Khi lãnh đạo không hề quan tâm dân có thể chết đói trước khi chết vì Covid !
Đình Ngọc, SaigonNhoNews, 22/06/2021
Tính đến 5 giờ chiều ngày 21 tháng Sáu, Sài Gòn có tới 469 điểm phải phong tỏa vì có người nhiễm Covid-19. Sáng mai, chưa biết có thêm bao nhiêu điểm nữa bị con coronavirus xâm nhập phải phong toả.
Lực lượng chức năng phong tỏa chung cư Ehome 3, phường An Lạc, Bình Tân sau khi nơi đây ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 - Ảnh : Châu Tuấn/Tuổi Trẻ
Chỉ tính riêng 6 khu phong tỏa ở khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, một phần ấp Thới Tây 1 (huyện Hóc Môn), đã có tới 65.000 dân sẽ thuộc diện "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Với con số 469 điểm phong toả hiện nay, sẽ có hơn một triệu người Sài Gòn không được bước chân ra khỏi ngõ. Có nơi, chính quyền còn đề nghị "không ai đến nhà ai, không cho ai vào nhà mình".
Sài Gòn trở bệnh thực sự, tình làng, nghĩa xóm giờ trở nên xa xỉ đến quặn lòng. Không thể làm khác được nếu muốn sống, nếu muốn Sài Gòn khỏi bệnh.
Tuy nhiên, trong cách hành xử của lãnh đạo Sài Gòn, người ta dễ dàng nhìn thấy một bức tường vô hình được dựng lên giữa họ và người dân. Trong những quyết định hành chánh nhằm ngăn chặn sự lây lan Covid-19, người dân không tìm thấy một dòng chữ nào bày tỏ mối quan tâm của lãnh đạo thành phố đối đời sống của những người lao động nghèo, sống nhờ đường phố, vỉa hè như người bán hàng rong, chạy xe ôm, mua ve chai, bán vé số… Đã không quan tâm, nên chắc chắn họ cũng không hề có giải pháp cho dân.
Theo báo Tuổi Trẻ, tối ngày 19 tháng Sáu, UBND Thành Phố ban hành chỉ thị khẩn số 10, theo đó tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch bằng cách tạm ngưng một số hoạt động : chợ tự phát, xe bus, xe khách liên tỉnh, taxi. Riêng "xe ôm công nghệ" (Grab) vẫn được hoạt động. Rõ ràng lãnh đạo thành phố hình như cũng chẳng biết ra lệnh sao cho hợp lý, bởi với xe ôm, tài xế và hành khách phải ngồi sát nhau, không thể giãn cách theo qui định thì lại được hoạt động.
Trong một thông báo khác cũng của UBND Thành phố, chính quyền giao cho các đơn vị liên quan bảo đảm công tác chống dịch, đồng thời phải "cung ứng đầy đủ các nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu vực bị phong tỏa".
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở quận Bình Tân – Ảnh : Nhật Thịnh/Tuổi Trẻ
Mới đọc qua, tưởng đâu chính quyền thành phố tổ chức phát lương thực cho người nghèo, hỏi lại người dân thì nhận được mấy câu chửi đổng. Thì ra, ý câu "cung ứng đầy đủ" có nghĩa là nếu người dân trong khu vực một con hẻm bị phong tỏa chẳng hạn, cần mua thực phẩm, có thể nhờ người quen ở nơi chưa bị phong tỏa mua giùm, mang lại đầu hẻm, chỗ trạm gác, rồi gọi người trong nhà ra lấy. Nếu không có người quen, cũng có thể nhờ lực lượng bảo vệ khu phố mua giùm. Khi ban hành lệnh cấm họp chợ, thực hiện giãn cách xã hội, rồi phong tỏa từng khu vực, giới lãnh đạo thành phố chưa bao giờ nghĩ đến hệ lụy sẽ xảy ra sau quyết định của họ.
Hàng triệu người sẽ rơi vào hoàn cảnh điêu đứng vì không thể làm ra tiền để mua thực phẩm, đóng tiền nhà, mua sữa cho con, cùng hàng trăm chi phí không tên khác của đời sống.
Nếu dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, phong tỏa gắt gao hơn, số phận dân nghèo càng bi đát hơn. Họ đang chết dần, đúng nghĩa đen của từ này.
