Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2021

Chống covid : chính quyền Sài Gòn phát biểu lung tung

Gió Bấc - Jackhammer Nguyễn - Viên Sự

Covid 19 : Chống dịch có nên như chống giặc ?

Gió Bấc, RFA, 10/07/2021

"Chống dịch như chống giặc" là đươc xem phương châm, là khẩu hiệu, là chìa khóa thành công của Việt Nam từ lâu nay. Đợt dịch thứ 4 này chống dịch như chống giặc bộc lộ nhiều bất cập, càng chống mạnh, dịch càng tăng nhanh, số ca nhiiễm mỗi ngày đã vượt qua 4 con số, mặt khác gây ra nhiều hệ quả xấu đến kinh tế, xã hội, đời sống, sức khỏe người dân.

chong1 (2)

"Chống dịch như chống giặc" là đươc xem phương châm, là khẩu hiệu, là chìa khóa thành công của Việt Nam từ lâu nay.

Các nước trên thế giới và ngay cả WHO đều đưa ra các giải pháp chống dịch như giãn cách xã hội, 5K, vacxin, chưa có đâu đề ra đươc phương châm "chống dịch như chống giặc" độc đáo như Việt Nam.

Chống dịch : thành tích ngạo nghễ

Năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hã hê với thành quả chống dịch như chống giặc và ngạo nghễ phát ngôn "cây cột điện bên Mỹ cũng muốn chạy sang Việt Nam".

Chừng như phương châm này ngầm định niềm tự hào chính trị truyền thống của đảng, từng giành chính quyền trên tay Nhật, đánh thắng hai dế quốc Pháp và Mỹ dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn. Chống dịch không chỉ là chuyện cứu dân mà còn là thành tích diệt giặc của người làm tướng.

Năm nay, đối đầu với đợt dịch thứ 4, tân Thủ tướng Phạm Minh Chinh tiếp tục phương châm đó và còn bổ sung bằng những lý luận hoành tráng tóe lửa hơn : "Ngoài các phương châm phòng chống dịch đã có, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị bệnh ; kế thừa truyền thống của cha ông ta trong đánh giặc là vừa kết hợp chiến tranh hiện đại với bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh" (1).

Những khẩu hiệu chính trị mang tính nghị quyết này có thể áp dụng cho bất cứ lĩnh vực nào vì trên không đụng trời dưới không đụng đất nhưng diễn giải thành ra nhưng biện pháp chống dịch thì có lẽ ngoài khả năng của các thầy thuốc thông thường.

Qua những biện pháp đã áp dụng có thể hiểu nôm na là huy động toàn bộ sức mạnh, lực lượng toàn dân và hệ thống chính trị tham gia. Sẳn sàng áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhất, chấp nhận tổn thương, tốn kém cho dù xác đinh mục tiêu kép và dập dịch nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Chống dịch không thể giết người

Tuy nhiên, đó chỉ là mong muốn chủ quan của giới lãnh đạo. Suy ngẩm lại chín chắn, đối chiếu cả lý luận và thực tiển thì dịch và giặc có nhiều khác biệt. Giặc dù ngoại xâm hay nội chiến là những con người, có thể tiêu diệt, khuất phục bằng sức mạnh, bằng mưu kế, bằng tuyên truyền tâm lý… Dịch là virus nhỏ đến gần như vô hình sống ký sinh trên cơ thể của con người, chúng phát sinh, lây nhiểm, phân hủy theo các quy luật tự nhiên. Ngăn chặn, khống chế dịch phải bằng phương pháp, phương tiện khoa học phù hợp, chính xác để khống chế, phân hũy virus và bảo vệ con người nhất là những người đang là nguồn lây lan virus. Mỗi sai lầm trong giải pháp chống dịch đều sẽ gây tổn thương, thiệt hại cho con người, đối tượng mà ta đang bảo vệ.

Virus không thể khuyến dụ bằng tuyên truyền nghị quyết hay trấn áp tinh thần bằng biểu tình, khẩu hiệu.

