Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/06/2021

Chỉ tự do chính trị mới giúp Việt Nam chống được tham nhũng

Nguyễn Quang Duy

Được BBC tiếng Việt phỏng vấn về bản chất tham nhũng tại Việt Nam kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho biết trong thời kỳ kháng chiến, đời sống khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên không có tham nhũng.

thamnhung01

Đến 30/4/1975 đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, vào miền Nam, tận mắt thấy xã hội tư sản, cán bộ cộng sản mới nảy sinh ham muốn nhà cao cửa rộng, cuộc sống xa hoa, nên : "Đạo đức cách mạng đã bị phá vỡ, tinh thần và lối sống hưởng thụ đã ngự trị, tư tưởng chính trị suy thoáị, đạo đức dần dần phai nhạt…, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài" (1).

Cách suy nghĩ của ông Bùi Kiến Thành làm người đọc dễ hiểu lầm về bản chất của chủ nghĩa cộng sản và bản chất của chủ nghĩa (tự do) cá nhân.

Vì ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, ngày 6/9/1950 Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân trang Tổng cục Cung cấp đã bị xử bắn tại Thái Nguyên về tội tham nhũng :

"…Châu đã dùng quyền lực ‘ban phát’ ăn mặc, nên Châu đã giở trò ăn cắp công quỹ, cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội Châu ăn bớt 2 tấc vải xô, nên bộ đội cứ ngồi lên là đầu chạm đình màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người biết đấy nhưng không dám ho he…".

Đó là phát súng đầu tiên mở màn phong trào Chỉnh Huấn Chỉnh Quân, sau đó trên báo Nhân Dân cũng xuất hiện khá nhiều bài chống tham ô lãng phí.

Sau khi tiếp thu miền Bắc các văn kiện Đại Hội Đảng cộng sản Việt Nam đã ghi rõ tệ nạn tham nhũng hoành hành tại miền Bắc Việt Nam.

Trong dân gian lưu truyền những câu ca dao về tệ nạn tham nhũng như :

"Mỗi người làm việc bằng hai

Để cho cán bộ mua đài, mua xe

Mỗi người làm việc bằng ba

Để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân"

hay

"Thủ kho to hơn thủ trưởng

Vào nhà thủ trưởng tưởng là kho

Nhà thủ kho to hơn nhà thủ trưởng".

Như thế, tham nhũng và tư lợi đã có ngay khi đảng cộng sản mới cầm quyền vì hệ thống cộng sản vận hành theo cách tóm thâu quyền lực và ban phát quyền lợi cho đảng viên trung thành.

Ở miền Nam, sau ngày 30/4/1975 Đảng cộng sản tước đoạt nhà cửa và tài sản của người dân miền Nam rồi phân chia cho cán bộ như chiến lợi phẩm chính là một hình thức ban phát quyền lợi hay thưởng công cho những đảng viên trung thành.

Đảng cộng sản "hư thối" vì ai ?

Kinh tế gia Bùi Kiến Thành còn nhìn vào mặt trái của chủ nghĩa cá nhân đơn giản hóa vấn nạn tham nhũng bằng cách ví von :

"Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, tôi thấy, như đang là một thùng táo, mà trong đó đã có quá nhiều quả hư thối, nếu không dứt khoát loại bỏ, thì cả thùng sẽ bị tiêu diệt.

Hay cũng như một quả mít trên cây, bị sâu chích thối hết một phần, nếu không kiên quyết cắt bỏ phần thối, thì cả trái sẽ thối hết và tự nó sẽ rụng, mà không cần đến một ‘thế lực phản động’ nào rung cây, phá hoại cả".

Theo tôi nếu nhặt được các quả táo hư hay cắt bỏ được phần thối của quả mít mà giải quyết được tình trạng tham nhũng và vô số những tiêu cực khác thì Đảng cộng sản đã làm rồi không phải đợi đến ngày nay.

Ngày 8/3/2016 tại "Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng và lãng phí", Thiếu tướng công an Phan Anh Minh cho biết theo Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị thì việc theo dõi và xét xử đảng viên là chuyện nội bộ của Đảng cộng sản : "Công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên nên không thể phát hiện được tham nhũng".

Nên thực chất các cuộc chiến chống tham nhũng, kể cả vụ Đại tá Trần Dụ Châu bị xử tử trong thời kháng chiến chống Pháp nói bên trên, chỉ là những cuộc thanh trừng nội bộ đảng cộng sản.