Chỉ có con đường để sống là cướp giật, trộm cắp. Trộm cắp thành công thì có tiền mua thực phẩm, nếu lỡ bị bắt thì vào tù, dù sao cũng được nuôi cơm. Còn nếu cứ đi lang thang rồi bị dương tính với Covid-19, được đưa vào bệnh viện điều trị cũng là một giải pháp chống đói tạm thời cho họ. Có lãnh đạo nào nghĩ đến những khả năng này không ?
Chắc chắn là không !
Có nhiều người đã suy nghĩ vẩn vơ rằng, khi con coronavirus bị lãnh đạo thành phố "tiêu diệt" thì trong ngày "ăn mừng chiến thắng" đó, ngoài những chiếc khăn tang dành cho người chết vì Covid-19, Sài Gòn còn có thể gồm cả khăn tang của những người chết vì đói !
Đình Ngọc
Nguồn : SaigoNhoNews, 22/06/2021
******************
Việt Nam : Khi chính quyền bị nhiễm "virus thành tích"
Nguyễn Long Chiến, SaigonNhoNews, 21/06/2021
Chuyện Việt Nam nói hoài không hết : mới đây, một tòa án cấp huyện "vẽ" ra 59 vụ án ảo để lấy thành tích báo cáo thi đua. Thành tích, người ta hay gọi nó là bịnh, bây giờ lây nhanh không thua Covid-19.
Trong lúc thành phố Sài Gòn chủ trương giãn cách thì cũng thành phố làm lễ ra quân chích ngừa vaccine rầm rộ. Tập họp đông người không là "mồi" cho virus chắc ? Chích ngừa là lo cho sức khỏe nhân dân. Cần phải biểu dương lực lượng để nhân dân thấy nhà chức trách yêu thương nhân dân ? Rồi một cháu bé 5 tuổi mang một số tiền 100 triệu đồng "tiết kiệm" hai năm ra để ủng hộ quỹ mua vaccine. Nhìn cặp mắt cháu trong ảnh, tôi thấy dường như cháu có vẻ bất an : số tiền lớn như thế, ngay cả một vị bộ trưởng cũng không có để ủng hộ quỹ, huống hồ chi cháu ; bất an là phải rồi. Cháu được truyền thông quảng bá như một "Phù Đổng Thiên Vương" thời đại dịch. Trẻ con tuổi cháu có em còn phải đi bán vé số không đủ ăn để sống. Tiền tiết kiệm "to" như thế chỉ có thể nhờ… "Thánh Gióng" độ trì.
Theo tôi, bịnh thành tích xuất phát từ hai yếu tố : tự tôn và tự ty. Vì tự ti, người ta mới yêu thích thành tích – thành tích càng to, tự tôn, tự ti càng lớn. Thành tích là lẽ sống còn trong chốn quan trường ? Đố ai thăng tiến nếu không có thành tích.
Ban đầu, thành tích là để đo lường khả năng cống hiến cho xã hội của mỗi con người trong guồng máy quốc gia. Càng về sau, thành tích là mục tiêu chứ không phải mục tiêu là cống hiến. Tôi thường thấy, người thật sự muốn cống hiến, hơi trớ trêu, lại là người không màng thành tích.
Người ta hay nói, giáo dục là máy cái của mọi cỗ máy. Máy cái nghe sao máy móc quá. Không sao. Trong học đường, sản phẩm của máy cái, thành tích không còn là ghi nhận công lao giảng dạy và học tập mà trở thành những con số "ám ảnh" không những trò lẫn thầy, ngành giáo dục, mà cả xã hội.
Tôi từng là học sinh rồi sinh viên, được đào tạo một thời gian gần 15 năm trong nền giáo dục thể chế Việt NamCH. Học bạ chúng tôi có ghi điểm số, thứ hạng, cả giấy khen (gọi là bằng danh dự) của từng tháng, từng học kỳ, từng năm, từng cấp học. So sánh với các cháu học sinh và sinh viên, chúng tôi thấy việc học hành thế hệ chúng tôi không nặng nề bằng thế hệ các em sau này. Có thể học chương trình nhẹ hơn, "thấp" hơn, nhưng chúng tôi và cả thầy cô không hề bị áp lực bởi thành tích, hay vật vã với chỉ tiêu thi đua.
