Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2021

100 năm Đảng cộng sản Trung Quốc : những sự kiện

Thụy My, Jean-Pierre Cabestan

Thế giới tiếp tục có ấn tượng xấu về Trung Quốc

Thụy My, RFI, 01/07/2017

Trong khi ông Tập Cận Bình khẳng định "sự phục hưng vĩ đại", cuộc thăm dò dư luận của trung tâm Pew có trụ sở tại Washington công bố hôm 30/06/2021 cho thấy người dân Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc : vi phạm nhân quyền, hành xử vô trách nhiệm.

100nam1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là trung tâm của lễ kỷ niệm 100 năm trong tuần này

Về vấn đề tôn trọng quyền tự do cá nhân, ý kiến tiêu cực đối với Bắc Kinh cao ở mức kỷ lục tại bảy quốc gia Ý, Hàn Quốc, Hy Lạp, Canada, Úc, Anh và Hà Lan.

Tại Nhật Bản, ấn tượng xấu về Trung Quốc tăng lên 88%, gần đạt mức kỷ lục 93% hồi cao điểm tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông. Ở Hàn Quốc, cứ 10 người thì có đến 9 người nói rằng Bắc Kinh không hề tôn trọng tự do cá nhân của công dân Trung Quốc (năm 2018 tỉ lệ này là 8/10).

Singapore ít phê phán Trung Quốc vi phạm nhân quyền nhất trong số các nước được khảo sát là Hoa Kỳ, Đài Loan, New Zealand, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Thụy Điển, nhưng số người chỉ trích Bắc Kinh cũng đã chiếm đến 60%.

Còn tại Mỹ, tâm lý chống Trung Quốc tiếp tục tăng lên, số người có cái nhìn tiêu cực về Bắc Kinh lên đến 76%, tăng gần 30% so với năm 2017, thời chính quyền Donald Trump. Đặc biệt có 3% người Mỹ khi được hỏi nghĩ gì về Trung Quốc đã nêu ra ngay "Tân Cương", "Duy Ngô Nhĩ". Theo một nhà nghiên cứu của Pew, tỉ lệ này có vẻ không nhiều, nhưng là một thay đổi lớn đối với những người Mỹ bình thường, vì trong những khảo sát các năm trước, họ không hề nói đến Tây Tạng hay Đạt Lai Lạt Ma.

Nhìn chung, kết quả thăm dò mới nhất của Pew được South China Morning Post dẫn lại cho thấy, các quan chức Trung Quốc đang đối mặt với tình thế khó khăn, khi muốn thực hiện nhiệm vụ ông Tập giao cho là mở rộng bạn bè, tạo tiếng thơm cho Trung Quốc. "Ngoại giao chiến lang" hung hăng chỉ làm xấu thêm hình ảnh của Bắc Kinh. Số người cho rằng Tập Cận Bình đã hành xử đúng đắn trong các vấn đề quốc tế chỉ chiếm có 20%.

Về kinh tế, đa số những người được hỏi ủng hộ một quan hệ kinh tế chặt chẽ của nước mình với Mỹ hơn là với Trung Quốc. Tại Úc, tỉ lệ này từ 43% trong năm 2019 đã tăng lên 59%, cho thấy sự rạn nứt giữa Bắc Kinh và Canberra ảnh hưởng đến công chúng Úc. Tại Châu Âu, số người cho rằng nên quan hệ chặt hơn với Mỹ gấp ba lần so với số người ủng hộ Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh đã vượt Washington trở thành đối tác thương mại chính của Liên Hiệp Châu Âu năm 2020.

Cuộc khảo sát của viện thăm dò Pew được tiến hành với 19.000 người trưởng thành tại 17 nước từ tháng Hai đến tháng Năm.

Thụy My

***********************

100 năm Đảng cộng sản Trung Quốc, ngày đen tối đối với Hồng Kông

Jean-Pierre Cabestan, Thanh Hà, RFI, 01/07/2021

Hồng Kông im lặng vào lúc Bắc Kinh rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Chính quyền đặc khu huy động hơn 10.000 nhân viên cảnh sát đề phòng biểu tình đúng ngày 01/07/2021 đánh dấu 24 năm Anh Quốc trao trả thuộc địa cũ lại Hoa Lục với lời hứa của chính quyền Đặng Tiểu Bình xưa kia bảo đảm cho vùng lãnh thổ này quy chế "một quốc gia hai chế độ".

