Chiều tối 28/6, tin tức về 3 cán bộ chiến sĩ tại Trại tạm giam Chí Hòa dương tính Covid-19, đưa đến ám ảnh cơn ác mộng khủng hoảng y tế ở nhà tù Việt Nam.
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số tòa án, viện kiểm sát quận huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhận được văn bản của Trại tạm giam Chí Hòa (thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh) về việc thông báo có 3 cán bộ chiến sĩ tại Trại tạm giam Chí Hòa dương tính Covid-19.
Cụ thể như sau :
1. Thiếu tá VĐT, cán bộ đội Quản giáo số 1 thuộc Trại tạm giam Chí Hòa, đã có kết quả khẳng định nhiễm Covid-19.
2. Thiếu tá VĐS, cán bộ đội Quản giáo số 1 thuộc Trại tạm giam Chí Hòa. Ngày 28/6-2021, thiếu tá S. đi khám tại Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) có kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên Covid-19 dương tính. Bệnh viện 30-4 đang tiến hành thực hiện test khẳng định, hiện tại chưa có kết quả.
3. Đại úy ĐTL, cán bộ y tế Bệnh viện Chí Hòa – đội Tham mưu – Hậu cần thuộc Trại tạm giam Chí Hòa. Đại úy L. đã có kết quả khẳng định nhiễm Covid-19. Đại úy L. làm nhiệm vụ sàng lọc Covid-19 tại cổng số 1 của Trại tạm giam Chí Hòa đối với cán bộ chiến sĩ các cơ quan và luật sư đến Trại làm việc, liên hệ công tác từ 13g00 đến 16g30 ngày 25/6-2021 (thứ 6).
Trại tạm giam Chí Hòa - Ảnh minh họa
Trại tạm giam Chí Hòa thông báo đến các đơn vị nêu trên biết, đồng thời đề nghị các đơn vị rà soát cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị mình có tiếp xúc gần với 3 cán bộ trên.
Đặc biệt, đối với các cá nhân liên hệ công tác tại Trại tạm giam Chí Hòa (tại địa chỉ 324 Hòa Hưng, phường 13, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) khung giờ từ 13g00 đến 16g30 ngày 25/6-2021 (thứ 6) có tiếp xúc gần với bà đại úy L. để khai báo y tể trước khi vào Trại tạm giam Chí Hòa làm việc, liên hệ ngay với y tế địa phương để khai báo y tế theo quy định.
Hồi trung tuần tháng 5/2021, hai nhà tù lớn ở Bangkok, Thái Lan là nhà giam Bangkok và Trung tâm cải tạo dành cho phụ nữ, đã có gần 3.000 phạm nhân dương tính với Covid-19.
Các cụm dịch tại nhà tù được phát hiện khi một số nhà hoạt động đối lập (tương tự như ở Việt Nam gọi là ‘tù nhân lương tâm ’ với khung án hình sự ở nhóm tội danh "Xâm phạm an ninh quốc gia ") từng bị giam giữ tại đó thông báo họ đã bị nhiễm Covid-19 trong cuộc xét nghiệm sau khi được tại ngoại. Ngay lập tức, chính quyền Thái Lan đã bắt đầu kiểm tra hàng loạt nhà tù trong nước, theo CNN.
Theo cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Thái Lan, trong hai tuần đầu tháng 5, hơn 24.000 tù nhân và nhân viên tại 8 nhà tù ở các tỉnh Bangkok, Nonthaburi, Chachoengsao và Chiang Mai đã được xác nghiệm và phát hiện được 10.748 ca nhiễm.
Phần lớn các ca nhiễm được xác định tại các nhà tù ở thủ đô Bangkok. Những nhà tù ở tỉnh Chiang Mai phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hơn 60% tù nhân được xác nghiệm đã có kết quả dương tính với Covid-19, theo số liệu của chính phủ.
Trước đó vào thượng tuần tháng 4/2020, trong bài báo đăng trên VOA "Các tổ chức kêu gọi Thủ tướng Việt Nam thả tù nhân vì dịch Covid-19", cho biết nhiều cộng đồng và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng như Ủy ban Luật gia Quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả tự do cho tù nhân ở Việt Nam để họ tránh bị lây nhiễm virus corona trong lúc lệnh cách ly xã hội đang được áp dụng trên toàn quốc.
Bức thư chung của 28 cộng đồng và tổ chức tôn giáo cùng với 108 cá nhân thuộc các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở Việt Nam gửi đến Thủ tướng Phúc đề nghị "trả tự do cho những tù nhân không nguy hiểm cho xã hội như các người hoạt động bảo vệ nhân quyền, những người thực thi quyền tự do ngôn luận, hoặc những người lên tiếng bảo vệ môi sinh".
Liên quan vấn đề trên, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nhà phân tích chính trị, trong một hội luận trên BBC, nhắc lại câu chuyện thời chiến tranh với Trung Quốc, Hồi chiến tranh 1979 ‘đã thả tù’ :
"Chúng ta nhìn lại là từ năm 1979, từ lúc Trung Quốc xâm lược Việt Nam, ở mấy tỉnh biên giới thì một số trại ở phía Bắc, tức là ở Lạng Sơn, ở Quảng Ninh, những trại đông phạm nhân nhất, người ta thả. Và người ta thả trong tình trạng là khi người ta rời trại về Bắc Giang hay Bắc Ninh mà vẫn thấy không an toàn, thì người ta thả.
Sau này thì tất cả những người kia lại quay lại và người ta trình diện đầy đủ và sau đó xảy ra một chuyện người ta gọi là đặc xá, nó gần như đại xá. Thì không có lý do gì bây giờ mà chính quyền Việt Nam không xem xét việc này.
Nói đúng hơn là cũng có một số tổ chức phi chính phủ, thậm chí có một số Bộ đã có đề nghị với lại Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, rồi đề nghị với Chính phủ Việt Nam để xem xét việc làm sao để mà thả bớt những người phạm nhân đang ở trong trại đi, thì nhân việc dịch này để họ có thể được an toàn hơn".
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 29/06/2021