với bài học lịch sử, đặc biệt là với những quốc gia đã có "duyên nợ" với Việt Nam trong quá khứ. Trong những lần nói chuyện như thế, tôi thấy rằng sức thuyết phục, lý lẽ của Việt Nam đều được thừa nhận, mặc dù trong thâm tâm họ có thể không hài lòng.

"Đừng tưởng đóng cửa với Mỹ thì Trung Quốc sẽ nhẹ giọng"

Tô Lan Hương : Ông vừa nhắc đến các "quốc gia duyên nợ" với Việt Nam. Nguyên tắc ứng xử của ông với các quốc gia này là gì ?

Nguyễn Chí Vịnh : Chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt và đã giành những chiến thắng vĩ đại. Nhưng vĩ đại hơn nữa là cách chúng ta ứng xử sau chiến tranh. Điều ấy sẽ định vị hình ảnh một Việt Nam chiến thắng văn minh và yêu hòa bình.

Người Mỹ thường hỏi tôi sao quan hệ Việt Nam - Cuba tốt đến như thế ; Tôi trả lời : "Chúng tôi quan hệ máu thịt với Cuba. Ngoài tình cảm truyền thống giữa hai nước, Việt Nam còn muốn thế giới thấy chúng tôi không bao giờ bỏ bạn. Các ông có thể không thích, nhưng chắc các ông cũng mong có được những người bạn thủy chung như thế".

Bạn biết đấy, đừng tưởng lờ Cuba đi mà người Mỹ sẽ tốt với chúng ta. Đừng tưởng căng với Trung Quốc sẽ lấy được lòng người Mỹ. Cũng đừng tưởng đóng cửa với Mỹ thì Trung Quốc sẽ nhẹ giọng với mình.

Dùng chính những bài học lịch sử trong mối quan hệ với các quốc gia khác để làm Đối ngoại là cách mà Việt Nam lựa chọn. Có lần ông Thượng nghị sĩ Leahy, Chủ tịch Thượng viện Mỹ nói với tôi : "Trong quan hệ Việt Mỹ, khó nhất và nhạy cảm nhất là việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng kỳ diệu thay, đến bây giờ lại trở thành một trong những lĩnh vực hiệu quả nhất và đem lại nhiều cảm hứng nhất để thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ".

Trong quan hệ với Trung Quốc cũng vậy, chưa bao giờ ta né tránh nói về cuộc chiến tranh biên giới, hay những điểm đen trong lịch sử quan hệ hai nước. Có điều là chúng ta nói để những điều đó đừng lặp lại, thì sẽ tốt cho cả hai phía. Và ngay vấn đề ngày hôm nay là Biển Đông, chúng ta cũng phải lấy bài học lịch sử ấy để xem xét mà xử lý. Mọi vấn đề dù khó khăn nhất, nếu chúng ta biết nhận thức đâu là lợi ích chính đáng, đích thực, thì cả hai phía sẽ tìm được con đường giải quyết mà không phải động binh đao.

Thách thức trên Biển Đông và sự tự tin của Việt Nam

Tô Lan Hương : Dù là thời chiến hay thời bình, nhiệm vụ tối cao của người lính là bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền đất nước. Biên giới đất liền đã coi là tạm yên, nhưng bao giờ người Việt Nam có thể yên lòng khi nghĩ về Biển Đông ?

Nguyễn Chí Vịnh : Chúng ta luôn nhận thức đầy đủ thách thức về an ninh của mình trên Biển Đông. Nó có thể xâm hại chủ quyền lãnh thổ và dẫn đến xung đột. Đây là những nguy cơ lớn nhất và đang hiện hữu. Cho nên người Việt Nam từ trẻ đến già, ai cũng lo lắng về Biển Đông. Đó là điều dễ hiểu.

Nhìn một cách hình thức, có thể thấy Trung Quốc rất mạnh và đã làm nhiều việc trên Biển Đông. Quyết tâm, tham vọng của họ ngày càng lớn. Chưa kể, họ vô cùng kiên trì để dần dần đạt được tham vọng chủ quyền của mình. Họ không e ngại dư luận nên khó có thể nói không lo lắng. Cả thế giới lo chứ không riêng chúng ta.

Có hai việc cơ bản, quan trọng nhất, để hình thành cách ứng xử trên Biển Đông. Một là, chúng ta phải khẳng định chủ quyền. Không bao giờ chúng ta được mơ hồ về điều đó, không bao giờ được quên điều đó, không bao giờ được buông điều đó. Hai là, phải tin rằng chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền đất nước. Trong đó quan trọng nhất là tự tin - tin vào lòng dân, tin vào đường lối, cách ứng xử của Đảng và nhà nước, trên cơ sở hội tụ ý chí của người dân.

