Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/07/2021

Hào quang Quân đội nhân dân Việt Nam có còn sáng như xưa không ?

Trường Sơn, Yên Khắc Chính, Saigonnhonews

Đi bộ đội : Khi nào thì bị đánh ?

Trường Sơn, RFA, 02/07/2021

Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô hôm 28/6 vừa qua làm dấy lên làn sóng tranh cãi về thực trạng bạo lực trong quân đội ở Việt Nam, mặc cho nguyên do dẫn đến cái chết của anh lính trẻ vẫn chưa sáng tỏ. 

bodoi1

Thanh niên nhập ngũ ở Hà Nội hôm 27/2/2021 - Reuters

Với tính chất biệt lập với xã hội bên ngoài, những gì xảy ra ở bên trong doanh trại quân đội là điều mà nếu chưa từng trải qua thì sẽ rất khó để mường tượng, và câu hỏi mà có lẽ nhiều người đang có hiện giờ đó là khi nào thì bạo lực xảy ra ở trong quân ngũ ?

Đánh lẫn nhau, bị cấp trên đánh, và bị đánh lây

"Lính xích mích đánh nhau cũng có nhiều, vi phạm bị đánh cũng nhiều, bản thân tôi không vi phạm cũng bị đánh vì một đồng đội trong trung đội vi phạm nên toàn bộ trung đội bị đánh".

Một cựu quân nhân) nghĩa vụ (giấu tên vì lý do an toàn) từng đóng quân ở sư đoàn 3, Quân khu 1 nơi Trần Đức Đô từng trải qua ba tháng huấn luyện tân binh cho RFA biết. 

Theo cựu quân nhân này thì tình trạng bộ đội đánh lẫn nhau ít xảy ra hơn so với việc bị cấp trên sử dụng bạo lực, và thường là do xích mích cá nhân hoặc do ma cũ bắt nạt ma mới. 

Cụ thể, đối với tình trạng ma cũ bắt nạt ma nới, cựu quân này giải thích : "Vì sao ma cũ bắt nạt ma mới, vì ông đi trước mình cũng có thể bị các ông khoá trước đánh nên ông đấy tức, nên khi mình vào thì ông ấy kiểu ngày xưa tao bị đánh nên giờ tao đánh mày".

Theo quân nhân này, về hiện tượng cấp trên sử dụng vũ lực với cấp dưới thì thường xảy ra khi một quân nhân vi phạm điều lệnh, và mức độ bạo lực tuỳ thuộc vào hai yếu tố : tính tình của cấp trên và mức độ nghiêm trọng của sự vi phạm. 

"Cũng tuỳ từng người, có thể là người nào cục cằn thì cầm gậy, cầm xẻng đánh còn không thì nắm đấm, chân lên gối, sút". Cựu quân nhân này cho biết thêm. 

Theo những người từng đi nghĩa vụ quân sự, văn hoá trong quân đội là "lấy tập thể rèn cá nhân", một người làm thì cả tập thể phải chịu hậu quả. Điều này lý giải tại sao trong nhiều trường hợp toàn bộ quân nhân trong một trung đội bị đánh chỉ vì một hoặc hai cá nhân vi phạm điều lệnh. 

Một đặc điểm nữa đó là mức độ bạo lực sẽ khác nhau đối với từng đơn vị quân đội. Một cựu quân nhân khác (giấu tên vì lý do an toàn) từng thuộc đơn vị văn công của sư đoàn 3, Quân khu 1 thì cho biết anh chưa từng chứng kiến bạo lực trong thời gian quân ngũ. 

"Chuyện đánh nhau ở trong đó rất là khó, nếu bị phạt thì họ phạt bằng điều lệnh. Ví dụ họ bắt mình tập các bài điều lệnh rất là vất vả, nhiều khi mình chỉ mong họ đấm mình một cái cho nó xong chứ còn tập các bài điều lệnh đấy còn vất vả hơn nhiều". Anh cho biết.

