Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/06/2021

Một phụ nữ miền Nam trong Ban lãnh đạo Nhà nước : để làm gì ?

Hương Nhung - Bích Ngọc

Võ Thị Ánh Xuân đầu quân cho phe nào ? Phe Chính – Dũng hay phe Tổng Trọng ?

Hương Nhung, Thoibao.de, 13/06/2021

Bà Võ Thị Ánh Xuân là phó chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử, hiện nay bài mới chỉ có 51 tuổi. Chỉ mới 51 tuổi thì tương lai còn rất rộng mở. Thông thường chức phó chủ tịch nước được xem là vị trí rất cao mặc dù thực quyền không có. Nếu bà Võ Thị Ánh Xuân tham gia phe phái thì khả năng vào Bộ Chính trị là hoàn toàn có thể.

xuan1

Bà Võ Thị Ánh Xuân

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân vào tứ trụ cũng là nhờ tham gia vào phe Nguyễn Tấn Dũng. Phận nữ nhi thì khó mà đấu lại các đấng mày râu trên chính trường, vả lại dù cho là mày râu thì cũng khó có ai đứng độc lập mà có thể leo cao, đấy là quy tắc mà bà Võ Thị Ánh Xuân có thể hiểu được.

Người miền tây Nam bộ cần phải là người của phe Nguyễn Tấn Dũng. Tuy Nguyễn Tấn Dũng nay không còn quyền lực nổi nhưng quyền lực chìm thì ông ta vẫn còn đang rất mạnh, điều đáng nói là thế lực Nguyễn Tấn Dũng lại đang lên nhờ thế hệ tiếp nối Nguyễn Thanh Nghị và sự hỗ trợ của Phạm Minh Chính.

Có vẻ như mà Võ Thị Ánh Xuân muốn kết nối quan hệ với phe Nguyễn Tấn Dũng hay sao mà ngày 7 và ngày 8/6, bà Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã kéo cả đoàn công đến thăm Kiên Giang – tỉnh nhà của Nguyễn Tấn Dũng. Lấy cớ là kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid -19. Kiểm tra việc phòng chống covid chỉ là lý do mà thôi, vì công tác này thuộc chính phủ chứ không thuộc văn phòng chủ tịch nước.

Tại miền tây, có 2 nơi mà bà Võ Thị Ánh Xuân cần phải đi thăm, đó là Kiên Giang và Quân khu 9. Quân khu 9 bao trùm cả miền tay nam bộ và là nơi mà đàn em của Nguyễn Tấn Dũng đang nắm.

Tiếp bà Võ Thị Ánh Xuân có ông Nguyễn Lưu Trung – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang. Ông này được phân công báo cáo tình hình kiểm soát dịch cho bà phó chủ tịch nước.

Phe Nguyễn Tấn Dũng ngày một mạnh

Từ năm 2016-2020 là thời kỳ mà ông Nguyễn Tấn Dũng bị Nguyễn Phú Trọng tấn công mạnh nhất. Đây là thời kỳ có thể nói là thế lực của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ biết co vòi để đỡ đòn những đòn đánh của ông Trọng.

Lần lượt, Trịnh Xuân Thanh bị bắt, Đinh La Thăng vào tù, Trần Bắc hà bị bắt và bị chết trong tù, Hoàng Trung Hải bị truất phế khỏi chức bí thư thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Bình cũng bị loại như Hoàng Trung Hải v.v… Nguyễn Thanh Nghị ngồi ở Kiên Giang cũng không yên, khi làm bí thư tỉnh ủy tỉnh nhà, Nguyễn Thanh Nghị cũng bị sờ gáy 2 lần, một lần là chiếc xe Range Rover Evoque biển số xanh vào năm 2016 và một lần là sai phạm đất đai ở Phú Quốc năm 2020. Tuy nhiên ở lần đó, Nguyễn Thanh Nghị đều vượt qua.

Bây giờ thì Nguyễn Thanh Nghị đã vào chính phủ và nắm chức bộ trưởng bộ Xây Dựng và được Phạm Minh Chính hậu thuẫn, có thể nói từ năm 2021 thì thế lực Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu mạnh trở lại. Là người miền tây thì bà Võ Thị Ánh Xuân rất cần một thế lực đang mạnh trở lại như thế lực Nguyễn Phú Trọng đỡ đầu.

