Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/06/2021

4/5 chức sắc đắc cử Đại biểu quốc hội Khóa XV là của Phật giáo

Thái Thanh

Năm đại biểu là chức sắc tôn giáo chỉ đại diện cho hai tôn giáo.

daibieu1

5 chức sắc tôn giáo trúng cử Đại biểu quốc hội khóa 15, từ trái qua : Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Hòa thượng Lý Minh Đức và Linh mục Nguyễn Văn Riễn. Ảnh : Quốc hội, Công giáo và dân tộc.

Ngày 10/6/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách trúng cử Đại biểu quốc hội khóa XV. Theo đó, có 5 chức sắc tôn giáo đã trúng cử.

Trong 5 chức sắc tôn giáo đắc cử Đại biểu quốc hội khóa XV có 4 đại diện của Phật giáo và 1 người của Công giáo. Năm chức sắc này đều là nam giới, và có đến 4 người trong số họ là đại biểu tái cử.

Số Đại biểu quốc hội là chức sắc tôn giáo khóa XV đã giảm hai người so với khóa XIV. Sự đa dạng tôn giáo cũng kém đi, không còn đại diện của đạo Cao Đài. Số đại biểu Phật giáo thì vẫn áp đảo.

8 ứng cử viên đều được giới thiệu

Có 7 tỉnh, thành có chức sắc tôn giáo ứng cử Đại biểu quốc hội khóa XV. Đó là Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Tây Ninh, Sóc Trăng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chức sắc tôn giáo ứng cử Đại biểu quốc hội không có gì là lạ. Tuy nhiên, ứng cử viên là chức sắc năm nay giảm sút cả về số lượng và thành phần.

Khóa XIV có đến 10 chức sắc ứng cử Đại biểu quốc hội, bao gồm : 7 đại diện Phật giáo, 2 đại diện Công giáo, 1 đại diện của Cao Đài.

Khóa XV lần này chỉ có 8 ứng cử viên là chức sắc tôn giáo, trong đó Phật giáo chiếm đến 6 người, Công giáo và Cao Đài mỗi đạo chỉ có 1 đại diện.

Cũng như mọi năm, cả 8 chức sắc ứng cử khóa này đều là người được đề cử.

Theo kết quả cuối cùng, Ni sư Thích Nữ Tín Liên, Đại đức Thích Minh Tuấn và Phối sư Ngọc Hồng Thanh (Cao Đài) đã không trúng cử.

Năm người trúng cử là Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (cả hai đều tái cử lần thứ ba liên tiếp), Hòa thượng Lý Minh Đức, Linh mục Nguyễn Văn Riễn (hai người này tái cử lần hai liên tiếp), và Thượng tọa Thích Đức Thiện. Ông Thiện là người lần đầu trúng cử Đại biểu quốc hội.

daibieu2

Biểu đồ minh họa số lượng chức sắc tôn giáo là Đại biểu quốc hội các khóa. Thiết kế : Luật Khoa.

Đông tín đồ hơn, ít đại diện hơn : Tiêu chí nào để chọn chức sắc tham gia Quốc hội ?

Việt Nam có đến 16 tôn giáo đã được nhà nước công nhận, nhưng chỉ có 5 tôn giáo đông tín đồ nhất từng có chức sắc là Đại biểu quốc hội. Đó là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài (theo thứ tự số lượng tín đồ từ nguồn Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019).

Cả 8 chức sắc ứng cử khóa này đều được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đề cử. Tuy nhiên, tiếp tục có một sự chênh lệch đáng kể về thành phần trong khóa lần này : 6/8 ứng cử viên đều thuộc Phật giáo.

Đây là lần thứ tư liên tiếp (kể từ Quốc hội khóa XII) Phật giáo có số lượng chức sắc là Đại biểu quốc hội nhiều hơn Công giáo. Trong khi đó, theo thống kê năm 2019, Công giáo có nhiều hơn Phật giáo 1,25 triệu tín đồ.

Cũng theo số liệu năm 2019, Hồi giáo, Chăm Bà-La-Môn và Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là ba tôn giáo có số lượng tín đồ đông tiếp theo (từ 30 nghìn đến 70 nghìn tín đồ), nhưng họ chưa từng có đại diện trong Quốc hội.

