Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/06/2021

Tình báo Mỹ nhập cuộc truy tìm nguồn gốc virus corona từ Vũ Hán

Thanh Hà

Washington chưa loại bỏ hẳn giả thuyết virus corona thất thoát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Thái độ "bưng bít" của Trung Quốc là một trong những động lực thúc đẩy tổng thống Joe Biden hôm 26/05/2021 huy động tình báo Hoa Kỳ mở lại điều tra về thảm họa y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới đương đại.

tinhbao1

Trụ sở Viện vi trùng học Vũ Hán, Trung Quốc, nơi virus corona chủng mới "thất thoát" ra bên ngoài ? Hector Retamal AFP/File

Đại dịch ập xuống một phần nhân loại, 180 triệu người bị lây nhiễm và Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của trên ba triệu rưỡi người trên hành tinh. Tất cả bắt nguồn từ "một sự cẩu thả" nào đó của các nhà khoa học Trung Quốc, từ thái độ "bất cẩn" của một số nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán ? Hay tệ hơn nữa virus corona là một loại vũ khí sinh học do Trung Quốc tung ra ? Đó là những câu hỏi nhân viên tình báo Mỹ có 90 ngày để tìm cách giải đáp trong cuộc truy tìm nguồn gốc siêu vi chủng mới SARS-CoV-2.

Ba yếu tố khách quan

Nhà báo Adrien Jaulmes của tờ Le Figaro trong ấn bản ngày 05/06/2021 nêu bật những lý do như sau : Thứ nhất, ngay từ đầu mùa dịch vào những tuần lễ cuối cùng năm 2019 những ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán, nơi có "một trong những viện nghiên cứu vi trùng học hàng đầu thế giới" và cũng chính tại nơi này các nhà khoa học đang nghiên cứu về "con virus đã lây lan ra toàn cầu".

Thứ nhì, giả thuyết "tai nạn" để thất thoát siêu vi SARS-CoV-2 ra khỏi khuôn viên viện vi trùng học Vũ Hán không quá viễn vông. Tác giả bài báo nhắc lại "tai nạn" từ các phòng thí nghiệm thường xảy ra, kể cả tại những phòng thí nghiệm được cho là "an toàn nhất" : trong thập niên 1960 đã có hiện tượng rò rỉ chủng gây bệnh đậu mùa khỏi các phòng thí nghiệm của Anh. Đầu những năm 2000 đã bốn lần giới khoa học ghi nhận những vụ virus "rò rỉ" và "hai trong số đó thất thoát từ một phòng thí nghiệm có tầm cỡ ở Bắc Kinh". Viện vi trùng học Vũ Hán bao gồm nhiều phòng thí nghiệm. Trong số đó có một đơn vị -thuộc cấp P4 do Pháp xây dựng. P4 mà cơ sở có mức độ an toàn cao nhất.

Thế rồi yếu tố khách quan thứ ba khiến chính quyền Biden huy động nhân viên tình báo để mở lại điều tra là do "trong thời gian 2018-2019 nhân viên ngoại giao Mỹ đã ba lần tham quan cơ sở nghiên cứu của viện vi trùng học tại Vũ Hán". Sau đó đã lên tiếng báo động về đến tận Bộ Ngoại giao ở Washington và yêu cầu chính phủ tăng ngân sách để "các nhà khoa học Trung Quốc làm việc ở đây được đào tạo tốt hơn" theo như ghi nhận của phóng viên báo Le Figaro.

Nhiều mối hoài nghi xuất phát từ những thái độ đáng ngờ ở nhiều phía

Vũ Hán là nơi nghiên cứu virus corona, đặc biệt là nghiên cứu virus có nơi loài dơi. Nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này của Trung Quốc và được quốc tế công nhận là bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) làm việc tại Vũ Hán. Nhưng không hiểu vì lý do gì giả thuyết "virus thất thoát khỏi phòng thí nghiệm" đã nhanh chóng bị gạt sang một bên, để chỉ tập trung vào "khu chợ ẩm ướt" của thành phố Vũ Hán, nơi mua bán nhiều loại thú hoang dã. Luận điểm này từng được nêu lên khi dịch viêm phổi cấp tính SRAS bùng lên cách nay đã gần hai chục năm. Khi đó người ta cũng đã đổ tội cho loài dơi, từ dơi lây sang cầy hương, rồi từ cầy hương nhiễm sang người.

tinhbao2

Bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) trong phòng thí nghiệm tại Vũ Hán. Ảnh minh họa

Đến khi dịch Mers (Middle East Respiratory Syndrome – Hội chứng đường hô hấp Trung Đông) gây hoang mang trong công luận thì một lần nữa giới khoa học lại nêu đích danh đây là một loại virus từ dơi lây sang những con lạc đà.

Với đại dịch Covid-19 lần này, các nhà nghiên cứu- kể cả tạp chí y khoa uy tín như The Lancet, đã vội vã bác bỏ giả thuyết "rò rỉ" virus. Thậm chí nhiều tên tuổi trong ngành còn "mạnh mẽ" lên án những ai nghi ngờ "nguồn gốc tự nhiên của virus gây nên Covid-19".

