Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/11/2023

Mối quan hệ giữa Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và công ty chứng khoán Tân Việt

BBC tiếng Việt

Thêm bốn người bị khởi tố liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nâng tống số bị can lên 50 người. Trong đó có lãnh đạo, nhân viên thuộc Vạn Thịnh Phát và SCB cùng một số thanh tra thuộc Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II Ngân hàng Nhà nước.

scb1

Người gửi tiền tiết kiệm và dùng thẻ của SCB

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của khoảng 42.000 nhà đầu tư.

Vụ Vạn Thịnh Phát cùng với các bê bối khác như AIC FLC, Đăng kiểm được xếp vào các vụ án trọng điểm, được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải "xử lý dứt điểm" và được cho là "sẽ kết thúc điều tra, truy tố xét xử" trong năm 2023.

Trả lởi BBC News tiếng Việt hôm 13/11, Tiến sĩ, chuyên gia tài chính, kinh tế vĩ mô và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vụ án Vạn Thịnh Phát và trước đó nữa là Tân Hoàng Minh đã có tác động rất mạnh vào thị trường trái phiếu của Việt Nam, hậu quả là làm nhà đầu tư mất niềm tin.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra những bình luận về mối liên hệ giữa Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, công ty con An Đông cùng với ngân hàng SCB, nhất là sau vụ các cựu lãnh đạo ngân hàng này bị truy nã.

Vạn Thịnh Phát - SCB - Tân Việt

Những người bị hại trong vụ lừa đảo trái phiếu nói trên đều khẳng định với BBC rằng, khi họ đến giao dịch tại ngân hàng SCB, chính nhân viên của SCB đã giới thiệu cho họ sản phẩm mới gọi là "tiết kiệm linh hoạt 31 ngày" và nói đó là do SCB bảo lãnh. Rất nhiều người phản ánh họ hoàn toàn không biết họ đã đặt bút ký vào hợp đồng mua trái phiếu của các công ty như An Đông hay Quang Thuận, vì vốn tưởng đó chỉ là sản phẩm gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích rằng, ở đây, ta thấy có sự liên đới của SCB khi đây là ngân hàng hỗ trợ cho Vạn Thịnh Phát cũng như các công ty con của tập đoàn này phát hành trái phiếu. Quan trọng hơn nữa, ngân hàng SCB dùng hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch và nhân viên của mình để phân phối, chào mời trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.

Sau khi nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt vào tháng 10 năm ngoái, đã có những tin đồn về mối liên hệ của bà Lan với ngân hàng SCB, dẫn đến việc người dân gửi tiền ở ngân hàng này đổ xô đi rút tiền, gây sự khủng hoảng khiến ngân hàng Nhà nước phải phát thông cáo.

Chính ngân hàng SCB cũng đã lên tiếng, khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB.

Tuy nhiên, điều này không thể trấn an tâm lý của người dân, vì nhiều người cho rằng, tuy bà Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nhưng không đồng nghĩa bà ấy không phải là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này.

Chuyên gia Trí Hiếu cũng đưa ra những khả năng rằng, tuy bà Lan không nắm giữ chức vụ nào nhưng có thể là cổ đông lớn của SCB, thông qua cổ phần chính thức hoặc qua các công ty khác để nắm cổ phần của SCB.

"Nếu những đồn đoán là chính xác, đồng nghĩa là tập đoàn Vạn Thịnh Phát có khả năng khuynh đảo, chi phối mạnh mẽ hoạt động của ngân hàng. Chúng ta biết rằng rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam là "sân sau" của những tập đoàn bất động sản và Hội đồng quản trị của ngân hàng phải hành động theo kế hoạch của tập đoàn, chứ không theo lợi ích của ngân hàng. Ta gọi là lợi ích nhóm và ngân hàng nhà nước đang cố gắng xử lý những trường hợp như vậy, nhưng đây vẫn là sự phỏng đoán", ông Hiếu diễn giải.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, các cựu lãnh đạo của SCB, trong đó có hai cựu chủ tịch của ngân hàng bị khởi tố và phát lệnh truy nã vì liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát lại đưa củng cố mối quan hệ giữa SCB, Vạn Thịnh Phát và công ty Tân Việt, qua các nhân vật nắm giữ các chức vụ quan trọng.

Đó là bà Nguyễn Thị Thu Sương và ông Trầm Thích Tồn.

Bà Sương người bị truy nã gần đây là cựu Chủ tịch hội đồng quản trị SCB nhưng bà từng làm việc cho bà Trương Mỹ Lan vào năm 2008. Giai đoạn ̣đó bà là trợ lý Ban Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Còn ông Tồn thì từng kinh qua các chức vụ từ Phó Giám đốc, Giám đốc đến Tổng Giám đốc của các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

scb2

Hà Nội : Sáng 10/10/2022, lực lượng bảo vệ đọc danh sách khách đăng ký giao dịch tại chi nhánh của ngân hàng SCB ở phố Văn Cao từ thứ 7 (8/10). Ai có tên mới được vào bên trong

Trong số những người bị bắt giữ cùng bà Trường Mỹ Lan vào tháng 10 năm ngoái còn có ông Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, đồng thời là nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ông Nguyễn Tiến Thành, người đột ngột qua đời ngay trước hôm bà Lan bị bắt là Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt lúc đó. Ông Thành còn thành viên Hội đồng quản trị độc lập SCB và là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - người nắm chức vụ phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo các báo Việt Nam.

Qua một số nhân vật bị khởi tố, bắt tạm giam và bị truy nã gần đây vì liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, có thể thấy được phần nào mối quan hệ giữa tập đoàn này với ngân hàng SCB cũng như công ty chứng khoán Tân Việt, theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

Báo chí cũng đưa tin, Công ty chứng khoán Tân Việt là bên tư vấn phát hành trái phiếu của An Đông – doanh nghiệp con của Vạn Thịnh Phát.

