Khi bị bắt vào năm 2017, cựu Đại biểu quốc hội/doanh nhân lớn Châu Thị Thu Nga khai đã chi khoảng 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỷ đồng) để chạy chân Đại biểu quốc hội khóa 13.
Bà Nga (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group, nguyên Đại biểu quốc hội khóa 13, thuộc đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội) bị tòa án hai cấp sơ và phúc thẩm tuyên án chung thân vào năm 2018 cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, từ tận năm 2008, bà Nga đã xây dựng bộ máy kinh doanh nhà đất nhằm mục đích lừa đảo khách hàng, đưa thông tin ảo, lập mô hình dự án chung cư đặt tại trụ sở công ty, thi công cọc khoan nhồi tại dự án, sau đó thu tiền khách hàng đặt mua trước căn hộ trong khi dự án chưa được cấp phép.
Bản án phúc thẩm nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với hơn 700 khách hàng bị lừa nộp gần 400 tỷ đồng để mua căn hộ "ma".
Bà Nga chỉ trả lại cho khách hàng được gần 30 tỷ, còn lại hơn 300 tỷ đã tiêu xài hết.
Báo chí Việt Nam mô tả bà Nga là một nữ đại gia, nổi lên nhờ cơn sốt đất những năm 2006-2010. Sinh năm 1965 tại Thừa Thiên-Huế, với trình độ chuyên môn là Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, bà Nga bước vào thương trường với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, sau đó tiến sang đầu tư, phát triển bất động sản.
Trong khoảng thời gian 2004 - 2011, bà Nga là đại biểu Hội đồng nhân dân phường, sau đó tiếp tục tham gia đại biểu dân cử ở cấp quận. Từ 2011, bà trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 13.
"Con đường chính trị của bà đã song hành với việc mở rộng của công ty"-báo mạng điện tử Nhadautu viết.
Tờ báo này viết rõ : "Sau khi trúng cử đại biểu quốc hội, cái tên Châu Thị Thu Nga nổi lên như cồn khi người ta thấy bà tham gia vào hàng loạt các chức vị như Phó Trưởng ban điều hành Mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam khu vực khu vực miền Bắc- Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng ; Chủ tịch Câu lạc bộ Vườn ươm doanh nhân - Hội Liên hiệp thanh niên Thành phố Hà Nội ; Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất ; Ủy viên Ban Thường trực nhóm nữ đại biểu quốc hội Việt Nam… Bà Nga còn là đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ngay sau khi bà Nga trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, doanh nghiệp của bà liên tục công bố việc đầu tư vào hàng chục dự án tại thủ đô, từ loại dành cho người có thu nhập trung bình đến cao cấp, văn phòng cho thuê, biệt thự nhà vườn, nhà liền kề...
Ngoài Hà Nội, công ty của bà Nga còn đầu tư các dự án tại các tỉnh, thành".
Bà Châu Thị Nga ra tòa ở Hà Nội năm 2018. Hình : VietNamNet
Tình tiết "chạy Đại biểu Quốc hội" hết 30 tỷ rất thú vị.
Theo báo mạng Công an Thành phố Hồ Chí Minh (congan.com.vn), trong hồ sơ tại công an có đến bônz bút lục lời khai của bà Nga về việc chi 1,5 triệu USD để "chạy" Đại biểu quốc hội khóa 13. Bà Nga khai số tiền này đưa cho ông Nguyễn Công Cường, một doanh nhân kinh doanh vàng bạc có quan hệ rộng để nhờ "chạy".
Tại phiên tòa, cả hai lần bà Nga và luật sư muốn nói về lời khai này đều bị hội đồng xét xử quyết liệt ngăn lại trước khi bà kịp nói bất cứ từ nào.
Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ lời khai này, giải tỏa nghi ngờ "ém nhẹm" của người theo dõi phiên tòa.
Thế nhưng hành động tiếp theo của chính bà Châu Thị Thu Nga lại khiến cho người theo dõi bất ngờ. Bà viết một tờ tường trình kêu oan dài 94 trang giấy, trong đó phủ nhận chính lời khai "chạy Đại biểu quốc hội" của mình lúc trước.
Do bị xúc phạm, ức chế và do thời điểm làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, bản thân rất mệt mỏi, tinh thần không được ổn định đồng thời kèm theo ức chế về công việc nên đã khai như vậy-bà Nga viết trong đơn.
Bà Nga khẳng định thực tế việc bà được bầu là Đại biểu quốc hội khóa 13 và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội là do cử tri tín nhiệm lựa chọn.
Sự thực thế nào, chỉ (nhiều) người trong cuộc mới rõ. Nhưng diễn biến bất ngờ của nó không dập đi được hoài nghi của dư luận mà chỉ khiến họ khẳng định hơn. Việc "chạy" Đại biểu quốc hội nếu có, là một bất lợi rất lớn cho bà Nga vì nó gian dối, phạm pháp. Vậy tại sao trong quá trình điều tra bà Nga vẫn giữ lời khai này từ đầu và rất kiên định khai đến 4 bút lục ? Liên quan giữa tình tiết này với vụ án chiếm đoạt tài sản như thế nào mà cho đến tận khi ra trước phiên tòa, bà Nga vẫn rất cương quyết muốn nói rõ về nó ?
Rất nhiều khách hàng mua căn hộ ma của bà Nga là người về hưu, gom góp cả đời được ít tiền dồn hết vào đặt cọc căn nhà mới. Trả lời báo chí, nhiều người nói do tin tưởng vị nữ Đại biểu quốc hội có các chức vị rất to, rất quan trọng nên không ngần ngại gì cả. Niềm tin lớn đến nỗi có những người nộp gần cả tỷ đồng xong, suốt mấy năm trời vẫn yên tâm chờ đợi, thậm chí không một lần đến hiện trường dự án xem xét.
Vì trong ý thức của phần đông người dân (nhất là người Bắc), Đại biểu quốc hội là những người thành đạt giỏi giang, có chức vụ quan trọng, ý thức chính trị vững vàng, đã được (nhà nước) chọn lọc qua nhiều cấp nên không thể là người lừa đảo được.
Ngay cả cựu Phó tổng giám đốc Housing Group của bà Nga-ông Đinh Phúc Tiếu, từng là giảng viên khoa kế toán của một trường đại học, bị cáo buộc vai trò đồng phạm trong vụ án lừa bán nhà "ma", cũng nói trong phiên tòa rằng ông quá tin tưởng bà Nga là Đại biểu quốc hội nên mới để xảy ra sự việc.
Nhưng tôi không ngạc nhiên về sự ngạc nhiên của ông Nguyễn Hạnh Phúc.
Trả lời báo chí bấy giờ, ông Phúc-Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội rất sửng sốt : "Chạy một khoản tiền lớn thế Quốc hội làm gì, giải quyết được vấn đề gì ? Nếu có thì đó là chuyện tày trời. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội. Giờ mời làm Đại biểu quốc hội chuyên trách người ta còn không muốn tham gia, vậy một cá nhân muốn vào Quốc hội để làm gì, có lợi lộc gì không ?"
Thật nếu tôi là ông Phúc, khéo tôi còn tỏ vẻ ngỡ ngàng, ngơ ngác, ngã ngửa ra ấy chứ ! Thân đang giữ chức vụ quan trọng của Quốc hội, ông Phúc chả thể bộc lộ thái độ nào khác cả.
Nhưng hỏi bất cứ một thường dân nào rằng doanh nhân vào Quốc hội có lợi lộc gì không thì có ngay câu trả lời. Trong xã hội "nhất thế nhì tiền" và các nhóm lợi ích chằng chịt giữa doanh nghiệp và quan chức, nếu doanh nhân chỉ chăm chăm kinh doanh thuần túy thì rất dễ dàng bị chèn ép và gây khó khăn. Thậm chí nếu ăn nên làm ra thì có khi không thể tiếp tục kinh doanh mà phải chắp tay nhường lại cho người khác, hoặc bị cắt phế đến mức gần như đi làm công cho thằng khác hưởng.
Nhưng nếu có chỗ dựa là nhân vật chính trị thì lại khác. Không những doanh nghiệp không sợ bị cạnh tranh đểu mà còn được biết trước được những thông tin kinh doanh có giá trị bằng vàng, được dành cho những ưu ái về chính sách về vốn và thuế phí v.v, được nâng đỡ và bao bọc. Thậm chí nếu doanh nghiệp đủ lớn còn có thể tác động vào chính sách để tạo ra những điều kiện riêng hết sức thuận lợi cho mình.
