Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2021

Biển Đông vẫn là "cục xương khó nuốt" trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc

Phạm Vương

Tuyên bố chung của ASEAN và Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã kết thúc cuộc gặp vào ngày 7/8. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong vòng hơn một năm qua giữa các đại diện ASEAN với Trung Quốc, và được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc.

coc0

Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc ở Trùng Khánh hôm 7/6/2021 - AP

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc ngày 8/6 đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết tự kiềm chế nhằm tránh các hành động có thể làm "phức tạp hoặc leo thang" tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời cam kết nối lại đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), song lảng tránh cuộc khủng hoảng Myanmar. Tuyên bố sau cuộc họp ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc có nhắc : "Cải thiện và thúc đẩy an ninh hàng hải, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thể hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động vốn sẽ gây phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định". Các nhà quan sát ghi nhận là ngôn từ được dùng trong văn bản này cũng giống với các tuyên bố trước đây giữa ASEAN và Trung Quốc. 

Sự bất đồng vẫn rất lớn

Phải sau khi kết thúc cuộc gặp mặt trực tiếp một ngày thì ASEAN và Trung Quốc mới có thể ra tuyên bố chung được. Nguồn tin từ Singapore cho biết sự chậm trễ trong việc ra tuyên bố trên bắt nguồn từ những bất đồng về ngôn từ liên quan vấn đề Biển Đông (1). Vấn đề Biển Đông và cuộc khủng hoảng Myanmar chiếm phần lớn thời lượng thảo luận trong khuôn khổ cuộc họp diễn ra chiều 7/6 tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Trong cuộc họp này, phía Philippines đã yêu cầu sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn về Biển Đông trong tuyên bố, song yêu cầu này không được đáp ứng. Một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên của ASEAN tiết lộ điều này chủ yếu là do "Trung Quốc và một số... nước ASEAN nhỏ", ám chỉ Campuchia và Lào. Các nhà ngoại giao Philippines cho biết rằng đã có những thảo luận "căng thẳng" giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và ASEAN tại Trùng Khánh hôm 7/6, trước khi hai bên ra thông cáo chung. Malaysia, Philippines và Việt Nam đứng về một phía chống lại Trung Quốc, trong khi các quốc gia thành viên khác giữ im lặng.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác là thông báo nói trên không đề cập đến cuộc khủng hoảng Myanmar, mà chỉ đề cập chung đến việc "duy trì hòa bình và ổn định khu vực".

coc3

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Myanmar U Wunna Maung Lwin ở Trùng Khánh hôm 8/6/2021. AP

Ngoài ra, bản tuyên bố chung này nói rằng bất cứ tranh chấp nào với Trung Quốc sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có UNCLOS. Nếu theo UNCLOS, thì các bên có thể mang tranh chấp ra giải quyết tại một Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) hoặc một Toà trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS như Philippines đã làm với Trung Quốc năm 2013. Tuy nhiên, một tuyên bố riêng của Trung Quốc về kết quả của cuộc gặp cho biết hai bên đã đồng ý "giải quyết và quản lý những sự khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn", (2) tức là không đề cập tới việc đưa ra toà án hay trọng tài trong việc giải quyết các bất đồng giữa các bên.

ASEAN và Trung Quốc cũng có kế hoạch thúc đẩy việc nối lại các vòng đàm phán về COC và các cuộc đàm phán này sẽ được tiến hành theo hình thức trực tuyến. Trước đó, các nhà đàm phán từng cho rằng vấn đề COC quan trọng đến mức không thể tiến hành đàm phán trực tuyến và tiến trình đàm phán bị đình trệ sau khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các hoạt động đi lại hàng không. 

Trong một tuyên bố khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng "việc láng giềng có vấn đề với nhau là rất tự nhiên" (3).

Tuy nhiên, "những vấn đề" giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN mà Vương Nghị nhắc tới trên thực tế đã trở nên tồi tệ hơn trong thời gian gần đây. Tuần trước, Malaysia cho biết 16 máy bay quân sự của Trung Quốc đã xâm phạm không phận của nước này trên vùng biển gần đảo Borneo. Ngày 7/6, tại Trùng Khánh, Malaysia nói với Trung Quốc rằng nước này "phản đối sự hiện diện của các khí tài quân sự nước ngoài trái với quyền tự do hàng hải và hàng không theo quy định của luật pháp quốc tế cũng như không có sự chấp thuận trước của Chính phủ Malaysia".

Tháng 4/2021, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thường niên tại Biển Đông, đồng thời cho rằng lệnh cấm này đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, UNCLOS và DOC. Trong khi đó, Bắc Kinh và Manila đã có những bất đồng kể từ tháng 3/2021 khi Philippines phát hiện hơn 200 tàu do lực lượng dân quân biển Trung Quốc điều khiển tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu.

Gặp gỡ song phương Việt - Trung

Tân Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng đã có cuộc gặp song phương với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 8/6 tại Trùng Khánh.

bd3

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở Trung Khánh, Trung Quốc hôm 8/6/2021. Hình : VNA

Báo chí Việt Nam cho biết, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Trung Quốc "tìm giải pháp cơ bản, lâu dài" cho vấn đề Biển Đông (4 ). Tuy nhiên, bản tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi thông tin về cuộc họp hoàn toàn không đề cập đến các nội dung trên, mà chủ yếu chỉ nói đến việc thúc đẩy quan hệ Trung - Việt : "Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chiến lược lẫn nhau, hợp tác thực chất sâu rộng theo phương hướng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định. Đó là thuộc tính cơ bản và mục tiêu cốt lõi của quan hệ hai Đảng, hai nước nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, đẩy mạnh sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội" (5 ).

Kết luận

Tất cả những điều này cho thấy, các thông tin về kết quả của cuộc gặp mà Trung Quốc và ASEAN đưa ra có nhiều điểm khác biệt. Ngay đối với thông tin về cuộc gặp song phương giữa Ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc cũng tương tự. Điều này cho thấy những khả năng như sau : Thứ nhất, cả ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa xóa bỏ được những bất đồng trong cách tiếp cận vấn đề ; Thứ hai, Trung Quốc đang cố gắng tìm cách "tuyên truyền" với thế giới cũng như người dân Trung Quốc về "thành công" của hội nghị Trùng Khánh mà Trung Quốc là người chủ trì ; Thứ ba, vấn đề biển Đông vẫn là "khúc xương khó nuốt" trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc.

Chỉ khi Trung Quốc thực tâm tôn trọng UNCLOS và luật pháp quốc tế, giải quyết vấn đề tranh chấp dựa trên sự bình đẳng về lợi ích, thì các cuộc đàm phán về vấn đề biển Đông mới có tiến triển. Nếu các nước ASEAN không tỉnh táo, để Trung Quốc tìm cách dẫn dụ, thì đến khi Trung Quốc nắm toàn bộ ưu thế trên biển Đông, thì lúc ấy cơ hội để giữ biển đảo của mỗi quốc gia ASEAN sẽ không còn.

Phạm Vương

Nguồn : RFA, 14/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Vương
Read 437 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)