Học là học cho bản thân không phải để học cho người khác. Thành tích nếu có là ghi nhận công sức học tập mà không phải để làm điều kiện thi đua, đánh giá phẩm chất học sinh. Dạy là để cho học sinh tiến bộ như thầy, hơn thầy, chứ không phải dạy để đạt thi đua danh hiệu này kia. Mục đích tối thượng của dạy học là giúp "khai trí" học sinh. Thi đua lập thành tích không phải là mục tiêu của người thầy ; tiền đồ của người thầy là tiền đồ dành cho học sinh. Thế thì cần gì phải phấn đấu trở nên "thầy giáo ưu tú", "thầy giáo nhân dân" ?
Học sinh học để mở mang trí tuệ chứ không phải để đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Giỏi, xuất sắc được ghi nhận chứ không phải lấy "giỏi", "xuất sắc" là mục đích học tập cho thành tích thi đua.
Máy cái sẽ đẻ ra các cỗ máy con. Giáo dục làm sao để con người không coi thành tích là tối thượng : cống hiến mới là tối thượng.
Giáo dục như vậy có quá lý tưởng, có là không tưởng ?
Không đạt đến một mức độ giáo dục con người Việt Nam thành những người cống hiến – tùy theo vai trò của mình trong xã hội – thì chí ít, giáo dục cũng không thể coi thi đua lập thành tích là… "cống hiến".
Người ta cho rằng thi đua lập thành tích là… yêu nước. Có chỗ nào đó "sai sai" không ?
Thi đua là yêu nước. Yêu nước là thi đua. Một số người có suy nghĩ như thế. Tôi thấy hơi bất ổn. Chúng ta không thi đua nhưng yêu nước, được không ? Một người chạy xe ôm mỗi ngày làm ra vài trăm ngàn ; anh ta không thể "thi đua" với ai cả. Thi đua mà vắng khách thì làm sao thi đua ? Anh này không "yêu nước" ư ? Đưa một người gấp rút đến trạm xá băng bó vì tai nạn té xe, anh xe ôm nhận thù lao nhưng anh đã làm một việc có ích : giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn. Yêu đồng bào – tôi cho là đó là yêu nước. Anh xe ôm này không được xem là yêu nước vì không thi đua với đồng nghiệp đưa người bị nạn đi cấp cứu ? Những nhân viên y tế, những bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, nguy hiểm tính mạng rình rập họ từng giờ từng phút. Lấy lại lẽ sống cho một người sắp chết vì Covid, ngăn chặn dịch lây lan… là cống hiến hay thi đua ?
Mọi người ở mọi cương vị tận tâm với công việc của mình chính là cống hiến. Mục đích tận tâm vì công việc để có thành tích thi đua, điều ấy thế nào ?
Khi con người làm việc mà không đoái hoài đến thành tích, họ sẽ tự do cống hiến, có thể nói nhiều hơn khi nghĩ đến thi đua.
Đây là điều đơn giản lại hóa ra rất phức tạp và không dễ dàng biến thành hiện thực. Tự tôn hay tự ty, tôi nghĩ, chính là thủ phạm đẻ ra thành tích. Đối nghịch với hai cái này là khiêm cung và tự tin. Không cần thành tích, người ta sẽ tự do có cống hiến nhiều hơn hay ít hơn ? Tự tin và khiêm cung, tôi thấy không nhiều trong con người Việt Nam ngày nay, nhất là ở những nhà quản trị đất nước. Nếu gọi là tính cách – cho văn vẻ hơn – căn tính dân tộc, thì TỰ TÔN và TỰ TI có lẽ là phổ biến. Đây là cội nguồn của bịnh thành tích. Điều rất buồn, căn tính này vẫn không hề thay đổi như hơn 100 năm trước lúc cụ Phan Châu Trinh vạch ra : "Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau : một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại ; hai là đặc tính tự tôn và tự ti (*)
Người ta nóng lòng cải cách giáo dục bằng đủ mọi biện pháp. Có một biện pháp đơn giản không thấy nói đến : làm sao biến học sinh tự tôn, tự ti thành công dân tự tin và khiêm cung. Biết đâu hết bịnh thành tích. Chích ngừa cho người dân là một nhiệm vụ. Làm từ thiện (như góp tiền mua vaccine) là việc tự tâm. Các việc này không phải là thành tích để tự hào. Làm được như thế, người ta sẽ thấy ra, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam không nên đặt trọn vào một đội bóng đá, đá bằng chân, và một ông ngoại quốc có tên "lạ hoắc" Park Hang-seo.