Người nhiễm virus là nguồn truyền cho người khác nhưng không thể giết chết, đe dọa, dụ dỗ họ để ngăn chặn sự lây truyền mà phải bảo vệ, điều trị, hướng dẫn cho hô tự điều trị, tự giác thay đổi hành vi để hạn chế lây lan cho bản thân và cộng đồng.

Chính vì vậy, lực lượng chống dịch không cần đến toàn hệ thống chính trị mà phải là lực lượng tinh chuyên về y học, dịch tể học… phối hợp các chuyên ngành liên quan về kinh tế, xã hội. Người quyết định các mục tiêu, giải pháp chiến lược phải là những nhà chuyên môn. Lãnh đạo chinh` trị, lãnh đạo quốc gia chỉ là ngưởi huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các quyết sách ấy. Nếu ý chí chính trị đặt lên trên các nguyên tắc, giải pháp khoa học sẽ gây hậu quả tai hại khôn lường.

Áp đặt chính trị lên trên y học

Kinh nghiệm từ Mỹ cho thấy khi cựu Tổng thống Trump xem thường các khuyến cáo của các nhà khoa học, không mang khẩu trang, kích động khuyến khích người dân tụ tập biểu tình, bộ máy điều hành chống dịch bị vô hiệu dẩn đến hậu quả dịch tàn phá nước Mỹ, 600.000 người Mỹ tử vong. Sau gần 6 tháng Tổng thốngBiden nổ lực thực hiện các chính sách chống dịch, thúc đẩy tiêm chủng vacin, dịch đã bị khống chế.

Ngay dưới thời Trump, trong những vấn đề chiến lược thì ý chí, quyền lợi chính trị của Trump cũng không vượt qua đươc các chế định y học. Trump rất cần và rất muốn có loại Vaxcin nào đó đươc đưa vào sử dụng trước ngày bầu cử. Và có lẽ chỉ cần có vaxcin trước bầu cử một tuần thôi, Trump sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, quyền quyết định chuyện vaxcin nằm ngoài tầm với, ngoài quyền lực của Trump mà hoàn toàn tùy thuộc vào cơ quan FDA và CDC.

Nhưng ở Việt Nam, với tinh thần chống dịch như chống giặc thì mọi quyết định tùy thuộc vào ý chí, quyền lực chính trị ngay cả những vấn đề chuyên môn nhất.

Điển hình là việc sản xuất và sử dụng vacxin. Doanh nghiệp sản xuất vaxcin Nano Covax đã không ngần ngại gởi văn bản thẳng đến Thủ tướng Chính Phủ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp mà không cần thông qua Bộ Y tế vì cho rằng thủ tuc hành chính rườm ra nhiêu khê mất thời gian.

Trong thái độ thẳng thắng hiếm có, Bô Y tế đã khẳng định rằng Nano Covax chưa đủ điều kiện cấp phép vì chưa có báo cáo khoa hoc gian đoan 2, mới bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 3. Ý kiến này đươc nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đồng tình ủng hộ vì phù hợp với các quy tắc y học và có trách nhiệm với sức khỏe của người dân.

Các chuyên gia rất ủng hộ vacxin nội, nhưng cho rằng vaxcin không cần rẻ mà cần chất lượng tốt nhất ngặn chặn dịch và bảo đảm sức khỏe người dân. Chất lượng ấy phải dược chứng minh bằng khoa học.

Thế nhưng bằng sự quyết đoán chính trị, ông Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bô Y tế phải cử người tham gia với doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vacxin và ra thời hạn cuối cấp phép sử dụng vaxcin là tháng 6/2022. Theo các quy định của WHO và quốc tế, việc cơ quan quản lý cùng tham gia với doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vacxin là vi phạm nguyên tắc xung đột lợi ích trong quy trình đánh giá cấp phép. Việc định mốc thời gian cấp phép sử dụng vaxcin ngay trong giai đoạn nghiên cứu là không có căn cứ khoa học nào. Nếu thực hiện đúng theo chỉ đạo này, vaxcin Nano Covax được đưa vào sử dụng thì sẽ tạo nguy cơ rất lớn cho sức khỏe, tính mạng người dân.

