Pháp luật quy định đất công, bất động sản công thuộc sở hữu toàn dân, nhưng trao thẩm quyền định đoạt cho một số cương vị lãnh đạo thuộc bộ máy hành chính. Trong cả lý luận và thực tiễn, người ta đã chỉ ra rằng rủi ro tham nhũng luôn xuất hiện tại những nơi mà quyền lực quyết định không được kiểm soát, nhất là khi thực thi quyền quyết định tạo ra được lợi ích cho một nhóm người nào đó.
Sự tồn tại song song của chủ trương chính trị và giải pháp thị trường về đất đai đã tạo nên khoảng trống pháp luật nhất định, bao gồm cả trong các quan điểm phản biện.
Như vậy, khi bộ máy hành chính có quyền quyết định cả về đất đai và giá trị đất đai thì có thể bị lợi ích chi phối, lúc này chỉ trông chờ vào đạo đức của người có thẩm quyền quyết định.
Từ cách nghĩ trên, có ý kiến là một khi vẫn đơn nguyên chính trị thì chế độ công hữu về đất đai cho dù được coi như một chủ trương chính trị đi nữa, thì rốt cuộc nó vẫn thuộc vào một nhóm quyền lực nào đó, thậm chí có thể kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ của Tổng bí thư.
Trong một trả lời phỏng vấn trên RFA, và sau đó cùng ý này khi trao đổi với người viết, ông Trần Văn Bang, một kỹ sư thủy lợi sống ở quận Bình Thạnh (Sài Gòn), cho rằng "Muốn tư nhân hóa thì thứ nhất phải đa đảng. Phải tự do lập hội và tự do ngôn luận. Thứ hai là sở hữu tư nhân. Thứ ba là tư pháp độc lập. Sở hữu tư nhân phải có tư pháp độc lập.
Bởi vì khi tranh chấp không phải là nhà nước với dân nữa mà là tòa án là người là cầm cân. Song song với việc sở hữu đất đất đai tư nhân, tổ chức, nhà nước thì phải đi đôi với tự do lập hội, với tư pháp độc lập. Tức là tư pháp phi chính trị, tức là quân đội công an không được tham gia vào vấn đề tranh chấp đất đai. Còn anh tranh chấp mà anh mang súng đi thì dân chỉ có thua thôi. Dân thì không có sở hữu súng, không có quân đội".
Thay đổi Luật Đất đai theo góc nhìn của ông Trần Văn Bang, là phải thay đổi thể chế chính trị.
Rõ ràng là quan điểm phản biện trên với các lập luận rất dễ đối mặt về nhóm tội danh về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.
Tuy vậy, tạm gác qua những kiểu chụp mũ quen thuộc, thì trong mỗi một xã hội bao giờ cũng có nhiều nhóm lợi ích khác nhau – kể cả những nhóm lợi ích này nằm trong cùng một đảng chính trị như Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các nhóm lợi ích bao giờ cũng có nhu cầu tiến hành hành động vì một mục tiêu nào đó. Nhưng trên mỗi khía cạnh hay mỗi lĩnh vực của đời sống con người bao giờ cũng có những cách lý giải khác nhau, và do đó có những cách hành động khác nhau để đạt được mục tiêu như vậy.
Phản biện tạo ra một giai đoạn đệm cho quá trình hành động tự nhiên của các nhóm lợi ích, đó là giai đoạn thảo luận và thỏa thuận.
Phản biện làm cho các hành vi chính trị, kinh tế và xã hội trở nên ít chủ quan hơn, tức là sự xung đột của các nhóm lợi ích đã được điều chỉnh thông qua thảo luận và thoả thuận. Nói cách khác, phản biện làm cho những cuộc xung đột trên thực tế trở thành cuộc xung đột của thảo luận, tức là biến sự xung đột lợi ích trong hành động thành các xung đột lợi ích trong thảo luận.
Trở lại với cách đặt vấn đề của kỹ sư thủy lợi Trần Văn Bang.
Luật Đất đai 2013 đã có quy định tại điều 199 và 200 về xây dựng và vận hành cơ chế quản trị tốt để kiểm soát quyền lực quyết định về đất đai. Thế nhưng rất tiếc, luật này đã thi hành từ đó đến nay nhưng 2 điều trên vẫn nằm yên trên giấy. Do vậy nên việc các đại án tham nhũng về đất đai đã xuất hiện, và còn tiếp tục xuất hiện cũng không phải là chuyện lạ ở hôm nay và cả tương lai.
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 10/06/2021