Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/10/2024

Xây dựng cáp ngầm qua Biển Đông

BBC, RFA

Bài toán cáp biển Việt Nam : Lệ thuộc Mỹ hay Trung Quốc đều gặp trái đắng

BBC, 17/10/2024

Việt Nam được cho là đang chịu sức ép từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc trong việc trao gói thầu lắp đặt 10 đường cáp ngầm trọng yếu dưới biển.

cap1

Suốt gần một năm qua, Mỹ đã vận động hành lang và tổ chức hàng loạt cuộc họp với quan chức Việt Nam để thuyết phục loại HMN Technologies - một công ty của Trung Quốc mà Hà Nội được cho là đang để mắt - và bất cứ công ty nào của Trung Quốc.

Phía Mỹ đưa ra các thông tin tình báo cho rằng có nguy cơ phá hoại và gián điệp từ phía Trung Quốc.

Năm đường cáp biển cũ của Việt Nam đều gặp sự cố mất kết nối và các lỗi kỹ thuật gây tốn kém - đôi khi xảy ra đồng thời - vào giữa cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam kết luận rằng không có bằng chứng nào của phá hoại và rằng nếu có phá hoại thì hiện chưa rõ ai là người thực hiện.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát mà BBC tiếng Việt phỏng vấn khẳng định rằng nguy cơ phá hoại và tình báo là có thật. Và lựa chọn bên nào cũng đẩy Việt Nam vào thế khó.

Mối nguy từ Trung Quốc ?

Có ba rủi ro chính nếu Việt Nam chọn công ty HMN Technologies hay bất cứ công ty nào của Trung Quốc để lắp cáp biển, theo Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Úc).

- Thứ nhất, Trung Quốc sẽ có khả năng theo dõi mọi hoạt động truyền dữ liệu qua hệ thống này và khai thác chúng cho chương trình phân tích big data của nước này, gây ra mối nguy tiềm tàng đối với quốc phòng.

- Thứ hai, Trung Quốc sẽ có thể làm gián đoạn lưu lượng thông tin trên các tuyến cáp ngầm của Việt Nam vào thời điểm khủng hoảng hoặc xung đột.

- Thứ ba, Việt Nam có thể trở nên phụ thuộc vào công nghệ thông tin và truyền thông của Trung Quốc do xu hướng hiện nay mà Hoa Kỳ khởi xướng, đó là tách rời công nghệ và thiết bị do Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất khỏi các hệ thống của Trung Quốc.

Trung Quốc đã có hẳn luật quy định các cá nhân, tổ chức phải hợp tác về mặt cung cấp thông tin tình báo nếu được yêu cầu.

Điều 7 và 14 Luật Tình báo Quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2017) quy định : "Tất cả các tổ chức và công dân phải hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia" và "Các tổ chức làm công tác tình báo quốc gia có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức và công dân có liên quan cung cấp sự hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác cần thiết".

Trung Quốc trước đây đã có lịch sử thực hiện một số hoạt động không được "fair play" (chơi đẹp) với Việt Nam, theo ông Hoàng Việt, giảng viên luật quốc tế, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

"Bắc Kinh nhiều lần giúp Việt Nam các dự án đường sắt, đường bộ và khi mối quan hệ hai bên xấu đi, như vào năm 1979, tất cả những công trình này đều bị Trung Quốc phá hoại".

"Hiện hai nước đang có căng thẳng trên Biển Đông, nơi có nhiều cáp ngầm đi qua. Nếu xảy ra xung đột thì Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách cắt cáp ngầm của Việt Nam", ông Hoàng Việt nói.

Do đó, chuyên gia này cho rằng nếu chọn Trung Quốc, Việt Nam cần phải tính tới việc đảm bảo an toàn cho các đường cáp trong trường hợp mối quan hệ giữa hai nước xấu đi.

cap2

Trung Quốc cũng có thể có thể tác động đến cấu trúc và đường đi của các tuyến cáp, theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Jeanne-Mây Desurmont từ University College London (UCL, Anh).

