Quan hệ Việt Trung gần đây có nhiều biểu hiện trái chiều nhau. Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trung Quốc từ ngày 18-20/08/2024, phía Trung Quốc đã tiếp đón với nghi lễ cao nhất là bắn 21 phát đại bác chào mừng. Đến 12 – 14/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm Việt Nam. Hai bên "trao 10 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kết nối giao thông, hải quan, dân sinh, giáo dục, thương mại nông sản, báo chí truyền thông, ngân hàng". Trong khi các sự kiện ngoại giao "nồng ấm" nói trên diễn ra, trên Biển Đông, có nhiều biến biến trái ngược. Ngày 29/9, trước chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường đến Việt Nam hai tuần, Trung Quốc cho hải cảnh tấn công ngư dân Việt Nam ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "phản đối việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đánh bị thương ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa". Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng cường xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, còn Trung Quốc xây dựng căn cứ do thám hiện đại trên đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa. Đảo Tri Tôn là đảo cực tây của quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền Việt Nam chỉ khoảng 130 hải lý.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tối ngày 12/10/2024 tại Hà Nội. Chính phủ Việt Nam
Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, cho rằng quan hệ Việt-Trung từ sau chiến tranh biên giới năm 1979 cho đến nay vẫn luôn tiềm ẩn sự căng thẳng và bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, cung cấp thị trường và nguồn vốn đầu tư lớn. Về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mới đây, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng mặc dù Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của mình đối với "con đường xã hội chủ nghĩa" mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn đang theo đuổi, đây không phải là dấu hiệu của sự chia sẻ ý thức hệ sâu sắc. Theo Luật sư Khanh, đó là một chiến lược chính trị và kinh tế của Trung Quốc nhằm duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh với các cường quốc khác.
Đối với căng thẳng mới nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa khi lực lượng chấp pháp Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý rằng cách nhà quan sát nên đặt sự cố này trong bối cảnh quốc tế rộng lớn hơn. Theo Reuters, ngày 27/9, Thủ tướng mới của Nhật Bản là Ishiba Shigeru trước khi nhậm chức ít ngày đã công bố một số chính sách, trong đó có những chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Trong đó, đáng kể nhất là ý tưởng vận động một liên minh "NATO Châu Á" để đối trọng, cân bằng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, diễn biến này trùng với khoảng thời gian Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm thực hiện chuyến công du dài ngày tại New York và sau đó tiếp tục đi thăm các nước phương Tây như Pháp, Ireland, thể hiện tín hiệu xích lại gần với Hoa Kỳ. Những sự kiện diễn ra ngẫu nhiên nhưng đồng thời nói trên có thể đã thúc đẩy Trung Quốc ra tín hiệu của mình với hành động tấn công ngư dân ở Hoàng Sa. Ông nói :
"Nói chung là để giải thích hành động tấn công ngư dân Việt Nam của Trung Quốc thì có thể nhìn từ hai góc độ là chính trị nội bộ và đối ngoại của họ.
Có lẽ là về đối ngoại thì có một phần thế này. Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi đi thăm Hoa Kỳ thì cũng có một loạt chuyến thăm các nước phương Tây khác như thăm Châu Âu, Ireland, Pháp. Những hoạt động đối ngoại tích cực như vậy của Việt Nam diễn ra cùng lúc việc Thủ tướng Nhật Bản mới nhậm chức và công bố ý tưởng xây dựng "NATO Châu Á" để chống lại đe dọa từ Trung Quốc. Trung Quốc rõ ràng không hài lòng về động thái của Nhật. Từ đó họ muốn Việt Nam không lại gần quá các nước Phương Tây, giống như Philippines đang làm. Có lẽ đó là thông điệp Trung Quốc muốn gửi tới.
Ngoài ra, còn về mặt chính trị nội bộ Trung Quốc thì chúng ta lưu ý là phe quân đội là một phe rất mạnh trong chính trường Trung Quốc. Mặc dù ông Tập Cận Bình rất mạnh nhưng phía quân đội cũng có những suy nghĩ khác. Họ thấy rằng phía Việt Nam không hoàn toàn nằm trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc và Việt Nam đang có dấu hiệu bứt phá ra, nghiêng về phía phương Tây nhiều hơn.
Đây cũng là hành động của phe quân đội, phe diều hâu cứng rắn, muốn nhắc nhở Việt Nam không được quên người hàng xóm khổng lồ của mình và hướng về những nhân vật xa hơn. Góc nhìn của tôi là như vậy".
Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng các diễn biến trái chiều nêu trên trong quan hệ hai nước Việt Trung, vừa nồng ấm vừa căng thẳng, cho thấy Trung Quốc mong muốn ba điều từ Việt Nam. Một là mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế thông qua việc kết nối hạ tầng và phát triển thương mại, bằng cách kết hợp sáng kiến "Vành đai và Con đường" với kế hoạch "Hai hành lang, một vành đai" của Việt Nam. Đối với Việt Nam, điều này có thể mang lại lợi ích về kinh tế trong ngắn hạn nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ về mất kiểm soát các dự án hạ tầng quan trọng. Hai là giữ vững ổn định chính trị và ảnh hưởng của Đảng cộng sản Việt Nam, nhằm duy trì một láng giềng thân thiện và một đồng minh ý thức hệ trong khu vực Đông Nam Á. Ba là kiểm soát và hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc khác tại Việt Nam : Trung Quốc không muốn Việt Nam quá gần gũi với các cường quốc như Hoa Kỳ hay Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ? Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, Việt Nam cần xây dựng nội lực kinh tế mạnh mẽ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương và tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia. Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, không đứng về phe nào, nhưng phải dựa trên những giá trị chung được chia sẻ của cộng đồng quốc tế và phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia.
Hiện nay, đã có những dấu hiệu cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam có thể cân nhắc một số cải cách chính trị hạn chế nhằm thích nghi với tình hình mới. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi này là áp lực từ nội bộ, đặc biệt là nhu cầu tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Để làm được điều đó, theo Luật sư Vũ Đức Khanh, tự do, dân chủ, thịnh vượng là mẫu số chung cho sự phát triển bền vững mà Việt Nam cần theo đuổi. Việt Nam cần xây dựng một nền tảng chính trị dựa trên ba giá trị này để tạo ra sự đồng thuận xã hội và đoàn kết dân tộc. Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn trong đối phó với các thách thức bên ngoài, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc.
Nguồn : RFA, 18/10/2024