Bà Trương Mỹ Lan lãnh thêm án chung thân sau hình phạt tử hình
Ngày 17/10, bà Trương Mỹ Lan đã bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án chung thân trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bà Trương Mỹ Lan nghe tuyên án vào ngày 17/10
Hội đồng xét xử tuyên bà Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội Rửa tiền, 8 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Trước đó vào tháng 4, ở giai đoạn 1 của vụ án, bà Lan đã lãnh án tử hình và bà đã kháng cáo.
'SCB dụ dỗ người gửi tiền mua trái phiếu'
Theo hội đồng xét xử, có căn cứ xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lừa đảo, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là về việc mua bán 25 gói trái phiếu của các công ty có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB để chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của gần 36.000 trái chủ.
Ở tội danh này, tòa nhận định từ năm 2018 đến năm 2020, bà Lan đã cùng các nhân sự chủ chốt tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) họp bàn và tiến hành sử dụng 4 công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo.
Tòa cho rằng SCB đã có hàng loạt hoạt động dụ dỗ người mua trái phiếu với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm tại hệ thống Ngân hàng SCB và đa số người mua trái phiếu là người gửi tiền ở Ngân hàng SCB.
Nhờ vào phương thức này, bà Lan và các đồng phạm đã bán trái phiếu cho gần 36.000 nhà đầu tư, huy động được tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng. Bà Lan và các bị cáo bị cáo buộc đã chiếm đoạt số tiền này, sử dụng vào việc chi trả nợ, chi dự án, chuyển trái phép ra nước ngoài.
Đối với tội "Rửa tiền", tòa nhận định rằng từ ngày 1/1/2018 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, tổ chức thực hiện rửa tiền với tổng số tiền hơn 445.000 tỷ đồng.
Con số này gồm hơn 415.000 tỷ đồng từ nguồn tiền "tham ô tài sản" của Ngân hàng SCB thông qua 916 khoản vay "khống" đã xét xử ở giai đoạn 1 và hơn 30.000 tỷ đồng từ hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phát hành trái phiếu khống vừa đề cập.
Để che giấu và hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.000 tỷ đồng này, theo tòa án, bà Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện nhiều thủ đoạn chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB ; hoặc chuyển khoản cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản. Hành vi này nhằm tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền.
Một cựu chiến binh Việt Nam cùng các nạn nhân bị lừa đảo mua trái phiếu đến theo dõi phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh chụp vào ngày khai mạc phiên tòa 19/9/2024. STR/AFP
Đối với tội danh "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", tòa nhận định bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, tiền vay được chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD từ năm 2012-2022. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật. Tổng số được vận chuyển trái phép là 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.730 tỉ đồng.
Tranh luận trước tòa, có luật sư cho rằng trong giai đoạn 1 có những khoản tiền chi cho Ngân hàng SCB nhưng bị quy kết cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong hành vi rửa tiền là chưa hợp lý.
Nhưng theo Hội đồng xét xử, hành vi sử dụng tiền trong nguồn tiền phạm tội là hành vi khách quan của tội rửa tiền, nên quy kết các bị cáo về tội rửa tiền là có căn cứ.
Trong quá trình xét xử, bà Lan không kêu oan nhưng nói rằng mình không phải là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu, không chiếm đoạt tiền của các trái chủ và cho rằng đã là con người thì không ai tránh khỏi sai sót.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nói mình đã sai lầm để hôm nay cả gia tộc phải trả một cái giá quá đắt. Bà nói bà chấp nhận đây là định mệnh nên không trách cứ ai.
Tuy nhiên, bà cam kết dùng toàn bộ tài sản của mình để bồi thường cho 35.824 trái chủ.
Khi nói lời sau cùng, bà Lan đã bộc bạch như sau :
"Bị cáo đứng đây ‘đầu đội trời, chân đạp đất’, đối diện với Hội đồng xét xử, bị cáo gửi lời trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất đến người đứng đầu đất nước, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã vất vả vì cái tên Trương Mỹ Lan, làm chấn động cả Việt Nam cũng như quốc tế".
"Đây là cái số thôi. Cả cuộc đời này có một cái không bao giờ quên, là vì tên bị cáo mà ảnh hưởng đến hàng vạn con người".
Trái chủ 'thấp thỏm' đợi bản án
BBC đã phỏng vấn nhiều người bị hại mua trái phiếu công ty An Đông, công ty Quang Thuận hoặc Setra.
Trong đó, bà Bảo Ngọc từ Hải Phòng đã kể với BBC không chỉ riêng bà mà rất nhiều người khác đều chịu cảnh khó khăn khi tiền bị giam vào một chỗ mà không biết tương lai sẽ như thế nào.
"Nhiều đêm tôi mất ngủ vì lo nghĩ. Mẹ tôi đã phải điều trị rối loạn lo âu tại nhà và một lần nhập viện do suy nhược cơ thể kèm theo bệnh hen. Mẹ tôi suy nghĩ quá nhiều về số tiền dưỡng già".
"Trong hai năm qua, có rất nhiều dự định đầu tư kinh doanh của tôi bị đình trệ lại vì không có vốn. Bản thân tôi bị ảnh hưởng tâm lý và không còn tin tưởng vào sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng như một số cán bộ tha hóa đã lợi dụng chức vụ bao che sai phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà Lan phạm tội liên tiếp nhiều lần".
Tòa đã yêu cầu bà Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 30.081 tỷ đồng có được từ lừa đảo trái phiếu.
Không rõ số tiền này sẽ được bồi thường ra sao cho các bị hại, nhưng những trái chủ nói với BBC rằng cuộc sống họ hai năm nay đã hoàn toàn bị đảo lộn, thậm chí một số người phá sản, lâm bệnh nặng vì bị sốc khi mất hết tiền. Họ đã chầu chực, thấp thỏm đợi chờ kết quả bản án và mong rằng sẽ sớm nhận lại toàn bộ số tiền bị lừa mua trái phiếu.
Ở giai đoạn 1 của vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử và tuyên án sơ thẩm hồi tháng 4/2024.
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan lãnh án án tử hình vì chiếm đoạt, tham ô của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng. Bà Lan sau đó đã kháng cáo và vụ án giai đoạn 1 đang chờ xét xử phúc thẩm.
Vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay, được cho là đã làm rung chuyển hệ thống tài chính và tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Tính tới ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước đã cho SCB vay tổng cộng 622.700 tỷ đồng (khoảng 24,5 tỷ USD) để ngân hàng này duy trì hoạt động, tránh sự sụp đổ ảnh hưởng lên toàn hệ thống, theo Reuters.
Khoản cho vay này tương đương với 6% GDP năm 2023 của Việt Nam.
Nguồn : BBC, 17/10/2024
Đến 65% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động
RFA, 15/12/2023
Sáu mươi lăm phần trăm các doanh nghiệp trong nước buộc phải cắt giảm lao động theo thăm dò của hãng tuyển dụng Navigos Search tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Công nhân đang cuộn những thanh thép cho một công trình xây dựng ở Hà Nội. AFP
Mạng báo Tuổi trẻ loan tin ngày 14/12 dẫn kết quả thăm dò gần đây của Navigos Search về tiền lương và thị trường lao động tại Việt Nam qua phỏng vấn 4.000 lao động và 555 công ty trên cả ba miền đất nước.
Trong số 311 công ty phải cắt giảm lao động, những doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán cho biết phải giảm từ 25 đến 50% số nhân viên của họ ; những công ty trong ngành xây dựng, bất động sản, tư vấn phải giảm từ 50-75% lao động.
Thăm dò cho thấy chỉ có hơn 1% các công ty được hỏi ý kiến cho biết họ dự kiến có thể phải thuê thêm đáng kể lao động trong năm tới.
Đối với người lao động, 70% số người được thăm dò cho biết họ duy trì được công việc hiện làm ; trong khi đó 20% cho biết phải đối mặt với biện pháp cắt giảm.
Trong số những lao động bị tác động, chỉ có 6,5% tìm được việc làm mới ; hơn 11% vẫn phải tiếp tục tìm việc.
Ngành xây dựng là lĩnh vực bị tác động đáng kể nhất.
**********************
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, và 85 đồng phạm bị truy tố
RFA, 15/12/2023
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam vào ngày 15/12 ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan- Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra ở Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ở Tập đoàn này và các đơn vị liên quan. Tội danh truy tố gồm "đưa hối lộ", "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng", và "tham ô tài sản".
Cáo trạng xác định rằng từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm từ 85% đến 91,5% cổ phần của SCB, rồi nắm quyền chỉ đạo thao túng toàn bộ ngân hàng này. RFA edited
Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày.
Cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam ban hành xác định rằng từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm từ 85% đến 91,5% cổ phần của SCB, rồi nắm quyền chỉ đạo thao túng toàn bộ ngân hàng này.
Cáo trạng nêu rằng bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo tiến hành một chuỗi hành vi gồm tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt của SCB ; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan ; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều người câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện âm mưu của bà Trương Mỹ Lan.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống gần 920 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng.
Những đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan bị cho thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo chứng ; tạo lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB ; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng diền sau giải ngân ; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư tín dụng, giảm nợ xấu nhằm che giấu sai phạm ; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ…
Theo cơ quan tố tụng, trong vụ án này có năm cựu lãnh đạo SCB hiện đang bỏ trốn. Đó là các ông, bà gồm Đinh Văn Thành, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB, đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi vụ án bị khởi tố ; Chiêm Minh Dũng- nguyên phó Giám đốc SCB, cũng trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã ; Trầm Thích Tồn- thành viên Hội đồng quản trị SCB ; Nguyễn Thị Thu Sương- nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB ; Nguyễn Lâm Anh Vũ- từng làm việc cho SCB.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam kêu gọi năm người vừa nêu ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam, trong vụ án vừa nêu ngoài bà Trương Mỹ Lan cùng nhóm thuộc cấp còn có 15 cựu cán bộ Ngân Hàng Nhà nước ; ba cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước… Những vị cựu cán bộ cấp cao này bị truy tố về các tội "tham ô tài sản", "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", và "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng".
Nhóm cựu quan chức này đã bỏ qua nhiều sai phạm tại SCB trong quá trình thanh tra ; đặc biệt cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước- bà Đỗ Thị Nhàn, nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng).
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam, trong quá trình điều tra, truy tố bà Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi vi phạm ; trong khi đó 80 bị can còn lại được nói tỏ ra ăn năn, thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm pháp luật khớp với các tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong vụ án.
Cháu gái bà Trương Mỹ Lan là Trương Huệ Vân- Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, được cho biết đã khắc phục hơn 1.063 tỷ đồng ; ông Chu Lập Cơ- chồng bà Trương Mỹ Lan- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Quảng trường Thời đại Times Square, khắc phục 1 tỷ đồng…
Bà Đỗ Thị Nhàn- cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, đã nộp lại 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng…
************************
Microsoft bắt được những trang chủ của nhóm đặt tại Việt Nam bị cho bán hàng triệu tài khoản giả mạo
RFA, 15/12/2023
Microsoft bắt được những trang chủ của một nhóm đặt trụ sở tại Việt Nam bị cho đã bán hàng triệu tài khoản giả cho bọn tội phạm mạng. Bọn này dùng các tài khoản đó để tấn công bằng mã độc tống tiền ransomware, ăn cắp thông tin cá nhân và những trò lừa đảo khác trên khắp thế giới.
Phần mềm "robot mạng" của Storm-1152 đã đánh bại các công cụ bảo mật của Microsoft như CAPTCHA. AFP
AFP loan tin ngày 15/12 dẫn xác nhận của Microsoft tin vừa nêu. Đó là nhóm có tên Storm-1152. Nhóm này phát triển ra những công cụ tinh vi nhằm đánh bại những chức năng an toàn của Microsoft tạo nên vô số tài khoản thư điện tử Outlook và Hotmail.
Theo thông cáo của Microsoft đưa ra hôm thứ tư 13/12 thủ lĩnh của nhóm được cho biết là ba cá nhân đặt cơ sở ở Việt Nam : (tên viết không có dấu) Duong Dinh Tu, Linh Van Nguyen, và Tai Van Nguyen. Không rõ ngoài ba người này còn có thêm ai khác nữa không.
AFP đã gửi câu hỏi đến ba người theo địa chỉ thư điện tử mà Microsoft đăng trong đơn gửi cho một tòa án Liên bang ở Hoa Kỳ vào tuần trước ; cũng như liên lạc giới chức Việt Nam để hỏi về tin vừa nêu. AFP không nói rõ có nhận được phản hồi nào chưa.
Storm-1152 lần đầu tiên bị phát hiện vào năm 2021. Arkose Labs, một công ty an ninh mạng làm việc với Microsoft chống lại nhóm này, đã truy được dấu vết của Storm-1152 từ Việt Nam.
Storm-1152 phát triển phần mềm tự động hay "robot mạng" (ứng dụng phần mềm tự động chạy các tác vụ lặp đi lặp lại trên mạng) nhằm tạo ra những tài khoản giả mạo. Phần mềm này của Storm-1152 đã đánh bại các công cụ bảo mật của Microsoft như CAPTCHA.
Storm-1152 bị cho đã kiếm được hàng triệu USD từ hoạt động của nhóm này.
Tòa án Liên bang Mỹ đã cho phép Microsoft dùng quyền kiểm soát đối với các trang chủ của nhóm Storm-1152 theo đơn của tập đoàn công nghệ khổng lồ này.
Trên các trang chủ đó nay hiện dòng chữ "tên miền này đã bị nắm giữ bởi Microsoft".
Thêm bốn người bị khởi tố liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nâng tống số bị can lên 50 người. Trong đó có lãnh đạo, nhân viên thuộc Vạn Thịnh Phát và SCB cùng một số thanh tra thuộc Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II Ngân hàng Nhà nước.
Người gửi tiền tiết kiệm và dùng thẻ của SCB
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của khoảng 42.000 nhà đầu tư.
Vụ Vạn Thịnh Phát cùng với các bê bối khác như AIC FLC, Đăng kiểm được xếp vào các vụ án trọng điểm, được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải "xử lý dứt điểm" và được cho là "sẽ kết thúc điều tra, truy tố xét xử" trong năm 2023.
Trả lởi BBC News tiếng Việt hôm 13/11, Tiến sĩ, chuyên gia tài chính, kinh tế vĩ mô và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vụ án Vạn Thịnh Phát và trước đó nữa là Tân Hoàng Minh đã có tác động rất mạnh vào thị trường trái phiếu của Việt Nam, hậu quả là làm nhà đầu tư mất niềm tin.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra những bình luận về mối liên hệ giữa Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, công ty con An Đông cùng với ngân hàng SCB, nhất là sau vụ các cựu lãnh đạo ngân hàng này bị truy nã.
Vạn Thịnh Phát - SCB - Tân Việt
Những người bị hại trong vụ lừa đảo trái phiếu nói trên đều khẳng định với BBC rằng, khi họ đến giao dịch tại ngân hàng SCB, chính nhân viên của SCB đã giới thiệu cho họ sản phẩm mới gọi là "tiết kiệm linh hoạt 31 ngày" và nói đó là do SCB bảo lãnh. Rất nhiều người phản ánh họ hoàn toàn không biết họ đã đặt bút ký vào hợp đồng mua trái phiếu của các công ty như An Đông hay Quang Thuận, vì vốn tưởng đó chỉ là sản phẩm gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích rằng, ở đây, ta thấy có sự liên đới của SCB khi đây là ngân hàng hỗ trợ cho Vạn Thịnh Phát cũng như các công ty con của tập đoàn này phát hành trái phiếu. Quan trọng hơn nữa, ngân hàng SCB dùng hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch và nhân viên của mình để phân phối, chào mời trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.
Sau khi nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt vào tháng 10 năm ngoái, đã có những tin đồn về mối liên hệ của bà Lan với ngân hàng SCB, dẫn đến việc người dân gửi tiền ở ngân hàng này đổ xô đi rút tiền, gây sự khủng hoảng khiến ngân hàng Nhà nước phải phát thông cáo.