Nguyễn Long Chiến
Nguồn : SaigonNhoNews, 2/06/2021
(*) Pháp Việt Liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, trang 57-58, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005.
******************
Vô số bất cập trong vấn đề vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam
RFA, 21/06/2021
Việt Nam chậm trong chiến lược vắc-xin không phải vì thiếu nguồn lực tài chính mà là do những hạn chế về tầm nhìn và khả năng quản trị Nhà nước trong bối cảnh khủng hoảng - đại dịch. Quan điểm chi ngân sách theo kiểu "tiết kiệm từng đồng" trong khi lại "tận thu từ doanh nghiệp và người dân" cũng là những vấn đề được thảo luận tại cuộc tọa đàm "Mở rộng nguồn tiếp cận vắc-xin và trách nhiệm của Nhà nước" do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua.
Do chậm mua vắc-xin, Việt Nam chủ yếu mới chỉ tiêm phòng Covid-19 cho những người tuyến đầu như nhân viên y tế - Ảnh : Reuters
Chiến lược vắcxin – chậm ở tất cả các khâu
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Khoa Woolcock tại Việt Nam thẳng thắn lên tiếng tại tọa đàm rằng Việt Nam đã chậm so với nhiều nước trên thế giới trong chiến lược vắc-xin. Bà cho biết, vắc-xin ngừa Covid được phát triển từ 2/2020 và ngay trong tháng 3 & 4/2020 đã có rất nhiều quốc gia đã đặt mua AstraZeneca. Các loại vắc-xin ra đời sau đó như Pfizer hay Moderna cũng được đặt hàng rất sớm.
"Còn Việt Nam, theo thông tin trên các báo chính thống, chúng ta đăng ký mua vắc-xin từ AstraZeneca từ tháng 8/2020 và hoàn thành hồ sơ trở thành quốc gia nhận vắc-xin từ Covax từ tháng 9 và tháng 10. Tôi cho rằng chúng ta đã hơi chậm một bước so với các nước khác" – Tiến sĩ Thu Anh nhân định. Bà giải thích rằng, nhìn từ góc độ dịch tễ học, đối với dịch bệnh nguy hiểm thì điều đầu tiên trong chiến lược phòng chống dịch bệnh là phải có vắc-xin. Khi một quốc gia chưa có đủ năng lực phát triển vắc-xin thì phải đi tìm kiếm nguồn cung tiềm năng và "cần phải đặt hàng rất sớm".
Mặc dù Pfizer được đánh giá là một trong những vắc-xin hiệu quả hàng đầu và được nhiều quốc gia phát triển sử dụng nhưng Việt Nam mới chỉ phê duyệt loại vắc-xin này trong tháng 6/2021. Ảnh : AFP
Theo Tiến sĩ Thu Anh, Việt Nam không chỉ chậm trong việc đăng ký mua vắc-xin mà còn chậm ở nhiều khâu khác :
"Chúng ta chậm trong việc thương thuyết. Khi thương thuyết xong, chúng ta cũng đã chậm một bước trong việc ký hợp đồng. Và kể cả khi ký hợp đồng xong, chúng ta cũng chậm trong việc phê duyệt các vắc-xin ở tại Việt Nam" – Tiến sĩ Thu Anh phân tích và đơn cử, mặc dù vắc-xin Pfizer được đánh giá là rất hiệu quả và được nhiều quốc gia phát triển sử dụng nhưng mãi tới tháng 6/2021, Bộ Y tế mới cấp phép cho sử dụng ở Việt Nam.
Bà cũng cho rằng Việt Nam cũng đã xử lý kém nhanh nhạy trước những thông tin cảnh báo ngay từ nửa cuối năm ngoái về nguy cơ chương trình Covax thiếu vắc-xin.