Trong bài nghiên cứu đăng trên website của Viện Tình báo và An ninh Bloomsbury, bà Jeanne-Mây Desurmont viết : "Trong khi Trung Quốc ngăn cản các công ty nước ngoài lắp đặt cáp ngầm ở các vùng lãnh thổ [trên Biển Đông] mà họ tuyên bố chủ quyền, nước này lại khuyến khích các công ty thuộc sở hữu nhà nước lắp cáp ở các khu vực nói trên".

Thông qua những công ty như vậy, trong đó có HMN Technologies, Trung Quốc có thể kiểm soát và tạo ra những điểm tắc nghẽn dữ liệu quan trọng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

"Điều này càng làm phức tạp các cuộc đàm phán liên quan đến việc cấp phép cần thiết để hoạt động trong vùng biển Trung Quốc".

"Ngoài ra, việc Trung Quốc độc quyền sở hữu cáp ngầm ở Biển Đông khiến nước này có thêm cơ hội sử dụng các tuyến cáp này như công cụ trong chính sách đối ngoại cứng rắn".

"Ví dụ, Trung Quốc có thể gây sức ép bằng cách kiểm soát dòng chảy dữ liệu hoặc cản trở hoạt động sửa chữa quan trọng, qua đó ngăn chặn các quốc gia ở Biển Đông từ bỏ tuyên bố chủ quyền của họ", theo bà Jeanne-Mây Desurmont.

Chọn Mỹ cũng không an toàn ?

Hiện nay, Mỹ và các quốc gia đồng minh đang chiếm ưu thế trong các thị trường toàn cầu về lắp đặt cáp biển, cũng như hệ thống cáp ngầm dưới biển.

Mỹ hiện có 42 trong số 50 công ty viễn thông và công nghệ hàng đầu, so với chỉ 8 công ty của Trung Quốc.

Với các nguy cơ về an ninh, quốc phòng và bảo mật dữ liệu như đã nói ở trên, "Hoa Kỳ sẽ là lựa chọn tốt hơn cho Việt Nam vì các công ty Hoa Kỳ có kinh nghiệm hơn và sở hữu công nghệ cao hơn so với các đối thủ Trung Quốc", theo GS Carl Thayer.

Việc này sẽ giúp đảm bảo an ninh hơn cho Việt Nam, do Hoa Kỳ ít có khả năng gây gián đoạn việc truyền tải dữ liệu qua các tuyến cáp ngầm dưới biển của Việt Nam vì lý do chính trị.

Để cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc, GS Cal Thayer cũng cho rằng Việt Nam nên duy trì kết nối với Trung Quốc qua cáp quang trên đất liền và kết nối với thế giới qua sự hỗ trợ của Hoa Kỳ qua các tuyến cáp ngầm dưới biển.

Trong khi đó, nghiên cứu sinh Jeanne-Mây Desurmont chỉ ra rằng đối tác Mỹ cũng không hẳn là an toàn.

"Đạo luật Tình báo Nước ngoài của Mỹ không bảo vệ các bên liên quan ở Đông Nam Á khỏi việc bị giám sát hàng loạt, như đã được tiết lộ qua các vụ rò rỉ thông tin của Edward Snowden vào năm 2014".

Bà Elina Noor, thành viên cấp cao của Chương trình Châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Hoa Kỳ, và ông Hoàng Việt, đều nhắc đến vụ Edward Snowden khi nói đến nguy cơ tình báo Mỹ.

"Rủi ro phá hoại của bất kỳ bên nào luôn tồn tại, nhưng rủi ro này đặc biệt cao khi có căng thẳng địa chính trị", bà Noor bình luận với BBC News tiếng Việt.

"Và vì vậy, theo tôi, nếu Hoa Kỳ nói rằng có rủi ro phá hoại hoặc gián điệp, thì tôi nghĩ bất kỳ quốc gia nào, không chỉ Việt Nam, cũng nên khôn ngoan đảo ngược giả định đó và áp dụng cho các quốc gia khác".

"Giả định này thậm chí áp dụng cho cả Hoa Kỳ hoặc bất kỳ ai là nhà cung cấp bất kỳ dữ liệu kỹ thuật số nào".

Về nguy cơ chiếm đoạt thông tin thông qua cáp ngầm, bà Noor nhắc đến Chiến dịch Storm Brew, trong đó các dữ liệu thông tin thượng nguồn và hạ nguồn được Mỹ thu thập thông qua cáp ngầm từ công ty viễn thông để tạo ra hồ sơ về các quốc gia đang bị do thám.