Sự khác biệt này cũng dẫn đến thực trạng chạy chọt để con em mình được chuyển về các đơn vị dễ thở, nhàn hạ thay vì phải vào các đơn vị vất vả hơn, theo một cựu quân nhân cho RFA biết. 

https://youtu.be/rGMK9S-FxSw

Tại sao không khiếu nại khi bị đánh ?

Theo các cựu quân nhân nghĩa vụ, trong quân đội có các cơ chế để khiếu nại một khi bạo lực xảy ra, nhưng bản thân các cơ chế này lại có những bất cập khiến cho các nạn nhân chùn bước mỗi khi nghĩ đến việc sử dụng. 

"Khiếu nại thì cũng như không, chẳng ai giải quyết cho mình bởi vì mình vi phạm". Một cựu quân nhân nghĩa vụ cho RFA biết.

Theo quân nhân này thì trong thời gian quân ngũ anh đã chứng kiến một đồng đội có ý định khiếu nại, nhưng sau đó phải trải qua một buổi "giảng chính trị", trong đó người này được thuyết phục rằng việc bị đánh là lỗi của bản thân do vi phạm điều lệnh, và kết quả là quân nhân kia đã từ bỏ ý định khiếu nại. 

Một cơ chế nữa cũng khiến cho những người có ý định khiếu nại bỏ cuộc đó là lệnh cấm khiếu nại vượt cấp. Trong trường hợp một quân nhân bị cấp trên hành hung thì người này không được khiếu nại lên cấp cao hơn mà buộc phải thông qua cấp đơn vị của mình.

"Khiếu nại không được vượt cấp, trong một đơn vị đại đội, nếu mình bị cấp trên của mình đánh thì mình không thể lên cấp to hơn báo được mà phải theo phân cấp".

Theo các cựu quân nhân nghĩa vụ, chính vì sự bất cập trong các cơ chế khiếu nại nên nhiều quân nhân đã chọn cách trốn về nhà, khiến bản thân phải đối mặt với nguy cơ bị đưa ra toà án binh vì tội đào ngũ.

Trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video và thông tin về các vụ việc quân nhân bị hành hung khi đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, rất hiếm khi những thông tin này xuất hiện trên báo chí Nhà nước. Điều này đã làm dấy lên những sự lo ngại và bàn tán trên mạng xã hội về tình trạng bạo lực và sự thiếu minh bạch trong quân đội.

Ngày 8 tháng 4 năm 2021, toà án quân sự khu vực Quân khu 9 xét xử sáu cựu quân nhân vì tội hành hung đồng đội, và tuyên án từ hai năm đến ba năm sáu tháng tù. Trong khi đó, Trung tướng Dương Đình Thông, hôm 29 tháng 6 trả lời phỏng vấn của báo Zing khẳng định : "trong quân đội, không có tình trạng đánh nhau, bạo lực mà chỉ có đi làm nhiệm vụ".

bodoi2

Những người lính sau buổi huấn luyện ở Hoà Lạc, ngoại thành Hà Nội hôm 24/7/2015. Reuters

Quân đội cần hành động để giữ uy tín

Trong những ngày qua, sự việc liên quan đến quân nhân Trần Đức Đô tử vong bất thường đã tạo dư luận và nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu có nên tiếp tục gửi gắm con em cho quân đội. 

Gia đình quân nhân Đô nghi ngờ quân nhân này bị đánh đến chết trong khi giới chức quân đội trong các trả lời với báo chí trong nước lại cho rằng không có tác động ngoại lực lên người của Đô. Báo cáo ban đầu xác định Đô chết ở trạng thái treo cổ.

Ông Đinh Kim Phúc, một cựu quân nhân từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam cho RFA biết quan điểm của ông về vấn đề này : 

"Việc của tân binh Đô, lý do bị đẩy lên cao là sự trả lời bất nhất của các chỉ huy trong quân đội đối với gia đình, với dư luận nên mới bị đẩy lên". 

