Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/02/2021

Quân xanh – quân đỏ

Võ Hàn Lam

Trong danh sách bầu cử có những ứng cử viên chỉ để làm "quân xanh, quân đỏ", nghĩa là giới thiệu cho có, dù ứng cử viên đó không có nhiều tiềm năng trúng cử, hoặc nếu may mắn trúng cử thì cũng khó trở thành một đại biểu đạt yêu cầu, do đa số còn "non" hoặc đã "chót" về tuổi đời, thâm niên, trình độ…

quando01

Như vậy, "quân xanh, quân đỏ" trong danh sách ứng cử sẽ đảm bảo cho các ứng cử viên được "nhắm trước" sẽ trúng cử.

Tôi được biết trong Đại hội Đảng bộ một số tỉnh thành, có mấy cán bộ trẻ được cấp ủy giới thiệu, dự kiến đưa vào bộ máy lãnh đạo mới, đã không trúng cử. Các cấp ủy thấy đây là việc có thể hiểu : Mấy đồng chí đó chưa được thử thách nhiều, năng lực chưa bộc lộ rõ và chưa tạo được nhiều tín nhiệm đối với đông đảo đảng viên, cần có thời gian rèn luyện thêm.

Tôi cũng được biết trong cuộc họp Ban chấp hành chi bộ giới thiệu nhân sự để bầu chi ủy nhiệm kỳ mới, sau khi thống nhất cả 5 chi ủy viên đương nhiệm đều tái cử, đồng chí bí thư chi bộ gợi ý : Bây giờ đến phần ghi phiếu giới thiệu nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy. Căn cứ quy định về số dư ứng cử viên so với số lượng cấp ủy viên được bầu thì chi bộ ta chỉ nên giới thiệu thêm một đồng chí.

Theo tôi, 5 đồng chí trong chi ủy hiện tại tái cử sẽ bảo đảm đúng cơ cấu. Vì thế, chúng ta nên giới thiệu một đồng chí đảng viên là nhân viên trong cơ quan làm "quân xanh". Mong các đồng chí cân nhắc kỹ, bởi nếu đảng viên này mà trúng cử thì chi ủy ta lại không phù hợp cơ cấu.

Ý kiến của bí thư chi bộ được 4/5 chi ủy viên đồng tình, còn một đồng chí không nhất trí vì theo anh, làm như vậy thì không đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng ; việc bầu chi ủy tại đại hội chi bộ sẽ nặng tính hình thức, "diễn" là chính ; không chỉ đồng chí "quân xanh" mà các đảng viên trong chi bộ cũng sẽ xì xào…

Có một thực tế từ việc Đảng cử – Dân bầu, là nếu ứng cử viên được địa phương giới thiệu rơi vào số dư, không trúng đại biểu Quốc hội sẽ giảm cơ hội cho địa phương. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, số dư trong bầu cử cần được chia cho cả trung ương và địa phương.

Cho dù ứng cử viên nào không trúng cử thì vẫn là chuyện bình thường, vì cử tri có quyền lựa chọn và đặt niềm tin vào ứng cử viên mà họ cho rằng đáp ứng các yêu cầu làm đại diện cho họ ở cơ quan quyền lực, không phân biệt đó là ứng cử viên do trung ương hay địa phương giới thiệu. Điều này không chỉ thể hiện sự dân chủ thực sự trong bầu cử mà còn giúp cho cử tri có được những sự lựa chọn chính xác.

Tôi có một số ý kiến sau :

Một

Về giới thiệu người ứng cử về các địa phương : Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh về các huyện, quận, thị xã, trong lãnh đạo phải chú ý cả hai mặt là đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương và sự tương thích ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của người được giới thiệu.

Các cuộc bầu cử trước, có người được Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng không trúng cử ; ở hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng có một số nơi có tình trạng tương tự. Có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lĩnh vực hoạt động của người ứng cử không thích hợp với địa phương nơi ứng cử. Đây cũng là một kinh nghiệm trong lãnh đạo và trong tham mưu phân bổ người ứng cử theo địa bàn.

Mặt khác, cần khắc phục tình trạng, một số địa phương luôn luôn muốn chọn những người ứng cử có chức sắc càng cao càng tốt, những người ứng cử là thành viên Chính phủ, những người đứng đầu ngành, lĩnh vực.

Hai

Về phân chia (sắp xếp) người ứng cử vào đơn vị bầu cử : Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 chưa quy định cụ thể, chi tiết việc phân chia, lập danh sách những người ứng cử vào các đơn vị bầu cử nên có hai vấn đề đáng quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Một là, có một số địa phương lo ngại trách nhiệm để người ứng cử có chức sắc cao của địa phương hoặc do Trung ương giới thiệu mà bị "trượt" nên đã bố trí những người ứng cử khác trong danh sách bầu có trình độ và vị thế cách biệt, thấp xa. Đây là một ví dụ điển hình của tình trạng "quân xanh, quân đỏ" đã nói ở phần đầu bài viết này, do đó trong lãnh đạo, chỉ đạo cần khắc phục tối đa tình trạng rất ư quen thuộc ấy.

Hai là, thực tiễn cho thấy, cùng là người ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân, nhưng sắp xếp vào đơn vị bầu cử này thì có thể không trúng cử, nhưng sắp xếp vào đơn vị bầu cử khác thì có thể đắc cử.

Điều này đòi hỏi khi phân chia, lập danh sách những người ứng cử vào các đơn vị bầu cử phải hết sức công bằng, công minh, khách quan, trung thực, mà mục đích đạt đến là, đảm bảo được các cơ cấu định hướng ở mức tốt nhất…

Muốn vậy, cần chỉ đạo nghiên cứu định ra những tiêu chí cần thiết làm căn cứ cho việc phân chia, sắp xếp. Các tiêu chí đó có thể là : có trình độ tương đương, có vị thế (chức danh) tương đương, có nam có nữ, khác đơn vị công tác… Như vậy, việc trúng cử hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động và khả năng vận động bầu cử của người ứng cử.

Ba

Tư cách là một cử tri, tôi nghĩ rằng việc chọn đại biểu có chất lượng là điều quyết định trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Người dân sẵn sàng bỏ ra 5 triệu/tháng để "nuôi" một đại biểu Quốc hội có đóng góp tham luận, sáng kiến, đưa tiếng nói của người dân đến nghị trường, làm lợi cho đất nước. Ngược lại, những người không có đóng góp gì cho đất nước như không phát biểu, thảo luận…, thì bỏ ra một xu thôi cũng thấy tiếc lắm.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 23/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Hàn Lam
Read 601 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)