Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/07/2021

Học thuyết Biden : Dân chủ, độc tài và cuộc cạnh tranh định hình thời đại

Hal Brands

Trong chuyến thăm Châu Âu gần đây trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh chủ đề chính trong chính sách ngoại giao của mình. Theo ông, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là một phần của cuộc đấu quy mô lớn chống lại các "nhà độc tài" để chứng minh "tính cạnh tranh của các nền dân chủ trong thế kỷ 21 đầy biến động". Nó không chỉ là lời nói suông. Biden đã liên tục lập luận rằng thế giới đã đi đến "bước ngoặt" phân định việc thế kỷ này sẽ là thế kỷ mà dân chủ sẽ thống trị hay là thời đại mà các nền chuyên chế trỗi dậy. Biden dự báo rằng các nhà sử học tương lai sẽ "viết luận án tiến sĩ phân tích ai thành công, các nền độc tài chuyên chế hay các nền dân chủ ?".

biden1

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, khi đó là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ở Wilmington, Delaware, tháng 10 năm 2020 - Brian Snyder / TPX Hình ảnh trong ngày / Reuters

Trước giờ Biden không luôn có thế giới quan như vậy. Hồi năm 2019, ông bác bỏ lập luận rằng Trung Quốc là đối thủ lớn, đừng nói đến việc Trung Quốc là đầu tàu cho những thách thức hệ tư tưởng của thời đại này. Nhưng tuyên bố của ông rằng sự cạnh tranh trọng tâm nhất của thời đại là sự cạnh tranh giữa hệ thống dân chủ và chuyên chế tỏ ra là một tuyên bố thật lòng, và điều này có hệ quả rộng khắp với chính sách ngoại giao và địa chính trị của Mỹ.

Với chính quyền Biden, suy nghĩ này đang tác động đến động lực của quan hệ giữa Mỹ và các đối thủ chính cũng như những gì sẽ bị ảnh hưởng bởi điều đó. Suy nghĩ này liên kết cạnh tranh nước lớn với việc phục hồi nền dân chủ Mỹ và cuộc chiến chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, như tham nhũng và đại dịch Covid-19. Và nó hướng Mỹ đến một đại chiến lược thực thụ nhằm củng cố sức mạnh của các nền dân chủ chống lại những mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà các nền dân chủ phải đối mặt trong nhiều thế hệ.

Câu hỏi bây giờ là nếu chính quyền Biden có thể biến viễn kiến này thành hiện thực hay không. Biden đã xác định thách thức chiến lược mang tính định hình thế kỷ 21, nhưng các vấn đề, dù mang tính hệ thống hay tự tạo, đều là các vấn đề nan giải.

Một thế giới an toàn cho chủ nghĩa chuyên chế

Tổng thống Donald Trump đã hướng Washington vào cạnh tranh nước lớn, nhưng Biden đã đặt vấn đề đó trong một bộ khung chiến lược lớn hơn. Trước khi thế giới bị nhấn chìm bởi đại dịch, Trump chủ yếu xem cạnh tranh Mỹ – Trung như một cuộc xung đột thương mại. Trong khi đó, Biden coi cạnh tranh giữa hai bên là một phần của "cuộc tranh luận mang tính nền tảng" giữa những ai tin rằng "chủ nghĩa chuyên chế là hướng đi tốt nhất" và những ai tin rằng "dân chủ sẽ thắng và phải thắng".

Cộng đồng các nước dân chủ phải đối mặt với ba thách thức có liên quan lẫn nhau. Thứ nhất là mối đe dọa từ các nền chuyên chế như Nga và đặc biệt là Trung Quốc. Các quốc gia nói trên đang cạnh tranh quyền lực với Mỹ trên khắp thế giới và đe dọa các nền dân chủ từ Đông Âu đến eo biển Đài Loan. Những thách thức này mang tính tư tưởng lẫn địa chính trị. Các mô hình chính trị trong nước sản sinh ra các phiên bản khác biệt trên trường thế giới. Nga và Trung Quốc muốn làm suy yếu, phân mảnh, và thay đổi hệ thống quốc tế hiện hữu bởi vì các quy tắc tự do nền tảng đối nghịch hoàn toàn với cách điều hành phi tự do của họ. Mối nguy sẽ đến từ việc Moskva và Bắc Kinh biến thế giới trở nên an toàn cho các nhà độc tài theo những cách sẽ làm thế giới trở nên nguy hiểm cho các nền dân chủ.