Ông Phúc cũng cho biết các chỉ huy quân đội cần phải giải quyết tất cả các sự việc một cách rõ ràng, nhanh chóng và dứt khoát để tránh dư luận không tốt. 

Theo trang Globalfirepower, một trang web chuyên theo dõi tình hình quân đội của các quốc gia trên thế giới, quân đội Việt Nam hiện có 482,500 quân thường trực, đứng thứ chín trên thế giới về quân số. Việt Nam duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với công dân nam ở tuổi từ 18 đến 25, và đến 27 tuổi đối với các công dân đi học đại học, cao đẳng. Mỗi năm, quân đội Việt Nam tiến hành tuyển quân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba. 

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 02/07/2021

********************

Vụ quân nhân tử vong : Mô típ hành xử quen thuộc của chính quyền với những cái chết bất minh

Yên Khắc Chính, Luật Khoa, 1/07/2021

Ngày nào còn độc quyền chân lý, ngày đó công lý còn bị bắt nạt.

bodoi3

Tang lễ của quân nhân Trần Đức Đô. Ảnh : Đ.X/ Zing News.

Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, sinh năm 2002, đang làm dậy sóng mạng xã hội.

Báo Chính phủ dẫn thông tin từ Phòng Thông tấn Quân sự, Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng mô tả sự việc là một vụ tự tử. Theo đó, Trần Đức Đô bị phát hiện treo cổ chết vào chiều ngày 28/6/2021 khi đang tham gia buổi huấn luyện quân sự ngoài trời.

Vụ việc, như tường thuật, xảy ra vào chiều ngày 28, nhưng phải hai ngày sau, vào chiều 30/6/2021, thông tin mới đồng loạt được báo chí nhà nước đăng tải.

Lý do cho sự chậm trễ, hay chính xác hơn là việc cuối cùng truyền thông nhà nước cũng phải lên tiếng, là vì gia đình nạn nhân đã quay phim, chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội để nêu nghi vấn về cái chết của người thân. Dựa vào các dấu hiệu chấn thương bất thường trên cơ thể của Đô, người nhà tin rằng đây là một vụ giết hại. Các bài viết được lan truyền nhanh chóng khiến dư luận sục sôi.

Đáp lại sự giận dữ của dư luận, chiều 30/6, trang Facebook Thông tin Chính phủ mới đề cập sự việc, với nội dung lấy từ bài viết trên Báo Chính phủ ở trên. Bài viết chỉ tường thuật sự việc từ phía quân đội, không nói gì đến những nghi vấn, bức xúc của người nhà nạn nhân, nhưng lại kết thúc bằng việc khẳng định "cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc".

Tuy đang điều tra, nhiều tờ báo lớn dường như đã sớm có kết luận. Báo Thanh Niên giật tít "Các vết thương trên người quân nhân Trần Đức Đô ‘không có tác động ngoại lực’", dẫn lời của Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1. Ông Thìn "khẳng định không có chuyện quân nhân Trần Đức Đô bị đánh".

Báo Vietnamnet cũng dẫn lời Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, khẳng định "theo đánh giá ban đầu không có việc đánh nhau dẫn đến tử vong".

Báo Dân Trí trong khi đó đăng bài "Xử lý thông tin xấu độc quy chụp vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong". Bài báo dẫn lời của Đại tá Thìn cho biết "các thế lực thù địch đang lợi dụng vụ việc" để dựng "các trang tin giả", "thông tin xấu độc".

Một số ít tờ báo như báo điện tử VTC tường thuật tương đối đầy đủ lời của gia đình nạn nhân, đặt ra rất nhiều dấu hỏi về vụ việc. Theo đó, cha của nạn nhân cho biết từ lúc 17g ngày 28/6, gia đình liên tiếp nhận được các thông tin trái ngược nhau từ phía quân đội : ban đầu là thông báo nạn nhân đột quỵ tại thao trường, 10 phút sau cho biết đang cấp cứu tại bệnh viện, cuối cùng báo là nạn nhân thắt cổ tự tử.

