Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2021

Trung Quốc muốn nhảy vào Afghanistan thay Hoa Kỳ

Minh Anh - Thùy Dương

Afghanistan : Cám dỗ và nỗi lo của Trung Quốc

Minh Anh, RFI, 05/07/2021

Ở đâu Mỹ để trống, ở đó Trung Quốc lấp vào. Công thức này cũng được áp dụng tại Afghanistan. Ông khổng lồ Trung Quốc thèm thuồng dòm ngó những quặng mỏ đất hiếm của quốc gia Trung Á, vào lúc Hoa Kỳ thông báo triệt thoái toàn bộ binh sĩ khỏi lãnh thổ Afghanistan.

afghanistan1

Ảnh tư liệu chụp ngày 18/01/2015 : Thung lũng Mes Aynak, cách Kabul, thủ đô Afghanistan 40 km về phía tây nam, nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản.  AP - Rahmat Gul

Việc Hoa Kỳ thông báo triệt thoái toàn bộ binh sĩ tại Afghanistan đang làm dấy lên nhiều câu hỏi : Liệu đất nước Trung Á này có sẽ lại chìm đắm trong nội chiến như khi Liên Xô rút quân hay không ? Phe Taliban liệu có sẽ tái lập quyền lực của họ ở Kabul, hay một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ được thành lập cùng với các thành viên chính quyền hiện nay ?

Bắc Kinh bắt cá hai tay !

Nhưng với Trung Quốc, việc Hoa Kỳ quyết định thoái lui là một tin tốt lành. Có thể nói Trung Quốc là một số hiếm hoi các nước có thể phát triển thành công các mối quan hệ cả với chính quyền Kabul lẫn với phe Taliban. Ngay từ năm 2018, rồi năm 2019, Trung Quốc đã có nhiều cuộc trao đổi bí mật với các thành viên phong trào theo đạo Hồi toàn thống.

Bắc Kinh chăm chút duy trì một vai trò trong "bộ ba mở rộng", bên cạnh đồng minh Pakistan, cũng như với Mỹ và Nga, nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa phe Taliban và chính phủ Kabul hiện nay. Tháng 9/2020, Bắc Kinh còn đề nghị với lãnh đạo phe Taliban "một chương trình phát triển để đổi lấy hòa bình" thông qua các dự án đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Thậm chí hồi tháng 5/2021, Đảng cộng sản Trung Quốc còn đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Và gần đây nhất, đầu tháng Sáu, ngoại trưởng Vương Nghị đã tổ chức một cuộc họp ba bên với các đồng nhiệm Pakistan và Afghanistan.

Theo nhận định của ông Bradley Bowman - cựu quân nhân quân đội Mỹ và giám đốc Trung tâm nghiên cứu về quyền lực chính trị và quân sự FDD - với Le Figaro, những cuộc đàm phán và cuộc gặp cấp cao với Kabul và các lãnh đạo phe Taliban cho phép Trung Quốc có thể đặt cơ sở ngoại giao và kinh tế với Afghanistan, khi một trong hai bên lên cầm quyền.

Afghanistan : "Mỏ vàng" đất hiếm và đầu tư

Trong nhãn quan của Bắc Kinh, Afghanistan còn là một "mỏ vàng" vô giá cả về kinh tế lẫn chiến lược. Đất đai của xứ Trung Á này giầu nguồn khoáng sản, đặc biệt là phía nam Afghanistan. Theo trang mạng Atalayar, vùng đất phẳng phía nam Afghanistan có nhiều quặng đất hiếm đến mức người ta có thể xem đấy như là nguồn dầu hỏa thế kỷ XXI.

Đây cũng là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho việc sản xuất các linh kiện điện tử hiện diện trong tất cả các loại thiết bị được sử dụng nhiều trong công nghiệp vũ khí. Trung Quốc hiện đã chiếm giữ đến 90% các quặng mỏ trên thế giới về những nguyên tố này, nên việc duy trì vị thế thống trị còn mang lại cho ông khổng lồ Châu Á một lợi thế chiến lược hiển nhiên.