'Nạn nhân' của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung

Mỹ-Trung và Trung Quốc hiện đang cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp cáp ngầm internet dưới biển.

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện là "nạn nhân" của cuộc cạnh tranh này.

Nếu xét về kinh tế, thuê Trung Quốc rẻ hơn, nhưng ở một số góc độ, lại ít an toàn hơn so với thuê công ty Mỹ.

Dù thế, kể cả khi thuê Mỹ, Việt Nam cũng khó có thể bảo vệ thông tin của mình, bên cạnh đó lại làm phật lòng Trung Quốc.

"Việt Nam rất chần chừ trong việc tham gia Vành đai và Con đường, nhưng trước sức ép của Trung Quốc cũng phải tham gia và gần đây là ký kết Cộng đồng chia sẻ tương lai, dù trước đây né tránh".

"Vụ cáp biển này cũng như vậy. Trung Quốc muốn Việt Nam nằm trong tầm kiểm soát của mình. Việt Nam không mua hàng của Trung Quốc mà lại mua hàng giá cao hơn của Mỹ thì cũng khó giải thích với người hàng xóm của mình", ông Hoàng Việt phân tích.

cap0

Rủi ro luôn tồn tại và trên diện rộng, theo bà Elina, và như vậy, Việt Nam cần cân nhắc nhiều yếu tố.

Yếu tố đó có thể là chi phí, là an ninh quốc gia, hay lợi ích của người dân.

Theo bà Elina, đây là một quyết định rất khó khăn cho bất cứ quốc gia nào đang bị kéo vào cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Việt Nam có một lịch sử lâu dài và phức tạp với Trung Quốc".

"Nhưng Việt Nam cũng đã có một giai đoạn phức tạp với Hoa Kỳ, và hãy xem Việt Nam hiện đang ở đâu với Hoa Kỳ. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ".

"Và vì vậy tôi nghĩ rằng việc đứng về phía này hay phía kia đối với Việt Nam không đơn giản. Đây không chỉ là một dự án cáp ngầm, mà là cáp ngầm được kết nối với các trạm tiếp đất dễ bị do thám, được kết nối với các trung tâm dữ liệu, và Việt Nam cũng muốn trở thành trung tâm dữ liệu như vậy. Và tất cả những yếu tố này đều có tầm quan trọng hoặc mức độ ảnh hưởng khác nhau".

Theo bà Noor, các cáp quang có tuổi thọ từ 20 đến 25 năm, nên khi cân nhắc có muốn hợp tác với nhà cung cấp Trung Quốc hay Mỹ, Việt Nam cần cân nhắc mối quan hệ mà mình sẽ có trong vòng, ví dụ, hai, ba thập kỷ tới.

"Việt Nam cần tham vấn với các bên liên quan khác, bao gồm cả các nhà khai thác tư nhân sẽ là các đối tác trong nước cho dự án cáp ngầm và những vấn đề tương tự".

"Hà Nội sẽ phải xem xét liệu họ có bị loại khỏi mạng lưới cáp của các nước hay không, nếu họ chọn Trung Quốc".

"Vì những gì chúng ta đang thấy hiện nay là áp lực của Hoa Kỳ đối với các quốc gia trong khu vực để buộc họ lựa chọn Hoa Kỳ và các nhà cung cấp đối tác".

"Và vì vậy, nếu Việt Nam trao hợp đồng cho HMN Technologies thì liệu trong 20 đến 25 năm tới, không chỉ nguồn cung mà cả các tiêu chuẩn đi kèm với một nhà cung cấp cáp cụ thể đó có bị phân mảnh hay không".

"Và liệu điều này có dẫn đến sự chia rẽ vĩnh viễn về mặt cơ sở hạ tầng khi một bên không thể tương tác với bên kia hay không là điều mà Việt Nam sẽ phải cân nhắc khá nghiêm túc", bà Elina Noor nhận định.

Trong bối cảnh này, ông Hoàng Việt cho rằng Việt Nam nên chọn cả hai nước, Mỹ và Trung Quốc.

