Vì mất niềm tin vào hệ thống tư pháp Việt Nam, luật sư Lê Văn Hòa đã bỏ nghề. Theo tôi, nhận định của ông Hòa phản ánh đúng thực tế mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam với các cá nhân và các tổ chức dân sự. Câu hỏi đặt ra trong bài này là tại sao công lý không được thực thi ? Và tôi cho rằng đó là do xã hội Việt Nam thiếu tính đa nguyên.
Quyền lực nằm trong tay một nhóm thiểu số đầy sức mạnh
Đa nguyên (plurality) là tình trạng mà trong đó quyền lực được phân tán giữa nhiều nhóm áp lực kinh tế và ý thức hệ khác nhau chứ không do một nhóm hay một nhóm tinh hoa duy nhất nắm giữ. Tình trạng đa nguyên được cho là có lợi cho xã hội và các nhóm thiểu số hay có ít quyền lực (1).
Đầu tiên, theo Weber, nhà nước là thế lực độc quyền bạo lực trong các quốc gia (2). Tại Việt Nam, nhà nước nằm trong tay Đảng cộng sản Việt Nam. Thực tế này được phản ánh qua Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam :
"Đảng cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Điều này cũng được thể hiện qua tỷ lệ đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam trong Quốc hội. Thậm chí, một số người còn cho rằng quyền lực trong Đảng cộng sản Việt Nam được nắm giữ bởi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị (3). Nếu điều này là đúng, quyền lực tại Việt Nam chỉ tập trung vào khoảng 200 thành viên của TƯ Đảng. Đó là lý do mà người ta nói là chế độ đảng trị.
Khi quyền lực tập trung vào một thiểu số rất nhỏ này, các cá nhân và các tổ chức xã hội khác đương nhiên không có khả năng đòi công lý trong các tranh chấp với họ. Những tai họa xảy ra cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Cao Đài chính thống, Giáo hội Công giáo, theo cách ít người biết hơn, cho những người bất đồng chính kiến là minh chứng cho tình trạng này.
Công bằng mà nói, Việt Nam không phải là nơi duy nhất mà công lý vắng bóng. Ở Hoa Kỳ, trong thời gian trước những năm 60 của thế kỷ trước, khi quyền lực nằm trong tay người da trắng. Người da đen cũng phải sống trong cảnh bất công. Họ có thể bị bắt, bị đánh đập, thậm chí bị giết mà không cần có quyết định của tòa án (4). Những kẻ thủ ác cũng ít khi phải chịu trách nhiệm đầy đủ trước pháp luật. Nói nôm na, Hòa Kỳ, trong thời kỳ đó, được cai trị bởi chế độ chủng tộc (da trắng) trị.
Ở Miến Điện, nơi quân đội độc quyền bạo lực, khi đảng do họ lập ra thất bại trong bầu cử, họ đảo chính và hủy bỏ kết quả kiểm phiếu. Họ lật đổ chính quyền, bất chấp luật pháp và sự phản đối của người dân. Nói một cách khác, đây là chế độ quân đội trị.
Ở mức độ cực đoan là chế độ cá nhân trị. Những nước đang ở rất gần với tình trạng này có lẽ là Bắc Triều Tiên (5), Trung Quốc (6) hiện nay. Trong những xã hội như vậy, không ai có được công lý trong cuộc tranh chấp với kẻ thống trị xã hội. Kim Jong Un xử tử những nhà thương thuyết khi không đạt được mục tiêu mà hắn ta muốn trong cuộc thương thuyết với Tổng thống Donald Trump ở Hà Nội (7).
Bên Tây người ta có câu : công lý nằm trong tay kẻ có sức mạnh. Dân gian Việt Nam có câu : miệng nhà quan, có gang, có thép. Nói chung, quyền lực càng tập trung, càng ít có công lý.
Vậy khi nào thì xã hội đỡ bất công hơn ?
Quay trở lại Hoa Kỳ. Sau khi phong trào dân quyền do những người da đen và những người da trắng cấp tiến nổ ra và giành được thêm quyền lực thông qua các cuộc biểu tình, các hoạt động tẩy chay, qua lá phiếu và các hoạt động bất tuân dân sự khác, tình trạng đàn áp người da đen mới giảm đi đáng kể (8). Từ đó, tận dụng tình trạng cạnh tranh giữa các chính trị gia, người da đen, đặc biệt là qua lá phiếu của họ đã ngày càng củng cố sức mạnh chính trị của mình. Từ tình trạng có thể bị giết mà không qua xét xử, từ chỗ không được ngồi chung với người da trắng nơi công cộng, người da đen ở Hoa Kỳ đã có một tổng thống da màu, Barack Obama. Nhìn chung, quyền lực của họ đã tăng đáng kể sau năm 1960.
Nói một cách ngắn gọn, quyền lực càng tập trung, thì bất công càng trầm trọng. Khi quyền lực được phân bổ rộng hơn, nói một cách khác, khi xã hội trở nên đa nguyên hơn thì tình trạng bất công sẽ giảm đi.
Trường hợp của Hoa Kỳ kể trên cũng cho thấy cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị là một cuộc tranh đấu rất dài. Ở Việt Nam, Nhà nước, dù đã rất mạnh so với xã hội dân sự, vẫn muốn mạnh hơn. Chúng ta cũng có thể thấy điều này qua những lùm xùm về chuyện cứu trợ lũ lụt vào năm ngoái. Họ muốn tập trung số tiền cứu trợ vào tay mình, thông qua Mặt Trận Tổ Quốc và các cơ quan chính quyền khác (9). Kẻ mạnh, nhìn chung, luôn muốn mạnh hơn.
Tóm lại, để có công lý, cần có đa nguyên. Để có đa nguyên, phải tranh đấu.
Ngọc Vân
Nguồn : VNTB, 12/06/2021
Tài liệu tham khảo
1. Weber’s rationalism and modern society : New translations on politics, bureaucracy, and social stratification. Springer, 2015.
2. https://www.britannica.com/topic/pluralism-politics
4. https://en.wikipedia.org/wiki/Lynching
6. https://vnexpress.net/quyen-luc-cua-ong-tap-ngay-mot-tang-4243751.html
7. https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/kim-jong-un-xu-tu-gioi-chuc-lam-that-bai-thuong-dinh-my-bac-han/