Tất cả những đại án suốt thời gian qua là bằng chứng dễ thấy nhất cho sự cấu kết hoặc cộng sinh bắt buộc giữa doanh nghiệp và quan chức.
Vụ án chuyến bay giải cứu vừa qua, doanh nhân Đào Minh Dương, Giám đốc công ty Vijasun đã khai bị Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế thường xuyên gọi điện nhắn tin để ép xì tiền. Kiên còn nói thẳng : "Phải chi tiền thì mới được đóng dấu" (cấp phép tổ chức chuyến bay) !
Thế nên cách tốt nhất là ngoài việc tham gia vào đường dây của ông anh bà chị nào đó thì tự mình cũng phải phấn đấu lên để làm một chỗ dựa chính trị cho chính doanh nghiệp của mình.
Với dân thường Việt Nam, chân lý này rất dễ hiểu và có giá trị trường tồn.
Mà chạy Đại biểu quốc hội (nếu có) thì vẫn dễ, rẻ và an toàn hơn chạy một vị trí quan chức cùng cỡ.
Hãy xem cơ cấu Đại biểu quốc hội khóa 15, có nhiệm kỳ 2021-2026.
Có tổng cộng 499 người trúng cử Đại biểu quốc hội, trong đó tổng cộng 495 đại biểu làm việc ở các cơ quan tổ chức ở Trung ương và địa phương. Chỉ có 14 đại biểu là ngoài Đảng.
Mà nguyên tắc thì đảng viên phải chấp hành quyết định của Đảng. Nghĩa là ngoài 14 người chân trắng có thể phát ngôn theo ý chí cá nhân ra thì tất tật 485/499 đại biểu còn lại phải phát ngôn và bấm nút biểu quyết theo quyết định của Đảng.
Nói cách khác, Quốc hội chỉ là một bản sao có thêm vài đường tô màu của bộ máy Đảng hay chính quyền. Trong một giới hạn được cho phép, đại biểu có thể sảng khoái phê phán và đề nghị các cái thật thẳng thắn để người dân nghe xong cứ sướng ngất vì khoan khoái. Tác dụng của việc mị dân này tốt lắm. Nhưng khi thực sự phải biểu quyết, thách kẹo thì tuyệt đại đa số những ông nghị bà nghị đang là đảng viên, cán bộ, lãnh đạo kia cũng không dám chạy trật ra khỏi vòng kim cô.
Một Quốc hội như thế thì chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Cũng những con người ấy diễn ở các sân khấu khác nhau mà thôi.
Cho nên muốn khỏi đau tim vì tức, thành thật khuyên người dân khi xem họp Quốc hội thì nhớ nhắc mình như đang xem show thôi.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 27/11/2023
Tham khảo :
https://nhadautu.vn/nhung-nu-doanh-nhan-tung-la-dai-bieu-quoc-hoi-ve-dau-sau-cuoc-be-dau-d3451.html
https://vnexpress.net/xet-xu-phuc-tham-cuu-dai-bieu-quoc-hoi-chau-thi-thu-nga-3734376.htmlhttps://vnexpress.net/cuu-dai-bieu-thu-nga-thua-nhan-co-sai-pham-khi-ban-hang-tram-can-ho-3734865.html
https://vnexpress.net/vo-mong-vi-tin-du-an-cua-cuu-dai-bieu-quoc-hoi-3733231.html
https://vnexpress.net/ong-nguyen-hanh-phuc-khong-tin-co-chuyen-chay-tien-vao-quoc-hoi-3465039.html
https://tienphong.vn/chi-tiet-14-nguoi-ngoai-dang-trung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-post1345206.tpo
Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
Trong chế độ một đảng Việt Nam, quyền lực thực sự tập trung ở Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chứ không phải Quốc hội. Mặc dù hàng nghìn tỷ đồng đã được chi ra cho cuộc bầu cử mỗi năm năm một lần theo sau Đại hội Đảng, ai cũng hiểu Quốc hội chỉ đóng vai trò hợp thức hóa quyền lãnh đạo của Đảng, khoác vỏ bọc dân chủ cho nền đảng trị.
Vị thế Đại biểu quốc hội có thể cho họ cơ hội cất lên và lan tỏa tiếng nói về những điều tốt đẹp hơn cho đất nước. Ảnh minh họa Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
Trong một Quốc hội như vậy, Đảng cần một số đại biểu hoạt ngôn, thường xuyên xuất hiện trên truyền thông phát biểu một số điều phù hợp ý nguyện dân chúng. Những đại biểu này có thể là đảng viên hoặc không, nhưng chỉ chiếm thiểu số tuyệt đối trong Quốc hội để lá phiếu của họ hoàn toàn không có trọng lượng.
Vì không có bầu cử công bằng, tự do để các ý nguyện của công chúng được biểu đạt, Đảng rất quan tâm đến việc thăm dò dư luận và thực tế đã làm điều này bằng nhiều cách khác nhau, kể cả các công cụ kỹ thuật số. Cho phép một vài Đại biểu quốc hội phát biểu về các vấn đề nóng bỏng của đất nước cũng là một cách để Đảng đo lường dư luận nhằm ứng phó với những phẫn uất xã hội tiềm ẩn.
Những nhiệm kỳ trước công chúng đã rất quen thuộc với Đại biểu Dương Trung Quốc - một người ngoài Đảng, hoặc gần đây hơn là Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng. Hình ảnh của họ tràn ngập các bản tin báo chí và các phát ngôn của họ cũng xuất hiện khắp nơi. Trong cơ chế "Đảng cử dân bầu" ở Việt Nam, dù trong đảng hay ngoài đảng, các đại biểu này cũng đều là người được Đảng chọn.
Có còn hơn không
Không nên đơn giản hóa rằng các đại biểu này đơn thuần chỉ đang thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó. Dù rằng Đảng rất muốn thông qua các đại biểu này để thuyết phục người dân tin rằng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và đã được bầu lên một cách dân chủ, tuy nhiên, chẳng ai ở Việt Nam, kể cả các vị đại biểu này nghĩ như vậy cả.
Các vị này hiểu hệ thống không kém bất kỳ ai, và có thể từng thực lòng tin rằng cải sửa hệ thống từ bên trong là cách thức khả thi nhất trong bối cảnh chính trị Việt Nam. Vị thế Đại biểu quốc hội có thể cho họ cơ hội cất lên và lan tỏa tiếng nói về những điều tốt đẹp hơn cho đất nước.
Ông Lưu Bình Nhưỡng có thể là một người như vậy. Là một đảng viên, thật khó đòi hỏi ở ông phải lên tiếng về tự do, dân chủ hay chuyển đổi chính trị. Ngay cả những chủ đề ít nhạy cảm hơn nhưng vẫn là cấm kỵ trong Đảng như tam quyền phân lập hoặc xã hội dân sự, ông Nhưỡng thừa hiểu ông sẽ bị hệ thống loại bỏ ngay lập tức sau khi lên tiếng.
Mà cũng có thể ông ấy có một cách tiếp cận khác. Như một số người cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu vào đêm trước thời khắc chuyển đổi cũng chẳng hề mong muốn đa nguyên đa đảng. Điều họ muốn đôi khi vẫn là chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng mang khuôn mặt con người hơn.
Thông điệp phía sau
Không phải ngẫu nhiên mà ông Nhưỡng thu hút được một sự ủng hộ đông đảo của công chúng. Ông đã thực hiện vai trò Đại biểu quốc hội một cách thật nổi bật so với những đồng nghiệp của mình.
Ông có những phát ngôn dậy sóng nghị trường về những vấn đề được dư luận quan tâm. Ông tiếp đón gia đình các tử tù bị cho là oan sai trong những vụ việc mà báo chí nhà nước hiện cũng ngần ngại đưa tin. Ông cũng không ngần ngại phê phán tệ nạn tham nhũng của công an lẫn thực trạng thiếu độc lập tư pháp, nghĩa là đụng chạm đến những thế lực mạnh nhất trong guồng máy chính trị Việt Nam.
