Báo cáo Tự do Internet 2024 : Hà Nội mở rộng sự kiểm soát, tăng cường trừng phạt người dùng
RFA, 18/10/2024
Freedom House đánh giá Việt Nam với hơn 100 triệu dân chỉ đạt 22/100 điểm về chỉ số Tự do Internet và bị xếp vào hạng "Không có tự do".
Việt Nam bị xếp hạng không có tự do Internet trong năm 2024. Photo : RFA
Đây là năm thứ năm liên tục, từ năm 2020, Việt Nam có điểm về chỉ số Tự do Internet là 22/100, giảm 2 điểm so với năm 2019 là 24/100.
Báo cáo về Tự do Internet vừa được Freedom House công bố hôm 16/10. Báo cáo được thu thập dữ liệu từ ngày 1/6/2023 đến ngày 31/5/2024 ở 72 quốc gia trên thế giới. Với thang điểm 100 về các chỉ số Tự do Internet, các quốc gia này sẽ được xếp thành ba nhóm, bao gồm "Tự do toàn phần, tự do một phần và không có tự do".
Nhận xét chung, Báo cáo cho biết Quyền tự do Internet vẫn bị hạn chế tại Việt Nam. Chính phủ tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với môi trường trực tuyến. Chính phủ gây sức ép mạnh mẽ lên các doanh nghiệp Internet quốc tế để yêu cầu họ phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm duyệt nội dung và quyền truy cập vào dữ liệu người dùng. Nhiều nhà hoạt động và người dân đã bị trừng phạt bởi các hoạt động trực tuyến của họ, trong khi các cơ quan truyền thông cũng phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tiền.
Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư đảng Việt Tân, một tổ chức vận động cho nhân quyền Việt Nam, cho biết nội dung báo cáo này cho thấy Hà Nội, trong năm qua, đã nỗ lực rất nhiều nhằm kiểm duyệt Internet bằng nhiều phương cách khác nhau.
"Đây là lúc Việt Nam phải làm sao để tăng cường đầu tư nước ngoài, phát triển các kỹ nghệ tân tiến nhưng trong bối cảnh mà kiểm duyệt về tự do Internet thì tôi thấy rằng rất khó cho đất nước có thể cất cánh để có được một nền kinh tế trí tuệ".
Về chỉ số "Rào cản truy cập internet", Theo báo cáo, tính đến đầu năm 2024, 79,1 phần trăm dân số Việt Nam được truy cập internet, với 100,7 triệu thuê bao điện thoại thông minh. Chính phủ vẫn kiểm soát cơ sở hạ tầng internet, cho phép hạn chế kết nối Internet vì lý do chính trị và an ninh.
Nghị định 72 được ban hành vào năm 2023 buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chặn người dùng cá nhân truy cập Internet nếu họ bị phát hiện đã chia sẻ nội dung bị nhà nước coi là bất hợp pháp. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn tại Việt Nam, chẳng hạn như VNPT hay FPT đều do nhà nước và quân đội sở hữu.
Ngoài ra, theo Reuters, vào năm 2020, các nền tảng như Facebook, Whatsapp hay Instagram đã bị ngắt hoặc làm chậm kết nối với người dùng tại Việt Nam. Quyền truy cập được khôi phục vào đầu tháng 4/2020, sau khi công ty này bị cáo buộc đã đồng ý xóa nhiều nội dung bị cho là "chống nhà nước".
Báo cáo còn chỉ ra các cách thức mà Hà Nội đã sử dụng để hạn chế nội dung được đăng tải trên không gian mạng. Chính phủ Việt Nam đã tạo ra một hệ thống lọc nội dung hiệu quả, đặc biệt là nhắm vào các nội dung liên quan đến những người bất đồng chính kiến, ủng hộ nhân quyền và chỉ trích chính phủ.
Các trang web bị gắn nhãn là chỉ trích chính phủ, như Việt Nam Thời báo và Báo Tiếng Dân, Đài Á Châu Tự Do và BBC bằng tiếng Việt không thể truy cập được ở trong nước. Ông Duy cho biết trang Facebook của Việt Tan trong năm qua cũng gặp tình trạng tương tự :
"Những nội dung mà họ chặn nhiều nhất là về thành phần lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, các vụ đốt lò, sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng…"
Cái lý do mà Facebook đưa ra là đưa vi phạm luật địa phương và họ nói là nếu không đồng ý thì có thể kháng cáo với Bộ thông tin của nhà nước cộng sản Việt Nam, thì cái đó là vấn đề không tưởng".