Ngoài ra, với một vị thế địa lý rộng lớn, Afghanistan còn là một miền đất béo bở cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đất nước này cũng là một phần trong dự án "Những con đường tơ lụa mới". Ít nhất có bốn trong sáu mạng lưới của dự án này, trong đó có hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, xuất phát hay băng qua Afghanistan, nối Trung Quốc với Nga, các nước vùng Trung Á, Nam Á, Tây Á và cho đến tận các vùng duyên hải Địa Trung Hải.

Thánh chiến và người Duy Ngô Nhĩ

Sức cám dỗ tại Afghanistan là to lớn, nhưng rủi ro đặt ra cho Trung Quốc không phải là nhỏ. Làm thế nào bình ổn đất nước, nhất là không để Afghanistan biến thành nơi tụ họp của các mạng lưới thánh chiến khu vực và quốc tế vào thời hậu chiến ? Quả thật, những mạng lưới này có nhiều nguy cơ lan rộng đến tận vùng Tân Cương, có đa số sắc tộc Hồi giáo, nằm ở phía tây Trung Quốc và có thể làm tổn hại đến dự án "Những con đường tơ lụa mới".

Bắc Kinh đặc biệt lo ngại Donald Trump rút Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM) ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế hồi tháng 11/2020, và việc Mỹ rút quân có thể tạo thuận lợi cho các nhóm thánh chiến tại tỉnh Badakhshan, và nhất là tại hành lang Wakhan, triển khai hoạt động trở lại tại vùng biên giới với Tân Cương Trung Quốc. Đây chính là khu vực Bắc Kinh bị cáo buộc giam hãm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, nhằm ngăn chặn những người được cho là "mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan" thông qua các chương trình gọi là cải huấn.

Câu hỏi đặt ra : Trước những bất ổn an ninh khó lường, liệu rằng Bắc Kinh có thể đi xa hơn, thay chân Mỹ và NATO triển khai "các lực lượng gìn giữ hòa bình" tại Afghanistan nhằm bảo vệ những lợi ích kinh tế to lớn và tầm ảnh hưởng của mình tại quốc gia Trung Á này, nhưng cũng nhằm tránh cho xung đột tại Afghanistan có thể lan sang lãnh thổ mình ? Giới quan sát cho rằng, một kịch bản như vậy luôn đồng nghĩa với một thảm họa cho các siêu cường.

Financial Times nhắc nhở : Từ cổ chí kim, Afghanistan luôn là "mồ chôn các đế chế" !

Minh Anh

Nguồn : RFI, 05/07/2021

********************

Afghanistan : Dân chúng hoảng loạn trước đà tiến nhanh của quân Taliban

Minh Anh, RFI, 05/07/2021

Chưa đầy ba tháng nữa là đến kỳ hạn rút hết binh sĩ nước ngoài khỏi Afghanistan, quân Taliban tiếp tục đánh chiếm, mở rộng kiểm soát các vùng, tăng cường tấn công nhắm vào tỉnh Badakhshan ở đông bắc, cũng như xung quanh thủ phủ tỉnh Kandahar ở phía nam.

afghanistan2

Người dân Afghanistan chạy đến huyện Panjwai, tỉnh Kandahar, để lánh nạn ngày 04/07/2021, sau khi quân Taliban chiếm một huyện khác của tỉnh này. AFP – Javed Tanveer

Tình hình an ninh mỗi lúc bất ổn, vào lúc liên quân tiếp tục chiến dịch triệt thoái trước khi đến kỳ hạn rút hết toàn bộ lính Mỹ và NATO là ngày 11/09/2021. 

Từ Kabul, thông tín viên đài RFI Sonia Ghezali tường thuật : 

"Có tin đồn rằng tỉnh Badakhshan dường như sắp rơi vào tay phe Taliban, nhưng nhà chức trách Afghanistan bác bỏ tin này. Trên các trang mạng xã hội, nhiều đoạn vidéo cho thấy hàng chục chiến binh Taliban, ngồi trên xe cảnh sát vẫy cờ mừng chiến thắng. Người ta thấy những nhóm người có vũ trang diễu hành cùng với các thiết bị quân sự mà họ đã chiếm được.

Thật khó mà xác minh được tính xác thực của những hình ảnh này. Nhưng lời kể của những người dân chạy trốn những huyện đã rơi vào tay phe nổi dậy chứng thực cho những hình ảnh đó. Tại miền nam Afghanistan, vòng vây đang siết chặt thủ phủ tỉnh Kandahar. Phe Taliban đã kiểm soát được huyện Panjwai trong vài giờ qua.

