Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/06/2021

Covid-19 : Việt Nam đổi chiến lược chống đợt dịch nặng bất ngờ

Thu Hằng

Vừa chống dịch vừa sản xuất, huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước để mua vac-xin và tăng tốc tiêm chủng : Việt Nam buộc phải đổi chiến lược chống dịch trước đợt thứ 4, nghiêm trọng hơn những đợt trước. Liệu Việt Nam đã để lỡ khoảng thời gian sau đợt dịch hồi đầu năm để triển khai tiêm chủng và huy động mọi nguồn lực để mua vac-xin như đang làm khẩn cấp hiện nay ?

tiemchung1

Một điểm tiêm chủng ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam, ngày 08/03/2021  © Reuters – Thanh Hue

Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt ngày 26/05/2021, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng thấy "hơi tiếc là giá như Việt Nam triển khai sớm hơn việc tiêm vac-xin thì có lẽ nó cũng đã phần nào giúp cho sự lây không lớn như vậy và đỡ gây mối lo ngại lớn như vậy trong xã hội".

Dù luôn chuẩn bị tinh thần, nhưng đợt dịch này gây nhiều bất ngờ với biến chủng Ấn Độ B.1.617.2 lây lan nhanh hơn. Liệu có tâm trạng "ngủ quên trên chiến thắng" của cả chính phủ và người dân vì Việt Nam luôn được ca ngợi chống dịch tốt không ? Và Việt Nam có bị bất ngờ về đợt dịch này không ? Trả lời những câu hỏi của RFI tiếng Việt ngày 01/06, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1 tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :

"Khi mà Việt Nam thấy ở Ấn Độ, ở Cam Bốt, Thái Lan, thì cũng nghĩ là "coi chừng mình cũng bị một đợt sóng như vậy", cũng đã nghĩ tới, nhưng hơi bất ngờ ở chỗ là xuất phát điểm từ một nhóm Phục Hưng. Nhóm đó có hai bất ngờ : Thứ nhất là xuất hiện và tấn công ngay khu công nghiệp ở một tỉnh. Thứ hai là cụm truyền giáo đó có đặc thù là lây rất nhanh vì những người trong cụm đó đa ngành nghề, đi nhiều tỉnh. Khi trong đó có một người bệnh thì lây cho nhóm, rồi nhóm đó lại làm những nghề khác nhau thì lây nhanh hơn.

Và cũng có suy nghĩ là sau một thời gian dài không có bệnh là người ta lơ là liền, người ta quên đi việc đeo khẩu trang, giãn cách thì bây giờ bắt đầu làm trở lại. Hy vọng là tất cả mọi người tuân thủ thì sẽ chặn được nguồn lây. Thành ra cũng dạy cho một bài học để mình tính lại hết cho những khu công nghiệp khác, mô hình lây lan khác".

Xét nghiệm mẫu gộp lớn, lập bệnh viện dã chiến

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 03/06, ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa kiểm soát được nguồn lây nhiễm từ ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục Hưng. Từ 40 trên tổng số 55 thành viên của nhóm truyền giáo Phục Hưng bị nhiễm Covid-19, trong đó ca đầu tiên được phát hiện vào ngày 26/05, đã có 280 ca nhiễm được ghi nhận đến ngày 03/06, trong đó 66% người bệnh có triệu chứng. Gần 4.000 người tiếp xúc gần (F1) và trên 274.000 người tiếp xúc xa (F2) đã được lấy mẫu xét nghiệm. Sắp tới các ca F3 (tiếp xúc gần với F2) cũng được xét nghiệm "để đi trước tốc độ lây nhiễm" do "vòng lây ngày càng ngắn". Ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh dự đoán "các ca nhiễm không rõ nguồn gốc có thể tiếp tục gia tăng thời gian tới trong cộng đồng" vì chủng virus được phát hiện có đặc điểm lây nhanh, qua đường không khí, "cộng với mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt...".