Mới lên làm phó chủ tịch nước mà bà Xuân đã lợi dụng công tác chống dịch để về miền tây kết nối với thế lực này thì xem ra bà Xuân khá khôn ngoan. Như đã nói thì công tác chống dịch là nhiệm vụ của thủ tướng không phải nhiệm vụ của văn phòng chủ tịch nước, mà nếu có thăm công tác chống dịch thì người nên đi là ông Nguyễn Xuân Phúc chứ không phải bà Võ Thị Ánh Xuân.

Kiên Giang là tỉnh lớn và có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Nam Bộ. Vừa có đường biên giới trên bộ vừa có đường biên giới trên biển, nơi đây được Quân Khu 9 bố trí lực lượng rất đông để kiểm soát đường biên giới, đồng thời nơi đây cũng là tỉnh nhà của ông Nguyễn Tấn Dũng. Bà Võ Thị Ánh Xuân chọn Kiên Giang làm điểm đến là một mũi tên trúng hai mục đích. Đó là vừa kết nối được với phía Nguyễn Tấn Dũng và vừa kết nối được với tư lệnh quân khu 9.

Liệu bà Võ Thị Ánh Xuân có tạo ra một tiền lệ ?

Nói đến thành công thì quá sớm, tuy nhiên qua những gì bà Xuân đang làm khi mới ngồi vào chiếc ghế phó chủ tịch nước cho thấy bà đang cố gắng làm khác những người tiền nhiệm. Việc bị quẳng vào chức phó chủ tịch nước xem như đã an bài. Nếu bà Xuân chịu an bài thì chắc là bà không thực hiện những chiến đi mang tính chiến lược như vậy. Ít nhất cho đến bây giờ, bà Xuân đã cho mọi người biết bà không phải là người thích an phận thủ thường.

Tuy trong lịch sử Đảng cộng sản, chưa có phó chủ tịch nước nào mà lên được chức nào cao hơn. Các phó chủ tịch tiền nhiệm của bà Xuân trước đây như bà Nguyễn Thị Định, bà Nguyễn Thị Bình, bà Trương Mỹ Hoa, bà Nguyễn Thị Doan, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đều cho một mẫu số chung là phải về hưu khi xong nhiệm kỳ phó chủ tịch nước.

xuan2

Bà Võ Thị Ánh Xuân về thăm tỉnh nhà của Nguyễn Tấn Dũng

Trước đây, chức phó chủ tịch nước là chức không mấy ai mặn mà với nó cả. Chính vì vậy kể từ năm 1997, Đảng cộng sản đã quy định một quy ước bất thành văn là chức này giành hẳn cho nữ giới xem như như là một trò "bình đẳng giới" giả tạo.

Chỉ tính người trong Đảng cộng sản thì từ năm 1960 cho đến nay đã có 17 phó chủ tịch nước, tuy nhiên trong đó không có một ai vào ủy viên bộ chính trị sau đó. Được biết ngay cả người phó chủ tịch nước cho ông Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến năm 1969 là Tôn Đức Thắng không không vào được bộ chính trị ngay cả khi ông làm chủ tịch nước sau ngày ông Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969.

Không biết khi ngồi vào ghế phó chủ tịch nước bà Võ Thị Ánh Xuân có làm điều gì khác biệt không ? Chưa có tiền lệ phó chủ tịch nước vào Bộ Chính trị, mà một phụ nữ như bà Võ Thị Ánh Xuân đã là ủy viên trung ương đảng 2 nhiệm kỳ thì không thể không có ước mơ vào Bộ Chính trị. Tất cả có 200 ủy viên trung ương đảng nhưng chỉ có 18 ủy viên bộ chính trị thì đủ biết việc chen chân vào Bộ Chính trị khó như thế nào. Tuy khó nhưng không phải là không thể vì giữa nhiệm kỳ còn có bầu Bộ Chính trị bổ sung, nếu thuộc một thế lực chính trị đủ mạnh thì bà Võ Thị Ánh Xuân hoàn toàn có thể vào Bộ Chính trị. Chẳng phải bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng được phe ông Nguyễn Tấn Dũng đưa vào Bộ Chính trị ở giữa nhiệm kỳ đấy sao ?

