Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/06/2021

Chính quyền Biden tiếp tục tăng cường sức ép kinh tế với Trung Quốc

Đỗ Hoàng

Ngày 3/6/2021, Tổng thống Biden ký sắc lệnh trừng phạt 59 công ty Trung Quốc nhằm ngăn chặn đầu tư từ Mỹ vào các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ của Trung Quốc. Lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực vào ngày 2/8/2021 (sau khi ký sắc lệnh 60 ngày) và thời gian để các nhà đầu tư Mỹ thoái vốn trong các công ty này là một năm. Động thái này cho thấy Chính quyền Biden không chỉ duy trì mà còn mở rộng các biện pháp gây sức ép về kinh tế lên Trung Quốc của Chính quyền tiền nhiệm.

bidentrungquoc1

Danh sách trừng phạt được mở rộng

So với sắc lệnh ngày 12/11/2020 của Chính quyền Trump, danh sách trừng phạt của Chính quyền Biden rộng hơn rất nhiều. Trump đưa 31 công ty Trung Quốc vào danh sách "đen", gồm những tập đoàn nổi tiếng như China Telecom, China Mobile, Huawei, Hikvision hay Điện tử Panda… Biden đưa thêm 28 công ty vào danh sách này, bao gồm Tập đoàn Sản xuất Vật liệu Bán dẫn Quốc tế SMIC (nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu Trung Quốc), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia CNOOC (một trong số ba nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc) và Công ty Truyền thông Vệ tinh SATCOM (công ty chế tạo máy bay có Internet vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc)…

Sắc lệnh lần này của Biden còn mở rộng cả phạm vi thách thức. Trump chỉ tập trung vào các khu phức hợp công nghiệp - quân sự được cho là cung cấp thiết bị hoặc hỗ trợ các hoạt động an ninh, quân sự và tình báo của Trung Quốc. Trong khi đó, Biden nhắm vào cả việc Trung Quốc phát triển và sử dụng các công nghệ giám sát vào các hoạt động đàn áp hay vi phạm nhân quyền, coi đây là thách thức đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế Mỹ.

Điều này phù hợp với ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Biden về giá trị dân chủ và nhân quyền – điều mà chính sách thời Trump không chú trọng. Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken về chính sách đối ngoại ngày 3/3/2021 đã đặt dân chủ nhân quyền ở vị trí thứ ba trong tổng số tám ưu tiên đối ngoại và khẳng định Chính quyền mới sẽ không theo đuổi ưu tiên này bằng các biện pháp phi quân sự. Tuyên bố của Tổng thống ngày 4/2/2021 cũng khẳng định Mỹ sẽ đương đầu với các thách thức đối với các giá trị dân chủ từ Trung Quốc. Trong 100 ngày đầu, Chính quyền Biden đã có các biện pháp hiện thực hóa định hướng này như trở lại Hội đồng nhân quyền Liên hợp Quốc, trừng phạt phe quân sự đảo chính ở Myanmar, lên án tội ác diệt chủng tại Tân Cương và đàn áp ở Hồng Kông…

Động thái này cũng tiếp tục xu hướng áp đặt sức ép kinh tế liên tiếp lên Trung Quốc vào cuối Chính quyền Trump và đầu Chính quyền Biden. Cụ thể, ngày 7/12/2020, Mỹ tuyên bố trừng phạt các cá nhân Trung Quốc liên quan đến luật dẫn độ gây tranh cãi tại Hồng Kông. Ngày 22/12/2020, Mỹ công bố danh sách các công ty Trung Quốc bị hạn chế nhập khẩu hàng và công nghệ của Mỹ vì có quan hệ với quân đội. Ngày 12/3/2021, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) liệt thêm 5 công ty Trung Quốc vào danh sách các mối đe dọa an ninh quốc gia để bảo vệ mạng lưới truyền thông Mỹ. Ngày 17/3, Mỹ tuyên bố trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc vì dính líu đến việc thay đổi luật bầu cử ở Hồng Kông. Gần đây nhất, ngày 8/4/2021, Chính quyền Biden đưa thêm bảy công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì tham gia xây dựng "siêu máy tính" cho quân đội nước này.