Điều này giúp Việt Nam đa dạng hóa hơn và so sánh được chất lượng đường truyền nước nào tốt hơn. Ngoài ra cũng giúp Việt Nam không lệ thuộc vào một bên nào.

"Lệ thuộc vào bên nào cũng gặp trái đắng".

"Việt Nam không có nhiều lựa chọn. Và mỗi một quốc gia, một tập đoàn đều có những hạn chế".

"Do đó, nên giao một số tuyến cáp trên biển cho Trung Quốc xây dựng và một số tuyến khác do Mỹ xây dựng".

"Đây không chỉ là một hợp đồng kinh tế đơn thuần mà còn là địa chính trị. Nó ẩn đằng sau việc kiểm soát thông tin, tạo ra vùng ảnh hưởng trên vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

"Việt Nam muốn cân bằng giữa cả hai cường quốc", ông Hoàng Việt bình luận.

Nhưng giải pháp này liệu có khả thi ?

Bà Elina Noor cho rằng "chắc chắn đó là một lựa chọn" và Việt Nam sẽ có nhiều quyền lực hơn nếu có thể trao một số hợp đồng cho Mỹ và một số hợp đồng cho Trung Quốc.

Nhưng bà nghi ngờ việc Việt Nam có thể chịu được gánh nặng chi phí nếu làm vậy.

"Cáp biển rất, rất đắt. Chúng lên tới hàng trăm triệu đô la", bà nói.

"Nếu Chính phủ Việt Nam, cùng với các đối tác khu vực tư nhân của mình, có đủ khả năng chi trả, thì điều này rất tốt".

Nguồn : BBC, 17/10/2024

***************************

Cần đa phương hóa để tránh lệ thuộc Trung Quốc

RFA, 16/10/2024

Việt Nam đang có kế hoạch lắp đặt các tuyến cáp ngầm qua Biển Đông bổ sung cho năm tuyến đang lão hóa. Đây không chỉ là vấn đề kĩ thuật mà còn là một vấn đề địa chính trị và an ninh quốc gia. Quyết định của chính quyền Hà Nội đối với dự án này bị cho sẽ ảnh hưởng đến tương lai Việt Nam nhiều thế hệ tiếp theo. 

capngam1

Logo của công ty cáp ngầm Trung Quốc HMN Technology - Reuters

Theo một nghiên cứu của Jonathon W. Penney ở Đại học Oxford, chính quyền các cường quốc có thể nghe lén, ngăn chặn thông tin trong việc quản lý đường cáp ngầm khi đường cáp ngầm nằm trong khả năng quản lý và can thiệp của họ. 

Tầm quan trọng của cáp ngầm tới an ninh quốc gia 

Theo nguồn tin của Reuters, hiện Việt Nam đang để ngỏ khả năng hợp tác với công ty Trung Quốc HMN Technologies. Trong trường hợp Việt Nam thuê một công ty Trung Quốc xây dựng tuyến cáp ngầm, về mặt kỹ thuật, Trung Quốc có thể can thiệp vào tuyến cáp này. 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học New South Wales, Canberra, cho biết nếu Việt Nam thuê HMN Technologies, "đầu tiên, Trung Quốc sẽ có khả năng giám sát mọi lưu lượng thông tin đi qua mạng lưới này và khai thác mọi dữ liệu để phân tích Dữ liệu lớn, nhằm mục đích phát triển máy học và trí tuệ nhân tạo. Điều này có ý nghĩa quốc phòng trong khu vực". Và nguy cơ thứ hai, quan trọng hơn, theo Giáo sư Carl Thayer là "Trung Quốc sẽ có khả năng làm gián đoạn lưu lượng trên các tuyến cáp ngầm dưới biển vào thời điểm khủng hoảng".