Theo truyền thông địa phương, phe nổi dậy dường như đã chiếm được khoảng một chục huyện chỉ trong vòng 24 giờ. Đà tiến như vũ bão của phe Taliban gây hoảng loạn trong dân chúng. Một nhạc sĩ trẻ tuổi ở Kabul cho biết anh vô cùng lo sợ trước đà tiến nhanh của Taliban. Anh cho biết sẽ chạy lánh nạn sang Pakistan láng giềng bằng đường bộ nếu như Taliban chiếm được toàn bộ một tỉnh.

Mặt tái nhợt, anh nhớ lại quân Taliban, theo đạo Hồi toàn thống, khi cầm quyền tại Afghanistan trước đây, đã từng cắt tai các nhạc sĩ" ;

Hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan bỏ trốn sang Tadjikistan 

AFP trích dẫn thông cáo của Ủy Ban Nhà Nước về An ninh Quốc gia Tadjikistan ngày 05/07/2021, khẳng định "1.037 binh sĩ quân đội Afghanistan đã thoái lui và chạy sang Tadjikistan để giữ mạng sống của mình sau nhiều trận giao tranh với phe Taliban". 

Thông cáo nêu rõ, "các chiến binh Taliban đã giành quyền kiểm soát toàn bộ" 6 huyện của tỉnh Badakhshan, đông bắc Afghanistan, khu vực có chung 910 km đường biên giới với Tadjikistan. 

Minh Anh

***********************

Mỹ và NATO đã rút hết quân khỏi căn cứ không quân Bagram, Afghanistan

Thùy Dương, RFI, 03/07/2021

Toàn bộ quân Mỹ và NATO hôm 02/07/2021 đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất ở Afghanistan được đặt dưới sự quản lý của quân đội Hoa Kỳ. Phe Taliban nói "vui mừng" về việc các lực lượng nước ngoài rời khỏi căn cứ Bagram, vốn là cột trụ trong các chiến dịch của quân Mỹ trong suốt cuộc chiến bắt đầu từ năm 2001 tại Afghanistan.

afghanistan3

Lính Mỹ đang chuyển một máy bay trực thăng Blackhawk lên phi cơ C-17, căn cứ Bagram, Afghanistan, ngày 16/06/2021.  AFP – Corey Vandiver

Cũng trong ngày 02/07, phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki, thông báo Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan trước cuối tháng 08/2021.

Từ Kabul, thông tín viên Sonia Ghezali giải thích :

"Việc rời căn cứ không quân Bagram là một chặng quan trọng trong quá trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, một chặng mang tính biểu tượng cao. Căn cứ Bagram là một khu phức hợp cực kỳ lớn, bao quanh là các bức tường chống nổ và phủ hàng rào dây thép gai. Căn cứ nằm cách thủ đô Kabul 50 km về phía bắc và là căn cứ lớn nhất do Mỹ quản lý ở Afghanistan. Đó là nơi đồn trú của 30.000 binh lính và nhân viên dân sự của Mỹ cũng như các lực lượng của NATO vào thời kỳ các chiến dịch của họ được triển khai ở mức cao nhất.

Ở những khu làng lân cận, người dân tỏ thái độ cay đắng về sự ra đi của quân đội Hoa Kỳ. 20 năm sau khi quân Mỹ can thiệp vào Afghanistan, đất nước này dường như đang bên bờ vực của sự hỗn loạn. Taliban thực sự đang tiến tới với một tốc độ khủng khiếp. Từ vài ngày nay, họ đã cố gắng chiếm được thủ phủ của một số tỉnh.

Theo một số nguồn tin, quân nổi dậy đã chiếm các đồn biên phòng ở biên giới với Tajikistan và có thể sớm giành quyền kiểm soát biên giới với Uzbekistan. Taliban cho thấy rõ ràng là họ có lợi thế so với lực lượng an ninh Afghanistan, lực lượng sẽ lâm cảnh đơn độc chỉ sau chưa đầy ba tháng nữa".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thùy Dương
Read 529 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)