Nguyễn Tấn Dũng đang có sức hút rất mạnh

Không thể phủ nhận là hiện nay, sức hút của thế lực Nguyễn Tấn Dũng khá mạnh. Có lẽ vì nhiều kẻ cơ hội chính trị đang thấy thế lực Phạm Minh Chính đang lên. Giữa Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng, một trẻ một già, tuy ông Trọng đang nắm quyền lực lớn nhưng mà ông Trọng đang là 77 tuổi và trong người mang nhiều bệnh nền không tốt cho sức khỏe. Có người còn dự đoán ông Nguyễn Phú Trọng khó mà nắm quyền hết 5 năm nhiệm kỳ thứ ba. Nếu muốn xây dựng tương lai cần phải kết nối với Nguyễn Tấn Dũng hoặc Nguyễn Thanh Nghị. Hiện nay Phạm Minh Chính đang ở thế rất cao, nhiều người ở thế thấp khó mà tiếp cận ông thủ tướng này.

Tham gia đầu quân cho một nhóm lợi ích chính trị giống như trò sổ số, nếu thế lực mà họ đầu quân mà thắng lớn thì bản thân họ được thăng tiến trong sự nghiệp còn nếu thế lực mà họ đầu quân thất bại thì họ bị làm dê tế thần. Năm 2016, Nguyễn Tấn Dũng thất bại thì kéo theo hàng loạt tên tuổi trở thành con dê tế thần.

Nếu bà Võ Thị Ánh Xuân mà đầu quân cho một quyền lực chính trị lớn thì bà có khả năng thắng hoặc hòa chứ không thua, vì sao ? Vì thực tế ở ghế phó chủ tịch nước như bà Nguyễn Thị Ánh Xuân thì chẳng thể nào dính bất kỳ sai phạm nào. Có quyền lực thì khả năng sai phạm càng lớn còn không có quyền lực thì khả năng sai phạm ít hơn.

Thứ nhì là bởi bà Xuân là nữ nhi, trong các cuộc đấu đá chính trị chưa thấy người ta đem phụ nữ ra làm dê tế thần. Lấy ví dụ như thế lực Nguyễn Tấn Dũng cài lại Bộ Chính trị sau khi rút lui thì hầu hết là bị mất chức khi chưa hết nhiệm kỳ, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì vẫn được ngồi ở ghế chủ tịch quốc hội đến hết nhiệm kỳ.

Bà Võ Thị Ánh Xuân lợi dụng Covid để về Kiên Giang là bước đi khôn ngoan, tuy nhiên bà có thành công hay không thì lại là vấn đề khác. Nếu thành công, bà có thể là phó chủ tịch nước đầu tiên tiến vào Bộ Chính trị. Có thể lắm, tại sao không ?

Hương Nhung (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 13/06/2021

*********************

Giải mã chuyến vi hành của bà Võ Thị Ánh Xuân, liệu bà Xuân có bắt tay được với Ba Dũng ?

Hữu danh vô thực là từ hợp nhất để mô tả vị trí chủ tịch nước và phó chủ tịch nước. Bà Võ Thị Ánh Xuân được ĐCS bố trí vào chiếc ghế phó chủ tịch nước, nghe thì to lớn thế nhưng thực chất, đây là chiếc ghế hữu danh vô thực.

vtax1

Ngày 6/4/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng tân Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân. Ảnh : Doãn Tấn/TTXVN

Cho đến nay, người mà có thể lên được chủ tịch nước từ ghế phó chủ tịch nước duy nhất đó là ông Tôn Đức Thắng. Ông Tôn Đức Thắng nhân vật mà ĐCS muốn xây dựng thành tượng đài của của giai cấp công nông để tuyên truyền, vì thế ông mới đảng đặc cách như là người duy nhất cho đến nay bước lên ghế chủ tịch nước từ ghế phó chủ tịch nước một cách chính thức. Tuy nhiên dù là làm chủ tịch nước thì ông Tôn Đức Thắng cũng không được vào ủy viên Bộ Chính trị. Nghĩa là thực quyền của ông Tôn Đức Thắng là không có gì.

Người tiền nhiệm của bà Võ Thị Ánh Xuân – bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được tiếp nhận quyền chủ tịch nước từ ngày 21 tháng 9 năm 2018 đến 23 tháng 10 năm 2018 theo luật định vì khi ấy, ông Trần Đại Quang đã chết. Bà Thịnh chỉ tạm quyền đợi khi Quốc hội bầu chủ tịch nước mới. Lúc đó bà Thịnh được giữ quyền chủ tịch nước chỉ 32 ngày.