Đồng tình với nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các tuyến cáp ngầm qua Biển Đông rất quan trọng, bởi lẽ khoảng 90% lưu lượng thông tin mà con người truyền đi trong lĩnh vực viễn thông. Nếu như trước đây, cáp ngầm chủ yếu liên quan đến đường điện thoại thì bây giờ liên quan tới internet, tức là nghiên cứu toàn diện đến các vấn đề kinh tế tài chính, quân sự, chính trị. Điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam khi HMN Technologies thực chất là "hậu thân" của Huawei, một tập đoàn lớn của Trung Quốc bị Hoa Kỳ ngăn chặn. Ông nói:

"Trong việc phát triển internet thì dẫn đến việc lớn là liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Bản thân đáy Biển Đông có rất nhiều tuyến cáp ngầm lớn chạy qua. Hiện nay có bốn công ty lớn của Phương Tây của Mỹ, Nhật, Pháp chiếm khoảng 80% thị phần cáp ngầm internet dưới đáy biển. HMN Technologies là một công ty Trung Quốc mới xuất hiện. Tuy nhiên, họ không phải là mới mẻ gì. Tiền thân của công ty này chính là Huawei. Có lẽ vì Huawei bị phía Mỹ đặt vào tầm ngắm nên họ đổi tên. Theo thông tin chính thức thì HMN Technologies mua lại từ Huawei nhưng chúng ta có hiểu đó là một dạng thức "kim tiền thoát xác" để né tránh lệnh cấm của Mỹ". 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhấn mạnh hiện nay các hoạt động tài chính sử dụng internet để lưu chuyển thông tin đều qua cáp ngầm là chính, bởi hệ thống internet vệ tinh chưa thay thế được.

"Trong bối cảnh thế giới phụ thuộc vào internet thì Việt Nam cũng vậy. Ngoài ra, Việt Nam đang muốn phát triển chính phủ điện tử. Ngoại trừ các văn bản mật hoặc tuyệt mật thì hầu hết các văn bản thông thường sẽ được truyền đi qua internet. Hiện nay quốc gia nào kiểm soát được các tuyến cáp ngầm sẽ rất quan trọng. Và đây trở thành địa bàn cho hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau. 

Trong suốt thời gian vừa qua, hầu hết hạ tầng của các công ty Việt Nam như Vietel, ví dụ các cáp ngầm dưới lòng đất và các thiết bị viễn thông, đều từ Huawei. Gần đây Việt Nam cho biết là tốc độ internet bị chậm, thỉnh thoảng gặp trục trặc với cáp ngầm và cần bảo dưỡng.

Trung Quốc là quốc gia đang muốn thể hiện sức mạnh và trong tranh chấp Biển Đông thì họ muốn kiểm soát các tuyến cáp ngầm đi qua Biển Đông. Bài báo mới đây trên Washington Post hôm 3 tháng Mười cho biết là có nhiều vụ Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh để quấy phá các tàu sửa chữa cáp ngầm của Việt trên biển và Việt Nam buộc phải đưa tàu hải quân ra bảo vệ. Những câu chuyện đó cho thấy vai trò của internet trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc giữ ảnh hưởng trên khu vực Biển Đông".

Sản phẩm công nghệ của Trung Quốc thường được cho là có giá rẻ hơn các nước Phương Tây. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, lịch sử cho thấy cái giá phải trả cho sản phẩm có thể cao hơn nếu quan hệ chính trị giữa hai nước xấu đi. Ông dẫn lại trường hợp trong quá khứ, Việt Nam nhờ Trung Quốc phát triển hệ thống đường sắt, khi quan hệ xấu đi thì Trung Quốc tìm cách khống chế tuyến đường. Đối với Đài Loan, Trung Quốc từng cắt cáp ngầm của đảo Mã Tổ do Đài Loan quản lý khiến cho đảo Mã Tổ bị cô lập về thông tin khoảng sáu tháng. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Hoàng Việt còn lưu ý Việt Nam và Trung Quốc hiện đối lập quan điểm về vấn đề Biển Đông, khi Việt Nam muốn sử dụng Luật biển Quốc tế (UNCLOS) còn Trung Quốc căn cứ vào đường chữ U vi phạm UNCLOS. 

"Trong trường hợp Việt Nam trao cho Trung Quốc toàn bộ các tuyến cáp ngầm thì Trung Quốc có thể kiểm soát các tuyến cáp ngầm internet đó. Họ có thể khống chế Việt Nam rất nhiều. Trong trường hợp xấu nhất thì họ có thể cắt các tuyến cáp ngầm đó. Nếu điều đó xảy ra thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng không có internet và bị cô lập với thế giới về mặt internet". 