Chính ngân hàng SCB cũng đã lên tiếng, khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB.
Tuy nhiên, điều này không thể trấn an tâm lý của người dân, vì nhiều người cho rằng, tuy bà Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nhưng không đồng nghĩa bà ấy không phải là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này.
Chuyên gia Trí Hiếu cũng đưa ra những khả năng rằng, tuy bà Lan không nắm giữ chức vụ nào nhưng có thể là cổ đông lớn của SCB, thông qua cổ phần chính thức hoặc qua các công ty khác để nắm cổ phần của SCB.
"Nếu những đồn đoán là chính xác, đồng nghĩa là tập đoàn Vạn Thịnh Phát có khả năng khuynh đảo, chi phối mạnh mẽ hoạt động của ngân hàng. Chúng ta biết rằng rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam là "sân sau" của những tập đoàn bất động sản và Hội đồng quản trị của ngân hàng phải hành động theo kế hoạch của tập đoàn, chứ không theo lợi ích của ngân hàng. Ta gọi là lợi ích nhóm và ngân hàng nhà nước đang cố gắng xử lý những trường hợp như vậy, nhưng đây vẫn là sự phỏng đoán", ông Hiếu diễn giải.
Hồi cuối tháng 10 vừa qua, các cựu lãnh đạo của SCB, trong đó có hai cựu chủ tịch của ngân hàng bị khởi tố và phát lệnh truy nã vì liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát lại đưa củng cố mối quan hệ giữa SCB, Vạn Thịnh Phát và công ty Tân Việt, qua các nhân vật nắm giữ các chức vụ quan trọng.
Đó là bà Nguyễn Thị Thu Sương và ông Trầm Thích Tồn.
Bà Sương người bị truy nã gần đây là cựu Chủ tịch hội đồng quản trị SCB nhưng bà từng làm việc cho bà Trương Mỹ Lan vào năm 2008. Giai đoạn ̣đó bà là trợ lý Ban Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Còn ông Tồn thì từng kinh qua các chức vụ từ Phó Giám đốc, Giám đốc đến Tổng Giám đốc của các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Hà Nội : Sáng 10/10/2022, lực lượng bảo vệ đọc danh sách khách đăng ký giao dịch tại chi nhánh của ngân hàng SCB ở phố Văn Cao từ thứ 7 (8/10). Ai có tên mới được vào bên trong
Trong số những người bị bắt giữ cùng bà Trường Mỹ Lan vào tháng 10 năm ngoái còn có ông Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, đồng thời là nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ông Nguyễn Tiến Thành, người đột ngột qua đời ngay trước hôm bà Lan bị bắt là Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt lúc đó. Ông Thành còn thành viên Hội đồng quản trị độc lập SCB và là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - người nắm chức vụ phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo các báo Việt Nam.
Qua một số nhân vật bị khởi tố, bắt tạm giam và bị truy nã gần đây vì liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, có thể thấy được phần nào mối quan hệ giữa tập đoàn này với ngân hàng SCB cũng như công ty chứng khoán Tân Việt, theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.
Báo chí cũng đưa tin, Công ty chứng khoán Tân Việt là bên tư vấn phát hành trái phiếu của An Đông – doanh nghiệp con của Vạn Thịnh Phát.
Hiệu ứng domino
Bên cạnh những người nắm giữ mã trái phiếu mà được C03 xác nhận là bị hại vì lầm tưởng việc mua trái phiếu là sổ tiết kiệm thì một số khác thừa nhận với BBC họ biết hợp đồng họ ký là trái phiếu.
Đó là trường hợp của bà Nguyễn Hồng Nhi, người nói với BBC rằng bà đỏ bỏ 200 triệu tiền tích góp 5 năm để mua trái phiếu.
"Nếu là sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn thì ngân hàng sẽ phát cho mình sổ tiết kiệm, còn này mình ký hợp đồng và nhận sau tầm một tuần. Nhưng vấn đề là cách nói của nhân viên ngân hàng SCB khiến tôi tưởng rằng đây là trái phiếu có bảo đảm thanh toán. Nếu như công ty phát hành trái phiếu không thể chi trả, ngân hàng sẽ đứng ra bồi thường cho người mua như tôi", bà Nhi nói với BBC.
Phân tích với BBC, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu rõ sự khác biệt giữa "bảo lãnh phát hành" và "bảo lãnh thanh toán".
"Theo tôi hiểu, hình như SCB chỉ bảo lãnh phân phối - tức đối tượng có lợi ở đây là Vạn Thịnh Phát và các công ty con trong hệ sinh thái của tập đoàn này, chứ không phải những trái chủ. Còn bảo lãnh thanh toán thì là hình thức có lợi cho các nhà đầu tư, nghĩa là trong trường hợp Vạn Thịnh Phát không có khả năng trả nợ thì ngân hàng đứng ra trả nợ thay cho Vạn Thịnh Phát.
"Nhưng trong lúc bán trái phiếu cho Vạn Thịnh Phát, SCB chỉ nói lập lờ là có bảo lãnh, dẫn đến sự hiểu lầm của các nhà đầu tư. Đó có thể là những vi phạm mà các cơ quan điều tra đang tiến hành xác nhận", chuyên gia phân tích.
Hiện SCB vẫn đang bị đặt trong trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Theo lý giải của Tiến sĩ Trí Hiếu, điều này nghĩa là các thanh tra ngân hàng nhà nước kiểm soát mọi hoạt động, bút toán, nhân sự của ngân hàng nên tại thời điểm này, tất cả mọi chuyện đều được kiểm soát.
"Nếu may mắn, SCB cải tổ được và thoát ra khỏi sự kiểm soát đặc biệt thì có thể trở về hoạt động bình thường, nếu không, sẽ đi đến kế hoạch mạnh tay hơn của ngân hàng nhà nước - bán SCB cho ngân hàng khác hoặc trường hợp xấu nhất là ra tòa tuyên bố phá sản", ông Hiếu nhìn nhận.
Reuters đưa tin, sau các vụ bắt bớ và khởi tố, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn.
Tính đến cuối tháng 7/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được doanh nghiệp mua lại trước hạn là 135,3 nghìn tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải điều này, chuyên gia Trí Hiếu cho rằng nhiều công ty phát hành trái phiếu, đa phần là bất động sản và ngành bất động sản đang trong tình trạng trầm lắng, nên muốn được trả trước hạn để loại đi rủi ro vỡ nợ.
"Có thể lúc phát hành trái phiếu, họ trả với lãi suất rất cao nên họ muốn trả trước hạn rồi phát hành lại một loạt trái phiếu mới với lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, trong số nhà phát hành trả trước hạn, có thể có những công ty đã vi phạm luật phát hành trái phiếu riêng lẻ - như Nghị định 103 và 65. Vì vậy, nếu vi phạm thì họ sợ đến lúc nào đó sẽ bị điều tra nên chọn "đi tắt đón đầu"", ông Hiếu nhận định.
Khách hàng đến đòi tiền tại chi nhánh ngân hàng SCB tại địa chỉ 256 đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng hồi tháng 10 năm 2022
Nhưng ông cũng cho rằng, việc các công ty phát hành trái phiếu trả nợ trước hạn thì đối với nhà đầu tư là một điều tốt.
Thực tế, thị trường trái phiếu của Việt Nam đang rơi vào tình trạng đóng băng với lượng phát hành trái phiếu rất ít, một phần có thể do ảnh hưởng của vụ án Vạn Thịnh Phát.
Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng 5/2023.
Chuyên gia cho rằng, vụ bê bối Vạn Thịnh Phát đã gây hiệu ứng "domino", tức vụ án này đã gây mất niềm tin trầm trọng đối với người dân, các nhà đầu tư, khiến họ không muốn bỏ tiền mua trái phiếu. Trước đây, phát hành trái phiếu có thể được xem là một giải pháp cho thị trường vốn của Việt Nam vì phần lớn vốn đến từ ngân hàng và tạo gánh nặng cho ngân hàng - ngân hàng là bà đỡ cho nền kinh tế.
Thị trường trái phiếu đóng băng dẫn đến sự thiếu hụt vốn, nhất là trong thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, cuối cùng ảnh hưởng đến ngân hàng.
So sánh với vụ việc Tân Hoàng Minh, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích rằng vụ việc xảy ra ở Vạn Thịnh Phát có tính chất phức tạp hơn vì tập đoàn này có móc nối với cả một hệ thống ngân hàng cùng hàng trăm công ty con và các công ty liên quan.
"Với Vạn Thịnh Phát, khả năng lấy lại tiền là có nhưng quan trọng vụ án sẽ kéo dài bao lâu và người bị lấy lại được bao nhiêu", ông Hiếu kết luận.
Nguồn : RFA, 16/11/2023
Vụ Vạn Thịnh Phát : công an ‘đang thu hồi tài sản đền bù cho nạn nhân’
VOA, 19/12/2022
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, cho biết họ ‘đang thu hồi triệt để tài sản’ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nạn nhân trong vụ lừa đảo trái phiếu công ty An Đông thông qua ngân hàng SCB.
Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hồ Chí Minh
Đại tá Vũ Như Hà, phó cục trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, tức C03, đã cho biết thông tin này tại buổi họp báo cuối năm 2022 của Bộ Công an vào chiều ngày 19/12, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.
Công ty cổ phần đầu tư An Đông là thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà chủ tịch là bà Trương Mỹ Lan đã bị khởi tố điều tra về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, mà cụ thể là gian dối trong phát hành trái phiếu, hôm 7/10.
Cho đến nay, nhiều nạn nhân của vụ lừa đảo trái phiếu An Đông tại ngân hàng SCB cho VOA biết bất chấp việc họ mòn mỏi đi kêu cứu khắp nơi trong hai tháng qua, đến nay họ không nhận được câu bất cứ câu trả lời cụ thể nào từ cả ngân hàng SCB và Bộ Tài chính mà chỉ là ‘lời hứa hẹn chung chung’ là ‘đợi kết quả điều tra từ Bộ Công an’.
Tổng số nạn nhân của vụ lừa đảo trái phiếu này lên đến hơn 40.000 người trên khắp 63 tỉnh thành với số tiền bị chiếm đoạt lên đến 25 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ đô la Mỹ.
Cũng tại buổi họp báo, Đại tá Hà cho biết Công an cũng đã khởi tố thêm 20 người trong vụ án này nhưng không nói rõ là những ai, cũng theo báo Tuổi Trẻ.
"Cơ quan cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra, xem xét xử lý triệt để sai phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không ngoại lệ", ông Hà được dẫn lời cho biết.
Trước đó, hôm 17/11, Bộ Công an đã có công văn đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai phối hợp rà soát tài sản các cá nhân và các công ty có liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát để kịp thời ngăn chặn họ tẩu tán tài sản, đảm bảo việc thu hồi tài sản bị thiệt hại, cũng theo tờ Tuổi Trẻ.
Cụ thể, nhà chức trách tỉnh này được yêu cầu rà soát tài sản là nhà, đất của cá nhân trong vụ án trên địa bàn tỉnh và tạm dừng các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, biếu tặng… cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra được Tuổi Trẻ dẫn lại thì các bị can ‘hiện đang sở hữu hoặc ủy quyền cho người thân sở hữu nhiều tài sản là bất động sản, tài sản trên đất tại các tỉnh, thành phố’.
Còn ở Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố này cũng đã được Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị phối hợp ngăn chặn các tổ chức, cá nhân tẩu tán tài sản và tạm dừng việc chuyển nhượng cổ phần ở các công ty thuộc sở hữu của các bị can trên địa bàn thành phố.
Theo đó, có đến 762 công ty nằm trong diện bị đóng băng tài sản ở Hà Nội do liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tờ Người Lao Động cho biết.
*************************
Hiệu trưởng ăn chặn 2 tỷ tiền hỗ trợ học sinh nghèo ở Sơn La
VOA, 19/12/2022
Một vị hiệu trưởng ở một trong những tỉnh miền núi khó khăn nhất Việt Nam vừa bị bắt tội tham ô tài sản sau khi bị cáo buộc biển thủ hơn hai tỷ đồng từ ngân sách nhà nước dành hỗ trợ học sinh nghèo, truyền thông trong nước đưa tin.
Hiệu trưởng Nguyễn Như Thành khi bị công an đọc tuyên bố bắt tạm giam
Theo đó, ông Nguyễn Như Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Ngôi trường mà ông Thành làm hiệu trưởng là nơi theo học của các em học sinh dân tộc miền núi mà đa số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được Nhà nước hỗ trợ.
Theo thông tin từ cơ quan công an được Tuổi Trẻ dẫn lại, ông Thành đã chỉ đạo bộ phận kế toán và thủ quỹ trường lập hồ sơ, chứng từ để rút tiền từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho học sinh nhà trường, nhưng không phát tiền đó cho học sinh mà lại sử dụng cho mục đích cá nhân trong hai năm học 2019 - 2020 và 2021 – 2022.
Số tiền mà hiệu trưởng này đã chiếm đoạt là hơn hai tỷ đồng. Để hợp pháp hóa số tiền này, ông Thành đã chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ khống và báo quyết toán hàng năm không trung thực.
Theo Tuổi Trẻ, vụ việc này trên đã gây bức xúc cho dư luận trong tỉnh Sơn La, nhất là ở vùng miền núi, nơi có nhiều dân tộc thiểu số cư trú với đời sống còn rất khó khăn. Tờ báo không đưa tin về lời khai của ông Thành khi làm việc với cơ quan công an.
Theo tiêu chí đánh giá của chính quyền Việt Nam thì huyện Thuận Châu là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh Sơn La hơn một nửa dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo với tỷ lệ 54,96%. Có 24/29 xã của huyện Thuận Châu thuộc diện đặc biệt khó khăn với thu thu nhập bình quân đầu người dưới 25 triệu đồng một năm, tương đương khoảng 2.000 đô la, theo thông tin trên báo Sơn La.
Trường phổ thông dân tộc nội trú là mô hình trường học ở Việt Nam dành cho các tỉnh có điều kiện khó khăn mà ở đó các em học sinh người dân tộc thiểu số được học tập trung và được đài thọ chi phí ăn ở và chi phí học tập.
Cách nay hơn một tháng, vào ngày 9/11, Công an huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cũng đã khởi tố và bắt tạm giam một thủ quỹ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Cổ Linh cũng về tội Tham ô tài sản.
Lợi dụng trách nhiệm được giao là quản lý số tiền từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho học sinh, thủ quỹ Nguyễn Thị Nụ đã chiếm đoạt gần 160 triệu đồng và sử dụng vào mục đích cá nhân, tờ Giáo dục Thời đại cho biết. Theo tờ báo này, trong khi làm việc với cơ quan công an, bà Nụ "cam kết" sẽ trả lại số tiền này để thực hiện việc chi trả cho học sinh.
***********************
Bộ Công an Việt Nam báo cáo số vụ tham nhũng, vi phạm bị phát hiện trong năm 2022
RFA, 19/12/2022
Bộ Công an Việt Nam vào ngày 19/12 báo cáo số vụ và số người bị phát hiện, xử lý do tham nhũng, và những vi phạm khác trong năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh : Trọng Phú)
Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn báo cáo được nêu ra tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 diễn ra ở Hà Nội vào sáng ngày 19/12.
Báo cáo nêu rõ, trong năm 2022, lực lượng Công an phát hiện, xử lý hơn 900 cán bộ, viên chức phạm tội về tham nhũng, chức vụ ; 5.300 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ; điều tra, khám phá hơn 33.800 vụ phạm tội về trật tự, xã hội ; triệt phá 590 băng nhóm tội phạm có tổ chức…
Ông Trần Quốc Tỏ, Thượng tướng- Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho rằng Công an Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được đảng cộng sản giao phó và để lại nhiều dấu ấn nổi bật.