"Chúng ta đã thành công trong việc đăng ký là một quốc gia nhận vắc-xin qua chương trình Covax với 38,9 triệu liều nhưng chúng ta đã hơi chủ quan và tự tin, tin tưởng vào Covax Facility. Trong khi đó, vào quý 3 và 4 của năm 2020, đã có nhưng cảnh báo về việc thiếu vắc-xin cấp cho Covax Facility. Mặc dù Covax Facility, UNICEP và WHO đã thương thuyết với rất nhiều công ty để họ bán cho Covax nhưng rõ ràng các công ty và các quốc gia sản xuất được vắc-xin vẫn ưu tiên bán cho những quốc gia có thể mua được trực tiếp của họ hơn là bán cho Covax Facility" – bà Thu Anh nói. Bà cũng cho biết, theo báo cáo mới nhất của WHO, kể cả khi lượng vắc-xin toàn cầu được sản xuất tăng lên rất nhiều thì chương trình Covax vẫn chưa thể tự chủ hoàn toàn lượng vắc-xin cung cấp cho các quốc gia nghèo và những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam.
Nhìn vào tình hình hiện nay, bà và các đại biểu tham dự tọa đàm đều bày tỏ lo lằng rằng Việt Nam lại chậm trễ trong việc chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm chủng trên diện rộng cho 75 triệu dân số trưởng thành. Theo bà, đây là công việc phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo về nguồn cán bộ tiêm chủng, khả năng ứng phó trước các biến cố bất lợi trong quá trình tiêm chủng cũng như các cơ sở vật chất phục vụ việc tiêm chủng rộng khắp trên toàn quốc.
Không kích hoạt cơ chế về tình trạng khẩn cấp
Ngoài những lý do đã được dư luận xã hội phân tích nhiều như "ngủ quên trên chiến thắng", "quá tin tưởng vào chương trình Covax"… Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chậm mua được vắc-xin là Việt Nam "chưa kích hoạt cơ chế về tình trạng khẩn cấp" – một cơ chế đặc biệt một số quốc gia đã từng làm trong đại dịch Covid để trao quyền cho chính phủ có thể thực hiện các chính sách mà thường không được phép làm nhằm bảo vệ sự an toàn của công dân. Ông cho rằng trong bối thị trường vắc-xin thế giới có sự chênh lệch cung cầu lớn như trong thời gian vừa qua, các cơ quan và cá nhân hữu trách của Việt Nam đã bị "bó chân" khi vẫn phải tuân thủ tuần tự các thủ tục mua sắm công chặt chẽ của Luật Đấu thầu nên khó có thể ra quyết định nhanh, hành động nhanh.
Trong khi Việt Nam khủng hoảng thiếc vắc-xin, 288.000 liều vắc-xin, AstraZeneca được công ty Việt NamVC nhập về từ 25/5/2021 phải nằm trong kho chờ hoàn tất các thủ tục. Ảnh : Reuters
"Phải nói rằng bộ máy của các nước hoạt động dựa trên một tình trạng khẩn cấp (tình trạng khẩn cấp). Ở Việt Nam những gì chúng ta đang chứng kiến về bản chất là tình trạng khẩn cấp, toàn bộ sự tự do dân sự của người dân bị hạn chế. Tuy vậy, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp lại không được sử dụng, do đó toàn bộ quá trình sử dụng tiền công để đi đàm phán để mua vắc-xin, toàn bộ bộ máy vận hành không theo tình trạng khẩn cấp. Dẫn đến [kết quả] là trong bối cảnh khẩn cấp mà hành xử như pháp luật bình thường thì làm cho các hành xử và quyền tự do định đoạt của của các cơ quan quản lý bị hạn chế" – ông Nghĩa nói và cho rằng hạn chế này đã thể hiện rất rõ trong vụ việc 288.000 liều vắc-xin được công ty Việt NamVC nhập về từ ngày 25/5 nằm mãi trong kho chưa được mang ra sử dụng, gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây. Ông giải thích : Công ty Việt NamVC đã tự bỏ tiền đặt mua vắc-xin từ quý 3/2020, nay Nhà nước muốn mua lại nhưng chưa thể giải ngân được vì do chưa áp dụng Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, mọi mua sắm công không có bất kỳ đặc cách nào mà vẫn phải tuân thủ các quy định theo Luật Đấu thầu . Theo đó, để mua lại, Bộ Y tế sẽ cần có sự đồng ý của tất cả các bộ ngành liên quan cũng như phải có sự phê duyệt của Thủ tướng theo quy định lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại điều 26 của Luật này.