100nam2

Một số người ủng hộ dân chủ Hồng Kông tuần hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc và 24 năm ngày Anh Quốc trao trả Hồng Kông lại cho Bắc Kinh. Ảnh ngày 01/07/2021.  Reuters – Lam Yik

Công luận Hồng Kông nghĩ gì về lễ kỷ niệm 100 năm ngày Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời và Bắc Kinh toan tính những gì cho Hồng Kông ? RFI Việt ngữ đặt các câu hỏi trên với giáo sư Jean-Pierre Cabestan đại học Baptiste Hồng Kông, giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học CNRS của Pháp, thành viên trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Đương Đại của Pháp.

RFI : Xin kính chào giáo sư Cabestan, trong bối cảnh hiện tại các quyền tự do tại Hồng Kông từng bước bị thu hẹp, công luận ở đặc khu hành chính này nghĩ gì về sự kiện Bắc Kinh kỷ niệm rầm rộ 100 năm ngày Đảng cộng sản Trung Quốc được thành lập ?

Jean-Pierre Cabestan : Đối với người dân Hồng Kông, Đảng cộng sản không thân thiện chút nào. Lực lượng chính trị này đã thâu tóm quyền lực tại Trung Quốc từ năm 1949. Rất nhiều gia đình đang sinh sống tại Hồng Kông đã bỏ chạy khỏi quân cộng sản để định cư tại Hồng Kông. Thành thử dân Hồng Kông có một cái nhìn tiêu cực, thậm chí là rất tiêu cực về Đảng cộng sản Trung Quốc.

Điểm thứ nhì là Đảng cộng sản Trung Quốc đã có những bước chuyển biến kể từ khi tiến hành cải cách, cuối thập niên 1970 dưới thời ông Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc đã phát triển và Hoa Lục giờ đây trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Hồng Kông, có nhiều doanh nhân Hồng Kông có cơ sở hay giao thương với Hoa Lục. Số này tỏ thái độ hợp tác với Bắc Kinh, với Đảng cộng sản Trung Quốc nhưng vẫn có một sự dè chừng và thái độ dè chừng đó đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân Hồng Kông.

Thành thử kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc không là sự kiện mà dân Hồng Kông hoan hỉ đón mừng, hay là họ cảm thấy dễ hòa đồng với tinh thần lễ hội đó cho dù Hồng Kông là một phần lãnh thổ Trung Quốc từ 1997. Đặc biệt hơn nữa với luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt từ một năm nay dân chúng Hồng Kông lại càng phải thận trọng hơn rất nhiều và không còn mấy ai dám mạnh mẽ bày tỏ chính kiến. 

RFI : Thái độ dè chừng đó được thể hiện một cách cụ thể ra sao ?

Jean-Pierre Cabestan : Thái độ thận trọng đó bắt nguồn từ 2020, mọi người không còn dám công khai bày tỏ quan điểm chính trị Hồng Kông. nhưng đừng quên rằng trong hai đợt bầu cử gần đây nhất hồi 2016 và 2019, có từ 55 đến 60 % cử tri bỏ phiếu ủng hộ các ứng viên dân chủ. Do vậy chúng ta có thể thẩm định rằng đa số công luận ở đây không có thiện cảm với Đảng cộng sản Trung Quốc, họ không đồng chí hướng với đường lối của đảng này, và không diễn giải như Bắc Kinh về mô hình "một quốc gia hai chế độ" mà ở đó những quyền tự do càng lúc càng bị bót ngạt.

Dân Hồng Kông lo ngại về tương lai chính trị do Hoa Lục đang áp đặt. Công luận tại đây từng hy vọng Trung Quốc rồi đây sẽ cởi mở hơn về mặt chính trị, thậm chí có thể có những tiến bộ trên con đường dân chủ. Nhưng rõ ràng là hiện tại không con mấy ai dám lên tiếng nữa vì họ biết rằng, nói ra lã sẽ bị khép vào tội lật đổ chế độ, vào tội đòi ly khai chiểu theo luật an ninh quốc gia. Thế rồi, với việc khai tử tờ báo Anh ngữ Apple Daily trong những ngày vừa qua, rõ ràng là tiếng nói đối lập cuối cùng chỉ trích Đảng bặt tiếng luôn. Đó là toàn cảnh chính trị mà giờ đây dân Hồng Kông phải thích nghi. 