Báo cáo không nêu những vụ công an bị công khai trên mạng xã hội những hành vị như nhận hối lộ, đánh dân, hành hạ người bị bắt giữ…
Trong diễn tiến liên quan, vào chiều ngày 19/12, Bộ Công an Việt Nam họp báo thông tin về các vụ án lớn trong năm 2022 gồm Việt Á, "chuyến bay giải cứu, AIC…
Cụ thể Vụ kit test Việt Á, cơ quan tố tụng tính đến nay đã khởi tố tổng cộng 102 bị can và 29 vụ án ; vụ "chuyến bay giải cứu" 35 bị can ; vụ Vạn Thịnh Phát khởi tố hai vụ án và 27 bị can ; vụ AIC dù có tám người đang bỏ trốn, gồm cả bà cựu chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhưng cơ quan tố tụng vẫn đề nghị truy tố và quyết định đưa vụ án ra xét xử dự kiến vào ngày 21/12 này.
************************
Một cán bộ cao cấp bị bắt về tội "chuyển tài liệu cho nước ngoài"
RFA, 19/12/2022
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) Hoàng Ngọc Giao bị bắt với cáo buộc "chuyển tài liệu cho nước ngoài"
Ông Hoàng Ngọc Giao - giaoduc.net.vn
Theo thông tin từ ba nguồn độc lập, ngày 16/12, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với cáo buộc "Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài ; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điểm C, khoản 1 của Điều 110 "Tội gián điệp" trong Bộ luật Hình sự.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, một người quen biết với ông Hoàng Ngọc Giao, khẳng định với Đài Châu Á Tự Do (RFA) qua điện thoại vào trưa ngày thứ hai (19/12).
"Anh ấy bị bắt vào thứ sáu (ngày 16/12). Hỏi lý do thì người ta bảo vì đưa tài liệu ra nước ngoài. Cũng không biết nước ngoài là nước nào và cho ai".
Phóng viên có gọi điện cho gia đình của ông Hoàng Ngọc Giao nhưng một phụ nữ nghe máy đã từ chối trả lời về thông tin ông này bị bắt. Phóng viên cũng gọi điện vào số máy của Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển nhưng không ai nghe máy.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng về vụ bắt giữ này. Phóng viên có gọi điện cho Văn phòng Bộ Công an Việt Nam nhưng không ai nghe máy.
Theo luật hiện hành, Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, người hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đối mặt với án tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu bị kết tội.
VUSTA là một tổ chức phi chính phủ, thành viên của Mặt trận Tổ quốc.
Ông Nguyễn Khắc Mai cho RFA biết tháng trước ông có tham dự cuộc hội thảo về góp ý cho việc sửa đổi Luật Đất đai tổ chức bởi ông Hoàng Ngọc Giao và Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội).
Theo ông Mai, trong cuộc hội thảo có sự tham dự của nhiều cựu quan chức của Chính phủ như cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ, ông Hoàng Ngọc Giao đã đề nghị chấm dứt hoặc hạn chế việc lấy đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án.
Ông Nguyễn Khắc Mai đánh giá ông Hoàng Ngọc Giao là một luật sư có tấm lòng tử tế, có đóng góp nghiêm chỉnh, công tâm và khách quan cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển là một think-tank có nhiều đóng góp ở Việt Nam.
Ông nghi ngờ việc bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao có liên quan đến việc ông này góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ông nói với RFA :
"Tôi sợ rằng họ kiếm một cái cớ để ngăn chặn Hoàng Ngọc Giao đi sâu vào vấn đề Luật Đất đai mà họ đang muốn sửa".
Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ đưa dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ra thảo luận và hy vọng sẽ thông qua trong kỳ họp vào giữa năm 2023. Đây là bộ luật gây nhiều tranh cãi khi không thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, một vấn đề được nhiều chuyên gia đánh giá là nguồn gốc của những tranh chấp về đất đai giữa người dân và chính quyền, gây bất ổn xã hội tại Việt Nam.
Ông Mai cũng nói góp ý của ông Hoàng Ngọc Giao cũng chỉ là một phần của nguyên nhân ông này bị bắt giữ vì buổi hội thảo không có vấn đề gì gay gắt. Ông giải thích về vụ bắt giữ này thêm như sau :
"Ai mà làm trái ý chính quyền, những người lãnh đạo thì người ta tìm cách khống chế. Hoàng Ngọc Giao hay một vài người nào đấy có công tâm, có thẳng thắn, có đề nghị nào đấy nêu bật cái mâu thuẫn nghịch lý hiện nay thì đều có thể nằm trong tầm ngắm của những người họ không thích".
"Tài liệu gì mà trái ý của họ thì họ đều cho là vi phạm (an ninh) quốc gia chứ còn việc giao lưu trao đổi ý kiến quan điểm hay nghiên cứu với nhau thì bây giờ phải được coi là bình thường đi chứ !"
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể), nói với RFA rằng có nghe tin ông Hoàng Ngọc Giao bị bắt nhưng không nắm được chi tiết. Bình luận về vụ bắt giữ này, ông nói với RFA như sau :
"Nhiều ý kiến cho rằng cuối năm họ có chỉ tiêu. Một điều chắc chắn là sự siết chặt càng siết hơn nữa".
Luật sư Hoàng Ngọc Giao là trọng tài viên lâu năm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tham gia giảng dạy tại nhiều trường luật uy tín ở Việt Nam hàng chục năm.
Đầu tháng 10 vừa qua, ông được bầu là chủ tịch của Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt-Trung (VCITAC). Ông còn là giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao & Cộng sự.
Trên website của mình, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển giới thiệu hoạt động của tổ chức này "nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua các hoạt động nghiên cứu–tư vấn, nghiên cứu-đánh giá, nghiên cứu-phản biện và tăng cường năng lực về các vấn đề Chính sách, Pháp luật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế–xã hội".
Tổ chức này cũng "hợp tác cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các chuyên gia và nhà nghiên cứu" với mục tiêu "tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện một nền quản trị quốc gia tốt, một nhà nước pháp quyền vững mạnh, hướng tới một xã hội Việt Nam dân chủ, văn minh".
Nguồn : RFA, 19/12/2022
Vụ Việt Á : Bắt tạm giam trợ lý Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
RFA, 30/11/2022
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 30/11 thông báo việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Trịnh – Trợ lý Phó thủ tướng – vì liên quan đến vụ Việt Á.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một phỏng vấn với Reuters ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 22/5/2014 (minh họa) - Reuters
Thông báo cho biết ông Trịnh bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự".
Báo chí Nhà nước và thông báo Bộ Công an không nêu cụ thể ông Trịnh là trợ lý cho ai, nhưng những thông tin được công bố rộng khắp trước đó cho thấy ông này đã được bổ nhiệm làm Trợ lý cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từ tháng 12/2018.
Vụ bắt giữ mới nhất này của Công an Việt Nam được tiến hành khi công an mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ; Đưa hối lộ ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan". Đây là một trong những vụ án quan trọng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo thông báo của Bộ Công an, "ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành Kit xét nghiệm Covid-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á tiêu thụ sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19 tại các đơn vị, địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Hành vi của ông Nguyễn Văn Trịnh phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Việt Á bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm lên khoảng 45% và đút lót cho các đối tác khoảng 800 tỷ đồng.
Tính đến lúc này, có ít nhất khoảng 90 người đã bị khởi tố do có liên quan đến vụ Việt Á. Trong số này có tám quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
*************************
Vụ Vạn Thịnh Phát : Bộ Công an gỡ phong tỏa tài sản 20 doanh nghiệp
RFA, 30/11/2022
Cơ quan Điều tra Bộ Công an vừa gỡ lệnh phong tỏa tài sản của 20 doanh nghiệp liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 30/11.
Trụ sở của Vạn Thịnh Phát ở Thành phố Hồ Chí Minh - Thanh Niên
Đây là những công ty nằm trong danh sách 762 công ty bị Bộ Công an yêu cầu tạm dừng giao dịch tài sản để phục vụ điều tra vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát hồi đầu tháng này.
Hôm 8/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Cùng với quyết định trên, Bộ Công an cũng khởi tố và bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và ba lãnh đạo khác của Vạn Thịnh Phát về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo truyền thông Nhà nước, trong số các công ty được gỡ phong tỏa có Công ty TNHH Vĩnh Hiệp ở tỉnh Gia Lai được xem là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn nhất tỉnh này.
Báo Tiền Phong cho biết, công ty này được gỡ phong tỏa vì chỉ giao dịch với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để vay vốn kinh doanh cà phê chứ không liên quan đến bất động sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Doanh nghiệp này cũng đã có đơn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để trình bày việc công ty chỉ vay tiền Ngân hàng SCB hơn 71 tỷ đồng để thu mua cà phê của 10.000 hộ nông dân.
Ngân hàng SCB là ngân hàng bị cho là có liên quan trực tiếp tới Vạn Thịnh Phát mặc dù lãnh đạo ngân hàng này khẳng định không có liên quan. Nhiều tuần qua, người dân ở các tỉnh, thành của Việt Nam đã tập trung biểu tình phản đối ngân hàng này đã chào mời người dân mua chứng khoán của các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát nhưng giờ lại "bỏ của chạy lấy người".
Liên quan đến việc gỡ phong tỏa các doanh nghiệp liên quan, theo truyền thông Nhà nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cáo mới đây đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khẩn trương rà soát đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp và tất cả các doanh nghiệp khác. Nếu thấy không liên quan đến hành vi của các bị can, đối tượng trong vụ án thì tháo gỡ, hủy bỏ yêu cầu tạm dừng giao dịch để doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hợp pháp với ngân hàng, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Vụ án tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát mang tính chất ‘đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có’, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam đánh giá sau cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo báo Thanh Niên.
Vụán tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát mang tính chất ‘đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có’
Thông tin này được ông Nguyễn Thái Học, phó trưởng Ban Nội chính trung ương, đưa ra tại cuộc họp báo sau cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương tại Hà Nội hôm 18/11.
Tuyên bố này là dấu hiệu cho thấy vụ án Vạn Thịnh Phát nhận được sự theo dõi, chỉ đạo từ cấp cao nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hôm 8/10, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội ‘Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản’, mà cụ thể là gian dối trong phát hành cổ phiếu tại Công ty cổ phần đầu tư An Đông, một công ty thành viên của Vạn Thịnh Phát.
Hiện tại vụ việc đang trong vòng điều tra và tài sản của Vạn Thịnh Phát và các công ty liên quan đang bị phong tỏa. Tổng cộng có đến 762 công ty liên quan bị đóng băng tài sản trong vụ trọng án này, báo chí trong nước thông tin.
Vụ trái phiếu của Tập đoàn An Đông có đến hơn 40.000 nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước với số tiền lên đến hơn một tỷ đô la Mỹ.
Trước đó tại buổi họp báo ngày 29/10, Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm phát ngôn nhân Bộ Công an, cho biết vụ án Vụ Thịnh Phát là ‘vụ rất khó’ trong quá trình điều tra. Ông Xô cho biết lãnh đạo Bộ Công an đã báo cáo cho lãnh đạo Đảng về mức độ khó khăn của vụ án nhưng khẳng định ‘sẽ quyết tâm điều tra’.
Ông Xô cũng nói việc một số bị can bị đột tử sau khi bị bắt tạm giam ‘không ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều tra’.
Bên cạnh vụ Vạn Thịnh Phát, các vụ án của Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vụ chuyến bay giải cứu ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và vụ Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC cũng được xếp vào diện nghiêm trọng được chú ý đặc biệt.
Từ giờ đến cuối năm, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam đặt mục tiêu ‘tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án’, cũng theo Thanh niên.
Cơ quan này cho biết họ ‘đã thu hồi được gần 16.000 tỉ đồng’ trong các vụ án tham nhũng bằng cách tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và ngăn chặn giao dịch.
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương xác định tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... Cơ quan này cho biết ‘có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi’.
Trong vòng chưa đầy hai năm từ Đại hội Đảng lần thứ 13, đã có đến 7 Ủy viên trung ương Đảng bị kỷ luật, con số cao nhất từ trước đến nay trong một nhiệm kỳ. Trong đó, có ba ủy viên trung ương bị cho thôi việc cùng một lúc tại Hội nghị trung ương 6 hồi đầu tháng 10.
Về một vụ án khác đang được dư luận quan tâm là vụ Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC vốn đang bị điều tra về các tội ‘Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Đưa hối lộ’, ông Nguyễn Thái Học dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng các can phạm ‘dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được’.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch AIC, hiện đã bỏ trốn. Bà Nhàn được cho là đã hối lộ các lãnh đạo Đồng Nai nhiều tỷ đồng để được trúng thầu gói thầu mua sắm thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Bà Nhàn bị cáo buộc đã nâng khống giá để chiếm đoạt của Nhà nước 152 tỷ đồng.
VOA, 18/11/2022
Tháo ngòi hay kích hoạt quả bom nổ chậm ?
Sau thời gian trấn an và trấn áp người dân bưng bít thông tin về hậu quả sai phạm của Vạn Thịnh Phát, mối quan hệ mờ ám của bộ ba bất động sản Vạn Thịnh Phát - Chứng khoán Tân Việt và Ngân Hàng SCB bất thành, nhà nước Việt Nam cuống quýt liên tục ra lệnh phong tỏa tài sản Vạn Thịnh Phát. Đương nhiên việc phong tỏa không phải là để bảo vệ tài sản những người dân bị bộ ba này đánh lừa mà chủ yếu là mong muốn tháo ngòi của quả bom nổ chậm sẽ làm bung toang liên minh ma quỷ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu và ngân hàng. Mong muốn là như vậy nhưng kết quả ra sao ? Tháo ngòi hay kích hoạt quả bom ?
Một số bất động sản của Vạn Thịnh Phát đang hoạt động. (Ảnh : alocanhosg.com)
Từ khi khởi tố vụ án đến nay, nhà nước Việt Nam luôn phù phép biến con khủng long bất động sản Vạn Thịnh Phát thành con muỗi dự án An Đông, cắt đứt mối quan hệ hữu cơ của bộ ba Vạn Thịnh Phát, chứng khoán Tân Việt và ngân hàng SCB, không chừa một thủ đoạn nào. Ba nhân vật quan trong trong hệ thống này là ông Nguyễn Tiến Thành chủ tịch Tân Việt, bà Nguyễn Phương Hồng thành viên Hội Đồng Quản trị SCB và Nguyễn Ngọc Dương Giám đốc Sài Gòn Peninsula lần lượt đột tử chỉ trong vòng tuần lễ. Hệ thống truyền thông được lãnh đạo chặt chẽ đến ngay thông tin đám tang cũng phải tự ý đục bỏ. Hàng chục người đã bị điều tra xử phạt vì tiết lộ thông tin liên quan đến bộ ba này.
Tuyên giáo và công an đã trấn an và trấn áp để người dân yên tâm không rút tiền nhưng hệ thống ngân hàng thì thi nhau nâng lãi suất như đoàn tàu sắp đắm chạy đua tránh bão. Mặt khác, chính bản thân ngành công an cũng không thể che con khủng long Vạn Thịnh Phát thâu tóm đất đai bất động sản cả nước bằng chiếc mùi xoa dự án An Đông. Không tuyên bố mở rộng điều tra nhưng vừa qua, công an, các cơ quan quản lý kinh tế phải chạy xoắn đít điều tra phong tỏa tài sản của Vạn Thịnh Phát, đa phần đã được ẩn náu bằng những tên tuổi khác.
Thành Phố Hồ Chí Minh nơi Vạn Thịnh Phát đặt đại bản doanh và thâu tóm đất vàng nhiều nhất đã vắt giò lên cổ chạy trước. Ngày 20/10/2022 báo chí đồng loạt đưa tin, Công an Thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh rà soát nguồn gốc 156 bất động sản liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cung cấp thông tin trước ngày 19/10. Theo danh sách đính kèm, 156 bất động sản nêu trên tập trung tại quận 1, 3, 5, 7, Thành phố Thủ Đức (1).