Đáng lưu ý, theo tin của Bộ Quốc phòng do các tờ báo dẫn lại, Trần Đức Đô được phát hiện treo cổ tự tử vào lúc 14g30, sau đó được đưa đi cấp cứu. Đến 15g30 ngày 28/6, Bệnh viện Gang thép, Thành phố Thái Nguyên thông báo nạn nhân đã thiệt mạng.

Vào 17g cùng ngày, gia đình mới được phía quân đội liên hệ, với các thông tin mâu thuẫn như trên.

Cái chết bất ngờ của quân nhân trẻ tuổi Trần Đức Đô khiến dư luận bức xúc không chỉ vì hàng loạt câu hỏi từ phía gia đình nạn nhân chưa được giải đáp.

Nó còn đến từ những thông tin trên mạng xã hội về việc chính quyền tiến hành phong tỏa khu vực gia đình nạn nhân sinh sống, hạn chế truy cập Internet, thậm chí cắt điện tại khu vực. Nhiều người chia sẻ hình ảnh gia đình nạn nhân mua tủ đông để bảo quản thi thể, nhằm lưu giữ bằng chứng cho đến khi họ nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chính quyền.

Những thông tin này đến thời điểm hiện tại chưa thể được kiểm chứng, khi chính quyền và hệ thống báo chí quốc doanh đều không lên tiếng đề cập gì đến nó.

Và đây mới là gốc rễ của mọi vấn đề.

Khi nhà nước nắm giữ độc quyền thông tin, tự cho mình quyền quyết định người dân biết gì và không được biết gì, họ đang nắm độc quyền chân lý.

Một khi chân lý bị độc chiếm – chỉ có những gì một nhóm người nói ra mới được tính là sự thật, mọi thứ khác đều là giả dối – thì công lý luôn bị bắt nạt và trở nên què quặt.

***

Nhiều người liên hệ vụ việc này với văn hóa bắt nạt (bullying culture) rất phổ biến trong quân đội.

Đó là sự liên hệ hợp lý. Môi trường quân đội từ lâu đã có tai tiếng với vấn nạn bạo lực, đặc biệt kiểu "ma cũ bắt nạt ma mới". Đây là vấn đề xuất hiện ở mọi quốc gia, kể cả các nước phát triển như MỹAnhĐức hay Hàn Quốc. Ngoài xâm hại bạo lực, các vụ xâm hại tình dục trong quân đội cũng là vấn đề phổ biến.

Tuy vậy, điểm khác biệt chính yếu là tại các quốc gia trên, những vấn đề này đều được báo chí khai thác mổ xẻ, các chuyên gia độc lập tập trung nghiên cứu, các tổ chức dân sự theo dõi chặt chẽ, và từ đó gây áp lực buộc chính quyền phải hành động để thay đổi.

Dù điều này không đảm bảo công lý đến với mọi trường hợp nạn nhân bị xâm hại, nhưng thể chế này đảm bảo chính quyền và quân đội không đứng trên luật pháp.

Vào năm 2014, Tham mưu trưởng Quân đội Hàn Quốc đã phải từ chức sau khi báo chí thông tin về hàng loạt trường hợp xâm hại bạo hành trong quân đội. Tháng 6/2021, sau sự việc một nữ quân nhân lực lượng không quân tự sát vì bị đồng nghiệp xâm hại tình dục, chỉ huy trưởng lực lượng không quân của nước này cũng đã xin từ chức. Năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Anh phải nộp đơn từ chức sau khi báo chí phanh phui các hành vi quấy rối tình dục của ông đối với phụ nữ.

