Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/07/2021

Ngành y tế có muôn cách hành dân trong mùa đại dịch

Nguyễn Huỳnh - Tỷ Huỳnh

‘Giấy âm tính’ : thêm thủ tục trắng trợn moi tiền dân chúng 

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 07/07/2021

Tuy không có giá trị về mặt dịch tễ, phòng chống dịch Covid-19 nhưng nó làm giàu cho các cơ quan đang nắm quyền xét nghiệm. Đó mới chính là giá trị thật của giấy xét nghiệm.

positif1

Toàn bộ người đi, về, đến Đồng Nai từ Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Rất đơn giản, về chuyên môn khi virus xâm nhập cơ thể ở giai đoạn ủ bệnh xét nghiệm chưa thể phát hiện, nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm và phát tán – có nhiều F1 âm tính, nhưng F2, F3 dương tính là lý do này. Bởi vì điều này cho nên phiếu trả lời kết quả xét nghiệm đều có thêm câu "kết quả này có giá trị tại thời điểm lấy mẫu" chớ không phải 24 giờ hay 7 ngày gì ; có nơi còn kỹ hơn lại thòng thêm câu "Kết quả chỉ có giá trị trên mẫu thử", nghĩa là mẫu họ lấy họ chịu trách nhiệm kết quả đó, mẫu nơi khác lấy test lại họ không chịu trách nhiệm, bởi vì có sai số cho phép trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm.

Ngày 29/6, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản 6180 quy định từ 0g sáng 5/7, toàn bộ người đi, về, đến Đồng Nai từ Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Tương tự ngày 4/7, UBND thành phố Dĩ An, là địa bàn giáp ranh Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng quyết định áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 kể từ 0g ngày 5/7. Người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai muốn vào Dĩ An, Bình Dương phải xét nghiệm âm tính.

Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 12 giờ ngày 5/7, tỉnh này đã yêu cầu các chốt kiểm tra khai báo y tế trên quốc lộ 51, 55 và 56 kiểm tra tất cả người dân từ tỉnh khác vào địa phương này phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.

Danh sách địa phương cần tờ giấy ‘âm tính’ này đang được bổ sung : kể từ 0g ngày 6/7, chính quyền tỉnh An Giang yêu cầu người về từ vùng áp dụng chỉ thị số 15 phải có kết quả test nhanh Covid-19 trong 24 giờ hoặc test nhanh trực tiếp tại chốt (có thu phí).

Kể từ 0g ngày 9/7, tất cả công dân (kể cả công dân thành phố Cần Thơ) khi đi qua các chốt kiểm soát dịch vào cửa ngõ thành phố Cần Thơ phải cung cấp kết quả xét nghiệm hoặc test nhanh âm tính với SARS-CoV-2. Tương tự còn có Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre…

Vậy là để có thể đi vào tỉnh, thành kể trên, nhiều người dân đổ xô đi xét nghiệm Covid-19 để lấy giấy ‘thông hành’. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.

Tại một số bệnh viện công, giá xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu là từ 238.000 – 350.000 đồng/mẫu đối với test nhanh, và 734.000 đồng/mẫu đối với xét nghiệm PCR. Còn tại các bệnh viện tư nhân, xét nghiệm PCR có giá từ 1,3 đến 4 triệu đồng/mẫu tùy bệnh viện.

Về thời gian có kết quả xét nghiệm, tùy thời điểm và tùy cơ sở y tế, trung bình mỗi người mất khoảng 30 – 60 phút đối với test nhanh, và từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ với xét nghiệm PCR.

Phía xét nghiệm nói rằng kết quả mẫu chỉ có giá trị cụ thể ở lần xét nghiệm đó, và thời gian giá trị được người ta tự định có thể rằng tối đa là 48 tiếng, nếu như người ấy không tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.

Điều này cho thấy ngay cả giải pháp số hóa kết quả xét nghiệm, ví dụ như một người xét nghiệm sẽ cấp được 1 mã số như mã QR, để họ có thể đi bất cứ đâu thì quản lý nào cũng kiểm tra được, để ứng xử phù hợp… mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, chủ yếu là nhằm phục vụ yêu cầu thống kê y tế, không có ý nghĩa về giá trị giúp người dân giảm bớt thủ tục hành chánh.

Nhầm lẫn tệ hại khác là về lý thuyết lẫn thực tế rằng sau khi test xong, có giấy xong, phía chính quyền một số địa phương tự cho rằng giấy có giá trị 3-5 ngày.