Tỉnh Bắc Ninh triển khai chủ trương công nhân sản xuất và ăn, ở luôn tại nhà máy. Ngoài truy vết, giãn cách xã hội, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đã triển khai những biện pháp nào để ứng phó với nguy cơ dịch lan rộng ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết :

"Biện pháp cụ thể là khoanh vùng. Có những khu thì kiểm soát được, có những khu thì đang trong quá trình kiểm soát. Ví dụ như Bắc Giang là bắt đầu kiểm soát được. Người ta làm mẫu gộp, sau đó làm test nhanh kháng nguyên. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tại mới ở giai đoạn đầu, thì chuẩn bị khoanh vùng trở lại để kiểm soát, trong đó cũng có những chiến lược thay đổi, ví dụ như tính toán làm những bệnh viện dã chiến, tính toán đến việc có thể có nhiều ca nhiễm hơn thì sẽ phải làm gì ? Tất cả những điểm đó đã tính toán hết rồi.

Còn về chiến lược xét nghiệm thì đã bắt đầu làm những mẫu gộp lớn, diện rộng, có thể lấy một lúc cả 50.000-60.000 mẫu ở thành phố Hồ Chí Minh. Cả quận Gò Vấp, sắp tới là mở rộng thêm ở những khu công nghiệp, những chung cư có ca nhiễm, người ta sẽ vét hết để làm mẫu gộp, mở thêm những bệnh viện dã chiến và chuẩn bị phân vùng cho những bệnh viện nào sẽ tiếp nhận những bệnh gì, thì đang làm theo hướng đó để dự đoán nếu có chuyện xảy ra, số ca đông hơn thì có đủ nơi để điều trị.

Mới đây nhất là Bộ Y tế đã quyết định sẽ làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện sớm hơn những người dương tính mà không có trong cụm dân cư nghi ngờ. Chiến lược hiện nay là như vậy".

Đủ đồ bảo hộ và trang thiết bị phòng chống dịch

Một vấn đề khác đặt ra là trong trường hợp số ca sẽ còn tăng trong những ngày tới, Việt Nam có chuẩn bị đủ khối lượng thiết bị cần thiết không, đặc biệt là bộ xét nghiệm, trang phục bảo hộ ? Về điểm này bác sĩ Trương Hữu Khanh trấn an là "không phải lo lắng" :

"Vấn đề xét nghiệm sinh phẩm và những kit test nhanh thì hiện nay ở thị trường có khá nhiều, chứ không phải như thời đầu tiên của mùa dịch trước là do sản xuất không kịp, còn hiện nay thì rất dồi dào. Vấn đề là mình có biết cách mua hay không thôi, chứ không sợ thiếu. Và Việt Nam cũng đã chuẩn bị phát triển thêm những máy để làm PCR. Test nhanh thì rất đơn giản, ở đâu cũng có thể làm được, còn kit test thì ở trên thế giới, họ cũng sản xuất rất nhiều, thành ra vấn đề xét nghiệm thì cũng không phải lo lắm.

Thứ hai là trang phục bảo hộ thì cũng đã được chuẩn bị tư thế để có rồi, đặc biệt là Việt Nam cũng sản xuất được những bộ bảo hộ đó để mặc đi chống dịch. Và Bộ Y tế thông báo cho từng cơ sở y tế phải chuẩn bị những dụng cụ đó cho đầy đủ. Tất cả mọi người cùng chuẩn bị thì sẽ đủ.

Còn bệnh viện dã chiến hoặc những trang bị khác thì cũng đã được tính hết rồi. Hy vọng là mình tính vậy thôi chứ không đông đến mức đó nếu mình phòng vệ tốt. Và chờ vac-xin về thì sẽ chích rộng hơn thì lúc đó mới ổn định được.

Đối với trường hợp bệnh nặng, Việt Nam cũng đã phân bố. Có nghĩa là bây giờ sẽ chia ra khu bệnh nhẹ và khu bệnh nặng, chứ không để chung nặng nhẹ thành quá tải. Ngoài ra cũng thông báo cho một số bệnh viện luôn trong tư thế là khi cần thì sẽ triển khai thêm những giường hồi sức. Điểm này cũng đã được tính toán hết".

Tăng tốc huy động mọi nguồn lực để mua vac-xin

Tính đến ngày 03/06, Việt Nam có tổng cộng 1,5 triệu liều vac-xin đã được tiêm. Từ khi phê chuẩn vac-xin AstraZeneca nằm trong chương trình COVAX, Việt Nam đã phê chuẩn khẩn cấp liên tiếp vac-xin Sputnik V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc. Những liều Sinopharm có ở Việt Nam hiện nay là quà tặng.