Một trường hợp điển hỉnh khác cho thấy ý chí chính trị áp đặt lên lĩnh vực chuyên môn y học trong chống dịch là trường hợp Phú Yên

…Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc - giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên - báo cáo toàn tỉnh Phú Yên đã có 301 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (tử vong 1 ca) tại 7/9 huyện, thị xã, TP của tỉnh. Hiện đã truy vết được 3.050 F1, hơn 9.800 F2". Do số F1 hiện nay cách ly khá cao, hơn 3.000 người, nên khả năng kết quả xét nghiệm lần 2, lần 3 của nhóm đối tượng này có thể thêm nhiều người dương tính với SARS-CoV-2, đồng thời có thể có F1 khai báo chưa đầy đủ nên trong cộng đồng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn dịch cao". Bà Ngọc đề nghị Bộ Y tế cho phép để các trường hợp F1 cách ly tại nhà, ông Ông Đỗ Xuân Tuyên - thứ trưởng Bộ Y tế, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 trả lời : "Về đề xuất cho cách ly F1 tại nhà, đến nay Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới chỉ đạo cho Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm, một số địa phương khác cũng có đề xuất như vậy và chúng tôi đang tổng hợp, báo cáo để Phó thủ tướng xem xét, chỉ đạo bộ xây dựng quy định về cách ly F1 tại nhà" (2).

Một Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Ban Chỉ đạo Trung Ương không thể quyết đoán vấn đề thuần túy chuyên môn trong chống dịch.

Bất chấp hậu quả chết người

Trong khi đó, tình trạng cách ly F1 tràn lan đang là nút thắt nghiêm trọng, có thể nói là sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Hơn hai tháng qua, cả nước đang chống dịch theo chiến lược xét nghiệm, tìm F0, truy vết và cách ly F1. Khu vực có người nhiễm virus bị phong tỏa dù là chợ búa, trường học, bệnh viện, khu dân cư đã xảy ra nhiều hệ quả xấu đến đới sống người dân và kinh tế xã hội.

Dịch bùng phát lan rộng, số người F1 bị cách ly tăng lên theo cấp số nhân so với số F0. Những khu cách ly lập ra vội vã, thiếu các điều kiện vệ sinh tối thiểu, thiếu đội ngủ chăm sóc y tế gây ra thảm cảnh lây chéo nên bị người dân gọi là "ổ ấp dịch". Theo số thống kê của Bộ Y tế hàng ngày, thì có đến khoảng 90% số nhiễm mới nằm trong khu cách ly, phong tỏa.

Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19, sau khi kiểm tra thực tế một số khu cách ly được trưng dụng từ ký túc xá các trường đại học trên địa bàn Thành phố đã nhận định "Việc bố trí phòng cách ly chưa đảm bảo khoảng cách, đặc biệt việc dùng chung nhà vệ sinh, nhà tắm trong khu cách ly tiềm ẩn nguy cơ lây chéo cao (3).

Một hệ quả khác của tình trạng cách ly phong tỏa tràn lan là có đến gần 50% số bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa. Hệ thống bệnh viện này thông thường vốn chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bênh, tình trạng sắp hảng chen chúc diễn ra hàng ngày giờ lại giảm phân nửa dẩn đến tình trạng nhiều người bệnh khác tử vong hoặc bệnh nặng hơn do không đươc điều trị.

Nhà báo Trương Hiệu, báo Kinh Tế Đô Thị viết trên fb về hoàn cảnh thương tâm của một đồng nghiệp "Anh Thanh là phóng viên báo Nhân Đạo. Khu nhà anh ở trong quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa. Khi vợ anh sốt, ho, tức ngực thì gia đình báo cán bộ y tế phường, quận nhưng không ai xuống vì khu vực đang phong tỏa không cho ai vào, ra.