Hiệu ứng domino

Bên cạnh những người nắm giữ mã trái phiếu mà được C03 xác nhận là bị hại vì lầm tưởng việc mua trái phiếu là sổ tiết kiệm thì một số khác thừa nhận với BBC họ biết hợp đồng họ ký là trái phiếu.

Đó là trường hợp của bà Nguyễn Hồng Nhi, người nói với BBC rằng bà đỏ bỏ 200 triệu tiền tích góp 5 năm để mua trái phiếu.

"Nếu là sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn thì ngân hàng sẽ phát cho mình sổ tiết kiệm, còn này mình ký hợp đồng và nhận sau tầm một tuần. Nhưng vấn đề là cách nói của nhân viên ngân hàng SCB khiến tôi tưởng rằng đây là trái phiếu có bảo đảm thanh toán. Nếu như công ty phát hành trái phiếu không thể chi trả, ngân hàng sẽ đứng ra bồi thường cho người mua như tôi", bà Nhi nói với BBC.

Phân tích với BBC, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu rõ sự khác biệt giữa "bảo lãnh phát hành" và "bảo lãnh thanh toán".

"Theo tôi hiểu, hình như SCB chỉ bảo lãnh phân phối - tức đối tượng có lợi ở đây là Vạn Thịnh Phát và các công ty con trong hệ sinh thái của tập đoàn này, chứ không phải những trái chủ. Còn bảo lãnh thanh toán thì là hình thức có lợi cho các nhà đầu tư, nghĩa là trong trường hợp Vạn Thịnh Phát không có khả năng trả nợ thì ngân hàng đứng ra trả nợ thay cho Vạn Thịnh Phát.

"Nhưng trong lúc bán trái phiếu cho Vạn Thịnh Phát, SCB chỉ nói lập lờ là có bảo lãnh, dẫn đến sự hiểu lầm của các nhà đầu tư. Đó có thể là những vi phạm mà các cơ quan điều tra đang tiến hành xác nhận", chuyên gia phân tích.

Hiện SCB vẫn đang bị đặt trong trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Theo lý giải của Tiến sĩ Trí Hiếu, điều này nghĩa là các thanh tra ngân hàng nhà nước kiểm soát mọi hoạt động, bút toán, nhân sự của ngân hàng nên tại thời điểm này, tất cả mọi chuyện đều được kiểm soát.

"Nếu may mắn, SCB cải tổ được và thoát ra khỏi sự kiểm soát đặc biệt thì có thể trở về hoạt động bình thường, nếu không, sẽ đi đến kế hoạch mạnh tay hơn của ngân hàng nhà nước - bán SCB cho ngân hàng khác hoặc trường hợp xấu nhất là ra tòa tuyên bố phá sản", ông Hiếu nhìn nhận.

Reuters đưa tin, sau các vụ bắt bớ và khởi tố, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn.

Tính đến cuối tháng 7/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được doanh nghiệp mua lại trước hạn là 135,3 nghìn tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Lý giải điều này, chuyên gia Trí Hiếu cho rằng nhiều công ty phát hành trái phiếu, đa phần là bất động sản và ngành bất động sản đang trong tình trạng trầm lắng, nên muốn được trả trước hạn để loại đi rủi ro vỡ nợ.

"Có thể lúc phát hành trái phiếu, họ trả với lãi suất rất cao nên họ muốn trả trước hạn rồi phát hành lại một loạt trái phiếu mới với lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, trong số nhà phát hành trả trước hạn, có thể có những công ty đã vi phạm luật phát hành trái phiếu riêng lẻ - như Nghị định 103 và 65. Vì vậy, nếu vi phạm thì họ sợ đến lúc nào đó sẽ bị điều tra nên chọn "đi tắt đón đầu"", ông Hiếu nhận định.

scb3

Khách hàng đến đòi tiền tại chi nhánh ngân hàng SCB tại địa chỉ 256 đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng hồi tháng 10 năm 2022

Nhưng ông cũng cho rằng, việc các công ty phát hành trái phiếu trả nợ trước hạn thì đối với nhà đầu tư là một điều tốt.

Thực tế, thị trường trái phiếu của Việt Nam đang rơi vào tình trạng đóng băng với lượng phát hành trái phiếu rất ít, một phần có thể do ảnh hưởng của vụ án Vạn Thịnh Phát.

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng 5/2023.

Chuyên gia cho rằng, vụ bê bối Vạn Thịnh Phát đã gây hiệu ứng "domino", tức vụ án này đã gây mất niềm tin trầm trọng đối với người dân, các nhà đầu tư, khiến họ không muốn bỏ tiền mua trái phiếu. Trước đây, phát hành trái phiếu có thể được xem là một giải pháp cho thị trường vốn của Việt Nam vì phần lớn vốn đến từ ngân hàng và tạo gánh nặng cho ngân hàng - ngân hàng là bà đỡ cho nền kinh tế.

Thị trường trái phiếu đóng băng dẫn đến sự thiếu hụt vốn, nhất là trong thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, cuối cùng ảnh hưởng đến ngân hàng.

So sánh với vụ việc Tân Hoàng Minh, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích rằng vụ việc xảy ra ở Vạn Thịnh Phát có tính chất phức tạp hơn vì tập đoàn này có móc nối với cả một hệ thống ngân hàng cùng hàng trăm công ty con và các công ty liên quan.

"Với Vạn Thịnh Phát, khả năng lấy lại tiền là có nhưng quan trọng vụ án sẽ kéo dài bao lâu và người bị lấy lại được bao nhiêu", ông Hiếu kết luận.

Nguồn : RFA, 16/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 104 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)