RFI : Trong trung hạn và nhìn xa hơn một chút nữa tương lai Hồng Kông đi về đâu ? Tôi muốn nói đến các khía cạnh kinh tế và chính trị ?

Jean-Pierre Cabestan : Tôi nghĩ rằng trước tiên về mặt kinh tế, trong ngắn hạn sự thịnh vượng của Hồng Kông giờ đây tùy thuộc khá nhiều vào tình hình kinh tế ở Hoa Lục, từ cả về tài chính, ngân hàng, chứng khoán… Nếu như tăng trưởng của Trung Quốc mà tươi sáng, thì Hồng Kông cũng được hưởng lợi theo. Nhìn xa hơn, mức độ lệ thuộc đó càng lúc càng lớn và đấy chính là điều khiến dân chúng Hồng Kông lo ngại. Bên cạnh đó thì còn phải tính đến môi trường quốc tế : Hồng Kông có nguy cơ bị kẹt giữa hai làn đạn trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Bắc Kinh với phương Tây.

Về mặt chính trị, theo tôi về ngắn và trung hạn người ta không chờ đợi gì nhiều nhất là ngày nào mà ông Tập Cận Bình còn nắm giữ quyền lực. Bắc Kinh có chiều hướng theo đuổi đường lối cứng rắn hơn. Điều đó khiến dân cư Hồng Kông lại càng phải thận trọng hơn. Tuy nhiên vì những lý do gia đình, tài chính và cả yếu tố tâm lý nữa, không mấy ai có điều kiện để đi khỏi Hồng Kông. Nhưng rõ ràng là càng lúc càng khó để lên tiếng chỉ trích chế độ.

Hệ thống chính trị của Bắc Kinh ngăn cản mọi quyền tự do phát biểu. Nhưng nhìn về tương lai xa, mọi việc có thể thay đổi. Câu hỏi còn lại là khi nào Tập Cận Bình từ bỏ quyền lực, có thể là tự ý hoặc bắt buộc phải ra đi. Chỉ khi đó may ra mới có một sự thay đổi nhưng liệu rằng tình hình bớt căng hơn để cho phép dân Hồng Kông dễ thở hơn hay không ? Chúng ta cần thận trọng bởi vì tôi nghĩ trong một thời gian dài nữa, toàn cảnh chính trị Hồng Kông không có gì thay đổi.

Thanh niên Hồng Kông đang rất lo lắng cho tương lai và phần lớn trong số này ý thức được rằng tương lai của họ được đặt ở Hoa Lục nhưng giới trẻ Hồng Kông không mấy hào hứng sang đấy làm việc mà đơn giản là ở Hoa Lục, người ta không được dùng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram… mà đó là lại là điều kiện cơ bản trong mắt thanh niên Hồng Kông.

RFI : Xin một câu hỏi chót : Bắc Kinh đang tính toán những gì cho Hồng Kông ?

Jean-Pierre Cabestan : Tôi cho rằng trong nhãn quan của Đảng cộng sản Trung Quốc, tương lai Hồng Kông rồi đây sẽ hoàn toàn gắn liền với Hoa Lục. Trên nguyên tắc đến năm 2047 quy chế "một quốc gia hai chế độ" sẽ không còn tồn tại. Hồng Kông sẽ là một thành phố như bao thành phố khác của Trung Quốc.

Chắc chắn về mặt chính trị, Hồng Kông sẽ hoàn toàn phải hội nhập với Hoa Lục, thế nhưng về kinh tế và luật pháp có thể hy vọng rằng Hồng Kông vẫn có một chỗ đứng riêng và tương đối tự do hơn nơi khác, bởi vì Trung Quốc cũng cần Hồng Kông là địa bàn mà vốn đầu tư quốc tế được tự do lưu thông. Về mặt pháp lý, khác với ở Hoa Lục, Hồng Kông tiếp tục theo truyền thống thông luật được chính quyền thuộc địa Anh lập ra cho dù nguyên tắc này đã bị bộ luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt giới hạn đáng kể.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 01/07/2021

**********************

Trung Quốc nhấn mạnh chiến thắng Covid-19 nhân kỷ niệm 100 năm Đảng cộng sản

Thụy My, RFI, 29/06/2021

Thứ Năm 01/07/2021 là ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng những hoạt động rầm rộ đã bắt đầu. Từ tối thứ Hai 28/06, một buổi diễn văn nghệ hoành tráng do Tập Cận Bình chủ trì đã diễn ra tại sân vận động Olympic, dành cho một công chúng chọn lọc, an ninh được tăng cường.