Tại Việt Nam, chưa có quan chức chính quyền hay lãnh đạo quân đội nào thừa nhận sự tồn tại của văn hóa bắt nạt và xâm hại trong quân đội. Không thừa nhận, dĩ nhiên cũng không bàn đến cách giải quyết.

Liên hệ vụ việc này với văn hóa bắt nạt trong quân đội cũng không thể hiện được bức tranh toàn cảnh vấn đề của Việt Nam.

Cách thức chính quyền phản ứng với cái chết của quân nhân Trần Đức Đô là một mô típ đã lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua với hàng loạt cái chết bất thường trong các trại tạm giam, đồn công an.

Đó là những cái chết mà nghi vấn của người thân chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng, còn chính quyền chỉ việc đưa ra những lời giải thích khó tin, như "tự đâm kéo vào cổ", hay thậm chí là "thắt cổ bằng dây thun quần".

Người ta cũng không thể không liên hệ với vụ tấn công Đồng Tâm xảy ra vào đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/1/2020. Ngay sau sự việc, các phiên bản khác nhau và đầy mâu thuẫn của chính quyền được tung ra. Cùng lúc đó, lực lượng dư luận viên hùng hậu được huy động để dập tắt mọi chất vấn trong dư luận.

Tháng 9/2020, chính quyền đưa những người dân Đồng Tâm ra xét xử chóng vánh và khép lại vụ án, bất chấp hàng loạt nghi vấn vẫn không được giải đáp.

***

Nhiều người đặt niềm tin rằng khác với những vụ việc trước, lần này nạn nhân và gia đình sẽ được trả lại công lý.

Đó là nội dung của nhiều bình luận để lại trên bài viết được đăng ở trang Facebook Thông tin Chính phủ.

Kết quả điều tra như thế nào, dư luận sẽ cần phải kiên nhẫn chờ đợi.

Nếu điều tra xác minh Trần Đức Đô bị đánh đập và giết hại, và những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó có thể xem là một niềm an ủi cho gia đình nạn nhân.

Tuy vậy, vẫn còn đó hàng trăm, hàng ngàn những nạn nhân oan ức, không có nguồn lực lẫn ý chí để đấu tranh cho sự thật, không được dư luận chú ý đến. Công lý đối với họ vẫn là một thứ xa xỉ.

Ngày nào chân lý còn nằm trong tay một nhóm người, ngày đó bất kỳ người dân nào cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt.

Yên Khắc Chính

Nguồn : Luật Khoa, 01/07/2021

************************

Tình nguyện đi bộ đội, nhưng bị đồng đội đánh chết ?

Saigonnhonews, 30/06/2021

Một thanh niên đi bộ đội chưa được một năm thì gia đình được tin anh tự tử. Khi lên đơn vị nhận xác, gia đình phát hiện thân thể anh tím bầm, nhiều nơi còn tụ máu, tạo nghi vấn bất thường về nguyên nhân cái chết. Do vậy, gia đình không đồng ý với kết luận nạn nhân tự tử của đơn vị bộ đội và yêu cầu giải phẫu tử thi tìm nguyên nhân, đòi công bằng cho người thân.

bodoi4

Anh Trần Đức Đô bị nhiều vết thương hiểm ác trên đầu, cổ và ngực dẫn đến cái chết tức tưởi, nhưng vẫn bị cho là tự tử - Ảnh : Facebook Trang Lin’s

Nạn nhân xấu số đó là Trần Đức Đô (sinh năm 2002), con của ông Trần Đức Hội (sinh năm 1980), nhà ở thôn Đa Hội, Phong Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Ông Hội cho biết, đầu năm 2021, Đô viết đơn xung phong đi bộ đội. Sau ba tháng huấn luyện tại Bắc Giang, nửa tháng nay Đô được chuyển đến Tiểu Đoàn 4, Đại Đội 14, Trường Quân Sự Quân Khu 1, đóng tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ông kể : "Khoảng 17h chiều 28/6, tôi có nhận được điện thoại của người xưng là thủ trưởng của cháu gọi đến thông báo cháu bị đột quỵ tại thao trường, đang cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Ngay lập tức, gia đình tôi đi lên đó. Đi được nửa đường, tôi lại nhận được điện thoại, họ hỏi con tôi có mâu thuẫn gì không mà thắt cổ tự tử. Khi đến nơi, tôi thấy thi thể cháu đã lạnh cóng, cứng đơ, tím ngắt".