Bởi vậy, việc bắt giữ một cách bất ngờ Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng gửi đi nhiều thông điệp thật đáng chú ý :
Đầu tiên, có vẻ Đảng đang lo ngại quá mức về an ninh chế độ tới nỗi trở nên nhạy cảm với bất kỳ lời kêu gọi cải tổ nào, dù từ bên ngoài hay bên trong hệ thống. Nhìn qua lăng kính an ninh, bất kỳ cá nhân nào thu hút sự ủng hộ của công chúng trong địa hạt chính trị đều có thể trở thành một mối đe dọa trong tương lai, bởi vậy cần bị tiêu diệt sớm để trừ hậu họa.
Tiếp đến, nhu cầu tô vẽ bộ mặt dân chủ cho chế độ không còn quan trọng bằng nhu cầu an ninh. Bất kỳ ai tin rằng có thể tham gia để cải sửa những khiếm khuyết của hệ thống chính trị Việt Nam từ bên trong cần phải cẩn trọng hơn cho an toàn của bản thân họ. Các chế độ độc đảng như Việt Nam, Trung Quốc luôn nói về lằn ranh đỏ không ai được phép bước qua nhưng hiếm khi vẽ lằn ranh đó một cách rõ ràng.
Cuối cùng, công cuộc "rèn dân, chỉnh đảng" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lĩnh xướng nhiều năm qua đang vô tình hay hữu ý ban cấp quyền lực khổng lồ cho khối "nội chính-công an-tư pháp" đến mức tới đây có thể vượt khỏi mọi kiểm soát chính trị. Hệ quả nhãn tiền là bất kỳ phê phán nào nhắm vào khối này sẽ bị trừng phạt nặng nề, trong khi về lâu dài thì xu hướng dịch chuyển quyền lực này sẽ còn định hình chính trị nội địa Việt Nam trong những năm tới đây, ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng không còn tại vị.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 23/11/2023
Tờ Tuổi Trẻ vừa kể chuyện Garmex Sài Gòn – doanh nghiệp lâu đời, nổi tiếng trong lĩnh vực dệt may, cổ phiếu đã được đưa ra giao dịch từ 2006. Theo đó, quý rồi (quý 3/2023), doanh thu hợp nhất của Garmex Sài Gòn chỉ có 73 triệu đồng. Khoản thu khiêm tốn đến mức đáng ngại này không phải nhờ sản xuất – sản phẩm mà là từ dịch vụ. Garmex thua lỗ suốt năm quý vì không có đơn đặt hàng. Cuối năm 2021, nhân sự của Garmex Sài Gòn là hơn 3.700 người nhưng tới cuối tháng vừa rồi, nhân sự chỉ còn 37 người (1).
Ngày 30/9/2023, số lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn còn 37 người
Garmex Sài Gòn không phải là trường hợp cá biệt. Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp dệt may. Tháng trước, tờ Tuổi Trẻ từng đề cập đến việc ngoài chuyện thiếu đơn đặt hàng, những doanh nghiệp này còn bị đe dọa vì thiếu công nhân. Thiếu việc, thu nhập giảm, chỉ làm việc cầm chừng không đủ tiền trang trải các nhu cầu thiết yếu nên công nhân bỏ việc hàng loạt (2). Vì thiếu nhân lực, doanh nghiệp không thể hoàn tất các đơn đặt hàng vốn rất hiếm hoi, cả doanh nhân lẫn công nhân cùng hấp hối.
Con số doanh nghiệp phá sản, tạm ngưng hoạt động vẫn tăng không ngừng. Chẳng riêng những doanh nghiệp sản xuất như Garmex Sài Gòn ngắc ngoải, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng điêu đứng. Trong khi thất nghiệp tràn lan, tất cả các giới đều tuyệt vọng về tương lai, không những không đề ra được giải pháp nào để giúp dân chúng nói chung và doanh giới nói riêng sinh tồn, chính phủ còn liên tục dùng các chỉ số để báo công đã thúc đẩy tăng trưởng ! Quốc hội – cơ quan giám sát cũng vậy !
Thay vì thảo luận để xác định nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội càng ngày càng bi đát, tìm kiếm giải pháp cải thiện tình hình, quốc hội tiếp tục dành thời gian để xem nên đặt tên cho loại giấy tờ tùy thân, giúp nhận dạng từng cá nhân là "căn cước công dân" hay "căn cước" (3). Thay vì xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Công an, trực tiếp xử lý ông Tô Lâm bằng phiếu bãi nhiệm hay yêu cầu Thủ tướng xử lý nhân vật từng nằng nặc đòi thông qua "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" – thường được gọi tắt là "Đề án 06" (4), từng tuyên bố việc cấp phát căn cước công dân là "mệnh lệnh chiến đấu và kỷ luật công tác" (5), nhiều Đại biểu quốc hội lại nhất trí với yêu cầu mới của ông Tô Lâm... sửa Luật căn cước công dân thành Luật Căn cước, bất chấp sự thật hiển nhiên rằng : Điều đó tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước – trong tám năm buộc công dân phải đổi giấy tờ tùy thân ba lần (6).
***
Các Đại biểu quốc hội khóa này đổ về Hà Nội tham dự Kỳ họp thứ sáu sau khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố "Kết quả khảo sát về đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023" với nhiều số liệu mà bất kỳ ai có lương tri cũng choáng váng : Thu nhập của 75,5% người lao động không đủ sống và điều này buộc 53,7% phải cân nhắc về việc kết hôn, 72% phải cân nhắc về việc sinh con. Chỉ 37% đủ khả năng bảo đảm 100% nhu cầu học hành của con cái.
Tỉ lệ người lao động có thể ăn thịt, cá mỗi ngày chỉ là 26,2%. Có tới 10,3% cho biết với thu nhập hiện tại, họ chỉ có thể ăn thịt, cá trong bữa ăn với gia đình một lần/tuần. Chỉ có 40% đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản khi đau bệnh. 6,3% cho biết thu nhập hiện tại đủ để khám bệnh, mua thuốc, chữa bệnh và 6,5% cho biết không làm gì cả và để bệnh tự khỏi. Thu nhập không đủ sống nên 17,3% thường xuyên vay nợ, 45,2% người vay nợ lo lắng, bất an và hơn 3% thường xuyên bị dọa dẫm, khủng bố vì nợ nần.
Các Đại biểu quốc hội khóa này bắt đầu thảo luận về việc phân nhóm số điện thoại để xác định đúng giá trị tiềm năng của Sim số đẹp tới đây để tổ chức đấu giá
Bà Phạm Thị Thu Lan – Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn, một trong những nơi thực hiện cuộc khảo sát vừa đề cập, kể với báo giới : Rất nhiều người lao động bày tỏ mong muốn được làm nhiều giờ hơn. Thật đáng buồn khi nghe người lao động cho biết sau nhiều năm làm việc họ vẫn không thể tích lũy nên phải tìm việc làm thêm. Một đất nước có thu nhập trung bình mà người lao động vẫn phải sống như vậy thì theo chúng tôi đó là sự tồn tại hơn là cuộc sống có chất lượng (7).
"Kết quả khảo sát về đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023" chỉ cung cấp các số liệu cụ thể về thực trạng mà ai cũng biết và trong vài năm gần đây, mức độ tệ hại càng ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên các Đại biểu quốc hội - những cá nhân tự nhận là những người đại diện cho "ý chí, nguyện vọng của toàn dân" hoàn toàn không bận tâm. Năm trước, sau khi dành rất nhiều thời gian để bàn bạc, các Đại biểu quốc hội khóa này ra "Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô" (Nghị quyết 73/2022/QH15) ! Thừa thắng xông lên, năm nay, các Đại biểu quốc hội khóa này bắt đầu thảo luận về việc phân nhóm số điện thoại để xác định đúng giá trị tiềm năng của "số điện thoại đẹp" và tổ chức đấu giá "số điện thoại đẹp", tăng thu ngân sách (8) ! Đây là bất trí hay vô tri ? Rất khó xác định ! Có người phỏng đoán, có thể vì thấy dân chúng như vậy, doanh giới như vậy, lại hoang mang vì không biết giải quyết "quốc kế, dân sinh" thế nào nên các Đại biểu quốc hội nhắm vào "số đẹp" để cuốc. Chẳng may phỏng đoán đó đúng, hết "số đẹp" các Đại biểu quốc hội sẽ nhắm vào gì để cuốc ?