Chính phủ Việt Nam đã tích cực thao túng dư luận thông qua lực lượng dư luận viên dày đặc, sẵn sàng tấn công bất cứ quan điểm nào không có lợi cho nhà nước trên không gian mạng. Ngoài ra, các doanh nghiệp trả tiền quảng cáo trên các trang web hay các kênh mạng xã hội bị cho chống chính phủ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt.
Hà Nội còn bị đánh giá là đã vi phạm quyền của người sử dụng Internet vì không bảo vệ hợp pháp cho quyền tự do ngôn luận ; cơ quan tư pháp không độc lập. Luật An ninh mạng là phương tiện trừng phạt hành chính và cả hình sự những người chỉ trích chính phủ, phát tán thông tin bị cho là sai lệch và phản đối đảng cộng sản Việt Nam.
Người dùng bị yêu cầu phải xác minh danh tính và chặn các tài khoản chưa được xác minh. Chính phủ Việt Nam đã mở rộng sự giám sát, cho phép các cơ quan chức năng xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Báo cáo cho thấy chính phủ sử dụng các công nghệ giám sát để theo dõi các hoạt động giao tiếp.
Các blogger, nhà hoạt động và người dùng Internet phải đối mặt với tình trạng quấy rối, bị đe dọa về bạo lực thể xác và mất việc làm do các hoạt động trực tuyến của họ. Nhiều nhà hoạt động đã bị buộc tạm lánh hoặc lưu vong ở nước ngoài.
Nguồn : RFA, 18/10/2024
******************************
Freedom House : Việt Nam tiếp tục siết chặt không gian mạng
VOA, 17/10/2024
Freedom House hôm 16/10 công bố báo cáo về tự do internet, nói rằng quyền tự do Internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam khi chính phủ nước này tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến của đất nước.
Freedom House hôm 16/10/2024 ra báo cáo cho rằng Việt Nam không có tự do Internet.
Freedom House, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ chuyên hoạt động nhằm ủng hộ và bảo vệ dân chủ trên toàn cầu, đánh giá tự do internet mỗi nước theo thang điểm từ 100 đến 0, với 100 đại diện cho mức tự do cao nhất, và 0 là mức thấp nhất.
Trong báo cáo mới nhất, Freedom House tiếp tục liệt Việt Nam vào nhóm không có tự do internet, khi quốc gia này chỉ đạt 22 trên 100 điểm. Trong số 22 điểm này, mục rào cản tiếp cận bị đánh giá ở mức 12/25 điểm, mục hạn chế nội dung chỉ được 6/35 điểm, và mục vi phạm quyền của người dùng thậm chí còn thấp hơn, chỉ được 4/40 điểm.
Định danh người dùng
"Tự do internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam trong năm qua. Chúng tôi lo ngại về một dự thảo nghị định mới theo đó yêu cầu các nền tảng mạng xã hội định danh người dùng, chỉ cho phép các tài khoản đã được định danh đăng bài và có khả năng chặn các tài khoản chưa được định danh", một đại diện của Freedom House trả lời VOA tiếng Việt trong cuộc họp báo trực tuyến công bố cáo cáo Tự do Internet toàn cầu hôm 16/10.
Freedom House đề cập đến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP, trong đó các quy định mới được đề xuất sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) chặn người dùng cá nhân truy cập internet nếu họ bị phát hiện có chia sẻ nội dung bị nhà nước coi là bất hợp pháp.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam vào tháng 6/2024 đã ban hành một nghị định khác về định danh và xác thực điện tử, theo đó nghiêm cấm sử dụng tài khoản định danh điện tử vào các hoạt động, giao dịch "trái quy định của pháp luật ; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia". Nghị định 69/2024/NĐ-CP này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
"Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến của đất nước. Nhà chức trách gây áp lực mạnh mẽ cho các công ty internet toàn cầu phải tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt nội dung và truy cập dữ liệu người dùng", theo một đoạn trong báo cáo về Việt Nam của Freedom House.
Kiểm duyệt
Việc kiểm duyệt thường xuyên nhắm vào các trang blog hoặc trang web nổi tiếng có nhiều người theo dõi, cũng như nội dung bị xem là đe dọa đến sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm thảo luận về tình trạng bất ổn xã hội hoặc bất đồng chính kiến, vận động cho nhân quyền và dân chủ cũng như chỉ trích phản ứng của chính phủ đối với vấn đề biên giới và tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, theo báo cáo mới nhất của Freedom House.
Nội dung các trang tin của các nhóm tôn giáo mà nhà nước coi là mối đe dọa tiềm tàng - bao gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Công giáo, Tin lành độc lập và nhóm Cao Đài - bị chặn ở mức độ thấp hơn nhưng vẫn đáng kể, vẫn theo Freedom House.