"Kiểm tra thì thể cháu, gia đình phát hiện đầu cháu có chỗ bị lõm, miệng sưng tím, sau gáy bị phù sưng to chảy máu ; chân tay có dấu hiệu bị trói ; có vết hằn dây thừng ở sau gáy và mồm. Mạn sườn, phần ngực của cháu cũng bị sưng tím, lưng hằn vết dây thừng thắt chặt và bầm tím cộng với nhiều vết thương bầm dập khắp cơ thể".

Ông Hội cho biết thêm, khi đó gia đình được bệnh viện thông báo là Đô tử vong ngoài viện nên bệnh viện không cấp cứu, xác nhận gì. Ông Hội cũng trực tiếp chứng kiến cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi và được thông báo phổi nạn nhân phù nề, có dịch ; cổ và gáy có vết dây thừng ; phế quản và thanh quản sưng, đầu chảy máu, có dịch tràn ở mũi.

Từ những kết luận khám nghiệm tử thi của cơ quan chức năng, gia đình ông Hội khẳng định anh Đô đã bị đồng đội đánh đập đến chết. Ông nói :

"Nhìn các dấu vết trên thi thể cho thấy con tôi bị đánh, thậm chí là bị nhiều người cùng đánh hội đồng dẫn đến thiệt mạng. Tuy nhiên, lúc thì họ nói con tôi bị đột tử, lúc lại nói là tự tử nên gia đình rất bức xúc, cho rằng có người cố tình dựng hiện trường giả nên chúng tôi đề nghị điều tra, làm rõ. Tuy nhiên đến nay, họ chưa hề tới làm việc, có ý kiến trao đổi rõ ràng với gia đình tôi".

Mặc dù những chứng cứ đã cho thấy nghi vấn cái chết của nạn nhân không thể do tự tử gây ra, thế nhưng, Trung Tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, vẫn cho rằng : "Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định là do tự tử. Quân nhân Trần Đức Đô được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ. Sau khi phát hiện vụ việc đã được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong".

Ông Thông cũng biết việc gia đình ông Hội đã quay video, chụp hình đưa lên mạng xã hội, nêu nghi vấn anh Đô có thể bị đồng đội đánh đến chết, nhưng ông Thông vẫn cho rằng "thực tế sự việc không hẳn như thế. Cơ quan pháp y của Công an và Viện hình sự của Bộ Quốc phòng đang vào cuộc điều tra. Quan điểm của tôi là phải điều tra rõ ràng, khách quan".

bodoi5

Trang Facebook đưa tin về cái chết đầy nghi vấn của anh Trần Đức Đô từ gia đình – Ảnh : Facebook Trang Lin’s

Những hình ảnh cùng video được gia đình anh Hội đưa lên facebook đã nhận được nhiều thương cảm và bức xúc của cộng đồng mạng. Rất nhiều người chia sẻ và bày tỏ sự thương xót với gia đình anh Hội khi mất đi một người con. Cộng đồng mạng cũng lên án những kẻ thủ ác, và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc.

Tuy nhiên, nhiều người không tin gia đình ông Hội có thể đòi lại được công lý cho con trai, vì với cách xác định nguyên nhân tử vong của anh Đô là "tự tử" ngay từ đầu của Trung Tướng Dương Đình Thông, nhiều người lo ngại sự việc sẽ bị "chìm xuồng" như những vụ án tương tự.

Nguồn : Saigonnhonews, 30/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trường Sơn, Yên Khắc Chính, Saigonnhonews
Read 670 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)