"Mỗi một tình trạng đặc biệt lại cần có sự phê duyệt của ông Thủ tướng thì khó mà mua được 150 triệu liều vắc-xin. Nếu cứ đúng theo quy trình hành chính thì rất khó tiêu được tiền công cho các mua sắm có tính khẩn cấp" - ông nói và gợi ý rằng để doanh nghiệp và địa phương nhanh chóng mang được vắc-xin về theo lời kêu gọi của Chính phủ gần đây, nếu Việt Nam không áp dụng Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp thì cần đặt toàn bộ nền hành chính trong tình trạng báo động như chiến tranh để các những cơ quan và cá nhân có thẩm quyền "được giải phóng khỏi trách nhiệm pháp lý" theo quy trình thông thường đồng thời toàn bộ bộ máy Nhà nước phải hậu thuẫn cho các cơ quan, cá nhân này để đạt được mục tiêu mang vắc-xin về cho đất nước.
Doanh nghiệp và địa phương cùng mua vắc-xin – Quá nhiều rủi ro
Theo các chuyên gia, quyết định "mở bung" cho phép doanh nghiệp và địa phương tiếp cận và mua vắc-xin nhằm giải quyết khủng hoảng thiếu vắc-xin trong nước đang đặt Việt Nam đứng trước hàng loạt rủi ro về chất lượng nguồn vắc-xin mua được cũng như các thách thức pháp lý.
Tiến sĩ Nghĩa cho biết điều làm ông lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ các doanh nghiệp và địa phương mua phải vắc-xin kém chất lượng, hết hạn hoặc vắc-xin giả vì các nhà sản xuất hiện chỉ làm việc với các chính phủ do đó các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nhiều khả năng chỉ có thể mua được nguồn vắc-xin dư thừa mà các địa phương ở nước ngoài không sử dụng hết.
"Nguy cơ lớn nhất là sẽ mua được hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng hết hạn. Vắc-xin không phải hàng hóa thông thường mà nó có hạn sử dụng, ví dụ thời hạn 6 tháng chẳng hạn. Từ khi sản xuất, đến khi vận chuyển về, người mua thứ nhất đã mất một thời gian rồi. Vì vậy Bộ y tế phải có quy định rất chặt chẽ cho việc kiểm soát và cấp phép từng lô hàng một"– Tiến sĩ Nghĩa nói. Ông cũng cho rằng Bộ Y tế cần phải thiết lập một quy trình giám sát cực kỳ chặt chẽ từ việc nhập khẩu vắc-xin cho đến việc tập huấn nhân viên y tế cũng như trong quá trình tiêm chủng vì khi 75 triệu người cùng được tiêm có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề và trách nhiệm pháp lý.
An toàn tiêm chủng là mong muốn của tất cả người dân Việt Nam. Ảnh : AFP
"Người dân mong chờ ở nhà nước phải hết sức chặt chẽ với tất cả các vắc-xin, không thể tiêm vào người dân vắc-in giả, vắc-xin hết hạn, không thể tiêm vào người dân với một quy trình sai và không an toàn. Và nếu xảy ra những vấn đề bất lợi thì người dân phải có quyền đòi bồi thường từ Nhà nước" – Tiến sĩ Nghĩa chỉ ra. Ông đồng thời cho rằng Nhà nước không nên mặc định rằng người dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì cộng đồng mà cần quan tâm tới quyền tự do dân sự và bảo vệ sinh mạng của người dân.
Mua sòng phẳng theo giá thị trường
Theo Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 6/2021, Việt Nam đã đặt hàng được 170 triệu liều vắc-xin nhưng cũng lường trước việc giao hàng có thể sẽ không đầy đủ, không đúng tiến độ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam đồng thời thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để sớm có đủ vắc-xin, Việt Nam cần"mua vắc-xin một cách đàng hoàng theo giá thị trường". Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam có đủ khả năng tài chính để mua vắc-xin, do đó cần thay đổi cách tiếp cận và thông điệp cũ rằng "Việt Nam nghèo và khó khăn nên đề nghị các tổ chức quốc tế, các hãng dược phẩm hỗ trợ".