Tô Lan Hương : Ngoài niềm tin, chúng ta phải làm gì để giữ được quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trên Biển Đông ?

Nguyễn Chí Vịnh : Trong cuộc đấu tranh này, việc xác định đầy đủ phạm vi chủ quyền của mình là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải pháp lý hóa những gì chúng ta tuyên bố, những đảo, đá nào chúng ta có chủ quyền, thềm lục địa của chúng ta đến đâu... Dựa trên cơ sở đó, chúng ta phải giữ cho bằng được 21 điểm đảo, 33 điểm đóng quân và các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa. Chúng ta cũng kiên trì đấu tranh cho chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, mặc dù đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhưng Việt Nam không bao giờ từ bỏ, và không được phép từ bỏ.

Chúng ta phải giữ bằng được quyền chủ quyền trên thềm lục địa 200 hải lý và làm cho tất cả các nước hiểu và tôn trọng quyết tâm sắt đá ấy. Chúng ta phải làm cho Trung Quốc và các nước khác tôn trọng, thực hiện luật pháp quốc tế khi hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Duy trì và phát triển lao động hợp pháp của ngư dân, dầu khí, nghiên cứu biển, vận tải, du lịch...

Nếu xác định rõ ràng và quyết tâm như thế, thì tôi có thể trả lời câu hỏi của bạn : Thách thức là có thật, nhưng chúng ta sẽ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trên Biển Đông. Và trên thực tế, hiện nay chúng ta vẫn đang giữ toàn vẹn chủ quyền trên biển đó chứ.

Tô Lan Hương : Nhưng chiến thuật của Trung Quốc ở biển Đông là lấn từng bước mà không cần đến các biện pháp quân sự. Họ áp dụng cách này không chỉ một lần trong lịch sử, và thực tế là nó đã hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về thực tế này ?

Nguyễn Chí Vịnh : Sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông có thể ngày càng nhiều, nhưng bạn có thấy lá cờ đỏ sao vàng cũng đang hiện diện ngày càng dày đặc, thường xuyên, đa dạng trên Biển Đông không ? Các đảo ở Trường Sa của chúng ta ngày càng thêm xanh, thêm đông vui, thêm điện sáng suốt đêm như những ngọn hải đăng Việt Nam ở biển xa, với cuộc sống lao động ngày càng sôi động hơn. Các giàn khoan dầu khí, hoạt động thăm dò, nghiên cứu, bảo vệ môi trường biển, các đoàn tàu du lịch, vận tải biển của thế giới bình yên đi qua Biển Đông. Các chuyến tàu dân sự, quân sự, khoa học của các nước tấp nập đến với Việt Nam... Các ngư trường đánh cá của chúng ta ngày càng xa, ngày càng nhiều. Tất cả đều hợp pháp, phù hợp luật pháp quốc tế. Chúng ta không tranh giành, xâm lấn thêm của ai cả.

Hải quân Việt Nam cũng hiện diện rất chững chạc, tự tin, đàng hoàng và ngày càng nhiều hơn trên Biển Đông. Năm nay chúng ta diễn tập bắn đạn thật ở các đảo Trường Sa. Trong toàn bộ vùng biển Đông Nam Á, vùng biển Việt Nam là an toàn nhất, không có cướp biển, không có buôn người và đang được Cảnh sát Biển bảo vệ rất tốt. Đó là những cái mình làm mà chưa nói, bây giờ tôi nói. Lẽ nào đó không phải là lời khẳng định hùng hồn về chủ quyền của chúng ta.

Vừa qua chúng ta bàn luận nhiều đến sự hiện diện của tàu dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông. Sự quan tâm đó là hợp lý, vì hàng trăm con "tàu lạ" cứ đứng lỳ ra đó mà không làm gì thì cũng thật khó coi. Nhưng đánh giá việc đó như thế nào, bực tức ra sao là một chuyện, còn xử lý như thế nào lại là việc khác. Bộ Ngoại giao ta đã tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng, hải quân, cảnh sát biển nắm chắc tình hình, hiện diện ngay tại đó để bảo đảm rằng luật pháp Việt Nam và quốc tế sẽ được tuân thủ - nếu anh vi phạm luật pháp, tôi sẽ xử lý theo luật. Trong khi đó, các hoạt động lao động của ta trên biển vẫn tiến hành bình thường.

Tô Lan Hương : Vậy nguyên tắc giải quyết của Việt Nam trong tình huống này là gì ?

Nguyễn Chí Vịnh : Kiên quyết, kiên trì nhưng không manh động, không khiêu khích - đó là cách chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Có lần tôi gặp Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ông ta nói : "Cái quan trọng nhất của cả Việt Nam và Trung Quốc, là hai bên đừng hành động quá tay hay tuyên bố quá lời". Tôi trả lời : "Tôi rất đồng tình với đồng chí, vì chúng tôi chưa bao giờ nói và làm quá giới hạn chính đáng cả".