Văn hóa giả dối

Trong bài phỏng vấn, ông Bùi Kiến Thành có nhắc đến "đạo đức cách mạng" của hai nhân vật là "thần tượng" của ông Thành.

Thứ nhất là bà Nguyễn thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Hội Đàm Paris, người mà trong một thời gian dài đã được đồn thổi là con gái của cụ Nguyễn An Ninh.

Cho đến mãi sau này khi con cháu cụ Nguyễn An Ninh lên tiếng bà Nguyễn thị Bình có tập kết ra Bắc nhưng không tham gia vào các hoạt động của cộng sản.

Lúc ấy mới có thông tin "chính thức" về người mà ông Thành nói đến tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa cháu kêu cụ Phan Chu Trinh là ông ngoại (không rõ thông tin này có thật không).

Nhân vật thứ hai là Hồ Chí Minh, những người như các ông Hoàng Tùng, Đoàn Duy Thành, Bùi Tín và cả guồng máy của đảng cộng sản trong một thời gian dài đã tạo ra nhiều huyền thoại khác nhau nhằm che đậy việc ông Hồ ra lệnh xử tử điền chủ Nguyễn Thị Năm.

Nhờ những thông tin từ các huyền thoại tôi mới biết đến bà Nguyễn Thị Năm và nhờ đó mới phát hiện bài "Địa chủ ác ghê" của C.B. (Của Bác) đăng trên báo Nhân Dân.

Tôi đã công bố tài liệu này trên trang talawas ngày 25/01/2007, trong bài viết "Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất" (2).

Đến năm 2014, qua tác phẩm "Đèn Cù" tác giả Trần Đĩnh, từng làm việc cho báo Nhân Dân, đã xác nhận bài "Địa chủ ác ghê" do chính ông Hồ viết.

Tác giả Trần Đĩnh còn cho biết : ông Hồ đã "che mặt, bịt râu" đến tham dự cuộc đấu tố và cuộc xử bắn bà Nguyễn thị Năm.

Tôi nhắc đến Cải cách ruộng đất vì nó đã tiêu diệt cả tầng lớp nho sĩ và trí thức tại miền Bắc, nó phá vỡ nền móng tín ngưỡng và văn hóa truyền thống Việt Nam, phá vỡ mọi nền tảng giúp giảm thiểu nạn tham nhũng tại miền Bắc trước đây.

Tự do cá nhân

Tôi có thể tự tin mà nói rằng miền Bắc đã được miền Nam giải phóng từ một xã hội đơn điệu từ cách ăn mặc, sinh hoạt đến cách suy nghĩ để ngày càng tự do và đa dạng hơn.

Ngày nay các ước muốn tự do cá nhân như tự do cư trú, đi lại, làm ăn buôn bán, đến việc riêng tư, ăn nói, thờ phụng và nhiều quyền tự do khác của người dân cả hai miền Bắc Nam đã không còn bị nhà cầm quyền cộng sản giới hạn hay cấm đoán như trước đây.

Nói rõ hơn là Đảng cộng sản không còn khả năng kiểm soát, hay họ chỉ còn đủ năng lực tập trung vào việc kiểm soát chính trị và bảo vệ chế độ.

Người dân Việt và nhất là tầng lớp thanh niên sinh viên, những người trẻ đã được thưởng thức trái ngọt của tự do cá nhân càng ngày càng tránh xa Đảng cộng sản, nên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải nhìn nhận tình trạng "chán Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" tại Việt Nam.

Nhưng vì thiếu tự do chính trị nên xã hội mới bộc phát những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, thiếu minh bạch trong thu chi tiền từ thiện, mê tín dị đoan và rất nhiều tật hư, thói xấu phát sinh từ chủ nghĩa cá nhân.

Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem sự liên đới giữa tự do cá nhân và tự do chính trị ra sao.

Tự do được phân loại thành tự do cá nhân (đã được kể ra ở phần trên) và tự do chính trị.

Tự do chính trị bao gồm các quyền lập hiến, quyền tự do bầu cử, ứng cử, lập đảng chính trị, đối lập, báo chí, ngôn luận, biểu tình… những quyền mà người Việt chưa có.

Tự do chính trị thường được gọi là tự do dân chủ vì nhờ đó mới có được một thể chế dân chủ tam quyền phân lập rõ ràng.

Từ đó mới có được một hệ thống luật pháp công minh chống lại tham nhũng và những tiêu cực do tự do cá nhân gây ra.

Luật pháp công minh cũng giúp bảo vệ những quyền tự do cá nhân không để nhà nước hay nhân viên nhà nước lạm quyền hay tước quyền mà người dân đã giành được.

