Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/11/2023

Sách cuối đời của Tổng Trọng, tiền phạt giao thông là của công an

RFA tổng hợp

Sách của ông Trọng & cuộc "đánh bóng" cuối đường đua !

RFA, 14/11/2023

Trong vòng chưa đầy một năm, có ít nhất ba cuốn sách của ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được báo chí trong nước viết bài ca ngợi, tung hô.

sach1

Cuốn sách "Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Courtesy qdnd.vn

Thời cơ và nguy cơ

Mới nhất hôm 14/11, tờ Quân đội Nhân dân đăng bài ca ngợi cuốn sách mới toanh của ông Nguyễn Phú Trọng có tựa đề "Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, truyền thông nhà nước cũng "ra sức" tuyên truyền hai cuốn sách của ông Tổng bí thư, có tựa đề "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" và "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Ở cuốn sách mới nhất, hơn 500 trang, với nội dung từ 40 bài viết, bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, được tờ Quân đội nhân dân nhận xét là "có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc".

Nói về tựa đề cuốn sách mới nhất của ông Trọng"Cả nước đồng lòng…", nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ thành phố Hồ Chí Minh, hôm 14/11 cho rằng :

"Đồng lòng là tôi thấy không có rồi đó. Bởi vì muốn đồng lòng, muốn làm một việc gì đó cho xã hội, thì bản thân mình và gia đình mình phải bình an, mạnh khỏe cái đã. Trong khi đó hiện nay, có thể nói thất nghiệp tràn lan, doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, thu hẹp sản xuất… đời sống rất khó khăn, chợ búa siêu thị ế ẩm… thân mình, gia đình mình lo còn không xong thì làm sao mà ‘đồng lòng’ được".

Thứ hai, cuốn sách của ông Trọng nói ‘tiếp tục tranh thủ mọi thời cơ’… thì với tư cách là một người dân đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng ông không thấy thời cơ, mà toàn thấy nguy cơ. Vị nhà báo này đưa ra dẫn chứng :

"Thực tế hiện nay bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, thiếu thiết bị thuốc men, thiếu máu. Ra ngoài đường thì tôi không biết tại sao từ năm ngoái đến nay tai nạn xe cộ rất nhiều và rất nặng nề. Thứ ba, cuốn sách viết ‘quyết tâm thực hiện nghị quyết của đảng’… thì với tư cách người dân thật sự tôi không quan tâm đến việc thực hiện thắng lợi hay thất bại".

Nói tóm lại, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề rất dài dòng, hoa mỹ, nhưng hoàn toàn sáo rỗng :

"Bởi vì như vậy tôi vừa trình bày, Đảng cộng sản Việt Nam không biết người dân chúng tôi đang sống như thế nào ? Đang cần những gì ? Đang rối ren và bất an ra sao ? Tôi nghĩ rằng với tư cách Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng, kể cả Bộ Chính trị và Chính phủ cần phải quan tâm rằng người dân đang sống như thế nào, đang bấp bên như thế nào, đang thoi thóp như thế nào… với hàng triệu người dân đang thất nghiệp. Đó là lời nói với tư cách một người dân, tôi muốn chuyển đến cho cấp cao nhất trong Đảng cộng sản Việt Nam".

Chỉ để ca ngợi và tuyên truyền

Cùng góp ý kiến về những cuốn sách của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 14/11, cho rằng, việc tuyên truyền sách ông Trọng là đặc điểm của các nước xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) cũ. Ông giải thích câu nói của mình :

"Cũ tức là trước khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã và mới tức là các nước được mệnh danh là xã hội chủ nghĩa bây giờ. Họ thống nhất cách tuyên truyền từ trước đến nay đều như vậy. Còn người dân thì đánh giá tất cả những hiệu quả lời lẽ đó bằng tác dụng thực tế. Nếu mà thất nghiệp nhiều, đời sống càng ngày càng khó khăn, thì những lời đó người ta chỉ ‘cười mỉm’ thôi, chứ sao mà ‘động lòng’ được ? Cho nên nói gì thì nói, chính sách của nhà nước có tác dụng thực tiễn, thì điều đó có hiệu quả hơn bất kỳ lời nói nào. Lời nói có hay, hay đẹp đến mấy, thì tính thực tiễn là người phản biện hùng hồn nhất, hơn bất kỳ một người nào phản biện bị nhà nước ‘chụp mũ’ cho là chống đối. Thực tiễn sẽ kiểm nghiệm các vị".