Quan điểm các quốc gia có thể khác nhau, lợi ích cũng khác nhau và đôi khi mâu thuẫn. Năm 2011, sau vụ tàu Bình Minh bị cắt cáp, tôi sang gặp lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, khi hai bên đang tranh luận, ông ta nói : "Nếu tôi nói Trường Sa, Hoàng Sa không phải của Trung Quốc thì tôi không còn là người Trung Quốc. Nhưng tôi hiểu nếu đồng chí nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc thì đồng chí cũng không phải là người Việt Nam nữa. Chúng ta khác nhau và đó là lý do phải ngồi lại với nhau". Rõ ràng họ cũng thấy vấn đề, có điều mình phải kiên trì đấu tranh, thẳng thắn nhưng rất chân thành. Bên cạnh đó, phải luôn duy trì vấn đề này trên các diễn đàn quốc tế, không bao giờ để bất cứ ai bịt miệng. Ở Biển Đông, Việt Nam tự tin có cả chính nghĩa lẫn luật pháp. Đó là điểm mấu chốt, toàn cầu hóa, không phải quốc gia nào muốn làm gì thì làm, bất chấp cả đạo lý lẫn pháp lý được.

mat2

"Nếu thêm cho tôi một dollar xuất khẩu nông sản thì sẽ bớt áp lực đi một dollar để bảo vệ chủ quyền Biển Đông". Ảnh : Giang Huy.

"Thóa mạ giúp chúng ta sướng miệng chứ không giữ được nhà"

Tô Lan Hương : Có lo ngại rằng, một số lãnh đạo có tâm lý ngại Trung Quốc, muốn dĩ hòa vi quý với họ, ông nghĩ sao ?

Nguyễn Chí Vịnh : Thật ra khi có một kẻ đe dọa chủ quyền nước mình thì không ai có thể yên tâm và vui lòng được. Tâm lý nghi ngờ của nhiều người Việt Nam, tôi hiểu, nó rất bình thường. Nhưng điều tôi thấy không bình thường là nhiều người không phân biệt được giữa làm thế nào để giữ chủ quyền với làm gì cho bõ ghét. Việc chúng ta phải làm là giữ nhà, và quan hệ thuận hòa với láng giềng, chứ không phải thoá mạ làm mất mặt họ. Thoá mạ giúp chúng ta sướng miệng, chứ không giữ được nhà, cũng không có yên ổn mà làm ăn.

Tôi khẳng định, không một ai ở đất nước này có suy nghĩ rời bỏ hoặc nhân nhượng về chủ quyền, đặc biệt là những nhà lãnh đạo. Nếu để mất Biển Đông thì quân đội Việt Nam, các nhà lãnh đạo sẽ có tội với đất nước, và cũng sẽ không yên với dân được. Trong quân đội, từ trên xuống dưới, đều coi Biển Đông là sống còn. Chủ quyền lãnh thổ là điều chúng ta tuyệt đối không bao giờ buông tay.

Người Việt Nam cần đặt lòng tin vào Đảng, Nhà nước trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Thêm vào đó, mỗi người chúng ta có thể có những hành động thiết thực hơn để giữ nhà mình, làm sao để đất nước phát triển, thật nhanh, thật vững chắc - đó chính là giải pháp quan trọng nhất để giữ chủ quyền. Tôi muốn chúng ta phải xử lý vấn đề với sự khôn ngoan và tỉnh táo tuyệt đối, đấu tranh giữ chủ quyền, nhưng đừng để mất hòa bình, đừng cản trở sự phát triển của đất nước.

Tôi từng nói : "Nếu thêm cho tôi một dollar xuất khẩu nông sản thì sẽ bớt áp lực đi một dollar để bảo vệ chủ quyền Biển Đông". Đất nước phát triển, biên cương càng vững chắc. Mà phát triển không phải là để đổ tiền mua vũ khí. Trái lại, Trường Sa phải giàu lên để đất nước ngày càng giàu mạnh. Đó chính là giữ nhà. Đừng để những vụ tham ô, tham nhũng bào mòn lòng tin và sức mạnh quốc gia, đó là giữ nhà. Đừng vì yêu ghét mà không nắm bắt, tận dụng cơ hội phát triển của Trung Quốc để Việt Nam cùng phát triển. Đó là giữ nhà. Mỗi người dân hãy cùng đóng góp phát triển, xây dựng kinh tế, để đất nước hùng mạnh. Đó chính là giữ nhà.

Tô Lan Hươngthực hiện

Nguồn : VnExpress, 01/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Thảo, Trần Khát Chân, Tô Lan Hương
Read 1015 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)