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA,28/10/2023
Tham khảo
(2) https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-det-may-thieu-don-hang-thieu-ca-lao-dong-20230921151257208.htm
(3) https://plo.vn/quoc-hoi-tranh-luan-soi-noi-doi-ten-cccd-thanh-the-can-cuoc-post758315.html
(6) https://thanhnien.vn/8-nam-ma-3-lan-doi-the-can-cuoc-gay-du-luan-khong-tot-185230622172238794.htm
(7) https://vneconomy.vn/hon-11-cong-nhan-co-muc-luong-khong-du-song.htm
Với quyền lập pháp, Quốc hội phải chủ động đưa ra việc tu chỉnh về Luật thuế thu nhập cá nhân, thay vì đẩy trách nhiệm sang Chính phủ.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, sớm báo cáo lộ trình cải cách tiền lương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan tiếp tục triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Với quyền lập pháp, Quốc hội phải chủ động đưa ra việc tu chỉnh về Luật thuế thu nhập cá nhân, thay vì đẩy trách nhiệm sang Chính phủ.
Trong một văn bản của Bộ Tài chính gửi trả lời cử tri tỉnh Bình Định, cho biết, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020.
"Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân" – trích văn bản trả lời cử tri Bình Định của Bộ Tài chính.
Như vậy, nếu như Quốc hội từng hiểu rất rõ về "kỹ thuật xử lý lập pháp" về điều chỉnh chiết trừ gia cảnh trong chuyện thuế thu nhập cá nhân, vậy thì vì sao lại chấp nhận dừng lại ở Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, trong khi Luật tổ chức Quốc hội, tại Điều 1.2 ghi rất rõ : "Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".
Vẫn theo Luật tổ chức Quốc hội, tại "Điều 5. Làm luật và sửa đổi luật", cho biết cụ thể như sau :
"1. Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Các dự án luật trước khi trình Quốc hội phải được Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
3. Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội căn cứ vào nội dung của dự án luật".
Ở đây, khi đề cập đến Luật tổ chức Quốc hội, người viết muốn nhắc đến nhiệm vụ của đại biểu Nguyễn Phú Trọng trong các vấn đề lập pháp mà trong luật gọi là "quyền sáng kiến lập pháp". Theo đó, ở "Điều 29. Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh", cho biết:
"1. Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.
2. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật".
Tin rằng một khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chọn sử dụng quyền lực trên của một dân biểu, thay cho quyền tối thượng của Tổng bí thư, sẽ thuyết phục quốc dân hơn về khả năng kinh bang tế thế của một người đứng đầu đảng chính trị ở Việt Nam.
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 03/07/2023
Đại biểu Quốc hội nên cân nhắc "biểu quyết thông qua" dự thảo Nghị định được cảnh báo sẽ thất bại
Dự thảo Nghị định về "thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá" được trình lên Quốc hội khóa 15 tại Kỳ họp thứ tư đang diễn ra tại Hà Nội. Từ đầu tháng 11/2022 đã có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu quốc hội, nhưng đến ngày 7/11/2022, dưới sự điều hành của ông Phó chủ tịch Quốc hội, Đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục tranh luận tại hội trường : "Giá khởi điểm thế nào là hợp lý ?" Ngày 11/11 ông Tổng thư ký Quốc hội đã báo cáo tổng hợp ý kiến, theo đó có 121 đại biểu nhất trí ban hành Nghị quyết, nhưng một số ý kiến cho rằng cần làm rõ "biển số đẹp là gì", cần có danh mục "biển số độc, lạ"… Dự kiến chiều 15/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
AFP
Quốc hội thảo luận về một loại chính sách mà các chuyên gia đang cảnh báo về sự thất bại của nó. Lý do đề xuất dự thảo Nghị định này là việc đấu giá ‘biển số xe đẹp’ được Cục Cảnh sát Giao thông đề xuất từ năm 1993 nhưng bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Một vài địa phương cấp tỉnh "vượt rào" tổ chức đấu giá đã thu về hàng tỷ đồng để "hỗ trợ người nghèo" nhưng đã bị "tuýt còi" bởi "không có căn cứ pháp lý triển khai". Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn)…
Sự thất bại của nghị quyết được cảnh báo bởi các căn cứ chủ yếu dưới đây :
Một là, biển số "đẹp" là một cảm quan, cách hiểu lệch lạc chịu ảnh hưởng bởi tàn dư văn hóa lạc hậu.
Giáo sư Trần Ngọc Vương viết trên Facebook của mình là "một loại sản phẩm do mê tín, dị đoan mà có". Từ một tấm biển bằng kim loại với các ký tự và con số để phân biệt các phương tiện cơ giới khác nhau nhằm mục đích quản lý nhà nước, nhưng một số biển số với sự sắp xếp của các con số theo ‘quy luật’ nào đó như dãy số "tiến" hay các con số 6, 8 hay 9 được cho là "đẹp". Chúng đã được các cơ quan chức năng "cấp" cho những chiếc xe ô tô của các lãnh đạo cao cấp hay của các "đại gia" và con cháu họ, "giới có quyền và có tiền". Như vậy, chính quyền đã cố tình tiếp tay "tâm linh hoá" cho các biển số "đẹp" này. Lưu ý rằng hiện tượng này đã diễn ra phổ biến và "cộng hưởng" trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trong xã hội và về thể chế, đặc biệt trong thập kỷ bất ổn từ những năm 2010. Như đã biết, trong giai đoạn này hàng năm cả nước thường có trung bình khoảng chín nghìn lễ hội, trong nhiều số đó người ta cầu tránh "tai ương", xin "tài lộc" và "thăng quan". Lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định là một điển hình bị "lên án !"
Hai là, những lý do mà cơ quan dự thảo nghị định trình Quốc hội mang tính biện minh thay vì "vấn đề chính sách", chẳng hạn theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016.
Trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường, sự việc dường như "tồi tệ hơn" khi những chiếc biển số xe ô tô "đẹp" ngày càng trở nên có giá và vẫn được gắn cho đối tượng trên, mà dư luận từng đúc kết, theo ưu tiên "nhất quan hệ, nhì tiền tệ". Các nhà chức trách gọi đó là biểu hiện "tinh vi" của các hiện tượng tiêu cực, nhưng đã "không thể" phát hiện và trừng phạt. Và, giải pháp ngăn ngừa "nửa vời" đã được thí điểm là bốc thăm "ngẫu nhiên" trên máy tính nhưng đã thất bại. Hơn thế, một số địa phương tỉnh "vượt rào" lại được coi là có "thành tích" thu hàng tỷ cho ngân sách để "xóa đói giảm nghèo !". Hơn thế, khái niệm "thị trường" đang bị diễn giải sai lệch. Đấu thầu nói chung và "đấu giá" biển số xe cơ giới, về hình thức, là một công cụ thị trường, nhưng liệu có thể xác định được "thị trường" của những người tham gia đấu giá. Hơn thế, việc tổ chức đấu giá có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi những quan chức thực thi trong môi trường chính trị thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả khiến quyền lực của họ bị tha hóa, biến chất. Thực tế đã được kiểm chứng và phản ánh thẳng thắn trên truyền thông. Chẳng hạn, "Những vở kịch "quân xanh quân đỏ" chính là những "mỏ" tiêu cực trong đấu thầu (Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 8/11/2022) hay "Năm chiêu trò phổ biến lách luật trong đấu thầu" (Báo Tiền Phong ngày 8/11/2022)…
Vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng dành cho các Đại biểu Quốc hội : Biển số đẹp là gì ? Tài nguyên này quản lý thế nào ? Bài học về thu ngân sách qua đấu giá biển số đẹp để xóa đói giảm nghèo thế nào ? Như thế nào là giá khởi điểm "hợp lý" ? Dự kiến tiền thu thêm và phân bổ sử dụng ngân sách từ nguồn này ? Sự biện minh cho cách làm này liệu đang che đậy một cơ chế kiểm soát quyền lực, trong đó yêu cầu công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình là bắt buộc với công chức trong thực thi công vụ ?... Nếu không thể có được câu trả lời thoả đáng thì sự thất bại của Nghị quyết được cảnh báo !