"Vừa rồi Đại hội Đảng nói ta có thế và lực, thế giới người ta cũng biết ta có tiền nên chúng ta cứ đi xin mua giá rẻ thì người ta không cho. Đương nhiên chúng ta rất trân trọng hỗ trợ của các quốc gia nhưng để có được một khối lượng lớn, giờ ta phải có một thông điệp mới khi tiếp cận với nguồn đó là Việt Nam có nguồn lực tài chính và sẵn sàng trả theo giá thị trường và đó cũng là bài học của các quốc gia thành công trong việc tiêm chủng diện rộng hiện nay" – ông nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam nên trả theo giá thị trường để sớm vắcxin đưa về phục vụ người dân. Ảnh : AFP
Chứng minh cho luận điểm "Việt Nam có tiền" của mình, Tiến sĩ Thành cho biết thu ngân sách của Việt Nam đã rất khả quan trong năm 2020.
"Không kể Covid, ngân sách năm ngoái, không những cao hơn năm 2019 mà còn vượt dự toán thu của năm 2020" – ông nói và cho biết ngoài việc vượt dự toán thu khoảng 1,9%, Việt Nam còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí họp hành của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2020.
Tiến sĩ Thành cho biết theo những cuộc đàm phán gần đây, giá vắc-xin về đến cảng của Việt Nam đã lên tới 30 USD/liều. Ông khuyên Việt Nam chấp nhận mức giá này vì "mua rẻ sẽ nhận muộn" và thực tế Israel, quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm chủng đứng đầu thế giới năm ngoái cũng đã phải trả tới 23 USD/liều. Thêm vào đó, tổn thất mà dịch bệnh Covid gây ra đối với nền kinh tế lớn hơn rất nhiều chi phí mua vắc-xin nên Bộ Tài chính cần xác định "lúc cần chi thì phải chi" và không nên "tiết kiệm từng đồng" :
"Năm ngoái chúng ta kiểm soát Covid tốt như vậy mà tính toán kinh tế, chúng ta đã thiệt hại tới 15 tỷ USD. Năm nay chắc chắn thiệt hại của đợt bùng phát thứ tư này sẽ rất lớn so với việc bỏ ra 1 tỷ USD để nhập vắc-xin".
Đừng tận thu đối với doanh nghiệp & người dân
Cũng căn cứ từ những nguồn lực nói trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho rằng trong thời gian tới Chính phủ Việt nam không nên tiếp tục huy động tiền của người dân và doanh nghiệp để mua vắc-xin vì họ đã vốn rất khó khăn vì Covid. Ông nói :
"Trong đợt Covid vừa rồi, nhìn vào các nước trên thế giới, đa số các nước từ nước giàu đến nước nghèo, đều thực hiện một chính sách là trong khủng hoảng Covid thì nhà nước chi thêm tiền cho dân và chi thêm tiền cho doanh nghiệp. Việt Nam của chúng ta có một cái ngoại lệ là trong Covid là doanh nghiệp và người dân vẫn đóng tiền cho Nhà nước. Theo tôi, ta không nên tận thu của người dân và doanh nghiệp nhiều quá. Thời gian tới, Nhà nước nên tiết kiệm từ các khoản chi không cần thiết để dành cho vấn đề vắc-xin".
Lời kêu gọi quyên góp cho Quỹ vắc xin Covid-19 của Chính phủ Việt Nam xuất hiện trên màn hình quảng cáo thang máy tại Hà Nội ngày 8/6/2021. Ảnh : AFP
Tiến sĩ Thành nhấn mạnh rằng nguồn tiền mua vắc-xin nên lấy từ ngân sách Nhà nước và vì người dân đã đóng thuế nên khi thiên tai, địch họa như trường hợp đại dịch như Covid xảy đến thì Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp tiêm vắc-xin với chi phí thấp hoặc miễn phí và theo ông, có làm được như vậy "mới thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với người dân".
Ông cũng cho rằng chỉ nên xem việc thành lập Quỹ vắc-xin vừa qua như một nỗ lực thể hiện sự đồng thuận, chia sẻ của toàn xã hội. Vì dịch bệnh Covid có thể kéo dài cũng như nhiều dịch bệnh khác có thể xảy đến trong tương lai nên nguồn tiền từ Quỹ này nên dùng vào mục tiêu dài hơn như nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc-xin, phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đi kèm, từ đó cải thiện khả năng tự chủ vắc-xin của Việt Nam.