Hôm qua khi vợ anh yếu hẳn thì lực lượng y tế xuống chở đi bệnh viện, nhưng không cứu kịp. Khám nghiệm tử thi, thông báo vợ anh không bị mắc Covid-19.

Vì khu cách ly nên chính quyền cho gia đình anh Thanh trong vòng 24 giờ mang xác người mất đến chùa liệm rồi mang đi thiêu. Thời gian ngắn nên bà con xa không kịp về. Chỉ một vài người trong gia đình gấp gáp làm tang lễ tiễn người đã mất.

Qua điện thoại, anh Thanh cho biết vì gia đình trong khu cách ly nên phải chấp nhận những quy định như vậy. Người mất đi không kịp thời gian cho người còn sống đến viếng tang tiễn biệt lần cuối" (4).

Việc cách ly, phong tỏa diện rộng này đã tạo nhiều phản ứng mà nghiêm trọng nhất là ngày 23/6, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận phát hiện có 1 trường hợp dương tính là nữ bác sĩ làm việc tại Khoa Sản. Ngay lập tức, các ngành chức năng đã tiến hành phong tỏa, cách ly toàn bộ bệnh viện gồm 1.637 người từ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nuôi bệnh cách ly trong 7 ngày là .Ngày 1/7, báo chí đưa tin Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận có vụ việc "500 trăm người chui lỗ, vượt rào trốn khỏi bệnh viện" (5).

Mất chức vì trái ý cấp trên

Trước thực tế cách ly tập trung F1 không ngăn đươc dịch ngược lại gây nhiều hậu quả xấu, dịch đang lan rộng trong cộng đồng, ngày 25-6 bác sĩ Nguyễn Trí Dũng Giám đốc HCDC đã có ý kiến về một phương án khác

"Bên cạnh phương án truy vết, khoanh vùng nhanh nhất như hiện nay, có thể chúng ta cần tính tới phương án sống chung với lũ. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm những con rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước", bác sĩ Dũng nói và cho rằng đây là ý kiến của cá nhân mình.

Bác sĩ Dũng cho rằng thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm" (5a).

Đây không chỉ là ý kiến cá nhân như bác sĩ Dũng đã nói khiêm tốn mà còn là suy nghĩ chung của nhiều chuyên gia lâm sàng, có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh như bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phan Xuân Trung, đặc biệt là bác sỹ Phạm Ngọc Thắng từng có thư ngỏ gởi Thủ tướng Phạm Minh Chính với những đề xuất chi tiết theo phương án này.

Nhưng có lẽ trung ngôn nghịch nhỉ nên lập tức ngay sau đó có dư luận râm ran là bác sĩ Dũng bị kỷ luật.

Ngày 7/7, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh đã ký quyết định phân công Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp Ban Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc phân công công tác của Sở là hết bình thường. Bởi hiện đang giai đoạn chống dịch căng thẳng và quyết liệt, Ban giám đốc Sở Y tế phân người đến HCDC để cùng HCDC chống dịch và sâu sát hơn (6).

Nhưng sau đó, lại có quyết định điều chuyển bác sĩ Nguyễn Trí Dũng về là Phó Giám đốc một trung tâm Kiểm định. Bác sĩ Dũng không phải là người duy nhất bị "sát thương" trong chống dịch. Bắc Giang và một số địa phương khác cũng đã có cán bộ lãnh đạo bị kỹ luật vì làm trái ý cấp trên.

Gây gổn thương lâu dài

Với ý chí chống dịch như chống giặc, cần phải mạnh tay hơn, chiến lược sàng lọc F0, truy vết F1, F2, cách ly phong tỏa đã tiếp tục lan rộng trong cả nước và đặc biệt là điểm nóng Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô lớn huy động nguồn nhân lực của nhiều địa phương đặc biệt là chiến dịch đưa 500 sinh viên Hải Dương mở "Đường mòn Hồ Chí Minh trên không" vào giải phóng Sài Gòn tạo ra dư luận bất bình, gây bất hòa giữa hai miền Nam Bắc, tạo ra chấn thương tâm lý sâu sắc vùng miền. Mới đây, MC Trác Thúy Miêu đã thành nạn nhân bị cơ quan quản lý đề nghị xử phạt vì viết bình luận trên Facebook (7).