Số lượng tín đồ có vẻ là tiêu chí đáng xem xét nhất khi cơ cấu thành phần chức sắc tham gia Quốc hội, nhưng trong ba khóa Quốc hội gần đây, có vẻ tiêu chí này đã không được cân nhắc.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết : ba lần đắc cử và lợi thế khi tranh cử cùng tu sĩ Phật giáo cấp dưới

Trong 7 tỉnh, thành có chức sắc ứng cử Đại biểu quốc hội, đáng chú ý nhất là tỉnh Quảng Ninh.

Ở tỉnh Quảng Ninh, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, 59 tuổi, đã đắc cử lần thứ ba liên tiếp. Trong hai kỳ bầu cử gần nhất, ông đều tranh cử với các tu sĩ Phật giáo có chức vị và tuổi đời thấp hơn ông.

daibieu3

Thượng tọa Thích Thanh Quyết. Ảnh : Báo Quốc hội.

Năm 2016, đơn vị bầu cử của ông có bốn người ứng cử thì trong đó đã có hai tu sĩ Phật giáo. Trong đó, có một người là ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thị xã Quảng Yên, người còn lại là phó trưởng ban Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tiên Yên. Hai người này kém ông lần lượt 17 tuổi và 25 tuổi.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết lúc ấy là Thượng tọa, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Người ứng cử còn lại là bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Năm 2021, Hòa thượng Thích Thanh Quyết tranh cử cùng Đại đức Thích Minh Tuấn, kém ông 24 tuổi, ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Những chức sắc còn lại trong danh sách ứng cử viên là ai ?

Ở tỉnh Tây Ninh, Phối sư Ngọc Hồng Thanh (đạo Cao Đài) đã tranh cử trong một danh sách khá khó khăn. Ông tranh cử cùng luật sư, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam Trần Hữu Hậu ; Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến. Phối sư Hồng Thanh không trúng cử.

daibieu4

Phối sư Ngọc Hồng Thanh trình bày chương trình hành động với cử tri vào ngày 5/5/2021. Ảnh : Báo Tây Ninh.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ni sư Thích Nữ Tín Liên, chức sắc nữ duy nhất trong các ứng cử viên đã không thể tái cử. Bà tranh cử với các ứng viên vượt trội hơn mình về chức vụ. Cụ thể, bà tranh cử cùng Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Quản lý An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Phạm Khánh Phong Lan, Bí thư Thành Đoàn Phạm Thị Thanh Phương. Đây cũng là ba người đã trúng cử trong 5 ứng cử viên.

Ở tỉnh Điện Biên, Thượng tọa Thích Đức Thiện tranh cử lần đầu cùng hai nông dân và một cán bộ không chuyên cấp xã. Ông đã trúng cử.

daibieu5

Thượng tọa Thích Đức Thiện. Ảnh : Tạp chí Mặt trận.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – người tái cử lần thứ ba – cũng tranh cử trong một danh sách dễ thở. Cùng đơn vị bầu cử với ông có phó hiệu trưởng của một trường mầm non và nhân viên Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội. Hai người này bị loại. Hòa thượng Bảo Nghiêm trúng cử cùng Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai.

Linh mục Nguyễn Văn Riễn tranh cử tại Bình Dương cùng một thượng tướng, một phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, một vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, và một người là giám đốc Viện Phát triển Ứng dụng của trường Đại học Thủ Dầu Một. Cuối cùng, vị phó giám đốc Sở Xây dựng và giám đốc Viện Phát triển Ứng dụng không nằm trong danh sách trúng cử.

Thượng tọa Lý Minh Đức, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã tái cử với 72% số phiếu bầu trong một đơn vị bầu cử tại tỉnh Sóc Trăng. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi khi một ứng cử viên do trung ương giới thiệu – ông Phạm Mạnh Khởi, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan Ban Tổ chức Trung ương – đã không trúng cử. 

Thái Thanh

Nguồn : Luật Khoa, 24/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thái Thanh
Read 716 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)