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, đang ở Đức, trong cùng ngày chia sẻ về vấn đề này cho rằng "Việc tuyên truyền như vậy là không còn phù hợp" :

"Hiện nay truyền thông mạng xã hội chiếm ưu thế hơn báo chí truyền thống. Khi Nhà nước Việt Nam muốn ca ngợi ông Trọng như một vị lãnh tụ số hai, sau ông Hồ Chí Minh, thì tôi cho rằng trong thời buổi này không phù hợp và cũng không tác dụng hiệu quả gì cả. Bởi vì đa phần người dân Việt Nam, đặc biệt những người trẻ tuổi rất là dễ dàng để vào các trang mạng xã hội tìm hiểu thực tại của đất nước, cũng như về cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng".

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài qua đó khẳng định, những cuốn sách tuyên truyền của ông Trọng chỉ tốn kém tiền thuế của người dân trong việc in sách rồi quảng bá sách trên các phương tiện truyền thông, cũng như khi "triển khai" (phát hành sách-PV) về các địa phương để giáo dục.

Hôm tháng 5/2023, khi góp ý về hai cuốn sách của ông Tổng bí thư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ –từ Na Uy từng cho rằng việc giới thiệu hai cuốn sách của ông tổng bí thư như là một cách đánh bóng hình ảnh về một vị lãnh tụ đảng cộng sản sắp từ giã chính trường, hơn là đưa ra những kinh nghiệm hay chia sẻ kiến thức hữu ích nhằm đóng góp vào kiến thức học thuật chính trị, hay cách điều hành quốc gia.

Nguồn : RFA, 14/11/2023

************************

Bộ Công an hưởng 85% số thu phạt vi phạm giao thông : Coi dân là con bò sữa ?

RFA, 14/11/2023

Theo nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương được Quốc hội thông qua chiều ngày 10 tháng 11 vừa qua, Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông năm 2022, 15% còn lại dành cho các địa phương để chi cho các lực lượng khác tại địa phương tham gia đảm bảo an toàn giao thông.

sach2

Một Cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông ở Hà Nội. AFP

Cổ vũ việc xử phạt ?

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 2.800.000 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Số tiền phạt thu được là hơn 4.100 tỷ đồng.

Nhà báo, nhà quan sát Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông với RFA sáng 14/11/2023 :

"Theo tôi biết, tất cả các nước phạt vi phạm giao thông rất nặng với mục đích tạo cho dân chúng ý thức hơn trong việc an toàn khi tham gia giao thông, chứ không nhằm mục đích tăng số thu. Và cảnh sát giao thông các nước cũng không có quyền thu tiền phạt trực tiếp như cảnh sát giao thông ở Việt Nam.

Và điều quan trọng là khi xem mức phạt như một loại doanh thu, tức là nhà cầm quyền họ coi những người thi hành công vụ - ở đây là cảnh sát giao thông - là những người bán sản phẩm. Doanh thu càng cao thì lương bổng cao theo. Khi Quốc hội đồng ý mức để lại cho Bộ Công an lên đến 85% tức là họ mặc nhiên cổ võ và khích lệ việc xử phạt như một loại doanh thu. Tôi gọi đây là một sự bệ rạc về chính trị.

Xây dựng ý thức của người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông để giảm tai nạn và các vi phạm khác phải là một quá trình rất dài. Nó đến từ văn hóa, từ giáo dục chứ không phải đến từ chuyện phạt. Đây là phép gọi là ngụy biện, lấy số lượng thay cho phẩm chất trong ý thức giao thông. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".