Việc mở đường trên không để chống dịch như chống giặc bất thành nhưng lại hồi sinh sự chia cắt của con sông Bến Hải trong lòng dân tộc.

Cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục. Thành phố Hồ Chí Minh đang oằn mình chịu đựng thêm hai tuần cách ly để thực hiện cuộc chiến đại tốn kém nhất lịch sử, xét nghiệm trên 10 triệu người để quét sạch F0. Trận đánh mà ông tân Phó Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi : 'Có thể đây là trận chiến cuối cùng' (8).

Chỉ có những người muốn làm vua mới cần thắng giặc, cần ra tay chống dịch như chống giặc. Người dân rất sợ dịch, chỉ cần chống dịch cho hiệu quả và giảm tốt thất về nhân mạng, sức khỏe và cả miếng cơm manh áo. Vì như Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết

nghĩ cho cùng

mọi cuộc chiến tranh

phe nào thắng thì nhân dân đều bại

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 10/07/2021 (Gió Bấc's blog)

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-can-tap-trung-chong-dich-tai-tp-hcm...

(2) https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-y-te-noi-gi-ve-viec-phu-yen-de-nghi-cho...

(3) https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguy-co-lay-nhiem-cheo-trong-khu-cach-ly-t...

(4) https://www.facebook.com/hieu.truong.370

(5) https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/so-y-te-binh-thuan-len-tieng-vu-500-ng...

(5a) https://vnexpress.net/giam-doc-hcdc-co-the-phai-tinh-phuong-an-song-chun...

(6) https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-pho-giam-doc-so-y-te-duoc-phan-cong-den-hcdc-chi-dao-chong-dich-covid-19-1410416.html

(7) https://tuoitre.vn/de-nghi-xu-ly-mc-trac-thuy-mieu-dang-bai-tren-faceboo...

(8) https://vtc.vn/pho-bi-thu-tp-hcm-phan-van-mai-co-the-day-la-tran-chien-c...

*********************

Loạn Covid và phát biểu mê sảng của lãnh đạo cộng sản Việt Nam, báo hiệu điều gì ?

Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 09/07/2021

Chủ tịch thành Hồ, ông Nguyễn Thành Phong kêu gọi , rằng mỗi người dân thành phố này hãy là một chiến sĩ ! Quái lạ, chiến sĩ đánh nhau với ai ? Chiến hạm Trung Quốc vào tới… cảng Nhà Rồng ?

À không, ông chủ tịch kêu gọi chống dịch Covid-19. May mà ông chưa tuyên bố … nắm lấy thắt lưng con virus mà đánh !

saigon1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Chủ tịch thành Hồ Nguyễn Thành Phong.

Nhưng virus lại thoắt ẩn, thoắt hiện còn hơn cả những du kích quân Cộng sản thế hệ tiền bối của ông Phong nữa, làm sao mà đánh đây ?

Trong chiến cuộc Việt Nam, các du kích quân có hai thứ rất lợi hại để chiến thắng, đó là vũ khí tối tân của Nga Xô, và chiến thuật tuyên truyền rất hữu hiệu. Trong thời bình, Đảng và Nhà nước (cộng sản) của ông Phong, cùng các đồng chí của ông vẫn còn hai thứ vũ khí đó để đàn áp bọn "phản động", bọn "diễn biến hòa bình", bọn "cách mạng màu"…

Nào là dùi cui, nào là máy phá sóng điện thoại, các đội công an cơ động trang bị tận răng. Rồi biệt đội "dư luận viên" Lực lượng 47 (cảm hứng từ khẩu AK47 lừng danh của du kích cộng sản), tác chiến, tấn công mạng…

Nhưng hai thứ bửu bối đó đều thúc thủ trước con virus Covid-19 bé xíu, vào ra trại giam, bệnh viện như chỗ không người, từng tấn công cả một ủy viên trung ương (có thể là nhiều hơn một).