Lệnh này cũng hết sức nhẹ nhàng là xác minh nguồn gốc, chưa nói đến việc phong tỏa. Nhưng đến ngày 28/10 thì không còn nhẹ nhàng được nữa, đến lượt Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Long An phối hợp cung cấp thông tin ; khẩn trương rà soát đối với các tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác, cũng như tình trạng pháp lý tài sản liên quan đến các bị can, cá nhân, công ty trong vụ án. Đồng thời tạm dừng các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho phát sinh (nếu có) đối với nhà, đất trên cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Long An chỉ là tỉnh nhỏ nằm cạnh Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Long An cho biết giai đoạn 2015-2020, Vạn Thịnh Phát xúc tiến, trao đổi 65 dự án, trong đó 35 dự án đã có chủ trương và 30 dự án chưa có chủ trương. Tuy nhiên, trong dữ liệu lưu trữ hệ thống trong các chứng nhận đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư đều do người khác đứng tên, không có tên bà Trương Mỹ Lan (2).
Chưa đến một tuần sau, Bộ Công An chơi lớn, ngày 4/11 Bộ Công an đề nghị Hà Nội tạm dừng giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của 762 công ty liên quan vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong 762 pháp nhân này đều có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều cái tên như : Công ty cổ phần đầu tư Lộc Vĩnh Phát ; Công ty cổ phần Đắc Thịnh Hòa ; Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Panorama… (3).
Tấm giấy mỏng che giấu sự thật dự án An Đông đã cháy rụi, phần chìm của tảng băng đã dần lộ ra. Nhưng đâu phải đã hết, Vạn thịnh Phát còn được giao nhiều dự án hàng trăm ha ở Quảng Ninh, vùng đất vàng phát tích của Thủ Tướng anh minh, giá trị mỗi dự án lên đến nhiều tỉ đô la. Không rõ vì sao Tô Đại tướng chưa mò tới ?
Việc phong tỏa, quản lý các tài sản của Vạn Thịnh Phát hẳn có nhiều mục đích, ngăn chặn sự tháo chạy, bảo đảm việc thi hành trách nhiệm dân sự hình sự sau này và quan trọng hơn cả là ngăn chặn tình trạng hỗn loạn gây hiệu ứng domino làm vở bong bóng bất động sản, sụp đổ hệ thống ngân hàng cả nước.
Ý đảng, ý chính quyền là như vậy nhưng thực tế thì sao ? Trong bối cảnh hoạt động tài chính tiền tệ hiện nay, giá trị cổ phiếu chứng khoán đang tuột dốc không phanh. Sau bao nhiêu năm kìm giữ, tỉ giá đô la trổi dậy tăng phi mã vượt qua ngưỡng 25.000 VNĐ/USD và chưa biết sẽ còn tăng bao nhiêu nữa.
Trong lĩnh vực bất động sản, do vừa qua buông lỏng quản lý để các doanh nghiệp tự tung tự tác phát hành trái phiếu, nâng giá bất động sản giờ lại quay sang siết chặt tín dụng, bất động sản trở thành người khổng lồ suy dinh dưỡng, nói chính xác là hết hơi, thiếu máu. Việc phong tỏa, đóng băng khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ của Vạn Thịnh Phát giống như tạo ra cục máu đông khổng lồ ngăn trở dòng chảy vốn đang quá yếu ớt của người khổng lồ bất động sản. Đó sẽ là nhát dao chí mạng, là phát súng ân huệ giúp bất động sản sớm về đoàn tụ với cụ Hồ, Lênin…
Đây không phải suy luận chủ quan mà chính là tiếng kêu trối thống thiết của con bệnh hấp hối đang đối diện với tử thần. Ngày 6/11, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị với Thủ Tướng một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo HoREA, "đến năm 2023-2024 ước khoảng 790.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nên rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường bất động sản vận hành thông suốt". Nếu làm ăn bình thường lành mạnh có vay có trả, số nợ càng lớn chứng tỏ quy mô kinh doanh càng lớn là chuyện đáng mừng có gì phải than vản kêu cứu ? Vấn đề chỉ nguy hiểm khi mất vốn, chi phí đi vào không khí hoặc vào túi ai đó nên đến hạn không có tiền trả nợ.
Ở đây, HoREA giải thích do hàng tồn kho, sản phẩm không tiêu thụ được, đến tháng 6/2022, số liệu của 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận khoảng 273.373 tỉ đồng hàng tồn kho, chiếm quá nửa giá trị tài sản và đáng quan ngại đối với hàng tồn kho thuộc các dự án dở dang, nên cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để tháo gỡ...
"Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm".
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định...
Đồng thời, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA kiến nghị cần "có kết luận dứt điểm" các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc "đất công", hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án (4).
Nhà báo Mai Bá Kiếm cựu Thư Ký Tòa soạn báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã bình luận trên fb cá nhân rất xác đáng như sau : "Tôi hỏi ông Châu, các doanh nghiệp bất động sản đã sử dụng tiền bán trái phiếu vào mục đích gì mà không còn để trả lúc đáo hạn ?
Tổng Thanh tra Chính phủ đã hứa với Quốc hội là sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật khi phát hành trái phiếu và sử dụng tiền thu được có đúng mục đích không ?
Hai chủ tịch Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát đã bị bắt vì tội lừa đảo trong việc phát hành trái phiếu. Ông Châu chưa biết trái nào là "trái phiếu", trái nào là "trái phá" mà liều mạng kiến nghị như vậy ?
Ông còn nại rằng, có 45 doanh nghiệp bất động sản đang ôm 273.373 tỷ đồng hàng tồn kho, thuộc các dự án dở dang, cần tháo gở vướng mắc pháp lý để xả hàng. Ông muốn lãnh đạo tỉnh, thành vô tù nhiều hơn vì hợp thức hóa các dự án có vướng đất công và dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư ?" (5).
Đúng là tài chính, tiền tệ, bất động sản đã thành căn bệnh nan y di căn vào lục phủ ngũ tạng, nên ra toa đặc trị là không phải dễ. Chính phủ cũng biết điều đó, tuy không mướt mồ hôi xây pháo đài như những ngày chống dịch nhưng ông Phạm Minh Chính cũng đổ mồ hôi trán váng mồ hôi đầu để tìm phương xử lý. Ngay sau hôm quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng SCB, ông Thủ tướng phải bỏ thời giờ vàng ngọc ngày chủ nhật để làm việc với các ngân hàng.
Lần này, chỉ một ngày sau kiến nghị của HoREA, chính phủ đã hỏa tốc triệu tập cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết khó khăn ách tắc cho ngành bất động sản do Phó thủ tướng Lê Minh Khải chủ trì, tham gia có 11 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản khu vực phía Nam cùng Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) và Bộ Xây dựng.
Các doanh nghiệp được mời dự trực tiếp gồm Novaland, Phú Mỹ Hưng, Becamex, Hưng Thịnh, IMG, Hoàng Quân, Him Lam, Đại An, Phú Cường, Sơn Kim Land, DIC, Khang Điền...
Đồng thời, một số doanh nghiệp bất động sản lớn tại khu vực phía Bắc như Vingroup, Sungroup, Ecopark, Tuần Châu, TNG, Flamingo cũng dự họp trực tuyến. (6)
Tinh thần khẩn trương của chính phủ trong việc lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp cho thấy mức độ nguy cấp của con bệnh bất động sản. Sự nguy cấp này HoREA chưa tính đến cục máu đông là khối tài sản khổng lồ của Vạn Thịnh Phát đang bị phong tỏa mới đây.
Điều đáng nói là dù làm việc khẩn trương như vậy nhưng kết quả giải quyết của cuộc họp lại hết sức im lìm. Trong ngày 7 và sáng ngày 8/11, báo chí rầm rộ thông tin về cuộc họp nhưng mãi đến chiều tối ngày 9 không hề thấy thông tin nào về kết quả giải quyết của cuộc họp này. Phải chăng chính phủ cũng bó tay không tìm ra phương án (dù là để tuyên truyền) giải quyết bế tắc của bất động sản.
Ngược lại, những tín hiệu về sự tan rả, đổ vở của cái tam giác địa ốc, trái phiếu, ngân hàng đang ngày càng lộ rõ. Mấy ngày qua, nhiều vụ người dân đang "tụ tập đông người" trước trụ sở của SCB yêu cầu ngân hàng này phải có trách nhiệm trong việc cho nhân viên tư vấn lừa người gởi tiền tiết kiệm thành hợp đồng mua trái phiếu của Tân Việt. Báo chí đã hết sức né tránh những thông tin nhạy cảm này những cái tên cụ thể Tân Việt, Vạn Thịnh Phát nhưng cũng phải lộ hàng bởi thông tin chỉ đạo ngay từ UBND Thành phố ngày 7-11. "Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Ngân hàng SCB tuyệt đối không né tránh khiếu nại của người dân". Theo đó, liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi họp với sự tham dự của Phó chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu và Phó chủ tịch UBND Thành phố Phan Thị Thắng, cùng nhiều cơ quan liên quan vào ngày 4/11 vừa qua.
Lãnh đạo Thành phố đề nghị SCB phải có cơ chế trao đổi thông tin nhanh chóng, báo cáo lãnh đạo TP, địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp xử lý kịp thời tình huống phát sinh. Ngân hàng có trách nhiệm phối hợp lực lượng chức năng vận động, giải thích cho người dân, giải quyết những vấn đề liên quan ngay tại cơ sở.
Chỉ đạo trên được đưa ra trước tình trạng thời gian gần đây các trụ sở và các chi nhánh của Ngân hàng SCB tại Thành phố Hồ Chí Minh đông đúc người dân đến rút tiền trước hạn bởi một số người lo lắng tiền gửi của mình có thể bị ảnh hưởng sau khi xuất hiện các thông tin tiêu cực lan truyền.
SCB cho biết thời gian qua có hợp tác với một số công ty chứng khoán để thực hiện dịch vụ giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua, bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty chứng khoán (7). Thực tế tiền trái phiếu Tân Việt đã được chuyển cho Vạn Thịnh Phát và không có để chi trả cho khách hàng, Với cách trả lời nước đôi và phủi trách nhiệm của SCB chắn chắn những vụ khiếu nại đông người đòi tiền trái phiếu Tân Việt sẽ còn kéo dài và ngày một đông hơn.
Đối với bất động sản, sự đổ vỡ không còn là nguy cơ mà đã có những sự kiện có thật. Novaland, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Vingroup đã có những dấu hiệu hụt hơi. Novaland thông báo tạm dừng phát hành 482 triệu cổ phiếu để tăng vốn vì thị trường chuyển biến xấu. Theo kế hoạch ban đầu, Novaland dự kiến phát hành gần 482,6 triệu cổ phiếu NVL với tỷ lệ thực hiện quyền 1:0,2475 (cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu sẽ được nhận 2.475 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần tại Báo cáo tài chính kiểm toán riêng 2021.
Công ty lần đầu thông báo chốt danh sách cổ đông thưởng cổ phiếu vào ngày 20/10. Sau đó, doanh nghiệp thay đổi sang ngày đăng ký cuối cùng là 14/11 và hiện tại đã tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Có nhiều thông tin Novaland sa thải hàng ngàn nhân viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland Bùi Xuân Huy đã trả lời báo chí là công ty có đủ lực lượng nhân sự cho những dự án chuẩn bị tung ra trong năm sau và năm sau nữa. "Do đó, chúng tôi quyết định tạm dừng nhân sự cho các dự án mà chúng tôi quyết định chuyển chiến lược phát triển sau này. Đây là giải pháp tình thế để giải quyết những việc trước mắt" (8).
Khởi tố Vạn Thịnh Phát là cần thiết, phong tỏa tài sản Vạn Thịnh Phát, tăng cường quản lý tài chính, tín dụng là cần thiết, tuy nhiên đáng lẽ phải làm điều ấy sớm hơn. Một vấn đề gốc rễ sâu xa hơn chính quy định sở hữu toàn dân nhà nước quản lý với đất đai chính là cội nguồn nuôi dưỡng quan chức tham nhũng thông đồng với đám lưu manh tay không bắt giặc cướp đất của dân trở thành đại gia bất động sản.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 08/11/2022
3. https://baophapluat.vn/ngan-tau-tan-tai-san-762-cong-ty-lien-quan-vu-an-...
4. https://nhadat.tuoitre.vn/thi-truong-bat-dong-san-co-kha-nang-roi-vao-su...
5. https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/pfbid0ZYXNgpuJ1j72hYpGHWQQ4Emx...
6. https://baoxaydung.com.vn/loat-ong-lon-bat-dong-san-hop-khan-voi-lanh-dao-chinh-phu-343469.html
7. https://tuoitre.vn/tp-hcm-yeu-cau-ngan-hang-scb-tuyet-doi-khong-ne-tranh...
Ông Tô Ân Xô – Trung tướng, Chánh văn phòng kiêm Phát ngôn viên của Bộ Công an – lại vừa hăm dọa công chúng : Bộ Côngan sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác. Đồng thời đề nghị người dân không tin, không lan truyền những thông tin thất thiệt, sai sự thật(1). Thông tin bị xác định "thất thiệt, sai sự thật" là chuyện "sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn bị xử lý".
Tổng hành dinh Vạn Thịnh Phát tại Sài Gòn.
Đây là lần thứ hai trong vòng nửa tháng Bộ Công an hăm dọa về việc "xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác". Lần trước – hôm 9/10/2022 – Bộ Công an tuyên bố "sẽ xử lý tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự" (2).
Trên thực tế, Bộ Công an đã bắt vài người vì "bình luận thất thiệt về hoạt động của Ngânhàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) gây hoang mang dư luận". Tuy nhiên chỉ một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định "hoạt động của SCB vẫn bình thường và ổn định" (3), Bộ Công an hăm dọa và thực hiện vài lệnh bắt giữ giống như răn đe, Ngân hàng Nhà nước đột nhiên đưa SCB vào diện "kiểm soát đặc biệt" (4).
Điều đó có khác gì thừa nhận, chỉ các tin bị cho là "không chính xác, thất thiệt, sai sự thật" mới "đúng sự thật". Điều đó cũng có khác gì chứng minh, Ngân hàng Nhà nước đã tung tin giả. Chẳng phải chỉ có Ngân hàng Nhà nước tungtin giả, Bộ Công an cũng vậy. Khi công bố quyết định khởi tố vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan". Bộ Công an xác định có bốn bị can, một trong bốn bị can - bà Nguyễn Phương Hồng được Bộ Công an xác định là "Trợ lý Công ty cổ phần Vạn Thịnh Phát" (5). Tuy nhiên khi tố cáo SCB đục bỏ danh sách thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng này và tiểu sử của từng người, một số cơ quan truyền thông chính thức như Infonet (6), Vietnam Finance (7), vô tình tố cáo Bộ Công an tung tin giả. Bà Hồng là người đã làm việc cho SCB suốt 11 năm, trong 11 năm đó từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau của SCB (Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh, Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc chi nhánh) và lúc bị bắt đang là "Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB".
Dẫu Infonet, Vietnam Finance, đã đục bỏ các tố cáo hai chiều (tố cáo SCB và vô tình tố cáo các cơ quan hữu trách) song tin đã đưa vẫn còn có thể tìm thấy ở một số nơi trên Internet (8). Có thể Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an vẫn đinh ninh chính quyền có quyền làm ra và phát tántin giả cũng nhưtin giả có thể giữ cho thị trường tài chính, tín dụng nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung "hoạt động bình thường, ổn định" nhưng công chúng đủ khôn ngoan để không bị gạt. Các "biện pháp nghiệp vụ" như chế tạo, khoác cho bị can lai lịch giả, buộc hệ thống truyền thông chính thức đục bỏ những thông tin cho thấy chính quyền tungtin giả, che đậy việc bà Hồng đột tử khi vừa bị tạm giam, lờ đi một số trường hợp "bất đắc kỳ tử". chẳng khác gì định hướng cho công chúng nên tin vào loại "tin" nào – "tin" do chính quyền công bố hay "tin" bị chính quyền xếp vào loại "tin giả, tin sai sự thật". Cứ nhìn vào sự hỗn loạn của thị trường tài chính, tín dụng, ví dụ VN-Index liên tục xuyên thủng hết đáy này tới đáy khác, chỉ trong vòng nửa năm, giá trị toàn bộ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm khoảng 2,2 triệu tỉ đồng (9) thì sẽ xác định được công chúng chọn tin lọai "tin" nào. Thiên hạ vẫn gọi nh ững tình huống kiểu này là "gậy ông đập lưng ông" ! "Ông" đã bị "đập" rất đích đáng !