Nga đang dùng việc tấn công mạng và tung tin giả nhằm gây bất ổn và xung đột nội bộ trong các nền dân chủ, ngay lúc mà các xã hội tự do ngày càng trở nên phân cực. Trung Quốc thì đang dùng sức mạnh kinh tế để trừng phạt sự chỉ trích, hay nói cách khác là tự do ngôn luận, đến từ các nền dân chủ từ Châu Âu đến Úc, cung cấp cho các nhà độc tài dụng cụ và phương pháp đàn áp, và viết lại luật lệ của các tổ chức quốc tế để bảo vệ và thậm chí ưu ái chủ nghĩa chuyên chế. Nguy hiểm hơn là việc Bắc Kinh chi tiêu rất nhiều cho các công nghệ nền tảng, như 5G và trí thông minh nhân tạo, để truyền bá ảnh hưởng chuyên chế của Trung Quốc và giúp họ dẫn trước các đối thủ dân chủ. Nói tóm lại là một thế giới được dẫn dắt bởi các nhà độc tài quyền lực và hung hăng sẽ là một thế giới "tồi tàn và nguy hiểm" đối với những ai quý trọng tự do, như lời cảnh báo của Tổng thống Franklin Roosevelt.

Mối đe dọa thứ hai đến từ các vấn đề xuyên quốc gia, những vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi đặt trong bối cảnh cạnh tranh hệ thống. Covid-19 không chỉ là một đại dịch chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ, nó còn thách thức ý tưởng rằng các nền dân chủ có thể phản ứng hiệu quả để giải quyết những mối nguy lớn mà người dân phải đối mặt. Tham nhũng xuyên biên giới không chỉ đe dọa sự hiệu quả của chính quyền, mà còn là một công cụ mà Moskva, Bắc Kinh, và các nền độc tài khác có thể tận dụng để mở rộng ảnh hưởng và làm suy yếu các đối thủ. Sự phân tách giữa hai vấn đề cạnh tranh nước lớn và các vấn đề xuyên quốc gia là điều không nên, vì các nền dân chủ không thể thắng thế trong vấn đề cạnh tranh nước lớn nếu không giải quyết được các vấn đề xuyên quốc gia.

Mối đe dọa thứ ba là sự xói mòn từ bên trong các nền dân chủ. Trong những năm gần đây, nước Mỹ đã chứng kiến việc bầu cử một tổng thống có bản tính phi tự do và một nỗ lực ngang ngược nhằm lật đổ kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ. Xuyên suốt các nền dân chủ, tư tưởng phi dân chủ và sự bất mãn với các bộ máy nhà nước dân cử đã lên đến mức cao chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Các xu hướng này rất nguy hiểm vì chúng khiến nước Mỹ và đồng minh dễ bị tổn thương trước các âm mưu của các nhà độc tài. Có thể nói, khủng hoảng dân chủ ở trong nước cũng tương tự như khủng hoảng của ảnh hưởng dân chủ trên thế giới.

Học thuyết Biden

Ba thách thức trên cần biện pháp giải quyết ba bước – những điều phần nào đã được nhìn thấy trong các bước đi đầu tiên của chính quyền Biden. Thứ nhất, nước Mỹ phải củng cố sự liên kết và dẻo dai để chống lại các đối thủ chuyên chế và biến sự đoàn kết giữa các nền dân chủ trở nên mang tính toàn cầu vì nhiều phương diện của các mối đe dọa cần một phản ứng toàn cầu để có thể giải quyết. Thứ hai, Mỹ phải lãnh đạo các nền dân chủ thế giới giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia mà không nước nào có thể tự mình giải quyết. Và Mỹ phải xây dựng "thế mạnh" để sẵn sàng cạnh tranh toàn cầu bằng việc tái đầu tư vào năng lực cạnh tranh của chính mình và cho thấy rằng các nền dân chủ vẫn có thể mang lại lợi ích cho người dân.

Chính sách ngoại giao của Biden đã tập trung vào việc áp dụng khái niệm tổng quát về chiến lược Mỹ, có nguồn gốc từ sự thật không thể chối cãi rằng sự thượng tôn dân chủ gặp nhiều thách thức chưa từng thấy trong nhiều thế hệ. Trong khi các mối quan hệ ngoại giao tồi tệ nhất của Trump là với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, thì Biden đã chủ trương hàn gắn các liên minh như là những tấm khiên bảo vệ hàng ngũ các nền dân chủ. Ông đã tìm cách xoa dịu các tranh chấp ngoại giao và thương mại với Châu Âu để giúp tạo nên một mặt trận thống nhất chống lại Nga và Trung Quốc, đồng thời hợp tác với các đồng minh ở Châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để ra hiệu với Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng những khiêu khích chống lại Đài Loan sẽ buộc họ phải trả giá đắt. Một cuộc gặp thượng đỉnh sớm của nhóm G7 đã đạt được tiếng nói chung về mối đe dọa từ Trung Quốc và các kế hoạch cho một chương trình phát triển hạ tầng ưu tiên phát triển các dự án chất lượng cao và minh bạch cho các nước đang phát triển. Đây có thể xem là câu trả lời của các nền dân chủ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Chính quyền Biden cũng đã xây dựng các trọng tâm nhằm đối diện với các thách thức toàn cầu. Dưới chính quyền Biden, Bộ Tứ và nhóm G7 đã ra tuyên bố phân phối gần hai tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho các nước đang phát triển. Chính quyền Biden đang chuẩn bị thúc đẩy hợp tác đa phương chống lại tham nhũng và các dòng tiền phi pháp mà Tống thống Nga Vladimir Putin, cùng những nhà độc tài khác, đã sử dụng thành thạo như một vũ khí. Mặc dù Biden đã đề xuất một "hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ" toàn cầu để giải quyết các vấn đề nói trên và những vấn đề khác, hiện tại ông đang tận dụng các nhóm nhỏ hơn nhưng có sẵn để đạt được những thành quả cụ thể trong ngắn hạn nhằm tạo tiền đề cho các nỗ lực lớn hơn sau này.

