Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/06/2021

Vạn Thịnh Phát lại trong tầm ngắm của ông chủ đốt lò ?

Trường Sơn

Tập đoàn địa ốc của bà Trương Muội và chồng là ông Chu Nap Kee Eric (Trung Quốc) đang được Thanh tra Chính phủ ‘để mắt’ tới…

vanthinh01

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Gần 2.000m2 "đất vàng" mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) là đất công đã rơi vào tay Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Thanh tra Chính phủ kết luận trong văn bản đánh số 757/KL-TTCP mà báo chí nhận được hồi trung tuần tháng 6/2021 : "Khu đất này có nguồn gốc là đất nhà nước, nên đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật".

Gia tộc người Hoa quyền lực bậc nhất thời vương triều Lê Thanh Hải

Ở thành phố Hồ Chí Minh gần 30 năm về trước, bà Trương Muội được biết đến với tên Trương Mỹ Lan – chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và gia tộc Hoa kiều này được cho là có ‘dây nhợ’ đến ông Lê Thanh Hải, người từng là Bí thư quận 5, Chủ tịch và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm liền.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vào cuối năm 2011 được tái cơ cấu theo hình thức hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém gồm ngân hàng Đệ Nhất (Fistcombank), ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng SCB. Nguồn tin khả tín cho biết chủ nhân thực sự của SCB chính là gia tộc bà Trương Muội.

Một động thái đầy bất ngờ nhưng không khó hiểu, giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình là Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hòa đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, lại có nguồn tin cả 10 người này đã đổi ý…

Các công ty trong hệ thống Vạn Thịnh Phát không sở hữu tên gọi hay nhận diện chung cũng như không có sự sở hữu tập trung mà các công ty sở hữu chéo lẫn nhau tương đối phức tạp. Chính vì vậy, mặc dù cái tên Vạn Thịnh Phát xuất hiện không ít lần trên truyền thông với những dự án đình đám nhưng tập đoàn này được đánh giá là "cực kỳ bí hiểm", với đặc điểm chung của các công ty trong hệ thống Vạn Thịnh Phát, là hầu hết các công ty đều có quy mô vốn điều lệ rất lớn, từ vài nghìn đến vài chục nghìn tỷ đồng.

Theo dữ liệu được công bố hồi tháng 5/2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một số nhân vật trong "Hồ sơ Panama" có tên giống với tên lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric.

"Hồ sơ Panama" là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.

Báo cáo của ICIJ cho thấy công ty luật có trụ sở tại Panama là Mossack Fonseca đã giúp giới nhà giàu và quyền lực lập ra hàng trăm nghìn công ty hải ngoại (công ty offshore) tại quần đảo British Virgin Islands (Anh), Cayman, Seychelles, Bahamas, Bermuda… Đây là những nơi được mệnh danh là "thiên đường thuế", vốn được xem là nơi lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh, né thuế.

Theo dữ liệu từ ICIJ, cả hai thể nhân Chu Nap Kee Eric và Truong My Lan đều là người thụ hưởng (beneficiary) của EurAsia ID Concept Group Limited – công ty có địa chỉ đăng ký tại "thiên đường thuế" British Virgin Islandsvà có liên quan tới Multi-Check Limited.

Cả hai đời Thủ tướng là Nguyễn Tấn Dũng đến Nguyễn Xuân Phúc, đều không đá động đến vụ việc "Hồ sơ Panama" kể trên.

Một nghi án đã chìm vào quên lãng

Nhắc lại một nghi án từ chục năm trước.

"Mối quan hệ giữa ông Dương Chí Dũng và bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, một trong những đơn vị có nguyện vọng tham gia dự thầu dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội thuộc Cảng Sài Gòn – chỉ mang tính cá nhân, hoàn toàn không liên quan và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án".

Đây là nội dung chính trong thông cáo báo chí được Cảng Sài Gòn gửi đến các cơ quan truyền thông vào ngày 10/1/2014.

Theo Cảng Sài Gòn, việc di dời, chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội là thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngày 24/6/2010, Thủ tướng đã có Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son, theo đó cho phép doanh nghiệp di dời được phép liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ.

Khi có cơ chế di dời, nhiều nhà đầu tư bất động sản – trong đó có Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – đã tìm hiểu, đặt vấn đề với Cảng Sài Gòn về việc hợp tác thực hiện dự án đầu tư chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.

Do chưa có hướng dẫn về cơ sở và thẩm quyền lựa chọn đối tác, Cảng Sài Gòn đã báo cáo với chủ sở hữu là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) xem xét chỉ đạo, trong đó có thông báo việc Vạn Thịnh Phát mong muốn tham gia.

Nhận được thông tin, Vinalines đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng và ngày 29/12/2011, Thủ tướng có văn bản cho phép Cảng Sài Gòn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.

Theo chỉ đạo của Vinalines, tại nghị quyết số 687/NQ-HHVN ngày 30/3/2012 (thời điểm này ông Dương Chí Dũng đã chuyển công tác sang Cục Hàng hải Việt Nam từ ngày 6/2/2012), Cảng Sài Gòn đã đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia, trong đó có Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhưng sau đó, trong quá trình đàm phán, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xin rút và không tham gia dự án.

Tháng 6/2013, Cảng Sài Gòn trình Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt phương án thành lập pháp nhân thực hiện đầu tư dự án và được các cấp có thẩm quyền phê mà không có sự tham gia của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trước đó – trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng với tư cách nhân chứng đã khai nhận của bà Trương Mỹ Lan 1.000.000 USD để chuyển cho một thứ trưởng Bộ Công an. Khoản tiền này có liên quan tới việc thực hiện dự án di dời chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn…

Trường Sơn

Nguồn : VNTB, 28/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trường Sơn
Read 708 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)