100nam3

Buổi trình diễn tại Bắc Kinh, ngày 28/06/2021, trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc.  AP - Ng Han Guan

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

"Cho đến phút cuối cùng, chương trình kỷ niệm 100 năm thành lập vẫn được giữ bí mật. Những tin nhắn đầu tiên đến tối Chủ Nhật mới được gởi bằng WeChat cho các nhà báo đã được đăng ký, thông báo về một màn diễn mang tên "Trường Chinh".

Những ai tham dự phải được tiêm chủng, làm lại xét nghiệm PCR và ngủ đêm tại một khách sạn đã chỉ định, trước khi được đưa đến sân vận động tổ chim. Zero Covid được bảo đảm đến ba lần cho dịp kỷ niệm này. Sân vận động Olympic ở phía bắc Bắc Kinh hoàn toàn được phong tỏa, cũng như những con đường xung quanh quảng trường Thiên An Môn, nơi diễn ra một phần buổi lễ. 

Người dân Bắc Kinh dường như đã quen thuộc với những lễ hội tốn kém và bị hạn chế di chuyển. Một cư dân ở phía bắc Bắc Kinh vừa ra khỏi phòng tập thể thao nói : "Đó là để kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Họ sẽ nhảy múa và hát hò, nhưng chúng tôi không thể tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập" - người này vừa cười vừa nhắc lại.

"Đừng nói gì, hãy kín đáo". Đó là ngày Chủ Nhật, ở lối ra một nhà thờ Tin Lành. Các địa điểm thờ tự và một số quán karaoke phải đóng cửa trong thời gian lễ hội. Những người bán hàng trên mạng nói với hãng tin Reuters là họ không có quyền gởi các loại hàng như bình gas và các sản phẩm dễ cháy cho các khách hàng ở Bắc Kinh, cho đến khi có lệnh mới".

Buổi diễn không được truyền hình trực tiếp, nhấn mạnh vào sự phục hồi của Trung Quốc sau khủng hoảng Covid-19. Chiến thắng trước virus được coi là thắng lợi trong việc tổ chức của Đảng cộng sản, chiếm một vị trí đặc biệt trong chương trình, với các nghệ sĩ mang trang phục bảo hộ và những người lính đeo khẩu trang.

Các nghệ sĩ vung cao nắm tay chiến thắng trong các cảnh sân khấu hóa lịch sử Trung Quốc cộng sản, từ buổi họp đầu tiên trong tô giới ở Thượng Hải năm 1921 đến cuộc trường chinh của Mao. Góp sức cho các hoạt cảnh là giàn kèn trompette 100 chiếc, điểm tô thêm lời chào của các phi hành gia Trung Quốc từ vũ trụ. Chân dung các nhà lãnh đạo quan trọng được chiếu trên màn hình lớn, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình. Pháo bông thắp sáng bầu trời đêm dù lâu nay bị cấm ở Bắc Kinh, hàng ngàn khán giả tập trung quanh sân vận động để thưởng lãm.

AFP ghi nhận đảng đã cố tình bỏ qua những chương đen tối nhất trong lịch sử : nạn đói khủng khiếp và thanh trừng trong Cách mạng văn hóa, vụ thảm sát Thiên An Môn, phong trào đấu tranh dân chủ Hồng Kông.

Nga và Trung Quốc gia hạn hiệp ước hữu nghị thêm 5 năm

Hôm 28/06/2021, Moskva và Bắc Kinh loan báo gia hạn thêm 5 năm bản hiệp ước hữu nghị và hợp tác có từ 20 năm qua, trong lúc quan hệ với phương Tây đang căng thẳng. Nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc qua video, tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, các hiệp định kiểm soát vũ khí bị ngưng và xung đột tiềm năng tại nhiều nơi trên thế giới.

Quan hệ giữa Nga với Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang xuống đến mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh, chủ yếu do Nga chiếm Crimée của Ukraina và can thiệp vào bầu cử Mỹ. Còn Trung Quốc đang bị chỉ trích dữ dội vì đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Jean-Pierre Cabestan, Thanh Hà
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)