Phó chủ tịch nước là ủy viên trung ương đảng mà bí thư tỉnh cũng là ủy viên trung ương đảng. Ở nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này bà Võ Thị Ánh Xuân vẫn là ủy viên trung ương đảng, tuy nhiên chức bí thư tỉnh thì có miếng nhưng ít tiếng, ngược lại phó chủ tịch nước chỉ là có tiếng mà không có miếng.

Cũng tương tự như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Võ Thị Ánh Xuân cũng có mối quan hệ phe nhóm. Tuy nhiên nhóm ủng hộ bà Võ Thị Ánh Xuân không mạnh chính vì vậy bà rất dễ bị trung ương di chuyển khỏi chiếc ghế bí thư tỉnh.

Các tỉnh miền tây nam bộ đều là những vị trí mà phe cánh Nguyễn Tấn Dũng – Phạm Minh Chính muốn củng cố lực lượng. Một nữ bí thư tỉnh sẽ không giúp ích được gì nhiều cho phe Chính – Dũng trong các cuộc tranh giành ảnh hưởng.

Võ Thị Ánh Xuân là hoa kiểng

Hiện nay ông Phạm Minh Chính là thủ tướng, tuy nhiên trước đại hội 13, lúc mà trung ương đấu đá khốc liệt để xếp ghế thì ông Phạm Minh Chính là trưởng ban tổ chức trung ương – một vị trí mà có thể sắp xếp nhân sự cấp ủy viên trung ương đảng.

Ông Lê Hồng Quang, trước đây là Phó chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao, là người duy nhất quê An Giang là ủy viên trung ương đảng. Ông Quang nhiều năm lăn lộn ở Trung ương đã tạo quan hệ rất tốt, mà đặc biệt là mối quan hệ với Phạm Minh Chính. Việc đưa ông Lê Hồng Quang về thay cho bà Võ Thị Ánh Xuân làm bí thư tỉnh là một nước cờ khá hay của Phạm Minh Chính. Bà Võ Thị Ánh Xuân được đưa ra Hà Nội làm phó chủ tịch nước xem ra như là giải an ủi.

Như đã nói, chức phó chủ tịch nước gần như không có thực quyền gì, đây là vị trí mà đảng chỉ dùng để trang trí cho đẹp. Chưa có phó chủ tịch nước nào mà vào được ủy viên bộ chính trị, chưa có chủ tịch nước nào tiến thân cao hơn nữa. Phụ nữ nào mà ngồi vào ghế phó chủ tịch nước thì xem như nắm chắc suất về hưu.

Rất nhiều đời phó chủ tịch nước tồn tại một cách thầm lặng, nhưng liệu rằng bà Võ Thị Ánh Xuân có làm khác hay không ? Thực tế bà Võ Thị Ánh Xuân là phó chủ tịch nước còn rất trẻ, hiện nay bà chỉ mới 51 tuổi, nghĩa là tuổi đời sinh hoạt chính trị của bà còn khá dài. Với quỹ thời gian dài như thế, liệu rằng bà Võ Thị Ánh Xuân có làm điều gì khác biệt so với các người tiền nhiệm của bà hay không ? Tương lai còn ở phía trước, nếu ngồi ở ghế phó chủ tịch nước 2 nhiệm kỳ thì bà Xuân vẫn chỉ mới 61 tuổi, không biết lúc ấy bà có vào được Bộ Chính trị hay không ?

Bà Võ Thị Ánh Xuân thực hiện chuyến vi hành đầu tiên

Chắc chắn bà Võ Thị Ánh Xuân không muốn theo lối mòn của người tiền nhiệm vì đơn giản bà còn rất trẻ, mà càng trẻ thì càng tham vọng. Mới lên làm phó chủ tịch nước chưa bao lâu, thì ngày 7/6 bà Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân về thăm An Giang. Theo báo chí nhà nước thì bà Xuân cùng đoàn công tùy tùng đã đến thăm vùng biên giới An Giang. Đơn vị mà bà Xuân thăm là Bộ Tư lệnh Biên phòng, Quân khu 9. Được biết quân khu 9 là lãnh địa của Nguyễn Tấn Dũng, việc đến thăm lực lượng này nói lên nhiều điều, có vẻ như bà Võ Thị Ánh Xuân muốn tạo mối quan hệ với thế lực lớn nhất miền tây nam bộ này.

vtax2 (2)

Bà Võ Thị Ánh Xuân thăm An Giang

Được biết Quân khu 9 đang là nơi mà ông Nguyễn Phú trọng đánh phá rất mạnh. Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 (từ 11 đến 14/5), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị ông Nguyễn Phú Trọng xem xét thi hành kỷ luật Thiếu tướng Trần Văn Tài – Phó tư lệnh Quân khu 9 (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bạc Liêu) bằng cách cách hết tất cả cá chức vụ của ông này. Chưa hết, ông Trọng cũng làm tương tự với ông Lâm Văn Tâm – đại tá trưởng phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Quân khu 9 (nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Long).