Thực tế chỉ ra rằng việc cấp các biển số đẹp cho "giới có quyền và có tiền" dần dần đã phơi bày sự bất bình đẳng giữa các đối tượng tham gia đấu giá. Mục đích của chính sách công loại này nói chung và Nghị định này nói riêng phải là quyền lựa chọn biển số của các chủ sở hữu phải được tôn trọng bình đẳng. Suy cho cùng, họ phải được tự do lựa chọn các con số trong khuôn khổ mà chính quyền quy định nhằm mục đích quản lý nhà nước.
Các Đại biểu quốc hội không nên biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết này vì sự thất bại của nó là rõ ràng. Trong trường hợp này các vị Đại biểu quốc hội cần đặt việc thực hiện nghĩa vụ là người đại diện thực sự cho dân lên trên "thói quen" chấp hành nhiệm vụ hay chủ trương của Đảng, chính quyền. Trong kỳ họp nào người dân cũng kỳ vọng về năng lực đại diện của từng nghị sĩ và của Quốc hội nói chung cần được nâng lên. Ý kiến gây "shock" của Đại biểu Lê Thanh Vân tại kỳ họp này rằng : "Cầm giấy ê a đọc, mỗi người đi một hướng" sao gọi là thảo luận Quốc hội ? (Báo Dân Trí, ngày 02/11/2022) cũng là mong muốn chất lượng Quốc hội nói chung và năng lực của từng Đại biểu quốc hội cần phải cải thiện.
Biết rằng sự thay đổi của các Đại biểu quốc hội cần có thời gian, nhưng vấn đề là cấp thiết. Thay cho lời kết xin chia sẻ ý kiến của GS. Vương trên Facebook của ông ngày 8/11 mới đây rằng ông đã gửi thư cho ông Chủ tịch Quốc hội đề nghị thôi bàn chuyện đấu giá biển số xe, nhưng không hiểu sao "mấy hôm lại tiếp tục bàn chủ đề này ? Phải chăng sự vô lý ở tầm vĩ mô, tầm nhận thức lý luận cơ bản, nền tảng ý thức hệ, thể hiện như đã từng, còn chưa đủ ? Tìm kiếm cách tăng thu cho ngân sách bằng việc kinh doanh, đấu giá một loại sản phẩm do mê tín, dị đoan mà có, là điều mà một quốc hội của một nhà nước vô thần, thế tục quyết không được làm !"
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 14/11/2022
Năm đại biểu là chức sắc tôn giáo chỉ đại diện cho hai tôn giáo.
Ngày 10/6/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách trúng cử Đại biểu quốc hội khóa XV. Theo đó, có 5 chức sắc tôn giáo đã trúng cử.
Trong 5 chức sắc tôn giáo đắc cử Đại biểu quốc hội khóa XV có 4 đại diện của Phật giáo và 1 người của Công giáo. Năm chức sắc này đều là nam giới, và có đến 4 người trong số họ là đại biểu tái cử.
Số Đại biểu quốc hội là chức sắc tôn giáo khóa XV đã giảm hai người so với khóa XIV. Sự đa dạng tôn giáo cũng kém đi, không còn đại diện của đạo Cao Đài. Số đại biểu Phật giáo thì vẫn áp đảo.
Có 7 tỉnh, thành có chức sắc tôn giáo ứng cử Đại biểu quốc hội khóa XV. Đó là Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Tây Ninh, Sóc Trăng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chức sắc tôn giáo ứng cử Đại biểu quốc hội không có gì là lạ. Tuy nhiên, ứng cử viên là chức sắc năm nay giảm sút cả về số lượng và thành phần.
Khóa XIV có đến 10 chức sắc ứng cử Đại biểu quốc hội, bao gồm : 7 đại diện Phật giáo, 2 đại diện Công giáo, 1 đại diện của Cao Đài.
Khóa XV lần này chỉ có 8 ứng cử viên là chức sắc tôn giáo, trong đó Phật giáo chiếm đến 6 người, Công giáo và Cao Đài mỗi đạo chỉ có 1 đại diện.
Cũng như mọi năm, cả 8 chức sắc ứng cử khóa này đều là người được đề cử.
Theo kết quả cuối cùng, Ni sư Thích Nữ Tín Liên, Đại đức Thích Minh Tuấn và Phối sư Ngọc Hồng Thanh (Cao Đài) đã không trúng cử.
Năm người trúng cử là Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (cả hai đều tái cử lần thứ ba liên tiếp), Hòa thượng Lý Minh Đức, Linh mục Nguyễn Văn Riễn (hai người này tái cử lần hai liên tiếp), và Thượng tọa Thích Đức Thiện. Ông Thiện là người lần đầu trúng cử Đại biểu quốc hội.
Biểu đồ minh họa số lượng chức sắc tôn giáo là Đại biểu quốc hội các khóa. Thiết kế : Luật Khoa.
Việt Nam có đến 16 tôn giáo đã được nhà nước công nhận, nhưng chỉ có 5 tôn giáo đông tín đồ nhất từng có chức sắc là Đại biểu quốc hội. Đó là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài (theo thứ tự số lượng tín đồ từ nguồn Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019).
Cả 8 chức sắc ứng cử khóa này đều được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đề cử. Tuy nhiên, tiếp tục có một sự chênh lệch đáng kể về thành phần trong khóa lần này : 6/8 ứng cử viên đều thuộc Phật giáo.
Đây là lần thứ tư liên tiếp (kể từ Quốc hội khóa XII) Phật giáo có số lượng chức sắc là Đại biểu quốc hội nhiều hơn Công giáo. Trong khi đó, theo thống kê năm 2019, Công giáo có nhiều hơn Phật giáo 1,25 triệu tín đồ.
Cũng theo số liệu năm 2019, Hồi giáo, Chăm Bà-La-Môn và Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là ba tôn giáo có số lượng tín đồ đông tiếp theo (từ 30 nghìn đến 70 nghìn tín đồ), nhưng họ chưa từng có đại diện trong Quốc hội.
Số lượng tín đồ có vẻ là tiêu chí đáng xem xét nhất khi cơ cấu thành phần chức sắc tham gia Quốc hội, nhưng trong ba khóa Quốc hội gần đây, có vẻ tiêu chí này đã không được cân nhắc.
Trong 7 tỉnh, thành có chức sắc ứng cử Đại biểu quốc hội, đáng chú ý nhất là tỉnh Quảng Ninh.
Ở tỉnh Quảng Ninh, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, 59 tuổi, đã đắc cử lần thứ ba liên tiếp. Trong hai kỳ bầu cử gần nhất, ông đều tranh cử với các tu sĩ Phật giáo có chức vị và tuổi đời thấp hơn ông.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết. Ảnh : Báo Quốc hội.
Năm 2016, đơn vị bầu cử của ông có bốn người ứng cử thì trong đó đã có hai tu sĩ Phật giáo. Trong đó, có một người là ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thị xã Quảng Yên, người còn lại là phó trưởng ban Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tiên Yên. Hai người này kém ông lần lượt 17 tuổi và 25 tuổi.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết lúc ấy là Thượng tọa, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Người ứng cử còn lại là bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Năm 2021, Hòa thượng Thích Thanh Quyết tranh cử cùng Đại đức Thích Minh Tuấn, kém ông 24 tuổi, ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Ở tỉnh Tây Ninh, Phối sư Ngọc Hồng Thanh (đạo Cao Đài) đã tranh cử trong một danh sách khá khó khăn. Ông tranh cử cùng luật sư, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam Trần Hữu Hậu ; Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến. Phối sư Hồng Thanh không trúng cử.
Phối sư Ngọc Hồng Thanh trình bày chương trình hành động với cử tri vào ngày 5/5/2021. Ảnh : Báo Tây Ninh.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ni sư Thích Nữ Tín Liên, chức sắc nữ duy nhất trong các ứng cử viên đã không thể tái cử. Bà tranh cử với các ứng viên vượt trội hơn mình về chức vụ. Cụ thể, bà tranh cử cùng Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Quản lý An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Phạm Khánh Phong Lan, Bí thư Thành Đoàn Phạm Thị Thanh Phương. Đây cũng là ba người đã trúng cử trong 5 ứng cử viên.
Ở tỉnh Điện Biên, Thượng tọa Thích Đức Thiện tranh cử lần đầu cùng hai nông dân và một cán bộ không chuyên cấp xã. Ông đã trúng cử.