***
Khi hăm dọa sẽ "xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác" bởi các "tin" này "gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường". Bộ Công an hoặc cố ý, hoặc vô tình không nhìn thấy hậu quả của các "biện pháp nghiệp vụ" mà chính quyền đã áp dụng. Chính những "biện pháp nghiệp vụ" ấy mới là nguyên nhân dẫn tới hậu quả như đang thấy.
Khi chính quyền bất chấp các qui định pháp luật làm ra và phát tántin giảvề lai lịch bị can, che đậy và cưỡng bức báo chí phải tham gia che đậy sự thật thì sẽ có bao nhiêu người tin những "biện pháp nghiệp vụ" đã thực thi thật sự vì "lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp". Chẳng lẽ thiếu trung thực, không minh bạch có thể "bảovệan ninh, an toàn thị trường" và ngược lại là sai ?
Đến giờ, có thể thấy rất rõ, chính các "biện pháp nghiệp vụ" chỉ làm khủng hoảng trên thị trường tài chính, tín dụng thêm trầm trọng. Hăm dọa để tiếp tục áp đặt các "biện pháp nghiệp vụ" không chỉ khiến Bộ Công an trở thành cơ quan vừa táo bạo nhất trong việc tung tin giả, vừa tàn bạo nhất khi cố gắng chứng minh sẽ xử lý cả những người "đồng thuận" với những thông tin không phải là tin giả do Bộ Công an phát tán.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/10/2022
Chú thích
(4) https://tuoitre.vn/kiem-soat-dac-biet-ngan-hang-scb-20221015175432938.htm
Phần 1
Đúng một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định :"Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (Saigon Commercial Bank - SCB) đang hoạt động bình thường, ổn định" (1), cũng Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định :Đưa SCB vào diện "kiểm soát đặc biệt" đểhạn chế tác động tiêu cực đến SCB và hệ thống các tổ chức tín dụng (2) !
Tổng hành dinh Vạn Thịnh Phát tại Sài Gòn
Tại sao chỉ trong vòng một tuần, SCB đang "bình thường, ổn định" lại rơi vào tình huống bất ổn đến mức Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng biện pháp "kiểm soát đặc biệt" ? Vậy tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đánh giá - nhận định sai hay cố tình giảm nhẹ mức độ trầm trọng về "sức khỏe" của SCB để trấn an công chúng ?
Không chỉ có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an cũng vậy ! Ngày 8/10/2022, khi công bố những thông tin ban đầu liên quan đến vụ án"lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra ở An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan,Bộ Công an đã cố tình che giấu việc tống giam Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB.
Khi công bố việc bắt bà Nguyễn Phương Hồng -Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB – như một bị can trong vụ án vừa đề cập (gọi tắt là vụ án Vạn Thịnh Phát), Bộ Công an đã chủ động khoác cho bà tấm"áo" "Trợ lý Vạn Thịnh Phát". Nhiều người biết quan hệ giữa Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB như thế nào. Đổi"áo" cho bà Hồng không chỉ cố tình vi phạm các qui định về khởi tố bị can của Luật Tố tụng hình sự mà còn cố ý dối gạt công chúng về tình trạng của SCB.
Hội đồng quản trị của SCB có bốn thành viên thì một đột tử ngay vào thời điểm khởi tố vụ án Vạn Thịnh Phát (ông Nguyễn Tiến Thành), một bị tống giam rồi chết khi vừa bị tạm giam (bà Nguyễn Phương Hồng) Trong bối cảnh như thế, làm sao SCB có thể "hoạt động bình thường, ổn định" ?
Giữ cho SCB nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung "hoạt động bình thường, ổn định" là nhu cầu riêng của chính quyền Việt Nam. Do vậy, sau khi bắt bà Trương Mỹ Lan và ba đồng phạm, Bộ Công an còn bắt ngay lập tức vài người "bình luận thất thiệt về hoạt động của SCB gây hoang mang dư luận", kèm theo răn đe sẽ xử lý "tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự"(3).
Chẳng lẽ những tin như "SCB đang hoạt động bình thường, ổn định" hay bà Nguyễn Phương Hồng chỉ làm "Trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát" là tin thật ? Tại sao chính quyền chủ động loan báo tin giả, tin sai sự thật, còn công chúng thì bị cấm "đăng tải, chia sẻ, phát tán", thậm chí cấm cả "bình luận đồng thuận" khác với tin do chính quyền công bố ? Chuyện các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức như VietNamNet (4), Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (5), Infonet (6), Vietnam Finance (7), hăm hở loan tin bà Nguyễn Phương Hồng chết, SCB đục bỏ danh sách và tiểu sử các thành viên Hội đồng quản trị rồi hối hả đục bỏ, cho thấy, chính quyền tìm mọi cách để bưng bít thông tin.
Chịu khó đọc, đối chiếu các dữ kiện, thông tin do chính quyền công bố theo kiểu trước vậy nhưng sau, hóa ra không phải vậy, cũng như các thông tin được các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức loan báo rồi đục bỏ, ắt sẽ nhận ra, chính quyền Việt Nam rất bối rối trong việc giữ cho thị trường tài chính, tín dụng ổn định.
***
Ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam vừa gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại trên toàn quốc hôm 16/10/2022 - sau khi Bộ Công an tống giam hàng loạt chủ doanh nghiệp mà hoạt động có dính líu đến thị trường tài chính, tín dụng (Trịnh Văn Quyết – FLC, Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh, Đỗ Thành Nhân – Louis Holding và Louis Capital, Đỗ Đức Nam – Chứng khoán Trí Việt, Phạm Thị Hinh – Chứng khoán VSM, Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát,...).
Tại cuộc gặp mặt ấy, ông Chính trấn an các doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng : Không hoang mang, lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà luôn giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tình hình thế giới, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội, trong nhân dân, dưới sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước để tổ chức thực hiện nhiệmvụ có hiệu quả.
Ông Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan "theo dõi bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với Ngân hàng Nhà nước để giải quyết các vấn đề liên quan, nhất là những đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng thương mại" (8). Liệu Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan và hệ thống ngân hàng thương mại có thể giải quyết khối nợ liên quan đến trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành lên tới vài trăm ngàn tỉ sắp đáo hạn mà 80% được xem là "rác" và 74% lượng trái phiếu này đang do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán nắm giữ ?
Trân Văn
17/10/2022
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/kiem-soat-dac-biet-ngan-hang-scb-20221015175432938.htm
(4) https://vietnamnet.vn/mot-bi-can-trong-vu-an-van-thinh-phat-vua-qua-doi-2068743.html
(5) https://plo.vn/1-bi-can-trong-vu-an-van-thinh-phat-qua-doi-post702578.html
*************************
Phần 2
Trước khi bị bắt, những doanh nhân đã kể ở phần 1 (Trịnh Văn Quyết – FLC, Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh, Đỗ Thành Nhân – Louis Holding và Louis Capital, Đỗ Đức Nam – Chứng khoán Trí Việt, Phạm Thị Hinh – Chứng khoán VSM, Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát...) đều là các cá nhân đang điều hành những doanh nghiệp mà hoạt động liên quan đến thị trường tài chính, tín dụng. Một số bị khởi tố vì "thao túng thị trường chứng khoán", số còn lại bị khởi tố vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Có người như ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố cả hai tội. Tự thân số lượng doanh nghiệp bị điều tra, doanh nhân bị bắt và tội danh họ bị khởi tố cho thấy hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng có "bình thường và ổn định" như Ngân hàng Nhà nước khẳng định hay không.
Bà Nguyễn Phương Hồng, bị bắt trong vụ Vạn Thịnh Phát, đã chết bí ẩn ngay sau đó.
Trong chuỗi các vụ án liên quan đến những doanh nhân – doanh nghiệp mà hoạt động dính líu hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến thị trường tài chính, tín dụng, có hai vụ án gây rúng động dư luận : Vụ Trịnh Văn Quyết – FLC và vụ Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát. Dư luận rúng động không đơn thuần vì hậu quả (ông Quyết bị cáo buộc nâng khống vốn điều lệ, "lừa đảo chiếm đoạt" 6.400 tỉ đồng qua việc phát hành cổ phiếu FLC [1]. Bà Lan bị cáo buộc có liên quan đến việc "lừa đảo chiếm đoạt" khoảng 25.000 tỉ thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp [2]) mà còn vì trong quá khứ, cả hai đều đã nhiều lần chứng tỏ họ có thể chi phối hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương để "chọc trời, khuấy nước".
Đó cũng là lý do đã có rất nhiều người tham gia lý giải, tại sao năm nay, đợt này cả ông Trịnh Văn Quyết lẫn bà Trương Mỹ Lan lại cùng lâm nạn (?). Có thể tìm câu trả lời thông qua một số số liệu và dữ kiện chính thức...
***
Năm 2018, chính quyền Việt Nam cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn nhằm thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh. Loại trái phiếu này được gọi chung là trái phiếu doanh nghiệp.
Về lý thuyết, trái phiếu doanh nghiệp là hình thức doanh nghiệp trực tiếp vay tiền từ công chúng với thời hạn vay tối thiểu là một năm. Phía mua trái phiếu doanh nghiệp được gọi là "nhà đầu tư". Để thu hút "nhà đầu tư", phía phát hành trái phiếu doanh nghiệp luôn trả lãi cho "nhà đầu tư" cao hơn mức lãi mà hệ thống ngân hàng trả cho người gửi tiền tiết kiệm. "Nhà đầu tư" có quyền tặng, chuyển nhượng, đem trái phiếu doanh nghiệp thế chấp như vật bảo đảm cho các quan hệ thương mại, dân sự. Trái phiếu doanh nghiệp được quảng bá là an toàn hơn cổ phiếu vì cổ phiếu có thể mất giá khi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu giảm, còn giá trị của trái phiếu doanh nghiệp thì không (mua đồng nghĩa với cho vay, cho vay bao nhiêu sẽ được nhận lại bấy nhiêu kèm lãi đúng với mức doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã cam kết, bất kể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ra sao).
Cũng về lý thuyết, nếu doanh nghiệp phá sản, khối tài sản còn sót lại sẽ được ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ và "nhà đầu tư" trái phiếu doanh nghiệp, sau đó mới tới lượt cổ đông nhưng nếu tài sản thực của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp thấp hơn giá trị khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, thậm chí thấp hơn nhiều lần thì trái phiếu doanh nghiệp chẳng khác gì… giấy lộn. Phải lưu ý như thế vì sau khi Bộ Công an loan báo đã bắt bà Trương Mỹ Lan, để trấn an những người đã gửi tiền cho ngân hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định :Tài sản cá nhân gửi cho các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép, luôn được bảo đảm lợi ích hợp pháp, do vậykhông nên hoang mang nhưng theo Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu thì bên có trách nhiệm trả khoản tiền đầu tư này là công ty phát hành trái phiếu(3).
Bây giờ hãy thử nhìn vào những số liệu, nhận định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
***
Cuối năm ngoái, FiinRatings – một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam – phát cảnh báo về năng lực trả nợ cho trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết (cổ phiếu chưa được phép đưa ra giao dịch trên thị trường chứng khoán). Theo đó, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, tuy kinh tế - xã hội nghiêng ngả vì đại dịch nhưng vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn đạt 431.000 tỉ đồng và trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành chiếm khoảng 40%, tương đương 172.000 tỉ.
FiinRatings lưu ý :Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành nên trong thực tế, tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên toàn hệ thống sẽ lớn hơn rất nhiều. Đasố doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết bántrái phiếu của họ cho các ngân hàng, công ty chứng khoán, có hoặc không có thế chấp hay được bên thứ ba bảo lãnh và : năng lực trả nợ của những doanh nghiệp này hiện ở mức rất yếu.Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động (4).
Không chỉ FinnRatings, một số chuyên gia kinh tế - tài chính xem tình trạng phát hành ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản giống như đang chứa "bom nổ chậm" trong nhà.
Cũng vào thời điểm cuối năm 2021, trong một cuộc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Lê Đạt Chí (làm việc tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh yếu tố, phần lớn trong số hơn 430.000 tỉ trái phiếu mà các doanh nghiệp đã phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021 không được các ngân hàng bảo lãnh thanh toán mà chỉ bảo lãnh phát hành (cam kết mua số trái phiếu còn dư nếu không phát hành hết). Nhiều nhà đầu tư tin phía bán (ngân hàng, công ty chứng khoán) nên mua trái phiếu doanh nghiệp chứ không biết gì về doanh nghiệpphát hành trái phiếu – nơi vaytiền và đó là nguy cơ trái phiếu trở thành "rác" vì doanh nghiệp phá sản thì nhà đầu tư lãnh đủ, ngân hàng hay công ty chứng khoán chỉ phát hành trái phiếu để nhận hoa hồng chứ không chịu trách nhiệm (5).
Thế rồi ngay vào lúc đó (đầu tháng 12/2021), Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công việc bán đấu giá bốn lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá không thể tin được :Lô 1 gấp 6,6 lầngiá khởi điểm (24.500 tỉ), lô 2 gấp bốn lầngiá khởi điểm (5.256 tỉ), lô 3 gấp bảy lần(4.000 tỉ)và lô 4 hơn mười lầngiá khởi điểm (4.320 tỉ) [6]. Tuy ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh, chủ Ngôi sao Việt - doanh nghiệp thắng lô 1 với giá 24.500 tỉ tuyên bố, đại ý :Nâng giá đất lên cao như thế là vì muốn tất cả tư bản nước ngoài phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển(7) nhưng cả Quốc hội lẫn chính phủ đều thảng thốt, một số nổi giận.
Vài tuần sau vụ bán đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm – đầu tháng 1/2022 – khi tham dựHội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2022, sau khi khoe đủ thứ thành tích trong điều hành quốc gia, ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Việt Nam - chỉ đạo :Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại vấn đề liên quan tới phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, chứng khoán đểđiều chỉnh, phòng ngừa rủi ro vĩ mô (8).
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội hối thúc "phải điều tiết để thị trường không nóng quá" khi thảo luậnNghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong kỳ họp bất thường diễn ra vào đầu tháng 1/2022 ấy, Bộ trưởng Tài chính công khai lên án việc Tân Hoàng Minh nâng giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là hành vi gây "nhiễu loạn thị trường" và loan báo về việc "tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán" (9).
Tại sao chuyện bán được bốn lô đất gấp năm, mười lần giá khởi điểm, hứa hẹn thu về cho công quỹ hơn 38.000 tỉ đồng lại khiến Quốc hội, chính phủ căng thẳng như vậy ? Cứ đọc lại các số liệu, nhận định về trái phiếu doanh nghiệp sẽ có câu trả lời nhưng chuyện chưa ngừng ở đó...
Trân Văn
(18/10/2022)
Chú thích
(5) https://tuoitre.vn/ngan-bom-no-cham-trai-phieu-doanh-nghiep-20211206090719906.htm
*************************
Phần 3
Tháng 1/2022, sau khi lãnh đạo quốc hội, chính phủ bày tỏ sự lo ngại về thị trường tài chính, tín dụng như đã đề cập trong phần 2, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính – loan báo, vì một số doanh nghiệp vay mượn cả từ ngân hàng lẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp) cao gấp nhiều lần vốn liếng thực có nên chính phủ buộc phải tổ chức kiểm tra những doanh nghiệp có liên quan trên thị trường tài chính, tín dụng (1), rồi Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với những doanh nghiệp tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (2), ông Đỗ Anh Dũng tự nguyện từ bỏ lô đất mà Tân Hoàng Minh vừa giành được (3).
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, một trong những đại gia bị bắt trong thời gian vừa qua.
