Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/10/2024

Vạn Thịnh Phát : lãnh án tử rồi còn thêm án chung thân

BBC tiếng Việt

Bà Trương Mỹ Lan lãnh thêm án chung thân sau hình phạt tử hình

Ngày 17/10, bà Trương Mỹ Lan đã bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án chung thân trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.

vanthinhphat0

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bà Trương Mỹ Lan nghe tuyên án vào ngày 17/10

Hội đồng xét xử tuyên bà Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội Rửa tiền, 8 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Trước đó vào tháng 4, ở giai đoạn 1 của vụ án, bà Lan đã lãnh án tử hình và bà đã kháng cáo.

'SCB dụ dỗ người gửi tiền mua trái phiếu'

Theo hội đồng xét xử, có căn cứ xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lừa đảo, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là về việc mua bán 25 gói trái phiếu của các công ty có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB để chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của gần 36.000 trái chủ.

Ở tội danh này, tòa nhận định từ năm 2018 đến năm 2020, bà Lan đã cùng các nhân sự chủ chốt tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) họp bàn và tiến hành sử dụng 4 công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo.

Tòa cho rằng SCB đã có hàng loạt hoạt động dụ dỗ người mua trái phiếu với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm tại hệ thống Ngân hàng SCB và đa số người mua trái phiếu là người gửi tiền ở Ngân hàng SCB.

Nhờ vào phương thức này, bà Lan và các đồng phạm đã bán trái phiếu cho gần 36.000 nhà đầu tư, huy động được tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng. Bà Lan và các bị cáo bị cáo buộc đã chiếm đoạt số tiền này, sử dụng vào việc chi trả nợ, chi dự án, chuyển trái phép ra nước ngoài.

Đối với tội "Rửa tiền", tòa nhận định rằng từ ngày 1/1/2018 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, tổ chức thực hiện rửa tiền với tổng số tiền hơn 445.000 tỷ đồng.

Con số này gồm hơn 415.000 tỷ đồng từ nguồn tiền "tham ô tài sản" của Ngân hàng SCB thông qua 916 khoản vay "khống" đã xét xử ở giai đoạn 1 và hơn 30.000 tỷ đồng từ hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phát hành trái phiếu khống vừa đề cập.

Để che giấu và hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.000 tỷ đồng này, theo tòa án, bà Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện nhiều thủ đoạn chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB ; hoặc chuyển khoản cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản. Hành vi này nhằm tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền.

vanthinhphat2

Một cựu chiến binh Việt Nam cùng các nạn nhân bị lừa đảo mua trái phiếu đến theo dõi phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh chụp vào ngày khai mạc phiên tòa 19/9/2024. STR/AFP

Đối với tội danh "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", tòa nhận định bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, tiền vay được chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD từ năm 2012-2022. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật. Tổng số được vận chuyển trái phép là 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.730 tỉ đồng.

Tranh luận trước tòa, có luật sư cho rằng trong giai đoạn 1 có những khoản tiền chi cho Ngân hàng SCB nhưng bị quy kết cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong hành vi rửa tiền là chưa hợp lý.

Nhưng theo Hội đồng xét xử, hành vi sử dụng tiền trong nguồn tiền phạm tội là hành vi khách quan của tội rửa tiền, nên quy kết các bị cáo về tội rửa tiền là có căn cứ.

Trong quá trình xét xử, bà Lan không kêu oan nhưng nói rằng mình không phải là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu, không chiếm đoạt tiền của các trái chủ và cho rằng đã là con người thì không ai tránh khỏi sai sót.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nói mình đã sai lầm để hôm nay cả gia tộc phải trả một cái giá quá đắt. Bà nói bà chấp nhận đây là định mệnh nên không trách cứ ai.

Tuy nhiên, bà cam kết dùng toàn bộ tài sản của mình để bồi thường cho 35.824 trái chủ.

Khi nói lời sau cùng, bà Lan đã bộc bạch như sau :

"Bị cáo đứng đây ‘đầu đội trời, chân đạp đất’, đối diện với Hội đồng xét xử, bị cáo gửi lời trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất đến người đứng đầu đất nước, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã vất vả vì cái tên Trương Mỹ Lan, làm chấn động cả Việt Nam cũng như quốc tế".

"Đây là cái số thôi. Cả cuộc đời này có một cái không bao giờ quên, là vì tên bị cáo mà ảnh hưởng đến hàng vạn con người".

Trái chủ 'thấp thỏm' đợi bản án

BBC đã phỏng vấn nhiều người bị hại mua trái phiếu công ty An Đông, công ty Quang Thuận hoặc Setra.

Trong đó, bà Bảo Ngọc từ Hải Phòng đã kể với BBC không chỉ riêng bà mà rất nhiều người khác đều chịu cảnh khó khăn khi tiền bị giam vào một chỗ mà không biết tương lai sẽ như thế nào.

"Nhiều đêm tôi mất ngủ vì lo nghĩ. Mẹ tôi đã phải điều trị rối loạn lo âu tại nhà và một lần nhập viện do suy nhược cơ thể kèm theo bệnh hen. Mẹ tôi suy nghĩ quá nhiều về số tiền dưỡng già".

"Trong hai năm qua, có rất nhiều dự định đầu tư kinh doanh của tôi bị đình trệ lại vì không có vốn. Bản thân tôi bị ảnh hưởng tâm lý và không còn tin tưởng vào sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng như một số cán bộ tha hóa đã lợi dụng chức vụ bao che sai phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà Lan phạm tội liên tiếp nhiều lần".

Tòa đã yêu cầu bà Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 30.081 tỷ đồng có được từ lừa đảo trái phiếu.

Không rõ số tiền này sẽ được bồi thường ra sao cho các bị hại, nhưng những trái chủ nói với BBC rằng cuộc sống họ hai năm nay đã hoàn toàn bị đảo lộn, thậm chí một số người phá sản, lâm bệnh nặng vì bị sốc khi mất hết tiền. Họ đã chầu chực, thấp thỏm đợi chờ kết quả bản án và mong rằng sẽ sớm nhận lại toàn bộ số tiền bị lừa mua trái phiếu.

Ở giai đoạn 1 của vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử và tuyên án sơ thẩm hồi tháng 4/2024.

Theo đó, bà Trương Mỹ Lan lãnh án án tử hình vì chiếm đoạt, tham ô của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng. Bà Lan sau đó đã kháng cáo và vụ án giai đoạn 1 đang chờ xét xử phúc thẩm.

Vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay, được cho là đã làm rung chuyển hệ thống tài chính và tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Tính tới ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước đã cho SCB vay tổng cộng 622.700 tỷ đồng (khoảng 24,5 tỷ USD) để ngân hàng này duy trì hoạt động, tránh sự sụp đổ ảnh hưởng lên toàn hệ thống, theo Reuters.

Khoản cho vay này tương đương với 6% GDP năm 2023 của Việt Nam.

Nguồn : BBC, 17/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 82 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)