Thượng tọa Thích Đức Thiện. Ảnh : Tạp chí Mặt trận.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – người tái cử lần thứ ba – cũng tranh cử trong một danh sách dễ thở. Cùng đơn vị bầu cử với ông có phó hiệu trưởng của một trường mầm non và nhân viên Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội. Hai người này bị loại. Hòa thượng Bảo Nghiêm trúng cử cùng Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai.
Linh mục Nguyễn Văn Riễn tranh cử tại Bình Dương cùng một thượng tướng, một phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, một vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, và một người là giám đốc Viện Phát triển Ứng dụng của trường Đại học Thủ Dầu Một. Cuối cùng, vị phó giám đốc Sở Xây dựng và giám đốc Viện Phát triển Ứng dụng không nằm trong danh sách trúng cử.
Thượng tọa Lý Minh Đức, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã tái cử với 72% số phiếu bầu trong một đơn vị bầu cử tại tỉnh Sóc Trăng. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi khi một ứng cử viên do trung ương giới thiệu – ông Phạm Mạnh Khởi, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan Ban Tổ chức Trung ương – đã không trúng cử.
Thái Thanh
Nguồn : Luật Khoa, 24/06/2021
Xem tường thuật về hội nghị tiếp xúc giữa các ứng cử viên Đại biểu quốc hội khóa 15 với cử tri của Đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội (bao gồm cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), có thể thấy hoạt động tranh cử tại Việt Nam không chỉ rất khác với thiên hạ mà còn khác với cả qui định pháp luật của Việt Nam.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, 8/2/2021. Photo Dang Cong San.
Những khác biệt ấy minh họa cho hoạt động tranh cử kiểu Tổng bí thư nói riêng và kiểu cộng sản nói chung !
***
Luật Bầu cử Đại biểu quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành dành hẳn một điều để qui định chi tiết về hội nghị tiếp xúc cử tri (Điều 66). Theo đó, tất cả các ứng cử viên phải báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm Đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Điểm b, Khoản 2, Điều 66) (1).
Ông Trọng - ứng cử viên Đại biểu quốc hội khóa 15 – không những không tôn trọng qui định vừa dẫn, không trình bày Chương trình hành động mà còn giáo huấn cử tri, quốc hội !
Theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì ứng cử viên Nguyễn Phú Trọng tham dựHội nghị Tiếp xúc cử tri Đơn vị Bầu cử số 1 của Hà Nội chỉ để nghe đại diện cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ca ngợi ông là người đượccử tri tin tưởng tuyệt đối và tín nhiệm tái cử và trình bày nguyện vọng với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam !
Thay vì trình bày Chương trình hành động của riêng mình cho đúng với tư cách một ứng cử viên và đúng với các qui định pháp luật hiện hành về bầu cử, ứng cử viên Nguyễn Phú Trọng chỉvui mừng ghi nhận các ý kiến chân thành, đúng đắn và những vấn đề lớn của đất nước, của Thủ đô mà cử tri nêu.
Dẫu vẫn đang là ứng cử viên nhưng ông Trọng đã chỉ đạokhóa này (Quốc hội nhiệm kỳ sắp tới) phải làm sao hơn khóa trước. Nhân vật từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước, đã và vẫn đang là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam lập lại điều ông từng khẳng định :Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đồng thời nói thêm. rằngông đã nói trước các nguyên thủ quốc gia là Việt Nam không thua kém ai cả. Trong một thoáng dường như có sự bột phát của thật thà, ông Trọng thú nhậnban đầu ông cũng cân nhắc là nói vậy có chủ quan hay không nhưng đến bây giờ thì thấy mừng vì hình như toàn dân đồng tình rồi !
Những từ"cân nhắc" và "hình như" nhằm tỏ ra thật thà ấy rất có giá trị vì chúng giúp khắc họa tính cách. Không thèm trình bày mục tiêu thế nào, sẽ hành động ra sao, ứng cử viên Nguyễn Phú chỉ yêu cầu :Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, bởi dịch bệnh đang diễn biến tạp, bởi còn rất nhiều khó khăn trên con đường phát triển đi lên. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân phải đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của đảng, cấp trên phải gương mẫu, Đại biểu quốc hội phải do dân, vì dân, phải làm tròn trách nhiệm, không được "cua cậy càng, cá cậy vây", phải đoàn kết(2) Có đốt đuốc đi tìm cũng khó mà ra ứng cử viên xứ nào tranh cử với sự chủ quan đến như thế với cử tri !
***
Không chỉ có vậy ! Các qui định pháp luật hiện hành liên quan đến bầu cử cấmlạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử(Khoản 2, Điều 68, Luật Bầu cử Đại biểu quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân, qui định vềNhững hành vi bị cấm trong vận động bầu cử) nhưng gần như toàn bộ tường thuật vềHội nghị Tiếp xúc cử tri Đơn vị Bầu cử số 1 của Hà Nội chỉ giới thiệu những lời khen dành cho ứng cử viên Nguyễn Phú Trọng và những chỉ đạo, yêu cầu của ứng cử viên này.
Nếu không chịu khó sục sạo, sẽ không thể biếtĐơn vị Bầu cử số 1 của Hà Nội hoặc có bao nhiêu ứng cử viên, tên gì, hoặc ở buổi tiếp xúc cử tri mà cơ quan truyền thông chính thức nào cũng tường thuật, họ đã trình bày những gì trước cử tri (3). Chẳng lẽ cứ phải xem đó là biểu hiện củatổ chức bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/05/2021
Chú thích
Đảng sắp xếp, quốc hội gật, chính phủ thi hành. Đó là nguyên tắc làm việc của Đảng cộng sản. Theo thông lệ, không có gì bất thường thì cứ 6 tháng thì đảng tổ chức một hội nghị trung ương. Ngay sau hội nghị trung ương là kỳ họp quốc hội họp lại để gật những chủ trương mà đảng đề ra. Tuy nhiên, cơ chế đảng kiểm soát quốc hội như thế nào ? Đảng có thể thiết kế luôn cả tỷ lệ gật, bằng cách nào đảng làm được như vậy ?
Đảng sắp xếp, quốc hội gật, chính phủ thi hành. Đó là nguyên tắc làm việc của Đảng cộng sản.
Nguyên tắc cấu tạo của trung ương đảng là cấu tạo 3 lớp. Lớp ngoài cùng là lớp vỏ gồm 200 ủy viên trung ương đảng, lớp tiếp theo được gọi là lõi ngoài với 18 ủy viên bộ chính trị, và lớp trong cùng là lõi cứng với 5 lãnh đạo chủ chốt gồm : Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư, Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch nước, Phạm Minh Chính - thủ tướng, Vương Đình Huệ - chủ tịch quốc hội, Võ Văn Thưởng - thường trực ban bí thư. Nguyên tắc là vỏ phục tùng lõi. Luôn luôn là như vậy.
Việt Nam có 5 thành phố trực thuộc trung ương, nó chính là những đầu tàu kinh tế khu vực. 5 lãnh đạo chủ chốt đó sẽ có nhiệm vụ chăn dắt 5 thành phố này. Cụ thể như sau : ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chăn dắt đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội ; ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ chăn dắt đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ; ông Phạm Minh Chính sẽ chăn dắt đoàn đại biểu quốc hội Cần Thơ ; ông Vương Đình Huệ sẽ chăn dắt đoàn đại biểu quốc hội Hải Phòng ; ông Võ Văn Thưởng sẽ chăn dắt đoàn đại biểu quốc hội Đà Nẵng. Với cách tổ chức như vậy thì khi đảng ra chủ trương gì thì 5 người này sẽ chỉ đạo đám đại biểu quốc hội ở các thành phố này gật.
Đấy là 5 thành phố đầu tàu kinh tế khu vực. Những ủy viên Bộ Chính trị còn lại sẽ được phân bổ đều cho 3 khu vực Bắc – Trung – Nam để những người này sẽ chăn dắt những địa phương đó phụ họa gật theo đoàn đại biểu quốc hội của 5 thành phố kia. Cụ thể như sau :
Miền Bắc : ngoài ông Nguyễn Phú Trọng và Vương Đình Huệ chăn dắt Hà Nội và Hải Phòng, còn có ông Trần Cẩm Tú chăn dắt Lào Cai, bà Trương Thị Mai chăn dắt Hòa Bình ; Tô Lâm chăn dắt Hưng Yên ; Phan Văn Giang chăn dắt Thái Nguyên ; Nguyễn Hòa Bình chăn dắt Bắc Giang ; Lương Cường chăn dắt Thanh Hóa, và Nguyễn Xuân Thắng chăn dắt Quảng Ninh.