Cuối cùng, về mặt xu hướng phát triển công nghệ của Việt Nam, trao đổi với RFA, Giáo sư Carle Thayer cho rằng Việt Nam có nguy cơ sẽ thấy mình phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc, bởi lẽ xu hướng chung của Hoa Kỳ hiện nay là tách công nghệ và thiết bị do Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất khỏi các hệ thống của Trung Quốc. 

Khi thế giới chưa có quy chế quản lý cáp ngầm 

Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một cựu quan chức Liên Hiệp Quốc, chỉ ra một thực trạng là hiện nay Liên Hiệp Quốc chưa có một quy chế nào về quản lý cáp ngầm quốc tế. Thậm chí, về mặt kỹ thuật, hiện không tồn tại những "đường cáp quốc tế" nối liền toàn thế giới. Ngoài ra, hiện nay cũng không có qui chuẩn quốc tế về lắp đặt mạng lưới cáp ngầm, cũng không có thiết chế quốc tế kiểm soát mạng lưới cáp ngầm. Các công ty như Google, Amazone, Facebook, Microsoft,.. cũng làm đường cáp ngầm riêng riêng, nhằm nối các nước trên toàn thế giới. Google dự định xây dựng tuyến cáp ngầm riêng nối liền 13 trung tâm của họ trên toàn thế giới. 

Theo Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chiến lược đúng đắn nhất của Việt Nam là căn cứ vào thực trạng không có tính thống nhất toàn cầu về mạng lưới cáp ngầm để quyết định chính sách cụ thể. Đường cáp đầu tiên trên thế giới kết nối nối Hoa Kỳ và Anh quốc. Mặt khác, Tiến sỹ Vũ Quang Việt cũng chỉ ra là ở khu vực Á châu, nhiều quốc gia cũng tự xây dựng các đường cáp ngầm nối các trạm giữa họ với nhau. 

Vì không có một "đường cáp quốc tế" nối liền thế giới và theo qui chuẩn và kiểm soát quốc tế nên chính sách của Việt Nam, theo Tiến sỹ Vũ Quang Việt, là đối với các tuyến cáp ngầm nối với Trung Quốc thì có thể hợp tác thẳng với Trung Quốc, nối từ trạm quốc gia của Việt Nam. Hai nước có thể thảo luận để lựa chọn công nghệ triển khai. Còn đối với các trạm khác, nối với các nước khác thì hợp tác thẳng với các nước đó, dùng công nghệ, vật tư và nhà thầu của họ nếu cần. 

Cuối cùng, trong nội bộ ASEAN, Tiến sỹ Vũ Quang Việt nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á nên bàn đến việc thiết lập đường cáp ngầm chung trong khối. Từ đó, họ có thể nối mạng lưới cáp ngầm chung trong khối với đường cáp ngầm riêng của mình. Để xây dựng được đường cáp ngầm chung trong toàn khối, theo TS Việt, có lẽ cần một hiệp định khu vực với qui chuẩn kỹ thuật và sự kiểm soát của khu vực. 

Đồng tình với Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho biết Luật biển Quốc tế (UNCLOS) có quy chế về cáp ngầm nhưng thời mà UNCLOS ra đời (1982) thì chưa có internet, do đó, UNCLOS chỉ ra quy chế về việc lắp đặt. Còn các vấn đề về kiểm soát, an ninh quốc tế thì chưa được đặt ra. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia phải tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mình. 

Việt Nam do không đủ năng lực công nghệ làm cáp ngầm, phải tính đến cách lựa chọn đối tác. Theo ông Hoàng Việt, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn lôi kéo, gây sức ép để đưa Việt Nam lại gần phía mình hơn, trong đó Mỹ mong muốn trong 5 tuyến cáp ngầm thì có 3 tuyến do các tập đoàn của Mỹ tham gia.

Việt Nam cũng giống chính sách của ASEAN nói chung là không muốn chọn bên nhưng cuối cùng vẫn phải chọn lựa sao cho cân bằng quan hệ giữa hai đại cường quốc.

"Có lẽ Việt Nam sẽ lựa chọn con đường thường làm đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam sẽ không cho một mình Mỹ hay Trung Quốc mà cho cả các công ty của Nhật, Châu Âu cùng xây dựng tuyến cáp ngầm trên biển với các công ty Mỹ và Trung Quốc". 

Nguồn : RFA, 16/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 130 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)