Báo cáo của tổ chức có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ, nghi nhận rằng nội dung các bài đăng bị xóa ở mức đáng báo động trong thời gian qua và chính phủ đã sử dụng Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào năm 2019, để gây áp lực cho các công ty truyền thông xã hội tuân thủ các yêu cầu xóa nội dung đó.
Nhà chức trách đã phạt nặng các bài đăng trực tuyến vì đăng "thông tin sai sự thật" và yêu cầu các cơ quan báo chí xóa nội dung mà các quan chức cho là "bất hợp pháp".
Trang Zing News đã bị phạt hai lần trong thời gian qua, vào tháng 6 và tháng 7/2023, với tổng số tiền 423 triệu đồng (17.400 USD), vì đưa tin về các chủ đề bị cho là nằm ngoài phạm vi, nhiệm vụ của trang này. Chính phủ không công bố thông tin chi tiết, cụ thể là những bài đăng nào đã dẫn đến việc phạt này.
Ngoài việc kiểm duyệt, chính quyền Việt Nam còn "tích cực tìm cách thao túng dư luận trực tuyến", thông qua các nhóm định hướng dư luận như "Lực lượng 47" của quân đội, "Ban chỉ đạo 35" của đảng ủy các cấp, theo Freedom House.
"Lực lượng 47, đơn vị quân đội hơn 10.000 người có nhiệm vụ chống ‘các quan điểm sai trái, xuyên tạc trên mạng’ được thành lập năm 2017 và từ đó đã mở rộng ra các quân khu ở nhiều tỉnh, thành", báo cáo viết.
"Ở Việt Nam kiểm duyệt thông tin, kiểm duyệt internet một cách gắt gao, làm cho những người sử dụng internet rất khó chịu, đặc biệt là thông tin qua điện thoại, qua tin nhắn Messenger…", nhà hoạt động Phạm Văn Trội, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, chia sẻ quan điểm của ông với VOA hôm 16/10.
Nhà hoạt động từng bị giam cầm 7 năm vì bị quy vào tội "lật đổ chính quyền" cũng bày tỏ quan điểm rằng nhà nước Việt Nam "đương nhiên gây khó khăn cho các nhà hoạt động, những người có quan điểm đối lập, bất đồng chính kiến".
Bỏ tù người dùng mạng xã hội
"Chính quyền Việt Nam cũng áp đặt án tù đối với những người bảo vệ nhân quyền và người dân thường vì các hoạt động trực tuyến của họ, trong đó có một người bị kết án 8 năm tù chỉ vì là quản trị viên của một trang Facebook", vị đại diện của Freedom House nói với VOA tại cuộc họp báo trực tuyến.
Báo cáo điểm lại thực trạng : "Nhà chức trách tiếp tục tiến hành trấn áp đáng kể đối với ngôn luận trực tuyến trong thời gian qua. Việc truy tố các hoạt động trực tuyến diễn ra phổ biến và một số blogger và người bảo vệ nhân quyền phải nhận các bản án tù dài hạn. Tính đến tháng 3/2024, 175 nhà hoạt động đã bị giam giữ vì thực thi các quyền cơ bản của họ, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận".
Một số nhà báo, nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến đã bị kết án tù nặng nề trong thời gian báo cáo được lập, họ bao gồm cả những người bị quy là vi phạm Điều 117 của Bộ luật hình sự.
Tháng 3/2024, Nguyễn Văn Lâm, quản trị viên của trang Facebook "Nhật ký Yêu nước", bị kết án 8 năm tù về tội "làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu chống nhà nước" theo Điều 117, Freedom House đưa ra dẫn chứng.
Ngoài ra, tổ chức này cũng nêu trường hợp của các nhà bình luận trên YouTube như Phan Sơn Tùng, Thái Văn Đường, Nguyễn Chí Tuyến, hay Facebooker Hoàng Việt Khánh bị chính quyền giam cầm vì các nội dung bị xem là "chống chính quyền" trên mạng xã hội.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về báo cáo mới của Freedom House, nhưng chưa được phản hồi.
Sau các báo cáo của Freedom House với kết luận "không có tự do Internet" ở Việt Nam vào những năm trước, truyền thông trong nước lên án các "đánh giá mơ hồ" của tổ chức này. Báo chí của quốc gia cộng sản cho rằng đó là những "luận điệu xuyên tạc", có "âm mưu chống phá, hạ thấp uy tín" của Việt Nam.
Ngoài Việt Nam, các quốc gia khác có chỉ số tự do internet thấp nhất theo bảng xếp hạng 2024 của Freedom House bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Iran, Cuba, Nga và Belarus.
Nguồn : VOA, 17/10/2024