Miền Trung : ngoài ông Võ Văn Thưởng chăn dắt Đà Nẵng, còn có Trần Tuấn Anh chăn dắt Khánh Hòa.
Miền Nam : ngoài haio ông Phạm Minh Chính và Nguyễn Xuân Phúc chăn dắt Cần Thơ và Thành phố gHồ Chí Minh, còn có các ông Trần Thanh Mẫn chăn dắt Hậu Giang và Phan Đình Trạc chăn dắt Lâm Đồng.
Với nguyên tắc là vỏ phục tùng lõi, nên các ủy viên Bộ Chính trị khác điều khiển các địa phương mình phụ trách gật theo 5 thành phố do 5 lãnh đạo chủ chốt kia chăn dắt. Ngoài các ủy viên Bộ Chính trị thì còn các ủy viên trung ương mà công tác ở trung ương đều được rải về phủ kín 46 tỉnh còn lại. Mỗi tỉnh, người giữ chức to nhất trong đảng sẽ làm đầu nậu chăn dắt "đàn" đại biểu quốc hội của tỉnh. Tất cả những kẻ chăn dắt này đều nhìn vào ủy viên bộ chính trị mà sai khiến đám bù nhìn dưới tay mình phải gật sao cho đừng có lạc nhịp.
Tất cả các ủy viên trung ương tham gia hội nghị trung ương nghe đám lõi triển khai, sau đó mang chủ trương đó về địa phương và phổ biến cho đám bù nhìn dưới quyền rằng "Chúng mầy gật hết cho tao, trừ thằng A có khiếu ăn nói nên đóng kịch phản biện. Thằng A về nhà soạn kịch bản phản biện trình lên để tao duyệt rồi cứ thế mà làm. Ngoài thằng A, không đứa nào được phép mở miệng !". Và cứ như thế, khi một chủ trương của đảng đưa ra thì đã có bọn chăn dắt "gài số vào cổ" đám bù nhìn gật răm rắp. Nhờ đó đảng nuốn thiết kế tỷ lệ gật bao nhiêu cũng được, muốn 100% thì có 100%, muốn có 99% cho có vẻ dân chủ thì có 99% v.v... Có thể nói, đến cái tỷ lệ gật của quốc hội đảng cũng kiểm soát tốt. Và nhờ đó mà Quốc hội cộng sản mới có được cái gọi là "dân chủ gấp vạn lần dân chủ của bọn tư bản" như những gì bà Doan ca tụng.
Đỗ Ngà
Nguồn : quyenduocbiet, 21/04/2021
Tham khảo :
https://khoahocdoisong.vn/nhung-tinh-thanh-co-17-uy-vien...
Đảng cộng sản cho thấy họ chính là một Nhà nước đọc tài
Thời sự trong nước vừa qua nổi lên vấn đề nhà cầm quyền bắt giữ những người được xem là "ứng viên tự do" có mong muốn ra ứng cử để trở thành Đại biểu quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội khóa XIII làm lễ chào cờ, bế mạc kỳ họp cuối cùng vào ngày 12/4/2016 - Ảnh : Nguyễn Nam
Những người bị bắt giữ một cách vô lý này đều là công dân Việt Nam, điểm đáng chú ý là họ không phải là đảng viên đảng cộng sản, đó cũng là điều mà nhà cầm quyền tuyên bố rằng họ sẽ mở rộng cánh cửa cho các ứng viên tự do, tất nhiên không cần phải là đảng viên, tuy nhiên có một điều mà đảng không hề nói ra là dù cho các ứng viên không phải là đảng viên đảng cộng sản nhưng bắt buộc họ phải là những người cảm tình viên, những người tin theo chủ nghĩa cộng sản, ngoài ra những người có chính kiến khác biệt, có tư tưởng đột phá, có ý tưởng thay đổi, sẽ là thành phần bị cấm tuyệt đối, chẳng những họ không được chào đón mà còn bị cách ly trong thời gian bầu cử Quốc hội này.
Xem ra người dân Việt Nam vẫn là những con cừu thơ ngây trước miệng sói, mấy nhà tranh đấu dân chủ nửa mùa cho Việt Nam vẫn không thoát khỏi mê lộ của đảng, họ vẫn lúng túng trong việc tìm ra một hướng đi cho dân tộc bởi vì đa số trong đó sau những hoạt động ồn ào thì chỉ chọn cho mình con đường gia nhập vào hệ thống cầm quyền để nếu được thì cuối cùng họ trở thành một loại quan lại trong tòa nhà quốc hội với đa số là các đại biểu đảng viên !
Họ sẽ làm gì trong đó ?
Tất nhiên họ cũng sẽ phát biểu linh tinh cho ra vẻ mình cũng là người đại diện cho dân - nhưng với những chủ đề mà đảng cho phép đưa ra - còn ngoài ra họ chỉ là những loại quân xanh, quân đỏ, chia ra tranh luận nhằm mị dân và lừa bịp thế giới rằng trong quốc gia cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại một nền dân chủ - Dù cho đó lại là một nền dân chủ giả hiệu, ngụy trang.
Một Đại biểu quốc hội nước Việt Nam không có nhiều quyền hành lắm, ngoài mức lương cơ bản chưa tới 1.000 đô la/tháng ra, họ có mặt để tham dự những điều trần, biểu quyết phát xuất từ chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, vì thế gọi họ là nghị gật cũng đúng mà gọi là nghị ngủ cũng chả sai, tuy nhiên ở vị trí Đại biểu quốc hội họ có cơ hội tiếp xúc với những quan chức đầu ngành ở các Cục, Bộ, qua đó tạo quan hệ nhằm làm ăn những phi vụ sân sau cùng đám quan chức giòi bọ trong nước, hoặc dùng vị trí của mình để lừa đảo như Đại biểu Châu Thị Thu Nga đã từng lừa bịp người dân khi kinh doanh địa ốc và cũng chính bà này đã khai ra mình đã chung chi 1,5 triệu đô la để được ‘cơ cấu’ vào bộ máy !
Hãy nhìn vào tòa nhà Quốc hội nước Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé chỉ có 63 tỉnh, thành phố nhưng lại có hơn 500 Đại biểu để thấy sự hoang phí đến khủng khiếp của đảng cầm quyền, như vậy mỗi một tỉnh sẽ có gần 8 đại biểu, tuy nhiên những vấn đề quốc gia, đại sự ít được các đại biểu này nói đến (vì không được cho phép), còn những vấn đề về an sinh, dân sinh cũng chả thấy bàn, như vậy thì họ ngồi đông đảo trong đó và chi xài hàng tỷ đồng từ tiền thuế của toàn dân mỗi ngày để làm gì ? Đó là con chưa nói đến các Bộ, Cục ; mỗi một ngành ngoài một bộ trưởng ra còn có 5,6 ông Thứ Trưởng, ngay cả chức danh Thủ tướng cũng đính kèm thêm 5, 6 vị Phó, như thế tiền đâu mà nuôi cho nổi cái đám sâu dân mọt nước này ?!
Trở lại vấn đề người ngoài đảng, người dân thường mong muốn tự ứng cử để trở thành đại biểu quốc hội thì đó chỉ là một giấc mơ hoang đường không hiện thực, người ngoài đảng làm sao có cửa bước vào khi phải qua sự xét duyệt của cái được gọi là Mặt trận Tổ quốc - một cơ quan dân vận của đảng - thông qua và giới thiệu ?
Mong muốn trở thành Đại biểu quốc hội để làm gì khi họ bưng tai bịt mắt trước nổi thống khổ của toàn dân ? Họ tin rằng mình sẽ thay đổi cả một cơ chế vận hành hay họ sẽ bị nghiền nát trong hệ thống bánh răng khổng lồ đó ? Thực tế cho thấy họ chưa được phép bước vào là đã bị bộ máy tước đoạt quyền công dân, quyền con người, và trở thành một tù nhân không tên (bởi vì không biết phải định danh thế nào chính trị hay hình sự khi họ hoàn toàn tuân thủ những gì đảng nói). Đó chính là nét độc tài toàn trị dã man của chế độ cộng sản Việt Nam mà bất kỳ ai ngây thơ chính trị sẽ hứng chịu khi đặt niềm tin của mình vào đảng cộng sản.