Có thể hiểu rằng, ông Phong, cũng như nhiều đồng chí, đồng mộng, đồng phe với ông, vẫn còn tâm lý chiến tranh cách mạng, như tôi từng nêu ra trong bài viết gần đây "Cái nắm đấm đẫm lệ và chủ nghĩa tư bản Vượng Vin". Chúng ta hiểu rằng, ông Phong bảo các công dân thành Hồ hãy tuân theo chỉ dẫn chống dịch, hãy có kỹ luật, hãy tích trữ lương thực chờ giới nghiêm,… nói chung, như một chiến sĩ, theo cái nghĩa đen của nó, chứ không phải súng đạn, người giết người như nghĩa bóng, ẩn dụ.

Nhưng đoạn phát biểu sau đây của đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính thì phải hiểu ra làm sao ? Hãy xem đoạn dẫn sau đây trên báo Chính phủ :

"Ngoài các phương châm phòng chống dịch đã có, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị bệnh ; kế thừa truyền thống của cha ông ta trong đánh giặc là vừa kết hợp chiến tranh hiện đại với bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh".

Hãy đặt câu hỏi cho vài "ý tưởng" của ngài thủ tướng xem sao.

– Truyền thống và hiện đại : Ý thủ tướng nói là kết hợp thuốc đông y và vaccine ? Đọc lại lịch sử Việt Nam, thì có những ghi chép về dịch bệnh, nhưng không thấy thuốc men gì cả, sau khi dịch giết chết một số đông cư dân, số còn lại miễn nhiễm thì dịch hết. Đó là ngày xưa, dân cư thưa thớt, phải đi xe thổ mộ cả ngày từ Bình Điền vào quận Nhất, nay virus đi theo xe gắn máy, máy bay,… thì làm sao mà kết hợp ?

– Phân tán và tập trung : Ý ông Chính nói là tập trung những người bị bệnh lại và phân tán những người không bị bệnh ra ?

– Bộ đội chủ lực và du kích : Ý ông thủ tướng, vaccine là bộ đội chủ lực ; còn xét nghiệm là du kích ? Hay ông nói bác sĩ y tá điều trị bệnh nhân là chủ lực, còn 300 em học sinh Hải Dương "đường mòn Hồ Chí Minh trên không" là du kích ?

Quả là không thể dùng một loại logic ngôn ngữ bình thường nào để có thể hiểu cao kiến của thủ tướng, vốn xuất thân từ một viên công an từ Thanh Hóa.

Chỉ có thể hiểu là, lại một lần nữa, ông Phạm Minh Chính lại chơi trò ghép từ như các đồng chí của ông, từ đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cho tới ông bí thư xã. Đó là một loại từ điển, một loại cẩm nang từ ngữ cách mạng vô sản, chiến tranh cách mạng… mà khi cần thì các ông ghép lại với nhau, thành một thứ diễn văn trị bá bệnh cho "công tác tuyên truyền", từ "chống diễn biến hòa bình", cho đến chống lạm phát ; từ chống tham nhũng, cho đến công nghiệp hóa quốc gia.

Nay lại đến chống dịch Covid-19. Nhưng dịch Covid-19 không phải là một cuộc chiến với đối thủ cụ thể mà tấn công, du kích hay tổng lực, nó cũng không phải kiểu vô thưởng vô phạt như bầu cử Quốc hội cho vui, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. 

Dịch Covid là chết người, là hết sạch giường nằm và máy thở trong bệnh viện, là hàng nấm mồ tập thể không kịp đào !

Thế cho nên, bên cạnh các phát biểu đầy tính "nâng quan điểm giai cấp đấu tranh cách mạng" của các ông Nguyễn Thành Phong, Phạm Minh Chính,… là tình trạng thực tế rất bi đát của dịch bệnh, có thể kể ra vài sự việc tiêu biểu như sau :

– Xếp hàng chích ngừa và xét nghiệm chật như nêm. Thuốc chưa kịp có hiệu quả thì virus hẳn đã bùng phát trong đám đông.

