Nobel cho Vũ Hán ?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, các chính phủ trên khắp thế giới đã sử dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn các phương tiện truyền thông đưa tin tiêu cực về Covid-19.
Họa sĩ đang vẽ tranh cổ động phòng chống Covid-19 trên đường phố Hà Nội hôm 15/6/2021 - AFP
Chúng ta còn nhớ, khi đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, chính quyền Vũ Hán đã tìm cách che giấu các thông tin bất lợi về đại dịch, phớt lờ các cảnh báo từ các nhà khoa học như Lý Văn Lượng. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã yêu cầu mở cuộc điều tra về việc che giấu thông tin của Trung Quốc dẫn tới đại dịch bùng phát, đe dọa toàn thế giới.
Mặc dù chưa có bằng chứng để chứng minh việc Trung Quốc cố ý tung virus như một vũ khí sinh học hoặc đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ra, nhưng cả thế giới không thể quên được rằng, virus này xuất phát đầu tiên từ Vũ Hán, và giờ đang khiến cả thế giới lao đao.
Thế nhưng mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng các nhà khoa học làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) nên được trao giải Nobel về y học thay vì bị đổ lỗi, vì là những người đầu tiên phát hiện trình tự gene của vi-rút SARS‑CoV‑2 gây dịch Covid-19 (1).
Đây có thể được hiểu là "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc, đổi trắng thay đen cũng được, miễn là phục vụ ý đồ của quan thầy họ ở Bắc Kinh.
Trung Quốc là đất nước kiểm soát truyền thông rất chặt, mọi thông tin đưa ra đều được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Là một quốc gia chuyên chế nên lãnh đạo Trung Quốc không thích những ý kiến trái chiều, cho dù đó chỉ là những ý kiến phản biện của những chuyên gia có uy tín.
An ninh theo dõi phóng viên chụp ảnh các thành viên của WHO đến điều tra nguồn gốc của vi-rút corona ở gần khu chợ hải sản ở Vũ Hán hôm 3/1/2021. AFP
Câu chuyện Việt Nam
Việc kiểm soát truyền thông và đưa tin theo chiều hướng có lợi cho chính quyền và đảng cộng sản thì không chỉ riêng Trung Quốc, mà Việt Nam cũng ở tình trạng tương tự.
Hiện nay, diễn biến đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đang có chiều hướng ngày càng xấu đi. Mặc dù Hà Nội đang xem xét để nới lỏng giãn cách, nhưng TPHCM lại bước sang đợt giãn cách thứ hai liên tiếp, và số ca nhiễm được phát hiện vẫn không ngừng tăng thêm.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không đến từ đâu khác ngoài chính quyền Việt Nam, nhưng báo chí chính thống thì không hề đề cập đến các vấn đề này. Có thể kể đến hai vấn đề đã gây ra bất lợi cho tình hình bệnh dịch ở Việt Nam hiện nay. Đó là căn bệnh thành tích, che giấu các thông tin bất lợi cho chính quyền và chậm trễ trong việc tìm kiếm vắc-xin.
a. Căn bệnh thành tích và che giấu thông tin bất lợi cho chính quyền
Nhiều chuyên gia cho rằng bởi vì Việt Nam không đủ khả năng để xét nghiệm tất cả người dân, mà chỉ xét nghiệm những trường hợp nào nghi ngờ, trong khi rất nhiều người nhiễm virus mà không hề có triệu chứng, cho nên vi-rút vẫn âm thầm lan toả trong cộng đồng mà mọi người không hề hay biết.
Hồi đầu tháng 4, trong khi tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ vô cùng nguy hiểm, Bộ Công an vẫn "vô tư" hối thúc tất cả người dân đi đổi căn cước công dân gắn chip. Mặc dù nhu cầu cấp đổi này chưa thực sự bức thiết đối với xã hội, nhưng Bộ Công an do muốn lấy thành tích nên đã ráo riết thực hiện. Đã có báo đưa tin về trường hợp công an cấp căn cước bị nhiễm vi-rút, có khả năng lây cho hàng ngàn người (2 ).
Dịp lễ 30/4-1/5, chính quyền thay vì khuyến cáo và yêu cầu mọi người ở nhà hoặc hạn chế đi du lịch, nhưng trước các lợi ích kinh tế từ lĩnh vực hàng không cho tới hoạt động du lịch của các địa phương, đã không có một động thái gì, để hàng triệu người tập trung tại các địa điểm như sân bay, bãi biển, khu du lịch…
Chưa hết, mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới đầy nguy hiểm, và ngay tại Việt Nam cũng nhiều nơi phải áp dụng phong toả nhưng Đảng cộng sản vẫn cố muốn đạt thành tích của mình, bất chấp sự bùng phát của dịch bệnh. Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tuyên bố : "Không vì dịch bệnh mà không tổ chức được bầu cử" (3). Chính các hành động này dẫn tới việc vi-rút được dịp phát tán đi khắp mọi nơi trong cả nước. Thế nhưng các cơ quan chống dịch tuyệt nhiên không đề cập đến các nguyên nhân này. Mãi gần đây, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh mới "rón rén" đưa ra nhận xét "sự xuất hiện liên tiếp các chuỗi lây nhiễm trong thành phố trong khoảng giữa tháng 5 đến nay cho thấy nhiều khả năng dịch xâm nhập vào thành phố vào đầu tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và đã lây lan âm thầm ít nhất hai đến ba thế hệ" (4). Trong khi các chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo từ lâu về nguy cơ lây nhiễm trước các sự kiện này, nhưng chính quyền vẫn bỏ ngoài tai.
