Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/06/2021

Làm thế nào để đối phó với đội tàu cá của Trung Quốc ?

Đào Thanh Hải

Trung Quốc dẫn đầu vi phạm

Theo chỉ số do Poseidon Aquatic Resource Management (công ty tư vấn nghề cá và nuôi trồng thủy sản) công bố vào năm ngoái, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) (1). Tuy nhiên, nước này đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện nhỏ. Trước sức ép quốc tế từ các nhóm bảo tồn đại dương và chính phủ nước ngoài, những năm gần đây, Bắc Kinh bắt đầu thắt chặt kiểm soát đội tàu cá của mình dù các nhà bảo tồn và chuyên gia ngư nghiệp vẫn tỏ ra nghi ngờ.

tau1

Một tàu cá vỏ sát cỡ lớn của Trung Quốc bên cạnh tàu hải cảnh của Trung Quốc ở bãi Scarborough Shoal hôm 5/4/2017 - Reuters

Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Stimson, Trung Quốc thừa nhận họ đang có khoảng 2.600 tàu đánh cá nước sâu, nhiều gấp 3 lần so với của 4 nước và vùng lãnh thổ được ghi nhận có đội tàu lớn hàng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Đài Loan cộng lại (2).

Cuối năm 2019, chỉ trong một tuần, cảnh sát biển Gambia đã bắt giữ 15 tàu nước ngoài đánh bắt trái phép – tất cả đều là tàu Trung Quốc (3). Trước đó, vào tháng 5/2019, đã xuất hiện tin tức về gần 20 chiếc tàu treo cờ Trung Quốc tiến vào vùng biển của Triều Tiên, vi phạm rõ ràng các lệnh trừng phạt của LHQ. Đây là những tàu thuộc hạm đội tàu hoạt động bất hợp pháp lớn nhất thế giới mà cuộc điều ra do NBC tiến hành và công bố gần đây cho biết chỉ riêng vùng Biển Nhật Bản có khoảng 800 chiếc hoạt động (4).

Đội tàu này chủ yếu được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Tốc độ lớn mạnh và các hoạt động của nó phát triển không ngừng. Ưu thế và sự xuất hiện dày đặc của hạm đội này trên toàn cầu đặt ra những câu hỏi lớn về việc Trung Quốc "tung" số tàu lớn như vậy ra cho mục đích gì và với mức chi phí như thế nào.

Sức mạnh địa chính trị và an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân Trung Quốc – đó là những lý do rõ ràng sau chiến lược này của Bắc Kinh.

tau2

Tàu cá Trung Quốc neo đậu tránh bão ở Thâm Quyến hôm 15/9/2018. Reuters

Vơ vét tài nguyên cá

Trong khi các chuyên gia an ninh và chiến lược gia hải quân tỏ ra nghi ngờ về số lượng tàu cá đáng kinh ngạc của Trung Quốc, mục tiêu chính của đội tàu cá này là cung cấp cá cho nhóm dân số ngày càng giàu có của Trung Quốc.

Trong thập kỷ qua, sự "bùng nổ" nhu cầu thực phẩm của 1,4 tỷ dân Trung Quốc và kéo theo sự gia tăng hàng nhập khẩu đã làm thay đổi đáng kể thị trường chất đạm toàn cầu. Hơn nữa, lượng thịt tiêu thụ tại Trung Quốc gia tăng, trong khi nền nông nghiệp trong nước liên tục thất bát vì dịch bệnh ở gia súc, nước ngầm bị ô nhiễm và các biện pháp quản lý đất đai yếu kém.

Trong bối cảnh nhu cầu về chất đạm ngày càng tăng, đội tàu đánh cá của Trung Quốc đã lùng sục đánh bắt cá quá mức ở tất cả các vùng biển trong khu vực, khiến Trung Quốc lọt nhóm những nước vi phạm IUU nghiêm trọng nhất thế giới.