Đổi mới chính trị

Kinh tế gia Bùi Kiến Thành có nhắc đến Đại hội VI (1986), một đại hội mà Đảng cộng sản đã phải công khai tuyên bố "đổi mới không thì chết", sau đó chính ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trần Xuân Bách đã phải nhìn nhận rằng thay đổi chính trị là điều tất nhiên :

"Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân".

Trong khi một người cộng sản như ông Trần Xuân Bách nhìn nhận Đảng cộng sản phải thay đổi cả chính trị lẫn kinh tế, thì thành phần trí thức và chính trị gia Mỹ theo chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) và thành phần thiên cộng lại cổ vũ việc công nhận thể chế cộng sản và thương mãi tự do với các nước theo cộng sản.

Họ dựa trên một giả thuyết vô cùng đơn giản là khi Mỹ và các quốc gia Tây Phương mở cửa giao thương thì cộng sản sẽ có "thiện chí" tự thay đổi để chấp nhận tự do dân chủ.

Trên thực tế Đảng cộng sản Trung Hoa đã không nới lỏng tự do chính trị mà còn sử dụng mọi thủ đoạn để đạt được tham vọng bá chủ hoàn cầu.

Những sai lầm về mặt tư tưởng của chủ nghĩa tân tự do và toàn cầu hóa gây cho nước Mỹ ngày càng tụt hậu, công nhân mất việc, giới trẻ không có việc làm, xã hội phân hóa, chính trị rối ren, mất quyền kiểm soát các tổ chức quốc tế và lề luật chung cho toàn thế giới.

Hiện nay, tôi thấy Hà Nội một bên thì cậy nhờ Trung Quốc, bên kia thì dựa vào phía Mỹ để sống còn nên con đường đi tới của quốc gia đang bế tắc.

Trong 30 năm qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn phải vay mượn quốc tế mà chi tiêu với nhiều sai trái, lãng phí và tham nhũng, cứ xem vụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì rõ.

Nay, đến lúc phải trả cả tiền vốn lẫn tiền lời nên họ đang rơi vào tình trạng thiếu ngoại tệ để trả nợ.

Bị các chủ nợ quốc tế kiểm soát nên Đảng cộng sản không thể lộ liễu in tiền như thập niên 1980, dẫn đến tình trạng ngân sách cứu trợ đã công bố nhưng thiếu tiền mặt để chi và thiếu cả ngoại tệ để mua thuốc chủng ngừa Covid 19. Do đó nhà cầm quyền phải lập Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 xin từ tiền quà sáng của đứa trẻ đến tiền hưu bổng của cụ già, điều này đã nói rõ thực trạng và thực lực của Đảng cộng sản Việt Nam.

Cần có tự do chính trị

Theo ông Bùi Kiến Thành thì "Thực trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, có thể coi như là một thứ virus nguy hiểm hơn cả Covid-19", nên tôi nhận thấy lối thoát là phải lấy tự do chính trị làm thuốc ngừa tham nhũng và các tiêu cực do chủ nghĩa cá nhân gây ra.

thamnhung1

Theo kinh tế gia Bùi Kiến Thành, tham nhũng ở Việt Nam như một loài virus có mức độ nguy hiểm hơn cả Covid-19 (hình minh họa)

Nói đến tự do chính trị thì phải trở lại các điều mà Đảng cộng sản sau này gạt bỏ, gồm quyền lập hiến và các quyền chính trị được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1946.

Các hiến pháp sau này chỉ là những bản sao các Cương lĩnh của Đảng cộng sản, đều đã không được mang ra trưng cầu dân ý, vì thế muốn giải quyết những bế tắc tại Việt Nam thì phải bắt đầu lại từ đầu.

Người dân Việt trong và ngoài nước phải giành lại quyền lập hiến, bầu lên một Quốc hội Lập hiến, soạn một Hiến pháp, xây dựng một thể chế tam quyền phân lập, soạn ra những điều luật mới chống tham nhũng và chống lại mọi tiêu cực xã hội do chủ nghĩa cá nhân gây ra.

Đây là con đường duy nhất để có thể đưa đất nước Việt Nam đến tự do, dân chủ, giàu mạnh, bảo toàn chủ quyền quốc gia.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi, 16/06/2021

Chú thích :

(1) "Tham nhũng là virus 'nguy hiểm hơn Covid' và thùng táo Đảng 'nhiều quả thối'", BBC, 07/06/2021

(2) Nguyễn Quang Duy, "Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất", talawas, 25/01/2007

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quang Duy
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)