Đại tá Lê Hoàng Giữ – Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 (nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và đại tá Đỗ Minh Đẩu – Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bạc Liêu bị cảnh cáo. Những cá nhân bị kỷ luật được xác định "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát ; vi phạm quản lý, sử dụng tài chính và đầu tư, mua sắm trang thiết bị, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước"…

Quân khu 9 thì ngay cả ông Trọng còn lo lắng thì đủ thấy đây là đơn vị có sức ảnh hưởng như thế nào. Việc bà Võ Thị Ánh Xuân trở về An Giang, lấy tư cách là phó chủ tịch nước tạo mối quan hệ với lãnh đạo của đơn vị quân đội này được cho là một nước cờ khôn ngoan. Thành công hay không thì chưa biết, nhưng ít ra cũng phải tạo một mối quan hệ với nhóm lợi ích đang lên hiện nay.

Nguyễn Tấn Dũng thì đang liên kết chặt chẽ với Phạm Minh Chính, Phạm Minh Chính về Cầ Thơ làm đại biểu quốc hội để hợp cùng thế lực Ba Dũng và cũng để tận dụng mối quan hệ Ba Dũng ở Miền Tây tạo thành sức mạnh.

Tư cách bí thư tỉnh đề xuất gặp lãnh đạo quân khu chưa chắc gì được vì tư cách bí thư tỉnh còn bé lắm, tuy nhiên lấy tư cách là phó chủ tịch nước để đến thăm lãnh đạo quân khu thì hoàn toàn có thể. Tuy chức phó chủ tịch nước là hữu danh vô thực nhưng trên danh nghĩa vẫn là người phó của một nguyên thủ. Bà Võ Thị Ánh Xuân đi thăm quân khu 9 có thể nói bà đã đi nước cờ khá hay, tuy nhiên thành công hay không thì còn phải chờ.

Liệu bà Nguyễn Thị Ánh Xuân có phá được dớp ?

Làm phó chủ tịch nước là "ngồi chơi xơi nước rồi đợi đến ngày về vườn" đấy là viễn cảnh, bởi các phó chủ tịch nước tiền nhiệm của bà Võ Thị Ánh Xuân cũng không thể thoát khỏi "cái dớp" này được. Vậy câu hỏi đặt ra là bà Võ Thị Ánh Xuân có phá được cái dớp này hay không ?

Điều mà ai cũng thấy, đó là bà Võ Thị Ánh Xuân đang ở độ tuổi còn rất trẻ so với các người tiền nhiệm của bà. Vì vậy bà Xuân cũng có cơ hội để làm khác các người tiền nhiệm kia. Việc thăm quân khu 9 là một trong những mong muốn như vậy. Không người phụ nữ nào không muốn có được vị trí như bà Nguyễn Thị Kim Ngân trước đây, hay ít ra cũng như bà Trương Thị Mai hiện nay. Thêm vào đó là trong Bộ Chính trị hiện nay rất ít phụ nữ, rất có thể vào nhiệm kỳ sau phụ nữ sẽ được ưu tiên ứng cử vào ghế ủy viên Bộ Chính trị.

Có thể dự đoán, thế lực Phạm Minh Chính sẽ là mạnh nhất sau 5 năm nữa và bà Võ Thị Ánh Xuân nếu gia nhập được nhóm lợi ích này cũng là một lợi thế rất lớn. Không biết bà Võ Thị Ánh Xuân có thành công hay không, nhưng rõ ràng nước cờ của bà này là khá khôn ngoan. Không một người nào tiến vào Bộ Chính trị mà không được sự đỡ đầu của nhóm lợi ích nào đó, và bà Võ Thị Ánh Xuân cũng không thể là ngoại lệ.

Bích Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 12/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hương Nhung, Bích Ngọc
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)