Biden đã áp dụng cách tiếp cận tương tự trong phương diện cạnh tranh công nghệ. Hiện tại chính quyền Biden đã bớt quan tâm đến việc tạo ra nhóm D-10 hay T-12, hay là các liên minh dân chủ chính thức để chống lại các ảnh hưởng của các nước chuyên chế trong mảng công nghệ. Họ hiện đang làm việc với các quốc gia và nhóm riêng biệt, bao gồm Hàn Quốc về công nghệ bán dẫn, 5G, và 6G, với EU trong việc liên kết công nghệ và chính sách thương mại, với Nhật để đảm bảo hệ thống internet toàn cầu mở, và với NATO để chống tấn công mạng và thông tin giả. Những điều này nhằm giúp xây dựng hợp tác dân chủ từ dưới lên.

Cùng lúc đó, chính quyền Biden đã phản kháng, đôi khi thông qua các kênh đa phương, chống lại những hình thức đàn áp nghiêm trọng nhất của các nhà độc tài. Biden được cho là đã cảnh báo Putin về những hậu quả nghiêm trọng nếu việc Nga tấn công các hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu vẫn tiếp diễn. Washington cùng tham gia với Liên minh Châu Âu trừng phạt Belarus sau khi chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko buộc một chuyến bay quốc tế phải hạ cánh nhằm bắt giữ một nhà bất đồng chính kiến bị truy nã. Đây là một ví dụ của sự đàn áp ở nước ngoài mà Nga, Trung Quốc, và các nền độc tài chuyên chế khác đang dùng để săn tìm những người chỉ trích và củng cố quyền lực. Chính quyền Biden cũng làm việc với Canada, Anh, và EU để trừng phạt các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến sự đàn áp đáng ghê tởm ở Tân Cương. Điều này đã kích động phản ứng "ngoại giao chiến lang" từ Trung Quốc và phá vỡ một thỏa thuận đầu tư được ký giữa Trung Quốc và EU chỉ vài tháng trước.

Ở trong nước, Biden đã theo đuổi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học, cơ sở hạ tầng vật lý lẫn công nghệ số, và những mảng khác để cải thiện khả năng cạnh tranh và giải quyết sự bất mãn của tầng lớp lao động và trung lưu. Lời hứa của Biden về "chính sách ngoại giao cho giới trung lưu" được dùng để cho người dân thấy rằng việc can dự với thế giới sẽ có lợi cho các gia đình trung lưu. Các quan chức chính quyền Biden cũng lập luận rằng việc thúc đẩy mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp các nền dân chủ đầu tư nhiều hơn cho người dân. Từ góc nhìn của Biden, các biện pháp này đại diện cho "khoản đặt cọc" nhằm cải cách và hồi sinh trong nước, điều từng giúp các nền dân chủ chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Những thách thức đối với chính quyền Biden

Nhưng khi những đường nét đầu tiên của một chiến lược đang được định hình, thì những thách thức và hạn chế cũng dần xuất hiện. Điều rõ ràng nhất là những định hướng của Biden sẽ nhận được những phản hồi trái chiều. Chiến lược Biden có tiền đề dựa trên việc Mỹ có thể ngăn cản bước tiến của các chế độ chuyên chế thông qua liên kết chặt chẽ hơn với các nước dân chủ. Nhưng việc hạn chế quyền lực của Trung Quốc và Nga về phương diện quân sự và chính trị cũng cần sự hợp tác với các chính quyền bán dân chủ hay chuyên chế như ở Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, và Philppines. Đây không phải là vấn đề chết người, vì Washington đã từng lấy việc liên minh với các nền dân chủ làm chiến lược nền tảng trong Chiến tranh Lạnh trong khi vẫn xây dựng các mối quan hệ hiệu quả, tuy mang tính "đổi chác" với các chính quyền bán dân chủ hay thậm chí với các quốc gia độc tài. Nhưng điều này nhấn mạnh sự thật rằng không có một giải pháp duy nhất để có thể xây dựng được tất cả các liên minh, và các chiến lược có nguyên tắc vẫn cần đi kèm các thỏa hiệp thực dụng.