Chính sự hấp tấp đó của giới khoa học lại càng gây thêm nghi ngờ. Adrien Jaulmes quả quyết : lập luận của chính các nhà nghiên cứu không mang tính "khoa học" chút nào. Một trong số những "nhà khoa học" có uy tín của Anh chủ trương nhanh chóng dẹp bỏ giả thuyết thất thoát virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là Peter Daszak. Ông này là chủ tịch hiệp hội phi chính phủ EcoHealth Alliance, trụ sở tại New York mà EcoHealth Alliance lại là một trong số những nhà tài trợ của viện vi trùng học Vũ Hán. Lại cũng qua trung gian của hiệp hội phi chính phủ do ông Daszak điều hành, cho đến tận năm 2017 đã quyên góp quỹ tài trợ của Bộ Y tế Hoa Kỳ để rót vào các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đặc biệt là để hỗ trợ nghiên cứu của bà Thạch Chính Lệ.

Cuối cùng, tổng thống Mỹ, Donald Trump là người đã tấn một đòn chí tử vào giả thuyết virus thất thoát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Phóng viên báo Le Figaro giải thích : đành rằng cựu tổng thống Mỹ hồi mùa xuân 2020 liên tục gọi virus corona là "virus Trung Quốc" và quả quyết siêu vi corona chủng mới "lọt" khỏi các phòng thí nghiệm và ông đã có những "thông tin mật" về vụ này. Thế nhưng ông Trump đã bao lần cho biết ông không mấy tin tưởng các hoạt động tình báo và của nền ngoại giao Hoa Kỳ vì vậy giả thuyết "rò rỉ" virus đã dần bị chìm vào quên lãng.

Yếu tố mới để Joe Biden làm sống dậy một hồ sơ đã chìm vào quên lãng ?

Những yếu tố cho phép trả lời câu hỏi này khá thú vị : đầu tiên hết là tháng Giêng vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo theo một cuộc điều tra đã được xúc tiến trở lại từ tháng 9/2020 tức là hai tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, thì thái độ bưng bít của chính quyền Trung Quốc làm dấy lên sự tò mò của các nhà quan sát Mỹ. Nhất là cả năm sau ngày đại dịch bùng phát, Bắc Kinh vẫn "không hề đưa ra một yếu tố đáng tin cậy nào giải thích về nguồn gốc tự nhiên của virus corona". Thay vào đó thì bộ phận truyền thông Trung Quốc thường xuyên loan báo virus đã du nhập vào Trung Quốc qua "đồ đông lạnh".

Kế từ gần một năm rưỡi sau khi phát hiện những ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán, cũng chưa có bằng chứng nào cho phép xác định hoặc bác bỏ hẳn giả thuyết "tai nạn phòng thí nghiệm" hay kịch bản khủng hoảng lần này là kết quả của những "tên phù thủy non tay" hay Trung Quốc đã tiến hành các nghiên cứu với "mục tiêu quân sự". Nói cách khác, theo tác giả bài báo, chính quyền Mỹ không loại trừ khả năng Bắc Kinh đã sử dụng SARS-CoV-2 như một loại vũ khí sinh học.

Nhưng quan trọng hơn cả là công luận có thể chờ đợi được gì mới từ báo cáo mà trong ba tháng nữa tình báo Hoa Kỳ có bổn phận trình lên chính phủ Liên Bang ? Le Figaro không mấy lạc quan khi nhận định : ngay cả khi chính quyền Biden huy động tình báo Mỹ truy tìm nguồn gốc virus corona, "không có gì chắc chắn là các nhà điều tra Hoa Kỳ sẽ tìm được một cách chắc chắn về nguồn gốc của loại siêu vi chủng mới này, nếu như không có một người Trung Quốc can đảm báo động và mang lại những thông tin mới". Hơn một năm rưỡi sau, những "vết tích đã bị xóa sạch, Bắc Kinh đã thủ tiêu những dữ liệu và đôi khi kể cả những nhân chứng, đã bịt miệng mọi tiếng nói độc lập".

Bên cạnh vỏ bọc "hiện đại bề ngoài" Trung Quốc hiện nguyên hình là đất nước trong tay "một chế độ cộng sản độc tài cổ lỗ, thô bạo nhưng… hiệu quả".

Có điều, vẫn theo nhà báo Adrien Jaulmes, cung cách hành xử của Trung Quốc có thể tới nay đã "hiệu quả" trong việc che đậy nguồn gốc virus corona, thế nhưng ngày nào mà nguồn gốc Covid-19 còn chưa được làm sáng tỏ, thì "chẳng còn ai tin tưởng vào lời nói của Bắc Kinh". Trung Quốc chỉ có thể chinh phục trở lại chữ "Tín" với thiên hạ nếu như chứng minh được một cách thuyết phục rằng virus corona không là một "tai nạn" thất thoát từ một trong những phòng thí nghiệm của nước này.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 07/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 408 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)