Sau nhiều lời kêu gọi của một số tổ chức nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân, chính phủ đã ra cơ chế cho lĩnh vực tư nhân và địa phương tham gia nhập khẩu vac-xin. Trong buổi họp báo ngày 03/06, thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nêu lên hai cách : huy động tiền đóng góp cho Quỹ Vac-xin phòng chống Covid-19 hoặc doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu vac-xin từ nguồn tin cậy.

Vac-xin nhập khẩu phải là những "vac-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp chứng nhận hoặc do một số nước Châu Âu, Mỹ, Nga chứng nhận", dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số tại Việt Nam. Đơn vị nào tiếp cận được những vac-xin đó, Bộ Y tế sẽ cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày. Tuy nhiên, để chắc chắn bảo quản vac-xin đúng quy định, Bộ Y tế cũng yêu cầu phải mua trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua trung gian hoặc nhà sản xuất ủy quyền chính thức cho công ty nào đó, nhưng khi mua vẫn phải mua trực tiếp của nhà sản xuất.

Chỉ trong vòng vài tuần gần đây, vấn đề nhập khẩu vac-xin được hối thúc khẩn trương. Thậm chí, ngày 31/05, Bộ Y tế khẳng định không "độc quyền" nhập khẩu vac-xin Covid-19. Nhưng tại sao không chủ trương triển khai từ trước ? Phải chăng tâm lý "phần nào kiểm soát được dịch" tác động đến chiến lược nhập khẩu vac-xin và tiêm chủng của Việt Nam chậm hơn một số nước trong khu vực ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định :

"Cái này thì không biết được ! Tuy nhiên, theo tôi biết thì các nguồn vac-xin thì ở tất cả những nơi khác trên thế giới cũng gặp khó rồi. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có một, hai đợt chích vac-xin. Sắp tới đây hy vọng có nhiều thêm. Chứ không phải Việt Nam không muốn có vac-xin đâu. Việt Nam hiểu dù có chống dịch cỡ nào đi nữa thì cũng không giải quyết được nếu không có vac-xin bởi vì Việt Nam đâu phải là một nước nằm trên đảo, xung quanh có rất nhiều đường biên giới và giao tiếp cũng khá nhiều. Thành ra nếu không có vac-xin thì đâu có giải quyết được. Vấn đề ở chỗ là vac-xin về không kịp. Chứ không phải là Việt Nam nghĩ chống dịch tốt thì không cần vac-xin. Điều đó không đúng ! Việt Nam lúc nào cũng nghĩ đến vac-xin để giải quyết vấn đề dịch bệnh này".

Theo tính toán của Bộ Y tế, sẽ cần đến 25.000 tỉ đồng để mua và tiêm vac-xin. Việt Nam chủ trương dùng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hóa để mua và tiêm vac-xin cho người dân. Chính phủ cam kết "sử dụng đúng mục đích và công khai, minh bạch từng đồng đóng góp" vào Quỹ Vac-xin ngừa Covid-19. Đến tối 04/06, một ngày trước khi ra mắt chính thức, Quỹ đã tiếp nhận được hơn 264,8 tỷ đồng, hơn 8.700 đô la và hơn 2.700 euro, theo trang Thông tin Chính phủ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng hy vọng với việc "Bộ Y tế để một số công ty được quyền nhập theo dịch vụ, theo đúng chuẩn của Việt Nam thông qua" thì "sẽ có nhiều nguồn vac-xin khác nhau". Trang Thông tin Chính phủ cho biết Việt Nam sẽ có 124,9 triệu liều vac-xin Covid-19 trong năm 2021.

Thế nhưng, tiến độ cung ứng phụ thuộc vào nhà sản xuất vì theo giải thích của thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường trong buổi họp báo ngày 03/06, "các công ty đều bắt chúng ta (Việt Nam) thỏa thuận chấp nhận trường hợp nhà sản xuất giao hàng không đúng tiến độ. Sở dĩ có thỏa thuận này bởi Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do vậy có trường hợp vac-xin đang chuyển về Việt Nam nhưng lại bị điều sang nước khác có tình trạng dịch bệnh cấp bách hơn". Bộ Y tế trấn an nguồn vac-xin Việt Nam đặt mua sẽ về đều từ tháng 8 trở đi.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 07/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)