b. Chậm trễ trong việc tìm kiếm vắc-xin
Việc chấm dứt được Covid-19 hiện nay chỉ có một cách tốt nhất, đó là sử dụng vắc-xin. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã rất chậm trễ trong việc tìm mua vắc-xin. Sự chậm trễ này đến từ hai nguyên nhân, bao gồm : Sự chủ quan của lãnh đạo ; và không quyết đoán trong việc tìm mua vắc-xin.
Những thành công ban đầu từ năm 2020 cho đến khoảng đầu năm 2021 trong việc chống dịch thông qua biện pháp giãn cách - phong toả đã khiến lãnh đạo Việt Nam chủ quan, tự tin một cách thái quá về mình. Thậm chí Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc có một phát biểu "ngạo nghễ" khi ví von trên truyền thông báo đài quốc gia là "bây giờ cột điện có chân nó cũng chạy từ Mỹ về Việt Nam". Sự yếu kém về tầm nhìn của lãnh đạo đã dẫn tới tâm lý mất cảnh giác, tự mãn, chủ quan đối với đa phần cán bộ, đội ngũ chống dịch và người dân. Trong khi trình độ phát triển của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và dịch bệnh đang bùng nổ khủng khiếp tại các quốc gia Châu Á sát Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia…
Rồi việc kiểm soát đường biên giới cũng đầy những lỗ hổng khi rất nhiều người Trung Quốc vượt biên trái phép mang mầm bệnh gieo rắc khắp nơi.
Nguyên nhân thứ hai để giải thích cho việc chậm trễ, đó là Chính phủ Việt Nam có lẽ chỉ cho rằng, Việt Nam có thể cầm cự bằng phương pháp "phong thành", nên mong chờ sẽ nhận được sự trợ giúp vắc-xin từ Liên minh Covax, chứ không cần phải bỏ tiền ra mua. Điều này được thể hiện là dịch bệnh đã bắt đầu từ tháng 3/2020, nhưng mãi tới ngày 26/5/2021, chính phủ Việt Nam mới cho thành lập Quỹ vắc-xin để huy động tiền toàn dân cho việc mua vắc-xin. Vẫn biết rằng việc mua vắc-xin lúc này không phải là điều dễ, nhưng nếu Việt Nam chủ động đặt mua vắc-xin ngay từ khi dịch bắt đầu như Israel hay Canada thì Việt Nam đã có vắc-xin từ lâu. Điều này cũng cho thấy sự yếu kém trong việc tư vấn chính sách từ các cơ quan chuyên môn của Việt Nam.
Tất cả những điều này đã được nhiều chuyên gia có uy tín đưa ra từ trước đó, nhưng chính quyền Việt Nam đã luôn dập tắt các ý kiến trái chiều, cho rằng những ý kiến đó làm ảnh hưởng đến "quyết tâm chống dịch" của Đảng và Nhà nước.
Kết luận
Chính phủ Trung Quốc cũng như Chính phủ Việt Nam đã lợi dụng các quy định về thông tin sai lệch để ngăn chặn các thông tin và quan điểm chỉ trích liên quan đến đại dịch Covid-19.
Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam từ lâu đã đối diện với những thách thức về tự do truyền thông, nhưng việc kiểm duyệt báo chí liên quan đến Covid-19 đặt ra một mối đe dọa duy nhất, vì điều này làm suy giảm lòng tin của công chúng vào các phản ứng của Chính phủ đối với đại dịch và hạn chế những thông tin sẵn có mà người dân cần để đưa ra các quyết định sáng suốt liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của họ trong cuộc khủng hoảng này.
Đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và đánh bại vi-rút SARS-CoV-2 phải là nỗ lực của cả Chính phủ và người dân. Do những lỗ hổng nghiêm trọng trong dữ liệu về đại dịch mà các chính phủ thu thập và công bố, người dân đã tìm đến mạng xã hội và xã hội dân sự như những nguồn thông tin quan trọng. Sự cởi mở và tự do báo chí sẽ là những công cụ quan trọng trong việc xây dựng lòng tin để đảm bảo tuân thủ các phản ứng sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu sự do dự tiêm vắc-xin. Chính vì vậy, nếu các cuộc tấn công vào tự do báo chí vẫn tiếp tục như ở Trung Quốc và Việt Nam thì người dân sẽ không được cung cấp những thông tin mà họ cần biết về quy mô và bản chất của cuộc khủng hoảng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công cuộc chống dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Nguyễn Đông Phong
Nguồn : RFA, 20/06/2021