Sau khi tàn phá các vùng biển địa phương, Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động đánh bắt IUU sang Châu Phi và Châu Đại Dương. Trong khi đó, dù các nước láng giềng có phản ứng về các hoạt động đánh bắt cá trái phép và hung hãn của Trung Quốc hay không thì Trung Quốc vẫn sẽ tận dụng sức mạnh ngoại giao tích lũy được trong thời gian gần đây tại các tổ chức chính phủ quốc tế (IGO) để "qua mặt" các chuẩn mực hành vi quốc tế tàn phá nền kinh tế đánh bắt cá của các nước láng giềng. Một minh chứng rõ ràng về những vấn đề này là các xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Phần lớn đội tàu đánh cá của Trung Quốc phải tiếp tục đánh bắt tích cực, nếu không người dân sẽ bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. Dù Đảng Cộng sản Trung Quốc có đủ ý chí và công cụ để áp đặt người dân, song Bắc Kinh sẽ tăng cường ưu tiên sử dụng đội tàu đánh cá để đảm bảo nguồn cung protein, đặc biệt khi quan hệ xấu đi với Mỹ và đồng minh của Mỹ giảm hoặc chấm dứt hoạt động xuất khẩu protein sang Trung Quốc.

Bắc Kinh hỗ trợ đội tàu này

Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, cho rằng : "Quy mô và sự hung hăng của hạm đội tàu này giúp Trung Quốc nắm quyền kiểm soát" (5).

Đối với vấn đề an ninh lương thực, nhiều nguồn tài nguyên biển gần Trung Quốc đã cạn kiệt do đánh bắt quá mức và tốc độ công nghiệp hóa, vì vậy, để có thể đánh bắt đầy lưới, các tàu buộc phải mạo hiểm đi xa hơn. Ông Poling nói : "Nếu không có các chương trình hỗ trợ khổng lồ, hạm đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc sẽ chỉ bằng một phần nhỏ so với quy mô hiện tại và trên Biển Đông sẽ không có nhiều đội tàu như vậy hoạt động" (6).

Theo Tabitha Grace Mallory, giáo sư tại Đại học Washington và là chuyên gia về các chính sách đánh bắt của Trung Quốc, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ ngành đánh cá của mình. Năm 2018, hỗ trợ nghề cá toàn cầu ước tính 35,4 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 7,2 tỷ USD và Bắc Kinh cũng giúp trang trải chi phí trang bị động cơ mới, vỏ thép bền hơn cho tàu đánh cá, an ninh vũ trang và tàu y tế (đóng tại ngư trường để tạo điều kiện cho các thủy thủ bám biển lâu hơn) (7). Ngư dân Trung Quốc cũng được tiếp cận nhiều hơn với thông tin tình báo đánh bắt cá từ phía chính phủ, giúp họ tìm ra những vùng biển giàu tài nguyên nhất có nhất. Ông Mallory gọi đó là nguồn hỗ trợ "có hại".

Daniel Pauly, nhà điều tra chính của "Dự án biển quanh ta" tại Viện Đại dương và thủy sản thuộc Đại học British Columbia, giải thích nguồn hỗ trợ từ chính phủ không chỉ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị (khi cho phép tàu thuyền đi vào các khu vực tranh chấp) mà "chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cạn kiệt nguồn cá vì chúng đảm bảo cho các tàu hoạt động không ngừng" (8).

Mục tiêu quân sự và chính trị

Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể chuyển hướng bất kỳ phần nào của đội tàu cá sang các hoạt động bán quân sự, nhiều khả năng mục tiêu sẽ là hỗ trợ các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát và nhắm mục tiêu, quấy rối công khai các lực lượng hải quân của các quốc gia khác trên khu vực biển. Dưới lớp vỏ bọc tàu cá, các lực lượng này sẽ tìm cách quấy rối tối đa để tối đa hóa việc thu thập thông tin tình báo.

Ngoài các khoản trợ cấp hỗ trợ đội tàu đánh cá xa bờ, Trung Quốc còn có chương trình khuyến khích tàu thuyền hoạt động ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông như một cách để khẳng định yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Các tàu thuyền này nhận được nhiều lợi ích như hạm đội biển sâu, cộng với các thanh toán bằng tiền mặt vì hoạt động trong khu vực đó không có lợi nhuận.