Xu hướng này không chỉ đến từ Mỹ mà còn được thúc đẩy bởi những nước khác dù ở mức độ nhẹ hơn : Ý và Pháp năm 2020 đều có các biện pháp ngăn chặn Tập đoàn Huawei triển khai mạng lưới 5G tại nước mình ; một số nước Trung Âu và Mỹ La-tinh khác như Cộng hòa Séc, Brazil hay Romani cũng triển khai chính sách tương tự dưới tác động của Mỹ ; Anh và EU tháng 3/2021 ban lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của một số quan chức liên quan tới việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương – lần đầu tiên trong ba thập kỷ Anh và EU trừng phạt Trung Quốc về nhân quyền…

Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ nhưng chỉ là hình thức ?

Đáp lại trừng phạt mới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho rằng động thái của Mỹ là có "động cơ chính trị", Mỹ đã phớt lờ thực tế và làm tổn hại nghiêm trọng các quy luật thị trường thông thường cũng như lợi ích của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Luận điểm này có lời lẽ tương tự các tuyên bố trước đó của Trung Quốc khi bị Mỹ trừng phạt. Trước các lệnh trừng phạt tháng 12/2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ vi phạm các nguyên tắc quan hệ quốc tế cơ bản, "lạm dụng" khái niệm an ninh quốc gia để chèn ép các công ty nước ngoài hay tuyên bố sẽ có các biện pháp "cương quyết" để đáp trả…

Dù mạnh mẽ đáp trả bằng lời, Trung Quốc hầu như chưa trừng phạt lại các doanh nghiệp tương tự của Mỹ tại nước mình. Có thể, Trung Quốc vẫn cần các công nghệ của Mỹ hơn (các lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc được cho là vẫn sử dụng công nghệ vệ tinh của Mỹ để tăng cường năng lực đối thoại và giám sát các thực tể tại Biển Đông). Ngoài ra, các công ty Mỹ tại Trung Quốc như Qualcomm, Intel hay Apple… đem lại nguồn cầu nhân lực dồi dào, góp phần giúp Trung Quốc giải quyết bài toán thất nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch tiếp diễn.

Tác động của các sức ép kinh tế từ Mỹ

Trừng phạt của Mỹ với Trung Quốc có hiệu quả hay không (so với mục tiêu của Mỹ) là điều vẫn cần xem xét. Thứ nhất, Trung Quốc khó lòng thay đổi chính sách trong các vấn đề như Hồng Kông hay Tân Cương – điều Chính quyền Biden coi là các hoạt động đàn áp nhân quyền – bởi Trung Quốc coi đây là các công việc nội bộ. Trong bối cảnh kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản, Trung Quốc càng ít khả năng có các động thái có thể bị coi là "nhượng bộ" hơn.

Thứ hai, trừng phạt có thể khiến Trung Quốc thúc đẩy quá trình cải cách trong nước, mang lại tác dụng ngược so với mong muốn của Mỹ. Trong vài năm trở lại đây, Chủ tịch nước Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng công nghệ bền bỉ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Kế hoạch Năm năm gần vào tháng 3/2021 của Trung Quốc đã lần đầu tiên coi phát triển công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia, gia mức tăng ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) lên 7% mỗi năm. Mất đi nguồn đầu tư từ Mỹ có thể là động lực khiến các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc dựa vào nguồn lực trong nước nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các trừng phạt kinh tế của Mỹ cũng thường xuyên vấp phải nhiều quan ngại khác khi : (i) trừng phạt có tác động tiêu cực ngoài ý muốn tới các nhà đầu tư và công ty Mỹ (nhiều công ty đã vận động hành lang chống lại các trừng phạt Trung Quốc) ; (ii) nhiều trừng phạt không trực tiếp nhắm vào những quan chức quan trọng trong bộ máy của Tập Cận Bình ; (iii) trừng phạt không có tiêu chuẩn rõ ràng và thường được áp dụng chọn lọc (Mỹ trừng phạt phe quân sự Myanmar nhưng không trừng phạt phe quân sự Thái Lan) ; và (iv) khi khoảng cách sức mạnh kinh tế Mỹ - Trung thu hẹp dần và hiện diện kinh tế của Trung Quốc trên toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, giá trị trừng phạt kinh tế Mỹ cũng giảm thiểu.

Đỗ Hoàng (Viện Biển Đông)

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 10/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đỗ Hoàng
Read 355 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)