Đây là điều ngớ ngẫn về Covid-19, bởi rất đơn giản, ngay khi xét nghiệm xong và trong thời gian ngồi chờ nhận kết quả, người đó có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc người chung quanh, vì xét nghiệm không phải là chích ngừa, và hoàn toàn có khả năng lây sang người khác. Điều đó cho thấy giấy xét nghiệm là vô giá trị, nhưng các khoản chi phí tốn kém cho đôi bên là có thật.

Tệ hơn, khi thủ tục hành chánh mà người dân muốn có tờ giấy này gây tốn kém về tiền bạc từ vài trăm đến vài triệu đồng/ lần xét nghiệm lẫn thời gian, công sức như xếp hàng với đe dọa lây lan dịch bệnh, chạy đôn chạy đáo tìm nơi làm xét nghiệm, 3-5 ngày làm một lần…

Tệ nhất, nếu không phải là một thứ giấy phép con cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa thì gọi đó là gì ? Báo chí đăng Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra chủ trương không "ngăn sông cấm chợ", nhưng rồi ở cuộc họp hôm 5/7 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, lại đưa ra yêu cầu về tờ giấy xét nghiệm này theo cách hiểu của phòng dịch lây lan…

(Có ý kiến, chắc ông Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 Vũ Đức Đam suy luận từ việc thấy các nước khi nhập cảnh đòi hỏi giấy âm tính trong 24 – 48 giờ nên vận dụng làm theo ở phạm vi địa giới hành chánh !?).

Lưu ý, một phân tích công bố trên PLoS ONE  cho thấy tỉ lệ âm tính giả trong xét nghiệm Rt-PCR có thể dao động trong khoảng 9% đến 19%, với trung bình là 13%.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 07/07/2021

************************

Dân "kêu trời vì bị giấy xét nghiệm Covid-19… hành

Tỷ Huỳnh, VOV, 07/04/2021

Giá trị thời hạn sử dụng của "giấy thông hành" Covid-19 được mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu khiến nhiều người dân bức xúc vì quá tốn kém.

Sau khi nhiều tỉnh, thành ở phía Nam ban hành quy định phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào địa phương, khiến nhiều bệnh viện vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh trở nên quá tải, do lượng người đến xét nghiệm quá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, giá trị thời hạn sử dụng của "giấy thông hành" này được mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu khiến nhiều người dân bức xúc vì quá tốn kém.

positif2

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh rồng rắn xếp hàng làm thủ tục xét nghiệm Covid-19 để ra vào các tỉnh thành lân cận, tại điểm trường mầm non Tam Phú, Thành phố Thủ Đức.

Áp lực cho bệnh viện

Sau hơn 1 giờ đồng hồ mở cửa trở lại, điểm test nhanh Covid-19 của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đặt tại Trường mầm non Tam Phú trở nên quá tải. Từ ngoài cổng trường đến sân trường ở phía trong, hàng trăm người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng làm việc các tỉnh giáp ranh và ngược lại, rồng rắn xếp hàng, ngồi chờ xét nghiệm. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít các nhân viên y tế khá vất vả khi vừa tiếp nhận làm thủ tục, vừa sắp xếp bố trí chỗ ngồi cho người dân và liên tục nhắc mọi người giữ khoảng cách an toàn.

Do sáng nay, bệnh viện tạm ngưng tiếp nhận người dân để bố trí điểm xét nghiệm mới rộng rãi hơn, thông thoáng hơn tránh ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh như hôm qua, nên không ít người phải xin nghỉ việc cả ngày để test nhanh Covid-19.

positif3

Ngoài cổng và trong sân điểm test nhanh Covid-19 của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đều rất đông người dân ngồi chờ đến lượt lấy mẫu.

Chị Hoàng Thị Minh Thùy ngụ Thành phố Dĩ An, Bình Dương làm việc tại một công ty ở phường Linh Tây, Thành phố Thủ Đức cho biết: Xếp hàng chờ 3 tiếng đồng hồ rồi mà tôi vẫn chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Hôm nay tôi phải nghỉ việc để làm giấy xét nghiệm Covid-19 để trở về nhà. Tôi thấy rất mất thời gian, công sức và tiền bạc nữa. 

Còn tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông lượng người tới xét nghiệm nhanh Covid-19 trong hôm nay cũng khá đông. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ hôm qua, bệnh viện đã chuẩn bị nhân sự đảm bảo công tác trật tự, xếp hàng nên không còn xảy ra tình trạng người dân chen lấn, đảm bảo khoảng cách.

positif4

Do lượng người đến xét nghiệm quá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Bác sĩ Trương Hoàng Việt, Giám đốc bệnh viện Quân dân y Miền Đông cho biết tình trạng người dân đến test nhanh Covid-19 đang là áp lực đối với bệnh viện.

