Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/07/2023

Vai trò của Đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Thới Bình

Với quyền lập pháp, Quốc hội phải chủ động đưa ra việc tu chỉnh về Luật thuế thu nhập cá nhân, thay vì đẩy trách nhiệm sang Chính phủ.

npt1

Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, sớm báo cáo lộ trình cải cách tiền lương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan tiếp tục triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Với quyền lập pháp, Quốc hội phải chủ động đưa ra việc tu chỉnh về Luật thuế thu nhập cá nhân, thay vì đẩy trách nhiệm sang Chính phủ.

Trong một văn bản của Bộ Tài chính gửi trả lời cử tri tỉnh Bình Định, cho biết, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020.

"Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân" – trích văn bản trả lời cử tri Bình Định của Bộ Tài chính.

Như vậy, nếu như Quốc hội từng hiểu rất rõ về "kỹ thuật xử lý lập pháp" về điều chỉnh chiết trừ gia cảnh trong chuyện thuế thu nhập cá nhân, vậy thì vì sao lại chấp nhận dừng lại ở Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, trong khi Luật tổ chức Quốc hội, tại Điều 1.2 ghi rất rõ : "Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".

Vẫn theo Luật tổ chức Quốc hội, tại "Điều 5. Làm luật và sửa đổi luật", cho biết cụ thể như sau :

"1. Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Các dự án luật trước khi trình Quốc hội phải được Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

3. Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội căn cứ vào nội dung của dự án luật".

Ở đây, khi đề cập đến Luật tổ chức Quốc hội, người viết muốn nhắc đến nhiệm vụ của đại biểu Nguyễn Phú Trọng trong các vấn đề lập pháp mà trong luật gọi là "quyền sáng kiến lập pháp". Theo đó, ở "Điều 29. Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh", cho biết:

"1. Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.

2. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật".

Tin rằng một khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chọn sử dụng quyền lực trên của một dân biểu, thay cho quyền tối thượng của Tổng bí thư, sẽ thuyết phục quốc dân hơn về khả năng kinh bang tế thế của một người đứng đầu đảng chính trị ở Việt Nam.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 03/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình
Read 367 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)