Tuy tự nguyện từ bỏ lô đất vừa giành được thông qua đấu giá đồng nghĩa với mất 588 tỉ tiền cọc nhưng ông Đỗ Anh Dũng vẫn làm vì nhất trí với chính quyền rằng "kết quả trúng thầu cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt". Không ít người bật cười khi đọc "Tâm thư" mà ông Dũng gửi lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ (4), song ngẫm kỹ thì lý do Tân Hoàng Minh viện dẫn để bỏ cuộc "tránh gây xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung" đáng sợ hơn đáng cười !
***
Ngân hàng Nhà nước không tiết lộ Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng đã thu thập được những gì sau khi yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm nhưng ngay sau khi Tân Hoàng Minh tuyên bố tự nguyện rút lui khỏi cuộc đua giành quyền sử dụng một trong bốn lô đất ở Thủ Thiêm, Bộ Công an chủ động tiết lộ đã âm thầm thu thập tài liệu liên quan đến 11 dự án của Tân Hoàng Minh ở Hà Nội kể từ tháng 12/2021 (5).
Sau Tân Hoàng Minh, ba doanh nghiệp từng giành phần thắng trong cuộc đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm cũng bỏ cuộc, bỏ cọc. Dẫu có thể sung công số tiền cọc hơn 1.000 tỉ của Ngôi Sao Việt – Tân Hoàng Minh, Bình Minh, Sheen Mega, Dream Republic nhưng những thông tin có liên quan đến cả bốn cùng chứng tỏ một điều : Cả bốn không những không đủ năng lực tài chính mà hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh đều có những dấu hiệu rất khó tả...
Vào thời điểm Ngôi Sao Việt tham dự cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, ba doanh nghiệp có liên quan đến Tân Hoàng Minh (SunValley, Bách Hưng Vương, Wealth Power) đã thu về 9.400 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng theo VBMA (Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam), các bản công bố của cả ba thiếu tất cả thông tin cơ bản như :Mục đích,lãi, trái chủ, nhữngnơi tham gia thu xếp, tài sản bảo đảm (6) Vốn điều lệ của Bình Minh – doanh nghiệp dám đẩy giá một lô đất ở Thủ Thiêm từ 728 tỉ lên 5.026 tỉ - chỉ có 200 tỉ, trong đó có 100 tỉ được bổ sung trước khi tham dự đấu giá bảy ngày (7). Thậm chí, tổng giá trị tài sản của Sheen Mega – doanh nghiệp dám trả 4.000 tỉ cho một lô đất ở Thủ Thiêm – chỉ vỏn vẹn 27,6 triệu đồng ! Tương tự, từ 2017 đến 2020, tổng giá trị tài sản của Dream Republic - doanh nghiệp dám trả 3.820 tỉ cho một lô đất ở Thủ Thiêm – chưa bao giờ quá 20 triệu đồng ! Vài cơ quan truyền thông chính thức giới thiệu hàng loạt dấu hiệu, theo đó, sau lưng Sheen Mega và Dream Republic là Vạn Thịnh Phát (8).
Chỉ có một câu trả lời cho việc thi nhau đẩy giá đất ở Thủ Thiêm lên mức khó tưởng. Đó là gây tiếng vang để hỗ trợ việc phát hành và tiêu thụ trái phiếu doanh nghiệp. Trong quá khứ, có thể những cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm từng thành công rực rỡ về đủ mọi mặt khi áp dụng phương thức "lấy mỡ nó rán nó" nhưng đến năm nay (2022), bối cảnh đã khác. Khi thị trường tài chính, tín dụng trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", "nó" không chỉ là thường dân, mà còn là chính quyền. Sự hỗn loạn của thị trường tài chính, tín dụng chắc chắn sẽ dẫn tới hỗn loạn về chính trị nên chính quyền mới hành động. Nếu không nhận ra Tân Hoàng Minh vừa dại dột "rán" cả chính quyền, chắc ông Đỗ Anh Dũng chẳng soạn và gửi "Tâm thư" !
Một trong những doanh nhân vốn rất thành thạo trong chuyện "lấy mỡ nó rán nó" và cũng lâm nạn khi áp dụng phương thức này đúng vào lúc "nước sôi, lửa bỏng" là ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết cũng làm giàu nhờ bất động sản như ông Dũng nhưng thường tìm vốn từ những nguồn chính thống như vay ngân hàng và phát hành cổ phiếu. Tháng 10/2017, ông Quyết "bán chui" cổ phiếu của FLC thu lợi khoảng 400 tỉ và sau đó chỉ phải trả 65 triệu tiền phạt rồi thôi (9) ! Tuy nhiên tháng 1 năm nay, sau khi "bán chui" cổ phiếu, ông Quyết bị phạt 1,5 tỉ đồng, bị cấm tham gia các giao dịch chứng khoán trong 5 tháng và đến tháng 3/20222 thì bị tống giam để điều tra do "thao túng thị trường chứng khoán", tới tháng 8 bị khởi tố thêm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (10).
Gió đã đổi chiều nhưng dường như không phải vì xung đột giữa các nhóm vốn vẫn hậu thuẫn cho những cá nhân chuyên hối mại quyền thế để làm giàu và đã trở thành rất giàu. Gió phải đổi chiều vì chính quyền – nơi tạo ra, duy trì lợi ích cho tất cả các nhóm - đang ngả nghiêng trước "sóng to, gió lớn" trên thị trường tài chính, tín dụng : Giá cổ phiếu rơi chưa thấy ngừng, xuyên qua hết đáy này đến đáy khác. Hàng trăm ngàn tỉ trái phiếu doanh nghiệp bị giới chuyên môn xem là "rác" và nơi bỏ tiền hốt phần lớn đống "rác" này là ngân hàng...
Trân Văn
(19/10/2022)
Chú thích
(3) https://tienphong.vn/nhung-lan-quay-xe-bo-coc-dau-gia-cua-tan-hoang-minh-post1409108.tpo
(5) https://thanhnien.vn/bo-cong-an-xac-minh-11-du-an-cua-tan-hoang-minh-tai-ha-noi-post1420379.html
(7) https://ngaynay.vn/cong-ty-binh-minh-vua-bo-coc-dat-thu-thiem-la-ai-post117740.html
(9) https://vnexpress.net/chu-tich-flc-bi-xu-phat-65-trieu-dong-3668779.html
***********************
Phần 4
Sau khi ông Đỗ Anh Dũng và một số cá nhân dính líu đến hoạt động của Tân Hoàng Minh bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt khoảng tám hoặc mười ngàn tỉ (không thể xác định chính xác vì có nhiều số liệu khác nhau) thông qua chín đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp) từ tháng 7/2021 đến 3/2022 (1), đại diện doanh nghiệp này hứa sẽ "thu xếp" để hoàn lại 100% tiền vốn cho "nhà đầu tư", còn lãi thì sẽ "đàm phán sau". Đến giờ, nửa năm sau khi toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp trong ba lô mà Tân Hoàng Minh phát hành đã bị hủy, chưa "nhà đầu tư" nào được nhận lại tiền. Đại diện Tân Hoàng Minh loan báo đã "gom" được một mớ tiền (cũng chưa rõ là vài trăm tỉ hay một hai ngàn tỉ vì có nhiều số liệu khác nhau) nhưng chưa thể tiến hành chi trả cho các "nhà đầu tư" vì phải chờ quyết định từ phía tiến hành tố tụng (3).
Đỗ Anh Dũng (trái, giữa) và Trịnh Văn Quyết. (Hình : Screenshot từ infonet.vietnamnet.vn)
Tương tự, sau khi ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân dính líu đến hoạt động của FLC bị bắt vì "thao túng thị trường chứng khoán", rồi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", các cơ quan hữu trách bắt đầu hối hả gom nhặt những khoản nợ về thuế, tiền thuê đất, từng cho FLC thiếu trong một thời gian dài (4), các ngân hàng đã cho FLC vay nhiều ngàn tỉ đồng cũng hối hả sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hồi vốn đã cho vay, kể cả phát mãi những động sản như hai chiếc xe thuộc loại siêu sang (5) Đến nay, trong khi các cơ quan hữu trách và ngân hàng vẫn khẳng định, tài sản của FLC đủ để trang trải nợ nần thì giới đầu tư vào các loại cổ phiếu của FLC tiếp tục "ngậm đắng, nuốt cay" vì giá trị số tài sản đã dốc vào cổ phiếu FLC nếu không giảm chưa thấy điểm dùng thì cũng tạm thời vô giá trị bởi "hạn chế giao dịch" (6).
Những nhận định kiểu như Tân Hoàng Minh và FLC có thể dùng cả bất động sản lẫn các dự án để trả nợ không đủ để trấn an công chúng. Các viên chức, cơ quan hữu trách có thể ngăn chặn một số cuộc biểu tình trước trụ sở Tân Hoàng Minh ở Hà Nội bằng hứa hẹn sẽ "bảo vệ tối đa quyền lợi của các cá nhân" (7) nhưng không thể giữ cho thị trường chứng khoán ổn định. Giá trị các loại cổ phiếu giảm liên tục. Tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 9 vừa qua, các loại cổ phiếu đồng loạt mất giá đã làm 74 tỉ Mỹ kim "bốc hơi" (8). Có thể đó là lý do thay vi "khoe ra" như từng thấy, từng biết chính quyền bắt đầu dùng các "biện pháp nghiệp vụ" để đậy lại như "đổi áo" biến bà Nguyễn Phương Hồng từ "Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB" thành "Trợ lý Vạn Thịnh Phát".
Cũng "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp như Tân Hoàng Minh, thậm chí so với Tân Hoàng Minh, giá trị số tài sản bị chiếm đoạt thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn khoảng ba lần nhưng ba lô trái phiếu trị giá 25.000 tỉ đồng mà Công ty An Đông – thành viên Vạn Thịnh Phát – đã phát hành không bị hủy thành ra tránh được chuyện "kích thích" các "nhà đầu tư" tụ tập để đòi giải quyết quyền lợi. Bộ Tài chính tránh được việc phải tiếp công dân đến khiếu nại vì đã để họ bị lừa.
Từ Tân Hoàng Minh sang Vạn Thịnh Phát, chính quyền đã tiến một bước rất dài trong hành xử về trách nhiệm, thay vì Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán tiếp nhận khiếu nại, chuyển hồ sơ, khuyên nạn nhân "liên hệ với Bộ Công an để được giải quyết theo pháp luật" (10), đại diện Ngân hàng Nhà nước huỵch toẹt :Ngân hàng Nhà nước chỉ có trách nhiệm với những khoản tiền đã gửi vào các cơ sở tín dụng có giấy phép hoạt động, còn bên có trách nhiệm với người mua trái phiếu doanh nghiệp là doanhnghiệp phát hành trái phiếu (11).
***
Cuối tháng 4/2022, Bộ Công an cho biết đã tống giam ông Nguyễn Hùng – Vụ phó Vụ Giám sát thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước– để điều tra vì "cố ý làm lộ bí mật công tác". Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính. Lệnh tạm giam ông Hùng được thực hiện sau khi Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam xác định "Ủy ban Chứng khoán Nhà nướccó nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính".
Ngoài việc thấy rằng cần kỷ luật Đảng ủy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 – 2022, Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương tuyên bố sẽ xem xét kỷ luật các cá nhân là cựu lãnh đạo, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như :Vũ Bằng(cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước),Trần Văn Dũng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước),Nguyễn Thành Long (Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, cựu Phó bí thư Đảng ủy, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội), Lê Hải Trà (Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, cựu thành viên phụ trách Hội đồng quản trị),Nguyễn Sơn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) vì ngoài trách nhiệm cá nhân còn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (12).
Đến tháng 5/2022, Bộ Tài chính công bố quyết định cách chức ôngTrần Văn Dũng. Cảnh cáo các ông :Vũ Bằng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Sơn. Ông Lê Hải Trà bị khai trừ khỏi đảng và buộc thôi việc (13) Đến giờ, chỉ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền làm chừng đó chuyện. Trách nhiệm đối với sự hỗn loạn của thị trường tài chính, tín dụng và những hậu quả càng ngày càng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội đang được chuyển hóa sang những "doanh nhân cực kỳ thành đạt" và "nhà đầu tư"...
Trân Văn
(20/10/2022)
Chú thích
(3) https://nld.com.vn/thoi-su/tap-doan-flc-no-quang-binh-so-tien-khung-20220722233625083.htm
(6) https://www.vietnamplus.vn/cac-khoan-no-cua-tap-doan-flc-lieu-co-dang-lo-ngai/780976.vnp
(7) https://tienphong.vn/them-1-co-phieu-nhom-flc-bi-han-che-giao-dich-post1479497.tpo
(9) https://tienphong.vn/chung-khoan-viet-boc-hoi-74-ty-usd-nhu-the-nao-post1473656.tpo
*************************
Phần cuối
Về lý thuyết, cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp) là những công cụ giúp doanh nghiệp có thêm vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh còn phía đầu tư (mua cổ phiếu, mua trái phiếu doanh nghiệp) có cơ hội tìm kiếm thêm lợi nhuận, gia tăng giá trị tài sản. Cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp giúp thị trường tài chính, tín dụng phát triển lành mạnh, qua đó hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển (doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo thêm việc làm, tạo ra nhiều nguồn thu cho cả công lẫn tư,...) và ngược lại, có thể làm thị trường tài chính, tín dụng suy sụp, kinh tế - xã hội lụn bại.
Times Square building, một trong những tài sản của Vạn Thịnh Phát.
Sự tồn tại và phát triển của thị trường tài chính, tín dụng ở Việt Nam có lành mạnh hay không ? Muốn biết cứ nhìn vào các vụ "thao túng thị trường chứng khoán" và cung cách xử lý những vụ thao túng này từ cuối năm ngoái trở về trước, bất kể các chuyên gia liên tục cảnh báo, khuyến cáo.
Ở cuộc tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" diễn ra cách nay khoảng nửa năm, khi thảo luận về trái phiếu doanh nghiệp, thêm một lần nữa những chuyên gia như ông Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh – nhấn mạnh :Việt Nam chưa có thị trường trái phiếu doanh nghiệp chân chính do yếu tố đầu cơ rất lớn.Do kỳ hạn ngắn, lãi suất cao nên trái phiếu doanh nghiệp không có tác dụng hỗ trợ cho những doanh nghiệp chỉ sản xuất, kinh doanh bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh thuần túy không thể kham được những điều kiện như vậy. Đó là lý do trong cơ cấu giá trị, trái phiếu do những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành chiếm 46%, do ngân hàng phát hành chiếm 30% [1].
Cũng vào tháng 3/2022, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn giới thiệu bản phân tích của SSI Research (chuyên nghiên cứu về chứng khoán). Theo báo cáo này,riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 320.000 tỉ đồng với mức lãi suất trung bình từ 10,3%/năm đến 10,6%/năm, thậm chí một số doanh nghiệp bất động sản cam kết trả lãi từ 12%/năm tới 13%/năm(2). Đó cũng là lý do nhiều ngân hàng tại Việt Nam dốc tiền mua trái phiếu doanh nghiệp để hưởng chênh lệch lãi suất khi nhận tiền tiết kiệm và cho vay dù phần lớn trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán.
Các cơ quan hữu trách có thấy ẩn họa từ thực tế đó không ? Câu trả lời là có nhưng không làm gì và khi hành động thì dường như đã trễ. Hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước mới bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ vỡ nợ dây chuyền khi nhiều ngân hàng dốc tiền mua trái phiếu mà nhiều doanh nghiệp phát hành để có tiền thanh toán nợ cũ đến hạn phải trả, trong đó có tới gần 50% là trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành và tuyên bố sẽ "siết lại" (3) nhưng chỉ từ đầu năm ngoái đến lúc Ngân hàng Nhà nước loan báo "siết", hệ thống ngân hàng và công ty chứng khoán đã bỏ 153.000 tỉ mua trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản !
Không phải tự nhiên mà sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị tống giam, giới rành rẽ về thị trường chứng khoán cảm thán như tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn : Thao túng giá cổ phiếu, kể cả giao dịch nội gián, ở thị trường chứng khoán Việt Nam không hiếmnhưng suốt 20 năm vừa qua, truy cứu trách nhiệm hình sự như vừa làm với ông Quyết lại là trường hợp hiếm hoi. "Cây gậy" luật pháp đã không được sử dụng đúng với mức độ mà lẽ ra cần phải áp dụng để làm trong sạch thị trườngsuốt một thời gian dài. Việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán là tín hiệu tích cực, có thể sẽ có sức răn đe với các đội lái, những người lâu nay vẫn làm giàu nhờ thông tin nội gián. Tuy nhiên, với rất nhiều nhà đầu tư đã mất tiền của vào tay các tội phạm chứng khoán, quyết định khởi tố này có thể đã là quá muộn(4).
Trung tuần tháng này, trang webNgười tiêu dùng Việt Nam tóm lược nhận định của CEO Finn Ratings – chuyên cung cấp dữ liệu về thị trường tài chính, tín dụng Việt Nam. Theo đó :80% trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành (trái phiếu doanh nghiệp bất động sản) được xếp vào loại "trái phiếu rác" vì "sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động". Do thị trường nợ Việt Nam chưa có xếp hạng tín nhiệm độc lập, hãng phát hành nợ là "trái phiếu rác" đang có một thiên đường phát hành nợnhờ sự tiếp sức nhiệt tình từ các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán. Theo tính toán của Finn Ratings,trong sáu tháng đầu năm 2021, khoảng 74% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được các ngân hàng thương mại và những công ty chứng khoán có liên kết chặtchẽ với ngân hàng thương mại nắm giữ.
Bởicác ngân hàng thương mại chỉ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp khi mới phát hành, như một cách bảo đảm uy tín cho trái phiếu doanh nghiệp- loại nợ mà họ vừa tư vấn phát hành, vừa định giá, vừa đầu tư- sau đó bán cho công chúng nhưng khả năng hấp thụ nợ trên thị trường nợ của Việt Nam khônglớn nên, 45,8% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang trongtay các công ty chứng khoán. Hầuhết công ty chứng khoán lạilà công ty con của các ngânhàng thương mại lớn nên không trích lập dự phòng rủi ro như luật định.Do yêucầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với quy trình và yêu cầu đòi hỏi thẩm định khoản vay tín dụng, nên trái phiếu doanh nghiệp bất động sản do ngânhàng thương mại và các công ty liên kết với họ nắm giữ thực chất là khoản cho vay dưới chuẩn, tạo ra xung đột lợi ích rất lớn trên thị trường tài chính. Đó có thể là sự câu kết giữa các tổ chức tín dụng, côngty chứng khoán với doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đáo nợ.
Sựtham gia của các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp không phảilà bảo lãnh. Cam kết của họ chỉ dừng lại ở mức "bảo chứng" theo kiểu : "Dòng tiền dự án của công ty A (công ty phát hành trái phiếu) cam kết đi qua tài khoản tại ngân hàng của chúng tôi, chúng tôi đảm bảo sẽ sử dụng nguồn tiền qua tài khoản của công ty A này thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu cho các trái chủ của công ty A như đã cam kết".Cách làm này vừa giúp các ngânhàng thương mại không phải trích lập dự phòng rủi ro cho bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như một khoản tín dụng (theo luật), vừa không phải chịu trách nhiệm gì với các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mà ngânhàng thương mại đó tư vấn bán. Đáng tiếclà phần lớn nhà đầu tư trong nước vẫnnhầm lẫn khái niệm "bảo chứng" với "bảo lãnh". Bản thân nhân viên ngân hàng khi bán trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cho nhà đầu tư luôn dùng từ "bảo lãnh", họ đã đánh tráo khái niệm tài chính căn bản chỉ để bán được hàng. Với rủi ro ở mức hệ thống lớn như thế, việc dự báo tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không còn là dự báo xa. Nợ xấu, đổ vỡ kèm lãi suất tăng như giai đoạn 2011 -2012 có thể lặp lại một lần nữa (5).
***
Tuy có khá nhiều số liệu khác nhau về khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Ví dụ Bộ Tài chính cho biết, trong năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ khoảng 144.500 tỉ đồng (6), còn Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng MSB thì ước đoán, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay là 231.000 tỉ đồng (7), nhưng dù có khác biệt lớn thì nhìn một cách tổng quát, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của năm nay, năm tới và năm tới nữa vẫn dao động trong khoảng gần một triệu tỉ đồng. Đó cũng là lý do năm nay, giới am tường thị trường tài chính, tín dụng Việt Nam rất nhiều lần đề cập đến những từ như "bom nợ", "vỡ nợ" rồi "hiệu ứng domino"...
Đó có phải là lý do nhiều "doanh nhân cực kỳ thành đạt" đột nhiên lâm nạn bất kể trong quá khứ họ đã từng thoát nạn ngoạn mục tới mức phải xảy ra rồi mới có thể tin là có thật ? Vì sao cũng sai phạm, thậm chí sai phạm tương tự mà ngày xưa những "doanh nhân cực kỳ thành đạt" này thoát hiểm còn bây giờ thì không ? Thông thường, mọi đổ vỡ, thiệt hại đều phải có đối tượng chịu trách nhiệm mới có thể đạt tới ổn định. Khi đảng luôn tài tình, sáng suốt trong chỉ đạo, quốc hội luôn chặt chẽ trong giám sát, chính phủ luôn điều hành mọi thứ hết sức hiệu quả, có lẽ "doanh nhân cực kỳ thành đạt" đột nhiên rơi vào tình trạng "cực kỳ thê thảm" mới dễ giúp giải tỏa bất bình, phẫn nộ. Thế còn những "nhà đầu tư" ? Các hệ thống đã từng xỉa xói những lương dân do nghèo đói phải bỏ xứ tìm sang Campuchia kiếm cơm áo nuôi thân, nuôi gia đình rồi bị lừa, bị bắt làm nô lệ, có người mất mạng là "tham", mặc họ tự gánh h ậu quả vì thích "việc nhẹ, lương cao" liệu sẽ thương xót, bù đắp thiệt hại cho những công dân trắng tay ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/10/2022
Chú thích
(1) https://thesaigontimes.vn/lam-gi-de-giam-thieu-rui-ro-tu-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep/
Cháy trụ sở Vạn Thịnh Phát, trò chơi "mèo vờn chuột" đến hồi căng thẳng
Ngọc Bảo, Thoibao.de, 17/10/2022
Liên quan đến bà chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan đã có 3 mạng người ngã xuống. Nhiều người đánh giá rằng, chưa có một chủ doanh nghiệp nào cứng cựa như bà chủ Vạn Thịnh Phát. Rất nhiều trò mang màu sắc chính trị được tung ra mà hầu hết các chủ doanh nghiệp khác không thể nào đủ năng lực để làm thế. 3 mạng người, trong đó có một người là sĩ quan cấp cao của Bộ Công an – Thượng tướng Phạm Quý Ngọ.
Trụ sở Vạn Thịnh Phát bị cháy
Nếu nói 2 mạng người gần đây là doanh nhân dễ ra tay thì một ông Thứ trưởng Bộ Công an làm sao ra tay được ? Vậy mà sau khi có tin về nhận hối lộ bị bại lộ là ông tướng này đã qua đời một cách bí ẩn rồi vụ án bị đứt mạch điều tra kể từ đó. Sau vụ Thượng tướng Phạm Quý Ngọ chết không lâu sau khi nhận hối lộ thì giới doanh nhân lẫn giới chính trị Việt Nam rất ngán nữ doanh nhân gốc Hoa Trương Mỹ Lan này.
Bịt đầu mối có 2 cách, giết người diệt khẩu và đốt nhà phi tang chứng cứ. Ở vụ án Vạn Thịnh Phát người ta cảm nhận được cả hai cách thực hiện này. Nếu ai từng coi phim Tàu thì ắt biết, đây là những chiêu thức quen thuộc của người Trung Quốc từ thời cổ đại đến nay. Và những trò này hầu như liên quan đến chính trị.
Tối ngày 13/10, tòa nhà Vạn Thịnh Phát, phường Bến Nghé, quận 1 bốc cháy dữ dội. Nguyên nhân được phía Công an thông báo là lý do "chập điện".
Cụ thể là vào lúc 22 giờ ngày 13/10, tòa nhà của Vạn Thịnh Phát nằm trên đường Nguyễn Huệ, Phương Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bốc cháy khói bốc lên làm đen nghịt một vùng. Sau đó Công an quận 1 và Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an có mặt và thực hiện công tác chữa cháy cho toà nhà.
Phía Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho điểm phát cháy xảy ra tại lầu 10 của tòa nhà. Tòa nhà Vạn Thịnh phát có 15 tầng và thông tin được biết, hồ sơ cũng bị cháy không biết có thể cứu chữa được không ? Công an thì thông báo rằng, cháy do "chập điện", nhưng người dân thì không quan tâm đến nguyên nhân là do chập điện nay do phóng hỏa, chỉ biết, Bộ Công an cần truy thêm hồ sơ để bổ sung thêm vụ án thì hồ sơ trong tòa nhà này bị cháy. Không biết đó là vô tình hay cố ý, tuy nhiên, có người nhận xét rằng, có vẻ như điện nó cũng hiểu quá trình điều tra của Bộ Công an nên nó chập rất đúng lúc.
Hiện nay vụ án Vạn Thịnh Phát được một số nhà đánh giá cho rằng, đây là trò mèo vờn chuột. Phe ông Tổng là mèo còn phe Vạn Thịnh Phát và thân hữu là chuột. Tuy nhiên con chuột này quá lớn nên mào có vờn mấy cũng không thể xơi được. Cứ mỗi lần mèo tấn công mạnh thì chuột có cách chống trả. Cho nên có thể nói, vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ án khó nuốt đối với phe ông Tổng Trọng.
Có thể nói, từ khi ông Nguyễn Phú Trọng nhóm lò từ 7 năm trước đến nay, chưa có vụ án nào xương xẩu như vụ án này. Ông Nguyễn Phú trọng nhiều lần tấn công vào phe ông Lê Thanh Hải nhưng năm lần bảy lượt vẫn không thể làm gì ông trùm đất Sài Thành này. Và đến nay, khi mà ông Tổng ngấp nghé 80 tuổi, thời gian không còn đủ lâu cho ông Tổng thì ông mới tiến hành tấn công vào thành trì Hai Nhật – Lê Thanh Hải và nơi mà ông bắt đầu là công ty Vạn Thịnh Phát. Vụ án đã qua 1 tuần và cho thấy những bằng chứng buộc tội Trương Mỹ Lan ngày một bị thủ tiêu một cách bí ẩn nên việc tìm đến nhà ông Lê Thanh Hải là bài toán khó của ông Tổng.
Ông Phạm Quý Ngọ, người đã mất mạng không lâu sau khi thông tin nhận hối lộ bị bại lộ
Khi vụ đưa hối lộ cho tướng Phạm Quý Ngọ thì tướng Ngọ chết điều đó cho thấy, chưa chắc gì những sỹ quan công an điều tra Vạn Thịnh Phát đã an toàn. Với vụ án Vạn Thịnh Phát, đây là cuộc đấu trí căng thẳng chứ không hề dễ dàng như vụ án Trịnh Văn Quyết. Hai vụ án khác xa về mức độ phức tạp.
Ngọc Bảo (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 17/10/2022
*************************
Ai nói bà Trương Mỹ Lan bị bắt ?
Chí Quang, VNTB, 17/10/2022
Chớ có quên lời Mác dạy rằng"phải biết hoài nghi".
"Người phụ nữ bị bắt có phải là bà Trương Mỹ Lan hay không ?". Hãy nhìn cho kỹ hai tấm hình, một tấm chụp bà ta thời trẻ, với gương mặt tươi cười khả ái như siêu sao điện ảnh Hồng Kông, và tấm kia, được công an chụp, khi bà ta bị bắt mới đây. Quả thật, nhìn tấm hình do công an vừa chụp, chắc nhiều người không khỏi thất kinh "Trời ơi, đây là đại gia Trương Mỹ Lan sao ? Nhìn sao giống ôshin quá vậy nè ?"
"Ơ hay ! Thế không đọc báo, xem đài gì à ? mấy hôm nay, sự kiện động trời này đang nổ đùng đùng như sấm trên tất cả các phương tiện truyền thông, và dư luận bốn phương cũng đang dậy sóng ầm ầm, mà không hay biết gì sao ? công an đã bắt 4 nhân vật chóp bu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó có bà trùm Trương Mỹ Lan rồi ! Có công bố ảnh chụp hẳn hoi !Thế mà lại còn đặt câu hỏi dở hơi như vậy ! rõ gàn !"
Vâng ! Vào lúc này, nếu quý vị đặt ra câu hỏi như cái tựa bài, "ai nói bà Trương Mỹ Lan bị bắt ?", cho bất kỳ người quen biết nào, thì người nghe, chắc chắn sẽ vô cùng kinh ngạc, và sẽ đáp lại với nội dung đại khái như trên, và nhìn quý vị, như nhìn một tên tâm thần, hay ngáo đá !
Điều đó có nghĩa là gì ? Có nghĩa là, gần như toàn bộ xã hội tin rằng đó là sự thật, bà trùm tài phiệt siêu tỷ phú Trương Mỹ Lan, cuối cùng, đã xộ khám rồi ! Và nhân tố truyền tải cái thông tin giựt gân, sốt dẻo, động trời này, đến với đám đông quần chúng tò mò háo hức, chính là các báo, đài, cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước. Phần lớn người dân đã tin sái cổ phải không, thì có cả ảnh chụp rõ ràng đây cơ mà, làm sao mà sai được ?
Tuy nhiên, dù chỉ là thiểu số, nhưng vẫn có những cặp mắt tinh đời, và rất thuộc cái bài học kinh điển mà cụ Các- Mác đã dạy năm xưa, mà bất kỳ gã sinh viên nào cũng phải ráng nhét vào đầu cho kỹ : "hãy biết hoài nghi tất cả", thế là họ cảm thấy trong vụ này, có cái gì đó rất đáng hoài nghi. Nhưng hoài nghi ở chỗ nào ? Bà ta lừa đảo, bà ta lập mưu bán trái phiếu khống, tức bán mớ giấy vô giá trị, để lấy tiền thật của các nhà đầu tư ham lãi suất cao, những mấy chục nghìn tỷ đồng, thì tất nhiên phải vào tù ! Chuyện dễ hiểu thôi mà, sao còn phải hoài nghi ?
Trước tiên, về mặt tâm lý, thông tin chấn động này là do báo chí quốc doanh đồng loạt đưa ra. Mà báo chí quốc doanh thì xưa nay, dưới sự quản lý và chỉ đạo nghiêm ngặt của ban tuyên giáo, có mức độ đáng tin cậy tới đâu thì chắc mọi người cũng đã biết. Nếu ai thường xuyên đọc thể loại báo chí bị "xiềng xích" này, thì sẽ không khó khăn gì để phát hiện ra, rất nhiều thông tin sai lệch và dối trá, cũng như phóng đại và xuyên tạc.
Nào là kit test Việt Á, do học viện quân y nghiên cứu sản xuất thành công, chất lượng hàng đầu, được 20 quốc gia đặt mua, nào là Việt Nam ta lọt top những quốc gia đáng sống nhất hành tinh, nào là cô sinh viên nghèo miền Trung được trường đại học phương Tây cấp cho học bổng trị giá cả triệu đô la, nào là anh nông dân cắt cỏ nuôi bò, kiếm 65 tỷ đồng, tức khoảng 2,7 triệu đô la, một năm, rồi người tàn tật đi xe lăn, bán vé số dạo, kiếm cả trăm triệu đồng mỗi tháng… thôi thì, đủ các thể loại tuyên truyền và phét lác, nói theo ngôn ngữ dân gian là, "nổ" banh nhà lồng !