Gần đây, Philippines đã cho biết hơn 200 tàu đánh cá dân quân chiếm đóng vùng biển quanh quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, một vùng biển dồi dào nguồn cá, có thể có cả dầu và khí đốt tự nhiên mà Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu cá Trung Quốc trong khu vực dành phần lớn thời gian neo đậu gần nhau thành từng cụm và không thực sự đánh cá. Ông Poling nói : "Lý do duy nhất mà các ngư dân Trung Quốc đi ra Trường Sa là vì họ được trả tiền để làm như vậy." Sự hiện diện của các tàu này đã đẩy nhanh sự suy giảm sản lượng cá quanh các đảo, dẫn đến các cuộc đụng độ với các tàu cá của các nước khác và tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự trên một số rạn san hô.

Rõ ràng, các khoản trợ cấp không chỉ giúp phát triển đội tàu cá Trung Quốc thành một lực lượng toàn cầu với quy mô và phạm vi chưa từng có. Đội tàu cá này cũng "thấm nhuần" tham vọng, động lực và sự táo bạo mà rất ít nước sẵn sàng hoặc có khả năng thách thức.

Các khuyến nghị đối với Việt Nam

Việt Nam là quốc gia trực tiếp tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam cũng là quốc gia gần gũi và gắn bó với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Thời gian gần đây, các đội tàu của Trung Quốc thường xuyên đe doạ và quấy nhiễu các tàu của Việt Nam. Việt Nam cũng đang cố gắng tìm cách đối phó với sự xâm phạm của các tàu Trung Quốc, ví dụ như mới đây báo chí cho hay phía Việt Nam đã cho thành lập các Hải đội dân quân thường trực tại Bà Rịa Vũng Tàu và Kiên Giang. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là vừa trực tiếp khai thác hải sản phát triển kinh tế và nắm chắc tình hình trên biển, đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, phòng chống tội phạm, bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc ; tham gia phòng thủ dân sự, cứu hộ, cứu nạn, vận tải, tiếp tế trên biển ; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp trên.

Tuy nhiên, lực lượng dân quân biển Việt Nam không thể đông và mạnh như lực lượng này của Trung Quốc được, cho nên nếu cho rằng Việt Nam dùng lực lượng dân quân biển của mình để đối trọng với lực lượng này của Trung Quốc thì khó có thể đạt được thành công.

Việt Nam cần học tập cách thức đối phó với đội tàu của Trung Quốc từ kinh nghiệm của Indonesia và Malaysia. Hồi cuối năm 2019, nhiều tàu Trung Quốc đã xâm phạm khu vực biển Bắc Natuna của Indonesia. Indonesia đã kiên quyết huy động sức mạnh hải quân của mình để uy hiếp, buộc các tàu của Trung Quốc phải rời khỏi khu vực này.

Đối với Malaysia hồi năm ngoái nhiều tàu Trung Quốc đã bao vây khu vực Bãi Luconia mà Malaysia đang tiến hành thăm dò và khai thác. Malaysia đã âm thầm nhờ tàu chiến Mỹ tới khu vực này để làm đối trọng, và sau đó đội tàu Trung Quốc đã phải rời đi.

Như vậy, Việt Nam có thể vừa phải dùng hết sức mạnh hải quân của mình để đối phó trước sự uy hiệp của tàu Trung Quốc, đồng thời kết hợp việc yêu cầu tàu Mỹ tham gia hoạt động tuần tra tại khu vực mà tàu Trung Quốc vi phạm để có thể tạo đối trọng khiến tàu Trung Quốc phải rút lui.

Chỉ có các hành động quyết liệt như vậy mới có thể chống lại được sự uý hiệp của Trung Quốc, bảo vệ được biển đảo của mình mà thôi.

Đào Thanh Hải

Nguồn : RFA, 27/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đào Thanh Hải
Read 498 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)