"Thực sự bây giờ đó là áp lực cho bệnh viện. Hôm qua đông hơn do là ngày đầu tiên các tỉnh thành áp dụng quy định trên và là ngày đầu tuần nên bệnh viện có bị động, không lường trước sẽ xảy ra tình trạng như vậy. Hôm nay, bệnh viện Quân dân y Miền Đông phải đóng cửa. Ngoài cổng bố trí lực lượng bảo vệ phối hợp với công an điều tiết, hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách và ghi phiếu hẹn theo khung giờ khác nhau", bác sỹ Việt cho hay.

Muôn kiểu "hành" dân

Phải mất khá nhiều thời gian xếp hàng, ngồi chờ và tốn khoảng 300.000 – 500.000 đồng (tùy bệnh viện) người dân mới có được giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, để qua các chốt kiểm dịch của các địa phương. Thế nhưng "giấy thông hành" chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 3 ngày đối với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu là 5 ngày và Đồng Nai là 7 ngày, tính từ ngày có kết quả xét nghiệm. 

positif5

Dấu vuông được Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đóng xác nhận vào tờ kết quả xét nghiệm cho người dân.

Gọi là test nhanh Covid-19, nhưng nhiều bệnh viện phải mất một buổi mới trả kết quả. Trường hợp đến xét nghiệm buổi chiều thì sáng hôm sau người dân mới nhận được kết quả. Điều đáng nói, phiếu trả lời kết quả xét nghiệm lại ghi theo thời gian lấy mẫu, hiển nhiên "giấy thông hành" bị mất 1 ngày giá trị sử dụng, chỉ được dùng trong 2 ngày.

Chị Nguyễn Thị Hiếu Hạnh, ở Thành phố Hồ Chí Minh làm việc tại Thành phố Dĩ An, Bình Dương (xét nghiệm tại bệnh viện Thành phố Thủ Đức) cho biết : "Để có giấy này, ngày hôm qua tôi phải nghỉ việc một buổi chiều để xếp hàng chờ đợi. Kết quả thì hẹn đến sáng hôm nay mới có, mà lại ghi ngày hôm trước (5/7). Trong khi tờ giấy chỉ sử dụng được có 3 ngày mà mất phí hết 440.000 đồng. Không biết một tháng sẽ phải tốn bao nhiều tiền để ra vào Dĩ An, Bình Dương".

positif6

Anh Hà Văn Đại mất thêm một buổi chiều để quay trở bệnh viện để xin mộc dấu tròn, do chốt kiểm dịch Bình Dương - Bình Phước không chấp nhận dấu vuông.

Quy định có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính là sẽ được vào địa phương nhưng điều này cũng không chắc chắn, khi mỗi nơi quy định mỗi kiểu. Anh Hà Văn Đại tài xế ở Thành phố Hồ Chí Minh thường đi giao hàng các đến các tỉnh Tây Nguyên cho biết, hôm qua ngay sau khi đọc được thông tin bắt buộc phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào các tỉnh, anh đã chủ động đi làm xét nghiệm.  Sáng nay anh Đại và nhiều tài xế khác đã chuẩn bị giấy "thông hành" nhưng vẫn không được qua chốt kiểm dịch của tỉnh Bình Dương – Bình Phước, phải quay xe ngược trở lại.  

Theo anh Đại, lý do không được qua chốt mà lực lượng chức năng giải thích là do bệnh viện sử dụng dấu vuông của khoa khám bệnh đóng vào tờ kết quả xét nghiệm, còn địa phương thì yêu cầu dấu tròn.

"Khi có quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, tôi cũng chỉ biết đến bệnh viện Thành phố Thủ Đức để xét nghiệm. Nhưng bệnh viện lại đóng dấu vuông, khi đi đến chốt kiểm dịch Bình Phước với Bình Dương thì họ lại yêu cầu phải có dấu tròn của bệnh viện. Đi làm xét nghiệm tốn gần 450.000 đồng, chờ mất một ngày, trục trặc như hôm nay nữa chạy đi chạy về hết 2 ngày. Nào là tiền xăng dầu, tiền đóng 6 trạm thu phí cả đi và về, thiệt hại rất nhiều", anh Đại bức xúc.

Biết rằng quy định xét nghiệm Covid-19 để lấy "giấy thông hành" trên là nhằm mục đích kiểm soát, hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh. Thế nhưng, quy định này vô hình chung lại tạo áp lực và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho các bệnh viện. Chưa kể, mỗi địa phương lại quy định mỗi kiểu đang gây tốn kém, phiền hà cho người dân. Lợi đâu chưa thấy nhưng dân đã thấy… phiền.

Tỷ Huỳnh

Nguồn : VOV-TPHCM, 07/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huỳnh, Tỷ Huỳnh
Read 429 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)