Tháng 10/2021, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Bộ này đề xuất tăng mức phạt tiền lên nhiều lần, thậm chí gấp 10 lần đối với một số hành vi vi phạm giao thông. Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, việc tăng mức phạt này góp phần nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời góp phần làm giảm các hành vi vi phạm trong lãnh vực giao thông.

Giải pháp hay cơ hội cho Cảnh sát giao thông ?

Góp ý kiến về việc Bộ Công an được hưởng 85% số thu phạt vi phạm giao thông, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ hôm 14/11 cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang vô hình chung biến người giao thông thành một con bò sữa mà công an sẽ tìm mọi cách vắt. Ông nói tiếp :

"Công an lúc này thay vì điều phối an toàn giao thông, góp ý và đề xuất với các ban ngành liên quan để tổ chức lưu thông an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm và an toàn giao thông, thì ngược lại họ sẽ cố tình gài một số điểm giao thông mù mờ để từ đó gài bẫy và bắt phạt người giao thông. Với luật này, giới lãnh đạo Bộ Công an sẽ ra chỉ tiêu rằng mỗi quý sẽ thu bao nhiêu từ xử phạt hành chính trong giao thông và giao xuống cấp dưới thực hiện chỉ tiêu đó.

Cấp dưới sẽ ráo riết thực hiện nhằm đạt được chỉ tiêu được giao. Chính vì lý do này mà chúng ta thấy vô số hình ảnh cảnh sát giao thông núp lùm và tìm mọi cách để phạt người giao thông, thay vì củng cố và cải tạo các biển báo, phân luồng để việc giao thông được thuận lợi và an toàn. Đúng ra, trách nhiệm của cảnh sát giao thông là đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông".

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, để đảm bảo đội ngũ cảnh sát giao thông tích cực làm việc thay vì chỉ nhận lương và phớt lờ, chính phủ phải ra chỉ tiêu cho Bộ Công an đảm bảo rằng số vụ tai nạn và vi phạm giao thông năm sau phải giảm bao nhiêu phần trăm so với năm trước, phải xử lý các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, các điểm hay tắc đường, v.v.

Ông kết luận : "Có như vậy, hệ thống giao thông của quốc gia mới ngày càng cải thiện, ít tai nạn giao thông, cảnh sát thay vì tìm cách phạt dân sẽ chuyển sang tìm cách giáo dục người dân cách lưu thông an toàn để ít tạo ra tai nạn".

Nhiều người cho rằng, giải pháp tăng mức phạt tiền không hoàn toàn là giải pháp làm giảm các hành vi vi phạm, mà có thể là cơ hội cho lực lượng cảnh sát giao thông ăn tiền của người tham gia giao thông nhiều hơn. Muốn giảm số vụ tai nạn và vi phạm giao thông thì nhà nước phải ban hành thêm luật để xử lý lực lượng chức năng vi phạm khi thực thi công vụ.

Trong khi đó, ngoài việc xử phạt người vi phạm giao thông hàng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông còn tiến hành những cuộc tổng kiểm soát, thu về hàng tỷ đồng. Theo nguồn từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần lễ ra quân đầu tiên tiến hành tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ trong phạm vi thành phố vào tháng 5/2020, lực lượng này xử lý gần 7.600 vụ vi phạm và thu gần 3,5 tỷ đồng tiền phạt.

Nói đến cảnh sát giao thông, vào tháng 10/2022, Bộ Công an Việt Nam đưa ra một đề xuất gây xôn xao dư luận, đó là cho lực lượng này mặc thường phục để sử dụng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm. Sau đó, lực lượng này báo cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu đến xử lý.

Đề xuất trên bị nhiều người phản đối với lý do, khi thực thi nhiệm vụ thì lực lượng chức năng phải có phù hiệu ; sắc phục đúng với chức năng của mình để người dân có thể giám sát được hành vi của họ.

Nguồn : RFA, 14/11/20223

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 197 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)