Vào để chỉnh đốn và xây dựng đảng ư ? Đừng có mơ, chẳng những họ sẽ không chỉnh đốn được đảng mà chính con người họ sẽ bị nhiễm độc cộng sản và trở thành một tín đồ cuồng tín mang chức danh đại diện cho dân nhưng chỉ hành động phản bội nhân dân nhằm phục vụ cho đảng !
Hãy nhìn Fomosa, hãy nhìn Luật Đặc Khu cho giặc thuê 99 năm, hãy nhìn Luật An Ninh Mạng khóa miệng, bóp cổ người dân mà đảng đã làm…
Và hãy chỉ cho tôi thấy có đại biểu nào dám đứng lên phản đối một cách quyết liệt hay chỉ là làm ra vẻ cho có nói để rồi cuối cùng tất cả đều được thông qua ?
Đó chính là cái chức danh Đại biểu mà quý vị đang mơ tưởng đấy !
Muốn tự ứng cử, muốn tranh đấu cho quyền con người, cho dân chủ, nhân quyền thì bắt buộc phải cùng đứng lên tiến hành nhiều phương pháp nhắm vào mục tiêu chính là thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ đảng độc tài cộng sản, xây dựng lại đất nước bắt đầu bằng một chủ thuyết, bằng một nền tảng lấy con người làm chủ đạo, xây dựng lại hệ thống quốc gia tùy theo lòng dân, khi đó mới có thể tự ứng cử, trở thành nghị sĩ, dân biểu, còn nếu không làm được điều đó thì cái trò tự ứng cử Đại biểu quốc hội Việt Nam chỉ là trò ma bùn.
Rõ là :
Bị bắt vì tham nhũng là bởi vì chúng nó là đồng chí nhưng không cùng là đồng bọn.
Bị bắt vì ứng cử Đại biểu quốc hội là bởi vì chúng nó không phải là đồng chí mà cũng không là đồng bọn, thế thôi.
Nguyên Anh
Nguồn : quyenduocbiet, 29/03/2021
Như vậy, "quân xanh, quân đỏ" trong danh sách ứng cử sẽ đảm bảo cho các ứng cử viên được "nhắm trước" sẽ trúng cử.
Tôi được biết trong Đại hội Đảng bộ một số tỉnh thành, có mấy cán bộ trẻ được cấp ủy giới thiệu, dự kiến đưa vào bộ máy lãnh đạo mới, đã không trúng cử. Các cấp ủy thấy đây là việc có thể hiểu : Mấy đồng chí đó chưa được thử thách nhiều, năng lực chưa bộc lộ rõ và chưa tạo được nhiều tín nhiệm đối với đông đảo đảng viên, cần có thời gian rèn luyện thêm.
Tôi cũng được biết trong cuộc họp Ban chấp hành chi bộ giới thiệu nhân sự để bầu chi ủy nhiệm kỳ mới, sau khi thống nhất cả 5 chi ủy viên đương nhiệm đều tái cử, đồng chí bí thư chi bộ gợi ý : Bây giờ đến phần ghi phiếu giới thiệu nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy. Căn cứ quy định về số dư ứng cử viên so với số lượng cấp ủy viên được bầu thì chi bộ ta chỉ nên giới thiệu thêm một đồng chí.
Theo tôi, 5 đồng chí trong chi ủy hiện tại tái cử sẽ bảo đảm đúng cơ cấu. Vì thế, chúng ta nên giới thiệu một đồng chí đảng viên là nhân viên trong cơ quan làm "quân xanh". Mong các đồng chí cân nhắc kỹ, bởi nếu đảng viên này mà trúng cử thì chi ủy ta lại không phù hợp cơ cấu.
Ý kiến của bí thư chi bộ được 4/5 chi ủy viên đồng tình, còn một đồng chí không nhất trí vì theo anh, làm như vậy thì không đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng ; việc bầu chi ủy tại đại hội chi bộ sẽ nặng tính hình thức, "diễn" là chính ; không chỉ đồng chí "quân xanh" mà các đảng viên trong chi bộ cũng sẽ xì xào…
Có một thực tế từ việc Đảng cử – Dân bầu, là nếu ứng cử viên được địa phương giới thiệu rơi vào số dư, không trúng đại biểu Quốc hội sẽ giảm cơ hội cho địa phương. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, số dư trong bầu cử cần được chia cho cả trung ương và địa phương.
Cho dù ứng cử viên nào không trúng cử thì vẫn là chuyện bình thường, vì cử tri có quyền lựa chọn và đặt niềm tin vào ứng cử viên mà họ cho rằng đáp ứng các yêu cầu làm đại diện cho họ ở cơ quan quyền lực, không phân biệt đó là ứng cử viên do trung ương hay địa phương giới thiệu. Điều này không chỉ thể hiện sự dân chủ thực sự trong bầu cử mà còn giúp cho cử tri có được những sự lựa chọn chính xác.
Tôi có một số ý kiến sau :
Một
Về giới thiệu người ứng cử về các địa phương : Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh về các huyện, quận, thị xã, trong lãnh đạo phải chú ý cả hai mặt là đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương và sự tương thích ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của người được giới thiệu.
Các cuộc bầu cử trước, có người được Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng không trúng cử ; ở hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng có một số nơi có tình trạng tương tự. Có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lĩnh vực hoạt động của người ứng cử không thích hợp với địa phương nơi ứng cử. Đây cũng là một kinh nghiệm trong lãnh đạo và trong tham mưu phân bổ người ứng cử theo địa bàn.
Mặt khác, cần khắc phục tình trạng, một số địa phương luôn luôn muốn chọn những người ứng cử có chức sắc càng cao càng tốt, những người ứng cử là thành viên Chính phủ, những người đứng đầu ngành, lĩnh vực.
Hai
Về phân chia (sắp xếp) người ứng cử vào đơn vị bầu cử : Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 chưa quy định cụ thể, chi tiết việc phân chia, lập danh sách những người ứng cử vào các đơn vị bầu cử nên có hai vấn đề đáng quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Một là, có một số địa phương lo ngại trách nhiệm để người ứng cử có chức sắc cao của địa phương hoặc do Trung ương giới thiệu mà bị "trượt" nên đã bố trí những người ứng cử khác trong danh sách bầu có trình độ và vị thế cách biệt, thấp xa. Đây là một ví dụ điển hình của tình trạng "quân xanh, quân đỏ" đã nói ở phần đầu bài viết này, do đó trong lãnh đạo, chỉ đạo cần khắc phục tối đa tình trạng rất ư quen thuộc ấy.
Hai là, thực tiễn cho thấy, cùng là người ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân, nhưng sắp xếp vào đơn vị bầu cử này thì có thể không trúng cử, nhưng sắp xếp vào đơn vị bầu cử khác thì có thể đắc cử.
Điều này đòi hỏi khi phân chia, lập danh sách những người ứng cử vào các đơn vị bầu cử phải hết sức công bằng, công minh, khách quan, trung thực, mà mục đích đạt đến là, đảm bảo được các cơ cấu định hướng ở mức tốt nhất…
Muốn vậy, cần chỉ đạo nghiên cứu định ra những tiêu chí cần thiết làm căn cứ cho việc phân chia, sắp xếp. Các tiêu chí đó có thể là : có trình độ tương đương, có vị thế (chức danh) tương đương, có nam có nữ, khác đơn vị công tác… Như vậy, việc trúng cử hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động và khả năng vận động bầu cử của người ứng cử.
Ba
Tư cách là một cử tri, tôi nghĩ rằng việc chọn đại biểu có chất lượng là điều quyết định trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Người dân sẵn sàng bỏ ra 5 triệu/tháng để "nuôi" một đại biểu Quốc hội có đóng góp tham luận, sáng kiến, đưa tiếng nói của người dân đến nghị trường, làm lợi cho đất nước. Ngược lại, những người không có đóng góp gì cho đất nước như không phát biểu, thảo luận…, thì bỏ ra một xu thôi cũng thấy tiếc lắm.
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 23/02/2021