– Cấp giấy chứng nhận xét nghiệm như một loại căn cước đi xin việc, một loại giấy thông hành đi lại lúc giới nghiêm. Nhà cầm quyền không hiểu là người có xét nghiệm âm tính có thể nhiễm virus sau đó vài giây.

Việc rối loạn vì dịch Covid-19 ở thành Hồ và Việt Nam hiện nay gợi nhớ hình ảnh Đông Âu cộng sản sụp đổ, vì nhà cầm quyền không biết phải làm gì trước sự tan rã mà họ không hiểu.

Tình trạng dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay, với trên dưới 1000 ca nhiễm mỗi ngày, không đến nỗi bi đát cho nhà cầm quyền cộng sản như vậy. Lệnh giới nghiêm và phong tỏa sẽ giúp kéo dài thời gian, chờ đợi vaccine tới, dù muộn, mà trớ trêu lại là các loại vaccine đến từ những nhà nước tư bản. Và cũng chẳng có một tổ chức nào khả dĩ có thể nắm lấy cái khoảng trống quyền lực, nếu nhà nước này sụp đổ.

Nhưng cơn hoảng loạn vì dịch Covid-19 ở thành Hồ, gây ra bởi nhóm cán bộ điều hành quốc gia thiếu kiến thức, thừa mệnh lệnh tuyên truyền chính trị, báo hiệu xã hội Việt Nam cộng sản có thể bị tan rã, hoặc sẽ trở thành một kiểu nhà nước thất bại (Failed State). Vì căn bản của xã hội cộng sản, hệ thống cộng sản là một hệ thống loại trừ (exclusive) đưa đến đỉnh quyền lực những người không có khả năng, chỉ biết hoạt động trong một cái khuôn có sẵn của công thức toàn trị, không đối phó được với những diễn biến của tự nhiên, của xã hội, đòi hỏi phải có kiến thức và tạo cơ hội cho mọi công dân (inclusive) cùng nhau quản trị quốc gia.

Jackhammer Nguyễn

Nguồn : Tiếng Dân, 09/07/2021

**********************

Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh : 'Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ để chống dịch'

Viên Sự, Tuổi Trẻ Online, 07/07/2021

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngay sau khi công bố quyết định giãn cách Thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ thị 16, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chia sẻ đây là quyết định rất quan trọng với Thành phố thời điểm này.

saigon2

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong

Chia sẻ vớiTuổi Trẻ Online về việc nhấn mạnh tại cuộc họp rằng "coi đây là cuộc chiến thật sự", ông Nguyễn Thành Phong nói : "Tôi mong mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch lần này. Đồng lòng cùng thành phố, tuân thủ quy định để chúng ta cùng nhau đi qua dịch bệnh".

Nhắn nhủ với người dân thành phố, ông Nguyễn Thành Phong nói ông rất hiểu nỗi lo lắng của người dân thành ph lúc này, nhất là việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy nhiên, ông đề nghị người dân không chen lấn đổ xô đi mua hàng tích trữ.

"Tôi cam kết là thành phố không thiếu hàng hóa cung ứng cho người dân và sẽ không có việc khan hiếm hàng hóa, nhu yếu phẩm. Người dân hãy yên tâm", ông khẳng định.

saigon3

Ảnh : Ngọc Thành

Trước đó, chiều tối 7/7, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp công bố một số nội dung chỉ đạo quan trọng về công tác chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.

Theo đó, khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người ; chủng biến thể Alpha có thể lây cho 7 người khác, thì chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.

Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch.

Do đó áp dụng chỉ thị số 16 của Thủ tướng 15 ngày trên địa bàn thành phố từ 0g ngày 9/7/2021.

saigon4

Đồ họa: Ngọc Thành

Viên Sự

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 07/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc, Jackhammer Nguyễn, Viên Sự
Read 331 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)