Vậy thì lần này, các tờ báo thường xuyên "gài chất nổ" ấy bảo rằng, bà Trương Mỹ Lan bị bắt, liệu có đáng tin không ? Nếu thông tin này được đưa ra bởi tờ New York Times của Hoa Kỳ hoặc tờ Guardian của Anh quốc, thì không có gì phải nghi vấn thắc mắc, vì xưa nay, báo chí của bọn tư bản giãy chết, không dối trá bao giờ. Nhưng nếu là tin do báo xã hội chủ nghĩa ưu việtđưa ra, thì rất cần phải xem xét lại, bà Trương Mỹ Lan có thực sự bị bắt hay không ? Ai là người chứng kiến ? Các ông nhà báo cho đăng tin, có tận mắt thấy công an tới bắt bà ta không ? Nếu không, các ông dựa vào nguồn tin nào để khẳng định sự việc là thật ? Làm sao kiểm chứng mức độ khả tíncủa nguồn tin ấy ?
Còn nhớ trong đại dịch Covid 19, khi toàn xã hội đang gồng mình chịu trận với cái chỉ thị 16 kinh hoàng, và suy ngẫm các vấn đề hóc búa cấp quốc gia như, bánh mì có phải là thực phẩm hay không, thì bỗng báo quốc doanh cho đăng một câu chuyện đầy tính nhân văn, về bác sĩ Trần Khoanào đó, một anh hùng chống dịch đã đi vào sử sách, vì dám rút ống thở của mẹ mình, để nhường cho sản phụ sắp sinh, không hề quen biết ! hy sinh tình mẫu tử để cứu người dưng ? Ôi, huyền thoại đây rồi ! Ôi, sáng ngời một tấm gương lương y như từ mẫu, một sự hy sinh cao cả không bác sĩ tư bản nào có thể sánh bằng ! Tự hào quá Việt Nam ơi ! Đọc xong câu chuyện, nhiều độc giả đã khóc nấc lên vì xúc động…thế rồi đùng một cái, có người phát hiện ra rằng, bác sĩ Trần Khoa không có thật, mà chẳng qua chỉ là, một kiểu anh hùng đuốc sống ảo ma Lê Văn Tám, do nhà báo xã hội chủ nghĩa chế ra, một cách tài tình và sáng suốt, để tăng thêm sắc màu sinh động, cho bức tranh kháng chiến chống dịch Covid, rất đỗi "hào hùng"của chính phủ ta !
"Vụ bắt bà Trương Mỹ Lan này nghiêm trọng lắm, bà ấy là một siêu tài phiệt trị giá hàng tỷ đô la, có quan hệ mật thiết với các nhân vật cấp trung ương đầy quyền lực và với cả chính phủ Trung Hoa anh hùng, báo chí không dám nói bừa đâu, không có thật, ai mà dám tung tin, bịa chuyện, bộ ăn gan hùm mật gấu à ?". Có lập luận cho rằng như vậy.
Rồi ! cứ tạm tin là đúng đi, nghĩa là công an đã thực sự bắt người tại tư gia của bà ta. Tuy nhiên, câu hỏi mấu chốt ở đây là : "người phụ nữ bị bắt có phải là bà Trương Mỹ Lan hay không ?" hãy nhìn cho kỹ hai tấm hình, một tấm chụp bà ta thời trẻ, với gương mặt tươi cười khả ái như siêu sao điện ảnh Hồng Kông, và tấm kia, được công an chụp, khi bà ta bị bắt mới đây. Quả thật, nhìn tấm hình do công an vừa chụp, chắc nhiều người không khỏi thất kinh "Trời ơi, đây là đại gia Trương Mỹ Lan sao ? Nhìn sao giống ôshin quá vậy nè ?"
Có một cái gì đó không ổn… Hãy nhìn thật kỹ 2 khuôn mặt này đi, và lắng nghe trực giác thầm thì lên tiếng…trực giác nói thế nào ? Có đi đến kết luận gì chưa ? Không ổn rồi…khuôn mặt của người đàn bà bị bắt…không phải là Trương Mỹ Lan !
Hãy nhìn kỹ một lần nữa đi, chớ có nói càn ! Người bị công an bắt, có đúng là bà Lan hay không ?
Không ! Nhất định không phải ! khuôn mặt của người phụ nữ bị bắt không phải là khuôn mặt của bà Lan ! Đồng ý là diện mạo con người, ai cũng phải thay đổi theo năm tháng. Mặt mũi của một người khi 60 tuổi, không thể giống hệt với chính người đó 20 năm trước, tức là khi tuổi mới 40. Bà Lan cũng không ngoại lệ. Nhiều thập niên đã trôi qua, theo tiến trình lão hóa không sinh vật nào tránh khỏi, mặt mũi bà ta đã già đi nhiều, so với tấm hình mỹ nhân rạng rỡ thời son trẻ, rõ ràng nhan sắc đã tàn phai. Điều đó ai cũng biết, nhưng cái đáng nói ở đây là, dù bà ta có bị lão hóa, nhăn nheo, xuống cấp, thế nào đi nữa, thì vẫn phải còn những đường nét cơ bản, tương đồng với khuôn mặt năm xưa, không thể đổi thay, chứ sao lại khác nhau một trời một vực, như 2 khuôn mặt này cho được ? Hãy nhìn kỹ đi, 2 khuôn mặt ấy không có nét tương đồng nào cả, không thể là của cùng một người. Bà ta giải phẫu thẫm mỹ chăng ? Có thể lắm ! đó cũng là một khả năng. Thực tế đã chứng minh, phẫu thuật thẩm mỹ có thể làm cho khuôn mặt người ta biến đổi hoàn toàn so với phiên bản gốc. Vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, người bị bắt chính là bà ta rồi. Phim đã hết và Đài truyền hình xin chào tạm biệt. Chúc khán giả ngủ ngon.
Nhưng vẫn còn một khả năng khác : người bị bắt và đưa hình lên báo, không phải là bà ta ! Nghĩa là sao ? nghĩa là bà ta đã tráo người rồi, chứ còn sao nữa ! với một siêu tỷ phú đẳng cấp quốc tế, lại được hậu thuẫn bởi các thế lực ngầm mạnh mẽ và bí ẩn, thì việc dàn xếp để tráo người có gì khó khăn đâu ? Nếu thật vậy, thì bà Trương Mỹ Lan bị bắt và đưa hình lên báo, là Trương Mỹ Lan dỏm ! còn Trương Mỹ Lan xịn thì đã âm thầm thoát ra khỏi Việt Nam rồi ! và vụ bắt giữ chỉ là một phân đoạn trong kịch bản tẩu thoát ngoạn mục của bà ta mà thôi. Nên nhớ Trương Mỹ Lan là một cao thủ dạn dày chinh chiến, tầm cỡ sánh ngang Đông Phương Bất Bại, sao có thể đứng im chờ nhát đao công lý bổ xuống đầu mình, mà không đối phó ?
Đặng Thị Hoàng Yến làm được, Hồ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm được, sao Trương Mỹ Lan lại không ? Bà ấy, tất nhiên, cũng phải xuất chiêu, tìm lối thoát… Hay quá phải không ? Đạo diễn Lý Hải đâu, anh là trùm thể loại phim hành động hả ? vậy mau tới ngay đi, một kịch bản sặc mùi trinh thám, bí ẩn, ly kỳ, đang chờ anh bấm máy kìa ! Chao ôi, thiệt là gay cấn quá đi mà ! Nhưng hãy cẩn thận với nhân vật chính, coi chừng bị thủ tiêu đấy nhé, anh giai ! Nghe nói, đã có 3 cái chết bí ẩn liên quan đến tập đoàn của bà ta rồi, mở hàng là ông thượng tướng Phạm Quý Ngọ, chết bất thường năm 2014. Và tiếp theo, 2 cái chết đột tử mới đây,của ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Phương Hồng, nhân viên của tập đoàn này, mang đậm dấu ấn "giết người diệt khẩu".
Luận về cái chết bất thường của 2 nhân viên cao cấp kia, cái triết lý "hoài nghi tất cả" của cụ Các-Mác lại chen vào, "báo nói là họ chết, nhưng họ có thực sự chết hay không ? Biên bản khám nghiệm tử thi đâu ? Là biên bản thật hay đồ dỏm mua trên mạng ? Có ai mở quan tài ra để xác minh chưa ?" nghe nói bà Nguyễn Phương Hồng, 39 tuổi, đang khỏe mạnh như Rambo, bỗng lăn đùng ra chết, sau khi bị công an bắt giam khoảng 2 ngày, gia đình đang tổ chức lễ tang, nhưng rất nhiều cảnh sát, an ninh, đã phong tỏa toàn bộ khu vực, không cho phép giới truyền thông tiếp cận thân nhân bà Hồngđể săn tin. Có ngon, thử cho mở quan tài ra xem, có xác bà ấy không nào ?
Ố là la, sao ly kỳ quá vậy nè ! có phải là phim truyền hình Con Bạch Tuộc, phiên bản xã hội chủ nghĩa đây không ? Quý vị chắc còn nhớ bộ phim này chứ ? Một bộ phim rất đặc sắc và chân thật về Mafia Italy, nổi đình nổi đám từ thập niên 80, với các thế lực tội ác ghê gớm, ẩn mình trong bóng tối, và các màn thủ tiêu rùng rợn hãi hùng. Qua 2 vụ đột tử bất thường nêu trên, dường như "con bạch tuộc" kinh khủng ấy, đã du lịch tới Việt Nam rồi, để hưởng thụ ánh mặt trời vĩnh cửu, luôn tỏa sáng, trên bầu trời xã hội chủ nghĩa vinh quang, theo nhận định của ngài tổng bí thư, người đang quyết tâm bám ghế đến hơi thở cuối cùng !
Từ 1975 tới nay, nhiều thế hệ người Việt Nam trong nước đã thực sự "trưởng thành qua bão táp cách mạng" ! Điều đó nghĩa là, khi truyền thông cách mạng gào lên "đồng bào hãy yên tâm, không có đổi tiền đâu, đừng nghe bọn phản động xuyên tạc, gây hoang mang dư luận !" thì họ hiểu ngay, và phải lập tức tìm cách đối phó với việc đổi tiền, vì sau đó, nó sẽ thành sự thật. Và giờ đây, sau khi bà trùm Trương Mỹ Lan bị bắt, và ngân hàng SCB, có liên quan tới hoạt động tài chính của bà ta, đang trong tình trạng rung lắc mạnh, trước làn sóng khách hàng ồ ạt lao tới rút tiền, đông như quân Nguyên, thì truyền thông xã hội chủ nghĩa lại kêu gào "tất cả hãy bình tĩnh, đừng có rút tiền khẩn cấp như vậy nữa, nếu SCB có bị sập, nhà nước sẽ lo, bảo đảm khách hàng sẽ không mất xu nào !" thì quí vị có dám tin không ?
Ở những quốc gia tự do, tiến bộ, được điều hành bởi nhà nước pháp quyền, truyền thông báo chí đảm nhận vai trò mang sự thật đến với mọi người, sự thật phải là sự thật, bất kể nó tốt xấu ra sao, bất kể nó có lợi hay bất lợi cho nhà cầm quyền. Không thế lực chính trị nào được phép cưỡng ép truyền thông phải nói láo theo ý mình, thì độc giả có thể yên tâm, có thể lắng nghe và đặt niềm tin vào báo chí. Còn trong một quốc gia như Việt Nam, đặt dưới sự cai trị của một thể chế độc tài bá đạo, truyền thông chỉ được phép nói những gì có lợi cho nhà cầm quyền mà thôi, bất kể điều đó là dối trá hoàn toàn.
Còn nhớ, khi đại dịch covid hoành hành, truyền thông ra rả mỗi ngày, kêu gọi toàn dân đi chích vắc xin, để bảo vệ sức khỏe và mạng sống, người ta lập tức nghe theo, già trẻ lớn bé lũ lượt kéo nhau đi chích, mũi 1, mũi 2, mũi 3, rồi mũi 4, có người lên cơn co giật, phải đi cấp cứu, có người đột tử ngay tại chỗ, có người về nhà được ít hôm thì bị suy cơ tim, có người bỗng nhiên bị giảm trí nhớ nghiêm trọng…nhiều người e ngại bị hiệu ứng phụ, không muốn chích, nhưng ruốt cuộc, cũng phải chích, theo chỉ đạo của chính quyền. Thế rồi gần đây, người ta bỗng khám phá ra rằng, chính các y bác sĩ, những thầy thuốc mỗi ngày cầm ống tiêm, lụi vắc xin vô cơ thể bao nhiêu người khác, để chống dịch theo mệnh lệnh của cấp trên, lại dấu biệt hàng trăm con em của mình đi, để khỏi phải chích !
Trong một xã hội đảo điên, và một hệ thống báo chí truyền thông, với bản chất lọc lừa như vậy, thì khi họ cứ lập đi lập lại, cái luận điệu rằng "thời tiết đẹp lắm và mặt trời đang tỏa sáng, đường lên xã hội chủ nghĩa rất huy hoàng, và chúng ta nhất định sẽ thành công !" thì ta phải làm sao ? Ồ, tốt nhất, hãy cứ gật đầu cho qua chuyện, nhưng chớ có quên lời Mác dạy rằng"phải biết hoài nghi". Hãy cẩn thận quan sát, nghe ngóng xung quanh, và lắng nghe trực giác của chính mình, và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, vì rất có thể, trong một thời điểm không xa, bão tố cuồng phong, sẽ bất ngờ ập tới…
Chí Quang
Nguồn : VNTB, 17/10/2022
*************************
Cát Tường, VNTB, 17/10/2022
Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần kiểm chứng thông tin rõ nguồn gốc, không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận…
Cơ quan chức năng yêu cầu các báo rút tin về lễ tang của bà Nguyễn Phương Hồng.
Trưa ngày 14/10, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã mời làm việc với 4 cá nhân, trong đó có một phóng viên liên quan đến việc đăng tin sai sự thật về Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông.
Các cá nhân này bị mời làm việc vì có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan Ngân hàng SCB và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần kiểm chứng thông tin rõ nguồn gốc, không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự. Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết những ai vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong một tin tức liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, bản tin báo chí vào đầu giờ chiều ngày 13/10 đều có cùng nội dung : Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã cấp giấy thông báo đăng ký bào chữa cho luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Phan Minh Hoàng (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) để thực hiện quyền bào chữa cho bị can Trương Mỹ Lan.
Luật sư Phan Trung Hoài đã được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và tham dự buổi lấy cung đầu tiên.
Bà Trương Mỹ Lan – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – là người bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài bà Lan, cơ quan điều tra còn khởi tố và bắt tạm giam ba người khác. Những người này được cơ quan điều tra xác định có hành vi gian dối trong việc phát hành mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong thời gian từ năm 2018 đến 2019. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
"Ba người khác" trong bản tin trên trang web của Bộ Công an ở hôm 8/10 ghi rõ là gồm có Trương Huệ Vân – tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor ; Nguyễn Phương Hồng – trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ; Hồ Bửu Phương – nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Sau đó đến rạng sáng ngày 9/10, có tin kèm hình ảnh về tờ báo lễ tang của bà Nguyễn Phương Hồng. Một số tòa soạn báo chí đã nhanh chóng đưa tin này, và sau đó đã được yêu cầu ‘rút’ xuống. Một số nhà báo đưa tin về lễ tang đó của bà Nguyễn Phương Hồng trên tài khoản facebook cá nhân cũng được cơ quan an ninh gọi điện đề nghị ‘rút’.
Phía Ngân hàng SCB cũng không rõ vì sao đã ‘rút’ toàn bộ nội dung lý lịch tóm tắt của bà Nguyễn Phương Hồng trong danh sách các quan chức của ngân hàng này.
Như vậy thì thực tế bà Nguyễn Phương Hồng có từ trần hay không ? Nếu có, thì nguyên nhân tử vong của bà Nguyễn Phương Hồng là gì ? Bà chết trong trại tạm giam, hay ở nhà riêng ?
Rất tiếc là tính đến cuối giờ chiều ngày 14/10, phía nhà chức trách không có tin tức chính thức nào ngoài lời đe dọa chung chung là "không đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự".
Và cũng không rõ các luật sư nào được "tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, và tham dự buổi lấy cung đầu tiên" đối với các bị can Trương Huệ Vân – Nguyễn Phương Hồng – Hồ Bửu Phương (?).
Cát Tường
Nguồn : VNTB, 17/10/2022