Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2021

Trung Quốc xâm chiếm trên thực tế, Việt Nam chỉ phản đối suông ?

Diễm Thi

Theo bản tin từ Hoàn cầu Thời báo hôm 6 tháng 7 năm 2021, tàu nghiên cứu mới nhất và lớn nhất của Trung Quốc có tên "Đại học Tôn Trung Sơn" sẽ đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng 10 tới để thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên ; nghiên cứu "hơi nước của ranh giới phía tây của Biển Đông cũng như các vùng biển lân cận nhằm cung cấp hỗ trợ khoa học cho việc phòng chống thiên tai".

xamchiem1

Bản đồ Việt Nam bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 10 tháng 7 năm 2013. AFP

Con tàu được coi là phòng thí nghiệm di động cỡ lớn trên biển này dài 113m, rộng hơn 19m được đóng tại nhà máy đóng tàu Giang Nam - Thượng Hải và mới được bàn giao cho các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tôn Trung Sơn vào tháng trước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 8 tháng 7 năm 2021, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc sắp đưa tàu nghiên cứu khổng lồ đến Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố : "Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, là bất hợp pháp và vô giá trị".

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, mỗi lần Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông là Việt Nam chỉ có phản đối miệng, ngoài ra không có hành động phản kháng nào khác. Ông nói :

"Chuyện phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam so với thực tế ngoài Biển Đông thì ai cũng lấy làm lạ là Việt Nam luôn luôn bị gò ép, luôn luôn bị ăn hiếp, bị lấn áp nhưng tại sao người phát ngôn chỉ có một cách là phản đối miệng, còn hành động quân sự, chiến lược quốc phòng như thế nào thì người dân rất mù mờ. Chưa bao giờ có ai nói một cách công khai là Việt Nam sẵn sàng đối phó với Trung Quốc. Việt Nam chỉ nói có đủ quyết tâm, đủ tiềm lực để đánh bại mọi âm mưu xâm lược một cách chung chung. Ai xâm lược Việt Nam thì cũng không biết !".

xamchiem2

Tàu nghiên cứu mới nhất và lớn nhất của Trung Quốc có tên "Đại học Tôn Trung Sơn" sẽ đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng 10 tới để thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên

Có giải thích rằng, cách phản ứng của Việt Nam là để giữ vững quan hệ hữu hảo, không cho Trung Quốc cơ hội vin vào bất cứ cớ nào gia tăng tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam vẫn âm thầm chuẩn bị lực lượng quân sự và quốc phòng để sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu xâm lược. Cũng có nhiều người đánh giá, Việt Nam không thể làm gì khác vì phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc cả chính trị lẫn kinh tế.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam và vấn đề Biển Đông phân tích thêm với RFA qua email :

"Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối và bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, khi Trung Quốc cử một tàu nghiên cứu tiến hành các hoạt động. Nếu Việt Nam im lặng, sau này Trung Quốc có thể lập luận rằng Việt Nam đã chấp nhận các yêu sách về "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông bao gồm cả Hoàng Sa.

Thay vào đó, Việt Nam có thể trình một bản ghi nhớ bổ sung (aide-memoir), ghi chú bằng lời nói hoặc công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Nếu vấn đề được coi là rất nghiêm trọng, Việt Nam nên yêu cầu Đại sứ tại Bắc Kinh phản đối chính thức với Bộ Ngoại giao nước này".

Cũng liên quan Hoàng Sa, mới tháng trước, Tân Hoa Xã đưa tin chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã triển khai dự án gắn thẻ tên nhằm ghi nhận các loài thực vật ở hơn 10 đảo và cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến nay, 500 loài thực vật đã được gắn tên.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 24 tháng 6 năm 2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lại tuyên bố : "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đều vô giá trị, không được công nhận".

Trong khi Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, thì trên đất liền, lãnh đạo cao cấp của Việt Nam lại ca ngợi 100 năm đảng cộng sản Trung Quốc ; ca ngợi thành tựu 70 năm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa…

Ông Đinh Kim Phúc đặt câu hỏi về cách hành xử của giới lãnh đạo Việt Nam :

"Vậy đối ngoại cấp cao giữa hai nước là gì, những thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng, hai Nhà nước là gì ? Không ai biết. Phản ứng của Việt Nam như thế có phản ánh được quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hay không, hay vấn đề này nó nằm một phần trong chiến lược quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc ?

Cách trả lời của Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm này đến năm khác làm cho người dân không biết sự thật, không rõ được quyết tâm bảo vệ tổ quốc của lãnh đạo Việt Nam như thế nào !"

Trung Quốc từ rất lâu đã có tham vọng độc chiếm Biển Đông với "Đường lưỡi bò" tự vẽ bao trọn 75% diện tích mặt nước của Biển Đông.

Đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu tiên trong bản đồ Trung Quốc vào năm 1948 với tên gọi "Đường mười một đoạn". Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập năm 1949 vẫn tự xác định lãnh thổ trên Biển Đông theo đường mười một đoạn này. Đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, trở thành "Đường chín đoạn".

Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Toà Trọng tài ra phán quyết tuyên bố chủ quyền "Đường lưỡi bò" mà Trung Quốc gọi là "quyền lịch sử" là trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ; Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong đường chín đoạn này.

Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa án. Trong thông cáo ra cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định phán quyết này không ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc hôm 2 tháng 6 năm 2020 đã gởi công hàm cho Tổng thư ký Antonio Guterres, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết La Haye năm 2016. Hoa Kỳ đồng thời yêu cầu cho lưu hành công hàm này cho tất cả các quốc gia thành viên như tài liệu chính thức của Đại hội đồng.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 10/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 478 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)