Thậm chí với các đồng minh dân chủ, việc đạt được đồng thuận có thể khó khăn hơn những dự báo của chính quyền Biden. Biden có thể nhanh chóng đạt được lợi ích bằng việc ngừng các cuộc thương chiến với EU hay ngừng ca ngợi nhà độc tài ở Nga. Đặc biệt với Châu Âu, khả năng hợp tác là rất rõ ràng trong những vấn đề như sàng lọc các nguồn đầu tư. Nhưng việc đạt được đồng thuận giữa các nền dân chủ vẫn là thách thức. Các quốc gia mạnh về xuất khẩu ở Châu Âu đang đánh cược phục hồi kinh tế hậu đại dịch dựa vào người tiêu dùng Trung Quốc. Thêm vào đó, vẫn có những chia rẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương về quyền riêng tư, dữ liệu, và các vấn đề khác về công nghệ. Việc ra tuyên bố chung về việc Trung Quốc gây hấn với Đài Loan hay việc Trung Quốc cưỡng bức kinh tế với Úc là điều tương đối dễ dàng. Cái khó là việc đạt được các biện pháp rõ ràng và mang tính đa phương. Và việc chuẩn bị thế giới tự do chống lại một mối đe dọa này sẽ làm việc phản ứng chống lại các mối đe dọa khác trở nên yếu hơn. Một ví dụ cụ thể là việc chính quyền Biden ngừng phản đối đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 để lôi kéo Đức đồng thuận về vấn đề Trung Quốc, nhưng điều này sẽ cho phép Nga gia tăng sức ép với các nền dân chủ ở Đông Âu.

Việc tập trung giải quyết vấn đề tư tưởng và công nghệ cũng có thể làm chính quyền Biden lãng quên các mối nguy quân sự. Nước Mỹ vẫn có thể thua cuộc cạnh tranh hệ thống nếu thất bại trong việc kiềm chế các nhà chuyên chế hung hăng và bảo vệ các tiền đồn dân chủ ở Đông Âu và Tây Thái Bình Dương. Một ủy ban lưỡng đảng về chiến lược quốc phòng Mỹ cảnh báo vào năm 2018 rằng nước Mỹ đơn giản là không có đủ sức mạnh quân sự để thỏa mãn các cam kết quân sự ở khu vực rìa Á – Âu. Lầu Năm Góc cũng đang đối diện với những điểm yếu quân sự ngày càng tăng ở eo biển Đài Loan. Nhưng chính quyền Biden chưa cho thấy sự cấp bách trên phương diện quân sự. Ngân sách quốc phòng đầu tiên của chính quyền Biden vẫn đi ngang và làm suy yếu các biện pháp ngắn hạn để củng cố vị thế quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Dù sự cạnh tranh hiện tại bao hàm không chỉ khía cạnh sức mạnh quân sự, nhưng các giá trị dân chủ không đủ để bảo vệ thế giới tự do trong một cuộc đấu súng.

Cuối cùng, sự liên kết giữa phương diện đối ngoại và đối nội của chiến lược Biden không liền mạch như tuyên bố của chính quyền Biden. Theo quan điểm của Biden, cải thiện tình cảnh kinh tế cho giới trung lưu là một biện pháp chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa Trump và là một cách nhằm củng cố nền tảng nội địa của chính sách ngoại giao Mỹ. Nhưng trong số các biện pháp thực tế đang có cả chính sách "mua hàng Mỹ", điều không khác so với chính sách "nước Mỹ trên hết" của Trump, và một chính sách thương mại không thuyết phục làm nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Châu Á, băn khoăn liệu có phải nước Mỹ đã thật sự quay lại hay chưa. Nếu chiến lược của chính quyền Biden không hỗ trợ cho một định nghĩa về sự giàu có mở rộng và tham vọng, thì nó sẽ không có nhiều ảnh hưởng đối với sự liên kết và quyền lực của thế giới tự do.

Nhưng ít nhất chúng ta phải thừa nhận là Biden đã nhận biết được chính xác thách thức bao trùm nhất của thời đại này. Bây giờ mới đến phần khó khăn. Ông phải thực thi chiến lược, và phải làm sao để nó hoạt động hiệu quả.

Hal Brands

Nguyên tác : "The Emerging Biden Doctrine", Foreign Affairs, 29/06/2021.

Ngô Việt Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/07/2021

Hal Brands là giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học John Hopkins, nhà nghiên cứu thuộc viện American Enterprise Institute, và là một ký giả của Bloomberg Opinion.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hal Brands, Ngô Việt Nguyên
Read 2081 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)